Rất vô tình. Giờ Hợi. Đêm đại hàn gió bấc mưa phùn hơn 30 năm về trước, tôi sinh ra thiếu ngày bên chuồng lợn, mà như lời Mẹ kể, may nhờ hơi ấm ổ rơm đàn lợn con, hài nhi tôi đã được cứu sống.
Tuổi thơ tôi lớn dậy trong ngôi nhà xưa của Cố nội để lại cho Cha Mẹ, cùng bao nhiêu lứa lợn ra đi, bao nhiêu lứa lợn tìm về, đều hoá thân thành tiền thành bạc cho tôi ăn học nên người. Và trong ký ức chen chúc những đôi mắt ủn ỉn ấy, tôi không thể nào quên con Hoa, một con lợn có thân hình lốm đốm bông hoa trắng đen, lạ kỳ mọc lên từ lớp lông mịn màng. Ngày theo Mẹ sang sông lên chợ Cổ Hiền bán đàn lợn con, tôi ngồi bên Mẹ, buồn bã nhìn từng con lợn theo nhau về với tay người cho đến khi người ta ngã giá con Hoa thì tôi đòi mẹ mang lợn Hoa trở về nhà, dù biết rằng làm như thế Mẹ sẽ vơi một chút tiền ăn học gửi cho các anh tôi.
Chẳng những xin Mẹ mang lợn Hoa qua sông quay lại nhà, tôi còn tự mình chăm sóc nó trong một chuồng riêng. Lợn quê nghèo, chỉ có cám, chuối và rau cỏ, nên hàng ngày học về, tôi phải ngồi nhẩn nha cắt từng lát chuối cây, vằm nhỏ, trộn với cám gạo, nấu thành nồi cháo dành ngày ba bữa cho lợn Hoa. Bằng sự chăm sóc hồn nhiên, nhưng chu đáo của tôi, lợn Hoa lớn nhanh cho đến khi thân hình bé bỏng của tôi cưỡi lên lưng, đi quanh vườn rau khoai ăn lá. Thay vì ở trong chuồng chật chội hôi hám, tôi dần tập cho lợn Hoa sống tự do trong vườn, đến lúc ăn thì kiếm máng, đến khi ngủ thì tìm ổ rơm tôi lót sẵn dưới gốc chuối già. Người ta bảo lợn ngu si, lợn phàm ăn vô độ, không quấn quýt bên chủ như loài chó, nhưng trong mắt tôi, lợn Hoa là con vật đầy mẫn cảm. Tôi một lòng xem lợn Hoa là bạn thân trong chuỗi ngày tuổi thơ cô độc, không bè bạn, không anh em vì tất cả đều xa ngái học hành.
Lợn Hoa biết đón tôi vào giờ đi học về, biết buồn bã khi không tôi, như đã có lúc, biếng ăn nhác uống gần hai ngày khi tôi vắng nhà. Và ngược lại, tôi sợ ngày chia tay, tôi sợ bàn cân của những tay lái lợn sục sạo khắp làng quê tìm mua lợn có thể mang lợn Hoa về một lò mổ nào đó. Trong tháng ngày chăm bẵm lợn Hoa, tôi không dám ăn thịt lợn, dù một miếng thịt lợn của những năm 80 không phải là quá dễ dàng tìm thấy trên mâm cơm. Thịt lợn ngày đó, là sản vật chỉ xuất hiện trong dịp giỗ chạp, lễ lạt. Đầu đuôi cúng mâm thượng, thân lợn biến thành các vị món chủ đạo của mâm hạ, nào thịt phay ba chỉ, nào giò hầm thơm ngậy, nướng lá chanh rưng rức mùi vị. Mỗi khi Tết đến, chiều 30 cả làng râm ran tiếng lợn, tiếng người giành giật chia nhau vài ba cân thịt.
Những cái Tết buồn thương quê nhà, đượm mùi vị heo lợn ấy, đã mang lại nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dân làng. Nhưng với tôi, mỗi khi nghe tiếng lợn đớn đau vang lên, mỗi khi nhìn thấy lợn bất lực nằm dưới đòn khiêng người làng mang đi trên đường, lại rùng mình chạnh lòng nghĩ đến thân phận của lợn Hoa, bởi một ngày tăng cân mập béo là một ngày lợn Hoa đến gần với hư không! Lợn Hoa của tôi, đẹp như lợn vẽ, những đốm hoa bé nhỏ trên lưng nay đã nở thành đóa hoa chạy dài từ mõm đến đuôi. Được gội tắm kỹ càng, nên lợn Hoa thơm tho, lắm lúc trở thành chiếc gối mềm dịu ru tôi ngủ.
Và tự hào thay, trong một lần cùng nhau rong ruổi qua vạt khoai vườn nhà, lợn Hoa đã lọt vào mắt ông Đồng - Chủ nhiệm Hợp tác xã làng tôi. Sau một hồi trò chuyện với Cha Mẹ, ông Đồng muốn đưa lợn Hoa dự thi một cuộc thi lợn đẹp toàn xã.
Vận trời khó lường, tôi đâu ngờ ngày khấp khởi mang lợn Hoa đi khoe thiên hạ cũng là ngày tôi và lợn Hoa chia tay nhau. Tôi cùng Cha Mẹ, đưa lợn Hoa xuống xã, trước đêm thi, người ta nhốt nó vào chuồng như bao con lợn của làng khác. Lợn Hoa của tôi, vốn đã quen thả rong, làm sao chịu được cảnh chật chội và tiếng hò hét doạ nạt của mấy tay dân quân trực đêm. Buồn bã hoá giận hờn. Lợn Hoa phá chuồng. Ra đi trong đêm. Không cần đợi sáng mai lên tham dự cuộc thi, bất chấp ước vọng của ông Chủ nhiệm Hợp tác xã, lợn Hoa sẽ mang danh thành tích “lợn khoẻ, lợp đẹp” trong phong trào chăn nuôi xã phát động khắp mười mấy làng.
Oh lợn Hoa! Nếu thính mũi như loài chó, chắc lợn đã nhận biết được đường về nhà, nhưng đằng này, chậm chạp thật thà từng bước đi như vậy, có lẽ nó đã bị bắt hay lưu lạc nơi nao! Nếu thông minh chờ đợi tôi đến, lợn Hoa đâu phải bơ vơ đâu đó trong ánh mắt săn tìm của kẻ lạ! Lợn, vẫn là một con vật ngu si trong các con vật, chẳng nên buồn, hợp tác xã sẽ đền bù mấy chục cân lúa là tốt rồi. Ông Đồng Chủ nhiệm Hợp tác xã an ủi tôi như vậy.
Tôi câm lặng tự trách mình, yêu quý lợn nhưng lại ngã lòng trước chút danh lợi, đã làm cho lợn Hoa không còn nữa. Có lẽ, đó là bài học đầu tiên trong đời tôi về sự sinh tử, về lợi danh và tình yêu thương nhân thế, vừa nghịch cảm vừa tương kính bên nhau. Ngu si là lợn vậy, nhưng không biết bao người, bao gia đình tựa vào lợn mà đứng lên., tựa vào lợn mà bày tỏ lòng mình. Tôi đã xót xa nhìn Cha Mẹ, trong đêm khuya trăn trở quyết định làm thịt một con lợn nhỏ chừng 30 kg, chỉ vì trong nhà chẳng còn gì cả để cho tôi mang quà vào tặng nhà người mình trọ ở phố. Tiếng lợn kêu, bóng Cha già lụi cụi, dáng gầy Mẹ bắc nước luộc lợn đêm ấy, càng buồn thương hơn, tủi hận hơn như giấc mơ thấm vào da thịt, không rứt ra được khi tôi nghe bà chủ nhà mỉa mai sao con lợn làm quà này nhỏ thế!
Không chậm chạp như lợn Hoa, thời gian bao nhiêu năm trôi qua nhanh như gió thổi qua sông Nhật Lệ kể từ ngày lợn Hoa phá chuồng ra đi. Tưởng chừng tôi đã quên lợn Hoa nhưng vào một ngày thu bên dòng Mississippi, tôi gặp lại hình ảnh lợn Hoa qua một đàn lợn chạy lang thang dưới rừng lá phong muôn màu rực rỡ miền trung nước Mỹ. Ngỡ là đàn lợn hoang, nhưng không phải, đó là bầy lợn của một người đàn ông da đỏ thuộc bộ lạc Người Miền Đất Đỏ còn sót lại ở tiểu bang IOWA, một miền đất có nhiều làng quê lấy lợn làm biểu tượng cho sự sung túc giàu có và hoang dại.
- Đàn lợn của tôi rất tự do trong cánh rừng này - Fox, tên người đàn ông da đỏ mộc mạc nói với tôi sau khi nghe câu chuyện về lợn Hoa - bởi anh biết không, cái gì trên trái đất, trong bầu trời này cũng có linh hồn cả. Cây có thần cây. Gió có thần gió. Mưa có thần mưa. Lợn cũng có thần lợn. Mọi vị thần đều yêu tự do và tự do thật sự mới là vị thần! Con lợn của Anh vì yêu tự do, vì quen tự do nên bất chấp tất cả, tự do ra đi đấy!
Lợn Hoa! Bất giác tôi gọi tên người bạn xưa giữa rừng chiều Mississippi. Sau bao nhiêu năm khuất bóng, lợn Hoa bỗng nhiên hiện ra dịu dàng, những đốm hoa mờ ảo quanh mình, lợn Hoa từ đâu đó trong ký ức xanh thẳm non trẻ, đến với tôi qua lời của người dân da đỏ. Lợn Hoa của tuổi thơ tôi, dù không siêu linh như hiện thân của nữ thần Nout trong tâm linh Ai Cập cổ đại, hằng đêm nằm thênh thang trên bầu trời cho bầy lợn con, là những tinh tú giang hồ bú sữa. Nhưng lợn Hoa đã cho tôi hay, rằng trên đời này chẳng có gì ngu ngốc cả, hạt bụi cọng cỏ còn biết bay lên, huống gì lợn, một con vật biết kêu khi đói, biết đau lúc xẻ thịt, biết vượt qua danh lợi chật hẹp chuồng trại, để vươn đến tự do, dù cho đó là miền tự do hoang dại.
V.C.H
.