• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Hà Nội Baseball tại Garden Grove

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Hà Nội Baseball tại Garden Grove

    Baseball là môn thể thao phổ biến nhất tại Mỹ. Và nó cũng là môn thể thao gần như không ai biết tại Việt Nam. Nhưng vẫn đủ để có cả một đội baseball thiếu niên bay từ Hà Nội qua Mỹ để thi đấu với trẻ em Mỹ, bắt đầu ngay tại thành phố nhiều người Việt Nam nhất quận Cam - thành phố Garden Grove.


    Em Nguyễn Ðắc Quang Vinh, 11 tuổi, chuẩn bị quất một trái banh.

    Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật vừa qua, tại công viên West Haven Park, Garden Grove, đã diễn ra một trận đấu baseball giữa các thiếu niên thuộc câu lạc bộ Garden Grove Pony Baseball và các em thuộc câu lạc bộ Hà Nội Baseball.

    Ðây là trận đấu baseball đầu tiên giữa các em thiếu niên Việt Nam và Hoa Kỳ.

    Người sáng lập ra đội Hà Nội Baseball là Luật Sư Thomas Treutler. Người luật sư Mỹ rất rành tiếng Việt này không xa lạ với người Việt Nam hải ngoại: Ông “Tom” đã xuất hiện nhiều lần trên Thúy Nga Paris by Night, kể chuyện tếu, và tán gẫu với MC Nguyễn Ngọc Ngạn.

    Ngoài đời, ông là một luật sư thành công, làm việc với một tổ hợp luật sư quốc tế tại Việt Nam, và là người đã bỏ ra rất nhiều công sức, và cả chục ngàn đô la tiền túi, để đào tạo và tài trợ cho đội baseball Hà Nội.

    Chị Thúy Nguyễn, vợ ông, kể cho Người Việt câu chuyện như sau: “Hai vợ chồng tôi có thằng con trai, tên Ben Hiếu Trung Nguyễn, từng chơi cho Little League ở Garden Grove lúc 4 tuổi. Khi đưa cháu về Việt Nam đi học, chúng tôi rất lo không biết cách nào cho cháu tiếp tục chơi baseball.”

    “Rồi một hôm, nhân dịp sinh nhật của cháu hồi năm 2008, các bạn đến tặng quà. Khi mở ra, vợ chồng chúng tôi ngạc nhiên là đa số các bạn đều tặng truyện tranh Doremon trong đó nói về baseball. Chúng tôi phát hiện các em Việt Nam này cũng thích baseball. Thế là vợ chồng tôi mời các bạn của Ben đến chơi,” chị Thúy kể tiếp.

    Ông Thomas Treutler tiếp lời vợ, nói lưu loát bằng tiếng Việt: “Ban đầu, chỉ có 6 em tham gia. Dần dần chúng tôi phát triển môn này. Bây giờ chúng tôi có 5 đội U 8, U 10, U 12, U 14 và U 16 với tổng cộng 75 em tham gia thường xuyên. Chuyến này đi Mỹ chúng tôi chọn 15 em giỏi nhất để thi đấu giao hữu.”


    Giờ giải lao của các cầu thủ Hà Nội Baseball.

    Gian nan phát triển baseball

    Theo chị Thúy, trước đây Hà Nội chỉ có một sân baseball, do các cựu chiến binh Mỹ thành lập, nhưng không đi tới đâu cả.Khi bắt đầu, cả hai vợ chồng phải đi tìm chỗ để mướn sân đá banh cho các em có chỗ chơi.

    “Ðất đai Hà Nội đắt lắm, ngay cả sân bóng đá còn không đủ. Chúng tôi phải mướn một góc sân bóng đá để các em chơi,” chị Thúy cho biết thêm.

    Chị Thủy Phan, có con là em Nguyễn Phan Anh cũng đi Mỹ thi đấu lần này, nói thêm: “Mà làm gì có cỏ như bên Mỹ, hoặc có đường vẽ bằng vôi. Chỉ khi nào thi đấu thì mới vẽ vôi thôi.”

    Một trở ngại nữa là ánh sáng, vì đa số các em đều tập vào buổi tối.

    Ông Treutler giải thích: “Tại Việt Nam, các em bị bắt học quá nhiều, không có thời gian giải trí. Ngày Thứ Bảy cũng phải đi học thêm. Thành ra, chỉ có Chủ Nhật là tập trung lại được. Nhưng muốn chơi baseball hay thì phải tập ít nhất bốn buổi/tuần. Vì thế, chúng tôi tập cho các em vào buổi tối. Như vậy cần phải có đèn. Thế là chúng tôi phải bỏ tiền ra làm những cột đèn mới đủ ánh sáng cho các em.”

    Hiện nay, Hà Nội Baseball tập tại một góc sân vận động trường trung học Chu Văn An. Không chỉ dạy các em chơi baseball, chị Thúy và chồng còn phải dạy các em các từ ngữ chuyên môn của môn thể thao này.

    Chị kể: “Có nhiều danh từ trong baseball mà các em chưa bao giờ biết. Thế là tôi và chồng phải tra tự điển, cả Anh ngữ lẫn Việt ngữ, rồi tìm chữ tương đương một cách tương đối để giải thích cho các em.”

    “Nhưng giải thích không cũng không thể làm các em nhớ, mà phải thúc giục các em chơi, rồi khi đó các em mới hiểu. Baseball là một môn chơi khó, phải chơi mới hiểu hết được. Chứ cứ xem không thì không đủ,” ông Treutler nói thêm.

    Dụng cụ phải cho đúng baseball

    Vì là một môn thể thao quá mới lạ ở Việt Nam nên không thể tìm được trang phục và dụng cụ cho môn này. Vì thế, phải mua từ bên Mỹ về.

    Chị Thúy kể: “Khi chúng tôi thấy các em bắt đầu chơi được thì nghĩ đến chuyện đi thi đấu với các trường khác. Mà như vậy thì phải có đồng phục. Mà ở Việt Nam lại không bán. Thế là chúng tôi phải mua từ Mỹ đem về cho các em.” Ngoài ra, bố mẹ chồng của chị ở Michigan cũng mua thêm cho các bạn của đứa cháu nội của mình. Dù vậy, các em vẫn còn rất thiếu thốn. Chị Thúy cho biết, mỗi lần ở Mỹ về, dù có nhiều quần áo, cũng không mang về hết được, vì bị giới hạn số lượng hành lý.

    “Chỉ nội banh baseball thôi cũng là một vấn đề. Tại Việt Nam, sân bóng không đúng tiêu chuẩn, lại bị nhiều vũng nước, nhất là vào mùa mưa, thành ra, banh mau bị hư. Lần nào ở Mỹ về tôi cũng phải mang thêm cho các em,” chị Thúy nói tiếp.
    Lần này, trang phục của Hà Nội Baseball là do Garden Grove Pony Baseball mua tặng. Nhân dịp sang Mỹ, Hà Nội Baseball cũng được một mạnh thường quân Mỹ gốc Việt tặng 50 bộ quần áo và nón baseball.

    Anh Lộc Tiêu, cư dân Irvine, kể: “Trước đây tôi là huấn luyện viên của đội OC Nitro. Tôi cũng có 2 đứa con chơi baseball. Khi biết có đội baseball ở Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên. Thế là tôi tìm hiểu và liên lạc với huấn luyện viên Phạm Ngọc Phú tỏ ý muốn giúp đỡ.”

    “Tôi coi hình thấy các em mặc quần áo không đúng baseball, trông rất buồn cười. Ngay cả giày các em đi không phải là giày baseball, mà là giày bóng đá hay bóng rổ gì đó. Thế là tôi muốn giúp một tay,” anh Lộc kể tiếp.


    Gia đình khá giả

    Một điểm đặc biệt là đa số các em sang Mỹ lần này đều đang học tại các trường quốc tế ở Hà Nội, chứng tỏ là xuất phát từ những gia đình khá giả, như trường Alfred Nobel, Hà Nội Academy, trường quốc tế Singapore, Mạc Ðỉnh Chi...

    Chi phí các chuyến đi nước ngoài cũng thường do vợ chồng chị Thúy và các phụ huynh đóng góp cho tất cả, chị Thủy Phan cho biết.

    Trong hai năm qua, Hà Nội Baseball đã đi thi đấu tại Ðài Loan, Singapore và Indonesia.

    Trong nước, các em từng thắng một trường học của Nhật và một trường Liên Hiệp Quốc.

    Ða số các em đều nói tiếng Anh khá thành thạo, có em từng đi học ở Mỹ, có em có cha mẹ từng đi học nước ngoài. Em Nguyễn Phan Anh từng học mẫu giáo ở Mỹ khi chị Thủy du học.

    Trên đường đến Mỹ, Hà Nội Baseball đã dự một giải thiếu nhi bao gồm 10 đội, tổ chức tại thành phố Surabaya, Indonesia, từ ngày 10 đến 15 tháng 7.


    Nguyên nhân chơi baseball


    Có nhiều nguyên nhân làm các em Việt Nam sang Mỹ lần này thích baseball.
    Em Nguyễn Ðắc Quang Vinh, 11 tuổi, kể: “Ban đầu, em thích chơi bóng đá hơn baseball. Một hôm mẹ dẫn em đến rủ người bạn đi chơi, nhưng chú ấy đang bận chỉ cho con chơi baseball. Thế là chú bảo mẹ cho cháu vào chơi, dần dần rồi tự nhiên quen. Thế là cháu chuyển qua baseball.”

    Em Phạm Quốc Minh, 12 tuổi, học sinh trường Giảng Võ, thấy bạn chơi hay, thế là xin cha mẹ cho chơi. Cha mẹ thấy con thích, thế là ủng hộ. Em cho biết từng chơi bóng đá, nhưng không giỏi.

    Riêng em Nguyễn Tống Hải, 11 tuổi, chơi baseball là để đi... du học. Em kể: “Mẹ em du học bên Mỹ, thấy người ta chơi baseball nhiều, nên muốn em chơi để sau này du học.”

    Tuy nhiên, theo huấn luyện viên Phạm Ngọc Phú, đa số các em Việt Nam chơi baseball đều với mục đích tốt.

    Ông nói: “Baseball là một môn thể thao để rèn luyện tinh thần đồng đội, tính kiên nhẫn. Không giống như bơi lội, hay cờ vua, mang tính cá nhân nhiều hơn. Môn này cũng đòi hỏi kỹ thuật, cũng giống như chơi khăng tại Việt Nam.”

    “Ngoài ra, một số phụ huynh quan niệm rằng, cứ cho con mình chơi, nếu không giỏi baseball thì cũng giỏi tiếng Anh,” ông Phú cười nói.

    Sau Garden Grove, các em sẽ thăm Disneyland, rồi xuống San Diego tham dự một giải khác. Sau đó, Hà Nội Baseball bay lên Seattle, Washington, để đấu giao hữu với đội Klouter, và ở đó chơi một tuần lễ, theo lời chị Thúy.


    Ðỗ Dzũng
    Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 28-07-2010, 05:43 PM.
    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom