• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Vu Lan Mùa Báo Hiếu

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Vu Lan Mùa Báo Hiếu

    Vu Lan Mùa Báo Hiếu
    TRƯƠNG SĨ TRIỀN

    Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Người Việt Nam theo nhiều tôn giáo khác nhau, và đối với tôn giáo nào cũng kính trọng và tin tưởng.

    Sau hằng ngàn năm Bắc Thuộc và tiếp xúc với người Âu Châu, hiện nay Việt Nam có nhiều tôn giáo lớn như: Nho Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, v.v.. Ngoài các tôn giáo kể trên, dân chúng Việt Nam còn thờ cúng Tổ Tiên, thờ phụng các vị Anh Hùng Dân Tộc, các vị Tổ Sư các nghề. Sự thờ cúng có thể ở khắp nước như đối với Quốc Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lê Thái Tổ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn v.v.. Đối với dân tộc Việt Nam thì đạo nào cũng dạy người ta làm điều lành, tránh điều dữ, không đi ngược lại căn bản đạo đức của con người, nên đều được tôn kính như nhau và ai muốn theo đạo nào cũng được tự do tin theo.

    Đạo Phật là một tôn giáo có ảnh hưởng quần chúng sâu rộng tại Việt Nam, do Đức Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ sáng lập và sau Ngài được tôn làm Phật Tổ Như Lai. Đạo Phật truyền sang Việt Nam qua hai ngả từ Trung Hoa trong thời Bắc Thuộc, gọi là Bắc Tông hay phái Đại Thừa; từ Thái Lan, Ai Lao, Campuchia sang, gọi là Nam Tông hay phái Nguyên Thủy.

    Theo Đạo Phật quan niệm sự đau khổ của người đời là do 4 tai ách: Sanh, Lão, Bệnh, Tử mà ra. Tu theo Đạo Phật để thoát khỏi vòng Luân Hồi và mọi sự Khổ Não. Đạo Phật có 5 điều cấm (Ngũ Giới) là: Không sát sanh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không dùng rượu và chất say. Chùa thờ Phật thì có Sư Tăng hoặc Sư Ni ở để tụng kinh, hoặc tổ chức các khóa lễ cho Phật Tử, tức là những tín đồ của Đạo Phật.

    Phái Nguyên Thủy chỉ thờ một tượng Phật Thích Ca, Tăng Ni đều mặc áo vàng đi khất thực.

    Phái Đại Thừa, ngoài Đức Phật Thích Ca, còn thờ thêm Chư Phật và Chư Bồ Tát, Tăng Ni của phái nầy mặc áo nâu hoặc xám, tự làm lấy mà sống.
    Ngoài ngày Rằm và ngày Mồng Một, Đạo Phật còn có các lễ trọng đại: Phật Đản, Lễ Đức Phật xuất gia, Lễ Đức Phật thành đạo, Lễ Vu Lan Bồn, v.v..

    Các lễ trong năm của Việt Nam thì nhiều như: Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Nguyên, Tết Trung Thu, v.v..

    Tết Trung Nguyên nhằm ngày Rằm tháng Bảy âm lịch và còn có tên là Lễ Vu Lan, một lễ lớn của những người theo Đạo Phật. Theo tín ngưỡng, người Việt Nam coi Rằm tháng Bảy là ngày Xá Tội Vong Nhân, nghĩa là bao nhiêu người có tội ở dưới âm phủ. Vào ngày đó, đều được tha tội. Bởi thế, nhiều nhà đã làm cỗ cúng lễ ông bà, cha mẹ đã mất và lên chùa lễ Phật để cầu nguyện siêu thoát cho người thân ở suối vàng.

    Cây có cội, nước có nguồn, con người có Tổ Tông. Trồng cây nhớ cội, uống nước nhớ nguồn là vậy. Nhìn lại mình là tưởng nhớ đến Tổ Tông. Đó là đạo lý làm người muôn thuở. Đạo lý đó đã trở thành một trong những truyền thống cao quý của dân tộc ta. Chúng ta thấy công cha nghĩa mẹ to lớn dường nào! Khi mang nặng, mẹ phải vì con mà giữ gìn, khi đẻ đau, mẹ phải chịu cảnh xé ruột nát gan. Khi bú mớm, nuôi con, mẹ không màng cực nhọc, dơ bẩn “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Phần cha thì suốt đời phải đổ mồ hôi nước mắt vì bát cơm manh áo để nuôi con khôn lớn, cực nhọc khi con ốm đau.

    Trái lại, khi con khỏe mạnh cha mẹ vui cười hớn hở. Ơn dưỡng dục chín chữ cù lao thật là đáng quý vậy. Cha mẹ cốt nuôi con để trở nên người hiếu để, theo đạo làm người, tức đạo làm con. Do đó, làm con phải báo đáp ơn sâu nghĩa nặng của mẹ cha. Cho nên tục ngữ có câu:

    Công cha như núi Thái Sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
    Một lòng thờ mẹ kính cha
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

    Nhìn chung, xã hội Âu Mỹ thường đặt nặng lý trí hơn tình cảm vì cuộc sống xô bồ, coi tiền tài nặng hơn nhân nghĩa, lấy cá nhân làm phương châm cho cuộc sống mình, cho nên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng không được nồng đậm thắm thiết. Cha mẹ lo cho con chỉ vì trách nhiệm xã hội ràng buộc, chớ không phải hoàn toàn phát xuất từ tình cảm thiêng liêng, ít nhiều mang tính chất sòng phẳng của mọi quan hệ giao dịch thương mại. Nói rõ hơn là con cái có cuộc sống của con cái, cha mẹ có cuộc sống riêng tư.

    Khi con cái đến tuổi trưởng thành thì đường ai nấy đi, cha mẹ chẳng cần chăm sóc nữa. Cho nên có những cụ già sống cô đơn trong các viện dưỡng lão mà con cái thì vui chơi đó đây, không mấy quan tâm đến.

    Theo đạo lý truyền thống của dân tộc ta, sống như thế nào là sống phi nhân bất nghĩa, vô tình bạc nghĩa. Văn minh của tư bản và chế độ phi nhân bất biến của CS đều đã và đang ra sức tàn phá hủy hoại nền đạo lý của dân tộc Việt Nam trên căn bản hiếu nghĩa từ muôn thuở.

    Đạo Phật mang đến cho dân tộc ta một tấm gương sáng đầy xúc động: Ngài Mục Kiền Liên dấn thân vào hỏa ngục để tìm mẹ, bà Thanh Đề. Thấy mẹ đang bị khổ hình đày đọa, Ngài dâng lên mẹ bát cơm, nhưng rồi cơm hóa thành than, lòng Ngài đau đớn vô cùng. Ngài liền trở về bạch Phật, cầu xin Phật chỉ bày phương pháp cứu mẹ. Phật dạy Ngài phương pháp trai tăng cúng dường lên Mười Phương Chư Phật trong ngày Tự Tứ, tức Rằm tháng Bảy âm lịch, để nương nhờ vào thần lực chú nguyện của Chư Tăng mà mẹ Ngài chuyển được nghiệp lực sâu dày, thoát lìa cảnh khổ. Đây chính là “Dùng pháp Phật siêu sanh tịnh độ, phóng hào quang cứu khổ độ tu”.

    Tấm gương hiếu hạnh ấy đã đi sâu vào tâm tưởng của mọi người con Phật, đã gây xúc động đến rơi lệ cho rất nhiều tấm lòng hiếu hạnh ở khắp nơi, từ hơn hai mươi lăm thế kỷ nay. Chính tấm gương ấy đã khai sanh ra một trong những ngày Tết lớn của dân tộc Á Đông, Tết Trung Nguyên, với Lễ Vu Lan Báo Hiếu Mẹ Cha vào ngày Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân. Chính vì vậy mà Mục Kiền Liên trở thành một biểu tượng của lòng hiếu hạnh cho muôn đời.

    Vu Lan Bồn là một phương pháp quý nhất. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy hiểu nghĩa. “Vu Lan Bồn” là thế nào? Vu Lan Bồn là phiên âm theo tiếng Phạn. Người Trung Hoa dịch là “giải đảo huyền”, nghĩa đen là cởi trói người bị treo ngược; nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như đang bị treo ngược.

    Nguyên nhân là Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên, sau khi tu hành chứng được sáu phép thần thông, ngậm ngùi nhớ đến công ơn của mẹ. Ngài tìm cách báo đáp, dùng đạo nhãn xem trong thế gian, Ngài nhận thấy mẹ mình sanh làm loài ngạ quỷ, thân thể ốm gầy, da bọc xương, thân hình tiều tụy, bụng lớn đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, đói khát suốt năm, không được ăn uống. Thương xót quá, Ngài liền đem bát cơm đang ăn để dâng mẹ, Ngài vận thần thông bưng bát cơm đem đến chỗ mẹ ở. Bà mẹ vì quá khao khát, nên khi được cơm, lòng tham nổi lên, sợ người cướp giựt, lấy tay trái che dấu bát cơm, tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên cơm mới vừa đưa vào miệng, thì hóa thành lửa, bà chẳng ăn được.

    Ngài Mục Kiền Liên thấy thế, hết sức đau buồn, kêu khóc thảm thiết, Ngài liền trở về bạch Phật, thuật lại như trên và cầu Phật chỉ dạy phương pháp cứu độ thân mẫu. Sau đó, Phật dạy pháp Vu Lan Bồn cho Ngài Mục Kiền Liên. Phật dạy rằng:

    “Này Mục Kiền Liên, mẹ của ông do lòng tham lam độc ác, đã tạo ra tội lỗi nặng nề trải qua nhiều kiếp, nay sanh trong ác đạo, làm loài ngạ quỷ, nên không thể một mình ông cứu độ được. Mặc dù lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao, cũng không ai chuyển được hoàn cảnh chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chuyển được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng tăng trong mười phương, đức lớn như biển, mới cứu mẹ ông được giải thoát. Ta nay sẽ vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu rỗi, để mẹ ông xa lìa được các điều tội lỗi.

    Này Mục Kiền Liên, ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của Chư Tăng trong mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ, sách tấn tu hành. Ngày ấy cũng là ngày hoan hỷ của Chư Phật, vì thấy Chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ đã tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Vậy ông nên nhân ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ ông.

    Ông hãy sắm sửa các món trai diên trăm mùi, năm thứ trái, cùng hương dầu, đèn nến, chiếu chăn, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay. Tóm lại là đủ 4 món cúng dường quý báu trong đời. Rồi ông phải thân hành đi rước các vị Đại Đức, Tăng trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng, chứng được bốn quả Thánh, hoặc có vị kinh hành dưới gốc cây được 6 phép thần thông tự tại như hàng Thinh Văn, Duyên Giác, các vị Thánh Tăng, hoặc các vị Thập Địa Bồ Tát thị hiện làm tỳ kheo v.v.. Ông phải thành tâm kính lễ trai tăng cúng dường và thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện cho vong linh mẹ ông được thoát khổ. Nhờ công đức chí thành chú nguyện vong linh mẹ ông sẽ được siêu thoát. Cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, song có nhiều người khiêng, thì dời đi đâu cũng được”.

    Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày Rằm tháng Bảy làm Lễ Vu Lan, sắm đủ các vật liệu rước Chư Tăng trong mười phương, thành tâm kính lễ trai tăng cúng dường, nên vong mẫu của Ngài được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, sanh về cảnh giới lành. Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng.

    Từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, các hàng Phật Tử chí hiếu đều có làm lễ. Nhưng sự báo hiếu không những chỉ nhằm vào một Lễ Vu Lan, không phải mỗi năm chỉ tổ chức một lần Vu Lan là đã tự cho mình là người con chí hiếu và đã làm đầy đủ hiếu đạo.

    Như trên đã nói, công ơn cha mẹ rộng như trời biển, làm con, suốt đời báo ơn cha mẹ vẫn chưa đủ. Nhưng trong lúc báo hiếu phải có một quan niệm sáng suốt, đúng đắn mới thật có lợi ích và hiệu quả.

    Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện vật chất và tinh thần.

    Về vật chất thì hầu hạ, vâng lời, thay làm các việc nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi,không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ. Song người Phật Tử phải sáng suốt trong khi báo hiếu, không nên quá chìu theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ, như sát sanh hại vật, gây tội lỗi, để làm cho cha mẹ được sung sướng trong vật chất. Làm như thế, không phải là báo hiếu, vì đã gây tạo tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho mình nữa.

    Vả lại, báo hiếu về vật chất, dù đầy đủ cho mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ làm cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong một kiếp hiện tại mà thôi. Cái vật chất là vui giả tạm, vui trong vòng sanh tử luân hồi. Vậy sự báo hiếu về vật chất chưa phải là đầy đủ.

    Về tinh thần thì người Phật Tử phải tiến lên một tầng nữa là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi đến chỗ giải thoát. Phật Tử phải khuyên cha mẹ tin nhân quả, tội phước và quy y Tam Bảo, bố thí, phóng sanh, niệm Phật, làm các việc lành, giữ giới và tu nhân giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại, cha mẹ được yên vui, thanh tịnh, mà đời sau cũng được nhiều phước báu, và sanh trong cảnh giới sáng sủa, nhẹ nhàng.

    Xem trên, Lễ Vu Lan đã đem lại kết quả tốt đẹp, cho nên chúng ta nên noi theo gương của Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên mà báo hiếu thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được thoát khổ ngạ quỷ mà hưởng vui giải thoát. Pháp Vu Lan này chính là phương pháp thần diệu cứu rỗi vong linh cha mẹ trong cảnh khổ tối tăm.

    Người con chí hiếu bao giờ cũng vui sướng khi thấy cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ được thảnh thơi về cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

    Ngày xưa, Thầy Tử Lộ ở bên Trung Quốc, lúc hàn vi hằng ngày đội gạo lấy tiền về nuôi cha mẹ. Nhưng đến khi cha mẹ khuất núi thì thốt lên rằng:

    “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Con muốn nuôi dưỡng báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn sống”.

    Qua câu chuyện kể trên của Ngài Mục Kiền Liên thì Đạo Phật quả là cao siêu, huyền diệu được tôn vinh là “hình nhi thượng” trong muôn thuở của cuộc sống. Và Lễ Vu Lan là dịp tốt trong năm để Phật Tử đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ. Nhờ đó mà lòng thành kính của người con hiếu hạnh được ghi khắc mãi mãi qua Lễ Vu Lan vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm. Hơn nữa tục ngữ lại có câu:

    Con người có cố, có ông,
    Như cây có cội, như sông có nguồn

    hay là:

    Trong nhà hiếu thảo mẹ cha
    Kính nhường người lớn, khi ra bên ngoài

    Do đó, nhân Mùa Vu Lan, chúng ta là Phật Tử phải noi gương Ngài Mục Kiền Liên, đã cứu thoát mẹ là bà Thanh Đề khỏi ngục tù khổ hình, thì nên kính cẩn dâng lễ cầu nguyện cho vong linh các bậc sinh thành quá cố, tổ tiên được siêu thoát miền Cực Lạc và phải báo hiếu cha mẹ đang còn sinh tiền.
    Sống trên đời

    Similar Threads
  • #2

    Nguồn gốc lễ Vu lan - ngày báo hiếu

    Nguồn gốc lễ Vu lan - ngày báo hiếu

    Rằm Tháng 7- ngày lễ của người Việt được giới tăng ni Phật tử gọi là ngày Đại Lễ Vu Lan, dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, các nhà bày mâm cỗ cúng chúng sinh....




    Vu lan là dịp để tưởng nhớ và báo hiếu đến cha mẹ


    1. Theo sự tích xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
    Sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát".

    Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.

    Và thế là mỗi năm khi ngày này đến gần, những người phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên, lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh. (VNN).

    2. Theo Phật Quang Đại từ điển, mục từ: Vu Lan Bồn. Phạn: Ullalambana. Cũng gọi: Ô lam bà noa. Chữ Hán dịch là Đảo huyền. Cũng gọi là Vu lan bồn hội, Bồn hội. Chỉ cho nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm căn cứ theo lời Phật dạy trong kinh Vu lan bồn tạo các khu vực theo Phật giáo thuộc hệ thống Hán ngữ.

    Vu lan bồn là dịch âm từ chữ Phạn Avalambana (Đảo huyền = treo ngược), ví như nỗi khổ của người chết giống như cái khổ của người bị treo ngược, cực kỳ đau đớn. (...)

    Theo Kinh Vu Lan bồn, đệ tử Phật là ngài Mục Liên dùng thiên nhãn trông thấy thân mẫu bị đọa vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não liên tục, thấy rồi, ngài Mục liên dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ, nhưng do chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. Để cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ này, ngài Mục liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu, Phật liền dạy ngài Mục liên vào ngày rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (kết thúc hạ an cư) , dùng thức ăn uông đựng trong bồn Vu Lan cúng dường Tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ 7 đời. ..

    Còn theo Kinh Đại bồn tịnh độ thì vua Bình sa, cư sĩ Tu đạt, phu nhân Mạt lợi ...y theo phương pháp của ngài Mục liên là 500 bồn vàng đựng thức ăn dâng cúng đức Phật và chúng tăng để cầu diệt trừ tội nghiệp của cha mẹ 7 đời.

    Tại Trung Quốc, theo truyền thuyết, vua Vũ đế nhà Lương là người đầu tiên cử hành hội Vu Lan bồn. (Trích: Phật Quang Đại từ điển, tập 6 do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 7241- 7242).

    3. Theo Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam, mục từ Vu Lan (lễ)(Phật giáo).

    Vu Lan (bồn) là cái chậu đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng. Lễ Vu Lan cử hành vào rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, là lễ dâng các phẩm vật cúng chư tăng đựng trong chiếc Vu Lan cầu xin cho vong hồn người thân thoát khỏi nơi địa ngục. Rằm tháng 7 âm lịch gọi là ngàu vong nhân xá tooijm nghĩa là dưới âm phủ, ngày hôm ấy các vong hồn được tha tội. Bởi vậy đốt vàng mã cúng gia tiên.

    (Trích Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam. Hữu Ngọc chủ biên. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, trang 750).



    Đọc thêm: Gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên



    Nguồn gốc lễ Vu lan

    Hôm nay là ngày Lễ Vu Lan, 15 tháng bảy âm lịch theo Phật giáo Việt Nam, trích bài "Gương hiếu hạnh Đức Mục Kiền Liên" của Hòa thượng Thích Thanh Từ để mọi người cùng đọc :

    Ngày lễ này có ý nghĩa rất lớn vì đây là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình trong địa ngục. Tại sao Ngài Mục Kiền Liên là vị đệ tử của Phật, cũng như bao nhiêu vị A la hán khác nhưng chúng ta lại đặt quan trọng? Bởi vì người Việt Nam lâu nay nặng về chữ Hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam.

    Cho nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả Phật tử đều ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng ngời, chúng ta phải hằng nhớ hằng biết, chớ không thể lơ là được. Người Việt Nam mình tôn trọng chữ Hiếu làm đầu, điều này có sai lệch không? Chắc là không. Bởi vì ai cũng thấy rõ, chúng ta nhờ thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mà mình có hình hài, có thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống, chớ không phải chuyện ở bên ngoài. Cho nên mọi hay dở tốt xấu của chúng ta là niềm vui buồn hay đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ quên ơn cha mẹ, bởi vì thâm ân đó không thể nào chối cãi, không thể nào từ bỏ được.

    Người nào thấy cha mẹ già có vẻ lẩm cẩm một chút mà xem thường cha mẹ là có lỗi lớn. Dù cha mẹ lẩm cẩm bao nhiêu đi nữa, nhưng chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần của thân thể cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân thì điều đó thật vô nghĩa, không xứng đáng là một con người. Do đó lòng hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý. Trên thế gian này không có ân nào quý trọng và cao cả bằng ân cha mẹ. Nếu ân cao cả như vậy mà chúng ta quên đi thì những ân thường trong xã hội, ân của bạn bè giúp đỡ, chúng ta làm gì biết ơn và đền ơn.


    Như vậy muốn thành người tốt, có đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Người Phật tử không phải tu theo Phật để chỉ cầu giải thoát sanh tử thôi, mà còn tu trong bổn phận làm người, trong đó cha mẹ là trên hết. Đối với cha mẹ mà quên thì cầu thành Phật, cầu giải thoát, e rằng chưa được. Vì sao? Vì ngài Mục Kiền Liên đã chứng A la hán rồi mà còn chưa quên công ơn của mẹ, huống nữa chúng ta là phàm Tăng phàm Ni, lại không nhớ không kể gì đến ân cha mẹ, đó là một điều thiếu sót không thể chấp nhận được.

    Vì vậy ngày Lễ Vu lan vừa là lễ Phật, lễ Bồ tát, lễ A la hán tức ngài Mục Kiền Liên, mà cũng là một ngày gợi nhắc lại cho chúng ta tinh thần cao đẹp của tổ tiên mình. Chúng ta phải nhớ ngày Lễ Vu lan có ý nghĩa trọng đại như thế, chớ không phải tới ngày này chỉ cầu nguyện cho ông bà siêu sanh Tịnh độ thôi, mà chúng ta luôn nghĩ tới bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng tu hành, cố gắng đền trả công ơn lớn lao của cha mẹ. Như vậy mới xứng đáng là người con Phật, cũng xứng đáng là người Phật tử Việt Nam.

    Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngài Mục Kiền Liên đã tu chứng lục thông, có thể đến được chỗ của mẹ ở trong cõi ngạ quỷ đói khát, mà không dùng thần thông cõng mẹ chạy lên cõi Trời cho sung sướng? Tại sao thấy cảnh mẹ khổ rồi khóc trở về, không làm gì được? Đó là một vấn đề cần phải hiểu rõ. Trong nhà Phật có câu “Thần thông bất năng địch nghiệp”, nghĩa là thần thông không thể diệt được định nghiệp. Nghiệp đã nhất định rồi, dù có thần thông cũng không đổi dời được.

    Như trường hợp Đức Phật khi đã đắc quả rồi, dòng họ Thích bị vua Lưu Ly cử binh sang đánh. Đức Phật nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được, cuối cùng Phật cũng đành chịu để vua Lưu Ly chém giết dòng họ Thích Ca. Như vậy để thấy khi định nghiệp có rồi thì khó cải đổi được. Đức Phật không cứu được dòng họ cũng như ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ, dù là có thần thông. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ thần thông không chuyển được định nghiệp của người khác.

    Trong nhà thiền thì xem thường thần thông lắm. Như tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa, ngài lên núi Thiên Thai vào mùa mưa, khi xuống núi gặp một vị Tăng, cả hai kết bạn cùng đi. Đi một đỗi gặp dòng suối lớn, nước chảy mạnh, đằng xa có một con thuyền. Vị Tăng cùng đi bảo “huynh đi qua đi”, ngài Hoàng Bá nói “huynh qua được thì cứ qua trước”. Vị Tăng nọ liền vén áo, đi thật nhanh trên mặt nước qua bờ bên kia. Ngài Hoàng Bá dùng thuyền qua sau. Đến bờ bên kia, người bạn đồng hành cười ra vẻ xem thường ngài không có thần thông.

    Ngài hỏi: - Huynh tập bao lâu mới được thần thông?

    Đáp: - Ba mươi năm.

    Ngài Hoàng Bá nói: - Công của huynh tập ba mươi năm, giá đáng hai xu thôi.

    Vì bỏ ra ba mươi năm để có thần thông đi qua dòng suối, trong khi thiền sư chỉ cần tốn hai xu qua đò là xong. Nên ngài nói công tập ba mươi năm chỉ đáng giá hai xu! Như vậy để chúng ta hiểu đạo Phật trọng tu hành chuyển nghiệp hơn là thần thông. Bởi vì nghiệp mình tạo sẽ chuốc quả khổ, người khác có thần thông không cứu được. Muốn hết nghiệp phải chuyển từ lúc ban đầu, chớ không phải luyện tập thần thông mà được.

    Nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên là nghiệp gì? Bỏn xẻn là một phần nhỏ, lớn hơn là lòng hiểm ác. Từ nghiệp hiểm ác bỏn xẻn mà đọa vào kiếp ngạ quỷ, làm quỷ đói. Đã đọa rồi thì phải chịu quả, dù con mình có thần thông cũng không cứu được. Cho nên biết thần thông không chuyển được nghiệp, chỉ tu mới chuyển được thôi. Đó là giải đáp thắc mắc về vấn đề thần thông.

    Còn một vấn đề nữa, sau khi ngài Mục Kiền Liên về, trình lên Phật nỗi đau khổ vì thấy mẹ đói, Ngài đem cơm cho mẹ ăn mà bà ăn không được. Ngài muốn cứu mẹ, không làm sao cứu được. Phật mới dạy Tôn giả thỉnh chư Tăng cầu nguyện cho mẹ Ngài chuyển kiếp ngạ quỷ. Sau khi tổ chức Lễ Vu lan rồi, chư Tăng thọ trai xong, đồng thời nguyện cầu cho bà chuyển được tâm niệm ác độc trở thành tâm niệm lương thiện. Nương nơi sức cầu nguyện của chư Thánh tăng, bà chuyển được tâm xấu ác thành tâm thiện lành, liền sanh lên cõi Trời. Nhân đó, người ta đặt câu hỏi đạo Phật nói nhân quả, tạo nhân nào thì chịu quả nấy, tại sao cầu nguyện liền mất hết quả cũ. Như vậy lý nhân quả nằm ở chỗ nào? Đó là một vấn đề.

    Quý Phật tử nên biết không phải chư Tăng tụng kinh cầu nguyện, liền đó bà Thanh Đề được sanh về cõi Trời. Hương linh của người chết đọa vào kiếp ngạ quỷ, họ sống, họ ăn bằng cái tưởng. Chúng ta cúng cô hồn gồm muối, gạo, cơm cháo…, cúng rồi còn hay hết, cúng rồi còn nguyên. Như vậy rõ ràng do tâm tưởng, họ ăn được no. Họ ăn bằng cái tưởng nên họ sống bằng tâm tưởng nhiều hơn sống bằng cái thực. Vì thể xác của họ không nặng nề như mình, mà nhẹ nhàng như bóng như gió vậy. Do sống bằng tâm tưởng nên khi chuyển tâm tưởng lại thì liền đó thoát khổ. Khi chư Tăng nguyện lành cho bà, bà thức tỉnh chuyển tâm hiểm ác keo kiệt trở thành tâm lương thiện, liền sanh cõi Trời. Như vậy không phải chư Tăng có khả năng đưa bà lên cõi Trời, mà do bà chuyển được tâm niệm nên sanh về cõi Trời.

    Lúc trước bà chết, tâm hiểm ác keo kiệt dẫn bà đi vào cõi Ngạ quỷ. Thế thì quý Phật tử nhất là những vị lớn tuổi cần phải đề phòng. Chúng ta khi ra đi sẽ theo tâm tưởng mà thác sanh. Tưởng lành tưởng ác sẽ dẫn mình đi vào đường lành đường ác. Do đó nhà chùa hay tổ chức lễ cầu nguyện cho người sắp lâm chung, chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ Phật tử tới hộ niệm để làm gì? Bởi vì khi chúng ta sắp xả thân, thể xác này đau đớn khổ sở vô kể, vì lo đau đớn nên quên niệm lành. Bây giờ muốn được niệm lành phải có sự trợ lực của chư Tăng chư Ni hoặc huynh đệ, cùng đọc lên những lời dạy của Phật tức là đọc kinh, để mình nhớ lại Phật mà quên những niệm xấu. Nhờ nhớ Phật, quên niệm xấu nên nhắm mắt mình đi đường lành. Đó là ý nghĩa quan trọng của người trợ niệm.

    Chúng ta khi còn khỏe mạnh tỉnh táo nghĩ tới điều lành, nghĩ tới lời Phật dạy không khó. Nhưng lúc đau đớn khổ sở, thân thể bức ngặt quá, thật là khó nhớ. Cho nên bây giờ chúng ta ráng tu, ráng gìn giữ tâm tư trong sáng. Những tâm tư trong sáng đó giúp mình khi bức bách không bị quên, không bị xao lãng, nếu không tu như vậy tới chừng đó chúng ta không thể chuyển kịp. Nhiều người khi sống cũng làm đôi ba việc thiện, nhưng khi chết đau khổ quá, ai làm trái ý liền nổi giận lên. Chính cái giận đó sẽ dẫn họ đi vào đường ác, gọi là cận tử nghiệp, cái đó hết sức hệ trọng. Quý Phật tử nghĩ đến sự tu thì ráng tập tâm tư của mình luôn luôn trong sáng. Khi gần nhắm mắt được chư Tăng chư Ni hoặc các Phật tử giúp cho, mình cố gắng thêm quên cái đau đớn, chỉ nhớ Phật, đó là duyên tốt để đi đường lành. Người thân cũng nên nhớ đừng gây phiền hà buồn bực làm cho thần thức kẻ sắp lâm chung đi vào đường khổ.

    Bởi vậy tinh thần hiếu thảo của Phật tử là phải quý trọng giờ lâm chung của cha mẹ, đem hết lòng thành kính thỉnh mời chư Tăng chư Ni tới để trợ lực giúp cho cha mẹ tỉnh táo, nhớ được điều lành. Đây là việc hết sức thiết yếu. Phật tử nhớ chúng ta tu là làm sao cho hiện đời được an lạc, khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là người biết lo xa, chuẩn bị trước, không phải tu chỉ để được phước. Được phước mà tâm còn tối tăm, xấu xa thì phước chưa đủ để đưa mình tới chỗ lành.

    Như chúng ta thấy có nhiều con chó sướng hơn con người, phải không? Nó được cưng được quý, trong khi nhiều con người sống lang thang rất khổ sở. Bây giờ đặt câu hỏi ngược lại, có phước mới được làm người, vô phước mới làm súc sanh, tại sao đã làm súc sanh mà sướng hơn người? Đó là một vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Bởi vì người vừa làm phước vừa tạo tội nên sanh có quả không cố định được. Ví như người đi ăn trộm được tiền nhiều, họ đem cúng chùa một phần, hưởng một phần. Như vậy một bên làm tội một bên làm phước. Có tội thì phải đọa, nhưng làm phước thì hưởng phước. Cho nên tuy tội đọa làm súc sanh mà vẫn hưởng được phước sung sướng. Phật tử tu làm sao để vừa được làm người, vừa có phước nữa, chớ đừng có phước mà không được làm người, uổng lắm. Hiểu rõ như vậy chúng ta sẽ không thắc mắc về thân phận và quả phước khác nhau của chúng sanh.


    .

    Comment

    • #3

      Vu lan nhớ về cội nguồn

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi hoangvu View Post
      Vu lan nhớ về cội nguồn
      Tuệ Minh Đạo Nguyễn Đức Can
      Con xin hồi hướng công đức lên
      Thân Mẫu sinh thành.

      Ngày cha mẹ lìa xa cõi thếLink" align="right" border="0" alt="" style="padding:7px;" />
      Tất lòng con tựa thể nát tan!
      Mẹ ơi! Cha hỡi! không tàn?
      Thương Cha, nhớ mẹ tim vàng héo khô!!!

      Thời gian đi nhanh quá, thấm thoát đến nay đã gần 10 năm lưu vong nơi xứ lạ quê người, cách xa quê nhà cả nửa vòng trái đất, thế là cuộc đời tôi phải nhận nơi đây làm quê hương thứ hai và có lẽ cũng là nơi gửi nắm xương tàn ở một đất nước mà hàng triệu người hiện đang muốn đến lập nghiệp. Mặc dầu nước Mỹ là một nước hiện tại có đầy đủ về vật chất, văn minh và dân chủ nhất thế giới, nhưng đối với tôi và có lẽ hầu hết những người Việt Nam đã sinh ra và trưởng thành nơi quê nhà đều cảm thấy buồn về phong tục, tập quán của nhân dân Hoa Kỳ, nó trái ngược hẳn với dân tộc Á Châu nói chung và truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng.

      Đường lối giáo dục của Chính Quyền Hoa Kỳ chỉ nhắm vào Trí Dục và Thể Dục mà coi nhẹ phần Đức Dục, ngược lại tập quán của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa, các cụ tiền nhân đã để lại một nền văn hóa hết sức phong phú nhất là Đức Dục, phải được đặt lên trên hết. Nền giáo dục của Nho giáo, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo luôn luôn lấy Đức Dục làm đầu rồi mới đến Trí Dục và Thể Dục. Do đó, mọi người trong lúc thiếu thời mới cắp sách đến trường đã được học thuộc lòng câu đầu tiên là: “Tiên học lễ, hậu học văn” hay với những lời khuyên dậy của Ông Bà, Cha Mẹ để lại là: “Có Học mà không có Hạnh hoặc có Tài mà không có Đức con người đó sống cũng vô dụng đối với gia đình và xã hội”. Những người con gái được giáo dục từ trong gia đình là “Cái nết đánh chết cái đẹp”, phải lấy Tiết Hạnh làm đầu, có nhan sắc đẹp lộng lẫy nhưng cái tính nết lãng mạn, hỗn xược, ăn nói không nhu mì, nhã nhặn, hiền hậu và ý tứ thì người đó cũng là những kẻ bị mọi người khinh bỉ và ghép cho một danh từ là “Con nhà vô giáo dục” Cha Mẹ cũng hổ thẹn với bạn bè, họ hàng và làng xóm.

      Theo tôi, con người đúng nghĩa là một sinh vật siêu Việt, có một lý trí cao cả mà Trời Phật đã ban cho và đã được giáo dục qua các trào lưu văn hóa của một dân tộc, có truyền thống hiếu hạnh từ lâu đời, không thể quan niệm như chủ thuyết “Duy vật biện chứng pháp” của Kác-Mác và Lenin mà cho là vì một chút hoan lạc nào đó mà sinh con, hay thủy tổ của con người là loài vượn… Đó là một luận điệu phi nhân tính, đó không thể có trong quan niệm của người Phật Tử chân chính, hay bất cứ người nào đã có lý trí phán xét đều không thể chấp nhận được.

      Đức Phật đã dậy cho ta rằng “Hiếu Tâm tức là Phật Tâm, Hiếu Đạo vô phi Phật Đạo” “Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật” vì vậy mà đạo Phật xác định “cùng cực điều thiện, không có gì hơn hiếu”. Trong nền giáo dục Việt Nam từ bao thế hệ trước đây cũng đã đề cao chữ hiếu, mà ta khi còn thiếu thời, cắp sách đến trường ta đã được học thuộc lòng bài học:

      Công cha như núi thái sơn
      Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
      Một lòng thờ mẹ kính cha
      Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

      Thế thì một người có chút lương tri, làm sao lại không biết công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Mỗi người chúng ta chỉ có một cha, một mẹ sinh ra. Trong kinh nhà Phật cũng đã truyền lại rằng: Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này, nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà ta đã uống còn nhiều hơn nước của biển đại dương. Điều này nhắc nhở cho ta thấy công ơn cha mẹ to biết chừng nào. Trong kinh Mục Liên Sám Pháp, Đức Phật đã nói. Trong con người ta có mười hai bệnh, bệnh căn sâu nặng không được thấy Phật. A Nan hỏi Phật: Đó là bệnh gì ? Đức Phật trả lời: “Không kính cha mẹ, đó là một bệnh; ngu si tạo ác; đó là hai bệnh, gian xảo điêu ngoa; đó là ba bệnh, lời nói hại người, đó là bốn bệnh; hay tìm lỗi người, đó là bệnh thứ năm; giết hại chúng sanh, căn bệnh thứ sáu; không biết hổ thẹn, đó là bẩy bệnh; ham mê sắc dục, đó là bệnh thứ tám; kiêu ngạo khinh người, đó là chín bệnh; phạm tội không hối, là bệnh thứ mười; khen mình chê người, là bệnh thứ mười một; không biết lợi hại, là bệnh thứ mười hai”. Chúng ta nên tâm niệm lời Đức Phật nêu trên, để lấy đó làm kim chỉ nam cho mình, tự tu sửa hàng ngày hầu loại trừ được những căn bệnh như lời Phật dậy. Ta sẽ trở thành người tốt.

      Mỗi năm cứ gần đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch và cũng là cuối mùa hạ, bắt đầu sang thu, lá vàng rụng xuống, lá xanh trồi lên, bông hoa lá bắt đầu chớm nở, sau một mùa oi bức nóng nực của cái nắng mùa hè. Thời tiết thay đổi, lòng người cũng đổi thay để chuẩn bị lễ Vu Lan, đó là mùa báo ân cha mẹ, lễ VU LAN đã truyền lại từ ngàn xưa mà Đức Mục Kiền Liên là tiêu biểu, gương mẫu, suốt cả nghìn đời mà Đức Phật đã để lại cho hàng Phật Tử để lấy đó làm gương noi theo. Nhưng bây giờ ngày lễ Vu Lan không còn là một đặc thù riêng của người Phật Tử, mà là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, không phân biệt tôn giáo, đảng phái hay bất cứ một tổ chức nào, từ các thánh hiền đến người thường dân, đã là con người ai cũng có cha, mẹ sinh ra, chính cha, mẹ đã san sẻ một phần máu, thịt để tạo nên hình hài của mỗi người con. Tình thương của cha mẹ đối với con là thứ tình thương tuyệt vời, không bút nào tả xiết, không có bất cứ tình thương nào trên cõi đời này có thể so sánh được. Do đó; báo hiếu cha mẹ chính là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng nhất, mà không nghĩa vụ nào bằng.
      Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã truyền lại, để nhắc nhở cho các con cháu của các thế hệ sau này phải lấy chữ “HIẾU” làm đầu, vì công ơn mẹ cha thăm thẳm như trời cao, vằng vặc như sông dài, rực rỡ như mặt trời, tỏ rõ như ánh trăng rằm. Lúc thiếu thời tôi đã đươc học thuộc lòng các câu ca dao, truyền bá trong dân gian như sau:

      “Ơn cha cao như núi thái sơn
      Đức mẹ hiền sâu rộng bể khơi
      Dù cho dâng cả một đời
      Cũng không trả được ơn trời sinh ra”.

      Còn có những câu ru con của các bà mẹ dậy con từ thuở còn thơ như:

      Ru hời, ru hỡi, ru hơi
      Công cha như núi ngất trời
      Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
      Núi cao, biển rộng mênh mông
      Làm con trước phải đền công sinh thành”.

      Hay là:

      “Đố ai đếm được lá rừng
      Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
      Đố ai đếm được những vì sao
      Đố ai đếm được công lao mẹ hiền”

      Sau đây người viết bài này xin ghi lại một đoạn truyền khẩu trong thế kỷ thứ 10 - 13 về tình thương con qua Phạm Công Cúc Hoa, với tác phẩm sâu xa và truyền cảm nhất. Tác phẩm đưa ra cảnh tình mẫu tử, cảnh mẹ ghẻ, con chồng, cảnh hối cải của kẻ ác độc đúng là:

      Mấy đời bánh đúc có xương
      Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.

      Theo học giả Đào Duy Anh và Đặng Thái Mai (tư liệu Văn Học Bình Dân 1976) thì truyện này dựa theo một truyền thuyết Ấn Độ thời Raja Varman đệ tam. Nàng Cúc Hoa bị bạo bệnh, lâm chung để lại 2 đứa con thơ dại: Một trai tên là Tấn Lực, còn một gái tên là Nghi Xuân. Trong khi Phạm Công được Vua Lý (?) đưa đi trấn nhiệm ở vùng thượng du (sách chép lại tại Cao Bằng) để đánh dẹp loài thảo khấu, cường độ thường quấy phá, trong khi đó người vợ kế (là Tào Thị) ở nhà, thì lại hành hạ hai đứa con chồng quá tàn nhẫn. Hai trẻ không chịu nổi, đành bỏ nhà ra đi. Nhưng đi đâu? Chúng còn quá nhỏ dại. Nghi Xuân, Tấn Lực quá bé thơ, sau 10 ngày lang thang, đói khổ thì tìm ra ngôi mộ của mẹ mình ngày trước. Tâm sự của đôi trẻ thật đáng thương tâm:

      Đoái nhìn thấy mả Cúc Hoa
      Ngậm ngùi nhớ mẹ - châu sa ròng ròng”.

      Hai anh em chỉ còn biết ngồi khóc ròng, hết canh một, thì bỗng nhiên, có sự kiện xẩy ra:

      Cúc Hoa phách quế, hồn ma,
      Lòng thương con dại ái hoài xót xa
      Bên mồ: Nàng hiện hồn ra,
      Ôm con, than thở, xót xa tấm lòng.
      Bấy lâu, mẹ những nhớ trông,
      Con ơi! Có biết mẹ trong mả này!”

      Hai anh em Nghi Xuân - Tấn Lực bèn kể tất cả đầu đuôi câu truyện cho mẹ nghe. Từ khi mẹ chết, Phạm Công lấy Tào Thị. Rồi thái độ khắc nghiệt, ác độc cuả người dì ghẻ…”. Ăn thì bữa đói bữa không. Suốt ngày hành hạ ra nông nỗi này !”
      Cúc Hoa đau xót vô cùng:

      Cúc Hoa nghe nói, lệ sa!
      Nhìn đôi con dại, nghĩ mà đớn đau...
      Bồng con cho bú hồi lâu,
      Càng thương con trẻ - càng sầu tình xưa.”

      Chẳng bao lâu, mẹ con bịn rịn, thì thời gian cũng đã trôi qua. Trời cũng vừa lúc sáng - Cúc Hoa đành phải giã từ:

      Giả con, ở lại bình an,
      Mẹ về âm cảnh đôi đàng cách xa”.

      Tấn Lực - Nghi Xuân bấy lâu nay xa cha, thiếu tình mẹ, nay lại được gặp (dù chỉ là hồn mẹ hiện về) vuốt ve âu yếm, thì không muốn xa cách nữa:

      “Nghi Xuân ôm mẹ khóc òa,
      Mẹ ơi, sao nỡ, chối mà bỏ đi!”

      Thời gian đã hết. Cúc Hoa không thể nào lưu lại nàng đành giỗ con:

      Hai con quay mặt trở ra
      Cho mẹ bắt chí, rồi mà chia ly!
      Hai con vâng lệnh một khi,
      Cúc Hoa vội vã, biến thì mất tung”.
      Hai con Nghi Xuân - Tấn Lực thì vậy.

      Đến cả Phạm Công chồng nàng cũng được báo mộng:

      Chàng ơi! sao bỏ lời thề,
      Hai con thơ dại, lất lê dọc đường
      Suốt ngày hành khất thảm thương
      Ai gây nên nỗi đoạn trường thế kia?

      Phạm Công đã hiểu mọi sự: Chính Tào Thị đã đầy đọa, hành hạ hai đứa con mình:

      Trẻ thơ, có tội tình chi.
      Cớ sao ăn ở bất nghì thế kia.
      Thì thôi cắt nghĩa xướng tuỳ,
      Nếu không cải tính, còn gì gia phong !

      Tào Thị phải cho người đi tìm hai đứa con chồng trở về, thay đổi cách cư xử, nếu muốn xum họp với Phạm Công. Thật ra, tất cả các tác phẩm tình cảm trên thế giới, không có một tác phẩm nào diễn tả tình cảm của người mẹ đối với con sâu sắc và tràn đầy tình thương như vậy. Vu Lan mùa Báo Hiếu, đây là cơ hội để cho các con cháu, mỗi năm một lần báo hiếu mẹ cha, người Mỹ họ có ngày Father’s day, Mother’s day, còn Việt Nam mình có cả một mùa Vu Lan để báo ân Ông Bà, Cha Mẹ, mà còn là dịp để thực hiện các công đức khác bằng cách xin lễ cầu siêu ở các chùa cho các vị tiền nhân quá vãng được siêu sinh, tịnh độ, vĩnh viễn thoát khỏi cảnh trầm luân, và những người còn sống được thượng thừa công đức, Tam bảo gia ân, thân tâm khang thái, gia đình thịnh vượng, được sống trong cảnh yên vui hạnh phúc. Ngoài ra, cũng trong mùa báo hiếu, mọi người phải phát tâm cúng dường. Về công đức cúng dường Đức Phật đã dậy khá rõ ràng trong kinh Vu Lan. Tôi xin dẫn giải một vài đoạn để quý độc giả cùng suy ngẫm và noi theo: “Đức Phật đã huấn thị cho Vua Ba Tư Nặc, khi vua bạch với Ngài - Bạch Thế Tôn từ nay con cấm người ngoại đạo vào lãnh thổ của con, con xin cúng dường chư tăng tất cả những thứ cần dùng Phật dậy: “Đại Vương đừng nói như vậy, cho các sinh vật khác còn được phước huống chi là cho người ngoại đạo, hãy cho đúng lúc, cho với tâm thanh tịnh, cho một cách giải thoát chứ không cần được phước báo hay trả ơn, cho để được niết bàn chứ không cầu sinh cõi trời, cho rồi đem cái công đức ấy hồi hướng cho tất cả mọi loài, mọi người chứ không cầu riêng cho mình”.

      Đức Phật còn dậy cho Sư Tử Trưởng Giả về phước báo của hạnh bố thí bình đẳng, khi ông đến bạch với Ngài: “Bạch Thế Tôn con nghe Thế Tôn dạy hãy bố thí bình đẳng, do đó khi bố thí con không có lòng lựa chọn phải trái, cao thấp, con cúng dường và bố thí cho tất cả, hễ ai giữ được giới thì phước báu vô cùng, ai phạm giới thì tự chịu tai họa, con chỉ nghĩ ai cũng phải ăn mới sống”. Đức Phật: “Đó là cái nguyện rộng rãi, cái tâm bố thí của Bồ Tát Trưởng Giả đã theo đúng đường lối của hạnh Bồ Tát, hãy bố thí bình đẳng thì phước đức vô tận”.
      Theo quan niệm của người Việt Nam bình dân cho là:

      Tu đâu không bằng tu nhà.
      Thờ Cha kính Mẹ mới là chân Tu...

      Trong dân gian cũng đã truyền tụng tình mẫu tử như sau:


      Mẹ cho con tất cả
      Hết quãng đời tuổi xanh
      Cả thương yêu dịu ngọt
      Rộng hơn biển trời xanh.

      Trên đây tôi dẫn giải mấy đoạn của Đức Phật truyền dậy cho các hàng Phật Tử liên quan đến ngày lễ Vu Lan và một vài quan niệm theo dân gian Việt Nam. Vậy chúng ta là hàng Phật tử phải lấy đó làm kim chi nam cho bản ngã đã có trong tâm đạo, để thực thi cho cuộc đời cuả mình.
      Đây cũng là một dịp để cho mọi người con có dịp đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ Cha và cũng có cơ hội biểu lộ tinh thần hiếu thảo.

      Mọi người chúng ta dốc lòng làm tròn bổn phận của người con hiếu hạnh.

      đọc tiếp : Vu lan nhớ về cội nguồn - Chút lưu lại

      Comment

      • #4

        Nhớ Mẹ âm thầm

        ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi hoangvu View Post
        Nhớ Mẹ âm thầm
        Lê Mộng Hoàn

        Thân mến tặng các người con phải nhận đóa hoa màu trắng vào lễ Vu Lan .
        Mẹ kính yêu,

        Link" align="left" border="0" alt="" style="padding:7px;" />Còn một tuần lễ nữa là đến rằm tháng 7, lễ Vu Lan. Hằng năm cứ đến ngày nầy con thường đưa Mẹ đến chùa Hoa Nghiêm để dự lễ cúng Phật ngoài trời; rồi ăn cơm chay và được gắn hoa hồng khi các em gia đình Phật tử cử hành lễ “Bông Hồng Cài Áo.” Con luôn cảm thấy vui sướng khi mình đã qua đồi “lục tuần” được người khác gọi bằng bác, bằng bà mà vẫn còn có Mẹ, để ôm má Mẹ mà hôn mỗi chiều đi làm về, để được cài đóa hoa màu hồng tươi thắm biểu lộ niềm tự hào “Mẹ tôi vẫn khỏe mạnh, Mẹ tôi vẫn còn đây.” Nhưng lễ Vu Lan năm nay thì khác hẳn, Mẹ đã xa con rồi! Hiện tại con đang ngồi tại bàn giấy của Mẹ, vẫn chiếc ghế nhung màu xám, chiếc bàn gỗ màu nâu, trên tường vẫn còn nguyên tấm hình hai mẹ con đứng trước hồ sen nhỏ đằng sau vườn. Con dùng căn phòng của Mẹ làm phòng làm việc cho con, suốt ngày con ngồi thiền, đọc sách, viết lách, tập thể dục nơi đây. Mẹ luôn ở bên cạnh con với nụ cười hiền hòa—vì khắp nơi đều có hình Mẹ: hình Mẹ chụp với các em ở Sàigòn trước ngày qua Mỹ (1989), hình Mẹ chụp với dì Loan Anh--chắc giờ nầy Mẹ đã gặp lại dì phải không?, hình Mẹ chụp với cả gia đình lễ Giáng Sinh đầu tiên tại Virginia. Con còn nhớ anh Huyền nói: "Đây là Christmas vui nhất vì đông đủ mọi người, sau nầy chưa chắc có thể họp mặt đủ các gia đình như vậy.” Đúng như thế ; khi mọi người đã có việc làm, rồi phân tán nhiều nơi, rồi bận bịu vướng mắc vào guồng máy sinh họat của xã hội tân tiến nầy nên cơ hội “ngồi lại với nhau, sum họp một nhà” thật quá hiếm hoi.

        Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con cũng không ngờ đã 67 tuổi đầu, đã làm bà ngoại rồi mà con vẫn còn CẦN CÓ MẸ như thế nầy! Từ bao nhiêu năm nay con luôn cầu nguyện đức Phật Quán Thế Âm phù hộ cho Mẹ: "Sống thì khỏe mạnh, ra đi thì thanh thản.” Điều mong ước của con đã thành sự thật. Mẹ đã từ trần bình an, yên lặng trong giấc ngủ sáng ngày 29 tháng 3 năm nay, 2007.

        Trong suốt thời gian 49 ngày sau khi Mẹ nhắm mắt, con chú tâm vào việc đọc kinh cầu siêu, nhờ các sư cô các chùa làm công tác từ thiện bố thí và góp lời cầu siêu cho hương linh Mẹ. Sư cô Minh Bảo chùa Từ An ở Huế vừa rồi có bảo con rằng: "Theo lời một nhà ngoại cảm ở chùa Từ An thì hương linh cô Đốc rất AN LẠC. Hương linh nầy thông minh, sáng suốt nên theo dõi lời kinh của các ni sư chuyên cần và vui vẻ.” Con rất mừng khi nghe Sư cô kể như vậy. Tám ngày sau khi Mẹ mất, con nằm mơ thấy Mẹ và Mẹ cười nói: "Má vui lắm con!” khi con trao Mẹ hai bao lì xì có đựng tiền mới để Mẹ cúng dường cho quý Thầy.

        Con cứ ngỡ Mẹ đã già rồi, 93 tuổi; lúc sau nầy Mẹ không đi laị được vì đau chân nên phải ngồi xe lăn hoặc nằm trên giường và ngủ nhiều, việc Mẹ ra đi nhẹ nhàng, không sợ sệt, không la ré đau đớn gì cả là một phước lớn cho Mẹ và cho chúng con, nhưng thực tế thì không như vậy! Sau khi nghỉ một tuần để lo đám tang cho Mẹ, con trở lại sở làm. Con nhớ Mẹ xót xa, cơn nhớ đến thình lình khi con nhìn lên tấm hình Mẹ treo cạnh computer ở sở. Con phải cắn môi lại vì không muốn bạn đồng nghiệp biết rằng “một bà già 67 tuổi laị khóc nhớ Mẹ như đứa trẻ lên 3.” Trí nhớ của con sút kém rất nhiều! Con quên nhiều thứ đến nỗi con phải nói với ông trưởng nhóm (Team Leader) là: "Ông nên coi chừng, trí nhớ của tôi lúc nầy tệ lắm, sợ việc tôi làm không chính xác.” Ngày nầy qua ngày khác, cơn nhớ không bớt đi mà tật quên thì tăng thêm. Con quyết định hoàn tất việc nạp đơn xin hưu trí; rồi con đi nghỉ hè ở Tampa, Florida. Khi họp mặt với các bạn cựu học sinh Đồng Khánh, đứa nào cũng đều làm bà ngoại, bà nội cả; phần đông đã mất mẹ lâu rồi nên con cố gắng sinh hoạt bình thường, cũng cười cũng nói, cũng ăn ngủ, vui chơi như mọi người. Mỗi đêm trước giờ ngủ, con đều cầu nguyện Phật độ trì cho Mẹ, đó là lúc con nhớ Mẹ da diết! Con bây giờ làm việc gì cũng chậm chạp, ngu ngơ, vì tật hay quên. Con hy vọng những ngày họp bạn ở nhà QH tại Tampa được gặp các bạn ngày xưa (1956) của trường Đồng Khánh Huế, được nói cười xưng “mi tau” tự do, được chủ nhà thức khuya dậy sớm nấu các món Huế ngon và lành cho cả bọn thưởng thức thì con sẽ từ từ khôi phục lại trí nhớ, trở lại tình trạng hoạt bát linh động như những ngày còn Mẹ bên con. Ngày Chủ Nhật 24 tháng 6, chúng con rời Tampa trở về Virginia, có cháu Sammy ra đón tại phi trường Dulles. Thằng bé rất ngoan, đến đón đúng giờ, laị nhớ mua hai chai nước lạnh mát rượi để ba mẹ uống. Con thầm cám ơn Trời Phật đã cho con được hưởng đôi “Giây Phút tuyệt vời” khi nhìn thấy Sammy cười tươi xách vali của vợ chồng con bỏ lên xe rồi đưa chúng con về nhà; đây là biểu tượng của TÌNH THƯƠNG chân thật. Tuổi già của Mẹ thường vui và ấm cúng vì Mẹ rất may mắn: Mẹ được các con gái thương yêu chăm sóc, mà các chàng rễ cũng thương Mẹ không kém, rồi đến con trai con dâu và các cháu ngoại, lúc nào cũng lo cho bà ngoại. Tuấn, tuy luôn bận bịu ở phòng nha khoa và 3 con dại vẫn hằng tuần đến thăm bà ngoại và không quên mang món bánh bèo tôm chấy của Saigon Café mà bà ưa thích. Con chỉ ước sao cho con được 1/10 của tình thân thương ấy từ gia đình lúc tuổi già cũng đã mừng rồi.

        Mẹ ơi, ngày 24 tháng 6 vừa qua con vừa thoát một tai nạn xe hơi khủng khiếp mà bây giờ nghĩ lại con vẫn không hiểu vì sao đã xảy ra cái “chớp mắt định mệnh” ấy?

        Sau lúc Sammy đưa vợ chồng con từ phi trường Dulles về nhà, con ăn trưa và dọn dẹp hành lý, đến 4 giờ chiều con bảo anh Huyền: "Em đi ra Eden mua thức ăn, trái cây và gôị đầu luôn thể để ngày mai đi làm lại.” Đây là tuần cuối cùng con làm việc với IRS trước khi nghỉ hưu sau 20 năm và 6 tháng cặm cụi cần cù. Con lái xe đi trên đường Sleepy Hollow; con đường nầy rất quen thuộc con đã từng đi tới đi lui biết bao nhiêu lần. Con nhìn bảng bên lề đường phía mặt ghi “25MPH” (25 dặm mỗi giờ, tốc độ giới hạn.)

        Con ngó đồng hồ xe thì nó chỉ 30 dặm. Con nghĩ thầm: "Như vậy là tốt rồi!” Ở tiểu bang Virginia sắp áp dụng luật phạt tiền rất nặng, cả ngàn đồng cho người dân Virginia nào chạy quá tốc độ. Đang nghỉ miên man như thế con không hiểu vì sao lạc tay lái và chỉ nghe tiếng RẦM rất lớn. Xe con tông vào một xe màu xanh lá cây đậu bên lề đường. Xe nầy tông vào xe đậu sau nó. Một cô người Mỹ trẻ la lên “STOP! STOP!”. Con nghe theo lời cô ấy đạp thắng và dừng xe. Cái AIR BAG (túi hơi an toàn) bung ra, bốc khói. Con nghe cô kia bảo: “Get out of the car!” (Ra khỏi xe ngay); có lẽ cô ấy sợ xe bốc cháy. Tuy nhiên con không biết làm sao để ra khỏi xe, con quên bấm dây nịt an toàn; cũng phải vài phút sau con mới ra được. Một bà Mỹ khác chắc ở gần đó chạy đến hỏi: “Are you OK?” (Bà có sao không?) Con đáp: "Yes, I am OK!” rồi được dẫn đến ngồi bên lề đường. Cô người Mỹ, chủ chiếc xe Van màu xanh lá cây bị xe con tông đã rất tử tế gọi xe cứu thương đến cấp cứu. Khi xe ambulance đến, họ hỏi con: "Do you want to go to the hospital?” (Bà có muốn đi tới bệnh viện không?) thì con lúc đó chẳng biết gì cả. Con trả lời: "I don’t know!” (Tôi không biết!). Họ nói tiếp: “You need to make decision right away!” (Bà phải quyết định ngay bây giờ!) Vào giờ phút cấp bách ấy giống như hương hồn của em Ý Nhi đã về ở trong con. Con nhớ lại ngày Ý Nhi bị tai nạn xe hơi năm 1993, 14 năm trước, mình mẩy em không bị trầy trụa gì cả, được đưa vào bệnh viện Alexandria, nhưng sau đó họ cho về nhà bảo là không can chi. Sáng hôm sau ngủ dậy Ý Nhi bước xuống giường đi vào phòng tắm bị té ngã, sau đó đưa vào bệnh viện Fairfax, bác sĩ bảo là bị internal bleeding (chảy máu bên trong) và em đã qua đời sau 3 ngày mê man! Hình như có tiếng nói bên tai con: "Phải đi bệnh viện!” nên con trả lời: "Please take me to the hospital!” (xin chở tôi đến bệnh viện.)

        Mẹ ơi! Có phải Mẹ đã vẫn ở bên con che chở cho con và nhắc nhở con không? Khi nằm trên “băng ca” để đến nhà thương con thầm cầu nguyện Phật Quán Thế Âm và hương linh Mẹ cứu độ cho con. Không biết con có bị chấn thương ở đâu không? Lúc ấy chỉ nghe đau tức ở ngực và choáng váng, xây xẩm thôi. Một nữ cảnh sát viên theo vào bệnh viện để “hỏi cung” con vì sao gây ra tai nạn? Con trả lời: "Thật tình tôi không hiểu rõ là tôi bị ngất xỉu trong vài phút hoặc là tôi nhắm mắt vì mệt nữa.” Bà nầy đối xử rất lịch sự, chúc con được bình an và chỉ phạt lổi “Failure to control the vehicle” (không kiểm soát được xe của mình.) Con ngủ thiếp đi độ nửa giờ, khi mở mắt ra thấy Rachel (con dâu của con) mừng rở kêu: "Mẹ, how do you feel?” và ôm chầm lấy con, thật dễ thương! Rachel được anh Huyền chở đến bệnh viện để trông chừng con trong lúc anh ấy và Sam lo trao đổi giấy tờ bảo hiểm với hai chủ nhân của hai chiếc xe kia và lo kéo chiếc Toyota Camry về đậu tạm ở nhà mình. Xe nầy hư hại hoàn toàn: nắp xe phía trước cong lên, kính xe rạn nứt, hai airbags bung ra trông thật ghê sợ! Con ở lại bệnh viện ba ngày để cho các bác sĩ chuyên môn khám nghịêm bằng các phương pháp tối tân (Scan, MRI, EKG, EEG, XRay) tim, đầu, cổ, bao tử của con; con chỉ biết cầu nguyện chư Phật và mẹ độ trì cho con: "Lúc sống thì khỏe mạnh, lúc chết thì an bình.” Con rất sợ phải nằm một chổ cần có người săn sóc đở đần về lâu về dài. Tình trạng nầy xảy ra rất thường chung quanh con; vừa phiền hà cho người thân trong gia đình, vừa xót xa cho chính bản thân, nhất là với bản tính thích hoạt động như con. Cuối cùng tối thứ ba 27 tháng 6, bác sĩ tổng kết mọi khám nghiệm kết quả BÌNH THƯỜNG (NORMAL) nên cho phép con về nhà. Con mừng đến chảy nước mắt. Xin CẢM TẠ TRỜI PHẬT và MẸ đã cứu độ con. Xin muôn vàn CẢM TẠ những thăm hỏi đầy tình thương mến của gia đình, bằng hữu. Có nằm trong bệnh viện mới thấu hiểu NIỀM VUI của mỗi buổi sáng thức dậy, khỏe mạnh an toàn đi làm việc, nói cười vui vẻ. Con cũng biết ơn các bác sĩ và y tá tại Fairfax INOVA; họ cư xử với bệnh nhân dịu dàng, thân mật. Ngày đầu tiên con nằm nơi đây có một cô y tá tên Rosie đến hỏi chuyện con để biết “trong trường hợp nguy hại đến sinh mạng thì con ước muốn gì? Tôn giáo của con là gì? Gia cảnh ra sao?” để lập hồ sơ bệnh nhân. Cô làm việc nầy lúc 2 giờ sáng mà vẫn tươi cười hòa nhã. Con rất ngạc nhiên nên bảo cô ấy: "Bây giờ đã là 2 giờ khuya, tôi không ngủ được nhưng khuôn mặt tươi cười, giọng nói nhỏ nhẹ của cô giúp tôi cảm thấy bớt lo lắng và dễ chịu hơn. Cám ơn cô!”

        Ngay sau khi cô ấy rời phòng, con vội ghi mấy giòng trên tấm giấy nhỏ để CẢM TẠ TỪ TÂM rất quí giá của Rosie.

        Sáng hôm sau 6/25, có mấy bạn đồng nghiệp ở IRS (sở Thuế) vào thăm con. Bạn con bảo: "Tôi vừa đọc nét chữ của Hoa trước khi đến đây.” Con ngạc nhiên hỏi: "Ở đâu?” Bạn Susie cho biết: "Trên tường của thang máy, your thank you note to the nurse!” Như thế là cô Rosie và các bạn đồng sự đã có được đôi phút hài lòng vì sự tận tâm, lòng nhân ái trong công việc hàng ngày nhọc nhằn của họ đã được cảm nhận. Mẹ thấy chưa; dù “Mẹ đã như cánh hạc bay”, con vẫn luôn nhớ lời Mẹ dặn:

        Sớm đem cho người thêm niềm vui
        Chiều giúp người bớt khổ

        Mỗi ngày con đều đọc KINH PHƯỚC ĐỨC mà Mẹ đã nắn nót chép lại cho các con, các cháu 4 năm về trước (2003)
        Có học có nghề hay
        Biết hành trì giới luật
        Biết nói lời ái ngữ
        Là phước đức tốt nhất

        Mẹ dấu yêu, xin phù hộ cho cơn nhớ Mẹ trong con lắng dịu, bớt xót xa để con chú tâm vào các công tác từ thiện cộng đồng con đang làm dang dở. Con nguyện luôn noi gương Mẹ cố gắng phát triễn từ tâm
        Tâm từ như suối triền miên
        Thấm vào mạch sống, mọi miền an vui
        Tâm từ làm gốc vun bồi
        Cho người cao thượng, cho đời vinh hoa
        Thấy người khổ nạn khó qua,
        Lòng mình đau xót như là khổ chung
        Thấy người hạnh phúc thành công
        Lòng mình sung sướng như cùng vui theo
        (Kinh Từ Bi Tâm)

        Có một anh bạn của con đã viết trong bản nhạc về Mẹ : (**)
        « Nếu một mai Mẹ sẽ qua đời
        Con không biết khóc ít hay khóc nhiều? »

        Con đã gồng mình khóc trong âm thầm, yên lặng để làm gương cho các em các cháu. Con khuyên chúng nó : "Đừng khóc, nên niệm A DI ĐÀ PHẬT để hương linh Mẹ được siêu thoát,» tuy nhiên, con lại thấy khi mình đè nén không cho niềm đau được tuôn trào thì nỗi nhớ lại mọc ra dai dẳng, xốn xang, triền miên. Mẹ ơi ! Ước gì con được ôm Mẹ mà hôn như những mùa Vu Lan năm trước. Bây giờ thì con chỉ biết hôn chiếc áo len trắng cụt tay mà Mẹ thích mặc và lạy Mẹ mà thôi !

        Con âm thầm nhớ Mẹ xót xa Mẹ ơi, bà Mẹ hiền hòa đặc biệt, tuyệt vời của con, mùa VuLan năm nay. Cầu xin chư Phật độ trì cho hương linh Mẹ được phiêu diêu miền TỊNH ĐỘ.

        LMH
        8/2007

        ** Rồi Mẹ Như Cánh Hạc Bay
        Nghiêu Minh

        đọc tiếp : Nhớ Mẹ âm thầm - Chút lưu lại

        Comment

        • #5

          HÃY CHĂM SÓC MẸ




          Mẹ đứng cạnh cửa sổ. Tôi hỏi gì vậy mẹ? Mẹ bảo không có gì, vào chơi với con thôi. Mẹ bước vào, khép cửa phòng rồi đến bên chồng sách. Tôi cầm "Hãy chăm sóc mẹ" và nói mẹ đọc cuốn này này. Mẹ trải chiếu và nằm xuống, đầu mẹ đặt gần với đầu tôi. Mẹ đọc sách còn tôi nghe nhạc. Đã bao lâu rồi tôi và mẹ mới lại như và hơn cả hai người bạn, chỉ cần lặng lẽ mà lại thấu hiểu nhau. Nhưng tại sao cũng lại vào ngày hôm nay, tôi không thể nào hiểu được.

          Trong và sau khi đọc "Hãy chăm sóc mẹ", người đầu tiên mà tôi nghĩ đến là mẹ. Tôi muốn cùng mẹ đọc cuốn sách ấy, bởi vì mẹ là mẹ của tôi và vì mẹ cũng có một người mẹ. Điều này nghe thật hiển nhiên, nhưng tôi biết rằng dù mình có nghìn lần gọi từ mẹ thì tôi cũng chẳng thể nào hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của nó. Hàng ngày, tôi nhìn thấy điều gì ở mẹ? Mẹ là vợ của bố tôi, là con dâu trưởng của bà nội tôi, là con gái trưởng của ông bà ngoại tôi, là em của bác tôi, là chị của chú cô cậu dì tôi, là bác của các em tôi và là mẹ của chúng tôi... Một danh sách chưa đầy đủ và giới hạn trong nội bộ gia đình. Tôi tự hỏi là mẹ tìm đâu ra nguồn sức lực ở cả thể chất lẫn tinh thần để hoàn thành tốt tất cả những vai trò đó của mình.

          Mẹ trong mắt tôi chỉ là người thực thi những trách nhiệm và chức năng ấy thôi sao? Từ mẹ đối với tôi chỉ có nghĩa là vậy thôi sao? Nếu mẹ là mẹ là một điều hiển nhiên, thì mẹ là bạn lại không như vậy. Có lần khi đang xem một bộ phim nói về một người chồng phản bội vợ, mẹ rủa người đàn ông đó và nói với tôi rằng ai cũng có những rung động nhưng bên cạnh đó còn là trách nhiệm với gia đình và đạo đức với xã hội, mẹ cũng vậy. Đấy là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ ràng mẹ không chỉ là mẹ của tôi, mẹ còn là một người phụ nữ, một con người có trái tim còn biết yêu và mẹ đang tâm sự với tôi như một người bạn. Người bạn lớn ấy chôn chặt niềm riêng để giành gần cả cuộc đời mình cho những người thân.

          Mẹ tôi, người mẹ trong câu chuyện của Shin Kyung-sook và bao bà mẹ Đông Á khác giống nhau ở một điểm là đều chọn cho mình một hành trình khắc nghiệt dài vô tận mà trên đó, họ là những người lữ hành cô đơn phi thường. Đó cũng là lý do vì sao mà tôi muốn giới thiệu "Hãy chăm sóc mẹ" đến bạn theo một cách khác thường. Con người thường không biết trân quý những gì hiển nhiên và sẵn có, cho tới khi chúng mất đi. Hãy đọc và chăm sóc mẹ ngay bây giờ đi, đừng để rồi đến một mùa xuân kia phải giật mình thảng thốt, Không thể tin được rằng mùa xuân đang đến mà không có mẹ ở đây...


          Attention Required! | Cloudflare




          **************
          ...............................

          “Mẹ bị lạc đã một tuần”

          Cuốn sách đã mở đầu chương 1 bằng dòng chữ ấy. Không hiểu sao, lòng tôi cảm thấy “lặng” hẳn, ngay cả khi câu chuyện chưa thực sự bắt đầu, cũng như tôi chưa hề nhìn ra cái kết của nó. “Hãy chăm sóc mẹ”, cuốn tiểu thuyết cuốn hút tôi ngay từ dòng chữ đầu tiên, và tôi tin rằng, bất cứ ai đọc nó cũng sẽ thấm thía một sự rung cảm sâu xa…

          Có lẽ trong cuộc đời, từ khi được Thượng đế ban cho cái thiên chức cao quý - làm mẹ thì cũng gắn với người phụ nữ những hạnh phúc lẫn âu lo. Hạnh phúc khi thấy con chập chững những bước đi đầu đời cho đến nỗi âu lo khi thấy con chơi đùa nghịch té. Và trong số những lo lắng của mẹ là sợ con mình đi lạc. Phải, con đi lạc mà sẽ cuống quýt, con đi lạc mẹ sẽ hốt hoảng ngược xuôi… Lúc nào mẹ cũng sợ tan trường ai đó đến trước mẹ và dẫn con đi mất, sợ con rong chơi quên cả lối về…




          Thế nhưng, bạn ơi, đã bao giờ tự hỏi: “Có khi nào mẹ đi lạc hay không?”. Hình như chúng ta là những đứa con vô tâm, hay do mẹ tự bảo vệ mình quá chắc chắn, quá an toàn? Vì mẹ sợ - khi chính mẹ còn đi lạc thì ai sẽ là người chăm bẵm con thơ…

          Cuốn sách của Shin Kyung-sook lay động biết bao độc giả trên thế giới, bởi một lẽ giản đơn thôi mà dường như ta vô tình không hay biết. Khi mẹ đi lạc, con sẽ sống ra sao? Khi bàn tay sớm hôm chăm lo nấu nướng, giặt giũ áo quần, khi nét mặt mệt mỏi của mẹ sau một ngày vất vả bỗng tươi lên khi thấy những đứa con trở về nhà đầy đủ, khi một ngày vắng bóng mẹ, mẹ đi lạc mất rồi… con sẽ sống ra sao?

          Người đàn bà gần 70 tuổi đời đi lạc tại ga tàu điện ngầm Seoul, với mái tóc muối ngắn, gò má cao, người đàn bà ít chụp ảnh đến độ khi bà đi lạc, các con không biết tìm đâu ra ảnh để dán vào tờ rơi. Trong những tấm hình chụp chung cả gia đình thì sự có mặt của mẹ bao giờ cũng ở góc khuất nhất, nhạt nhất, nhòa nhất! Chính người mẹ ấy bé nhỏ hao gầy ấy đã hy sinh và bảo bọc cả gia đình.




          Tôi đã rất xúc động khi đọc dòng suy nghĩ của những đứa con khi hốt hoảng nhận ra mẹ không còn bên mình nữa. “Từ mấy ngày trước mẹ đã muối kim chi, ra chợ mua thịt bò, chuẩn bị kem đánh răng và bàn chải. Mẹ còn ép dầu mè, rang vàng hạt tía tô để làm quà cho các con. Mẹ chất đầy trong kho những chai thủy tinh lớn nhỏ, đựng đủ các loại hoa quả do chính tay mẹ làm. Ngôi nhà của mẹ giống như kho xưởng.”. Chỉ là những hành động nhỏ bé của một người phụ nữ, nó trở thành thói quen đối với các con, đến khi mẹ đi rồi mới thấy những cốc nước mơ, nước mận, từng miếng đậu hũ, gạo lứt trở nên quý giá vô ngần…

          Những người con bắt đầu đi tìm mẹ, tìm mẹ trên mọi nẻo đường, tìm trong ý thức, tìm trong vô thức, tìm ở bất cứ nơi đâu mơ hồ một bóng hình gầy gò xác xơ của mẹ. Những đứa con tìm mẹ mang theo dòng chảy của kí ức, tìm mẹ cùng những tháng ngày đã qua mà đôi khi con vô tình không ghi khắc. Nỗi sợ hãi mơ hồ nếu như vĩnh viễn không gặp lại mẹ, con còn biết bao điều chôn dấu vẫn chưa nói được thành lời. Lỡ như trong cuộc đời này, không phải mẹ đi lạc, mà là chính con đã lạc mất mẹ rồi!




          Tôi tin chắc rằng bạn cũng sẽ như tôi, sẽ rơi nước mắt không thôi khi chứng kiến cuộc hành trình xuôi ngược tìm mẹ trong câu chuyện ấy. Có những nỗi đau mất mát, có những nỗi chông chênh và nỗi khát khao vô bờ bến để tìm lại hạnh phúc lớn nhất của đời người - có mẹ. Ngòi bút của Shin Kyung-sook như đang nhỏ từng giọt nước long lanh in hằn trang giấy. Vẻ lấp lánh nhiệm màu từ những bức tranh quê hương hiện ra, trên những ước mơ gia đình được đoàn tụ - cuộc hành trình “thiết tha mà trắc ẩn”.

          Bạn hãy tìm đến cuốn sách này, cuốn sách sẽ khiến bạn khóc thật nhiều, nhớ thật nhiều và cũng suy ngẫm thật nhiều về mẹ. Tôi vẫn còn nhớ câu ca: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ / Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”. Tôi hạnh phúc khi mình còn mẹ, mẹ vẫn bên tôi trên mỗi bước đường. “Hãy chăm sóc mẹ” - cuốn tiểu thuyết là lời nhắn nhủ đến những đứa con thơ đang vô tình hay lầm đường lạc lối. Bởi chỉ có mẹ, có gia đình là chỗ dựa yên bình nhất. Hãy yêu thương và chăm sóc mẹ khi mẹ còn trên cuộc đời này. Đừng để đến khi lạc mất mẹ rồi mới vội vã nhận ra - mẹ quan trọng đến nhường nào…





          Đã chỉnh sửa bởi Visaolaithe; 11-08-2011, 03:36 AM.

          Comment

          • #6

            Nhớ Mẹ... - Nguyên Nhung




            Nhớ Mẹ...


            Không biết cha mẹ tôi có nợ nần oan khiên gì với đất nước của tôi, dân vốn đã nghèo lại hay chia rẽ, cha tôi qua đời lại đúng vào những năm đất nước chia hai, gia đình tan tác. Sau cái chết của cha tôi được ba hôm, mẹ tôi lặng lẽ dẫn ba đứa con nhỏ đầu chít khăn tang, với đôi tay không xuống tàu theo đoàn người di cư vào Nam. Ðến hơn hai mươi năm sau khi mẹ tôi chết, lại cũng là những năm " gạo châu củi quế", con cái đều nghèo, không đến nỗi bữa đói bữa no nhưng đời sống thật là đạm bạc, lúc mẹ nằm xuống chỉ mang theo nỗi buồn về bên kia thế giới.

            Sau chiến tranh, mẹ tôi theo người con trai cả về quê vợ lập nghiệp, làm lại cuộc đời của anh bằng đôi chân đất lội suốt ngày trên những thửa ruộng. Hôm nào lúa đã xong, cha con lẵng nhẵng theo nhau ra đồng đi lưới cá. Gặp lúc được mùa cá, cá lớn cá bé chui vào cái lưới của anh, đem về nhà cho mẹ tôi làm mắm, phơi khô để dành ăn dần cho những ngày chợ quê èo uột, không mua được thức ăn thì đã có sẵn thực phẩm ở trong nhà.

            Bữa cơm nhà quê thường chẳng có gì, chỉ cá mắm sống qua ngày, cùng những thứ rau trồng tỉa được, riêng rau muống thì mọc đầy, lan tràn trên những bờ ruộng như cỏ. Ngày xưa người dân quê miền Nam ít ăn rau muống, thứ rau muống ruộng chỉ để nuôi heo, sau thiếu thực phẩm họ bắt chước người Bắc làm món rau muống luộc chấm nước cá kho, rau muống xào tỏi với chút tóp mỡ, người nội trợ giỏi chế biến được món dưa rau muống, thẩu dưa màu hơi tim tím ăn chua chua ngọt ngọt cũng bắt cơm lắm. Ðược cái tuy thức ăn đơn sơ, nhưng gạo nhà quê ăn ngon và ngọt cơm hơn thứ gạo lưu cữu lâu năm cất trong kho của dân thành phố, cho nên bữa cơm nhà quê tuy không cao lương mỹ vị nhưng vẫn ngon miệng.

            Những món ăn tầm thường ở miền quê qua tay mẹ tôi chế biến, bỗng trở thành những món khoái khẩu cho cả nhà. Mấy con cá rô mề, rổ ốc bươu, thùng cua đồng thêm vào những thứ rau cỏ và gia vị, bỗng chốc từ món ăn chơi ra món ăn thiệt, đầy hương vị thơm ngon cho con cháu. Món cá rô nấu xôi sắn ( gọi theo tiếng miền Bắc) hay xôi khoai mì( gọi theo miền Nam) của mẹ tôi ngon tuyệt trần đời, có một không hai ở cái miền quê hẻo lánh đó. Chỉ có mẹ tôi ở nhà quanh quẩn trong căn nhà bếp với mấy cái chuồng heo chuồng gà, phiá sau là hàng rào trồng khoai mì, đất ẩm và tốt, cây khoai mì lên sơi sởi, chỉ ít lâu là đã có củ để nấu xôi cá cho cả nhà thưởng thức.

            Cách nấu xôi sắn ( hay khoai mì) của mẹ tôi cũng đơn giản. Cá rô làm sạch luộc chín gỡ lấy thịt, phần nước để nấu canh cải xanh , cho thêm mấy lát gừng là cả nhà đã có món canh rau mát bụng. Sắn lột vỏ, cắt ra từng miếng nhỏ, trộn chung với nếp rồi đồ xôi cho vừa chín, khi ấy cá rô đã được ướp chút nước mắm, hành xanh, mỡ nước, mẹ tôi đổ vào chõ xôi rồi đảo nhanh để cá, mỡ hành, muối thấm đều vào nồi xôi sắn, đậy nắp lại. Bấy nhiêu thứ thấm với nhau, sau khi bắc xuống đổ ra mâm, trên mặt được phủ đều một lớp hành phi thơm điếc mũi.

            Mấy ai nghĩ ra được món xôi cá như mẹ tôi, ăn rất ngon mà cũng rất đậm đà, chưa kể món bún riêu cua đồng, kiểu nhà quê không màu mè như nơi thành thị người ta cho đủ thứ vào đó, canh cua bị biến chất không còn nguyên mùi vị đồng quê của nó. Canh cua đồng phải có cây chuối non xắt mỏng, ăn kèm với rau kinh giới, phải có gạch cua còn tươi xào với mỡ hành đổ vào nồi khi nấu xong, không phải dùng thứ bột điều để làm màu cho nồi canh, nhưng đã có cà chua, gạch cua làm sóng sánh một màu vàng óng ả. Một buổi chiều miền quê khi mặt trời ngả bóng đằng Tây, công việc đồng áng, vườn tược đã xong, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, thưởng thức món bún riêu cua nhà quê miền Bắc, không có gì ngon hơn.

            Món ốc bươu nấu khế chua với chút cơm mẻ của mẹ tôi, cá nướng quấn lá lốt đều là những món được chế biến từ những rau cỏ mọc quanh vườn. Rồi cua đồng rang muối, cá trê vàng nấu canh dưa cải ăn với rau sống vừa mát vừa lành, không có trong thực đơn cuả những cửa hàng sang trọng, giờ này theo thời gian đã bị tam sao thất bổn trong lũ con cháu tản mát khắp nơi. Tổ Quốc vẫn như bà mẹ hiền nhưng đã thay hình đổi dạng theo trào lưu tiến hoá của con người và xã hội, hình ảnh bà mẹ quê hiền lành, chịu thương chịu khó như mẹ tôi, lần hồi chìm lỉm trong hồi tưởng cuả những người con còn bám vào những đềm êm của quá khứ. Những người con tha phương cuả mẹ, bây giờ được làm con nuôi khắp xứ, quen dần với những tiện nghi, miếng cơm con cá xứ người, dễ dầu gì được thưởng thức trọn vẹn mùi vị "hương đồng cỏ nội" của những bà mẹ quê tần tảo hôm sớm ngày xưa.

            Quanh đi quẩn lại nhà nhà cứ "liệu cơm gắp mắm" mà sống qua ngày, nhưng "một bà mẹ già bằng ba công ruộng", thật chỉ có bà mẹ quê Việt Nam mới diễn tả được hết cái thâm trầm của câu ví ấy. Các cháu con anh tôi lớn lên sơi sởi nhờ sự vun khéo của bà nội, con cua con ốc cũng trở thành những món ngon lành cho con nhà nghèo ở miền quê. Không làm sao nói hết được công lao của người mẹ trong gia đình, dù chỉ là một cái bóng mờ thấp thoáng, lủi thủi trong căn nhà bếp đầy bồ hóng, ngoài bến nước để gọi vịt về chuồng, suốt ngày con gà, con heo luẩn quẩn đi theo để xin ăn, mới thấy được hình ảnh người mẹ quê Việt Nam đẹp biết chừng nào.

            Tấm tình của mẹ tôi như lan tỏa được đến với những con vật nuôi trong nhà, từ con chó Tony hiền lành đứng nhìn bầy con tranh ăn dường như cũng ảnh hưởng bởi cái tính hiền lành của mẹ tôi. Con gà mẹ sắp chết cũng biết xòe đôi cánh gọi bầy con chui vào đôi cánh mẹ rồi mới rũ xuống lìa đời. Con heo con gà nhà quê cũng ngộ, vẫn được thả rông để sinh hoạt thong thả như con người, vì thế mà một lần mẹ tôi ốm, hai con heo con dù được người khác cho ăn no, vẫn ụt ịt đi tìm mẹ tôi đang nằm trên chiếc giường con ở nhà trên. Y như hai đứa trẻ con thiếu hơi mẹ, khi mẹ tôi qua chơi nhà hàng xóm, hai chú heo con đã vội vã chạy theo luẩn quẩn bên cạnh bà, nằm bẹp xuống chờ đợi. Con heo con gà được nuôi để bán lấy tiền, để làm thịt ăn mà chúng còn tình nghiã với mẹ tôi như vậy, còn lũ con cháu cứ dần dần bỏ mẹ mà đi, thật qủa đáng trách. . .



            * * *

            Trước khi mẹ tôi qua đời độ một tháng, chị em tôi có về thăm mẹ. Mẹ tôi gầy lắm, không đi được nữa, căn bịnh già và mấy thứ thuốc bổ dưỡng Dân Tộc không làm bà khoẻ hơn, cứ từ từ xụm xuống rồi lưng cong lại và không đứng dậy được. Bây giờ thì tôi mới biết đó là chứng loãng xương ở tuổi già, cũng do lao lực làm việc và ăn uống không đủ chất. Thời buổi ấy chỉ nghĩ đến cơm ăn ngày hai bữa, đâu có ai chú ý đến sự săn sóc, bồi dưỡng cơ thể để được sống lâu, sống khoẻ như bây giờ. Hễ máu cao đứt mạch mà "đi" bất tử thì gọi là chết vì trúng gió, còn già mà chết lần chết mòn thì gọi là bịnh già, chưa kể còn trăm thứ bịnh không được chữa trị tới nơi tới chốn, hễ may mà hết bịnh thì được cho là phép lạ, ơn trên độ cho mà khỏi bịnh.

            Mẹ tôi tỉnh cho tới lúc chết, nằm trên giường nhưng vẫn nhắc cho heo ăn, gà ăn, thấy ngả bóng chiều là nhắc con, cháu cho gà lên chuồng, lấy quần áo phơi ngoài sân vào nhà vì sợ sương đêm, khi trời mưa nhắc hứng nước mưa vào lu để dành uống. Không biết mẹ tôi lo chuyện đời làm chi cho khổ thân, chẳng qua cái lòng cuả người mẹ lúc nào cũng băn khoăn từng ly từng tý cho con cháu.

            Những lúc gần gũi hai cô con gái ở xa về, mẹ tôi vui lắm. Mẹ tôi trìu mến nhìn tôi rồi khen cô con Uùt tuy không còn trẻ mà trông vẫn còn xinh, chị tôi gầy ốm hơn, nhan săc tiều tuỵ vì nặng gánh chồng con, mẹ tôi nhìn rồi thở dài thương sót. Chúng tôi hồi còn bé, mẹ goá con mồ côi nên nhà cửa xuyềnh xoàng, sa sút, nhưng đi đâu mẹ tôi vẫn cho chị em tôi ăn mặc tươm tất lắm, áo gấm kiềng vàng, chứ không lôi thôi lếch thếch, mấy tấm hình hồi bé tôi mũm mĩm như con búp bê, đôi má lúm đồng tiền trông thật xinh. Mẹ tôi tiếc rằng không còn gì để lại cho các con, bao nhiêu năm chắt chiu tiện tặn bỗng chốc mà tay trắng vì thời cuộc đảo điên. Chúng tôi biết ngày đi của mẹ gần kề, chỉ khuyên mẹ đừng nghĩ ngợi, để lúc ra đi lòng được thanh thản mà gặp lại cha tôi bên kia thế giới.


            Nhân nhắc đến cha tôi, mẹ tôi mới nhớ lại giấc chiêm bao vừa xảy ra được ít lâu trước ngày mẹ ốm nặng. Mẹ tôi thấy cha tôi trở về, có lẽ là giấc mơ cuối cùng mẹ nhìn thấy cha trong giấc mơ của đời người sắp tàn ấy, lại là một giấc mơ dường như báo trước ngày cha rước mẹ đi, như ngày cha rước mẹ về thời còn trẻ để bước vào đời nhau, sinh sản được một lũ con giờ tan tác như nghé lạc bầy.

            Mẹ tôi kể gặp lại cha tôi trong giấc chiêm bao. Ông hỏi bà còn gì không? Mẹ tôi chực nhớ lại những món nữ trang mà cha tôi mua cho mẹ hồi mới cưới. Ðôi bông tai vàng y hột đá, có hai cái đuôi như đuôi cá thả xuống đằng sau tai, sợi dây chuyền có cây thánh giá, đôi xuyến đeo tay cũng bằng vàng, kể ra thời ấy cha mẹ tôi phải khá giả lắm mới sắm sưả được như vậy. Mẹ tôi lắc đầu nhưng cha tôi không trách móc, ông bảo mẹ tôi đưa tay ra để tặng cho bà những món quà mới, lúc mẹ xoè tay ra nhận thì chỉ là đôi bông tai, sợi giây chuyền và cây Thánh giá kết bằng cỏ. Giấc mơ ấy như nói trước ngày giờ của mẹ đã tới, cát bụi lại trở về cát bụi, những gì cuả cha mua cho mẹ thì cũng chỉ là tro bụi khi con người buông xuôi hai tay để đi vào lòng đất . . .

            Thấy mẹ buồn vì không còn gì để chia cho các con đang vất vả vì miếng cơm manh áo, chị em tôi vin vào giấc chiêm bao ấy để an ủi mẹ. Tôi vốn tính hay đùa, trước cảnh chia ly tử biệt sắp đến tôi vẫn hay pha trò để mẹ tôi phải cười mà quên nghĩ đến nỗi buồn kẻ ở, người đi. Tôi còn hát cho mẹ nghe, trong khi chị tôi cầm chiếc quạt phe phẩy cho mẹ nằm yên, có lẽ mẹ tôi đang lắng nghe những lời hát êm êm ru hồn mẹ vào những giờ phút cuối cùng khi mẹ con gần gũi.

            Mẹ tôi bảo hai chị em khuân chiếc rương gỗ ra để mẹ tôi ngắm nghiá những kỷ vật của mẹ . Chiếc áo dài gấm còn mới tinh ít khi xỏ tay, mẹ tôi khi đi nhà thờ chỉ mặc có mỗi chiếc áo dài soa màu cánh dán, lấm tấm những chấm thâm kim trên lưng áo. Ðôi quần sa tanh còn mới tinh, đôi dép da đen thấp gót và mấy cái áo bà ba còn mới được xếp gọn trong rương, vài khúc vải chưa kịp may mẹ tôi dặn đừng chôn, để dành may áo cho các cháu đi học. Ngoài ra là những tấm hình cũ hồi tụi tôi còn bé, nay đã bị loang lổ, hình bóng cũng mập mờ với thời gian.

            Trong số những đồ vật lặt vặt ấy, có chiếc khăn voan màu đen choàng đầu tôi mua cho mẹ tôi bằng món tiền đầu tiên kiếm được, ngày xưa thỉnh thoảng những hôm trời lạnh, mẹ tôi hay phủ nó ra ngoài chiếc khăn vành dây trên mái tóc. Chiếc khăn voan quấn bên ngoài vài món nho nhỏ khác, trong ấy có cây thập giá mạ vàng. Nhắc tới cây thập giá này tôi lại nhớ chị tôi, đó là món quà muà Giáng Sinh chị đi học xa gửi về làm quà cho cô em bé bỏng út ít của mình. Món quà gồm một cái quạt nhựa xoè ra bằng bàn tay, một con búp bê rẻ tiền cũng chỉ độ bằng gang tay và cây thập giá mạ vàng khoảng một tấc. Tôi dạo ấy còn bé nên chỉ thích chiếc quạt nhựa và con búp bê, không thiết gì tới cây thập giá mạ vàng kia, nhờ vậy mà nó mới còn đó, trong cái rương gỗ của mẹ tôi.

            Khi nhìn thấy cây thập giá mạ vàng, trong tôi như sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu, tình chị em khắn khít với nhau qua những món quà nho nhỏ còn kia. Mẹ tôi bảo tôi đưa cho bà cây thập giá, món quà duy nhất còn lại hồi tôi mới lên mười. Chúng tôi lớn dần lên, ra khỏi nhà và vứt lại cho mẹ tôi những món kỷ niệm nhỏ bé, mẹ tôi cứ như "ông từ giữ đền" ngồi gom góp nhặt nhạnh những kỷ niệm cuả các con, ôm mang chất chồng trong lòng trong khi các con phủi tay mà đi. Tôi còn tìm được dưới đáy rương những tấm ảnh thời đi học, vài lá thư của bạn bè gửi cho nhau , vài tấm thiệp chúc Xuân có cây mai vàng, có bầy én lượn mẹ tôi cũng lượm lặt gói vào cái túi ny lông cột lại cẩn thận, những kỷ niệm dễ thương của một tuổi thanh xuân chúng tôi làm rơi rớt, mẹ tôi cũng nâng niu gìn giữ.

            Bắt đầu từ đấy, mẹ tôi giữ cây thập giá trên tay cho tới giây phút cuối cùng cuả đời người, và khi liệm xác mẹ, nó đã được trở về với tôi sau bao nhiêu năm ròng rã tôi đã quên mất không nghĩ tới. Tôi không nghĩ là mẹ tôi đã chuyển cho tôi nỗi đau khổ cuả cây thập giá mà mẹ tôi đeo mang suốt một đời, nhưng từ đấy tôi xem cây thập giá như một nỗi bình yên khi mỗi lần gặp chuyện buồn phiền, đau khổ. Tôi để cây thập giá mạ vàng trong một chỗ trang trọng nhất, để mỗi lần nhìn thấy là tôi hình dung ra cái tình ấm áp của mẹ tôi và chị tôi, vẫn là điểm tựa tinh thần để tôi vượt qua những nỗi buồn của đời vậy.


            * * *

            Khi chôn cất mẹ xong, chị em tôi ở lại vài ngày, vẫn hay hụt hẫng khi nhìn vào chiếc giường nhỏ của mẹ, chỗ mẹ nằm và tưởng như mẹ vẫn còn đó. Thế là hết một kiếp người. Ðêm đầu tiên ngồi cầu kinh cho mẹ, có con bướm đêm bay vào nhà, đậu trên bàn thờ quấn quýt dưới ngọn đèn dầu leo lét. Tôi nói với chị tôi cầu nguyện cho mẹ đi bình yên, đừng nắm nuối cõi trần tạm bợ khổ đau này, ăn bữa sáng lo bữa tối, ốm đau bịnh tật, con người chỉ tìm cách hành hạ nhau. Biết mẹ tôi thích nghe tôi hát, lúc ấy trong căn nhà miền quê giữa khu vườn đầy bóng cây âm u, thỉnh thoảng nghe tiếng chim kêu dưới mảnh trăng khuya vừa nhô lên nền trời đen thẫm, tôi hát say sưa bài " Lòng Mẹ", nghẹn ngào mà hát khi nước mắt tuôn ướt đầm trên mặt gối. . .

            Tình cờ, chị em tôi lục lọi trên chiếc kệ để quần áo cũ, mới mò ra hai chiếc áo cũ của mẹ tôi còn sót lại. Một chiếc áo cánh nâu bằng vải ngắn tay và chiếc áo dài soa Thái Lan màu cánh dán đã cũ, có khi chưa kịp giặt và được xếp vào đấy rồi quên bẵng đi. Nhìn thấy hai cái áo cũ của mẹ tôi, hai đứa con gái mồ côi như bắt được vàng. Chị tôi hiền lành, hay nhường nhịn dành cho tôi chiếc áo dài của mẹ, có lẽ mẹ tôi chỉ mặc khi đi nhà thờ, về lại treo lên đó. Chiếc áo ướt mồ hôi đã bị nhiều chấm thâm kim trên lưng áo, dường như vẫn còn giữ được chút hơi của mẹ ủ trong hai chiếc áo cũ.

            Chiếc áo cánh màu nâu đã bạc hai bên vai, tấm thân gầy gò của mẹ tôi như còn in trên lằn vải những nếp nhăn ở hai bên nách áo, cái túi áo còn đầy những dấu kim băng, mẹ tôi vẫn cẩn thận gài vì sợ rơi mất mấy đồng bạc lẻ và chuỗi tràng hạt bằng đá. Chiếc áo dài cũng đã cũ, những đường chỉ luồn trên vạt áo cũng bạc màu, theo năm tháng cuộc đời cái gì cũng tàn phai cả, chẳng giữ lại được gì. Hai chị em vùi mặt vào hai tấm áo cũ của mẹ, thút thít khóc . . . .

            Mẹ tôi về với cha tôi ở bên kia thế giới lâu rồi, lâu lắm rồi, chỉ còn để lại trần gian hai tấm áo cũ cho hai đứa con gái, mà mỗi đưá lại ở một phương cách nửa vòng trái đất. Tôi quên hỏi chị tôi ở bên kia về tấm áo cánh nâu của mẹ có còn không, riêng tôi, đi đâu cũng đem theo chiếc áo dài màu cánh dán đã thâm kim vì những giọt mồ hôi của mẹ trên lưng áo. Tôi cắt cho người chị lớn một mảnh nhỏ, chị em chia nhau gia tài cuả mẹ, lòng vẫn bồi hồi thương nhớ.


            Nguyên Nhung


            .



            Comment

            Working...
            X
            Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom