Bàn về chữ Cấm
Đi trên đường Việt nam từ Nam chí Bắc, thi thoảng gặp xe cấm lửa, nhìn hai bên đường gặp những tấm bảng đề: cấm đổ rác, cấm tiểu tiện nơi này, cấm đỗ xe, cấm chạy phóng nhanh vượt ẩu, cấm vượt đèn đỏ, cấm đánh võng trên đường, cấm chụp hình khu vực quân sự, cấm xe trọng tải 25 tấn qua cầu, cấm leo trèo lên cột điện cao thế…
Vào khu vực văn phòng lại có những biển cấm khác như cấm hút thuốc, cấm xả giấy bừa bãi nơi công cộng, cấm nói to gây ảnh hưởng đến người khác, cấm đưa người lạ vào văn phòng khi chưa có sự đồng ý của thủ trưởng, cấm mang thông tin không lành mạnh vào cơ quan…
Và trong một vài cuộc họp (cái một vài này thực ra lại chiếm đại đa số) thì cấm – tuyệt đối – tuyên truyền chống phá cách mạng, chống phá nhà nước, chống phá những thành quả lẫy lừng đã đi vào lịch sử [như sách giáo khoa về lịch sử đã nêu, sách giáo dục công dân đã chỉ dạy chẳng hạn!]
Còn rất nhiều thứ bị cấm và thứ được cấm xảy ra hằng ngày ở Việt nam mà không phải lúc nào cũng công khai, phần lớn những kiểu cấm ấy mang tính nội bộ, cá lớn nuốt cá bé, kính trên nhường dưới và… nếu không công bố có trời mới biết!
Hoặc giả kiểu cấm nhập nhằng vừa có mỡ vừa có nạc, vừa hành chính lại vừa chuyên môn, vừa có lý lại vừa có tình như cấp trên cấm cấp dưới có quan hệ tình cảm với một ai đó vì lý lịch người này không “sạch sẽ”, không “minh bạch”; hoặc cho dù lý lịch bình thường nhưng những quan hệ lại không bình thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ quan chúng ta, danh dự chúng ta và đặc biệt là danh dự của cá nhân em/ mày/ cháu/ mi… nên chi chú/ bác/ cậu/ cô/ dì/ chị/ anh… nói vậy. Vì nhau cả thôi!
Và còn một kiểu cấm khác mà không biết xếp nó vào loại gì cho phải, cho đúng với bản chất của nó, mà thật ra bản chất của nó thì cũng gà mờ, cũng chẳng rõ ràng để mà xếp, vì người cấm luôn dành cho người bị cấm sự ngạc nhiên, bất ngờ lên đến tột đỉnh…
Bữa nay đồng ý, đồng thuận, ngày mai cấm… khiến chẳng kịp trở tay, xem như chuyện vốn dĩ vậy, thở dài, lắc đầu, bĩu môi, đó là cơ chế phản ứng thường thấy với loại cấm này. Một kiểu cho rồi lại cấm biến màu như kì đà!
Hai chuyện cấm gần đây nhất
Trong vòng chưa đầy một tháng, ở Việt nam xuất hiện hai lần cấm làm xôn xao dư luận: cấm tác phẩm Sợi xích của Lê Kiều Như phát hành; cấm cuộc triển lãm của nghệ sĩ Phương Vũ Mạnh tiếp tục mở cửa.
Nguyên nhân, lý do của những sự cấm đoán này là:
- Tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như là “dâm thư”, dung tục, trần trụi… Tác giả và đơn vị phát hành Youbooks đã tổ chức buổi ra mắt sách khi chưa nộp lưu chiểu sách cho Nhà xuất bản. Luật xuất bản đã quy định: Sau 10 ngày nộp lưu chiểu, nếu không có vấn đề gì tác phẩm mới được phát hành.
- Triển lãm Phương Vũ Mạnh có một bức tượng trần truồng, không giống với bản thảo ban đầu (có mặc áo quần) nên cấm… Như vậy chung qui là cũng do trần truồng mà ra! (Ông Trần Đăng Khoa, từ phía nhà tổ chức L'Espace, nói với BBC: "Thực ra mà nói thì đây cũng là lỗi của nghệ sĩ, vì khi làm hồ sơ xin phép thì nghệ sĩ có vẽ phác thảo một bức tượng có mặc quần áo hẳn hoi, nhưng khi nghệ sĩ thực hiện thì lại không đúng như phác thảo trong hồ sơ xin phép".).
Điều đáng sợ nhất chính là ở chỗ người Việt đã trở nên mất đề kháng với sự cấm đoán, họ mất khả năng dị ứng với chữ cấm và xem nó như một phần cuộc sống của mình!
Trên thực tế, xét từng trường hợp, liệu lý do trên có đủ thuyết phục và còn một lý do nào khác ngoài những lý do nghe ra có vẻ văn hóa và tế nhị này hay không?Theo trả lời của Lê Kiều Như với VnExpress khi hỏi về nội dung Sợi xích: “Tôi chưa đủ khả năng viết một cuốn truyện khiêu dâm. Nếu bạn chỉ đọc một đoạn và tách rời đoạn văn ấy ra khỏi mạch truyện để nói đây là sách khiêu dâm thì không thể. Tôi sẵn sàng đón nhận và lắng nghe các ý kiến khác nhau…”
Và lời tựa cô viết trong đầu truyện: “Tôi muốn viết về những bản năng nhục thể của con người, mặt phải và mặt trái của sex... Nhờ sex mà thế giới con người tồn tại cho đến hôm nay, sex làm con người tươi tốt, thăng hoa trong cuộc sống... Nhưng sex cũng làm cho con người khổ đau, cùng quẫn... Tôi cần có một tình yêu cao đẹp... vượt trên cả những gì người ta cho là sex".
Theo trả lời của nghệ sĩ Phương Vũ Mạnh “…Tôi làm cái tượng của tôi bày khỏa thân trong hộp kính, giống cái quan tài ấy. Người trong Bộ Văn hóa rồi công an văn hóa đi cùng xuống thì nói là tượng này đối chiếu với phác thảo không giống nhau. Tượng phác thảo của tôi là có quần áo, còn tượng này thì không, nên họ buộc phải đóng cửa triển lãm ngày hôm qua (23/3/2010). Theo lịch thì triển lãm đến 26 mới kết thúc, nhưng tôi phải đóng cửa sớm…”.
“… Tôi nghĩ là về nghệ thuật, từ phác thảo đến một cái tượng hình thành thì đương nhiên là nó phải có sự khác nhau. Vì trong nghệ thuật không thể đưa ra một cái phác thảo rồi đến khi kết thúc nó y hệt như thế được, vì trong quá trình mình làm việc thì phải có thay đổi suy nghĩ, và nó làm hay hơn, ấn tượng hơn cho tác phẩm cũng như cho người xem.
Thái độ của người Việt trước chuyện cấm
Thật ra, chuyện Lê Kiều Như và Phương Vũ Mạnh trả lời đúng sự việc bao nhiêu phần trăm, những người từ phía nhà nước trả lời đúng sai ra sao không phải là vấn đề mang ra xét bây giờ nữa. Vì có xét cũng sẽ chẳng đến đâu và nó cũng đã trở thành một thứ gì đó quá quen thuộc với tâm lý người Việt Nam.
Nghĩa là, họ đã quen với kiểu cho rồi lấy lại, nói rồi thôi, duyệt rồi cấm, làm rồi lại ngưng… theo kiểu hô hào khởi công một con đường với dự án khá tốn kém nhưng gần mười năm vẫn cứ thấy sình lầy và khói bụi…
Và, điều đáng sợ nhất chính là ở chỗ người Việt đã trở nên mất đề kháng với sự cấm đoán, họ mất khả năng dị ứng với chữ cấm và xem nó như một phần cuộc sống của mình!
Bài phản ánh ý kiến riêng của người viết, một nhà thơ sống ở tỉnh Quảng Nam.
Liêu Thái
Comment