• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Danh họa Bùi Xuân Phái trong mắt con trai

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Danh họa Bùi Xuân Phái trong mắt con trai

    Danh họa Bùi Xuân Phái trong mắt con trai

    Bùi Thanh Phương

    Tôi gần như một cố vấn, trợ lý cho Bùi Xuân Phái trong hầu hết các vấn đề mà ông cảm thấy nan giải. Khi hai bố con ngồi nói chuyện, ông thường xưng là "mình" với tôi, đến nỗi nhiều khi thấy không hợp lý, mẹ tôi cũng phải can thiệp "Sao ông cứ xưng mình mình tớ tớ với nó? cứ như hai người bạn không bằng".

    Lá thư trong tủ

    Có một kỷ niệm với bố tôi nhớ mãi. Đó là vào năm 17 tuổi, mắt của tôi bắt đầu có vấn đề, tôi cần phải có một cái kính cận nếu muốn nhìn cho rõ, nhưng không thể vay mượn được ai.
    Không có cách nào để có tiền mua kính, tôi đành mở tủ của Bùi Xuân Phái để lấy số tiền ấy. Tôi viết một bức thư, nêu rõ lý do và hẹn ngày tôi sẽ trả lại tiền vào chỗ cũ.



    Họa sĩ Bùi Xuân Phái và con trai Bùi Thanh Phương

    Tôi đã hy vọng sau đó sẽ đi làm thuê và sau một tuần là có tiền và lại lặng lẽ đặt vào chỗ cũ, nếu ông không biết thì kể như không có chuyện gì xảy ra. Lúc đủ tiền, tôi yên trí mở tủ của ông để trả số tiền ấy, nhưng khi tôi mở tủ ra thì thấy một bức thư của Bùi Xuân Phái gửi cho tôi, trong thư ông viết là nếu lần sau cần tiền để giải quyết việc chính đáng thì cứ hỏi bố. Sau khi đọc thư ông, tôi muốn khóc.

    Những người bạn

    Vài ngày trước khi Bùi Xuân Phái mất, tôi có hỏi ông về những người bạn mà ông quí mến nhất. Bùi Xuân Phái đã bối rối một lúc rồi kể tên 4 người bạn mà theo ông là những người có tình và là những người bạn tâm giao trong cả những thời kỳ ngặt nghèo, khốn khó nhất.
    Đó là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, ông Lê Chính (trình bày báo Văn nghệ), họa sĩ Nguyễn Trọng Niết và nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm.



    Chân dung Bùi Xuân Phái do anh Bùi Thanh Phương vẽ

    Một người bạn mà ông quý trọng như một người anh, đó là nhà văn Nguyễn Tuân. Ông gọi Nguyễn Tuân là anh, điều này tôi chưa thấy ông xưng hô như thế với ai bao giờ. Bây giờ nghĩ lại thời xưa ấy, tôi nhận thấy nhà văn Nguyễn Tuân là người bạn duy nhất của Bùi Xuân Phái từ thập niên 60-70.

    Trong suốt mấy chục năm ấy, như đã thành thông lệ thường niên, cụ Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, năm thì cân giò, năm thì cân thịt bò, năm thì con cá chép, năm thì chai rượu Tây.
    Gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái tết "ra trò" hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân vậy.

    "Thiệp cưới vẽ tay cho con trai..."

    Sau lần chia tay "tập I". Đến năm 1987, tôi muốn có "tập II". Ban đầu, Bùi Xuân Phái đã phản đối, với lý do, ông bảo với tôi: "Mày sẽ lại divorce, và thế là lại khổ con nhà người ta".
    Nhưng khi tôi giải thích với ông là người bạn gái ấy sắp đem lại cho ông một đứa cháu nội đầu tiên và thế là Bùi Xuân Phái gật đầu chấp nhận. Sau đó tôi đề nghị với gia đình chỉ tổ chức tiệc cưới giản dị. Để tránh dềnh dang và hình thức, tôi sẽ không thuê xe ô tô đón rước cô dâu.

    Ngày đó tôi đã dùng xe máy Babetta, loại xe máy của Tiệp Khắc. Bây giờ loại xe này chỉ được những người nghèo sử dụng để chở vật liệu xây dựng, nhưng gần đây, nghe nói nó đã bị cấm lưu hành vĩnh viễn trong thành phố. Ở thập niên 80, ai sở hữu được chiếc Babetta đều được xem là thành đạt hay một cố gắng lớn. Tuy vậy, ngay thời đó, loại xe máy này cũng được gọi với cái tên khác là Ba- bét- nhè.

    Hôm đó một mình một xe và cũng chỉ một mình tôi, với một bó hoa to tướng, đến nhà cô dâu để đón nàng. Họ hàng bên nhà cô dâu thấy vậy tỏ ý thương cảm và nhỏ to rằng: "Nếu đã lấy phải anh chồng có chất nghệ sĩ thì đành phải chấp nhận như vậy thôi".
    Nhưng đến ngày hôm nay, mỗi khi nhớ lại, vợ chồng tôi vẫn tự hào và cười mãi vì có nhiều kỷ niệm trong ngày hôm đó. Chúng tôi đã xem đó là một đám cưới giản dị, cảm động và có ý nghĩa.








    Mặt trước và sau thiệp cưới


    Sở dĩ nó trở thành câu chuyện đáng để kể bạn nghe là bởi nhờ vào những tấm thiếp mời dự đám cưới do chính tay Bùi Xuân Phái vẽ từng bức một. Ông đã chiều lời đề nghị của con mà vẽ khoảng 50 bức tranh nhỏ. Bức họa mô tả cô dâu ôm bó hoa trên tay, 50 bức đều là độc bản vì khác nhau, bởi ở mỗi bức, cô dâu lại được diện trong bộ áo dài khác. Ngày đó tôi cũng chỉ được 12 tấm để dùng mời bạn bè.
    Bùi Xuân Phái cũng tự vẽ cho mình 12 tấm để ông mời các bạn của ông. Số còn lại là khách mời của hai họ. Bữa tiệc được thực hiện tại nhà hàng Phú Gia. Hôm ấy tôi bố trí, kê một chiếc bàn đủ 12 chiếc ghế để dành cho Bùi Xuân Phái với bạn hữu của ông. Nhưng vì ông Bổng Hàng Buồm muốn... có 2 tấm thiệp mời, nên Bổng Hàng Buồm đã tự động rủ thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự. Và chiếc bàn ấy phải kiếm thêm chiếc ghế thứ 13.
    Tôi cứ ân hận và tiếc mãi là, sao khi đó mình không đạo diễn cho người nhiếp ảnh chụp khung cảnh Bùi Xuân Phái đang say sưa trò chuyện và đánh chén cùng các bạn hữu của ông, ngồi xung quanh ông ở chiếc bàn dài ấy.

    Bùi Xuân Phái vốn được các bạn mệnh danh là Jesus do bộ râu và khuôn mặt gầy guộc nên hình ảnh ấy sao tôi thấy nó quá với bức tranh nổi tiếng "Bữa tiệc cuối cùng" của Leonardo da Vinci.
    Câu chuyện "Bữa tiệc cuối cùng"này đã được đăng trên một tạp chí ở nước ngoài và được đổi tên là "Thiệp cưới vẽ tay cho con trai của Bùi Xuân Phái". Người biên tập đã đầy thiện ý khi đặt lại tiêu đề, một phần vì trong lần kể đó, tôi đã không nói rõ là chỉ sau bữa tiệc đó 8 tháng, Bùi Xuân Phái đã đột ngột qua đời do ác bệnh ung thư phổi. Nguyên nhân, vì ông đã hút quá nhiều thuốc lá và thuốc lào trong cả cuộc đời ông .

    Bữa tiệc cưới ngày hôm đó là bữa tiệc cuối cùng mà Bùi Xuân Phái có cơ hội mời các bạn hữu của ông tham dự. Sau khi Bùi Xuân Phái mất, người ta đã truyền tay nhau tấm thiệp cưới này, ban đầu nó chỉ có giá từ 100 đến 200 USD, nhưng ở vào thời điểm hiện tại, giá bán tấm thiếp cưới vẽ tay của Bùi Xuân Phái trên một website đấu giá của ngoại quốc đã được đẩy lên tới 4.700 USD.

    Quan niệm về sex trong đời sống và nghệ thuật




    Tranh Bùi Xuân Phái minh họa cho bìa sách của Hồ Xuân Hương


    Bùi Xuân Phái thuộc lớp người cổ của Hà Nội, nên tác phong và tính cách của ông được tiếng là một người nho nhã và chừng mực. Bùi Xuân Phái không giống lớp người thuộc thế hệ chúng ta mà hầu như không ít thì nhiều "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa". Trong suốt cuộc đời, ông là người chồng lí tưởng tuyệt vời.

    Riêng tôi và những ai quen biết Bùi Xuân Phái đều chưa một lần nghe thấy nói ông có cuộc tình nào ngoài hôn nhân, cho dù ông là một người đàn ông đẹp và đầy sức quyến rũ phụ nữ.
    Ông đã quá "liêm khiết" trong cách tự ứng xử với mình và với các phụ nữ mà ông quen. Và ông đã hoàn thành được điều mà ông đã ghi đậm nét trong Nhật ký nghệ thuật của mình: "Giữ cho tâm hồn trong trẻo là cách gần nhất để đến với nghệ thuật". Nhưng với người khác, ông lại tỏ ra có quan điểm thông thoáng và hiện đại hơn.

    Tôi nhớ hồi mình còn thanh niên, hò hẹn bạn gái, một lần tôi đưa bạn gái của mình trèo lên một căn gác nhỏ, theo cách của du kích, rồi tắt đèn đi. Không may lần đó bị một bà hàng xóm trông thấy, bà này vội vàng vào nhà tìm Bùi Xuân Phái và thông báo sự việc đó.
    Bùi Xuân Phái khi hiểu ra vấn đề, ông cười và bảo với bà hàng xóm: "Đó là chuyện riêng của chúng nó, bà và tôi không có quyền can thiệp vào chuyện của họ".

    Bùi Xuân Phái là người có duyên nói chuyện, khi câu chuyện chạm phải vấn đề liên quan tới sex, ông thường dùng cách nói hóm hỉnh và luôn tạo ra không khí vui vẻ và tiếng cười thoải mái; nhờ thế, sex đã không còn là điều gì nghiêm trọng quá để mà những người đối thoại với ông phải giả bộ e dè.
    Một lần, có một anh bạn trẻ đến nhà chơi,anh ta thập thò trong tay một cuốn tạp chí. Bùi Xuân Phái hỏi "Cậu đang nghiên cứu về vấn đề gì đấy?" Anh bạn trẻ áp úng:
    - Dạ, đây là tạp chí Playboy, toàn là những bức ảnh hư hỏng mà bác.
    Bùi Xuân Phái bảo:
    - Thế hả, đưa tớ xem nó hư hỏng đến mức độ nào?
    Xem xong ông cười, hỏi:
    - Cậu còn quyển nào "hư hỏng" hơn thế này không ? Không hiểu người ta sẽ phải chụp ở tư thế như thế nào mới được xem là cùng cực của hư hỏng nhỉ ?
    Bùi Xuân Phái cũng cho rằng, không có tranh xấu, chỉ có tranh chưa hay. Ông bảo: "Mình muốn thấy một bức tranh thật xấu, xấu kinh người, nhưng chưa gặp thấy bao giờ."
    Có lẽ cũng như vậy, những bức ảnh chụp khỏa thân cho dù cố gắng khiêu dâm như thế nào thì với người họa sĩ cũng vậy thôi, nghĩa là sẽ chẳng gây được hiệu ứng phụ nào khác ngoài việc người họa sĩ xem nó như tư liệu trợ giúp cho hình họa.

    Trong nghệ thuật, Bùi Xuân Phái rất mê thích giai đoạn cuối của Picasso, khi ông này vẽ hàng loạt serie về chủ đề exotic.
    Trong các sáng tác của Bùi Xuân Phái về chủ đề này, người ta thấy bộ tranh vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương (từ năm 1982 đến 1986) đã bộc lộ được trạng thái tinh thần của Bùi Xuân Phái một cách rõ nét nhất.
    Thế mới thấy, cả ở những năm cuối đời, khát vọng và đam mê với cuộc sống và tình yêu vẫn còn đầy ắp trong tâm hồn người nghệ sĩ.

    Bùi Thanh


    .
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-03-2011, 02:47 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt


    Bùi Thanh Phương


    Chúng ta vẫn theo thói quen gọi chung là Chèo (Opera) cho các chủ đề Bùi Xuân Phái đã vẽ về đề tài văn hóa dân gian : Hát Chèo,Hát ả đào,Hát Quan họ và mảng đề tài cũng rất quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông là những bức họa vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương và những tác phẩm sơn dầu vẽ theo tinh thần của Nguyễn Du trong chuyện Kiều,đặc biệt hình ảnh "dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên"và "Kiều tắm" đã được Bùi Xuân Phái khai thác,thể hiện qua nhiều tác phẩm ở các chất liệu.
    Tất cả các chủ đề được nêu trên,đã bị người ta hoặc vô tình,hoặc chưa đi sâu vào nghiên cứu một các có hệ thống về Bùi Xuân Phái ,nên đã bị thu gom lại và gọi chung là CHÈO .

    Trong phần này,tôi muốn tách CHÈO của Phái ra thành những đề tài riêng và sẽ giới thiệu từng đề tài đó với người mộ điệu :

    *Chèo _Họa sĩ vẽ khoảng :1500 bức
    *Hát ả đào _50 bức
    *Hát Quan họ _200 bức
    *Hồ Xuân Hương _150 bức
    *Kiều _50 bức
    *Ca Trù_50 bức

    Những bức tranh mà các bạn xem đâylà một phần nhỏ trong chủ đề minh họa cho ý thơ của Hồ Xuân Hương.Nhân ngày Xuân, ta cùng thưởng thức một Bùi Xuân Phái trẻ trung, dí dỏm, đậm chất "u-mua".



    Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
    Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng







    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
    Đi thì cũng dở ở không xong







    Vịnh cái quạt
    Một lỗ xâu tự bao giờ,
    Chành ra ba góc da còn thiếu,
    Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
    Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
    Che đầu quân tử lúc sa mưa.
    Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
    Phì phạch trong lòng đã sướng chưa ?








    Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
    Che đầu quân tử lúc sa mưa.
    Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
    Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?








    Vịnh Cái Giếng
    Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông,
    Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng
    Cầu trăng phau phau đôi ván ghép,
    Nước trong leo lẻo một dòng thông.
    Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
    Cá diếc le te lách giữa dòng.
    Giếng ấy thanh tân ai cũng biết
    Đố ai dám thả nạ dòng dòng



    Trống Thủng
    Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,
    Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi,
    Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc,
    Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi,
    Khi giang thẳng cánh bù khi cúi
    Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.
    Nhắn nhủ ai về thương lấy với,
    Thịt da ai cũng thế mà thôi.



    Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
    Người thì lên đánh kẻ ngồi trông,
    Trai đu gối hạc khom khom cật
    Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
    Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
    Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
    Chơi xuân có biết xuân chăng tá.
    Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!






    Chơi xuân có biết xuân chăng tá.
    Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!




    Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
    Mảnh tình san sẻ tí con con.



    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 28-04-2010, 08:27 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      bài hay va gia tri qua, cam on Co da post nhung bai nhu the nay

      Comment

      • #4

        Chuyện chưa kể quanh tranh Tết Bùi Xuân Phái

        Chuyện chưa kể quanh tranh Tết Bùi Xuân Phái

        Phạm Thu Hương




        Mỗi dịp xuân về, họa sỹ Bùi Xuân Phái khai bút bằng những bức tranh Tết mang ước vọng cho một năm mới tốt lành. Đã có nhiều câu chuyện thú vị và hóm hỉnh đằng sau mỗi bức tranh Tết mà đến ngày nay mới được tiết lộ.


        Thiếu nữ thay cho…chuột

        Trước những năm giải phóng, hoạ sỹ Bùi Xuân Phái có thú vẽ tranh tết về ông Đồ. Gam màu trầm ấm và dáng vẻ thư thả của các ông Đồ khom người cho chữ làm cho ai nhìn ngắm các tác phẩm của ông đều cảm thấy xao xuyến và náo nức về một mùa xuân mới với nhiều khát vọng hạnh phúc.

        Nhưng khi đất nước hoà bình, thú vẽ tranh Tết của ông đã có một bước chuyển biến đáng kể. Những gam màu đã trở nên sinh động hơn và các môtíp trong tranh có nhiều thay đổi. Mà điều này được bắt nguồn từ niềm cảm hứng, niềm vui khi 2 miền đất nước thống nhất. Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái có nhiều người bạn từng tập kết ra Bắc rồi trở lại TP.HCM khi đất nước giải phóng. Họ vẫn thường xuyên có những lá thư gửi từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đặc biệt, vào dịp Tết, những tấm thiệp chúc mừng năm mới được gửi từ Sài Gòn mới giải phóng đã làm xúc động hoạ sỹ Bùi Xuân Phái và gây cho ông niềm cảm hứng sáng tác.

        Khác hẳn với tấm thiệp chúc mừng năm mới của miền Bắc XHCN lúc bấy giờ phục vụ công tác chính trị, những tấm thiệp của miền Nam mới giải phóng mang dáng dấp của phương Tây hiện đại với những hình ảnh bắt mắt. Vì thế, để đáp lại tấm thịnh tình mà bạn bè đã dành cho ông và làm tấm thiệp chúc mừng năm mới thật độc đáo, không giống với miền Bắc và tuyệt nhiên cũng không giống miền Nam, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã tự tay vẽ.



        Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái đã truyền không khí dân gian trong những bức tranh minh hoạ bìa báo Tết.


        Ông vẽ thiệp chúc Tết trong một trạng thái bất chợt. Khi cảm xúc đến, hoạ sỹ vẽ ào ào một lúc là xong. Vì thế, nhiều khi vội để đuổi theo cảm xúc, họa sỹ cũng không cầu kỳ trong việc lựa chọn giấy vẽ. Cứ thấy trước mắt có tờ giấy nào còn phẳng phiu và có màu trắng là ông vẽ ngay. Năm nào con giáp ấy, hoạ sỹ thường dùng hình ảnh của con giáp đó trong tấm thiệp chúc mừng năm mới.

        Tuy nhiên, nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được ông tuân thủ, đặc biệt đối với năm con chuột. Loài gặm nhấm này đã làm hoạ sỹ thấy khó chịu khi chúng phá những tác phẩm mới hoàn thành công của ông trong ngôi nhà chật chội tại số 87 phố Thuốc Bắc. Vì thế, thay vì vẽ con chuột, ông đã vẽ các thiếu nữ xinh đẹp. Hoặc có những con giáp mà ông thấy khó thể hiện được hình ảnh của chúng trên tấm thiệp mang nặng nghĩa tình của mình tặng bạn bè cũng thường được ông thay thế bằng hình ảnh các thiếu nữ.

        Cho đến giờ, nhiều bạn bè của hoạ sỹ vẫn còn nhớ tấm thiệp năm mới rất sáng tạo và lạ lẫm khi ông đã biến con rồng trở thành một hình ảnh rất đặc sắc giống như nàng tiên cá. Nửa trên của con rồng ông gắn với bán thân của thiếu nữ, còn phần đuôi rồng lại được ông biến tấu đi một chút để gần giống với đuôi của con cá. Vì vậy, mảng đề tài về thiếu nữ có một vị trí rất quan trọng trong những tác phẩm vẽ tay nhỏ xinh của họa sỹ Bùi Xuân Phái.

        Kỷ niệm của một thời gian khó

        Và điều mà người ta rất dễ nhận ra về Tình yêu Hà Nội mà ông dành cho Thủ đô trong những tấm thiệp chúc Tết. Họa sỹ trau chuốt và chắt lọc những hìn ảnh tiêu biểu nhất về Hà Nội như Hồ Gươm, Tháp Rùa để đưa vào tranh. Dù những hình ảnh ấy chỉ làm nền cho những con giáp, cho những thiếu nữ xinh đẹp, xúng xính trong áo và hoa thì một chút thiêng và một chút hào hoa của Hà Nội cũng đã hiện diện trong tranh. Ông yêu Hà Nội, đó là điều mà không ai có thể phủ nhận ngay cả trong những tấm thiệp đơn sơ mà chan chứa tình bạn bè.

        Với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sỹ, Bùi Xuân Phái phần nào cũng cảm nhận được tấm trạng nhớ nhung Hà Nội của những người bạn đã từng có thời gian tập kết ra Bắc và gắn bó với mảnh đất này. Các tấm thiệp này có thể không thể gửi trọn vẹn không khí rộn ràng đón Tết của Hà Nội và bầu trời của Thủ đô tới các bạn ở phương xa nhưng nó sẽ làm cho một phần nỗi nhớ ấy dịu xuống và bớt đong đầy.



        Bức Nam Bắc.


        Vẽ tranh Tết với họa sỹ Bùi Xuân Phái không dừng lại ở những tấm thiệp đơn sơ mà còn là những kỷ niệm của một thời gian khó khi đất nước còn chìm trong lửa đạn. Bùi Xuân Phái khi ấy cũng đã là một họa sỹ có tên tuổi nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn gặp nhiều vất vả. Một nghệ sỹ sống hồn nhiên với cuộc đời như ông cũng đã có những khoảng thời gian long đong để tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, cái Tết năm 1970 đã trở thành một cái Tết không thể quên đối với ông và gia đình khi ông Phái và các con đã kiếm về cho bà Phái một khoản tiền tiêu Tết không nhỏ.

        Năm ấy, Hội Mỹ thuật Việt Nam tìm cách cải thiện đời sống cho anh em sáng tác bằng cách, mỗi họa sỹ sẽ có thêm một khoản tiền tiêu Tết khi nhận tranh dân gian về tô. Ông Phái cũng được liệt vào danh sách ấy. Họa sỹ về bàn bạc với bà Phái và lập tức nhận được sự ủng hộ của bà với hy vọng các con sẽ giúp một tay. Ngay ngày hôm sau, 3 bố con hồ hởi tới trụ sở của Hội ở số 51 Trần Hưng Đạo để nhận tranh. Hàng nghìn bức tranh khắc dân gian đã được chở về nhà trên chiếc xe đạp mà dường như bao niềm vui và hy vọng có một cái Tết thịnh soạn cũng nằm ở đó.

        Việc tô tranh tưởng chừng như đơn giản ấy đầu tiên được ông giao cho 2 con. Nhưng bản tính con trẻ ưa nhanh nhưng ẩu đã làm lem màu từ vùng này sang vùng nọ khiến ông Phái buộc “nhảy vào tham chiến”. Tuy là một người thiên về sáng tác, vẽ tranh theo cảm hứng nhưng ông Phái lại trở thành người thợ tô tranh rất tỉ mỉ và chính xác.

        Ông Bùi Thanh Phương, con trai họa sỹ Bùi Xuân Phái khi kể lại kỷ niệm này vẫn còn nhớ như in lời dạy bảo của cha “Phương à, con tô màu như thế chưa được đâu, bị lem ra ngoài nhiều lắm. Con nhìn bố tô màu này”. Một nét rồi 2 nét, bức tranh dần trở nên sinh động hơn dưới ngòi bút trên của ông Phái đang lướt đi một cách thận trọng trên giấy. Với sự nỗ lực của 3 bố con, công việc tô tranh cũng hoàn tất trong gần 1 tháng và cũng đã là những ngày cận kề Tết. Thế nhưng, 3 bố con ông Phái đã chưng hửng khi có chỉ thị của Hội thu hồi toàn bộ số tranh đã đưa cho các họa sỹ. Những tưởng bao công sức và niềm hy vọng được chất chứa bấy lâu nay sẽ đổ xuống sông thì may thay, các họa sỹ vẫn nhận đủ số tiền như đã cam kết ban đầu. Cái Tết năm ấy, trên mâm cơm nhà ông Phái đã có thêm nhiều món ăn thịnh soạn.

        Tranh quá đẹp nên bị đánh cắp

        Cũng vào thời gian đó, họa sỹ Bùi Xuân Phái còn rất nổi tiếng bằng nghề vẽ minh họa trên các báo. Mà ngày đó, vẽ minh họa bìa báo Tết rất được quan tâm và thường được giao cho các họa sỹ tên tuổi đảm nhiệm. Cứ gần đến Tết người ta lại kháo nhau xem năm nay báo Văn Nghệ sẽ vẽ minh họa về đề tài gì. Ông Phái đương nhiên là một cây bút được ưu ái đặt lên hàng đầu. Mỗi tác phẩm vẽ bìa minh họa báo Tết tiêu tốn nhiều sức lực và tâm huyết của ông Phái và được họa sỹ thực hiện như một tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, ông đều cố gắng truyền tới người xem không khí cổ truyền ngày Tết qua những hình ảnh dân gian sinh động như đám cưới chuột, tĩnh vật hoa quả…trong tranh.

        Ngoài thời gian vất vả bên công việc minh họa báo Tết, họa sỹ Bùi Xuân Phái còn dành khoản thời gian cho riêng mình với thú vui thưởng ngoạn cảnh chợ hoa Tết. Đem theo bên mình quyển sổ và cây bút để ghi chép, ông cùng hòa mình vào dòng người hồ hởi đi mua sắm Tết. Ở một bức tranh miêu tả cảnh chợ Tết được ông vẽ bằng bột màu, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã tự họa chính mình như một người lãng du trong dòng người hối hả. Ông đứng đó, bình thản nhìn cuộc sống và mải miết với những hình và ký họa về chợ hoa.




        Bức Chợ hoa.


        Vì ở gần chợ hoa, ngôi nhà số 78 phố Thuốc Bắc của ông vào những ngày giáp Tết trở nên rất nhộn nhịp với nhiều cuộc thăm viếng của bạn bè. Trước là câu chuyện thân tình giữa những người bạn với ấm nước chè, điếu thuốc đàm đạo còn sau cùng bao giờ cũng là việc gửi xe đạp tại nhà ông Phái để vào chợ.

        Một lần, người bạn của ông đến nhà chơi trong lúc họa sỹ đang ở trên gác xép. Nhìn thấy chiếc cặp vẽ trong có chứa những bức tranh Tết đang dang dở của họa sỹ Bùi Xuân Phái, ông bạn đã lấy đi 6 bức mà họa sỹ không hay biết gì. Nhưng vì tranh chưa có chữ ký của tác giả, có treo cũng thấy thiếu mất phần quan trọng nhất nên người bạn đành đem tranh lại và thú thực với ông Phái và mong ông lượng thứ mà ký vào những bức tranh. Đến lúc đó, họa sỹ Bùi Xuân Phái mới biết những bức tranh “đi đằng nào mất” lại đang nằm trong tay của bạn mình. Không tỏ ra tức tối, họa sỹ từ tốn nói với bạn: “Ông đem đến đây để tôi còn sửa, được chứ?”. Người bạn như mở cờ trong bụng, vội vàng lôi từ trong túi ra 6 bức tranh đưa cho ông Phái.

        Từ những tấm thiệp chúc mừng năm mới, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã vẽ những tấm thiệp cưới cho con trai của ông. Có đến 50 chiếc thiệp cưới do chính tay họa sỹ vẽ, không bức nào giống bức nào được phát cho họ hàng nội ngoại và bạn bè thân thiết của 2 gia đình. Cho đến nay, nhiều tấm thiệp cưới vẫn được mọi người lưu giữ như một kỷ vật vô giá. Và có một tấm thiệp cưới ngày ấy được một người nước ngoài mua với giá 4.700 USD. Về giá trị vật chất, không riêng gì với Việt Nam mà so với thế giới, đó là tấm thiệp có giá trị cao nhất. Như vậy, những tác phẩm tranh Tết, thiệp chúc mừng năm mới hay tấm thiệp cưới của họa sỹ Bùi Xuân Phái đều là những tác phẩm nghệ thuật thực sự, mang tâm hồn và tài năng của người họa sỹ Hà Nội.

        Phạm Thu Hương (An ninh thủ đô số Xuân Tân Mão)
        (Nguồn vtc.vn)
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        • #5

          Phố PHÁI và Mùa Xuân Vĩnh Cửu

          Phố PHÁI và Mùa Xuân Vĩnh Cửu



          Trong ký ức của họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai duy nhất còn lại của ông, thì danh họa Bùi Xuân Phái "có một tuổi thơ kéo dài cả đời". Không chỉ các con ông, mà rất nhiều người được sống gần Bùi Xuân Phái, đã bị ảnh hưởng ông tới mức họ nhìn bằng cái nhìn của Bùi Xuân Phái, căng đo cái đẹp bằng thước đo của ông, họ trông ông để sống, ứng xử và giữ mình. Giữ trong lành cho tâm hồn, giữ tự trọng cho nghệ thuật mình đeo đuổi, và giữ để giữa những thống khổ không nguội tắt đi ngọn lửa đam mê.

          Họa sĩ có một người vợ rất đỗi tảo tần, hiền hậu. Bà mang cái tên bình dị: Nguyễn thị Sính. Gương mặt bà tỏa nét đôn hậu, mộc mạc khiến người ta ấm lòng, cái nét khoẻ khoắn sống động, hiện lên chung thủy trong hàng trăm bức tranh của Bùi Xuân Phái. Bà Phái là người ông vẽ nhiều nhất, ông vẽ bà từ khi còn là một thiếu nữ, theo thời gian đến khi người bạn đời của ông đã là một bà lão - số chân dung ông vẽ bà còn nhiều hơn số ảnh bà chụp. Ngay cả trong những bức ký họa của họa sĩ, mọi gương mặt phụ nữ đều thấp thoáng mang hình ảnh bà - như một ám ảnh trong tâm hồn về người đàn bà của đời ông, để mỗi khi đưa bút, gương mặt thương yêu và hiền hậu ấy lại hiện về.

          Ông Phái lãng đãng, ông rất yêu con nhưng không biết tắm cho con, không biết cho con ăn, không biết gì về chuyện tiền nong hay việc nhà. Cuộc sống bấp bênh, Bùi Xuân Phái là họa sĩ tự do, thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui không đủ mua họa phẩm. Toàn bộ gánh nặng kinh tế dồn lên vai người vợ tảo tần. Mấy chục năm làm bạn, bà chẳng dám nghĩ rồi ông sẽ nổi tiếng, bà cũng không hiểu tranh của ông. Với bà, tận tụy với chồng là một bổn phận. Cứ lặng lẽ - bà thu xếp cuộc sống cho ông, chu đáo tới từng ly cà phê sáng, từng chén rượu nhỏ lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Năm đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt, suốt ngày quấy nhiễu khóc lóc, nhà cửa cực kỳ bừa bộn, sơn màu vẩy lung tung... ông Phái chỉ biết vẽ và xem báo, bà Sính "hầu" chồng cũng quen và chẳng thấy khó chịu: "Từ hồi lấy nhau, chưa bao giờ ông Phái biết thổi nồi cơm. Có lần đi sơ tán, tôi vo gạo sẵn, đánh dấu vào thành nồi, dặn ông:'ông châm bếp dầu, đổ nước theo chừng này, chờ nước sôi, dùng đũa ghế, cơm cạn, hãm nhỏ lửa'. Ông rất nhiệt tình làm theo tất cả, nhưng chỉ quên... cho nước vào, nồi cơm thành gạo cháy khét lẹt, từ đó tôi cũng chẳng dám nhờ!".

          Nhà chật, trẻ con trong nhà đùa nhau ngã oành oạch vào tranh vẽ dở và bê bết màu. Ông thường thức trắng đêm để làm, chờ các con ngủ hết ông mới căng toan dưới đất và ngồi vẽ. "Xưởng vẽ" của ông là góc nhà chỉ rộng 2 mét vuông, sau này khi cậu con trai Bùi Thanh Phương cũng vẽ cùng thì cái "xưởng" ấy phải chia đôi, mỗi người chỉ đủ ngồi, xoay lưng là chạm nhau. Điều ấy lý giải vì sao Bùi Xuân Phái có tới hàng ngàn bức tranh mini, bởi ông không có chỗ để đặt vừa một bức toan rộng. Không ngày nào họa sĩ không vẽ, bởi vẽ là giải bày, là độc thoại với nỗi đơn độc, tình yêu, những bình yên hay bấn loạn trong tâm hồn mình. Với ông, vẽ là sống. Sau này gia đình có giữ được khoảng 500 tranh sơn dầu và bột màu của Bùi Xuân Phái, số tranh của ông đang lưu lạ trên thế giới còn hơn thế rất nhiều.

          Từ 1978, Bùi Thanh Phương bắt đầu "can thiệp" vào sự nghiệp của bố. Anh căng toan, soạn màu như một người phụ tá bên cạnh ông và quản lý tranh của ông (bởi nếu không ông sẵn sàng cho hết). Ông Phái tính tình hào hiệp rộng rãi, nhiều lần tỏ ra khó chịu khi con giữ tranh mình kỹ quá, ông nói: "Bán được tranh là niềm vui, thì sao tặng tranh không là niềm vui?". Lũ trả lít nhít bạn con đến nhà, thích tranh gì là ông tặng. Sau này những người ấy, khi gặp khó khăn, hoặc khi lấy vợ - những bức tranh của ông Phái đã đổi cho họ một đám cưới, một căn bếp, hoặc trợ giúp vật chất để họ qua cơn hoạn nạn... Có lẽ đấy cũng là Phúc của Phái để lại cho mọi người.

          Không qua trường lớp mỹ thuật, Bùi Thanh Phương tự học bố từ cách căng toan cho đến bồi giấy, pha màu, học về bố cục, hòa sắc và lớn nhất là sự chân thành và nghiên cẩn với tình yêu của chính mình. Ông không bình luận về công việc của con, khi không hài lòng thì ông im lặng. Chính vì thế, khi thấy bố không nói gì trước một bức tranh mình vừa vẽ xong, Phương rất hoảng. Phương vẫn nhớ là, khi anh 16 tuổi có vẽ một bức bột màu mà bố rất thích. Họa phẩm khi ấy quý hơn vàng, ông Phái có một bức toan rộng và ít sơn dành dụm mãi, vậy mà ông yêu cầu con trai chuyển tranh từ giấy sang sơn dầu.Phương thì không nỡ lấy toan của bố, nhưng đối với anh đó là một kỷ niệm đặc biệt, bởi tác phẩm ấy - anh đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái công nhận. Với Bùi Thanh Phương, bố anh là một thần tượng: "Bố tôi quá lớn lao, tôi đi mãi, ngẩng mặt lên vẫn thấy mình đang ở dưới bóng trùm của ông. Bốn lăm tuổi, tôi vẫn bị so sánh và phải mang gánh nặng là con trai của Bùi Xuân Phái, điều ấy đôi khi cũng thật mệt mỏi..."

          Mùa đông năm 1964, ngôi nhà 87 Thuốc Bắc làm thêm căn gác xép. Căn gác gỗ lấy chiều cao của nhà thơ Quang Dũng làm chuẩn (nhà thơ "Tây Tiến" là người cao nhất trong số bạn bè của ông Phái). Đây trở thành xưởng họa của ông. Từ tám mét vuông gác xép ấy, không biết bao nhiêu bức họa danh tiếng đã ra đời. Có nơi chốn riêng, ông bám lì để vẽ, ngay cả lúc còi báo động rú ầm ngột ngạt thành phố, Bùi Xuân Phái vẫn vẽ dưới ánh đèn dầu về một Hà Nội cổ kính, khi Hà Nội của ông đang mang đầy thương tích chiến tranh.

          Bùi Xuân Phái là họa sĩ phát hiện ra vẻ đẹp của phố cổ. Với ông, vẽ phố được làm như một sinh hoạt bình thường, dường như không có ngày nào ông không có nhu cầu vẽ về nó. Ông vẽ phố như đang trò chuyện với người bạn tri kỷ, câu chuyện không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Ông bắt được vẻ đẹp của phố cổ khi ngồi uống cà phê, khi đi bộ một mình trên đường, khi ngồi trầm ngâm bên chén rượu trắng, và cả khi đếm lại những ký ức nhọc nhằn của cuộc đời mình. Ông vẽ phố trên giấy báo, gỗ, bao thuốc, vỏ hộp diêm, vải bao tải, trên những tấm toan căng nuột nà... Phố Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Nguyễn Hữu Huân, ngõ Gia Ngư, ngõ Gạch... đã đi vào hàng trăm bức họa của Bùi Xuân Phái, mỗi bức cảm động như chân dung thân phận một con người, mỗi bức phố dường như một lần thay lời nói về tình yêu của ông dành cho Hà Nội.

          Phố cổ qua lăng kính tâm hồn ông buồn và đạm bạc. Phố của Bùi Xuân Phái luôn lặng lẽ. Dù là phố về đêm hay ban ngày, phố có người, có quán hay đôi khi chỉ là những nét run rẩy thì vẫn im lìm như không người. Một ông đồ già che ô, một phụ nữ dáng tất tả đi qua khung cửa nhìn xiên, dăm người trong quán trà quạnh vắng bên vỉa hè... đó là những "nét động" khe khẽ không đủ thức phố khỏi giấc mơ êm đềm... Nhưng đã có thời, những bức tranh phố cổ của ông bị nhìn nhận là vô bổ. Triển lãm Hà Nội hàng năn, tranh phố tham dự của ông đều bị loại. Ông vẫn biết tranh ông sẽ bị loại, nhưng là hội viên Hội Văn Nghệ thì bắt buộc phải có tranh. Tự tay ông cầm tranh về thì thấy khổ tâm và tủi, nên Bùi Thanh Phương thường thay bố làm công việc "cực chẳng đã" này. Ngay cả mảng tranh về Chèo, một gia tài vô giá của hội họa Việt Nam, cũng đã từng bị từ chối công nhận. Mặc dù vậy, ông vẫn điềm tĩnh vẽ, độc lập, kiên định với quan niệm nghệ thuật của mình. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nói: "Tôi thương ông vì ông luôn là người cô độc trong tinh thần, ông không chia sẻ được tư tưởng với ai. Chắc chắn bố tôi ý thức được về tài năng của mình, nên ông cứ lặng lẽ can đảm trên con đường độc đạo".

          Cuộc sống của gia đình họa sĩ bắt đầu bớt vất vả từ những năm 1980, khi tranh của Bùi Xuân Phái được giới chơi tranh tầm mua. 1984 là năm đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời ông: ngày 22/12 mở triển lãm tác phẩm hội họa của Bùi Xuân Phái - đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của mỹ thuật của nước nhà sau khi thống nhất.

          Chuẩn bị cho triển lãm, cả nhà nhộn nhịp căng toan, lồng khung... họa sĩ thì háo hức hơn bao giờ hết, có lẽ chưa bao giờ ông vui như thế. Năng lượng sáng tạo của ông quá mạnh, 108 bức của triển lãm, ông vẽ chỉ trong sáu tháng, mà hầu hết là những tác phẩm tuyệt vời.

          Cả đời họa sĩ có ao ước lớn nhất là được đi Pháp, đến thăm bảo tành Louvre và tận mắt ngắm những bức tranh của Picasso - bậc thầy hội họa mà ông ngưỡng mộ. Lúc Hội Mỹ Thuật thông báo ông được chính phủ Pháp mời qua thăm thì Bùi Xuân Phái đã không thể đi được - ông bị ung thư phổi đã sang giai đoạn di căn! Đó là những ngày không thể quên đối với gia đình ông. Bà Sính kể: "Hôm ông Phái đi triển lãm tranh Văn Dương Thành về, chợt bảo vợ: 'Này, cánh tay tôi một bên bị béo ra'. Tôi lập tức đi mời bác sĩ, bác sĩ bảo anh bị viêm họng, nhưng lại gọi tôi ra nói: 'Anh Phái bị ung thư mất rồi.' Mọi người dấu không cho ông biết, ông sợ vào bệnh viện nên cứ thấy ông hơi khoẻ ra tôi lại cho các con đón ông về, quạt bún chả cho ông ăn, ông rất thích..."

          Những ngày còn lại của cuộc đời, Bùi Xuân Phái hối hả vẽ. Ông sai con trai hạ hàng loạt tranh xuống sửa sang, vẽ thêm, và một số bức bị ông xóa sạch. Ông vẽ lại tất cả những gì chợt hiện ra trong ký ức mình: phố, hoa, những đứa con ở xa, và người vợ hiền tần tảo... Mùa hạ, trước khi vào bệnh viện, ông còn cố vẽ phố Nhà Thờ, phố Nhà Hỏa, hai con phố nhỏ gần nhà ngập trong nắng, rất đẹp và sáng sủa. Bệnh dập ông chỉ trong hai tháng. Ông than mệt nhiều, trước khi đi mười ngày ông bị mất tiếng, không nói được, muốn diễn đạt gì phải viết ra giấy. Họa sĩ Bùi Thanh Phương kể: "Gia đình cố dấu ông về bệnh tật, nhưng tôi lại có cảm giác là bố tôi lại cố đóng vai vui vẻ, như thể ông không biết gì, để mẹ và chúng tôi không đau lòng thêm. Ông đã đón đợi cái chết một cách bình thản nhất."

          Trên giường bệnh, ông vẽ bức tự họa cuối cùng: gương mặt gầy hốc hác, chỉ có đôi mắt ngùn ngụt sáng - "trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ là chậm. Nhất là đêm gần về sáng"- đó là những dòng nhật ký cuối cùng ghi bằng nét bút máy run run dưới góc bức tranh. Ngày 24/6/1988, trái tim họa sĩ Bùi Xuân Phái đập những nhịp đập cuối cùng...

          Cuộc đời Bùi Xuân Phái là một bức chân dung lớn về nhân cách người nghệ sĩ: ông thương yêu, tha thứ và làm việc... Sáu mươi tám mùa thu, ông đã đi trọn một vòng hào quang rực rỡ để trở thành một trong những danh họa bậc nhất của Việt Nam thế kỷ XX. Những người Việt Nam dù có lưu lạc ở phương trời nào, nếu may mắn được gặp ông, sẽ thấy lòng mình ấm áp và được an ủi. Bởi qua tranh của Bùi Xuân Phái, họ đã gặp được mùa xuân vĩnh cửu của nghệ thuật đích thực - thứ nghệ thuật dung dị và luôn cảm động, vì đã vinh danh con người và vẻ đẹp của đời sống này! Còn Hà Nội, với tình yêu và lòng biết ơn, đã ghi tên ông vào 1000 năm thiêng liêng của mình - Phố Phái!
          Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-03-2011, 03:09 AM.
          ----------------------------

          Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

          Comment

          • #6

            Kiến trúc nhà cổ Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái

            Kiến trúc nhà cổ Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái


            "Phố Phái" là từ mà người dân yêu Hà Nội thường nghĩ đến tranh về phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Hà Nội trong tranh vẫn còn nguyên vẹn nét dung dị đời thường, lặng lẽ và lâu bền trong từng nét bút của ông.


            Không còn nhiều những bức ảnh về Hà Nội xưa, tranh của Bùi Xuân Phái là tất cả những gì mà ta còn trọn vẹn nhất, sống động nhất về Hà Nội, về nét đẹp của hồn phố, hồn người…


            Sinh ra và lớn lên ở Hà thành, họa sĩ tài ba này đã trở thành một phần máu thịt, một người bạn tri âm trong từng góc phố, mái nhà, từng con đường nhỏ... Ông vẽ tranh không chỉ để tái hiện nét văn hóa "thanh lịch" của người Hà Nội mà còn mang đến cho hậu thế cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc Hà Nội xưa.


            Bùi Xuân Phái vẽ tranh về từng con phố Hà Nội bằng nỗi niềm riêng, bằng tâm tư riêng của một người con của mảnh đất Hà thành. Ông đã sống, đã đi qua những tháng ngày thăng trầm trên mảnh đất thân yêu này, để nghiệm lại cuộc đời và trải hồn mình qua hàng trăm bức tranh về Hà Nội. Thưởng tranh ông, người ta không chỉ thấy một Hà Nội cổ kính từ xa xưa hiện về, người ta còn thấy được tấm lòng của ông gắn liền với từng "mái nhà dưới nắng vàng nghiêng nghiêng hàng dương liễu" (Trần Thụ).


            Bằng tình yêu Hà Nội và đam mê nghệ thuật, ông đã đi và vẽ, đi bất cứ lúc nào và vẽ bất cứ nơi đâu. Vì vậy, hơn ai hết, ông là người họa sĩ hiểu Hà Nội và vẽ về Hà Nội một cách toàn diện nhất. Những bức tranh của ông đủ dựng nên một thành phố thật, nhẹ nhàng và yên ắng... Một Hà Nội đời thường, bình dị, buồn nhưng không tẻ nhạt, đẹp một cách giản dị nhưng chứa trong sâu thẳm mỗi người là tình yêu và sức sống mãnh liệt.



            Một trong những đặc trưng của kiến trúc phố cổ Hà Nội là nhà cổ. Những ngôi nhà cổ mọc san sát nhau, mái ngói nghiêng, đầy rêu phong, những mảng tường vôi lở, những ô cửa nhỏ đợi chờ, những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo, những vỉa hè lát gạch chạy dọc khắp các con phố nhỏ....

            Những ngôi nhà cổ này chủ yếu được xây dựng vàp thế kỷ XVIII - XIX, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói. Mỗi ngôi nhà đều có sân chung, từng mái ngói lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác.



            Giá trị phong cách kiến trúc nhà ở độc đáo của một Hà Nội cổ là kiểu nhà ống, một phong cách đặc trưng cho đô thị cổ Việt Nam. Nhà ống ở khu phố cổ Hà Nội bé nhỏ và bình dị. Nhà như một cái ống, bề ngang hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Vì diện tích bề rộng nhô ra mặt phố hẹp nên ông cha ta đã tận dụng bề dài sâu vào trong, sáng tạo một kiểu nhà thích hợp, có nơi bán hàng, nơi ở, nơi thờ phụng, nơi sinh hoạt cá nhân hết sức khoa học. Nhà càng dài càng tạo ra nhiều lớp sử dụng, bên trong có khoảng sân vườn. Sân vườn chỉ chiếm một khoảng nhỏ nhưng là nơi đưa thiên nhiên luồn lách vào trong từng gia đình. Nó làm cho ngôi nhà thông thoáng, sáng sủa, có nắng ấm, gió trời. Nơi đây hiện lên một khoảng trời riêng của gia đình với cây cau, giàn trầu, giếng nước, hòn non bộ, cây cảnh, chậu cá, lồng chim... tách khỏi mặt phố náo nhiệt, giúp tinh thần con người thư giãn, tĩnh tại.



            Một đặc điểm nổi bật nữa mà ít ai biết đến trong kiến trúc nhà cổ Hà Nội, đó là những gác xép đầy thú vị trong mỗi ngôi nhà nơi đây. Dường như, mỗi ngôi nhà cổ Hà Nội đều có một gác xép. Gác xép cũng tạo nên một nét văn hóa độc đáo cho cuộc sống đời thường của người dân Hà thành xưa. Trong tâm thức mỗi người Hà Nội đều có một phần hình ảnh của gác xép, gác xép của mỗi gia đình thường để tạo một không gian riêng, rất riêng để ngồi trầm tư, ngắm cảnh phố phường qua ô cửa nhỏ. Có thể họ dùng gác xép để tạo những quán cà phê, quán nước... đơn giản để cho khách ngắm cảnh, ngắm thiên nhiên và hưởng thụ sự mát mẻ trong mùa hè và ấm nóng trong mùa đông. Những ô cửa nhỏ gần mái ấy ta bắt gặp rất nhiều trong mỗi bức tranh của Bùi Xuân Phái, dường như ký ức về mỗi gian gác xép gắn liền với ký ức về Hà Nội trong lòng mỗi con người sống ở đây.


            Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết: "Hà Nội rất hội họa ở những phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng, Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình như ông được sinh ra để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng đây. "Phố Phái" là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó - người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất rất nhiều họa sĩ say mê đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ".


            Cái tên Bùi Xuân Phái gắn liền với những nét vẽ phiêu diêu trên từng con phố Hà Nội. Sẽ không quá lời khi khẳng định rằng, không ai có thể thay vị trí của ông trong mảng tranh phố cổ Hà Nội, bởi lẽ, chưa kể sự tài hoa của ông, mấy ai còn cơ hội chiêm ngưỡng những dãy phố Hà Nội xưa cũ, mái ngói liêu xiêu, nâu trầm đậm màu thời gian để có thể cảm xúc sáng tác như ông ngày xưa.


            Thùy Linh
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #7

              Bức Chân Dung Bà Bùi Xuân Phái



              Bùi Xuân Phái ngoài phố và chèo ra, ông còn vẽ rất nhiều chân dung. Chính nhờ vào những nét vẽ chân dung đầu tiên rất sống động của ông ngay từ khi ông ở tuổi ấu thơ mà mọi người phát hiện ra ông có năng khiếu hội họa và sau đó, người thân đã cổ súy ông thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương. Thủa ấy mỗi khi bị anh hay chị em trong nhà gây ra điều gì đó làm ông phật ý, ông liền vẽ chân dung người đó lên tường nhà, những bức vẽ đó, nó giống và vui nhộn đến nỗi cả người bị vẽ lên tường không cảm thấy tức giận mà lại lấy làm thích thú.

              BXP vẽ rất nhiều chân dung, ở tất cả chân dung của ông, người ta thấy người mẫu thường là những người rất thân với họa sĩ, được ông dành tất cả tình cảm như vợ con,anh em, người hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp...

              Người phụ nữ được ông vẽ nhiều chân dung nhất, chính là người vợ của ông (bà Nguyễn Thị Sính). Những bức chân dung vẽ vợ ông, người ta vẫn thường gọi chung là Chân dung bà Phái, và để phân biệt từng bức, người ta đề thêm năm vẽ vào sau tiêu đề bức tranh. Chân dung bà Phái xuất hiện từ năm 1952 và bức cuối cùng ông vẽ rất chăm chút dành để tặng bà vào năm 1986.Triển lãm nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của BXP, bức Chân dung bà Phái_vẽ năm 1986, lần đầu tiên được công bố. Bức tranh đã được bày ở nơi trang trọng nhất



              Chân dung bà Phái_Vẽ năm 1986_Sơn dầu của Bùi Xuân Phái


              Hôm Bùi Xuân Phái vẽ bức chân dung bà Phái này, bà bảo ông:
              - Để tôi trang điểm và diện bộ mà tôi vừa ý nhất cho ông vẽ nhé.
              Bà lấy chiếc khăn khoác của Natasha tặng mà bấy lâu vẫn chưa có dịp để thể hiện. Bức tranh được hoàn thành trong buổi chiều hôm đó. Bùi Xuân Phái hỏi bà:
              -Bà xem đã vừa ý chưa để tôi ký tên nào?
              Bà Phái thích bức chân dung đó lắm, nhưng bà hiểu rằng, ông đã chiều mình mà vẽ khá là realist cho bà có thể thích và hiểu được. Bà vốn là người phụ nữ không quan tâm và cũng không hiểu nhiều lắm về nghệ thuật của ông, nên bà cho rằng, lần này, ông vẽ bà khác hẳn những bức trước đây vốn là những bức ông vẽ cho ông với quan niệm nghệ thuật của ông. Nghĩ vậy, bà Phái bảo ông:
              -Tôi muốn lần sau ông vẽ tôi một bức khác theo đúng phong cách của ông. Tôi thích ông vẽ tôi một bức chân dung thật phá phách và tự do theo đúng chất của ông.
              Bùi Xuân Phái gật đầu, hứa sẽ vẽ cho bà bức chân dung theo ý muốn của bà.
              Nhưng lời hứa của ông với bà đã mãi mãi chỉ là lời hứa, bà đã không bao giờ có dịp để ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung nữa. Bức chân dung mà bà nhận xét là hiền lành và realist lại là bức chân dung cuối cùng ông vẽ bà. Ngày tiễn đưa Bùi Xuân Phái về cõi vĩnh hằng, bà Phái lấy trong tủ ra bộ comple sang trọng nhất trong đời Bùi Xuân Phái, bộ comple này bà đi may cho ông khi bà hay tin: Nhà nước đã chấp thuận cho ông xuất ngoại theo lời mời của người Pháp. Bà muốn ông sang Pháp diện bộ đồ thật oách. Nhưng ông đã chưa có dịp được mặc bộ comple thật oách đó một lần nào. Trong lúc mặc bộ comple sang trọng đó cho ông, bà Phái mếu máo nói:
              -Ông đã hứa vẽ cho tôi bức chân dung thật là bạt tê, phá phách, rồi đấy nhé! Ông vẫn còn nợ tôi một bức chân dung đó.
              Và cứ thế, những giọt nước mắt của bà không ngừng rơi xuống khuôn mặt đã bất động của ông.



              Link
              Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-03-2011, 03:59 AM.
              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              • #8

                Hát Chèo trong tranh của Bùi Xuân Phái

                Hát Chèo trong tranh của Bùi Xuân Phái



                Ngoài đề tài phố, công đã thành danh đã toại, đã đưa tên tuổi của họa sĩ Bùi Xuân Phái bay xa, rất xa khỏi phạm vi quốc gia, mà trở thành một danh nhân có tầm vóc quốc tế vì chính đời sống nghệ thuật và số lượng tác phẩm khá đồ sộ của ông để lại cho đời, Bùi Xuân Phái còn có đề tài "búa bổ" khác nữa là đề tài Chèo.

                Ở mảng đề tài này của ông cũng đã chiếm một vị thế tuyệt đối trong làng hội họa Việt Nam, khi nói đến tranh vẽ về đề tài Chèo, bắt buộc người ta phải kể đến Bùi Xuân Phái trước nhất với những tác phẩm xuất sắc về mảng đề tài này và không ai phủ định được là Chèo Phái đã đạt tới một đỉnh cao về cái đẹp trong hội họa với cái nhìn về mảng nghệ thuật sân khấu dân gian.Có thể nói, những tác phẩm xuất sắc về Chèo của Bùi Xuân Phái đã làm nản lòng bất kỳ họa sĩ nào nếu có ý muốn cầm cọ để thể hiện mảng đề tài này; trước và sau khi ông mất đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện một họa sĩ nào có tác phẩm thành công ở mảng đề tài chèo.

                Người ta chưa có được một thống kê chính xác là BXP đã vẽ bao nhiêu bức lớn nhỏ về đề tài Chèo, nhưng người ta biết được là bức vẽ đầu tiên của ông về đề tài này được ký đát tê năm 1961.Ở mảng đề tài này, tranh của ông bớt trầm tư, cô liêu hơn mảng tranh phố, những bức chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Bắc kỳ . Những chàng hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương, những cô gái soi gương chải tóc, những cảnh sinh hoạt sau hậu trường sân khấu của diễn viên khi họ thay trang phục trước giờ biểu diễn... được làm sống động bằng một ngôn ngữ hội họa cũng nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo.

                Các nhà phê bình cho rằng ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với cái sân khấu chèo của mình là thân thiện và nhân ái. Bùi Xuân Phái đã tự nhập thể vào cuộc hội hè với những âm thanh và nhịp điệu của làng xã đồng bằng Bắc bộ với ý thức khám phá thêm một sắc màu hội họa dân tộc. Bùi Xuân Phái đã làm nên một ngôn ngữ riêng cho chèo bằng ngôn ngữ của hội họa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc nhất (theo cách mà người ta thường hô hoán). Nhân vật của ông, những biến thiên ngàn năm của người thôn quê xuất hiện đầy chất thơ, sâu lắng và ý nhị.

                Năm 1961, Bùi Xuân Phái làm trang trí cho vở chèo Sợi tơ vàng, và từ đấy ông phát lộ ra cái hay, cái đẹp của chèo, và tạo ra một cái nhìn riêng, và bổ xung một mảng đề tài quan trọng vào di sản nghệ thuật đồ sộ của ông. Khác hẳn với phố cổ, ở mảng tranh chèo,cùng những minh họa cho tập sách về Hề chèo năm 1981, và những minh họa cho Thơ Hồ Xuân Hương . khiến người ta phát hiện ra một Bùi Xuân Phái trẻ trung, dí dỏm, đầy chất "u-mua".

                Tôi đã chứng kiến có bức chèo của BXP đã được giới đại gia sưu tập Quốc tế đặt giá tới 70.000 USD, nhưng người sở hữu tác phẩm vẫn chỉ nhoẻn cười rất tươi, lắc đầu, từ chối không bán. Vẫn biết rằng giá cả,kim tiền, thời nào cũng chỉ nằm ngoài giá trị của nghệ thuật, bởi các con số sẽ không thể nói được gì nhiều mà có khi còn không chính xác, có thể có những tác phẩm của họa sĩ VN khác đã và sẽ vượt qua ngưỡng giá tranh của BXP, nhưng xét ở góc độ cống hiến cho gia tài văn hóa dân tộc với nhiều chủ đề và xuất sắc như di sản của Phái đã để lại cho đời, thì trước và sau ông, chưa có ai làm được như vậy.

                Bùi Xuân Phái, nhân cách và tài năng đó đến ngày nay vẫn là một đỉnh dốc thách thức các họa sĩ Việt Nam khác, và người ta cũng nhận thấy rằng, thật khó có thể vượt qua.

                Link












                Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-03-2011, 04:20 AM.
                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #9

                  Tranh Chèo của Bùi Xuân Phái



















                  Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-03-2011, 04:09 AM.
                  ----------------------------

                  Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                  Comment

                  Working...
                  X
                  Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom