• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thơ Đỗ Trung Lai

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thơ Đỗ Trung Lai

    Thơ Đỗ Trung Lai


    Đỗ Trung Lai làm thơ và thành danh từ lâu. Tuy vậy, nhiều người khi nghe: "Tình yêu có từ nơi đâu - Đi qua năm tháng đợi chờ" trong ca khúc Tình yêu bên dòng sông quan họ - cũng không biết rằng ca từ của bài này chính là dựa trên bài thơ Đêm sông Cầu của Đỗ Trung Lai.

    Anh qua sông Hồng sông Đuống - Mùa mưa nước bọt đỏ ngầu - Không biết ở nơi em ở - Êm êm một khúc sông Cầu. Tôi biết Đỗ Trung Lai không chỉ qua sông Hồng, sông Đuống mà đã đi nhiều nơi, trải qua đủ cả chiến trận lẫn bình yên, ngọt ngào và đắng chát. Nhưng cũng như khi anh viết trong bài Đêm sông Cầu: Ngày mai chặn miền ải Bắc - Tựa lưng vào đêm sông Cầu, những bài thơ của anh thường tựa lưng vào cái mông lung, sương khói trong con người nhà thơ.

    Ấy là cảm xúc.
    Nói làm thơ mà không có cảm xúc thì đúng là chuyện lạ, nhưng quả thật là trong đời sống thơ mang danh hiện đại hôm nay, cảm xúc, hay nói đúng hơn là cái Tình, đang dần thiếu vắng, trở nên hiếm hoi, bị thay thế bằng những nhân danh cách tân này nọ. Đỗ Trung Lai có lẽ thuộc về số hiếm hoi đó. Viết về một Thăng Long hào hùng mà người đi ngàn năm vẫn còn thương nhớ về, Đỗ Trung Lai có những khổ thơ thật dịu nhẹ.

    Có một Thăng Long xa lắm
    "Lối xưa, xe ngựa, hồn thu..."
    Có một Thăng Long đang thở
    Bên ta, từng phút, từng giờ...

    Mạch cảm xúc dịu nhẹ luôn ẩn khuất đâu đó sau những câu thơ của Đỗ Trung Lai.Bài Thu cảm của anh, theo tôi, có thể là một trong những kế vị xứng đáng cho những-bài-thơ-thu nổi tiếng Việt Nam của các bậc tiền nhân. "Muống già tiết trời đã lạnh - Nhà vắng ta ngồi nhớ quê - Quê cũng không xa là mấy - Mà dăm bảy tháng chưa về". Khó nhất ở đây chính là sự tiết chế, kiệm lời trước một chủ đề quá quen thuộc luôn quyến rũ người làm thơ mất bình tĩnh bung ra những lời sáo mòn.

    Đỗ Trung Lai làm chủ được mình khi viết: "Cây mộc cha trồng thuở trước - Hoa còn trắng như gạo nếp - Dây cát đằng cha cho con - Có còn leo trên bể nước?". Hoặc "Bờ sông đã tiếng ai chặt mía - Hay nhớ nên người bớt xa xôi - Nắng cũ còn trên da tay đấy - Đã nghe ram ráp ở đầu môi" (Thu sang). Không nói về thu mà vẫn thấy như thu vậy.

    Trong một bài thơ khác cũng về chủ đề này - Lời bài hát về mùa thu Hà Nội - Đỗ Trung Lai lại "bắt quả tang" được cái cảm xúc tế vi bồn chồn của người thiếu nữ khi biết những bạn đồng trang lứa của mình lên xe hoa: "Mây trắng bay - Trên giời xanh Hà Nội, mây trắng bay - Xe cưới trên đường - Bao cô gái giật mình nghe pháo nổ - Chân trần rón rén bên gương".

    Cảm xúc trong thơ Đỗ Trung Lai nghiêng nhiều về phương Đông và tôi nghĩ hầu hết những bài gây được ấn tượng cho tôi trong Đêm sông Cầu đều theo chiều hướng này.

    Có lần, Đỗ Trung Lai nói rằng "thi sĩ không phải là người có thể viết ra những câu thơ, mà thi sĩ là người không thể không viết ra những câu thơ". Tôi thì muốn thêm rằng đó phải là những câu thơ có độ ám ảnh, bám được vào tâm trí người đọc. Xét trên phương diện này, Đỗ Trung Lai, với Đêm sông Cầu, là một thi sĩ.

    Yên Ba





    Đêm sông Cầu


    Anh qua sông Hồng, sông Đuống

    Mùa mưa giọt nước đỏ ngầu

    Không biết ở nơi em ở

    Êm êm một khúc sông Cầu.



    Tiếng một con tôm búng nước

    Vó bè ai cất sau lưng

    Sao trời lọt qua mắt lưới

    Rơi đầy xuống cả mặt sông



    Con sông của người quan họ

    Suốt đời nước chảy lơ thơ

    Em ơi! Em là cô gái

    Từ lâu anh đợi anh chờ.



    Em là cô Tấm thảo hiền

    Đến giữa đời anh trẩy hội

    Tình đã trao nhau êm đềm

    Mà vẫn mắt nhìn bối rối.



    Sông Cầu khi đầy khi vơi

    Chảy ngang qua câu quan họ

    Ướt đầm vạt áo bao người

    Vạt thương ướt cùng vạt nhớ.



    Em nói nhẹ như hơi thở

    Anh nghe để nhớ suốt đời:

    - Giữ tình yêu như giữ lửa,

    Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!



    Tình yêu có từ phương em

    Đi qua năm tháng đợi chờ

    Tình yêu cũng từ phương anh

    Lửa rừng bồn chồn góc núi.



    Tình yêu có từ hai ta

    Chẳng đủ gần mà giận dỗi

    Nhà xa, mặt trận càng xa

    Gặp nhau lần nào cũng vội



    Ngày mai chắc là nhiều nắng

    Nên sao giăng khắp trên đầu

    Ngày mai chặn miền ải Bắc

    Tựa lưng vào đêm sông Cầu




    *********************



    Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã phổ thành ca khúc nổi tiếng “Tình yêu bên dòng sông Quan Họ”.





    .
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 24-05-2010, 02:49 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Thơ Đỗ Trung Lai



    THĂNG LONG


    Có một Thăng Long huyền thoại
    Rồng lên từ phía sông Hồng.
    Có một Thăng Long áo mỏng
    Gió đùa quanh tấm lưng ong.

    Có một Thăng Long Sát Thát
    Tinh kỳ rợp Đông Bộ Đầu.
    Có một Thăng Long thơm ngát
    Mặt hoa nồng nàn đêm sâu.

    Có một Thăng Long Nguyễn Trãi
    Chong đèn viết sách bình Ngô.
    Có một Thăng Long mềm mại
    Tựa vai ta, bước bên hồ.

    Có một Thăng Long Lê Lợi
    Giặc tan, trả lại gươm thần.
    Có một Thăng Long mắt sẫm
    Môi cười như đóa hoa xuân.

    Có một Thăng Long Nguyễn Huệ
    Ngựa phi trong sắc hoa đào.
    Có một Thăng Long e lệ
    Mắt nào góc phố tìm nhau.

    Có một Thăng Long xa lắm
    “Lối xa, xe ngựa, hồn thu…”
    Có một Thăng Long đang thở
    Bên ta, từng phút từng giờ.

    Có một Thăng Long Hoàng Diệu
    Treo mình tử chiến giữ thành.
    Có một Thăng Long chung thủy
    Chờ nhau mấy cuộc chiến tranh.

    Có một Thăng Long bốc cháy
    Đưa tiễn trung đoàn Thủ đô.
    Có một Thăng Long hờn dỗi
    Bên thềm, mắt ướt như mưa.

    Có một Thăng Long mũ lưới
    Bộ đội vào năm cửa ô.
    Có một Thăng Long dẫn cưới
    Bằng cả một đoàn xích lô.

    Có một Thăng Long bỏ ngỏ
    Giặc vào không còn đường ra.
    Có một Thăng Long gót đỏ
    Tóc dài bên liễu thiết tha.

    Có một Thăng Long thương nhớ
    Người đi mở cõi mơ về.
    Có một Thăng Long thon thả
    Khép hờ vạt áo ngoài kia.







    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Thơ Đỗ Trung Lai



      Ngần ấy người ấy ơi

      Người ấy như là mẹ ta
      Lo từng miếng cơm ngụp nước
      Ta dẫm phải gai mùng tơi
      Người ấy buốt vào tận ruột!

      Người ấy như là chị ta
      Không cần biết ta được, mất
      Thấy ta mặt ủ mày sầu
      Thì lén co khăn thấm mắt!

      Người ấy như là em ta
      Ta lỡ một lời khinh xuất
      Thì buồn suốt mấy tuần liền
      Mặc kệ bờ xôi ruộng mật!

      Người ấy như người ta yêu
      Tiễn ta lên tàu ra trận
      Rồi quay về nhà lấy chồng
      Để ta phương trời lận đận!

      Người ấy như người yêu ta
      Trời cũng chưa là to nhất
      Thấy ta bắt đầu bất công
      Thì “đứng về phe nước mắt”!

      Người ấy như là trò ta
      Coi lời ta như pháp luật
      Thấy ta lành lặn trở về
      Thì chân đi không bén đất!

      Người ấy như là bạn ta
      Ba năm không nhìn thấy mặt
      Nhưng ta gặp vận hạn gì
      Thì đến cùng ta sớm nhất!

      Người ấy như là vợ ta
      Xinh xắn, dịu dàng, chân thật
      Thấy ta về nhà đúng giờ
      Thì tươi hơn đào, hơn quất!

      Người ấy càng như vợ ta
      Bình thường là đường là mật
      Tam bành đã nổi lên rồi
      Thì vua cũng là cục đất.

      Ngần ấy người ấy đâu rồi!
      Sao không cùng về họp mặt?
      Lâu lâu mới gặp một người
      Thì giờ trôi đi chán ngắt!

      Ngần ấy người ấy đâu rồi!
      Ngoài đường đã đầy tết nhất
      Nói dại, ngần ấy cùng về
      Cầm chắc là ta tan xác!


      **************************

      NGẦN ẤY NGƯỜI ẤY ƠI - CÁI NHÌN MƠN MỞN CUỘC ĐỜI


      Bài thơ Ngần ấy người ấy ơi được nhà thơ Đỗ Trung Lai viết cách đây chưa lâu, đọc xong tôi nhớ mãi. Với 11 khổ thơ, 44 câu thơ 6 chữ mà nó nói được nhiều điều.

      Ngần ấy người ấy ơi là những ai vậy?

      Này nhé

      “Người ấy như là mẹ ta..
      Người ấy như là chị ta..
      Người ấy như em ta...
      Người ấy như người yêu ta..
      Người ấy như là trò ta..
      Người ấy như là bạn ta..
      Người ấy như là vợ ta...”

      Nội dung bài thơ này toát nên tình yêu thương giữa con người với con người, giữa muôn người với một người, giữa đơn người với đa người.Yêu thương nhau cũng phải có cách?

      Nếu yêu nhau quá, không biết cách yêu thì cũng bằng ... mười phụ nhau. Nhưng đã yêu nhau thì phải có cuồng nhiệt, đắm say, ai còn hơi đâu mà nghĩ tới đúng sai, phải trái, minh bạch?

      Mỗi người thân thương của ta yêu ta một cách? Mà trong cái yêu thương ấy cũng thật muôn hình muôn vẻ... nhập nhằng, dây dưa, bi hài làm sao?
      Âý thế như vắng đi một trong những người ấy thì ta thấy thiếu, thấy nôn nao nhớ? Nôn nao thương? Nôn nao ngẫm nghĩ.. mông lung, bứt dứt.

      Nếu xa một trong những người ấy thì:

      “Lâu lâu mới gặp một người
      Thì giờ trôi đi chán ngắt”.

      Đọc đến đây tôi cứ tủm tỉm cười một mình và liên tưởng đến cái giọng khôi hài, tinh quái của một nhà thơ dân tộc Ai-Va: Ra-Xum-Gam-Da Tốp khi ông viết :

      “Có nhà thơ viết bài thơ tặng vợ
      Ôi em yêu, em là ánh sáng là sao đêm
      Khi xa em, anh đau buồn, anh tưởng nhớ
      Ôi , sung sướng chừng nào khi được ở bên em”.

      Đấy là khi nhà thơ viết tặng vợ, chỉ tặng thôi đấy nhé? Còn đời sống thực tế thì sao? Ta hãy xem :

      Và , ánh sáng sao đêm-
      vợ nhà thơ, lúc ấy
      Hé cửa đi vào đứng cạnh nhà thơ
      Nhà thơ quát -Ô , lại cô, gì vậy?
      Mời cô đi, tôi bận việc, tôi nhờ!”.

      Đấy là nhà thơ của xứ sở núi đá:Đa-GheXtan. Còn nhà thơ của xứ lụa Hà Đông, Việt Nam thì sao? Này nhé:

      “Ngần ấy người ấy đâu rồi
      Ngoài trời đã đầy tết nhất”

      nghe mà buồn đứt ruột, tím gan chưa? Âý vậy mà :

      “Nói dại, ngần ấy cùng về
      Cầm chắc là ta tan xác”.

      Không hẹn mà gặp - hai nhà thơ ở hai phương trời, với những trạng huống khác nhau, nhưng cùng có chung chất bi hài của giọng thơ. Tính kịch trong hai phong cách thơ rất rõ nét. Hóa ra cuộc đời như một vở kịch lớn, mọi người đều đóng vai nào đấy, hoặc có lúc đổi vai cho nhau, không ngừng nghỉ, âm thầm, bền bỉ, vui- buồn, thiện- ác, đục-trong, thanh- trọc ...nối dài đến vô cùng, vô tận.
      *
      Xin chép hai khổ thơ của Đỗ Trung Lai về “Người ấy như là vợ ta”, bạn đọc cùng tham khảo:

      “Người ấy như là vợ ta
      Xinh xắn, dịu dàng, chân thật
      Thấy ta về nhà đúng giờ
      Thì tươi hơn đào, hơn quất
      Người ấy càng như vợ ta
      Bình thường là đường là mật
      Tam bành đã nổi lên rồi
      Thì vua cũng là cục đất”.
      *
      Cái hay của bài thơ là vẽ lên được chân dung chân thật những người gần gũi, yêu quý của ta. Nó vừa là mưa vừa là nắng; vừa là gió nhẹ vừa là bão tố; vừa là hương hoa vừa là gai sắc; vừa là ngày vừa là đêm; vừa là âm vừa là dương; vừa là hai vừa là một ? Nếu thiếu một trong những yếu tố đó liệu có còn là cuộc sống hạnh phúc như ta mong muốn nữa không?
      *
      Hóa ra, cái lão nhà thơ hiền lành, chất phác, với thân hình khô khan khắc khổ như cây bàng mùa đông thế kia lại có cái nhìn mơn mởn, hóm hỉnh, lịch lãm và tinh quái đến vậy./.

      Nguyễn Anh Nông
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 24-05-2010, 03:22 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Thơ Đỗ Trung Lai


        Lời Mị Châu

        Đêm khuya. Gió bấc. Mưa phùn. Chợt một người con gái đến bên đầu giường tôi, khóc, rồi than rằng:

        - Sao các nhà thơ ta bất công thế này!

        - Chúng tôi đã làm gì mà em bảo chúng tôi bất công? - Tôi hỏi lại.

        - Thì đấy, mấy trăm năm nay, các anh chỉ một mực khóc thương Vương Thuý Kiều. Lại còn đồng thanh bảo rằng, đó là một người đàn bà khổ nhất giời Nam.

        - Nàng ấy không khổ thì còn ai khổ nữa?

        - Sao lại nói thế được? Nàng ấy yêu và được yêu, được hẹn thề: Tóc mây một món dao vàng chia đôi. Bán mình chuộc cha là tự nguyện. Mười lăm năm lưu lạc cũng còn được nương bóng vua Từ Hải, được nhờ túi phong lưu của chàng Thúc. Sau lại được tái hồi Kim Trọng: Hoa tàn mà lại thêm tươi - Trăng tàn mà lại hơn mười lần xưa. Thân thì thế, danh thì ông Tiên Điền bênh cho: Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường; Rằng nàng lấy hiếu làm trinh. Thế là thân, danh đều vẹn. Nàng ấy khổ sao bằng em được.

        Tôi giật mình vội hỏi:

        - Thế chuyện của em ra sao?

        - Em bị gả cho thằng gián điệp! Quay đi quay lại chưa hiểu ra sao thì bị chém đầu. Mà người chém, trời ơi, lại là cha mình!

        Nói rồi cứ khóc mãi không thôi, trong nước mắt hình như có máu.

        Tôi nhìn kỹ, đó là một nàng chừng tuổi trăng tròn, mặt hoa da phấn, cốt cách lá ngọc cành vàng, trên mình khoác chiếc áo lông ngỗng. Chợt hiểu, tôi bảo:

        - Ra em là Mị Châu đấy ư? Đúng rồi, em mới là người đàn bà khổ nhất giời Nam!

        Nàng ấy nghe, nét mặt có vui lên một chút.

        Khi tỉnh hẳn, chỉ còn mình tôi trong phòng. Trên bàn viết có mấy lông ngỗng trắng tinh. Lấy làm lạ, tôi cầm một chiếc lông ngỗng làm bút, viết bài thơ này tạ lỗi Mị Châu:


        Lời Mị Châu

        Cha ơi! Cha chọn rể
        Cha đắp luỹ xây thành
        Mà sao khi nước mất
        Cha xử con tội hình?

        Thần rùa biết cơ giời
        Cớ sao còn tặng nỏ?
        Sao nỡ trỏ vào em:
        - Giặc đằng sau vua đó!

        Chàng đã phụ đời ta
        Từ khi chưa gặp mặt
        Chuyện tình thành Cổ Loa
        Đau trước ngày thứ nhất!

        Sống cũng chẳng được nào:
        Nước mất! Tình cũng mất!
        Nhưng chết dưới gươm cha
        Thì ngàn năm oan nghiệt!

        Nỗi oan này hoá ngọc
        Dưới chín tầng bể sâu
        Thần với người đâu cả
        Bao giờ thì biết yêu?



        .
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom