• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử: Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Thi sĩ Hàn Mặc Tử: Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

    Thi sĩ Hàn Mặc Tử: Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

    Có một thi sĩ Việt mà đến hai thành phố đặt tên ông cho những con đường, đó là Hàn Mặc Tử. Tôi đã từng đi trên hai con đường mang tên ông ở Quy Nhơn - Bình Định, nơi thi sĩ lớn lên rồi mất ở đó và ở Đồng Hới - Quảng Bình, nơi ông chôn nhau cắt rốn. Một con đường mang tên Nguyễn Trọng Trí và một mang bút hiệu Hàn Mặc Tử. Thế cũng là một an ủi với vong linh thi nhân…




    Bây giờ khi tôi ngồi viết về người thi sĩ mệnh bạc thì cũng là lúc ông xa rời cõi thế bảy chục năm tròn. Thi sĩ kiệt xuất Hàn Mặc Tử đã hoàn tất sứ mệnh thi ca của mình và đi quá sớm vào cõi thiên thu, nhưng sau lưng ông còn những huyền thoại về thơ ca và những chuyện tình đẫm nước mắt vẫn thường được kể…Thương tiếc người thi sĩ tài hoa ấy, bảy mươi năm qua không thể đong được bao nhiêu lệ đã nhỏ xuống mồ ông, nhỏ xuống thơ ông…

    Phong Trần - thi sĩ tài năng

    Năm 1931 trên Thực nghiệp Dân báo xuất hiện ba bài thơ lạ: Chùa hoang, Gái ở chùa và Thức khuya ký tắt là P.T. (Phong Trần). Sau những bài thơ là lời tác giả đề nghị: Mấy bài thơ sau này xin cảm phiền ngài ấn hành vào báo Thực nghiệp để chuyển giao cho Mộng Du thi xã ở Huế, rất đội ơn!".
    Ba bài thơ ấy sau đó đã được chính cụ Phan Bội Châu, người chủ trương Mộng Du thi xã viết bài họa nên Phong Trần từ đó bỗng nổi tiếng. Với Hàn Mặc Tử, ngay từ đầu đời đã đi tiên phong trong cách tân chữ nghĩa, và cách mệnh trong tư tưởng:

    Chùa không sư tụng cảnh buồn teo
    Xác Phật còn đây chuỗi Phật đâu? (Chùa hoang).

    Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
    Gió Thu lọt cửa cọ mài chăn.(Thức khuya).

    Khó có thể tin được rằng Hàn, khi ấy mới qua tuổi 19, cái tuổi mà thời đó người ta còn coi là thiếu niên ấy, đã viết những câu thơ tuyệt bút, gợi cảm tận cùng và hoàn toàn mang hơi thở lạ. Cái nhục cảm, và nhạy cảm cho đến khi ấy mấy ai đã dám tả, dù kín đáo vùi trong trăng với gió! Gọi Hàn Mặc Tử là thiên tài bởi từ thuở thiếu thời, thơ anh đã như Mùa xuân chín, với những câu thơ mới mẻ lạ lùng…

    Trong khi mãi một năm sau, năm 1932 thì Phan Khôi mới cho in trên Phụ nữ Tân văn bài thơ Tình già. Nhưng Phan Khôi cũng mới chỉ cách tân ở chỗ bỏ đi niêm luật gò bó của thơ cổ điển… Trong khi trước đó, Hàn đã đi rất xa vào sự cách tân tư tưởng, nhưng chàng đã như ngôi sao chưa tỏ, danh tánh chàng còn ẩn khuất đâu đó cuối trời Nam… Nhưng cũng từ đó mới thấy sự tiên phong của cụ Phan Bội Châu đã sớm nhận ra tài năng khi đánh giá các tuyệt phẩm của Tử và còn gọi Tử là "Tiên sinh".

    Bị hành hạ đến quằn quại đớn đau vì tật bệnh, Tử càng điên cuồng yêu cuộc đời này tươi đẹp. Nhưng "Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình" (L.Tolstoi). Vũ trụ gió trăng đã là đôi bạn chia sẻ những đớn đau thân phận.

    Còn điều này nữa: Trăng nhiều đến thế trong thơ Tử vì mỗi khi trăng sáng thì bệnh phong hành hạ Tử nhiều hơn(?). Và trong thơ Tử, sông núi, thiên nhiên còn đáng yêu trong một vẻ đẹp tuyệt diệu nhất. Tử đã viết những câu thơ diễm lệ:

    Để nghe tơ liễu run trong gió
    Và để xem trời giải nghĩa yêu

    Hàn Mặc Tử là một thi sĩ lớn… Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy.

    Vâng! Tài tình muôn đời vẫn là cái lụy(?). Chao ôi, trong lịch sử thơ ca Việt, có lẽ thơ Hàn là khúc bi ca lớn về thân phận con người. Tài năng xuất chúng của Hàn như một vầng sáng, nhưng nghiệt ngã thay, định mệnh của chàng đã không cho chúng ta được hiểu thêm nhiều tuyệt phẩm khác chưa được viết ra khi người vội đi vào thiên thu ở tuổi thanh niên…

    Bây giờ Tử đã đi xa tròn 70 năm. Thơ Tử ngày càng được ca tụng và như vậy là công bằng. Hẳn xưa kia Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh cũng như nhiều người khác nữa, làm sao cảm và hiểu hết được tâm sự và nỗi niềm Tử gửi trong thơ mình. Hoài Thanh dù chỉ đặt Hàn Mặc Tử gần giữa tập Thi nhân Việt Nam nhưng dẫu sao cũng cần ghi nhận con mắt xanh của nhà phê bình. Rõ ràng Hoài Thanh lấy làm băn khoăn lắm lắm khi đặt bút viết chân dung thơ Hàn. Và bởi cái bâng khuâng ấy mà phần lời bình và thơ dành cho Hàn dài nhất, với 16 trang in…

    Bình tập thơ Máu cuồng và Hồn điên, Hoài Thanh đã viết: Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử, ta không hiểu được và chắc không bao giờ hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp… Một tác phẩm như thế, ta không thể nói hay hay dở. Nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán".

    Và… Hãy xem cái việc Chế Lan Viên viết về Hàn Mặc Tử: "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này một chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử". Có lẽ Chế đã nhìn thấy lấp lánh tài năng và chất thơ lạ lùng cùng tư tưởng những bài thơ Tử viết.

    Chung cái bi kịch của thế hệ các nhà thơ thời kỳ Thơ mới, hẳn Hàn có cái đau chung của một thế hệ thanh niên dưới gầm trời nô lệ lúc ngày tàn phong kiến lạc hậu cổ hủ… Người bạn của Hàn là Chế Lan Viên cũng từng viết nên những câu thơ cuồng điên muốn gào thét, bứt phá. Bi kịch của Hàn lớn hơn, thơ Hàn điên loạn hơn khi thi nhân gánh thêm sự cùng quẫn của thân phận…

    Và như tiên lượng về cuộc đời mai sau, Hàn từng trải lòng: "Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi", và người thừa nhận là đã: "Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh". Không! Hàn đâu có lỗi gì. Ngoài những câu thơ đau đớn đến điên dại, Tử còn những thi phẩm đẹp và hiếm, về quê hương đất nước, những Mùa xuân chín, những Đây thôn Vĩ Dạ… đấy thôi!

    Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt

    Hàn Mặc Tử tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 tại ngôi làng Lệ Mỹ bên dòng Nhật Lệ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nhưng gốc gác Tử, ông nội là Phạm Bồi người Thanh Hoá, vì có liên quan đến phong trào Cần Vương chống Pháp sau khi thất bại đã trốn vào miền rừng núi Thừa Thiên.

    Đến đời thân phụ Hàn Mặc Tử, để tránh rắc rối về lý lịch, cụ Phạm Bồi đã đặt tên là Nguyễn Văn Toản. Sau khi cha mất sớm, Nguyễn Trọng Trí được mẹ đưa vào sống với người anh cả Nguyễn Trọng Nhân lúc này đương là công chức Sở Cầu đường ở Quy Nhơn, Bình Định. Năm 16 tuổi, Trí được mẹ cho ra Huế học. 18 tuổi đoạt giải nhất cuộc thi thơ do một Thi xã tổ chức lấy bút hiệu Lệ Thanh và Phong Trần…

    Năm 20 tuổi, Hàn Mặc Tử làm công chức Sở Đạc Điền Quy Nhơn dưới quyền của cha người yêu Kim Cúc là Thương tá Hoàng Phùng. 22 tuổi theo Thúc Tề vào Sài Gòn viết báo làm thơ, lấy bút danh Hàn Mặc Tử. Năm 24 tuổi thấy mình lâm bệnh, Tử lui về Quy Nhơn xuất bản tập thơ đầu Gái quê. Khi xác nhận bệnh phong, Tử gần như cô biệt với bên ngoài.
    Tử đã dốc tàn lực viết nên những thi phẩm nổi tiếng, trong đó có bài Đây thôn Vĩ Dạ để tặng người yêu là Kim Cúc. Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối vào sáng sớm một ngày cuối năm 1940 tại nhà thương Quy Hoà trong tiếng chuông nhà nguyện đưa anh về thế giới bên kia… Có lẽ khi viết Trường tương tư tặng Mai Đình, Tử đã linh cảm đến sự chia lìa: "Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt"…

    Giã từ cõi nhân gian vừa lúc 28 tuổi xuân xanh bởi sự nghiệt ngã của tật bệnh, Hàn đã ra đi trong cơn đau điên loạn không phải của thể chất mà ở tâm hồn. Ngôi sao ấy xoẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Bảy mươi năm, bây giờ đọc thơ Tử vẫn một màu đau thương nhưng bất tử ở chất lãng mạn nhân bản. Đọc thơ Tử trước hết hãy đọc đời Tử để hiểu nỗi đau của một kiếp người sớm bộc lộ tài thơ nhưng vận đời quá ngắn ngủi. Đời người trai ấy với những mối tình đẹp và buồn càng làm cho trái tim Tử đau khổ đến điên cuồng rớm máu.

    Trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX, Hàn là thi nhân trẻ nhất và cũng là người bỏ đi đầu tiên. Nhưng Hàn đã kịp để lại những áng thơ tuyệt bút, kết tinh từ tài năng và tình yêu cùng với thương đau. Nhà thơ Hồng Thanh Quang từng nói: "Khi mọi sự bất lực thì thơ xuất hiện". Có lẽ đúng như vậy. Con người ta thường khi tột cùng hạnh phúc và tận cùng thương đau thì cái tinh tuý nhất của tâm hồn còn lại là những câu thơ.

    Nói như Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Đây là một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng, vườn thơ Hàn rộng không bờ, bến, càng xa càng ớn lạnh…". Có thể nói, Hàn là một người tình lý tưởng. Tình yêu của chàng luôn là tình cảm chân thành, lại vô cùng mãnh liệt. Những bóng hồng đi qua đời Hàn đã làm say đắm những câu thơ.

    Nhờ tình yêu, Hàn đã cống hiến cho chúng ta những thi phẩm vừa lãng mạn vừa dữ dội. Năm người con gái bước vào đời Hàn đều để lại dấu ấn thi ca, dù có những đau tình hận, những hờn trách tình phụ. Đời Tử hẩm hiu không phải vì Tử mà vì cảnh huống số phận bắt Tử phải thế. Là người yêu chân thành nên có lúc Tử rơi vào tuyệt vọng:

    "Họ đã đi rồi không níu lại
    Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa
    Người đi một nửa hồn tôi mất
    Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…".

    Nhưng cũng đừng hiểu Tử thất tình mà viết như vậy, đừng bảo Tử cô đơn và tuyệt vọng bởi tình yêu không thành ấy. Không! Tử viết hay đến vậy là bởi sự tuyệt vọng trước cuộc đời. Tử muốn sống, khát sống và khát khao sáng tạo đến vô cùng…

    Bảy mươi năm tròn Tử đi vào cõi mộng, nhưng đáng mừng thay, thơ Người vẫn đương đồng hành cùng văn chương Việt, vẫn được ngâm lên, được đọc lên rõ tiếng hay âm thầm đâu đó từ những tâm hồn đồng điệu, của những người yêu mến Tử… Nơi Tử nằm, nơi mà khi bình sinh, Người đã tiên liệu:

    "Một mai kia ở bên khe nước ngọc
    Với sương sao anh nằm chết như trăng"

    ấy, nay là đồi Thi Nhân ở Ghềnh Ráng, thành điểm hẹn của những người yêu thơ Hàn. Bao nhiêu người đến Quy Nhơn đều lên đồi Thi Nhân để thắp lên mộ Hàn nén nhang tưởng nhớ.

    Bên mộ Hàn có một người trai Quy Nhơn khác ngày ngày ngồi khắc thơ Hàn lên gỗ bằng bút lửa để tặng du khách. Dzũ Kha lập dị, hay quá yêu Hàn mà ở luôn bên mộ Hàn mười mấy năm nay, ngày chép thơ Hàn tặng du khách, đêm uống rượu và đổ rượu xuống mộ Hàn… Mái tóc dài vương vấn điều chi mà mắt Kha buồn đến vậy?


    Tân Linh
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 20-08-2010, 06:49 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Phân tích bài "Đây Thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử


    Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt,
    Khép phòng đốt nến, nến rơi châu…"

    Mấy ai đã từng say trăng như Hàn Mặc Tử?

    "Trăng sõng soài trên cành liễu
    Đợi gió đông về để lả lơi…"
    ("Bẽn lẽn")

    Thi sĩ còn nói đến thuyền trăng, sông trăng, sóng trăng… Cả một trời trăng mộng ảo, huyền diệu. Thơ Hàn Mặc Tử rợn ngợp ánh trăng, thể hiện tâm hồn "say trăng" với tình yêu tha thiết cuộc đời, vừa thực vừa mơ. Ông là một trong những nhà thơ lỗi lạc nhất của phong trào Thơ mói (1932-1941). Với 28 tuổi đời (1912-1940), ông để lại cho nền thơ ca dân tộc hàng trăm bài thơ và một số kịch thơ. Thơ của ông như trào ra máu và nước mắt, có không ít hình tượng kinh dị. Cũng chưa ai viết thơ hay về mùa xuân và thiếu nữ ("Mùa xuân chín"), về Huế đẹp và thơ("Đây thôn Vĩ Giạ") như Hàn Mặc Tử.

    "Đây thôn Vĩ Giạ" rút trong tập "Thơ điên" xuất bản năm 1940, sau khi nhà thơ qua đời. và con người Vĩ Giạ.

    Câu đầu "dịu ngọt" như một lời chào mời, vừa Bài thơ nói rất hay về Huế, về cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, về con người xứ Huế, nhất là các cô gái duyên dáng, đa tình, đáng yêu – tình yêu thơ mộng say đắm, lung linh trong ánh sáng huyền ảo. Bài thơ giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khao khát về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh mừng vui hội, vừa nhẹ nhàng trách móc người thương biết bao nhớ đợi chờ. Giọng thơ êm dịu, đằm thắm và tình tứ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Có mấy xa xôi. Cảnh cũ người xưa thấp thoáng trong vần thơ đẹp mang hoài niệm. Bao kỷ niệm sống dậy trong một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế mộng mơ:

    "Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
    Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền?"

    Cảnh được nói đến là một sáng bình minh đẹp. Nhìn từ xa, say mê ngắm nhìn những ngọn cau, tàu cau ngời lên màu nắng mới, "nắng mới lên" rực rỡ. Hàng cau như đón chào người thân thương sau bao ngày xa cách. Hàng cau cao vút là hình ảnh thân thuộc thôn Vĩ Giạ từ bao đời nay. Quên sao được màu xanh cây lá nơi đây. Nhà thơ trầm trồ thốt lên khi đứng trước một màu xanh vườn tược thôn Vĩ Giạ: "vườn ai mướt quá xanh như ngọc". Sương đêm ướt đẫm cây cỏ hoa lá. Màu xanh mỡ màng, non tơ ngời lên, bóng lên dưới ánh mai hồng, trông "mượt quá" một màu xanh như ngọc bích. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà, con người cần cù chăm bón mới có "màu xanh như ngọc" ấy. Thiên nhiên rạo rực, trẻ trung và đầy sức sống. Cũng nói về màu xanh ngọc bích, trước đó (1938) Xuân Diệu đã từng viết: "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá…" ("Thơ duyên). Hai chữ "vườn ai" đã gợi ra nhiều ngạc nhiên và man mác. Câu thứ tư tả thiếu nữ với khóm trúc vườn đầy đặn, phúc hậu. "Lá trúc che ngang" là một nét vẽ thần tình đã tô đậm nét đẹp của cô gái Huế duyên dáng, dịu dàng, kín đáo, tình tứ đáng yêu. Hàn Mặc Tử hơn một lần nói về trúc và thiếu nữ. Khóm trúc như toả bóng xanh mát che chở cho một mối tình đẹp đang nảy nở:

    "Thầm thì với ai ngồì dưới trúc
    Nghe ra ý nhị và thơ ngây"
    ("Mùa xuân chín")

    Câu 3, 4 trong khổ thơ đầu tả cau, tả nắng, tả vườn, tả trúc và thiếu nữ với một gam màu nhẹ thoáng, ẩn hiện, mơ hồ. Đặc sắc nhất là hai hình ảnh so sánh và ẩn dụ. (xanh như ngọc… mặt chữ điền) Cảnh và người nơi Vĩ Giạ thật hồn hậu, thân thuộc đáng yêu.

    Vĩ Giạ - một làng quê nằm bên bờ Hương Giang, thuộc ngoại ô cố đô Huế. Vĩ Giạ đẹp với những con đò thơ mộng, những mảnh vườn xanh tươi bốn mùa, sum sê hoa trái. Những ngôi nhà xinh xắn thấp thoáng ẩn hiện sau hàng cau, khóm trúc, mà ở đây thường dìu dặt câu Nam ai, Nam bình qua tiếng đàn tranh, đàn thập lục huyền diệu, réo rắt. Thôn Vĩ Giạ đẹp nênthơ. Hàn Mặc Tử đã dành cho Vĩ Giạ vần thơ đẹp nhất với tất cả lòng tha thiết mến thương.

    Khổ thơ thứ hai nói về cảnh trời mây, sông nước. Một không gian nghệ thuật thoáng đãng, mơ hồ, xa xăm. Hai câu 5, 6 là bức tranh tả gió, mây, dòng sông và hoa (hoa bắp). Giọng thơ nhẹ nhàng, thoáng buồn. Nghệ thuật đối tạo nên bốn phiên cảnh hài hoà, cân xứng và sống động. Gió mây đôi ngả như mối tình nhà thơ, tưởng gần đấy mà xa vời, cách trở. Dòng Hương Giang êm trôi lờ lững, trong tâm tưởng thi nhân trở nên "buồn thiu", nhiều bâng khuâng, man mác. Hoa bắp lay nhè nhẹ đung đưa trong gió thoảng. Nhịp điệu khoan thai thơ mộng của miền sông Hương, núi Ngự được diễn tả rất tinh tế. Các điệp ngữ luyến láy gợi nên nhiều vương vấn mộng mơ:

    "Gió theo lối gió, mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay".

    Hai câu tiếp theo nhà thơ hỏi "ai" hay hỏi mình khi nhìn thấy hay nhớ tới con đò mộng nằm bến sông trăng. Sông Hương quê em trở thành sông trăng. Hàn Mặc Tử với tình yêu Vĩ Giạ mà sáng tạo nên vần thơ đẹp nói về dòng sông Hương với những con đò dưới vầng trăng. Nguyễn Công Trứ đã từng viết: "Gió trăng chứa một thuyền đầy". Hàn Mặc Tử cũng góp cho nền thơ Việt Nam hiện đại một vần thơ trăng độc đáo:

    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay?"


    ( hình trên net )

    Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay "thuyền ai" vừa thân quen, vừa xa lạ. Chất thơ mộng ảo "Đây thôn Vĩ Giạ" là ở những thi liệu ấy. Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang
    rung động trước vẻ đẹp hữu tình của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn.

    Khổ thơ thứ ba nói về cô gái xứ Huế và tâm tình thi nhân. Đương thời nhà thơ Nguyễn Bính đã viết về thiếu nữ sông Hương: "Những nàng thiếu nữ sông Hương – Da thơm là phấn, má hường là son"…Vĩ Giạ mưa nhiều, những buổi sớm mai và chiều tà phủ mờ sương khói. "Sương khói" trong Đường thi thường gắn liền với tình cố hương. Ở đây sông khói làm nhoà đi, mờ đi áo trắng em, nên anh nhìn mãi vẫn không ra hình dáng em (nhân ảnh). Người thiếu nữ Huế thoáng hiện, trắng trong, kín đáo và duyên dáng. Gần mà xa. Thực mà mơ. Câu thơ chập chờn, bâng khuâng. Ta đã biết Hàn Mặc Tử từng có một mối tình với một thiếu nữ Huế mang tên một loài hoa đẹp. Phải chăng nhà thơ muốn nói về mối tình này?

    "Mơ khách đường xa, khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà".

    "Mơ khách đường xa, khách đường xa… ai biết… ai có…" các điệp ngữ luyến láy ấy tạo nên nhạc điệu sâu lắng, dịu buồn, mênh mang. Người đọc thêm cảm thương cho nhà thơ tài hoa, đa tình mà bạc mệnh, từng say đắm với bao mối tình nhưng suốt cuộc đời phải sống trong cô đơn bệnh tật.

    Cũng cần nói đôi lời về chữ "ai" trong bài thơ này. Cả 4 lần chữ "ai" xuất hiện đều mơ hồ ám ảnh: "vườn ai mướt quá xanh như ngọc?" – "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?" – "Ai biết tình ai có đậm đà?". Con người mà nhà thơ nói đến là con người xa vắng, trong hoài niệm bâng khuâng. Nhà thơ luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chơi với trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhoà và mờ đi cùng sương khói?

    Hàn Mặc Tử đã để lại cho ta một bài thơ tình thật hay. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng, ngạc nhiên và thẫn thờ… bao hình ảnh và cảm xúc đẹp hội tụ trong ba khổ thơ thất ngôn, câu chữ toàn bích. "Đây thôn Vĩ Giạ" là một bài thơ tình tuyệt tác. Cái màu xanh như ngọc của vườn ai, con thuyền ai trên sông trăng, và cái màu trắng của áo em như đang dẫn hồn ta đi về miền sương khói của Vĩ Giạ thôn một thời xa vắng:

    "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?"

    Link
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 20-08-2010, 06:25 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3

      CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG

      .






      Chơi giữa mùa trăng


      Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán… Phải không hở chàng Ngâu và ả Chức?

      Sông? Là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ lá động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh. Chị tôi và tôi đồng cầm một mái chèo con, nhẹ nhàng lùa những dòng vàng trôi trên mặt nước.

      Chị tôi cười nả nớt, tiếng cười trong như thuỷ tinh và thanh khiết lạ thường. Luôn luôn cứ hỏi tôi và đố tôi cho kỳ được: “Này chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời, và chúng mình đi thuyền trên trời hay dưới nước?” Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước và cũng cười đáp lại: “Cả và hai chị ạ”. Sướng quá, chao ôi, hai chị em lại thỉnh thoảng rú lên cười làm náo động luồng tinh khí của hạo nhiên.

      Vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu, chưa đủ, Ngưu Lang và Chức Nữ, chúa của đêm trung thu còn sai gió thu mang lại gần chúng tôi một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến; trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa… Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hòa lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn giang!”

      Đi trong thuyền chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền…

      Trên kia, phải rồi, trên kia, in hình có một vì tiên nữ đang kêu thuyền để quá giang.

      Thình lình vùng trời mộng của chúng tôi bớt vẻ sán lạn. Chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn chùa Mo (*) và bảo tôi rằng: “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí”. Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn?” Hai chị em liền dấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân dẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa. Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạch nước ngọc tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch-hoa-xà như tạc…

      (*) Một làng ở hải khẩu tỉnh Quảng Ngãi

      Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và hàm răng? Chị tôi làm thinh – mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng. Động là một thứ hòn non bằng cát, trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết trinh – một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát…

      Hai chị em đồng dang tay níu áo gượng vào nhau dấn bước lên cao… Thỉnh thoảng mỏi hai đầu gối quá, cả chị liền em đồng ngã lăn ra. Lại một dịp cho tiếng cười của chị tôi được nở ra, dòn tan trong không khí. Lên tới đỉnh là hao mòn đi một tí. Nhưng mà ngợp quá, sáng quá, hứng trí làm sao? Đây có phải là nước Nhược non Bồng, động phủ thần tiên ngàn xưa còn sót lại? Nhìn xuống cát cố tìm dấu tích gì lưu lại một vết chân của Đào Nguyên Tiên nữ, nhưng tấm cát phẳng lờ như lụa căng, trinh bạch làm sao:

      Bất tri thử địa quy hà xứ
      Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân?

      Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói… Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập trong lụt trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác.

      Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu…

      Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bức tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.

      Tôi nắm tay chị tôi giật lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?” Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa!”

      Ngó lại chị tôi và tôi, thì quả nhiên là trăng thiệt. Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang, cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi, tôi ngắm mãi chị tôi, và tự vui sướng trong lòng vô hạn. Có lúc tôi đã kiêu ngạo thay cho cái sắc đẹp nhu mì ấy, mà chỉ dưới trời thu đêm nay tôi mới biết thưởng thức. Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi, và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt… Tôi bỗng rú lên một cách điên cuồng, và chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng. Chị tôi đằng xa chạy lại bảo tôi:" Em la to quá, chị sợ âm thanh rung động đến khí giới, rồi những ánh trăng sẽ tan ra bọt mất… "

      - " Không không, chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi… "


      Bút ký Hàn Mặc Tử


      .
      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 20-08-2010, 06:43 PM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        .





        .
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        Working...
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom