• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thái Liên Khúc

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thái Liên Khúc

    Thái Liên Khúc (Khúc Hát Hái Sen)

    Hải Đà - Vương Ngọc Long





    Tìm hiểu thơ Ðường trong việc phân chia các thi sĩ theo những trường phái thi ca khác nhau như ở Âu Châu thì đôi khi là một thiếu sót lớn, không phản ảnh đúng tâm trạng, nỗi lòng, nội dung diễn đạt của nhà thơ. Thi sĩ Bạch Cư Dị có thể nói thuộc trường phái xã hội, vì thơ ca của ông chủ trương hiện thực, nội dung miêu tả những sự kiện hoàn cảnh chính trị xã hội có liên quan đến đất nước, triều đình, và con người. Nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên thuộc trường phái tự nhiên, chủ trương cuộc sống ẩn dật nhàn cư, phỏng đạo cầu tiên. Nhà thơ Vương Xương Linh dùng ngòi bút để miêu tả cảnh biên tái chiến trường v.v.. Còn nhà thơ Lý Bạch có chủ trương kết hợp dung hòa giữa trường phái hiện thực và lãng mạn, khó mà xếp loại. Trường phái thi ca chỉ là một khái niệm tổng quát có tính cách tượng trưng và không phải là quan điểm nhất quán của các nhà thơ Ðường.

    Xã hội Trung Quốc với những quan niệm, thành kiến "trọng nam khinh nữ, văn dĩ tải đạo, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" ., với những hủ tục bất nhân, những tập quán ti tiện, xem thường vai trò của người phụ nữ trong xã hội, và thơ ca của họ đã dè dặt e ngại đề cao tình yêu trai gái, và tôn vinh vẻ đẹp, duyên dáng của người thiếu nữ. Nói như vậy không hẳn là có sự thiếu sót hoàn toàn, vì vẫn thấy những áng văn thơ bất hủ, khắc họa những hình ảnh tươi mát muôn màu của tình yêu trong lứa tuổi thanh xuân, tạo nên những xúc cảm nghệ thuật tinh tế, phong phú, gợi cảm vô cùng. Những ngôi sao sáng chói trên thi đàn Trung Quốc qua một số trường phái thi ca kể trên, vẫn thường đem lại cho giới thưởng ngoạn những dòng thơ mang tính chất trữ tình lãng mạn, phóng khoáng nhưng nhẹ nhàng, điển hình là bài thơ tả tình và cảnh rất tươi mát, trong sáng, sống động đem lại sự rung cảm lành mạnh cho người đọc : Khúc Hát Hái Sen (Thái Liên Khúc)

    Ca dao Việt Nam có câu:
    Trong đầm gì đẹp bằng sen
    Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng?
    Nhị vàng bông trắng lá xanh
    Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn !


    Người ta thường nói: Mai, Liên, Trúc, Cúc biểu tượng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông . Hoa Sen (liên hoa) mà một trong bốn loài hoa thanh nhã (tứ quí), tượng trưng cho sự tinh khiết, trong trắng, bình dị, cao thượng, phát sinh từ hồ ao, bùn lầy, nẩy nở và phát sinh những bông hoa tươi tắn, tỏa hương thơm ngan ngát kỳ diệu, những cánh hoa mềm mại xinh xắn, phơn phớt trắng hồng, nhụy vàng êm ái tạo nên cảnh thiên nhiên đẹp sang trọng và thanh tịnh.
    Trong những bài thơ nội dung cung đình, thi nhân thường phác họa những khung cảnh điện ngọc nguy nga quyền quí của nhà vua, những yến tiệc thịnh soạn, ca vũ tưng bừng với cung phi mỹ nữ. Cảnh đẹp của cung vàng đã được thi nhân miêu tả trang trọng : mùi hương thơm nhè nhẹ của những bông sen ngát tỏa quanh hồ trong cung điện vua đem lại những cảm giác đê mê ngây ngất, say đắm lòng người:

    Điện thơm gió động sen hồ
    Cô Tô yến tiệc vua Ngô đãi đằng
    Tây Thi say múa dịu dàng
    Bên song giường ngọc nhẹ nhàng ngả lưng

    Ngô Vương Vũ Nhân Bán Túy (Lý Bạch) -Hải Đà phỏng dịch

    Thái Liên Khúc (Khúc Hát Hái Sen) là một bài thơ tả tình yêu thanh cao, nhẹ nhàng của người thiếu nữ duyên dáng mơn mởn, chèo thuyền êm ái giữa giòng nước trong xanh, đưa bàn tay trắng nõn nà hái những búp sen hồng trắng xinh tươi, và vô tình thấy chàng trai đang đắm đuối nhìn mình, người thiếu nữ thẹn thùng e thẹn, muốn nói chẳng nên lời, để đến nỗi đánh rơi chiếc trâm cài đầu xuống đáy hồ lúc nào chẳng hay :

    Sóng đưa lá, gió rung hoa
    Đầm sen thuyền nhỏ lướt qua thấy chàng
    Cúi đầu thẹn, chẳng nói năng
    Ao sâu rơi xuống chiếc trâm cài đầu

    Thái Liên Khúc (Bạch Cư Dị) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Những chàng trai tụ ba tụ năm, đứng trên bờ vu vơ trò chuyện, tình cờ thấy mấy cô thôn nữ hái sen, hồn nhiên, nhí nhảnh, ngây thơ, mà đứng thẫn thờ ngóng trông, trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình dưới bầu trời cao rộng, trời xanh nước biếc, nắng hồng, hoa trắng giao tình, như một nhịp điệu khoan thai, tạo ra một vẻ đẹp thanh tao huyền ảo :

    Mấy cô thôn nữ xinh tươi
    Hái sen bên suối nói cười vu vơ
    Tiếng người lẫn với hoa mơ
    Lung linh bóng nước, nắng chờ đợi mong
    Môi son da phấn ửng hồng
    Hương thơm áo mỏng gió lồng phất phơ
    Mấy chàng trai đứng ngẩn ngơ
    Bâng quơ trò chuyện dưới bờ liễu xanh
    Đong đưa lá rủ buông cành
    Hoa rơi lả tả gió đồng mênh mông
    Đường xa ngựa hí thong dong
    Nhìn thương cảnh ấy mà lòng xót xa

    Thái Liên Khúc (Lý Bạch) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Hồ sen đầy đặc những lá sen chi chít, một chiếc thuyền con nho nhỏ rẽ nước, giữa rừng lá xanh thắm chập chùng, khó mà thấy, bỗng đâu một tiếng hát khe khẽ ngân vang mới biết có bóng người. Đó là bản tình khúc ngân lên ngàn cung điệu, tạo nên những nhịp đập chân tình, không điêu sức phù hoa, những rung động xao xuyến ban đầu, cho một tình yêu trai gái nhẹ nhàng, thanh khiết, mộc mạc chất phát, giao cảm hài hòa với khung cảnh thiên nhiên như một bức tranh sơn thủy hữu tình tràn đầy mỹ thuật :

    Lá sen quần lụa chung màu
    Sen thơm nở ngát, đỏ au má đào
    Chập chờn chẳng thấy trong ao
    Bỗng đâu tiếng hát nghêu ngao .. có người
    Gái Ngô, Việt, Sở xinh tươi
    Hái sen ướt áo vui cười thong dong
    Đón chào hoa thắm đầu sông
    Hái xong bóng nguyệt chờ mong tiễn về

    Thái Liên Khúc (Vương Xương Linh) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Một phong cảnh huyền hồ tuyệt đẹp, giữa hồ sen mênh mang bát ngát, một màu xanh biếc ngọc mông lung, hương sen thoang thoảng, bầu trời khoáng đạt bao la. Cái thanh vắng lặng lẽ chung quanh, tạo nên một sự xao động trong lòng thi nhân trước hình ảnh thơ mộng của một cô gái xinh tươi, mảnh mai, thanh tú, xắn tay áo, rẽ những cánh sen để tìm lối về :

    Thuyền con cô bé nhẹ bơi
    Hái về sen trắng xinh tươi nõn nà
    Khó mà che dấu thân ngà
    Giữa ao bèo nổi mở ra lối về

    Trì Thượng ((Bạch Cư Dị) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Tâm hồn thi nhân như muốn giao hòa cùng vũ trụ, những cảnh vật nhỏ bé, những biểu tượng thiết tha, những hình ảnh thân quen tạo ra những xúc cảm dạt dào, hiện lên sống động làm nao nao lòng người . Cảnh vật, sắc màu, âm thanh như những hoài niệm chan chứa và nồng nàn... "tiếng ca vọng lại .. ai thường hái sen"

    Nôn nao khách lạ đường xa
    Bến Tương thăm thẳm vượt qua đêm trường
    Hơi sương ngan ngát cam đường
    Tiếng ca vọng lại .. ai thường hái sen
    Bác đò tìm chỗ xóm đèn
    Ông câu ngái ngủ giữa đầm khói sương
    Người ta hỏi lúc đi đường
    Nơi nào là chốn Sầm Dương muốn về

    Dạ Ðộ Tương Thủy (Mạnh Hạo Nhiên) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Hình ảnh thiên nhiên thư thái an nhàn đem lại những hình tượng thơ đậm đà phong vị, gợi nên những liên tưởng sâu sắc, suy tư dâng tràn, đã tạo ra những nhớ thương não nề, để thi nhân gửi gắm uẩn tình tha thiết, xúc cảm ngậm ngùi chân thực :

    Sáng dòng sông Lục trăng thu
    Rau tần trắng muốt hái từ hồ Nam
    Sen xinh như muốn nói thầm
    Khách thuyền tê tái động tâm não nề

    Lục Thủy Khúc (Lý Bạch) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Cảnh vật đầy sức sống như thâu thái hồn của thi nhân, tạo ra những lưu luyến bịn rịn, biểu đạt cảnh ngộ riêng tư giữa đôi bạn tri âm, người thơ đã tìm thấy ở đối tượng một tình tri kỷ gắn bó, một tâm hồn đồng điệu, tương thức giữa kẻ ở người đi :

    Quanh bờ hương thoảng ngạt ngào
    Lá tròn che phủ hồ ao rạng ngời
    Sợ thu về gió đến nơi
    Lênh đênh tơi tả anh thời có hay ?

    Khúc Trì Hà (Lư Chiếu Lân) -
    Hải Đà phỏng dịch




    Trong các khúc cổ ca có bài Thái Liên Tử, các kỵ nữ thường ca để giúp vui cho khách :

    Hãm diệm hương liên thập khoảnh bi
    Tiểu cô tham hí thái liên trì
    Vân lai lộng thủy thuyền đầu thấp
    Cánh thóat hồng quần khỏa áp nhi


    Ngạt ngào hương sen tỏa mười khoảnh rộng
    Ham vui cô ả hái sen chậm về nhà
    Chiều đến, giỡn nước trước đầu thuyền bị ướt hết
    Lại còn cởi chiếc quần hồng chụp bắt con vịt con

    (trích Lữ Đường Thi - Quách Tấn tuyển dịch)

    Thi sĩ Thái Thuận, biệt hiệu Lữ Đường sống vào đời nhà Lê, đã được nhiều người ca ngợi là thơ Ông không kém gì thơ Đường và thơ Tống. Nhà thơ Quách Tấn là người đã có công bỏ ra nhiều năm dịch và giới thiệu tác phẩm Lữ Đường Thi của thi sĩ Thái Thuận . Nhà thơ Thái Thuận có bài "Lão Kỵ Ngâm" (Khúc Ngâm Của Người Kỹ Nữ Già), diễn tả lại sự nuối tiếc, nhung nhớ khôn nguôi của người ca kỹ đã đến tuổi xế chiều, khi thấy trăng sáng bên bờ hồ : "minh nguyệt trì đường ức thái liên" mà xao xuyến bần thần tưởng nhớ lại bài hát "Thái Liên Khúc" của một thuở lầu son gác tía, đã cùng khách bơi thuyền đi hái sen mua vui trên hồ trong đêm thanh vắng :

    Hao mòn niên thiếu thuở ăn chơi
    Trang điểm hồng nhan khó đẹp người
    Hoa rụng trước đình gương biếng ngắm
    Trăng soi hồ nhớ hái sen chơi
    Lầu son gái trẻ vui mà thẹn
    Gác tía thuyền quyên nhớ một thời
    Chiếc gối du tiên khơi trí tưởng
    Cùng người ru ngủ giấc chia đôi

    Lão Kỵ Ngâm (Thái Thuận) -
    Hải Đà phỏng dịch




    Nguyễn Du (1765-1820) là một đại thi hào của dân tộc, của nền thi ca cổ điển Việt Nam. Ngoài Truyện Kiều là một kiệt tác, Nguyễn Du còn có Văn Chiêu Hồn và 3 tập thơ viết bằng chữ Hán gồm 249 bài : Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, và Bắc Hành Tạp Lục. Học giả Mai Quốc Liên đã viết : "Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa". Năm Ất Sửu (1805) Nguyễn Du được thăng hàm Đông Các điện Học Sĩ, tước Du Đức Hầu và làm việc tại kinh đô Huế . Nam Trung Tạp Ngâm gồm 40 bài thơ chữ Hán được sáng tác vào lúc Ông làm quan ở Thuận Hóa và Quảng Bình, vào khoảng 1805-1812, gồm nhiều bài viết về quê hương đất nước và cảnh vật ở những nơi chốn Nguyễn Du đi qua đều toát lên nỗi ngậm ngùi dâu bể. Bài thơ trữ tình "Mộng Ðắc Thái Liên" (Mộng Ðược Hái Sen) được sáng tác vào thời gian nầy, với những lời thơ tuyệt đẹp, ý từ thanh khiết nhẹ nhàng :

    Quần thêu cánh bướm vén lên
    Thuyền con bơi nhẹ hái sen giữa trời
    Nước hồ lai láng khôn vơi
    In sâu đáy nước bóng người lung linh

    Sen hồ Tây hái liền tay
    Hạt thơm hoa ngát khoan đầy thuyền trôi
    Người kính nể, tặng hoa tươi
    Hạt thơm dành tặng cho người mến thương

    Sáng nay dậy sớm hái sen
    Hẹn cô hàng xóm nhà bên đi cùng
    Chẳng hay lúc gặp nhau chung
    Tiếng người cười nói chập chùng bóng hoa

    Muôn người yêu thích hoa sen
    Lắm người lại mến thân sen lạ thường
    Thân mềm vấn sợi tơ vương
    Quấn quanh đâu thể biết đường lìa ra

    Lá sen biếc ngọc xinh xinh
    Hoa sen mơn mởn hữu tình làm sao
    Ngó sen vô ý chạm vào
    Sang năm sen chẳng thể nào nở hoa

    Mộng Ðắc Thái Liên (Nguyễn Du) -
    Hải Đà phỏng dịch

    Thái Liên Khúc là một bài thơ diễn tả tình yêu kín đáo và tế nhị . Cảnh (sen) và người (đôi trai, gái) đã hòa hợp với nhau một cách hài hòa nhịp điệu, cảnh đã gợi tình, tình ẩn trong cảnh, nhưng đó là tình yêu trẻ trung, tươi mát, trong trắng, mang chút gì thầm lặng e ấp thẹn thùng . Bài thơ trữ tình nầy đã chứng tỏ cái tâm hồn phóng khoáng của các thi nhân đời Đường đã muốn vượt qua cái hàng rào đầy giáo điều khắc nghiệt của chế độ quan liêu phong kiến vốn dĩ xem thường vai trò của người phụ nữ trong xã hội, và đè nén những xúc cảm đậm đà, nồng thắm, chân thật của con người . Bài thơ Thái Liên Khúc đề cao tình yêu trai gái là một điểm son đáng kể trong thế giới Đường Thi, những cảm xúc nỗi niềm đó đã được các thi nhân bộc lộ một cách say đắm tha thiết, phải chăng từ một tâm trạng áp chế, dồn ép trong một bối cảnh xã hội vốn dĩ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến, lễ đạo nho gia, giáo điều khô khan, không muốn chấp nhận sự lãng mạn phóng khoáng trong tình cảm nhân gian .

    Hải Đà-Vương Ngọc Long


    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 30-07-2010, 01:05 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Chã biết hè bên Việt Nam có nóng không mà có người cứ tối ngày bỏ hình các cô mặc yếm đào và hái sen làm quân tử cứ dzùng dzằng

    Hái sen mặc yếm đào nữa nè...



    Việt Nữ Từ- Lý Bạch

    Gia khê thái liên nữ
    Kiến khách trạo ca hồi
    Tiếu nhập hà hoa khứ
    Dương tu bất xuất lai


    Bài ca của cô gái nước Việt ...

    Em là cô gái hái sen
    Buông câu quan họ, ngã lơi tay chèo
    Hoa như khúc khích cười reo
    Làm ngơ ngẫn khách ... người ơi đừng về ...


    Badmonk
    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

    Comment

    • #3

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi M Mít Đặc View Post


      Lời sơn nữ đối đáp với Mít


      Hỏi rằng: một chút của tin
      Muốn trao em giữ, em xin thứ gì?
      Thưa rằng: Em chẳng biết chi
      Hỏi rằng: Em thích xiêm y không nào?
      Thưa rằng: Dày mỏng ra sao?
      Bảo rằng: toàn gấm lụa đào nhung hoa
      Thưa rằng: chẳng hợp màu da
      Toàn thân như hột chà là em đen
      Bảo rằng: hãy tắm suối tiên
      Một giờ sau Em sẽ đổi đen ra hồng
      Thưa rằng: Em có tấm chồng
      Yêu màu da cũ kiếu ông em về.

      Badmonk. (phulieunhatam.com)

      Có " người " chưa vừa mắt với yếm đào mờ chỉ thích nhìn mấy cô Thái đi tắm suối roài lội xuống mần thơ trêu ghẹo khiến mấy nàng í ko dám bước lên kìa....

      Hôm trước mấy cô hái sen nhà Nguyễn Bính cho uống nước ao chưa no sao Mít...???



      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 30-07-2010, 04:44 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom