• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đóa hồng.

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đóa hồng.

    Đóa hồng
    Nguyễn Ngọc Hà


    Chị nhìn xuống giỏ hồng - còn năm đóa. Chị bán xôi những ngày lễ như hôm nay bán thêm hoa hồng, lời hơn. Buổi sáng giá một cành hồng lên tận trời xanh 20.000đ rồi rơi xuống theo ông mặt trời. Hoàng hôn sụp xuống từ lâu. Ai trả 2.000đ cho năm đóa hồng, chị cũng bán coi như vét cú chót vậy.

    Chị liên tục vẩy nước lên những đóa hoa. Chị giữ sự tươi mát cho hoa nhưng chưa bao giờ chị chăm chút nhan sắc cho chính mình, kể từ lúc lấy chồng. Chồng chị là một người đàn ông thô tục, sáng say chiều xỉn, lại còn cờ bạc, chơi đề. Sau khi ly hôn, chị dắt díu hai đứa con về ngoại và tần tảo buôn bán nuôi các con đang ở tuổi ăn tuổi lớn.

    Nhìn những cô gái ngồi sau xe gắn máy hay đi bên người tình, mặt tươi như những đóa hoa họ cầm trên tay, lòng chị không khỏi dâng lên một niềm tủi buồn sâu xa. Chị nghe nghèn nghẹn nơi cổ, đau đau nơi trái tim, chị thở dài.

    - Nè, hết đám hồng này bao nhiêu?

    - Dạ... năm đóa... năm ngàn.

    Một người đàn ông trạc tuổi chị đi chiếc xe @ láng coóng tấp vào. Giọng ông hơi lè nhè:

    - Chồng con đâu mà giờ này còn đứng đây bán?

    Chị e ngại nhưng vẫn lịch sự: “Chú mua mấy bông?”. “Mua mão - ông đưa chị tờ 20.000đ - khỏi thối, bữa nay ngày phụ nữ mà, phải lịch sự với phụ nữ...”.

    Chị mừng rỡ lóng ngóng bó năm đóa hoa nằm giữa tờ giấy trắng tinh mỏng manh được cắt cẩn thận hình những cành hoa. Chị nhận tiền, đưa bó hoa cho ông. Ông cầm trao lại cho chị: “Tặng chị nè, ngày phụ nữ về sớm với chồng con đi - ông đưa ngón tay lên - về liền nha, không được bán tiếp. Chỗ hoa này tôi mua rồi, chị mà bán tiếp tôi đòi tiền lại đó”.

    - Thôi chú mang về tặng vợ đi - chị bỗng ngại ngùng.

    - Vợ tôi có từ sớm rồi.

    Nói xong ông rồ ga đi thẳng.

    Cầm bó hoa về nhà, chị nâng niu như từ sáng giờ chúng không phải của chị vậy. Nhẹ nhàng, chị cho hoa vào bình đặt lên bàn thờ ba chị. Con gái chị hỏi: “Ủa mẹ, hoa còn dư đó hả?”.

    Chị hãnh diện: “Không, mẹ được một người tặng”. Nhìn ra con hẻm cụt vắng tanh, chị nhớ đến dòng xe ngược xuôi ngoài đường. Chị thật hạnh phúc. Trong cuộc sống tất bật thị thành còn có một người lưu tâm đến chị, tặng chị một bó hồng. Cho dù rượu xui ông một hành động lịch lãm như trên, chị vẫn sung sướng, một niềm vui muộn màng của một phụ nữ đã ở tuổi xế chiều.

    (Ghi theo lời kể của chị L. - bán xôi trên đường LVS).

    Nguồn: TTOL
    Similar Threads
  • #2

    Những người không có 8/3





    Ngày Quốc tế Phụ nữ, một nửa thế giới trong niềm hân hoan được đón nhận hoa quà tặng và những lời chúc tụng. Thế nhưng, vẫn còn không ít những người phụ nữ đã không biết đến ngày hội dành cho mình. Họ là ai?

    Không được một lời chúc mừng

    Sáng 7/3, trời Hà Nội lất phất mưa, se lạnh. Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Long Biên - nơi tập trung nhiều nhất số lao động nữ. Họ là những người phụ nữ ở nhiều miền quê "dạt" về Hà Nội kiếm sống và họ đã trở thành trụ cột kinh tế gia đình. Họ để lại ở quê những đứa con nhỏ và người chồng "gánh vác" gia đình thay họ.

    Chị Trần Thị Vui - quê ở đội 6, xã Xuân Ngọc ( Xuân Trường, Nam Định) cho biết, từ sáng sớm, chị đã kịp gánh 6 chuyến hàng hoa quả từ xe tải đến các sạp hàng. Ngày nào cũng vậy, các chị phải dậy từ 3 giờ sáng để đón hàng từ miền Nam ra. Giá của mỗi gánh hàng tuỳ thuộc vào độ dài của quãng đường, nhưng: "Mỗi ngày tôi cũng kiếm được trên 100 ngàn đồng" - chị Vui nhoẻn cười tiết lộ.

    Theo Ban quản lý chợ Long Biên thì bình quân tại khu vực chợ có khoảng gần 500 chị em thuộc "đội quân" gánh thuê, số nam giới ít hơn vì các chủ sạp hàng thấy "gánh" lợi hơn "vác". Hơn nữa, chị em làm việc chăm chỉ hơn, thật thà hơn và ít vay nợ chủ sạp như các lao động nam.
    Chị Yến - quê ở xã Xuân Vinh (Xuân Trường) - tỏ ra ngạc nhiên khi tôi hỏi về ngày 8/3. "Đã bao giờ chị nhận được quà tặng chưa? người phụ nữ vùng biển vốn "ăn to nói lớn" cười ồ lên: "Chưa bao giờ. Ngày ấy là của các chị là cán bộ, chứ chúng tôi làm gì có. Nhìn họ mua hoa, tặng hoa cũng thấy thích, nhưng ai tặng mình bây giờ".

    Trở về khu "đồng nát" ở ngay sau chợ Thái Hà. Hôm nay trời mưa, các chị thưởng cho mình một ngày đi... muộn. Các chị cũng là người phần đông thuộc huyện Xuân Trường (Nam Định). Các chị ở đây cũng tỏ ra ngỡ ngàng khi chúng tôi hỏi về ngày Quốc tế Phụ nữ. Chị Luồng thật thà: "Một bông hoa hồng đẹp tới 4 đến 5 ngàn. Bằng nửa ngày lao động của chúng tôi đấy. Họ cứ mua tặng nhau cả bó, để vài hôm là héo, phí cả tiền".

    Chúng tôi ghé thăm chị em công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung (TPHCM). Chị Phương Nguyên tâm sự: "Tan ca về đến phòng là đặt lưng ngủ vì vào ca từ sáng sớm, tan ca lúc đã lên đèn. Với chúng tôi, lễ hội là chuyện xa xỉ". Hỏi về ngày 8/3 các chị đều trả lời rằng đó là ngày quốc tế Phụ nữ, nhưng họ cho biết chuyện được nhận quà tặng vào ngày này... thì hiếm lắm!

    Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày quốc tế của chị em phụ nữ chủ yếu dành cho chị em làm việc... có lương. Còn đại đa số chị em lao động phổ thông, khu vực nông thôn thì chẳng bao giờ có ngày 8/3.

    Vẫn đang phải... cam chịu!

    Chỉ còn một ngày nữa là ngày quốc tế của những người phụ nữ, thế mà chị Lê Thị L đã phải nương nhờ đến "nhà tạm lánh" để tránh những trận đòn của chồng. Chúng tôi đến nhà tạm lánh đặt tại Bệnh viện Đức Giang (quận Long Biên), nhưng do Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm quản lý. Hơn 4 năm qua, nhà tạm lánh đã trở thành nơi nương tựa cho nhiều chị em, khi nạn bạo hành gia đình đang có dấu hiệu bùng phát.

    Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 - ngày vui của các chị, chúng tôi không muốn nhắc đến "chuyện đau lòng" này, cho dù bạo hành gia đình đang trở thành tệ nạn với giới nữ. Nhưng những gì được tận mắt chứng kiến tại nhà tạm lánh, đã buộc chúng tôi không thể không đề cập đến trong bài viết của mình. Chị Thuý H kể trong nước mắt: "Tôi chỉ có ước mơ là chồng có đánh thì đánh nhẹ thôi, chứ đánh đến thân tàn ma dại thế này, ai nuôi con cho tôi". Nhìn những giọt nước mắt và điều ao ước của chị H mà đau lòng. Lẽ nào ước mơ của một người phụ nữ lại là: "Chồng đánh nhẹ thôi...".

    Không đẻ được con trai cũng đánh, không đưa tiền cho chồng uống rượu cũng đánh..., đủ mọi lý do để những người chồng phi đạo đức dùng bạo lực với vợ mình. Quan điểm cho rằng trước đây, do người phụ nữ thường sống phụ thuộc hẳn vào người chồng về kinh tế mới dẫn đến tình trạng bị chồng hành hạ, ngược đãi. Song, trong thực tế, không hoàn toàn như vậy. Rất nhiều trường hợp, phụ nữ là người kiếm được nhiều tiền hơn nhưng vẫn bị chồng hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần -bà Lê Minh Nga - Giám đốc Trung tâm tư vấn các vấn đề xã hội, hôn nhân và gia đình TPHCM - đã nhận định.

    Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, những người phụ nữ tràn ngập trong niềm vui được quan tâm, nâng niu của một nửa thế giới, vẫn không nguôi ao ước làm sao để tất cả phái đẹp trên hành tinh này đều được yêu thương, hạnh phúc.


    Lê Huân - Toàn Thắng -
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom