• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

    Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn


    Năm bà Vui lên 16 tuổi thì được mẹ mình giới thiệu vào nội cung làm cung nữ hầu bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại tại cung Từ Diên.
    Tôi tìm về đường Chi Lăng, TP Huế, nơi có nhiều tiếng đồn vẫn còn một trong những người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn còn sống. Tên của bà là Trần Thị Vui.

    Người cung nữ ngày ấy
    Một ngôi nhà nhỏ ba gian kiểu Huế. Tôi vừa nhắc đến tên bà, những người trong nhà vọng ra vồn vã: “Cô đến từ hội từ thiện phải không?”. Ngay sau đó, tôi được kéo đến một căn phòng xi măng nóng nực, hôi hám.
    Tôi còn ngỡ ngàng, chưa hiểu mọi chuyện thì một người chừng trên 80 tuổi xuất hiện, tự giới thiệu mình là Trần Thị Vui. Dáng điệu bà khắc khổ, không mang những nét cao sang như người ta vẫn nghĩ đến cái danh phận của người cung nữ. Nhưng nét hồ hởi của bà thì hiện rõ. Có lẽ lâu lắm rồi mới có người nhắc đến cái tên của bà từ thời thiếu nữ xa xôi...

    Căn gác bà ở trống không, chỉ duy nhất một chiếc tủ nhỏ cũ kỹ thời xưa bằng gỗ. Câu chuyện cứ thế được bắt đầu trong không gian chật, nóng và mùi hôi khai nồng nặc...
    Mẹ của bà Vui cũng là một cung nữ trong Đại Nội thời vua Khải Định, có tên là Tôn Nữ Thị Biên. Bà Biên có qua lại với một người đàn ông họ Trần, cháu của một phi, vợ vua Đồng Khánh. Khi bà Biên có thai thì không được gia đình kia chấp nhận vì danh phận cung nữ nên bà Biên ở vậy nuôi con. Năm bà Vui lên 16 tuổi thì được mẹ mình giới thiệu vào nội cung làm cung nữ hầu bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại tại cung Từ Diên.


    Hình ảnh cung nữ được tái hiện lại trong Đêm hoàng cung của Huế.

    Ký ức về một thời làm cung nữ của bà bắt đầu từ đó.
    “Không phải ai cũng được tuyển vào làm cung nữ, chỉ có những người thuộc dòng dõi của nhà vua mới được vào làm. Mẹ tôi là cháu hệ 5, phòng hoàng tử Diễn Quốc Công, vì vậy tôi mới có cái duyên phận được vào làm cung nữ. Làm cung nữ có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất với tôi” - bà Vui nói.

    Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, những người được tuyển vào làm cung nữ đa số đều chưa có gia đình. Ngày đó, nếu nói nguyên tắc thì không phải, tuy nhiên cuộc sống của vua thì không ai được tiết lộ ra ngoài. Cũng vì lý do đó, những cung nữ khi được tuyển chọn vào cung phải biết nguyên tắc và không ai được đùa giỡn, chuyện trò nhiều. Đối với xã hội ngày ấy, trong con mắt của những người dân thường, cung nữ là người có địa vị cao vì được phép ra vào nơi vua ở, được thấy mặt vua, thấy mặt mẹ vua. Nhưng thực ra thân phận của cung nữ trong nội cung là những thân phận không được tự chủ.

    Hồi ức về vua Bảo Đại
    Mặc dù là cung nữ hầu mẹ vua nhưng ký ức của bà Vui lại lưu giữ khá nhiều mảnh ghép liên quan đến vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Bà nhớ lại: “Công việc của tôi ngày ấy là quạt và bóp chân hầu hạ bà Từ Cung. Có đến bốn, năm người hầu hạ bà như chúng tôi. Nhưng điều mà tôi nhớ nhất là những kỷ niệm vụn vặt về vua Bảo Đại”.
    Theo lời kể của bà Vui, vua Bảo Đại là người rất hiện đại. Ông không có nhiều cung tần, thứ phi như các đời vua trước. Ông và Nam Phương hoàng hậu đã cùng thề thốt với nhau và nên duyên vợ chồng. “Tôi không biết thực tế cuộc sống hôn nhân của ông còn có người khác không nhưng ở trong cung thì chỉ có duy nhất bà Nam Phương hoàng hậu là chính danh vợ vua” - bà Vui cho biết.


    Bà Trần Thị Vui - một trong những cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn còn sống. Ảnh: MAI PHƯƠNG

    Cũng theo bà Vui, vì vua không còn nhiều cung tần, thứ phi nên nội cung ngày đó cũng êm thắm, không có nhiều những cảnh các cung phi ghen ghét nhau hoặc ngày ngày chờ vua ban ân sủng.
    Trong lúc kể chuyện về vua Bảo Đại, bà Vui còn đứng dậy diễn tả lại hành động của vua mỗi khi cùng Nam Phương hoàng hậu đến thăm mẹ. Vua cùng hoàng hậu nhảy xoay tròn một vòng rồi mới vào gặp mẹ.
    Bà hào hứng kể: “Vua Bảo Đại hiền và dễ tính. Mỗi lần ông đánh cờ, tóc mái xõa xuống, cung nữ quạt hầu khiến tóc ông bay vào mắt nhưng ông không trách mắng gì. Chỉ khi nào Nam Phương hoàng hậu cau mày thì người hầu mới hiểu và tránh quạt mạnh. Vua Bảo Đại rất thích ăn vặt, các món ăn nhà vua thích lúc nào cũng được nhà bếp chuẩn bị sẵn là bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc”.

    Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm lại cho Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà Vui cùng mẹ ruột của mình ra khỏi nội cung và trở về lại cuộc sống đời thường. Sau đó, bà Vui lấy chồng và tập quên đi những tháng ngày trong cung cấm.
    Bà Vui không may mắn như nhiều phụ nữ khác. Sau khi lấy chồng, bà không sinh được người con nào nên đã phải cưới vợ hai cho chồng. Giờ tuổi già của bà cũng phải nương nhờ vào những người con của chồng.

    Lãng quên cái thật...
    Đã bao nhiêu năm trôi qua, bà Vui cũng phải quên dần cái danh phận mình từng mang.
    Bà Vui nói: “Năm ngoái, một nhóm khách Nhật ghé thăm tôi. Họ luôn hỏi tôi về triều đình nhà Nguyễn, về vua Bảo Đại, sở thích của nhà vua và công việc của cung nữ thực sự như thế nào. Nhưng năm nay thì không thấy ai ghé về nữa...”.

    Hình ảnh Đêm hoàng cung của Huế với các cung nữ (những sinh viên đóng vai) pha trà, rót nước, nói chuyện... trong tà áo dài đã không còn lạ trong mắt du khách khi đến Huế... Thế nhưng điều mà du khách chiêm ngưỡng vẫn chỉ là những gì người ta dựng lại. Còn người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn vẫn sống thật ở đời chẳng ai biết.

    Bàn về điều này, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao ngành du lịch Huế lại không nghĩ ra, rằng chính những con người của một thời đó sẽ là đặc sản của ngành du lịch Huế. Chỉ cần bà Vui ngồi đó, mặc áo dài như cung nữ, pha trà và kể lại một vài câu chuyện, sinh hoạt trong cung ngày xưa. Vậy thôi cũng đủ hấp dẫn du khách rồi. Bởi lẽ người dân thường vẫn luôn tò mò: Vua ăn món gì nhỉ? Có phải toàn là những món sơn hào hải vị không?... Tất cả những gì liên quan đến vua chúa, dù là những điều đời thường nhất cũng sẽ là chuyện hay rồi”.

    (Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan giải thích: Cung nữ trong vua có hai loại danh phận nhưng đều là những người hầu hạ vua và gia đình nhà vua. Thứ nhất đó là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp. Do họ là những người không có địa vị trong xã hội phong kiến ngày xưa nên rất ít tài liệu ghi chép về họ. )

    MAI PHƯƠNG
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn - Văn Nguyễn

    Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn



    Bà Trần Thị Vui, người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn. Ở tuổi 84 bà Vui vẫn khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn.Ảnh: Văn Nguyễn.


    Ở tuổi 84 bà Vui vẫn khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn. Khẽ vấn mái tóc bạc, giọng bà Vui chầm chậm, ánh mắt xa xăm như hoài niệm về quá khứ: “Mới đó mà đã gần 70 năm ròng, ngày đó vào cung tôi mới tròn 16…”.
    Là con cháu Hoàng tộc, mẹ bà là cung nữ Tôn Nữ Thị Biên thuộc dòng trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần, đời thứ 5, bà Vui được vào phục vụ trong Hoàng cung.Ngày mới vào, như bao cung nữ khác, bà phải học những quy tắc khắt khe của chốn cung đình như dạy ăn nói, đi lại cho đúng với lễ nghi trong cung cấm; học cách biết giữ chuyện, mỗi cung nữ phục vụ ở cung nào thì lo bổn phận ở cung đó. Thời vua Bảo Đại, không còn lệ tuyển cung nữ, chủ yếu người vào cung là do quen biết, làm cung nữ và hưởng lương.

    Nghe mẹ tôi kể lại, từ thời vua Khải Định về trước, cung nữ được tuyển vào cung vô cùng khắt khe. Cung nữ có hai loại danh phận. Thứ nhất là những người con gái còn trinh, được vua tuyển vào để có quan hệ hôn nhân với vua. Thứ hai đơn giản hơn là được tuyển vào để hầu hạ cho gia đình vua, được gọi là cung nữ hay thị nữ, phục vụ việc vặt như quạt, têm trầu, đấm bóp…”, bà Vui kể.

    Theo bà Vui, cuộc sống của nhiều cung nữ thời vua Bảo Đại rất êm thấm. Người ở cung này thì không được sang cung khác nhòm ngó. Họ chỉ biết làm việc, không được cười đùa nói chuyện với cung nữ khác, không được nhìn trực diện vào Hoàng thái hậu, Vua, Hoàng hậu và các quan đại thần, nếu nhìn chỉ được phép nhìn sau lưng.

    Các cung nữ không ăn cơm, vệ sinh trong cung, khi có người trực thay thì về nhà ăn cơm rồi phải vào cung làm tiếp công việc. Mỗi tháng cung nữ được trả 3 đồng bạc.

    Khi vào cung, bà Vui đảm nhận việc quạt, bóp chân, vấn tóc, dâng khăn, dâng nước, bê tráp trầu cho bà Từ Cung, nhờ đó bà biết được tính cách của mẹ vua Bảo Đại. Bà kể: “Hoàng thái hậu rất hiền, các quan lại đến chơi bà nói chuyện rất nhẹ nhàng. Bà hầu như chỉ ở trong cung Diên Thọ chứ rất ít khi ra ngoài”.

    Trong các bữa, bà Từ Cung ăn rất ít và chỉ ăn một mình, thức ăn do sở Thiện nấu. Cơm được nấu trong nồi đất nhỏ còn gọi là nồi ngọc phạn, mỗi đĩa thức ăn có 3 tầng. Mâm của bà rất nhiều món từ cá, thịt bò, tôm rim, rau… nhưng bà chỉ ăn một ít rồi cho người bê xuống.

    Bà Từ Cung theo Phật giáo nên thi thoảng ăn chay. Bà ngủ rất muộn, tầm 22-23h tối. Lúc ngủ luôn có 2 cung nữ đi theo để quạt và bóp chân, ai biết ca Nam ai Nam bằng (một loại hình dân ca Huế) thì ca cho bà nghe, ai không biết thì thôi. Khi bà Từ Cung ngủ thì các cung nữ ngủ ngồi dưới chân bà, thay phiên nhau cho đến sáng.




    Bà Vui miêu tả lại cách ăn uống của bà Từ Cung. Ảnh: Văn Nguyễn

    Bà Vui kể, ngày đó, mỗi lần vua Bảo Đại đi săn ở Đà Lạt, hay dùng xe hơi đi chơi đâu đó là bà Từ Cung lại bồn chồn lo lắng. Khi vua đi săn rồi bị bắn trọng thương ở đùi do tán tỉnh vợ một ông bạn người Pháp trong một bữa tiệc tại Đà Lạt, bà Từ Cung đã nhiều đêm mất ngủ, viết thư hỏi thăm con.

    “Thế nhưng khi vua về, trong cung chỉ dám đồn là vua đi săn bị voi giẫm vào chân, đi lệch chân phải chứ hầu như không ai biết chuyện vua vì ham sắc mà bị bắn”, bà Vui tiết lộ.

    Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, bà Vui rời cung, về lấy chồng, nhưng cuộc sống mới chẳng mấy suôn sẻ. Cô con gái chào đời không được bao lâu thì mất. Không còn khả năng sinh con, bà Vui chấp nhận cưới vợ hai cho chồng rồi chịu cảnh chồng chung, con riêng. Khi chồng và vợ hai qua đời, bà Vui sống với các con của chồng. “Cũng may là con cái ngoan ngoãn, biết điều nên tuổi già cũng bớt cô đơn”, bà tâm sự.

    Ở Huế, người ta gọi tên vợ theo tên chồng, nên cái tên Trần Thị Vui rơi vào quên lãng, và rất ít người biết bà là cung nữ. Một lý do khác, theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, cung nữ triều Nguyễn là những người không có địa vị trong xã hội phong kiến ngày xưa nên rất ít tài liệu ghi chép về họ.

    “Bà Vui được xem là nhân chứng sống cho những câu chuyện của cung nữ trong bốn bức tường của Hoàng cung”, ông Phan nói.

    Văn Nguyễn
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom