• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Lâm Chiêu Đồng và Tranh xé dán

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Lâm Chiêu Đồng và Tranh xé dán

    Lâm Chiêu Đồng và Tranh xé dán


    Xé giấy làm nên... nghệ thuật




    Họa sĩ Chiêu Đồng

    Theo nhận định của nhiều họa sĩ, tranh xé giấy dán của Chiêu Đồng thuộc dạng tranh trang trí, không có nhiều sáng tạo về mặt hình họa (ở nghĩa đóng góp cái mới cho mỹ thuật) nhưng là sự kỳ công của người nghệ sĩ làm ra chúng. Chỉ riêng sự kỳ công làm nên tác phẩm của họa sĩ Chiêu Đồng đã được người thưởng lãm đón nhận đặc biệt.

    Họa sĩ Chiêu Đồng tên đầy đủ là Lâm Chiêu Đồng, từ lúc sinh (năm 1956) đến nay đều ở tỉnh Vĩnh Long. Ông bắt đầu sáng tác tranh xé giấy dán vào năm 1985. Vì gánh nặng mưu sinh, ông đã bỏ giấc mơ hội họa một thời gian khá dài. Mãi đến năm 2000, sau một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, những sắc màu hội họa đã trở lại với ông. Thật ra, họa sĩ Chiêu Đồng không chỉ chuyên thể loại tranh xé giấy dán. Tiểu sử nghệ thuật của ông còn ghi thêm các loại tranh khác, như: thủy mặc, sơn dầu, sơn mài... cùng những tác phẩm điêu khắc bằng giấy do ông tự tạo giả gỗ, giả đá, giả đồng... Nhưng nhắc đến họa sĩ Chiêu Đồng, làng họa Việt chỉ cần biết đến ông qua thể loại tranh xé giấy dán là đủ. Bởi với thể loại tranh này, ông đã được công nhận bởi công chúng (người sưu tập) và các giải thưởng mỹ thuật khu vực và quốc gia, như: hai lần nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT VN và nhiều lần nhận giải thưởng triển lãm khu vực ĐBSCL...

    Trong tranh xé giấy dán, có rất ít họa sĩ tham gia sáng tác thể loại tranh này, có thể điểm danh: Nguyễn Bá Văn, Hồ Hoàng Đại... Ít họa sĩ sáng tác với "giấy vụn" đơn giản vì công việc này quá sức nhọc nhằn. Thêm nữa, như nhận xét của nhiều họa sĩ lâu năm, tranh xé giấy dán vừa rất "nhọc nhằn" nhưng đôi khi "chẳng làm nên công cán gì", lại rất dễ bị xem là "hàng mỹ nghệ" do khéo tay mà có. Riêng với họa sĩ Chiêu Đồng, sự nhọc nhằn của ông với dòng tranh giấy dán đã được đền đáp. Thành quả mà Chiêu Đồng đạt được không nằm ngoài ý thức sáng tạo của chính ông, đó là: Tạo nên chiều sâu nghệ thuật trong mỗi bức tranh thay vì chỉ có sự tỉ mẩn, chăm chút bề ngoài. Chẳng thế mà, có người nhận xét rằng: "Màu sắc trong tranh của Lâm Chiêu Đồng là màu sắc của một tâm hồn lộng lẫy".

    Ngoài những tác phẩm tái hiện ký ức của mình, như: Tiếng rao trưa, Bầu trời tuổi thơ, Mùa quê khô khát, Cầu khỉ đung đưa..., rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Chiêu Đồng lấy chủ đề thiên nhiên, những dòng sông ở quê ông làm chủ đạo: Quê hương còn mãi màu xanh, Khắc khoải những dòng kênh, Xanh lại những dòng kênh... Người phải có ký ức đẹp gắn liền với một vùng đất mới yêu thiên nhiên như thế. Họa sĩ Chiêu Đồng cho biết: "Tôi dễ dàng làm ra những bức tranh núi non hùng vĩ rất đẹp, nhưng đó sẽ là cái đẹp vô hồn. Còn sông nước bình lặng, con người lam lũ, mộc mạc quê tôi, tưởng chẳng có "sắc màu, đường nét" gì hoành tráng, lại lưu giữ tất cả những gì lung linh nhất của đời tôi".


    Mỗi năm "vẽ" khoảng 10 tác phẩm




    Ao súng tím

    Những tác phẩm của Chiêu Đồng đa phần đều có màu sắc lẫn chủ đề liên quan đến ký ức. Xem tranh của ông, cảm giác cho thấy ký ức họa sĩ được ghép lại bởi hàng ngàn mảnh vụn đã rơi rớt đâu đó theo thời gian. Chiêu Đồng tự nhận ông là người rất vụng trong khoa ăn nói, ngay cả trả lời vài câu phỏng vấn trên truyền hình, ông cũng nói không trôi. Có thể, một người luôn đắm chìm với việc xâu chuỗi, lắp ghép ký ức... nên hiện tại bị xóa nhòa, khiến lời nói thực tại bị lãng quên chăng?!

    Để có được một gam màu đúng vị trí của bức tranh, nhiều khi Chiêu Đồng phải mất vài tháng trời tìm giấy. Chẳng hạn như một vệt khói bếp chiều quê giữa rừng tràm, rừng đước xanh ngát, ông đã "đau đầu" tìm màu giấy hàng tháng ròng. Vật liệu giấy của ông gồm các loại bìa tạp chí, lịch tờ, hộp bìa cứng..., nghĩa là giấy phế liệu hoặc giấy bạn bè, hàng xóm thay vì vứt đi mang đến cho ông. Cứ thế, ông chọn màu, vừa xé vừa dán làm nên bức tranh. Lẽ thường của các họa sĩ, "phát" xong mới "họa". Chiêu Đồng không "phát" mà chỉ "họa" bằng cách xé giấy dán thẳng lên "bố cục" đã định sẵn trong đầu của giấc mơ màu sắc hiện lên từ thưở chiêm bao. Nói vậy, nhưng để hoàn thành một bức tranh, ông đã làm việc không nhẹ nhàng như "một giấc mơ". Ông cho biết: "Mỗi năm tôi chỉ sáng tác được khoảng 10 bức tranh". Thông qua cách thức sáng tạo của họa sĩ Chiêu Đồng, mới hiểu tại sao tranh của ông "đắt hàng" ngay giữa thời khủng hoảng kinh tế này.

    Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc gallery Phương Mai, giá mỗi tác phẩm của họa sĩ Chiêu Đồng từ 400 - 1.400 USD tùy kích cỡ. Giá tranh của họa sĩ Chiêu Đồng thuộc loại "chấp nhận được" so với thị trường mỹ thuật VN hiện nay. Tuy giá tranh "dễ thở" như thế, nhưng nhiều khi họa sĩ Chiêu Đồng cũng phải đành lòng "bán nợ", vì người mua rất thích tranh, còn tiền thì đang... kẹt.

    Hiện nay, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc dùng các vật liệu phế thải để làm nên những tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận. Họa sĩ Chiêu Đồng, ngay từ năm 1985 đã dùng giấy vụn "vẽ tranh", phải chăng ông đã "đi trước thời đại" trong việc này, ít nhất là ý thức bảo vệ môi trường? Hỏi ông, ông cười: "Tính mình kỹ lưỡng và tằn tiện, thấy giấy còn đẹp mà bỏ đi thì lãng phí".

    Một số tác phẩm của họa sĩ Chiêu Đồng




    Tiếng rao trưa




    Chiều rơi trên sông




    Cầu khỉ đung đưa




    Bóng ngả đường chiều

    Thanh Kiều
    Nguồn: Họa sĩ Chiêu Đồng: Sáng tác tranh từ… giấy vụn





    Miền Trăng Anh, Tranh xé dán (Collage Art) Lâm Chiêu Đồng, Kt 80x120




    Trịnh Ca. Tranh xé dán (Collage Art) Lâm Chiêu Đồng, kích thước 80x120



    Tĩnh Vật, Chất liệu xé dán, (Collage Art) LCD, 80x120



    Rưng Rưng Phố Chiều, 90x90




    RÁNG CHIỀU, Tranh xé dán (Collage Art) Lâm Chiêu Đồng



    NGÀY NỌ DÒNG SÔNG, Tranh xé dán (Collage Art) Lâm Chiêu Đồng 120x120


    ***

    NHỮNG ĐIỀU TÔI BIẾT VỀ TRANH XÉ DÁN VÀ HỌA SĨ LÂM CHIÊU ĐỒNG

    Nguyễn Lâm Cúc




    Bạn tôi, chị Thu Hà, nhiều năm trước từng làm một phim tài liệu về tranh xé dán của anh Lâm Chiêu Đồng. Qua phim của chị, lần đầu tiên tôi biết đến tranh xé dán, biết những thông tin về anh Lâm Chiêu Đồng. Không lâu sau đó, vào một buổi sáng, chị Thu Hà đã chở tôi ghé qua thăm xưởng vẽ của họa sĩ. Xưởng vẽ đó giờ đã đổi điểm, nhưng khung cảnh bên trong của nơi anh sáng tác bây giờ không có gì khác mấy. Hôm đó, tôi được ngắm bức Thiếu nữ bên hoa sen. Một bức tranh màu sắc dịu dàng, thiếu nữ với nét mặt thoảng buồn, đôi mắt xa xăm, ánh nhìn tĩnh lặng. Sau này, có nhiều tranh về hoa sen và tranh thiếu nữ của anh được đưa lên mạng, nhưng tôi chưa thấy lại bức Thiếu nữ và hoa sen ngày nọ.




    Chị Thu Hà kể cho tôi nghe đôi chút về anh Lâm Chiêu Đồng. Điều mà tôi cảm phục anh ngày ấy, không phải về tranh, vì với tranh, tôi là người nghễnh ngãng, điếc đặc. Tôi cảm phục anh, vì khi ấy, anh đang trải qua một căn bệnh hiểm nghèo với tinh thần lạc quan hiếm thấy. Bạn hữu, người thân cạnh anh, hàng ngày nghe tiếng cười của anh, tiếng cười vang lên đầy sảng khoái, không vướng bận. Tiếng cười và tinh thần lạc quan trở thành vũ khí trong cuộc chiến không ranh giới để anh chiến đấu với bệnh hiểm nghèo và anh đã thắng! Tiếng cười đó an ủi mọi người thân, khiến khích tinh thần bè bạn và người bệnh trở thành chỗ dựa tinh thần cho những ai thấy mình kém may mắn, thấy đời mình nhuốm màu ảm đạm, do cây cọ tạo hóa chơi khăm.



    Cũng từ đó đến nay, anh dành từng ngày, từng giờ của mình cho sáng tác. Có lúc anh nói, thật tiếc cho trước đây, tôi đã phí nhiều thời gian cho việc không phải là dán tranh. Nhiều tác phẩm tranh xé dán liên tiếp ra đời, mỗi bức tranh mang một tình yêu mãnh liệt của anh với cuộc sống, với miền quê vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

    Khi một tác phẩm hoàn thành, tranh không chỉ là màu sắc, mà là từng giọt yêu thương thấm đẫm, tuôn chảy trên mười đầu ngón tay tài hoa đậu xuống mặt giấy, tái tạo lại hoa cỏ, tái tạo cuộc sống, sông nước, làng mạc, con người còn nhiều cơ cực của những miệt quê sông nước xa xôi. Tranh của anh, dòng tranh xé dán tả thực. Cuộc sống được sao, chụp lại không chỉ có hình hài mà còn "neo" được hồn vạn vật tụ hội trong từng bức họa, để nếu là dòng sông thì tưởng có thể nghe được tiếng mái chèo khua xôn xao mặt nước; nếu là mái tranh nghèo sẽ thấy được hơi thở ấm áp của những sợi khói bếp trong chiều buông; nếu là cánh rừng, tưởng như nghe tiếng gió lao xao đùa vui cùng bầy lá xanh. Và trong không gian thoảng đâu đó, tiếng thở dài của đất trời nối tiếc từng cánh rừng lụi tắt…

    Cũng từ đó, tranh xé dán của anh mê hoặc tôi, dẫn dắt tôi vào thế giới màu sắc của giấy. Mặc dù, xem tranh, tôi chỉ biết cảm, thứ tình cảm cứ tự nhiên ào đến trong lòng rồi tiện thể ở luôn lại đó, trú ngụ và có chút lạm dụng. Rồi tự khi nào không biết, những bức tranh của anh không còn là tranh, mà với tôi dòng suối trong lành, rì rào tuôn bên cây xanh và hoa cỏ. Dòng suối chảy mơ màng giữa cuộc đời nóng rực, chật hẹp, oi bức. Ở đó không có ai, tiếng gió cũng e dè. Một không gian tĩnh lặng đến đỗi nếu thở mạnh cũng là một cử chỉ thô thiển. Cúi xuống, tụt đôi dép phiền muộn để bên ngoài, tôi đặt đôi chân rón rén vào cõi thiên thai của sắc màu, vô tư phiêu diêu đến tận cùng trí tưởng.

    Có lần, tôi nghe anh kể, để có đủ giấy cho một bức tranh khổ 120 x 160 cm, anh lùng mua về nhà hàng đống tạp chí và lịch tranh rồi ngồi cặm cụi tìm những mảng màu thích hợp xé, dán. Có lúc, số tiền mua giấy lên đến hàng triệu đồng mà vẫn không tìm đủ loại giấy cần thiết cho một bức tranh. Sau này, anh đã tự chế tạo ra vật liệu giấy màu cho mình, từ đó anh muốn dán bao nhiêu tranh tùy thích. Anh cũng cho biết, tranh xé dán cũng như tác phẩm mỹ thuật khác có thể tồn tại mãi, việc ấy phụ thuộc vào cách bảo quản.

    Những bức tranh xé dán của anh ra đời thật ngẫu hứng, trên nền không có một phác họa nào. Nguyên mẫu bức tranh được vẽ từ trong khối óc tinh anh và nhờ đôi tay sao chép lại, dán nên. Vì vậy, khi đến xem anh làm việc, nếu bức tranh đang dở dang, không thể biết đoạn còn lại hình ảnh như thế nào.

    Anh LCĐ cầm cọ từ khi còn trẻ, tranh Thủy mặc và nhiều thể loại khác của anh cũng là phong cách thể hiện rất đặc biệt. Ví dụ như những bức tranh vẽ hoa mai của anh, một cách làm tạo nên màu hoa trắng mà không phải do màu vẽ. Nghĩa là, trong những cái thoạt nhìn tưởng như đã bắt gặp, đã thấy đâu đó, nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ thì quá bất ngờ vì nó mới được thể nghiệm lần đầu trên tác phẩm của anh.

    Đôi tay to xù của anh mới thật đáng nể. Đôi tay ấy có thể biến mọi loại rác thành những tác phẩm mỹ thuật đẹp mê hồn. Ngày xưa, khi mới xây dựng gia đình, anh có 10 đồng bạc chỉ mua được 1 quả dừa khô. Nạo cơm dừa bán lấy lại vốn, vỏ dừa anh cưa thật khéo léo, làm thành một vỏ đựng ấm nước, cái vỏ ấy bán được 50 đồng. Nơi anh làm xưởng vẽ hiện nay, có lúc thủy triều dâng nước ngập tận đầu gối. Một đêm nọ, từ đâu trôi về một thùng xốp thủng đáy, anh vớt thùng xốp làm thành hai bức tượng Phật sống động. Tượng đã được người mộ đạo thỉnh về thờ. Và, trên blog, chúng ta được xem từ những mẩu nhựa vụn, mi-ca anh làm thành những cây trâm, cây kẹp tóc đẹp ngoài sức tưởng tượng của bạn. Vì không chỉ hình dáng đẹp mà màu sắc trên những vật ấy cứ như được tạo ra từ đá quí, pha lê.




    Anh có nhiều dự định, trong đó có một ấp ủ dùng Sơn mài cho gốm và…Nhưng thôi, vì sức khỏe của anh còn để dành chiến đấu cuộc chiến đấu quyết liệt, không ngừng nghỉ, đó là bảo vệ sức khỏe để mà xé, dán tranh và rong chơi.

    NLC
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 13-08-2010, 07:24 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom