• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

    Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

    - Bài 1: Trăm năm một bến phà


    Giờ đây ngoảnh lại, đã gần 100 năm con phà thô sơ đầu tiên vượt dòng sông Hậu theo sự hình thành con đường thuộc địa số 14 (quốc lộ cũ thời Pháp).

    LTS: Phà Cần Thơ - con phà cuối cùng trên quốc lộ 1A sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử gần 100 năm của mình vào ngày 24-4 khi cầu Cần Thơ chính thức thông xe.

    Một thế kỷ qua, phà Cần Thơ đã trở thành một phần không thể thiếu trong tiềm thức đồng bằng, trong ký ức của những người dân miền Tây. Nhiều cơ hội mới sẽ mở ra khi giao thông phát triển. Nhưng chia tay con phà cũ kỹ, ai cũng bâng khuâng, bởi con phà ấy đã gắn liền với lịch sử một vùng đất, với kỷ niệm một đời người.

    Những ngày cuối cùng trong sứ mạng của mình, phà Cần Thơ vẫn nghẹn mãi những dòng xe. Dẫu bao thăng trầm, đổi thay, song những chiếc phà ấy dường như đã ở lại trong ký ức đồng bằng.

    Những chuyến phà xưa

    Ấy là lúc mà toàn quyền Đông Dương ra nghị định cho mở lộ đá từ Sài Gòn đi Cần Thơ, Rạch Giá vào năm 1915. Năm tháng cùng với đà phát triển xã hội, nhiều nơi gần như đã xóa nhòa dấu vết con đường mở mang của thực dân Pháp.

    Con đường về miền Tây cũng chính là thời điểm hệ thống giao thông đường bộ ở Nam kỳ được mở rộng cho ý đồ khai thác thuộc địa. Cùng với quá trình hình thành con đường thuộc địa số 14, vào khoảng năm 1918 bến bắc Cần Thơ bắt đầu hình thành. Ngày ấy chiếc phà đầu tiên vượt sông mở đường về vùng đất nam sông Hậu chỉ đơn sơ, nhỏ bé bên dòng sông mênh mông. Theo thời gian chiếc phà đó cũng lớn dần, hiện đại dần… với sự vận hành, phát triển của cả vùng đồng bằng này.



    Phà Cần Thơ (xưa) đưa các quan chức Pháp qua sông trong một buổi lễ. Ảnh: NGUYÊN VẸN chụp lại

    Ở đó, tên đất, tên người như đã gắn liền với vòng qua lại của những chuyến phà trên vùng sông nước đỏ quạch phù sa. Không biết từ lúc nào, cái tên “bến bắc” đi vào tiềm thức dân bên bờ Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long). Họ cứ một đi bến bắc, hai đi bến bắc để qua Cần Thơ, chứ ít ai gọi đi bến phà. “Hồi đó đâu ai biết cái tên của tướng Hòa Hảo Trần Văn Soái mà chỉ quen gọi Năm Lửa, vì ông ấy làm việc dưới phà, chuyên chụm lửa cho phà chạy. Chụm lửa bằng những cây tràm to cỡ cườm chân. Sau mới chuyển dần qua đốt bằng than”. Ông Tư Kính (Nguyễn Văn Kính, 87 tuổi) vẫn không quên câu chuyện đó mỗi khi nhắc tới chiếc bắc ngày xưa đốt lửa chạy bằng hơi nước.

    Dường như chuyện cổ tích thời ấy vẫn theo mãi lão nông quắc thước, tóc bạc phơ búi củ tỏi phía sau, giọng cười khà khà đặc quánh Nam Bộ ấy đến bây giờ, kể từ khi ông rời vùng quê Bình Minh lên An Giang (huyện Châu Phú) sống, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp năm 1945. Ông hỏi: “Chừng nào khánh thành cầu Cần Thơ? Tới ngày đó chắc tui kêu mấy đứa nhỏ chở về đi thử qua cầu, ngắm lại bến bắc hồi xưa một lần”. Từng con phà, chiếc cầu, cây rơm, khói bếp lam chiều… luôn thấm đẫm trong tình đất, tình người của người miền Tây mãi với thời gian.

    Nỗi niềm bên lở bên bồi

    Giờ ngồi lại chuyện vãn, bất chợt người ta giật mình chuyện bến phà phía Cần Thơ di chuyển ra hướng sông gần cả cây số theo quy luật bên lở bên bồi muôn thuở của dòng sông. Ngày trước nó nằm sâu tận bờ sông thuộc rạch Khai Luông (nay gần cầu Ninh Kiều) xa lắc xa lơ bến bờ bây giờ. Ngược lại, phía Cái Vồn thuộc Bình Minh thì cứ lùi sâu vào đất liền hàng trăm mét. “Có năm nó lở bứt cả cầu dẫn phía thượng nguồn cùng cả cái dãy nhà tập thể của công nhân bến phà”, một công nhân lái phà lâu năm vẫn chưa quên. Cứ thế mà một bên bến tiến ra sông sâu, bên lùi dần vào đất liền.



    Những chiếc phà hiện đại ngày nay vẫn không theo kịp sự phát triển ồ ạt của dòng xe cộ. Ảnh: NGUYÊN VẸN

    Nhìn những chuyến phà hiện đại vượt sông bây giờ, có lẽ ít ai biết chuyện nhọc nhằn của mấy con phà cọc cạch ngày trước mà công nhân phải xoay vòng chữ thập bên trên ponton mỗi lần xe chạy xuống để cho nó đúng vào chiếc phà đang neo đậu bến. Thời đó, người coi lái phà ngồi trên mui cao, còn thợ máy thì làm việc dưới hầm tối để theo dõi việc vận hành của máy. Mỗi lần nghe tiếng kẻng hiệu lệnh của tài công, người thợ máy vội nắm cây cần điều khiển giảm tốc độ cho phà từ từ tiến vào bờ. Cứ mỗi lần vượt sông mất cả giờ đồng hồ.

    Mãi đến những năm đầu thập niên 1960 mới có phà hai (25 tấn), rồi phà ba (30 tấn) ghé được hai đầu. Cuối thập niên 1960 Mỹ trang bị thêm bảy chiếc phà 100 tấn. Song phà vẫn xoay trở nặng nề bởi bánh lái truyền động bằng dây xích. Từ những chiếc phà lái bằng bánh lái truyền động bởi dây xích, đến lái thủy lực, rồi chuyển sang lái bằng chân vịt vào năm 1998 là cả một thời gian dài. Chân vịt có thể xoay vòng 360 độ thay cho bánh lái ngày xưa. Kỳ tích đổi thay đó chỉ với hai chiếc phà 200 tấn đầu tiên (năm 1998, một ở Mỹ Thuận, một cho Cần Thơ) mà chính phủ Đan Mạch tài trợ mang cái tên phà Việt-Đan. Và đến giai đoạn II năm 2002 đóng mới tiếp sáu phà Việt-Đan 100 tấn cũng lái bằng chân vịt.

    Cấp cứu phải bắn súng gọi phà

    Vào những năm 1946 đến 1950, tại bến phà Cần Thơ chỉ có vài chiếc nhỏ, mui trần, mỗi chiếc chở được hai xe đò loại nhỏ. “Tôi lớn lên ở đây từ nhỏ, theo tôi biết thì bến phà chưa lần nào ngưng trệ lâu ngày nghe. Còn nhớ khoảng năm 1963, phe mình đánh đồn nằm ngay bến phà nhưng phà vẫn đưa khách qua sông bình thường. Mãi tới trận Mậu Thân năm 1968, phà dừng đưa hai, ba ngày nhưng sau đó lại tiếp tục hoạt động trở lại. Chỉ có chợ Cái Vồn ngừng nhóm nửa tháng trời” - thầy Lê Hùng Phi, một giáo viên về hưu khu vực bến phà phía Cái Vồn chưa quên mốc đổi thay nhỏ đó.



    Xe phát thư Cần Thơ - Sài Gòn thời Pháp thuộc. Ảnh: TƯ LIỆU

    Và cái lần đổi thay lớn vận mệnh đất nước, giải phóng miền Nam vào 30-4-1975, phà vẫn chỉ dừng đúng một buổi. Câu chuyện ngày cuối của thời khắc chuyển giao đó như vẫn còn in sâu trong ký ức anh Thạch Son, người lái phà năm xưa. Anh tài công gần 30 năm gắn bó với con phà ấy khề khà: “Hồi ba mươi tháng 4 năm 1975, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, phà chỉ dừng đưa có một buổi thôi, đến chiều nó lại bắt đầu hoạt động trở lại. Chiều hôm ấy, bên Cần Thơ, anh em tù binh từ ty cảnh sát ngụy gần bến phà đổ ra đường phố đông nghẹt. Anh em vui mừng quăng tứ tung đồ đạc, quần áo… vung vãi khắp đường phố. Bên kia sông, bến Cái Vồn lính cũng đổ về đông nghẹt để về quê. Phà hoạt động liên tục, chỉ chở toàn người là người…”.

    Dẫu lịch sử có thăng trầm, phà vẫn nối nhịp cho dòng chảy mưu sinh xuôi ngược nối miền Tây với đô thị Sài Gòn. “Thời đó làm gì có điện thoại, hễ mỗi lần cấp cứu, phía bên bờ Cái Vồn là chỉ cần bắn ba phát súng đùng đùng là phà từ bến Cần Thơ vượt sông chạy sang. Nhưng mà cấp cứu với người không nguy hiểm lắm, chứ nếu thập tử nhất sinh thì vượt sông cả tiếng đồng hồ đó cũng… tiêu mất rồi!” - thuyền trưởng Nguyễn Phú Hào cười hiền bảo vậy.

    Mai này hình ảnh“em đi mau kẻo trễ chuyến đò ngang trên bến bắc Cần Thơ…” sẽ trôi vào dĩ vãng và chỉ còn trong ký ức.
    NGUYÊN VẸN


    .
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

    Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

    - Bài 2: Đời người, đời phà


    Không biết bao nhiêu người từ các tỉnh phía bắc sông Hậu vượt phà xuôi về đất Cần Thơ để học rồi thành tài.

    Cũng không biết bao nhiêu thế hệ những người lái phà đã gắn cuộc đời mình với con phà. Giờ này tâm trạng ai cũng bâng khuâng…

    Giờ nhắc đến thầy giáo Nhạn ở Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long), nhiều người 50-60 tuổi ồ lên trân trọng: Thầy tôi đó! Ông Võ Thành Đức nhà ngay bến phà, năm nay đã gần 60 tuổi bảo rằng: “Bây giờ gặp thầy giữa chợ, tôi vẫn khoanh tay thưa thầy đàng hoàng”.

    Vượt sông học làm thầy

    Thầy giáo Nhạn kể: “Năm 1946, bên Bình Minh đâu có trường trung học. Hằng ngày tôi phải dậy lúc 5 giờ đi bộ ra bến phà. Có hôm thấy xe ngựa chạy không, mình xin quá giang ra bến bắc. Phà vượt sông mất cả tiếng đồng hồ, cập bến lại tiếp tục cuốc bộ đến Trường Collège de Can Tho (Trường Trung học Cần Thơ). Tôi còn nhớ lúc đó cả miệt Bình Minh chỉ có ba người qua Cần Thơ gồm tôi, anh Trần Bá Diệp cùng ở làng Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Kính làng Đông Thành”. Những chuyến phà đã trở thành một phần ký ức ông giáo già ấy, bởi cả cái đại gia đình ông có đến hơn chục người theo từng chuyến phà vượt sông đi học và trở thành thầy cô giáo.

    Cựu giáo viên Lê Hùng Phi thì kể năm 1961, khi Bình Minh vẫn chưa có trường trung học, ông theo phà vượt sông sang học Trường Trung học Phan Thanh Giản (Trường Collège de Can Tho đổi tên). Đến năm 1965 bắt đầu mở Viện Đại học Cần Thơ, ông tiếp tục theo học rồi trở thành thầy giáo. Giờ nhớ lại, cậu học trò khóa 3 Đại học Cần Thơ chợt giật mình: “Mình đã qua lại phà đến 11 năm”.

    Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ Trần Trọng Khiếm từng có gần chục năm xuôi ngược cùng những chuyến phà từ vùng quê Thành Lợi (Bình Minh) sang Cần Thơ học thêm, rồi học đại học. Ông kể: “Hồi tôi còn học Trường Trung học Bình Minh, ba tôi hoạt động cách mạng nên mỗi khi qua Cần Thơ học thêm tiếng Anh, ba thường giao mua thuốc để chuyển vào vùng giải phóng. Mình là học sinh áo trắng quần xanh nên ít ai để ý. Thời đó mỗi hiệu thuốc chỉ cho mua duy nhất một ống penicilin thôi. Tôi phải chạy cả mấy chục hiệu thuốc để có được vài chục lọ penicilin. Lần nọ muốn thót tim vì giặc truy xét dữ dội ngay tại bến phà. Lúc đó bến Cần Thơ còn cây cỏ um tùm hai bên đường, tôi lẹ tay quăng ngay cái cặp thuốc vào lùm cỏ. Sau truy xét của địch, tôi quay lại lấy cặp về”.

    Sau này ông học Đại học Cần Thơ, trở thành thầy giáo, làm công dân Cần Thơ nhiều năm qua rồi mà “cứ mỗi lần vượt sông, ngắm nhìn sông nước lại nhớ quê”. Sau công cha nghĩa mẹ, ơn thầy, những người thế hệ ông đã thành danh không thể nào quên những chuyến phà xưa nâng ước mơ mình.



    Collège de Can Tho sau này được đổi tên thành Trường Trung học Phan Thanh Giản (trái), hiện giờ là Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm (phải). Ảnh: TƯ LIỆU

    Những chuyến phà thời bao cấp

    Thuyền trưởng Nguyễn Phú Hào kể chuyện thời bao cấp: “Thời ấy, máy móc cũ kỹ, đèn đuốc không đủ, liên lạc không có, mùa nước đổ nước sông chảy xiết dữ dằn, có lúc vượt sông mất cả tiếng đồng hồ”. Lần nọ phà chỉ còn cách bến 50 m thôi mà cứ loay hoay hoài, lên ga miết rồi mà nó vẫn ì ạch không cập bến được. Buộc lòng anh phải chạy sát vào bờ, nơi nước ít chảy. Cập bến được mất cả nửa tiếng đồng hồ, hành khách liếc nửa con mắt lên cabin, lầm bầm: Tài công khùng! “Nhưng họ đâu biết nỗi khổ của chúng tôi. Máy móc cũ kỹ như vậy, đa phần tài công chỉ cập phà ngược nước chứ không dám ghé xuôi dòng vì sợ máy yếu không hãm lại nổi” - anh phân trần. Rồi anh kể chuyện một tài công ghé xuôi nước, phà xoay ngang đụng vào ponton lủng phà, bị thương mấy người. Ban giám đốc kỷ luật, chuyển công tác anh này sang bộ phận khác với cái nhận xét: Lái ẩu.

    Trời ơi, đâu ai biết thời đó máy yếu, lại lái cơ nên xoay phà quay đầu ra khỏi bến lả mồ hôi hột. Hồi ấy, xoay tay lái riết chai tay hết” - một tài công nói. Ngay cả cồn cát nổi lên cạnh bến cũ phía Cần Thơ cũng thiếu phương tiện nạo vét. Mỗi lần nước cạn, phà phải chạy né vòng xa lên bên trên, hành khách lại lớn tiếng: “Chạy kiểu gì vậy!?”. “Lái phà dân chửi như cơm bữa, ngày nào mà hổng nghe chửi bới là về ăn cơm không ngon” - anh Hào cười hiền nhắc chuyện cũ.

    Hai đời đưa khách

    Trên những chuyến phà ấy có cả cha con, anh em cùng đưa khách sang sông. Niềm vui, nỗi buồn của họ cứ theo vòng xoay của những con phà. Cha già qua đời, con trẻ tiếp nối và giao thông vẫn liền mạch cho đến ngày cuối cùng của cuộc chuyển giao lịch sử cầu-phà liền nhịp.

    Anh Thạch Son có gần 30 năm gắn bó với những chuyến phà vượt sông. Anh đến với những chuyến phà bắt đầu từ những cà mèn cơm cho ba hằng ngày từ cái thời phà còn 20 tấn, ponton đổ bằng đá trứng. Tới lui cơm nước cho ba riết, các chú, bác ở phà thương mến rồi chỉ dạy tập tễnh nghề, biết lái khi chỉ mới 16 tuổi đầu. Không đủ tuổi, anh phải mất hai năm theo lái tàu kéo của vận tải thủy Hậu Giang. 18 tuổi bắt đầu hai cha con cùng lênh đênh theo dòng trôi.

    Với anh, chiếc phà như một phần của cuộc đời mình. Phà nuôi sống cả gia đình. Phà lo cho con anh đứa trung cấp nghề, đứa sắp tốt nghiệp Đại học Cần Thơ. Anh buồn khi phải xa những con phà, bởi sức khỏe đã yếu, không thể theo nó đi về những bến xa sau ngày cầu thông nhịp.



    Người lái phà bâng khuâng trên những chuyến vượt sông cuối cùng. Ảnh: NGUYÊN VẸN

    Khác với anh Son, thuyền trưởng Nguyễn Phú Hào sau trên 30 năm gắn bó những con phà giờ anh vẫn chưa muốn rời xa nó, dẫu tới đây có phảirong ruổi đâu đó trên vùng sông nước miền Tây này. Giống như anh Son, tuổi thơ Phú Hào cũng theo ba trên những chuyến phà, rồi gắn bó với nghề mà ba anh đã đi qua.

    Nhiều người cả mấy anh em cùng phục vụ lâu năm trên chuyến phà Cần Thơ như Nguyễn Văn Luận (quê Hải Dương), Lê Tấn Hiệp (Cần Thơ), Ngô Thanh Tâm (Cần Thơ)… Mỗi người vượt sông từ hơn chục năm trở lên.
    Sắp thông cầu, trong số 300 cán bộ, công nhân viên Cụm phà hậu Giang sẽ có khoảng 200 người chuyển sang công ty mới phục vụ quản lý và thu phí cầu Cần Thơ. Số thuyền trưởng, thủy thủ, thợ máy 36 người sẽ chuyển về các phà. Số còn lại nghỉ hưu và nghỉ theo chế độ của Nghị định 110 (giống như giải quyết theo chế độ 132).

    Họ trông đợi lẫn bồi hồi cái ngày sắp đến. Trong niềm vui chung là những tiếc nuối và hoài niệm...


    .
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

      Chuyến phà cuối cùng trên đường thiên lý

      - Bài cuối: Cơ hội để miền Tây cất cánh

      Lễ khánh thành công trình cầu Cần Thơ sẽ diễn ra vào sáng 24-4. Nhịp cuối cùng đã bắc qua cách trở, nghĩa là con đường thiên lý đã nối liền từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Liền mạch để đi xa, để vươn lên…

      Cuối cùng rồi cái ngày mong đợi cũng đến, một chiếc cầu hiện đại nối liền bảy tỉnh, thành cuối đất nước. Ngày đêm những chiếc phà vẫn lầm lũi hoàn thành phần việc mà nó đã oằn mình gánh gần một thế kỷ qua. Câu chuyện trăm năm lụy đò của mấy bác tài ở những ngày cuối cứ râm ran: “Mai này mình chạy cái vù trên chiếc cầu đó chắc đã lắm hén! Lúc đó nhớ lại cái cảnh kẹt phà như hôm nay quả như thoát nạn vậy!”. “Ừ ráng chờ đi, hổng còn mấy ngày nữa đâu”.

      Cây cầu và cuộc mưu sinh

      Anh Dũng, tài xế xe tải 54Z-3665, tâm sự: “Tôi rong ruổi suốt khắp các nẻo đường miền Tây nhưng ngại nhất là qua phà Cần Thơ. Cứ mỗi lần mất khoảng 1 tiếng, có lúc lên đến 3 tiếng, thậm chí mất đến 6 tiếng như cận tết rồi. Xe nối đuôi dài cả chục cây số. Khoảng thời gian đó đủ để người ta làm hàng loạt việc”.

      Đúng thế, nửa tiếng, 1 tiếng đồng hồ vượt sông so với khoảnh khắc vút qua cầu là cả một khoảng trống cho miền Tây phát triển. Nỗ lực từ một bến, rồi hai bến đỗ, phà tốt chạy nhanh, thế mà những dòng xe cứ ứ đọng mãi dẫu chiếc phà đã gắng gượng hết sức mình. Anh Nguyễn Hữu Khiêm Trưởng phòng Kỹ thuật-Thiết bị, Cụm phà Hậu Giang, thừa nhận: “Đã chạy hết hai bến, hết hơn chục phà mà vẫn kẹt xe. Phà như bắt đầu quá tải nữa rồi và có lẽ không gì khác là mở thêm bến mới”. Cầu thông xe như rơi đúng vào cái khoảnh khắc vàng đó. Giờ đây khoảnh khắc vút qua cầu đủ để người ta chủ động toan tính thời gian, chủ động cuộc hẹn, chủ động công việc…

      Rồi đây hình ảnh “đội quân” bán cóc, ổi, mía ghim, vé số, bắp luộc... chen lấn mời mọc trên xe, trên phà vừa bực vừa thương ấy sẽ lùi dần vào quá khứ. “Phà nghỉ chắc tôi nhớ lắm vì hằng ngày dọn hàng ra bán kiếm cơm hai bữa, tự dưng không còn xe cộ, người nào qua lại, trước nhà vắng tanh” - một cụ già bên bến Cái Vồn giọng buồn buồn. Ngược lại, ông Ba Trà chuyên làm đại lý báo tại bến phà lại lạc quan hơn: “Cuộc sống gia đình tôi ít nhiều phụ thuộc vào bến phà nhưng nếu phà nghỉ thì tôi sẽ không bán báo lẻ mà chuyển qua bỏ báo cho các cơ quan chức năng ở huyện Bình Minh. Tôi trông mong cây cầu Cần Thơ hoàn thành lắm, có cây cầu rồi con cái mình sau này sẽ sướng hơn”.



      Tương lai cạnh chân cầu Cần Thơ phía bờ Bình Minh sẽ là khu đô thị, khu công nghiệp, cảng… sầm uất. Ảnh: NGUYÊN VẸN

      Hai bờ trở mình

      Cầu khánh thành kéo theo hàng loạt dự án đô thị hai bên chân cầu chuyển mình. Thật ra cách nay vài năm, nhiều dự án đã đi tắt đón đầu. Ngày 9-4, tại Khu công nghiệp Bình Minh ngay cạnh chân cầu thuộc xã Mỹ Hòa đã khởi công nhà máy chiếu xạ trái cây, thủy sản cho xuất khẩu. Chỉ tay về một khu đất cạnh đường dẫn cầu Cần Thơ, ông Nguyễn Đình Thảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân Mêkông, báo tin vui: Ngày 17-4 khởi công tiếp nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị chuyên dùng cho ôtô tải, liên doanh giữa Công ty Ôtô Trường Long với Nhật. Và tới đây sẽ là nhà máy sinh hóa, nhà máy sản xuất lưới thép... Vùng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa ngày nào giờ đã nhường chỗ cho nhiều dãy phố thị dọc ngang. 1.200 căn hộ sẽ mọc lên tại khu phố thị mới này của Hoàng Quân Mêkông. Bên cạnh là khu công nghiệp (130 ha), khu cảng Bình Minh… Một vị trí lý tưởng cho đầu tư phát triển cạnh chân cầu. Anh Thảnh cho biết đã có năm dự án đầu tư vào đây. Mảnh đất vốn sình lầy ruộng vườn ngày nào của Đông Bình, Mỹ Hòa giờ là hệ thống giao thông liên hoàn, phố thị lạ lẫm.

      UBND huyện Bình Minh cho biết tới đây đất bưởi Mỹ Hòa tiếp tục nhường cho Đại học Bình Dương, cho một số dự án khác. “Tới đây đất vườn Mỹ Hòa gần như hết, chỉ còn một phần nhỏ dưới đuôi cồn thôi” - ông Nguyễn Văn Đá, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Minh, khẳng định chắc nịch.

      Bên kia dòng sông Hậu, ngay nút giao thông đường dẫn bờ nam, khu đô thị Nam Cần Thơ 2.100 ha đang chuyển mình cho từng dãy phố, cho nhiều dự án tương lai. Một quận mới đang được quy hoạch và định hình tại khu đô thị Nam Cần Thơ. Hướng mắt từ phà, tòa nhà Tây Nguyên Plaza 18 tầng cao nhất Cần Thơ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng sừng sững bên chiếc cầu mới. Đô thị mới này dành cả một khu riêng biệt cho khoảng 20 lãnh sự quán các nước đặt tại Cần Thơ. Ông Nguyễn Tấn Quyên, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, bảo rằng tương lai đây sẽ là khu đô thị mới vùng trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Một đô thị mới với quảng trường, trung tâm hội nghị quốc tế, với khu đại học quốc tế, đại học kiến trúc… Cần Thơ đang quy hoạch mở rộng thêm 1.200 ha cho khu đô thị Nam Cần Thơ này. Nơi đây nối liền cảng Cái Cui, nối đường nam sông Hậu từ TP Cần Thơ đi Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang hoàn thành.



      Nhiều dự án dưới chân cầu Cần Thơ tại Khu công nghiệp Bình Minh bắt đầu khởi động. Ảnh: NGUYÊN VẸN

      Giá trị nhà đất đang chuyển động cùng thời gian nối nhịp cầu. Ông Nguyễn Đức Linh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586 tại Cần Thơ - chủ đầu tư khu đô thị Phú An, thông tin lạc quan: “Nghe tin cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, rất nhiều khách hàng điện thoại hoặc đến trực tiếp để tìm mua nhà tại khu đô thị Nam Cần Thơ. Giá nhà đất đã tăng 5%-10%, có khả năng sau khi thông xe cầu Cần Thơ, bất động sản tiếp tục tăng 10%-15%”.

      Con phà Hậu Giang sẽ nép mình vào trang sử đã qua của một đồng bằng. Có nghĩa là hơn cả một lễ khánh thành cầu, hơn cả mọi ý nghĩa về sự hiện đại, vượt trên tất cả, ấy không phải là cây cầu bình thường, thời khắc của lễ mừng bình thường. Thời khắc ấy là lúc mà phà Cần Thơ nên kéo một hồi còi kính báo với tổ tiên rằng: Nhịp cuối cùng đã bắc qua cách trở, nghĩa là con đường thiên lý đã nối liền từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Liền mạch để đi xa, để vươn lên…



      .********************************




      Toàn cảnh cầu Cần Thơ.

      Cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á

      Đã 13 năm từ khi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký biên bản thỏa thuận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc lập dự án nghiên cứu khả thi xây dựng cầu Cần Thơ. Và gần sáu năm từ thời khắc 10 giờ 30 trưa 25-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát lệnh khởi công dự án này.
      Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (dài 550 m), có tổng mức đầu tư hơn 4.830 tỉ đồng từ nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Dự án cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km. Dự án chia thành ba gói thầu: Gói thầu một là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km; gói thầu hai là cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km; gói thầu ba là đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km.

      Cầu chính có khổ cầu rộng 23,1 m, gồm bốn làn xe, mỗi làn 3,5 m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Độ tĩnh không thông thuyền cao 39 m (với chiều rộng tương ứng 200 m), đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.

      Theo ước tính từ mặt nước trung bình lên đến độ tiếp giáp trụ cầu và mặt cầu khoảng 40 m, từ mặt cầu đến phần chữ A tiếp giáp ở đỉnh hơn 80 m, đoạn còn lại từ đỉnh chữ A lên đỉnh cao nhất gần 40 m. Tổng số chiều cao của trụ cầu tính từ mực nước trung bình là 164 m.

      Vì sao tháp cầu Cần Thơ hình chữ A?

      Ngày 1-8-2007, các nhà thầu Nhật tổ chức lễ khởi đầu căng cáp dây văng cầu Cần Thơ. Họ tiết lộ ý tưởng: “Trụ tháp cầu Cần Thơ được thiết kế theo chữ A như hình dáng một người phương Đông chắp tay trên trán, tĩnh tại, mong ước sự an lành”. Minh họa cho biểu tượng này, một nhà thầu Nhật Bản đã đứng thẳng người, chắp hai tay và đưa qua đỉnh đầu, hai chân khép lại, nhìn rất giống biểu tượng trụ cầu Cần Thơ.

      Ông Takao Kishimoto, cố vấn của Tập đoàn Taisei Corporation, cho biết: “Cầu Cần Thơ do các nhà thầu Nhật thiết kế xây dựng vì vậy nó phải có nét khác với cầu Mỹ Thuận do người Úc xây dựng, phải là biểu tượng văn hóa Đông phương”.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom