Chợ tình Khâu Vai
Không được làm ruộng thì làm nương
Không được làm vợ thì làm người tình
(lời hát ở chợ Khau Vai).
Lời hát ấy cắt nghĩa về nguyên do hình thành phiên chợ Phong Lưu ở Khâu Vai, mỗi năm một lần vào 27-3 âm lịch.
Nơi chợ tình Khâu Vai mỗi năm họp 1 phiên vào ngày 27/3 Âm lịch.
Một góc chợ Khâu Vai (nguồn Internet)
Theo các cụ già nơi đây, chợ tình Khâu Vai có từ cách đây hơn trăm năm, được bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái.
Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vai chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng…
Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuận giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch).
Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự…
Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau.
Đi Chợ Tình Khâu Vai
Ngày 27-3 như ngày giỗ của những mối tình bất thành. Là ngày giải tỏa nỗi nhớ để ươm lại những gì tốt đẹp từng đến với mỗi cuộc đời trong cõi tình bất diệt.
Ca dao có câu
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
thất bát sông cũng lội
cửu thập đèo cũng qua”.
Nhưng có lẽ chỉ đến tận Khâu Vai mới thấm ý tứ người xưa. Tôi ngờ rằng Khâu Vai cũng là một phần ngọn nguồn của câu ca dao bất diệt ấy. Bởi chỉ có sống vùi trong nỗi nhớ triền miên người ta mới bước nổi chân đến phiên chợ này.
Từ Mèo Vạc rẽ hướng Lũng Pù vào Khâu Vai không chỉ đèo dốc gập ghềnh ở đủ độ cao mà còn sự hiểm trở của triền miên đá: Đá tai mèo xanh nhọn và sắc. Trùng trùng ngút mắt đá non bộ với muôn vàn hình thù như chứa trong lòng nó những ẩn ức chưa được giải tỏa.
Ở đây chỉ còn đá và trời. Đá xanh tím vời vợi dính với trời xanh lặng ngắt. Nắng đầu hạ ong ong bí bách, bốc hỏa trên mặt đá nứt nẻ. Những dảnh ngô non lách trong kẽ đá vươn ra âm thầm chờ một cơn mưa, kiên nhẫn như những mối tình dang dở đến ngày nhích dần về phiên chợ hằng năm.
Thiên nhiên khéo bày đặt và con người cũng khéo lựa chọn nơi thử thách những mối tình dang dở bất thành, có duyên mà chưa có phận. Khâu Vai, tiếng Tày có nghĩa là núi dây mây.
Lác đác vài ba nếp nhà lẻ loi như đồ chơi của con trẻ lăn lóc. Rồi từ thung sâu, độ nghiêng núi đột ngột nhô, vượt lên là trùng trùng đá tím ngắt. Chỉ có đá trong nắng rải.
Chợ Khâu Vai là như vậy. Đây là nơi thử thách tình yêu hơn là nơi nâng giấc những mối tình bất thành.
Nhà nhiếp ảnh Nông Tú Tường kể: Có lần lên Khâu Vai, gặp một ông già. Bắt chéo trên người bi đông rượu. Một túi nải nữa khoác chéo sang bên, trong đựng xôi nếp, bánh ngô, thịt nướng. Ông đến từ chiều hôm trước, tha thẩn trong chợ, mắt hướng về phía đầu non.
Một buổi chiều và một đêm cô đơn trong cái ồn ào gặp mặt của những mái đầu đã ngả màu sương gió. Ngày hôm sau ông lại thẫn thờ ở chợ đến khi mặt trời đứng bóng, chợ không còn người. Ông đã không gặp được người mình mong...
Nhà thơ Cao Xuân Thái ở Hà Giang thì kể về niềm vui khôn tả của đôi bạn tình đã quá lâu mới có lần điền viên: “May mà chưa để tang nhau/ mừng sao hôm nay gặp lại...”.
Không biết phiên chợ Khâu Vai đã bao nhiêu tuổi để những mối tình thức ngủ với thời gian, số phận, đời người? Chợ Khâu Vai, nguyên danh là chợ Phong Lưu mà bây giờ gọi nôm na dễ dãi là chợ tình, lâu thành quen.
Hà Giang thập kỷ qua là tỉnh phát triển giao thông liên huyện, liên xã mạnh và nhanh ở miền núi phía Bắc. Đường vào Khâu Vai vốn gập ghềnh mà nay dập dìu xe máy. Ô tô 16 chỗ vào tận nơi. Thực chất, đó là những đội quân tò mò đổ bộ lên đất Khâu Vai xem chợ tình đó thôi.
Lần nọ, bên cổng chợ, anh lái xe bâng quơ: “Chả quen ai, không có bạn”. Bèn được vị bán quán gợi ý: “Nếu cần, sẽ tìm cho một cô chuyện qua đêm”. Theo tay ông chỉ, thấp thoáng bên sườn núi những “tăng” ni lông nhỏ chăng cách nhau từng đoạn.
Kinh tế thị trường đã lên đất Khâu Vai rồi. Hãy cứ để cho Khâu Vai lặng lẽ sống. Còn không, hồn Khâu Vai muôn năm trước có khi phải đi tìm miền đất mới.
Đông Ngàn
Comment