• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Những mẩu truyện hay của Phật giáo

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Những mẩu truyện hay của Phật giáo

    Những mẩu truyện hay của Phật giáo



    Chim Cú Mèo



    Xưa, có con chim cú mèo làm tổ chung trên một cội cây với con chim gáy. Một hôm Cú Mèo đến từ giã chim gáy để dọn đi nơi khác, Gáy ngạc nhiên hỏi:
    - Bác đi đâu thế?
    - Tôi dời nhà sang phương Tây.
    - Sao thế? Có việc gì làm trở ngại cho bác? Tôi thấy nơi đây mát mẻ, sinh sống dễ dàng, sao bác lại bỏ đi?
    Cú Mèo buồn rầu đáp:
    - Dân cư vùng này không ưa tôi!
    Gáy dịu dàng bảo:
    - Này bác ạ! Chỗ thân tình với nhau tôi nói cho bác nghe ... Sở dĩ người ta không ưa bác là tại vì tiếng kêu của bác. Nếu sang phương Tây bác cũng kêu như thế thì người ta cũng ghét bác thôi. Chi bằng bác đổi tiếng kêu đi thì Ðông Tây gì cũng tốt như nhau, chẳng ai ghét bác nữa đâu mà sợ.
    Cú Mèo nghe nói giận dữ bỏ đi đến miền Tây ở. Ðúng như lời tiên đoán của Gáy, dân chúng miền Tây cũng ghét bỏ nó. Cú mèo đâm ra hận đời, nhất định đi vào thâm sơn cùng cốc lánh xa loài người, loài vật, mặt trời, mặt trăng ...

    Em thân mến

    Ðổi chỗ ở bao giờ cũng dễ dàng hơn sửa đổi một cố tật của mình, phản ứng mất thì giờ của chúng ta mỗi khi gặp trở ngại, bị bạc đãi, là giận dỗi bỏ đi.

    Ta chỉ muốn giữ lại mối tương giao nào mà cái huyễn ngã của chúng ta được ái mộ, chiều chuộng, vuốt ve, những hành động của ta được tung hô vạn tuế. Bằng ngược lại, ta hờn, ta dỗi, ta hận đời đen bạc, than rằng sao người ta không hiểu mình, rằng sao mà mình cô đơn quá, v.v ... và v.v...

    Vậy thì nên đổi cảnh hay đổi tâm đây?

    Em có để ý rằng, chư vị Bồ Tát dù ở địa ngục mà vẫn hỷ lạc như cảnh trời Tam Thiền, còn chúng ta ở giữa cảnh đời đầy trăng thanh gió mát, hoa thắm lá xanh, bụng no chăn ấm mà vẫn muộn phiền không nguôi chăng? Và có lẽ, nếu ai mang cái mạng mộc của mình đi lang thang từ nơi nầy sang nơi khác, dù gặp được những chốn thong dong như cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà đi nữa, chúng ta cũng chỉ tự làm phiền mình và chúng sanh lân cận mà thôi.
    Em nghĩ sao? (1983)

    Như thành quách được phòng hộ thế nào, tự thân các người cũng phải nên phòng hộ như thế. Một giây lát cũng chớ buông lung. Hễ một giây lát buông lung là một giây lát sa đoạ địa ngục.
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 13-06-2010, 06:18 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Những mẩu truyện hay của Phật giáo



    Chỉ Một Giới Thôi


    Uttiya là một thanh niên Bà La Môn ở kinh thành Xá Vệ. Sau khi làm đầy đủ bổn phận của một cư sĩ tại gia như bố thí, cúng dường, Uttiya đến yết kiến Phật và xin được xuất gia. Ðức Ðạo Sư chấp thuận cho chàng được toại nguyện.

    Sau ngày xuất gia và thọ Tỳ Kheo giới, Uttiya đâm hoảng. Chàng tự nghĩ: "Không ngờ muốn làm một sa môn phải giữ đến 250 giới ... chỉ nhớ thôi cũng đã mệt rồi ... nói gì đến thọ trì. Thôi chết rồi!"

    Và thầy Tỳ Kheo Uttiya đâm ra lúng túng vì thầy không tài nào nhớ mỗi 250 giới cấm. Uttiya đến gặp Phật và xin hoàn tục vì chàng không tài nào xoay sở với ngần ấy giới luật phải giữ. Ðức Ðạo Sư ân cần khuyên hỏi:
    - Này Tỳ Kheo! Con xin hoàn tục chỉ vì các điều giới quá nhiều khiến con không nhớ nổi, chứ không phải vì con tiếc nuối dục lạc thế gian, có phải thế không?

    - Bạch Thế Tôn! Ðúng như vậy! Con nghĩ rằng khi sống đời cư sĩ, chỉ phải giữ 5 giới cấm, là những điều con có thể thi hành được. Còn hôm nay, hai trăm năm mươi giới của Tỳ Kheo, con không tài nào nhớ hết thì làm sao mà vâng giữ. Chi bằng con xin hoàn tục để khỏi vi phạm đến giới pháp cao sâu vi diệu của Tăng đoàn.

    - Này Tỳ Kheo! Nếu Như Lai rút 250 giới lại thật tóm tắt, chỉ còn một vài điều giới thôi thì con có thể tiếp tục đời sống xuất gia hay không?

    - Bạch Thế Tôn! Ðược như thế thì còn gì bằng.

    - Này Tỳ Kheo! Vậy thì bắt đầu từ hôm nay, con chỉ giữ có mỗi một giới này thôi. Ðó là canh chừng thật chặt chẽ những mống tâm động niệm của con, biết rõ từng ý nghĩ khởi lên là thiện hay ác. Này Tỳ Kheo! Làm sao để biết đó là một ý tưởng thiện hay ác: Ý tưởng ác là những ý tưởng mà nếu đem ra nói hay làm sẽ gây hại cho mình, cho người hoặc cho cả hai. Ðối với những ý tưởng như thế, con phải canh chừng, theo dõi nó từ lúc mới sanh, lan rộng, cho đến khi diệt mất. Này Tỳ Kheo! Thế nào là những ý tưởng thiện? Ðó là những ý tưởng mà khi đem ra thi hành sẽ không làm hại mình, hại người hoặc cả hai ... Ðối với những ý tưởng loại này, con cũng phải theo dõi từ lúc chúng sanh khởi, lan rộng cho đến khi chúng diệt mất. Này Tỳ Kheo! Với một điều giới duy nhất như thế, con có thể giữ được hay không?

    Thầy Tỳ Kheo Uttiya cung kính thưa:
    - Bạch Thế Tôn! Con có thể giữ được và con xin Thế Tôn cho phép con ở lại tịnh xá tu học.

    Rồi Tỳ Kheo Uttiya, với một điều giới duy nhất như thế, tinh cần tu tập. Không may cho thầy, một cơn bệnh nặng chợt đến khiến thầy phải gián đoạn công phu. Cơn bệnh này tiếp nối cơn bệnh khác không thưa dứt, khiến thầy Uttiya vô cùng sầu khổ.
    Một hôm trên giường bệnh, thầy chợt nghĩ: "Trong khi ta lâm bệnh khổ thân thể khó chịu vô vàn như thế này, các ý tưởng sinh khởi liên miên không bao giờ dứt. Nếu cái thân xác thịt này mà không được tiếp tế thức ăn, nước uống và không khí thì nó có lẽ đã chết từ lâu. Còn cái vọng tâm của ta, nếu không được tiếp tế bằng những ý niệm thì có lẽ ... nó cũng đã chết từ lâu lắm rồi. Thân ta tuy hiện đang bị bệnh khổ bức bách, nhưng đó không phải là cái cớ để ta buông lung ... huống chi đấng đạo sư đã thương tình tóm tắt 250 điều giới vào trong chỉ một giới mà ta còn lơ đễnh thì thật là đáng trách ..."
    Nghĩ như thế, Tỳ Kheo Uttiya tinh cần tu tập. Chẳng bao lâu, thầy đắc A La Hán, ngay khi còn nằm trên giường bệnh. Người ta còn ghi lại được một bài kệ đơn giản của vị La Hán này như sau:
    Trong khi ta lâm bệnh
    Niệm khởi lên nơi ta.
    Trong khi ta lâm bệnh
    Không phải thời phóng dật.

    Lời bàn:
    Em thân mến,
    Trường hợp của thầy Tỳ Kheo Uttiya cũng là trường hợp của em và tôi. Dù đã thọ 5 giới, 10 giới, 250 giới hay 348 giới đi nữa, tuy số lượng có sai biệt nhưng tinh thần của giới luật không ngoài hai điểm: "Dứt ác, làm lành". Ðó chính là một giới răn mà đấng Ðạo Sư đã tóm tắt cho thầy Uttiya giữ gìn giới này, nhà thiền gọi là "chăn trâu" đó em.
    "Bằng sự cố gắng, hăng hái không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ tự tạo cho mình một hòn đảo. Chẳng có ngọn thủy triều nào nhận chìm được."
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 13-06-2010, 06:15 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      Những mẩu truyện hay của Phật giáo



      Chú Rể Ða Sự


      Ngày xửa, ngày xưa ... có một chàng trai nọ, chúng ta cứ tạm gọi là An cho tiện.
      An được cha mẹ hứa hôn với một cô gái đồng trang lứa. Hai đàng chưa hề giáp mặt nhau. An chỉ nghe phong thanh rằng vị hôn thê của mình là một thiếu nữ khá diễm lệ, tam tòng tứ đức đều đầy đủ. Và các bạn chàng vẫn thường kín đáo tỏ bày niềm ao ước được một người bạn đường tốt đẹp như chàng.
      Ðể chứng tỏ cho cô dâu, và mọi người biết rằng đàng gái đã không lầm khi chọn mình làm rể đông sàng, An cương quyết sẽ không bao giờ rước vợ nếu chưa lập công danh với đời.
      Từ đó, người ta thấy An đêm ngày sôi kinh nấu sử, luyện võ ôn văn.

      Ngày tháng dần qua ... Biết bao lần đàng gái bắn tin cho An biết rằng họ không đòi hỏi nơi chàng gì hết, rằng tân nương sẽ được đưa đến vô điều kiện, như lời giao ước năm xưa ... Nhưng lòng tự tôn của An đã không cho phép chàng hành động như bao nhiêu con người tầm thường khác ... Chàng vẫn thường hình dung đến nhan sắc diễm lệ của nàng để tự an ủi và sách tấn mình trong những lúc thất chí, sa cơ ... Tất cả những gian truân khổ nhọc mà chàng đã vượt qua, há chẳng phải là vì nàng đó sao? Người thiếu nữ mà dung nhan còn mơ hồ đó dần dần trở thành một điểm tựa, một lý tưởng, một hải đăng định hướng cho đời chàng.

      Mười năm trôi qua ... An tạm hài lòng với con đường công danh của đời mình. Và một hôm, hôn lễ được cử hành rất tưng bừng. Cô dâu được đưa về nhà chồng với vô số đồ trang sức, và, một tấm khăn voan che kín mặt.
      Và trước mặt rất đông quan khách, An đưa tay giở tấm khăn che mặt tân nương ... Bỗng nhiên, người ta nghe tiếng kêu thảng thốt của An:
      - Chèn ơi! Tưởng ai đâu xa lạ, té ra nàng chính là người vẫn thường cắt chuối cho heo ăn, và vớt bèo nuôi vịt mà tôi vẫn thường thấy hằng ngày qua song cửa đấy ư?

      Lời bàn:
      Người ta không đồng ý với nhau về đoạn kết của câu chuyện. Có người cho rằng sau đó An bỏ nhà ra đi biền biệt vì tân nương đã làm cho chàng quá thất vọng. Nàng đã không chịu ăn hoa, uống sương và thêu vàng giắt ngọc như chàng hằng mơ tưởng mà lại là một thiếu nữ hoàn toàn bình thường và đảm đang như bao nhiều người vợ khác.
      Nhưng có kẻ quả quyết rằng, sau ngày hôn lễ An đã tuyên bố rằng tân nương tuy không giống người trong mộng của chàng nhưng nàng cũng không đến nỗi xấu xí ... và chàng kết luận rằng chỉ vì tính khí cao ngạo ngông cuồng mà chàng đã phí mất 10 năm dài lao khổ trong khi nàng lúc nào cũng ở bên cạnh chàng, v.v... và v.v...
      Nhưng nơi đây người kể không cốt ý trình bày một câu chuyện tình có hậu của thế gian giới mà chỉ thừa hứng nghĩ lan man về tu hành giới, về chuyện hạ thủ công phu của nhà thiền. Cũng như những lao tâm khổ trí, những niềm sầu, nổi chán trên đường tầm đạo ... Chân lý là một cái gì khi ẩn, khi hiện, như thực, như hư ... Hành giả thường không phân biệt biết mình đang làm gì và ở đâu trên đường tìm kiếm, đang đi hay sắp đến.

      Ðạo ở nơi đâu, ra sao mà thiền sư Nam Tuyền lại khẳng định rằng: "Tâm bình thường là đạo". Và Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lại dạy: "Càng cố tâm tìm càng chẳng biết"; nhất là câu nói sau đây của Cổ Ðức:
      "Ðáo xứ phùng nhân mạch diện khi".
      Có nghĩa nôm na rằng: Sau khi lội suối trèo non, mất bao nhiêu năm cầu tìm kiếm, rốt cuộc ta sẽ gặp lại người mà ta vẫn thường khinh dễ mỗi khi gặp mặt hàng ngày ... Giống hệt như anh chàng An trên đây. Sau 10 năm khổ nhọc tìm sính lễ, đã rước về một vị tân nương khác xa người trong mộng của chàng là người mà chàng hằng thấy thấp thoáng qua song cửa mỗi ngày, khi xắt chuối cho heo, lúc vớt bèo nuôi vịt!
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 13-06-2010, 06:17 PM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Thân tâm an lạc






        * Nghệ thuật sống hạnh phúc


        Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ.
        - Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Ðúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Cá không thể sống nổi với nước trong hồ và khi con người uống phải thứ nước trong hồ này thì cũng bị bệnh cho nên không ai muốn sống gần đó cả.
        - Biển hồ thứ hai tên là Galilee. Ðây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở gần nơi này và vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nước của hồ này.
        Thế nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết thì nó đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ cho nên nước trong biển hồ Chết dơ bẩn và trở nên mặn chát. Biển hồ Galilee cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan nhưng chảy tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn trong sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
        Qua câu chuyện của hai biển hồ nói trên, người ta nhận ra được một định lý trong cuộc sống mà hầu như ai cũng đồng ý, đó là:
        - Một ánh lửa được chia sẻ sẽ là một ánh lửa lan tỏa.
        - Ðôi môi có hé mở nụ cười thì mới nhận được nụ cười đáp lại.
        - Bàn tay có mở rộng trao gởi và ban phát thì tâm hồn mới tràn ngập vui sướng được.
        Thật bất hạnh cho một người nào đó cả cuộc đời chỉ biết giữ mọi thứ riêng cho mình, sống ích kỷ và không có tâm hồn vị tha. “Sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần, chết mòn như nước trong biển hồ Chết mà thôi.



        * Mười bốn điều tránh làm



        1. Ðừng quên hy vọng vì sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại, ngay cả khi bạn bị bỏ rơi hay đau khổ.
        2. Ðừng đánh mất niềm tin vào chính mình. Chỉ cần tin là mình có thể làm được thì bạn lại càng có lý do để cố gắng thực hiện thành công điều đó.
        3. Ðừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bại. Chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ “giàu có” trong cuộc sống của mình.
        4. Ðừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua được.
        5. Ðừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ, ở vào bất kỳ một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời.
        6. Ðừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu vì đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.
        7. Ðừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.
        8. Ðừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn sụp đổ, vì cho dù trải qua kinh nghiệm về thất bại nhưng đây chính là dịp học hỏi kinh nghiệm để tiến bộ hơn lần sau.
        9. Ðừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bạn.
        10. Ðừng quên tìm cho mình một người bạn thật sự, bởi vì tình bạn chính là điều rất cần thiết trong suốt cuộc đời.
        Cuối cùng, xin đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần đến hay có được, bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng để noi theo khi biết nhớ ơn tiền nhân.



        * Mười bốn điều Phật dạy


        Có 14 điều mà Phật Thích Ca dạy và đã được các vị học giả quốc tế sưu tầm từ chùa Thiếu Lâm, Hà Nam, Trung Quốc đem về giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng khắp thế giới. Ðó là:
        1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
        2.Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.
        3. Ngu dốt nhất của đời người là dối trá.
        4. Bi ải nhất của đời người là ghen tị.
        5. Sai lầm nhất của đời người là tự đánh mất mình (vong thân).
        6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa mình, dối người.
        7. Ðáng thương nhất của đời người là sự tự ti.
        8. Ðáng khâm phục nhất của đời người ý chí vươn lên.
        9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.
        10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe.
        11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình yêu.
        12. Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung.
        13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là sự kém hiểu biết.
        14. An ủi lớn nhất của đời người là sự bố thí.



        * Tu tâm


        Người xưa thường dạy dỗ con cháu nên săn sóc, nuôi dưỡng tấm lòng của mình (tu tâm) hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Có nhiều cách thực tập tu tâm ngay tại nhà riêng, ngay khi xếp hàng ở bưu điện hay chờ trả tiền ở chợ hay ngân hàng, nghĩa là bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Khi thực hành tu tâm như thế, chúng ta luôn nhớ làm những điều sau đây:
        1. Thở chậm và điều hòa. Nếu có thể mỉm cười, dù bằng mắt hay chỉ nghĩ đến niềm vui trong lòng tức là để tâm hài hòa với mọi sự và mọi vật chung quanh.
        2. Buông nhẹ hai vai xuống, thả lỏng thân thể cho mọi phiền muộn, những điều không may mắn chạy xuống chân, ra khỏi thân thể và tan biến vào lòng đất...
        3. Ðể một cái lọ thủy tinh ở chỗ dễ nhìn thấy nhất. Mỗi lần đi ra hay đi vào nhìn thấy lọ thủy tinh thì nhớ nhắc mình bỏ những đồng tiền xu, tiền cắc vào đó và tâm niệm “tôi đóng góp số tiền này để có thể giúp đỡ những trẻ mồ côi, người già yếu hay những ai kém may mắn, vất vả, thiếu thốn trên đường đời...”

        Comment

        • #5

          Ba người thầy vĩ đại

          Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"

          Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

          Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm."

          Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

          Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"

          Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

          Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?"

          Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?"

          Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.

          Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

          Kiến Thức Ngày Nay
          Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

          Comment

          • #6

            ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Bình View Post
            Thân tâm an lạc










            * Nghệ thuật sống hạnh phúc


            Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ.
            - Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Ðúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Cá không thể sống nổi với nước trong hồ và khi con người uống phải thứ nước trong hồ này thì cũng bị bệnh cho nên không ai muốn sống gần đó cả.
            - Biển hồ thứ hai tên là Galilee. Ðây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở gần nơi này và vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nước của hồ này.
            Thế nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết thì nó đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ cho nên nước trong biển hồ Chết dơ bẩn và trở nên mặn chát. Biển hồ Galilee cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan nhưng chảy tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn trong sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
            Qua câu chuyện của hai biển hồ nói trên, người ta nhận ra được một định lý trong cuộc sống mà hầu như ai cũng đồng ý, đó là:
            - Một ánh lửa được chia sẻ sẽ là một ánh lửa lan tỏa.
            - Ðôi môi có hé mở nụ cười thì mới nhận được nụ cười đáp lại.
            - Bàn tay có mở rộng trao gởi và ban phát thì tâm hồn mới tràn ngập vui sướng được.
            Thật bất hạnh cho một người nào đó cả cuộc đời chỉ biết giữ mọi thứ riêng cho mình, sống ích kỷ và không có tâm hồn vị tha. “Sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần, chết mòn như nước trong biển hồ Chết mà thôi.



            * Mười bốn điều tránh làm



            1. Ðừng quên hy vọng vì sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại, ngay cả khi bạn bị bỏ rơi hay đau khổ.
            2. Ðừng đánh mất niềm tin vào chính mình. Chỉ cần tin là mình có thể làm được thì bạn lại càng có lý do để cố gắng thực hiện thành công điều đó.
            3. Ðừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bại. Chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ “giàu có” trong cuộc sống của mình.
            4. Ðừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua được.
            5. Ðừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ, ở vào bất kỳ một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời.
            6. Ðừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu vì đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.
            7. Ðừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.
            8. Ðừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn sụp đổ, vì cho dù trải qua kinh nghiệm về thất bại nhưng đây chính là dịp học hỏi kinh nghiệm để tiến bộ hơn lần sau.
            9. Ðừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bạn.
            10. Ðừng quên tìm cho mình một người bạn thật sự, bởi vì tình bạn chính là điều rất cần thiết trong suốt cuộc đời.
            Cuối cùng, xin đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần đến hay có được, bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng để noi theo khi biết nhớ ơn tiền nhân.



            * Mười bốn điều Phật dạy


            Có 14 điều mà Phật Thích Ca dạy và đã được các vị học giả quốc tế sưu tầm từ chùa Thiếu Lâm, Hà Nam, Trung Quốc đem về giảng dạy tại nhiều đại học danh tiếng khắp thế giới. Ðó là:
            1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
            2.Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.
            3. Ngu dốt nhất của đời người là dối trá.
            4. Bi ải nhất của đời người là ghen tị.
            5. Sai lầm nhất của đời người là tự đánh mất mình (vong thân).
            6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa mình, dối người.
            7. Ðáng thương nhất của đời người là sự tự ti.
            8. Ðáng khâm phục nhất của đời người ý chí vươn lên.
            9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.
            10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe.
            11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình yêu.
            12. Lễ vật lớn nhất của đời người là sự khoan dung.
            13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là sự kém hiểu biết.
            14. An ủi lớn nhất của đời người là sự bố thí.



            * Tu tâm


            Người xưa thường dạy dỗ con cháu nên săn sóc, nuôi dưỡng tấm lòng của mình (tu tâm) hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Có nhiều cách thực tập tu tâm ngay tại nhà riêng, ngay khi xếp hàng ở bưu điện hay chờ trả tiền ở chợ hay ngân hàng, nghĩa là bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Khi thực hành tu tâm như thế, chúng ta luôn nhớ làm những điều sau đây:
            1. Thở chậm và điều hòa. Nếu có thể mỉm cười, dù bằng mắt hay chỉ nghĩ đến niềm vui trong lòng tức là để tâm hài hòa với mọi sự và mọi vật chung quanh.
            2. Buông nhẹ hai vai xuống, thả lỏng thân thể cho mọi phiền muộn, những điều không may mắn chạy xuống chân, ra khỏi thân thể và tan biến vào lòng đất...
            3. Ðể một cái lọ thủy tinh ở chỗ dễ nhìn thấy nhất. Mỗi lần đi ra hay đi vào nhìn thấy lọ thủy tinh thì nhớ nhắc mình bỏ những đồng tiền xu, tiền cắc vào đó và tâm niệm “tôi đóng góp số tiền này để có thể giúp đỡ những trẻ mồ côi, người già yếu hay những ai kém may mắn, vất vả, thiếu thốn trên đường đời...”

            Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 13-06-2010, 11:51 PM.
            ----------------------------

            Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

            Comment

            • #7

              Những mẩu truyện hay của Phật giáo



              Ba Câu Hỏi Của Ðức Vua

              Thuở xưa, có một vị vua thuộc vào hàng minh quân, ngài thương dân như con đẻ, nhưng dù là minh quân, ngài vẫn không sao tránh được một ít lỗi lầm đáng tiếc.
              Lúc tuổi đã cao, nhà vua nghĩ rằng giá mà thời niên thiếu, ngài được các bậc hiền tài chỉ dẫn cho ba điều thắc mắc sau đây thì có lẽ ngài sẽ tránh được rất nhiều khuyết điểm. Ðó là những nghi vấn sau:

              1. Thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc?

              2. Nhân vật nào cần chú ý nhất đối với ta?

              3. Công việc nào là tối quan trọng và khẩn thiết nhất?

              Ðức vua cho nêu ba câu hỏi trên trước hoàng thành, truyền rao khắp các thị trấn, làng mạc ... và hứa sẽ trọng thưởng cho người nào có lời giải đáp khôn ngoan nhất. Bố cáo vừa được niêm yết thì các bậc hiền tài tuấn kiệt, thạc học minh triết lũ lượt kéo nhau về kinh thành, mỗi người đưa ra một ý kiến. Triều đình phải thành lập một ban giám khảo, các quan thị lang làm việc tận lực suốt hai tháng liền mới đúc kết các khuynh hướng thiên sai vạn biệt thành một vài trường phái nhất trí và dâng lên đức vua, vị chánh chủ khảo tối cao cả nước.

              Ðáp lại câu hỏi đầu tiên, có người bảo rằng: muốn biết thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc, người ta phải thiết lập chương trình, kế hoạch, thời dụng biểu hẳn hoi. Xong, ta sẽ thực hành diễn tiến công việc theo những thời điểm qui định sẵn đó ... Nhưng ý kiến này liền bị nhà vua bác bỏ vì không có ai có thể tiên đoán được những điều sẽ xảy ra mà lập một khuôn mẫu sẵn, công việc đòi hỏi phải linh động mới được.

              Có trường phái lại cho rằng một người không thể khôn ngoan hơn tập thể. Ðức vua nên thành lập một nội các gồm nhiều đại biểu để soạn thảo kế hoạch trước khi thi hành và làm theo quyết định chung.

              Một trường phái khác lại đề nghị đức vua cần thành lập một hội đồng tiên tri để xủ quẻ trước khi thực thi một công việc ...
              Như thế, đại để mọi người đều đồng ý với nhau rằng: Thời gian quan trọng nhất của công việc là thời gian chuẩn bị, nghĩ suy về công việc ấy.

              Về câu hỏi thứ hai, người ta càng bất đồng ý kiến với nhau: Thượng Ðế, đức vua, quan tể tướng, các giáo sĩ, bốc sư v.v... được đề nghị là những nhân vật quan trọng nhất.

              Câu hỏi thứ ba cũng được giải đáp trong một tình trạng tương tự - công việc nào phải được xem là quan trọng nhất - thưa: đó là việc nước, việc nhà, việc ăn, việc mặc, học hành, giao tế, tâm linh, hành chánh, kinh tế, quân sự hay là tôn giáo ... các đề mục đều được các khối óc khôn ngoan tinh tế nhất đề cập tới.

              Và vị chánh chủ khảo tức là vua ấy không chấp nhận câu giải đáp nào cả.

              Nhiều năm trôi qua, ba câu hỏi dần dần rơi vào quên lãng ... Cho đến một hôm, nhà vua nghe đồn rằng ở trên một đỉnh núi phủ đầy mây nọ, có một đạo sĩ coi là bậc giác ngộ, nhưng vị chân tu này không bao giờ chịu hạ sơn để giao tiếp với các nhà quyền quí. Tiếng đồn về đạo sĩ khiến đức vua chú ý và một hôm, ngài quyết định cải dạng thường dân đến tham vấn vị ẩn tu.

              Ðến nơi, nhà vua gặp đạo sĩ đang cuốc đất. Vua vái chào và nêu lên ba câu hỏi. Ðạo sĩ chỉ mĩm cười, đưa tay vỗ nhẹ nhà vua rồi tiếp tục công việc. Ðã được báo trước về tánh khí lạ thường của đạo sĩ, đức vua không nản lòng, ngồi xuống một tảng đá chờ đợi. Hồi lâu, buồn tay, đức vua mời đạo sĩ nghỉ tay, trao cuốc cho vua làm giúp. Nhiều giờ trôi qua, đức vua vẫn xới đất, còn đạo sĩ thì nhổ cỏ quanh quẩn bên lều tranh. Khi đôi tay vương giả bắt đầu chai phồng, đức vua ngừng cuốc nghỉ mệt giây lâu và nói với đạo sĩ:
              - Tôi từ xa lặn lội đến đây, cầu Thầy chỉ giáo cho ba điều nghi vấn. Nếu Thầy biết thì xin vui lòng chỉ dẫn cho. Bằng không cũng xin cho tôi biết để tôi trở về kẻo tối.
              Ðạo sĩ mỉm cười, định nói câu gì đó, thì chợt cả hai người cùng nghe tiếng chân chạy dồn dập. Nhà tu bảo đức vua:
              - Bác xem ai đến kìa!
              Nhà vua quay lại thì thấy một người vừa ngã quỵ xuống đất, toàn thân nhuộm máu. Hai người già không ai bảo ai, đều hối hả đến bên người bị nạn. Nạn nhân chỉ còn thở thoi thóp. Vua phụ lực với đạo sĩ băng bó các vết thương ... Hai người im lặng làm việc cho đến lúc ngừng tay thì mặt trời đã lặn ở đỉnh núi bên kia. Ðưa nạn nhân vào thảo am đặt người bệnh trên chiếc chõng tre độc nhất của căn lều, họ chia nhau mấy củ khoai rừng luộc và vì quá mệt, đức vua ngả mình xuống nền đất thiếp đi.

              Sáng hôm sau, khi nhà vua giật mình thức giấc thì nắng đã nhuộm hồng chiếc thảo am, và chim rừng kêu rộn rã. Ðức vua phải bàng hoàng hồi lâu, mới nhớ rõ mình đang ở đâu và làm gì ... Ðạo sĩ đã đi làm vườn, sau khi đặt một rổ khoai luộc bên cạnh ông khách. Trên chõng tre, nạn nhân đã hồi tỉnh và đang nhìn đức vua bằng cặp mắt long lanh. Ðức vua đến bên người bệnh, đặt một bàn tay lên vần trán nóng như lửa của anh ta và cất tiếng hỏi thăm bệnh tình ... Nạn nhân bỗng òa lên khóc:
              - Xin bệ hạ tha tội cho ngu thần ...
              Vô cùng ngạc nhiên, đức vua hỏi:
              Khanh là ai mà lại biết Trẫm?
              Bệ hạ không biết thần đâu! Hạ thần chính là em trai của võ tướng Trần Ðoàn, người bị bệ hạ giết oan trong mùa thu năm Tân Dậu. Thần đã thề trước linh cữu anh là sẽ giết bệ hạ để báo thù ... Biết bệ hạ lên núi này, thần mai phục sẵn. Không ngờ, đợi đến tối mà bệ hạ vẫn chưa xuống núi, thần liền đi tìm ... và bị trợt chân té xuống triền núi. Nếu không nhờ bệ hạ ra tay cứu chữa thì có lẽ thần đã mất mạng. Từ đây oan cừu xin giải hết... Thần cúi mong bệ hạ tha tội chết cho thần.
              Câu chuyện đáng tiếc năm xưa đã làm ta hối tiếc không nguôi ... Nhưng việc đã dĩ lỡ rồi Trẩm không biết tính sao. Bây giờ chẳng những Trẩm sẽ tha tội cho khanh mà Trẩm còn phục hồi chức tước và chu cấp cho gia đình Trần Ðoàn nữa. Khanh hãy yên tâm mà tịnh dưỡng đi.

              Ðức vua ra hiệu gọi vệ sĩ đến, cho khiêng nạn nhân xuống núi và vời ngự y chăm sóc vết thương. Sắp xếp đâu đó xong xuôi, vua đi tìm đạo sĩ. Nhà tu đang lúi húi trồng rau trên vạt đất mới cuốc hôm qua. Ðức vua ngỏ ý cáo từ và lập lại ba câu hỏi:
              - Xin đạo sĩ giải đáp cho.
              Nhà tu mỉm cười:
              - Bần đạo đã trả lời cho bệ hạ rồi ...
              Ðức vua ngạc nhiên:
              Thưa, hồi nào đâu?
              Ngay lúc bệ hạ vừa nêu câu hỏi.

              !??

              Này nhé, thời gian nào là thời gian quan trọng nhất, đó là lúc bệ hạ cuốc đất giúp bần đạo. Nếu thiếu khoảng thời gian này thì bệ hạ đã chết về tay anh chàng kia rồi nhé! Nhân vật quan trọng nhất chính là bần đạo đây, quan trọng đến nỗi bệ hạ phải trèo non lội suối đi tìm, có phải không? Và câu thứ ba: "Công việc nào cần thiết nhất" - Thưa đó là cuốc đất, việc mà hai chúng ta đã làm ngày hôm qua ...

              Rồi sau đó, khi chàng thanh niên xuất hiện thì anh ta biến thành nhân vật quan trọng nhất, công việc cần thiết nhất là cứu cấp cho anh ta, và thời gian đó quan trọng nhất ... Có phải thế không nào?

              Nhà vua cúi đầu ngẫm nghĩ giây lâu, cất tiếng:
              - Thưa đạo sĩ, Trẩm đã hiểu. Thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại. Nhân vật cần thiết nhất là người mà ta cần gặp gỡ trong hiện tại, và công việc khẩn thiết nhất, cũng là công việc trong hiện tại ... Quá khứ là những điều đã qua vĩnh viễn, vị lai chỉ là những ảo tưởng mơ hồ ... Chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi trong hiện tại là quí nhất mà thôi. Những điều cần làm nhất là giúp đỡ người chung quanh ngay trước mắt ta trong giây phút ngắn ngủi quí báu đó ... Thưa, có phải thế không ạ?

              Ðạo sĩ mỉm cười, và nụ cười đó thay lời tống biệt, đưa nhà vua xuống núi, nơi mà triều đình và thần dân đang chờ đón ngài.


              Em thân mến ,
              Hiện tại là cái khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta luôn luôn bỏ quên vì nỗi lo hoài bão về tương lai, tiếc thương cho quá khứ. Không ngờ đó lại là thời gian quan trọng nhất. Chư Tổ Thiền Tông cũng dạy chúng ta rằng: Việc qua rồi chẳng nhớ, việc chưa đến chẳng lo, việc hiện tại chớ đem lòng vọng tưởng.

              Lời dạy này cũng đồng nghĩa với câu giải đáp của đạo sĩ trên. Nếu chỉ sống với giây phút hiện tiền, thì dù ta đang gánh nước, bửa củi, uống trà, mặc áo, ăn cơm ... tất cả những chuyện tầm thường nhất, không hành vi nào mà không phải là đạo. Nhưng điều thú vị nhất của câu chuyện trên là lời giải đáp cho câu hỏi thứ ba: "công việc nào là cần thiết nhất" . Thưa: đó là giúp đỡ những người chung quanh ta, cũng ngay trong hiện tại.

              Trong cuộc sống hàng ngày, mãi lo ngong ngóng đến tương lai, chúng ta thường bỏ quên hiện tại. Có lẽ vì mãi nghĩ đến chúng sanh mình sẽ độ sau này (khi đã thành Phật hay Bồ Tát chính hiệu), nên em không thấy được rá rau của người bạn tri nhật đang hối hả lặt cho kịp giờ cơm, quên luôn nền nhà đầy rác đang cần quét, chiếc ly uống nước đầy cáu bẩn v.v...

              Tương lai đã che khuất khiến em không thấy được người bạn đồng tu của mình đang nhể nhại mồ hôi, đầu tắt mặt tối vì công việc. Và điều này khi nói ra e làm em bất bình. Nhưng tôi xin chân thành xin lỗi em trước, cũng như tôi đã sám hối và ân hận mãi vì đã có một thời - tôi và em - những người mãi miết lo nghĩ đến tương lai, đã biến chuyện tu hành của mình thành một gánh nặng cho bè bạn. Và chúng ta đã đặt tên cho những hành động lạ lùng đó bằng các danh từ thật kêu như: "hạ thủ công phu", "giải quyết sanh tử", "miên mật tu hành", v.v... và v.v...

              Hỡi ôi! Tại sao trong hiện tại chúng ta nhẫn tâm lợi dụng sức lao động của bạn bè mình, để làm một bàn đạp tiến thân, tiến đến quả vị Phật, Tổ ... là những quả vị không còn dấu vết của bản ngã và những phụ tùng của nó là tham, sân, si! Chúng ta thản nhiên nhắm mắt làm ngơ trước những công việc cần thiết cấp bách cho mình và cho người chung quanh, để chỉ lo thực hiện cho kỳ được những hoài vọng của cái bản ngã đa sự của chính mình, với một lời hứa hẹn trấn an lương tâm là: "Chừng nào thoát nhiên đại ngộ, hay thành Phật chẳng hạn, tôi sẽ độ cho quí vị hết trơn, hết trọi" và chúng ta sẽ nhủ thầm rằng: "Còn bây giờ quí vị nên làm công quả cho tôi ... chuyện tu hành khó khăn dữ lắm, cần phải có những căn cơ siêu việt mới có thể đảm đương nổi (như tui đây chẳng hạn) ... chừng nào cuộc thí nghiệm của tui thành công, công lao của quí vị sẽ được đền bù gấp trăm, gấp nghìn lần ..."

              Em thân mến,
              Trong kinh Kim Cang, Ngài Tu Bồ Ðề có hỏi Phật rằng: "Những người thiện nam hay thiện nữ khi đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi thì làm sao hàng phục được tâm mình?" Ngài đã đại diện cho chúng ta, nêu lên cái nguyện vọng, nỗi băn khoăn nghìn đời là: "Làm thế nào để con được thành Phật?" Câu trả lời của đấng đạo sư đã khiến ta bối rối hết sức:
              - Con nên độ cho hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn mà không thấy có một chúng sanh được diệt độ ... Câu đáp trở thành khó hiểu khi chúng ta ngỡ rằng "thành Phật" tức là thành một "đấng" gì đó cao hơn hết thảy chúng sanh, một "khối" gì đó ... chẳng hạn ... Còn nếu chúng ta chỉ hiểu một cách giản dị rằng: Phật chính là sự giác ngộ, thì thành Phật tức là thành một chúng sanh giác ngộ. Nhưng giác ngộ cái gì mới được chớ?
              - Thưa, giác ngộ rằng "bản ngã" không thật, không bền, không có ...

              Nỗi bận tâm duy nhất và tha thiết nhất của chúng ta là cái "bản ngã" của chính mình ... Từ lâu, chúng ta mê mải tìm cầu ngũ dục, cho nó hưởng thọ ... Không ngờ, cái dư vị của ngũ dục quá đắng cay khiến chúng ta đâm hoảng và thay vì si mê, tham đắm ngũ dục chúng ta lại xoay qua mê tu, tham đắm Niết bàn, giải thoát. Ðối tượng có thay đổi nhưng lòng tham lam, tính toán vẫn còn đó. Ngày xưa, chúng ta bon chen, thủ lợi, giành giật ngũ dục ra sao, thì bây giờ ta cũng tính toán để tóm cho bằng được cái Niết bàn, hay quả Phật hệt như vậy.

              Thế nên, nếu đức Phật đưa ra một đường lối, một phương pháp để đạt Niết bàn thì chúng ta sẽ chịu lắm! Ta sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả ... để giật cho được cái Niết bàn lè lẹ kẻo ... thiên hạ phỏng tay trên. Vì thế, câu trả lời của đức Từ Phụ đã làm cho chúng ta chưng hửng và thất vọng biết là bao! Hỏi làm cách nào để được giải thoát, Ngài lại bảo: "Hãy lo độ sinh đi thì tức khắc tâm con được an". Tâm an tức là giải thoát.


              .
              Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 13-06-2010, 11:36 PM.
              ----------------------------

              Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

              Comment

              • #8

                Những mẩu truyện hay của Phật giáo


                Cách Xử Thế Người Xưa

                Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên, một vụ mất cắp xảy ra tại quán trọ, chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta ngờ chú là thủ phạm.
                Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm chính, chú học trò được trắng án ra về.
                Khi về làng, gặp lại vị thầy dạy học, chú nhỏ tức tưởi kể lại tự sự, bộc bạch nỗi hàm oan của mình.
                Ông thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệnh đánh đệ tử mười roi phạt. Ðương sự rất ngạc nhiên, nhưng không dám cải lời thầy, riu ríu leo lên bộ phản nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
                Các bạn chú thấy thế, ngạc nhiên thưa:
                - Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
                Ông thầy từ tốn giải thích:
                - Ðành rằng nó vô tội, nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo chỉ mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta đánh đây là phạt cái tội nó có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu nó không chỉnh đốn tư cách lại, ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa.


                Em thân mến
                Ðây là một trong những cách xử thế tuyệt diệu của người xưa. Cổ nhân đào luyện thế hệ đàn em phải sống sao cho "Cúi xuống không thẹn đất, ngẩng lên không thẹn trời".
                Ðành rằng chú bé trên đây không hề gian tham nhưng vị thầy không bằng lòng khi thấy học trò mình chưa đủ tư cách chính nhân quân tử, khiến người ta mất lòng tin nơi mình.
                Trong kinh, đức Phật đã từng dặn dò chúng ta rằng: "Không phải nhờ ở lời khen của thế nhân mà con được đạo giải thoát, cũng không phải vì lời chê của thế nhân mà con lại rơi vào địa ngục. Mà chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của con sẽ quyết định cảnh giới thiện ác tương xứng."


                Thông thường, chúng ta rất dễ nhẫn nhịn những lời khen (mà mình không hoàn toàn xứng đáng) và ngược lại, chúng ta không tài nào kham nhẫn nổi những lời vu oan trách mắng vô căn cứ. Ðã bao lần em tức tưởi thuật lại nỗi hàm oan của mình cùng bè bạn. Và có lẽ, chưa lần nào em bị đánh đòn như chú bé trong câu chuyện trên đây. Có lẽ vì thế mà chúng ta kém xa người xưa chăng?

                Có hôm nào, lỡ bị một nỗi hàm oan, em hãy thử một lần tự tìm xem mình đã có những tác phong, cử chỉ cung cách như thế nào ... để cho người ta phải nghĩ về mình xấu tệ như thế đó. Nếu tìm thấy nguyên do nằm nơi mình, thì em đã bắt đầu nắm được chìa khóa giải thoát rồi đó. Giải thoát cái gì em biết không? Giải thoát em khỏi những niềm sầu, nổi khổ, những tư tưởng bi quan hắc ám. Vì thấy sao mà trên cõi đời này, sao mà không có ai hiểu mình hết trơn, hết trọi ...


                .
                ----------------------------

                Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                Comment

                • #9

                  .

                  Tâm Nhìn

                  Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một bà lão trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh.

                  Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là bà lão nữa, mà là một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái ấy không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin bà lão ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão bà vô cùng thương mến.

                  Từ đó, khách sang sông thăm thầy Tỳ kheo ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.

                  Lần sau, có việc phải xuống núi. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô gái mà úp mặt xuống lòng đò. Ðến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp bốn lần. Thầy Tỳ kheo hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp bốn lần? Cô gái nói rất trang nghiêm: "Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp bốn lần. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn bà lão đưa khách sang sông.


                  Trích trong "Truyện Cổ Phật Giáo", Minh Chiếu Sưu tập, Tập 3, Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1994, trang 87-88.

                  .
                  ----------------------------

                  Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

                  Comment

                  Working...
                  X
                  Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom