Đây là một câu chuyện ngắn khá hay, nhẹ nhàng và ý nhị về đề tài 2 người trong cuộc. Câu chuyện cũng phần nào góp phần vào đề tai mà HB và CO tranh luận những ngày vừa qua.
Cuộc chiến hai người - Chút lưu lại
Nó là thực tế rất ư là...đàn bà. Làm sao thay đổi được một thực tế, ai nói thực tế phủ phàng cũng được, nói nó hay cũng được...Chấp nhận hay chối bỏ tùy thuộc vào nhận thức và số phận của từng người...Hy vọng mỗi người sẽ có một lựa chọn đúng đắn. Hãy nghĩ đến tương lai trước khi vội vàng quyết định điều gì đó.
Chúc các bạn nhiều sáng suốt khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Đâu đó trên đường đôi lúc không muốn cũng gặp không ổ voi, ổ gà thì cũng ngã rẽ... Chúc may mắn!
UKH
Minh họa: trần ngọc sinh
Nồi cá bống kho
TT - Phải khó khăn lắm chị mới đồng ý gặp lại anh - bố của con chị, chồng của chị ngày xưa. Khoảng thời gian năm năm không phải là quá dài nhưng nó gần như là quãng đường nặng nhọc và cay đắng nhất trong suốt cuộc đời chị. Gắng gượng hết sức rồi bỗng thấy mình vượt qua nó lúc nào không hay.
Một cuộc sống mới vừa bắt đầu mở ra với cõi lòng thơ thới, những buổi chiều không thấy u sầu, những buổi sáng không nặng trĩu lo âu và một tâm hồn trống tênh chờ gió mới thổi tới thì anh ta gọi điện.
Chị không muốn con gái chứng kiến cuộc gặp gỡ bất thường này nên gửi nó về nhà ngoại trước khi đến chỗ hẹn. Con gái chị láu lỉnh đồng ý “di trú”, nhưng với điều kiện chị sẽ phải mặc bộ váy mà nó chỉ định. Nhìn bàn tay như búp hoa hồng của nó vuốt từng li váy cho chị, chị bỗng dưng trào nước mắt. Ngày anh và chị chia tay nó chưa đầy hai tuổi, khóc ngằn ngặt và bi bô đòi bố. Lòng chị rối bời mà vẫn phải dỗ con hết lần này đến lần khác: “Ngủ đi, mai bố về”. Nó còn quá bé để hiểu rằng cả nó và chị đều đã mất quyền sở hữu anh vĩnh viễn.
Anh ta ngồi im lìm trong một góc khuất, nếu bờ vai kia, dáng ngồi kia không ăn sâu vào tim chị suốt bao nhiêu năm yêu thương và chung sống thì có lẽ chị chẳng thể nào nhận ra anh, rệu rã và mỏi mệt. Chị bất giác mỉm cười. Thật may là con gái đã chọn cho chị một bộ váy màu hồng làm nổi bật nước da trắng và cũng làm chị trẻ nhiều so với tuổi. Còn anh ta thì sao? Một người vợ trẻ trung hơn chị mấy tuổi, hòa hợp hơn chị rất nhiều, biết chăm lo cho con đường dẫn vào trái tim đàn ông mà tại sao anh lại nên nông nỗi ấy.
Chút kiêu hãnh, đắc thắng nổi lên, chị nhìn thẳng vào mắt anh ta dò xét. Nhưng rồi ngay lập tức chị nhận ra sai lầm của mình. Chỉ một ánh mắt, chị biết cuộc đời mình sẽ thuộc về nó mãi mãi. Nhưng cũng chỉ một ánh mắt, chị biết mình đã mất anh về tay một người đàn bà khác. Và ánh mắt này đây, chị không biết mình còn sự lựa chọn nào khác ngoài bao dung, tha thứ. Ánh mắt ấy lại giống như thuở lần đầu gặp nhau, ấm áp, thiết tha khiến toàn thân chị như có một nguồn sự sống đang chảy dạt dào. Nhưng lần này nó có thêm chiều sâu của sự ăn năn, hối hận và hàm chứa một chất keo để gắn kết... Không, bao nhiêu đau khổ mà chị trải qua không thể xóa nhòa chỉ bằng một ánh mắt này được.
- Anh đã hẹn con chiều tối chúng mình đón nó đi ăn. Em... em có thời gian chứ?
- Em không có thời gian. Lâu rồi mẹ con em không có thói quen ăn tối ở ngoài với người lạ.
Sự im lặng kéo dài quá lâu, không tìm được câu nào để mở lời, nhưng chị đã đáp trả rất nhanh trước đề nghị đầy khó chịu của anh. Anh không rườm lời, chị không còn lạ điều ấy. Nhưng quay trở về một cách đường đột và trịch thượng thế thì không phải là anh của trước đây. Có lẽ anh vẫn còn đủ hiểu chị đến nỗi biết chị sẽ xao lòng bởi ánh mắt chân thành của mình, cũng như trước đây hiểu chị đã vì lòng tự ái mà không thèm níu kéo anh lấy một tiếng.
- Hay... anh đi chợ, em đi đón con rồi mình về nhà nấu?
Như không tin ở tai mình, chị nhìn lại anh một lần nữa. Anh gật gật đầu, xác nhận tất cả những gì chị nghe là sự thật. Cơn tức giận trào lên ngang cổ, chị dằn từng tiếng:
- Không. Tôi không thể kho một nồi cá bống ngon. Xin phép cho tôi từ chối cái hân hạnh ấy.
Chị không thể điều khiển nổi đôi chân của mình nữa. Lẽ ra nó phải quay ngoắt đi những bước hiên ngang ra khỏi đây thì lại khuỵu xuống. Và nước mắt tưởng như bao lâu nay đã khô thì lại như đập tràn bờ. Cái ngày anh ta dằn bát, quăng đũa vào mâm cơm có đĩa cá bống kho còn rành rành trước mắt. Cái ngày anh ta bỏ nhà theo cô bé thực tập của cơ quan chị sau khi cô bé ấy đến nhà chị ăn cơm và biểu diễn tài nghệ kho cá bống cho chị học tập cũng chỉ mới như hôm qua thôi. Đàn bà mà có mỗi nồi cá bống kho mãi không ngon thì làm sao mong giữ được chân chồng. Chị chấp nhận thực tế ấy và giấu nhẹm nó đi khi có ai tốt bụng chia buồn chuyện tình cảm đổ vỡ. Chỉ vì một nồi cá kho mà để mất chồng, chẳng ai muốn mang trên mình cái “án” ấy.
Vậy mà giờ anh ta quay lại. Gia đình đâu chỉ là những bữa cơm? Đường đến trái tim của đàn ông thật sự ngắn ngủi và tầm thường đến thế hay sao? Đã lâu lắm rồi chị không còn phải hồi hộp dọn mâm cơm ra và dè dặt chờ đợi phản ứng của chồng sau đũa gắp đầu tiên. Đã lâu lắm rồi hai mẹ con chị bữa cơm, bữa cháo tùy theo sở thích của chính bản thân mình. Nhiều khi nghe hàng xóm con mời bố, vợ gọi chồng ra ăn cơm cũng thấy cay đắng dâng đầy lên trong cổ. Giờ chỉ chớp mắt thôi, chị sẽ lại có một gia đình với bữa cơm ngồi không lệch bên nào? Thôi lau nước mắt đi mà về, chị tự nhủ mình. Lối vào lòng người hẹp lắm, cho dẫu chẳng có nồi cá kho nào chắn đường.
- Anh xin em. Con mình lớn rồi, nó cần có bố.
- Thế còn...?
Chị chợt dừng lại. Cật vấn nhau về cái gì bây giờ cũng đều thấy vô duyên. Tiếng anh vẫn vẳng đến, trầm trầm:
- Anh đã ăn nó hằng ngày suốt năm năm qua... và nhận ra rằng... nó không phải là gia vị của hạnh phúc.
Chị buồn thảm lắc đầu rồi cứ thế ra về. Chị đón con gái. Nó không nói cười ríu rít như con chim non nữa mà lặng lẽ nhìn chị như một bà cụ non. Cứ mỗi bữa ăn, nó lại dọn ba bộ bát đũa ra ba góc mâm. Chị thở dài. Cái ngày chị đầu hàng con mình không còn xa mấy nữa.
Truyện 1.180 chữ của HƯƠNG THỊ
Cuộc chiến hai người - Chút lưu lại
Nó là thực tế rất ư là...đàn bà. Làm sao thay đổi được một thực tế, ai nói thực tế phủ phàng cũng được, nói nó hay cũng được...Chấp nhận hay chối bỏ tùy thuộc vào nhận thức và số phận của từng người...Hy vọng mỗi người sẽ có một lựa chọn đúng đắn. Hãy nghĩ đến tương lai trước khi vội vàng quyết định điều gì đó.
Chúc các bạn nhiều sáng suốt khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Đâu đó trên đường đôi lúc không muốn cũng gặp không ổ voi, ổ gà thì cũng ngã rẽ... Chúc may mắn!
UKH
Minh họa: trần ngọc sinh
Nồi cá bống kho
TT - Phải khó khăn lắm chị mới đồng ý gặp lại anh - bố của con chị, chồng của chị ngày xưa. Khoảng thời gian năm năm không phải là quá dài nhưng nó gần như là quãng đường nặng nhọc và cay đắng nhất trong suốt cuộc đời chị. Gắng gượng hết sức rồi bỗng thấy mình vượt qua nó lúc nào không hay.
Một cuộc sống mới vừa bắt đầu mở ra với cõi lòng thơ thới, những buổi chiều không thấy u sầu, những buổi sáng không nặng trĩu lo âu và một tâm hồn trống tênh chờ gió mới thổi tới thì anh ta gọi điện.
Chị không muốn con gái chứng kiến cuộc gặp gỡ bất thường này nên gửi nó về nhà ngoại trước khi đến chỗ hẹn. Con gái chị láu lỉnh đồng ý “di trú”, nhưng với điều kiện chị sẽ phải mặc bộ váy mà nó chỉ định. Nhìn bàn tay như búp hoa hồng của nó vuốt từng li váy cho chị, chị bỗng dưng trào nước mắt. Ngày anh và chị chia tay nó chưa đầy hai tuổi, khóc ngằn ngặt và bi bô đòi bố. Lòng chị rối bời mà vẫn phải dỗ con hết lần này đến lần khác: “Ngủ đi, mai bố về”. Nó còn quá bé để hiểu rằng cả nó và chị đều đã mất quyền sở hữu anh vĩnh viễn.
Anh ta ngồi im lìm trong một góc khuất, nếu bờ vai kia, dáng ngồi kia không ăn sâu vào tim chị suốt bao nhiêu năm yêu thương và chung sống thì có lẽ chị chẳng thể nào nhận ra anh, rệu rã và mỏi mệt. Chị bất giác mỉm cười. Thật may là con gái đã chọn cho chị một bộ váy màu hồng làm nổi bật nước da trắng và cũng làm chị trẻ nhiều so với tuổi. Còn anh ta thì sao? Một người vợ trẻ trung hơn chị mấy tuổi, hòa hợp hơn chị rất nhiều, biết chăm lo cho con đường dẫn vào trái tim đàn ông mà tại sao anh lại nên nông nỗi ấy.
Chút kiêu hãnh, đắc thắng nổi lên, chị nhìn thẳng vào mắt anh ta dò xét. Nhưng rồi ngay lập tức chị nhận ra sai lầm của mình. Chỉ một ánh mắt, chị biết cuộc đời mình sẽ thuộc về nó mãi mãi. Nhưng cũng chỉ một ánh mắt, chị biết mình đã mất anh về tay một người đàn bà khác. Và ánh mắt này đây, chị không biết mình còn sự lựa chọn nào khác ngoài bao dung, tha thứ. Ánh mắt ấy lại giống như thuở lần đầu gặp nhau, ấm áp, thiết tha khiến toàn thân chị như có một nguồn sự sống đang chảy dạt dào. Nhưng lần này nó có thêm chiều sâu của sự ăn năn, hối hận và hàm chứa một chất keo để gắn kết... Không, bao nhiêu đau khổ mà chị trải qua không thể xóa nhòa chỉ bằng một ánh mắt này được.
- Anh đã hẹn con chiều tối chúng mình đón nó đi ăn. Em... em có thời gian chứ?
- Em không có thời gian. Lâu rồi mẹ con em không có thói quen ăn tối ở ngoài với người lạ.
Sự im lặng kéo dài quá lâu, không tìm được câu nào để mở lời, nhưng chị đã đáp trả rất nhanh trước đề nghị đầy khó chịu của anh. Anh không rườm lời, chị không còn lạ điều ấy. Nhưng quay trở về một cách đường đột và trịch thượng thế thì không phải là anh của trước đây. Có lẽ anh vẫn còn đủ hiểu chị đến nỗi biết chị sẽ xao lòng bởi ánh mắt chân thành của mình, cũng như trước đây hiểu chị đã vì lòng tự ái mà không thèm níu kéo anh lấy một tiếng.
- Hay... anh đi chợ, em đi đón con rồi mình về nhà nấu?
Như không tin ở tai mình, chị nhìn lại anh một lần nữa. Anh gật gật đầu, xác nhận tất cả những gì chị nghe là sự thật. Cơn tức giận trào lên ngang cổ, chị dằn từng tiếng:
- Không. Tôi không thể kho một nồi cá bống ngon. Xin phép cho tôi từ chối cái hân hạnh ấy.
Chị không thể điều khiển nổi đôi chân của mình nữa. Lẽ ra nó phải quay ngoắt đi những bước hiên ngang ra khỏi đây thì lại khuỵu xuống. Và nước mắt tưởng như bao lâu nay đã khô thì lại như đập tràn bờ. Cái ngày anh ta dằn bát, quăng đũa vào mâm cơm có đĩa cá bống kho còn rành rành trước mắt. Cái ngày anh ta bỏ nhà theo cô bé thực tập của cơ quan chị sau khi cô bé ấy đến nhà chị ăn cơm và biểu diễn tài nghệ kho cá bống cho chị học tập cũng chỉ mới như hôm qua thôi. Đàn bà mà có mỗi nồi cá bống kho mãi không ngon thì làm sao mong giữ được chân chồng. Chị chấp nhận thực tế ấy và giấu nhẹm nó đi khi có ai tốt bụng chia buồn chuyện tình cảm đổ vỡ. Chỉ vì một nồi cá kho mà để mất chồng, chẳng ai muốn mang trên mình cái “án” ấy.
Vậy mà giờ anh ta quay lại. Gia đình đâu chỉ là những bữa cơm? Đường đến trái tim của đàn ông thật sự ngắn ngủi và tầm thường đến thế hay sao? Đã lâu lắm rồi chị không còn phải hồi hộp dọn mâm cơm ra và dè dặt chờ đợi phản ứng của chồng sau đũa gắp đầu tiên. Đã lâu lắm rồi hai mẹ con chị bữa cơm, bữa cháo tùy theo sở thích của chính bản thân mình. Nhiều khi nghe hàng xóm con mời bố, vợ gọi chồng ra ăn cơm cũng thấy cay đắng dâng đầy lên trong cổ. Giờ chỉ chớp mắt thôi, chị sẽ lại có một gia đình với bữa cơm ngồi không lệch bên nào? Thôi lau nước mắt đi mà về, chị tự nhủ mình. Lối vào lòng người hẹp lắm, cho dẫu chẳng có nồi cá kho nào chắn đường.
- Anh xin em. Con mình lớn rồi, nó cần có bố.
- Thế còn...?
Chị chợt dừng lại. Cật vấn nhau về cái gì bây giờ cũng đều thấy vô duyên. Tiếng anh vẫn vẳng đến, trầm trầm:
- Anh đã ăn nó hằng ngày suốt năm năm qua... và nhận ra rằng... nó không phải là gia vị của hạnh phúc.
Chị buồn thảm lắc đầu rồi cứ thế ra về. Chị đón con gái. Nó không nói cười ríu rít như con chim non nữa mà lặng lẽ nhìn chị như một bà cụ non. Cứ mỗi bữa ăn, nó lại dọn ba bộ bát đũa ra ba góc mâm. Chị thở dài. Cái ngày chị đầu hàng con mình không còn xa mấy nữa.
Truyện 1.180 chữ của HƯƠNG THỊ