KỶ NIỆM NGÀY CON RA ĐỜI

Con ra đời vào một ngày đất trời mênh mông tuyết trắng!
Dường như ở ngoài lạnh quá nên dù đã bốn mươi mốt tuần trong bụng mẹ, con vẫn chưa muốn chào đời.
Cũng đã năm lần bảy lượt rồi mẹ lặn lội đến bệnh viện đòi...sinh nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu: chưa!
Cái ngày cảm thấy không thể nào đợi thêm được nữa, mẹ quyết định giả vờ ôm bụng kêu đau. Mới chỉ bắt đầu "làm trò", không ngờ thấy con ngọ nguậy. Hai giờ khám xét đo đếm xong xuôi, cô y tá thản nhiên: Sắp! Nhưng giờ chưa đủ bác sĩ. Về đi! Mai đẻ!
Mẹ lủi thủi quay đi, khệ nệ «khuân» con xuống hai tầng cầu thang. Lết được ra khỏi cổng bệnh viện tìm bến tàu điện ngầm, tuyết ào ạt đổ.
Hàng ngàn bông hoa trắng muốt rơi từ trên không xuống, mỗi lúc một nhanh và dày. Những cành cây khẳng khiu hai bên đường vươn ra như những cánh tay trần hân hoan hứng tuyết. Tuyết ngừng lại đậu lên con, tròn tròn... Sợ con lạnh, mẹ rảo bước nhanh rồi co chân chạy.
Tiếng còi xe và phanh rít bên tai. Cô y tá da đen thò đầu qua cửa kính: Quay lại ngay, bác sĩ đang chờ!. Không cần chạy, vừa đi chậm vừa thở nhịp nhàng! Quay tròn một vòng xe, cô phóng vụt đi.
Tươi tỉnh, mẹ lại đỡ con chạy ngược lại con đường vừa qua, tuyết chưa kịp đông thành đá, xốp và êm ái. Tới nơi, cả ê kíp bác sĩ, y tá đã đứng chờ. Cô y tá đỡ chiếc túi trên tay mẹ, mỉm cười dịu dàng, khoác lên vai mẹ chiếc áo bệnh nhân màu xanh dịu rồi dẫn mẹ vào phòng. Bác sĩ trưởng khoa người Do thái, bác sĩ tim, bác sĩ gây tê, bác sĩ tâm lý...bà đỡ Mariane, người đã từng đón chị con cách đây tám năm và nhiều chiếc áo trắng khác xung quanh...Những cái hộp vuông có dây lằng nhằng dẫn ra nhiều bảng điện đỏ xanh có những con số nhấp nháy. Ừ, sức khỏe mẹ có «đặc biệt» hơn người thường nên mới cần nhiều người đến thế.
Họ gọi điện cho ba và bà nội tới.
Mẹ thích thú nhìn người qua lại lấn bấn quanh mình. Một cô y tá vạch áo tiêm thuốc gây tê giữa sống lưng. Bác sĩ đứng bên thì thầm: có lẽ chỉ cần tiêm một mũi!
Nhớ lại lần đau lúc sinh chị con, mẹ muốn lần này tất cả phải diễn ra nhẹ nhàng, dễ chịu, như một kỷ niệm đẹp trong đời. Để tránh những vật vã đau đớn vô ích, chưa đầy tiếng sau, mẹ ngỏ ý xin thêm bác sĩ mũi thứ hai và được bác sĩ chấp thuận.
Gian phòng rộng, có vẻ rộng hơn với màu sơn trắng. Mắt mẹ dừng lại trên một bức ảnh lớn chụp cảnh bình minh treo trên tường. Nghĩ đến bài tập quen thuộc của bệnh viện mấy tháng trước chuẩn bị cho ngày này : nhắm mắt lại, tưởng tượng đến ánh mặt trời rực rỡ, từ từ buông lỏng ngón tay, bàn tay, cánh tay...Mẹ mơ màng tới một nơi nào đó.
Như có một cơn gió ập đến, cuốn vùi mẹ xuống một cái khe giữa những tảng băng. Bỗng dưng mẹ cảm thấy buốt lạnh, run lên lập cập từng cơn, không gì có thể giữ lại nổi. Cả chiếc giường nằm rất cao cũng rung lên theo, tưởng như nếu không bám chặt vào thành thì mẹ sẽ bị lăn xuống đất. Cô y tá gấp gáp kiểm tra lại sưởi trong phòng, đắp cho mẹ chiếc chăn bông dày, kéo thêm một máy sưởi đặt dưới chân giường.
Con ra đời trong cơn run rẩy ấy: nặng 4.60 kg, dài 50 cm, tại bệnh viện Đại học quốc tế Paris, quận 14. Tóc con đã mọc từ lẩu từ lâu thì phải, dày, mềm, đen nhánh, cặp má căng tròn bầu bĩnh. Người ta đặt con lên ngực mẹ, chỉ kịp để mẹ thoáng nhìn thấy con rồi bế gấp con đi.
Mẹ đã mê man đến quá nửa đêm thì tỉnh lại trong một căn phòng khác. Một mình. Không có con bên cạnh. Miệng cắn chặt tay nghe tiếng trẻ khóc ngằn ngặt, tiếng nấc tủi hờn rất lâu ở một góc không xa. Muốn đặt chân xuống đất đi về hướng đó mà không nổi, cứ bị khuỵu xuống chân giường. Con đâu?
Những cô hộ lý ra vào làm việc như một cái máy, không có lời giải thích. Mẹ linh cảm thấy điều gì, muốn dứt tất cả những ống truyền vướng víu trên tay chạy đi tìm con.
Mười giờ sáng, bà nội ẵm con đến cho mẹ, theo sau là ba con, bác sĩ tâm lý và cô y tá.
Con mặc chiếc áo màu hoa chanh dịu mà bà ngoại đã mua lần sang thăm 4 tháng truớc đây. Mẹ mân mê cái vòng hồng như chiếc chứng minh thư có tên con trên cánh tay phải bé bỏng và bất động. Tay con không cử động được. Nguyên nhân, chữa được hay không, chưa ai biết.
Ôm được con trong tay rồi, mẹ không thấy không nghe ai làm hay nói gì nữa. Hình như bà nội có mở nắp hộp đồ ăn bà nấu theo kiểu Việt cho mẹ. Ba con cũng tặng mẹ cái gì đó... Mẹ đã ăn hết, đã xem và đã ráo hoảnh. Mọi người lần lượt ra khỏi phòng để mẹ được yên lặng bên con.
Người ta dành cho mẹ con mình căn phòng đẹp như khách sạn. Một khung cửa kính lớn nhìn ra công viên của bệnh viện phủ tuyết mịn. Nắng phản chiếu ánh sáng vào trắng lóa cả phòng. Mẹ không buồn kéo rèm mà ngồi rầu rĩ giữa nắng nắn tay con cho tới lúc Ông vào.
Nụ cười và cái nhìn phúc hậu, tóc trắng phơ để mẹ trao con cho Ông đầy tin cậy. Ông xoa tay con, nói từ tốn với mẹ: Chúng ta phải kiên trì cùng nhau đi một đoạn đường. Đường dài hay ngắn phụ thuộc vào lòng tin ở chị.
Đoạn đường ấy dài gần hai năm. Sẽ là dài vô tận nếu không mảy may có chút lòng tin, nhưng lại được rút đi một nửa khi le lói tia hy vọng. Một tuần ba buổi mẹ mang con đến Viện của Ông mà mãi sau này mẹ mới biết là vị bác sĩ kiné có tên tuổi của bệnh viện Cochin.
Những ngày đầu Ông cho phép mẹ ngồi bên cạnh. Ông chặt, kéo, vặn, quăng quất tay con. Người co giật, con khóc thét từng cơn, da lúc đỏ rần lúc tím ngắt. Tiếng em bé khóc khi đau chắc là âm thanh ám ảnh của mỗi người mẹ cả cuộc đời. Mẹ đã từng không kìm được, vừa khóc vừa giật con trên tay Ông bỏ về.
Lần hẹn sau, mẹ đã không tới. Ông gọi điện ân cần nhưng nghiêm khắc: Hôm nay lạnh ở nhà cho bé nghỉ. Ngày mốt mang bé tới!
Sau lần ấy, Ông chỉ cho mẹ một chiếc ghế không xa cửa, đưa một tập báo, bảo mẹ ngồi xem trong lúc chờ con rồi bế con đi. Mẹ đờ đẫn ngồi chôn chân ở đó lần này qua lần khác cho đến ngày được thấy cánh tay mũm mĩm của con động đậy, giơ lên, mỗi ngày một cao hơn. Con với đồ chơi Ông đưa trước mắt, xòe cả hai bàn tay múa theo nhịp bài Ông hát. Khi những ngón tay xinh xinh biết vươn lên sờ râu Ông, cái miệng be bé cười khanh khách cũng là đến lúc mẹ con mình phải từ giã Ông.
Ông đứng mãi bên cửa sổ phòng bệnh, lặng lẽ nhìn hai mẹ con cho đến góc khuất cuối đường, mái tóc trắng dạt theo hướng gió lùa về một phía.
Một ngày hè nắng đẹp, mẹ đưa con trở lại Viện tìm Ông. Chiếc ghế quen thuộc vẫn còn đó, trước cửa phòng bệnh đã treo tấm biển với cái tên lạ. Những số báo cũ Ông dành cho mẹ xộc xệch tứ tung trên bàn. Bàn tay con nghịch những viên sỏi trắng trong chậu cây giả góc hành lang làm sỏi tóe ra vương vãi. Ông đã về hưu và chuyển đi nơi khác.
Hôm nay bệnh nhân cuối cùng của Ông tròn Mười tuổi. Mẹ nhớ Ông mà không biết phải tìm ở đâu. Chắc khó có ngày được mời Ông chia bánh sinh nhật cùng con.
Mới thấm thía, việc gì làm được không làm ngay, thấm thoắt tháng ngày trôi, trở thành quá muộn.
Paris 16/02/2010
Link

Con ra đời vào một ngày đất trời mênh mông tuyết trắng!
Dường như ở ngoài lạnh quá nên dù đã bốn mươi mốt tuần trong bụng mẹ, con vẫn chưa muốn chào đời.
Cũng đã năm lần bảy lượt rồi mẹ lặn lội đến bệnh viện đòi...sinh nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu: chưa!
Cái ngày cảm thấy không thể nào đợi thêm được nữa, mẹ quyết định giả vờ ôm bụng kêu đau. Mới chỉ bắt đầu "làm trò", không ngờ thấy con ngọ nguậy. Hai giờ khám xét đo đếm xong xuôi, cô y tá thản nhiên: Sắp! Nhưng giờ chưa đủ bác sĩ. Về đi! Mai đẻ!
Mẹ lủi thủi quay đi, khệ nệ «khuân» con xuống hai tầng cầu thang. Lết được ra khỏi cổng bệnh viện tìm bến tàu điện ngầm, tuyết ào ạt đổ.
Hàng ngàn bông hoa trắng muốt rơi từ trên không xuống, mỗi lúc một nhanh và dày. Những cành cây khẳng khiu hai bên đường vươn ra như những cánh tay trần hân hoan hứng tuyết. Tuyết ngừng lại đậu lên con, tròn tròn... Sợ con lạnh, mẹ rảo bước nhanh rồi co chân chạy.
Tiếng còi xe và phanh rít bên tai. Cô y tá da đen thò đầu qua cửa kính: Quay lại ngay, bác sĩ đang chờ!. Không cần chạy, vừa đi chậm vừa thở nhịp nhàng! Quay tròn một vòng xe, cô phóng vụt đi.
Tươi tỉnh, mẹ lại đỡ con chạy ngược lại con đường vừa qua, tuyết chưa kịp đông thành đá, xốp và êm ái. Tới nơi, cả ê kíp bác sĩ, y tá đã đứng chờ. Cô y tá đỡ chiếc túi trên tay mẹ, mỉm cười dịu dàng, khoác lên vai mẹ chiếc áo bệnh nhân màu xanh dịu rồi dẫn mẹ vào phòng. Bác sĩ trưởng khoa người Do thái, bác sĩ tim, bác sĩ gây tê, bác sĩ tâm lý...bà đỡ Mariane, người đã từng đón chị con cách đây tám năm và nhiều chiếc áo trắng khác xung quanh...Những cái hộp vuông có dây lằng nhằng dẫn ra nhiều bảng điện đỏ xanh có những con số nhấp nháy. Ừ, sức khỏe mẹ có «đặc biệt» hơn người thường nên mới cần nhiều người đến thế.
Họ gọi điện cho ba và bà nội tới.
Mẹ thích thú nhìn người qua lại lấn bấn quanh mình. Một cô y tá vạch áo tiêm thuốc gây tê giữa sống lưng. Bác sĩ đứng bên thì thầm: có lẽ chỉ cần tiêm một mũi!
Nhớ lại lần đau lúc sinh chị con, mẹ muốn lần này tất cả phải diễn ra nhẹ nhàng, dễ chịu, như một kỷ niệm đẹp trong đời. Để tránh những vật vã đau đớn vô ích, chưa đầy tiếng sau, mẹ ngỏ ý xin thêm bác sĩ mũi thứ hai và được bác sĩ chấp thuận.
Gian phòng rộng, có vẻ rộng hơn với màu sơn trắng. Mắt mẹ dừng lại trên một bức ảnh lớn chụp cảnh bình minh treo trên tường. Nghĩ đến bài tập quen thuộc của bệnh viện mấy tháng trước chuẩn bị cho ngày này : nhắm mắt lại, tưởng tượng đến ánh mặt trời rực rỡ, từ từ buông lỏng ngón tay, bàn tay, cánh tay...Mẹ mơ màng tới một nơi nào đó.
Như có một cơn gió ập đến, cuốn vùi mẹ xuống một cái khe giữa những tảng băng. Bỗng dưng mẹ cảm thấy buốt lạnh, run lên lập cập từng cơn, không gì có thể giữ lại nổi. Cả chiếc giường nằm rất cao cũng rung lên theo, tưởng như nếu không bám chặt vào thành thì mẹ sẽ bị lăn xuống đất. Cô y tá gấp gáp kiểm tra lại sưởi trong phòng, đắp cho mẹ chiếc chăn bông dày, kéo thêm một máy sưởi đặt dưới chân giường.
Con ra đời trong cơn run rẩy ấy: nặng 4.60 kg, dài 50 cm, tại bệnh viện Đại học quốc tế Paris, quận 14. Tóc con đã mọc từ lẩu từ lâu thì phải, dày, mềm, đen nhánh, cặp má căng tròn bầu bĩnh. Người ta đặt con lên ngực mẹ, chỉ kịp để mẹ thoáng nhìn thấy con rồi bế gấp con đi.

Mẹ đã mê man đến quá nửa đêm thì tỉnh lại trong một căn phòng khác. Một mình. Không có con bên cạnh. Miệng cắn chặt tay nghe tiếng trẻ khóc ngằn ngặt, tiếng nấc tủi hờn rất lâu ở một góc không xa. Muốn đặt chân xuống đất đi về hướng đó mà không nổi, cứ bị khuỵu xuống chân giường. Con đâu?
Những cô hộ lý ra vào làm việc như một cái máy, không có lời giải thích. Mẹ linh cảm thấy điều gì, muốn dứt tất cả những ống truyền vướng víu trên tay chạy đi tìm con.
Mười giờ sáng, bà nội ẵm con đến cho mẹ, theo sau là ba con, bác sĩ tâm lý và cô y tá.
Con mặc chiếc áo màu hoa chanh dịu mà bà ngoại đã mua lần sang thăm 4 tháng truớc đây. Mẹ mân mê cái vòng hồng như chiếc chứng minh thư có tên con trên cánh tay phải bé bỏng và bất động. Tay con không cử động được. Nguyên nhân, chữa được hay không, chưa ai biết.
Ôm được con trong tay rồi, mẹ không thấy không nghe ai làm hay nói gì nữa. Hình như bà nội có mở nắp hộp đồ ăn bà nấu theo kiểu Việt cho mẹ. Ba con cũng tặng mẹ cái gì đó... Mẹ đã ăn hết, đã xem và đã ráo hoảnh. Mọi người lần lượt ra khỏi phòng để mẹ được yên lặng bên con.
Người ta dành cho mẹ con mình căn phòng đẹp như khách sạn. Một khung cửa kính lớn nhìn ra công viên của bệnh viện phủ tuyết mịn. Nắng phản chiếu ánh sáng vào trắng lóa cả phòng. Mẹ không buồn kéo rèm mà ngồi rầu rĩ giữa nắng nắn tay con cho tới lúc Ông vào.
Nụ cười và cái nhìn phúc hậu, tóc trắng phơ để mẹ trao con cho Ông đầy tin cậy. Ông xoa tay con, nói từ tốn với mẹ: Chúng ta phải kiên trì cùng nhau đi một đoạn đường. Đường dài hay ngắn phụ thuộc vào lòng tin ở chị.
Đoạn đường ấy dài gần hai năm. Sẽ là dài vô tận nếu không mảy may có chút lòng tin, nhưng lại được rút đi một nửa khi le lói tia hy vọng. Một tuần ba buổi mẹ mang con đến Viện của Ông mà mãi sau này mẹ mới biết là vị bác sĩ kiné có tên tuổi của bệnh viện Cochin.
Những ngày đầu Ông cho phép mẹ ngồi bên cạnh. Ông chặt, kéo, vặn, quăng quất tay con. Người co giật, con khóc thét từng cơn, da lúc đỏ rần lúc tím ngắt. Tiếng em bé khóc khi đau chắc là âm thanh ám ảnh của mỗi người mẹ cả cuộc đời. Mẹ đã từng không kìm được, vừa khóc vừa giật con trên tay Ông bỏ về.
Lần hẹn sau, mẹ đã không tới. Ông gọi điện ân cần nhưng nghiêm khắc: Hôm nay lạnh ở nhà cho bé nghỉ. Ngày mốt mang bé tới!
Sau lần ấy, Ông chỉ cho mẹ một chiếc ghế không xa cửa, đưa một tập báo, bảo mẹ ngồi xem trong lúc chờ con rồi bế con đi. Mẹ đờ đẫn ngồi chôn chân ở đó lần này qua lần khác cho đến ngày được thấy cánh tay mũm mĩm của con động đậy, giơ lên, mỗi ngày một cao hơn. Con với đồ chơi Ông đưa trước mắt, xòe cả hai bàn tay múa theo nhịp bài Ông hát. Khi những ngón tay xinh xinh biết vươn lên sờ râu Ông, cái miệng be bé cười khanh khách cũng là đến lúc mẹ con mình phải từ giã Ông.
Ông đứng mãi bên cửa sổ phòng bệnh, lặng lẽ nhìn hai mẹ con cho đến góc khuất cuối đường, mái tóc trắng dạt theo hướng gió lùa về một phía.
Một ngày hè nắng đẹp, mẹ đưa con trở lại Viện tìm Ông. Chiếc ghế quen thuộc vẫn còn đó, trước cửa phòng bệnh đã treo tấm biển với cái tên lạ. Những số báo cũ Ông dành cho mẹ xộc xệch tứ tung trên bàn. Bàn tay con nghịch những viên sỏi trắng trong chậu cây giả góc hành lang làm sỏi tóe ra vương vãi. Ông đã về hưu và chuyển đi nơi khác.
Hôm nay bệnh nhân cuối cùng của Ông tròn Mười tuổi. Mẹ nhớ Ông mà không biết phải tìm ở đâu. Chắc khó có ngày được mời Ông chia bánh sinh nhật cùng con.
Mới thấm thía, việc gì làm được không làm ngay, thấm thoắt tháng ngày trôi, trở thành quá muộn.
Paris 16/02/2010
Link