• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Người Sài Gòn

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Sài Gòn

    Người Sài Gòn
    Truyện ngắn của Lê Văn Thảo

    I
    Năm 68 đơn vị chúng tôi đánh vào Sài Gòn, hướng phía Tây, vào được nội thành tiếp tục đánh lấn từng dãy phố. Dân chúng tản cư hết, nhà phố cửa đóng then cài, đêm tối om, nghỉ quân phải phá cổng phá cửa mới vào nhà được.
    Một bữa chúng tôi vào một nhà không phải phá cổng phá cửa, một phòng trên lầu còn sáng đèn. Các anh trong ban chỉ huy lo triển khai đội hình đóng quân, kêu tôi lên lầu coi thế nào. Tôi ghìm súng đi lên, thật cẩn trọng, đến trước cửa phòng còn đứng lại một lúc nghe ngóng, rồi nhè nhẹ gỏ cửa. Cửa mở, một cô gái hiện ra. Không có gì lạ cả, phòng học của cô gái, sách vở, kẹp tóc, rèm cửa, chao đèn… Tôi lúng túng hạ nòng súng.
    “Chúng tôi đóng quân dưới nhà”, tôi nói.
    “Tôi biết rồi”, cô gái đáp, hơi một chút thản nhiên, lạnh lùng.
    “Cô cho chúng tôi ở chớ?”.
    “Mấy anh cứ ở”.
    Không biết nói gì nữa tôi chào đi xuống, báo lại với các anh trong ban chỉ huy những điều trông thấy, nói không biết sao, một cô gái ở trong phòng mình vậy thôi. Các anh nói tôi rảnh rỗi thỉnh thoảng lên dò la xem xét.
    Cô gái suốt ngày ở trong phòng, nấu nướng ăn uống luôn trong đó, ngày vài ba lần xuống nhà vặn nước tưới cây, cho chim ăn. Có mấy lồng chim ở dãy nhà kho phía sau, vàng anh hay họa mi gì đó, cô cho chim ăn, đứng lại một lúc nghe chim hót. Mấy con vật thật lạ, bom đạn càng nhiều chúng hót càng hay.
    Cô gái gần như không nói chuyện với chúng tôi, tuy vẫn lịch sự nhã nhặn, gặp chúng tôi trên đường cúi đầu đứng nép qua một bên.
    Vài lần trong ngày tôi lên lầu gõ cửa phòng tìm cớ hỏi mượn cây chổi, cách sử dụng lò bếp, nán lại một lúc nhìn quanh. Vẫn không thấy gì, không có gì giống máy móc điện đài hay những thứ đại loại như vậy. Cô gái vẫn thản nhiên lạnh lùng, không tỏ vẻ chống đối hay chấp nhận.
    Nói chung không có gì lạ cả, một cô gái Sài Gòn như tôi đã từng biết trước kia.
    Nhưng không thể giải thích tại sao cô ở một mình như vậy, đang giữa lúc bom đạn ác liệt, trong một trận đánh lớn như thế này?
    Có lần tôi hỏi chuyện cô lâu hơn một chút.
    “Anh em chúng tôi lần đầu tiên vào thành phố”, tôi nói. “Chúng tôi còn bỡ ngỡ lắm, không biết có gì làm phiền cô không?”.
    “Dạ không phiền gì đâu”.
    “Cô là người Sài Gòn đầu tiên chúng tôi gặp”.
    “Tôi cũng mới gặp mấy anh lần đầu”.
    “Cô thấy chúng tôi thế nào?”.
    “Thì cũng vậy thôi”.
    “Cô thật tốt, cho chúng tôi ở nhà như thế này”.
    “Không có gì đâu mà”.
    “Cô ở một mình như vầy không sợ sao?”.
    “Tôi ở trong nhà tôi sợ cái gì?”.
    Hôm ra đi tôi lên lầu nói lời chia tay qua khe cửa:
    “Chào cô, chúng tôi đi nghen?”.
    “Dạ, mấy anh đi”, tiếng cô đáp nhẹ như hơi thở.
    Chúng tôi tiếp tục đánh tới, một chiến sĩ đi lạc tuần lễ sau tìm về đơn vị kể chuyện. Anh bị thương nhẹ thôi, bị một toán giặc đánh cắt ngang không thể đi tới, tìm đường về ngôi nhà cô gái. Cô ra mở cổng đón anh vào, vẫn với vẻ thản nhiên lạnh lùng, nuôi nấng chăm sóc suốt tuần lễ. Hai người ở hai phòng cạnh nhau không nói tiếng nào. Vết thương tạm lành, đường thông anh ra đi.
    Vậy là thêm một chuyện ân tình nữa của cô gái đối với chúng tôi. Nhưng cũng thêm một câu đố. Nhiều năm về sau thỉnh thoảng nhớ lại chuyện cô gái tôi cứ thắc mắc, không hiểu sao cô ở lại một mình giữa trận đánh lớn như vậy. Để làm gì? Cô là người như thế nào?
    II
    Sau ngày giải phóng bận rộn nhiều chuyện, mấy năm sau nhớ lại chuyện cũ tôi tìm đến nhà cô gái tìm hiểu. Đã hơn mười năm trôi qua. Ngôi nhà vẫn như cũ nhưng người trong nhà không biết gì cả, họ là chủ mới đến ở sau ngày giải phóng. Tôi tìm hỏi các nhà lân cận, quần tới lui khu phố, cuối cùng có được chút thông tin. Một cô chủ quán trẻ tuổi nói có nghe mẹ kể chuyện, nói có người này...
    “Người nào?”.
    “Một ông công tử nhà gần đây, để cháu đi kêu cho”.
    Tôi ngồi uống ly cà-phê, chút sau có người đàn ông đi vào, trạc tuổi tôi, nghĩa là độ trung niên, ăn bận bảnh bao, dáng vẻ phong lưu nhàn nhã. Ông nhìn tôi lạnh lùng:
    “Ông tìm hiểu chuyện đó chi vậy?”.
    “Tôi định viết bài báo”, tôi đáp.
    “Tôi cũng đoán vậy”, ông ta nói. “Báo chí bây giờ lấy chuyện người khác nuôi sống mình. Mấy hôm rày tôi thấy ông đi riễu qua đây. Nhưng ông không viết được không?”.
    “Sao vậy?”.
    “Không sao cả. Có những chuyện không nên viết, vậy thôi”.
    “Hồi xưa cô ấy đã giúp đỡ chúng tôi”.
    “Tôi có nghe chuyện đó, cô ấy đã làm được chuyện tốt. Nhưng ông có viết tiếp nữa không, nếu có chuyện không tốt như vậy?”.
    “Tôi không biết. Chúng tôi chỉ ở đó mấy ngày rồi ra đi”.
    “Còn chúng tôi ở đây cả đời”, ông nói. “Bao nhiêu chuyện vui buồn hay dở, ông không viết hết được đâu”.
    Ông công tử có vẻ muốn chấm dứt câu chuyện. Nhưng tôi cố dò hỏi:
    “Sau đó có chuyện gì với cô ấy?”.
    “Cũng có”, ông đáp, ngập ngừng, như muốn lựa lời. “Chuyện là như vầy. Ông muốn biết tại sao cô ấy ở lại một mình giữa bom đạn ác liệt chớ gì? Cô ấy là chiến sĩ đặc công, hay sứ giả hòa bình? Không, cô ấy chỉ là người dân bình thường, như mọi người chúng tôi. Cô ấy đang dấu một người dưới hầm. Một người tình! Và người đó là tôi! Chuyện trai gái ấy mà. Hồi đó tôi còn trẻ, và cô ấy là một cô gái đẹp, đúng không? Nhưng nhà cô ấy gia giáo nghiêm khắc, còn tôi thì chơi bời lãng tử. Chúng tôi lén lút đi lại với nhau, nhiều ngày tháng trôi qua, cho đến hôm mấy ông bất ngờ đánh tới, tôi bị kẹt trong nhà. Gia đình cô ấy tản cư từ trước, cô ấy liều mình ở lại với tôi. Suốt mấy ngày tôi ở dưới hầm, mấy ông ở trên, cô ấy vừa lo giúp mấy ông vừa lo cơm nước cho tôi, tôi ăn cùng với mấy con chim. Chuyện như vậy đó, ông có định viết không?”.
    Tôi có định viết gì đâu. Tôi nói sang mấy chuyện khác rồi đứng lên, cô chủ quán kéo tôi vào trong nói nhỏ:
    “Chú đừng tin ông ấy. Ông ấy nói dóc đó. Ông ấy hiền lành tốt bụng lắm, chỉ có con nhà giàu rong chơi sanh tật nói dóc thôi. Năm đó cháu còn nhỏ nhưng cháu vẫn nhớ, nhà cháu với nhà ông ấy cùng đi tản cư, chính ông ấy cõng cháu. Làm gì có chuyện người tình ăn cùng với chim. Cháu mét vợ ông ấy thì ông ấy chết”.
    Vậy chuyện ra sao? Cuối cùng rồi câu chuyện của tôi lại đi vào ngõ cụt.
    III
    Lại hơn mười năm nữa trôi qua. Cho tới gần đây ông công tử đến tìm tôi. Vẫn với dáng nhàn nhã phong lưu, nhưng ông đã già đi nhiều, lưng hơi còng tóc bạc một nửa. Ông ngồi với tôi tại phòng khách cơ quan, người ra vào chen sát bên lưng. Ông vào chuyện ngay:
    “Tôi nói lại chuyện cô gái ngày xưa. Tôi đã kể ông nghe hết rồi, nhưng ông bỏ đoạn sau dùm tôi”.
    “Đoạn nào?”.
    “Đoạn người tình dưới hầm”.
    “Thì chính ông mà?”.
    “Không phải tôi. Hồi đó tôi sợ ông viết báo nên nói dối. Cô ấy có dấu người tình dưới hầm, nhưng là người khác. Một thằng không ra gì. Tôi thương cô ấy hết lòng, nhưng cô ấy không thương tôi, lại đi thương thằng mắc dịch ấy. Một thằng du thủ du thực cờ bạc hút xách đủ cả, có lần dính với một vụ cướp phải đi tù. Nó không phải người ở đây, cũng không ở đâu. Không biết cô ấy gặp nó ở đâu dính với nó như vậy. Sau lần cô ấy liều mình ở lại với nó, mấy ông rút đi rồi nó cũng trốn đi, cuỗm theo tất cả tiền bạc tư trang gia đình. Yên rồi gia đình trở về từ cô ấy, thật ra trước đó cô ấy đã trốn đi với nó rồi. Thế là bắt đầu cuộc đời khổ cực của cô ấy. Không thể tưởng tượng được. Không một ngày cô ấy được sung sướng. Thằng ấy đâu thương gì cô ấy, chỉ lợi dụng vòi tiền, cô ấy bỏ nhà bám theo nó, nó coi như món nợ mặc tình vùi dập hất hủi. Một lần có người gặp hai đứa trên núi Bà Đen, đi coi bói cho khách hành hương, cô ấy coi tay giũ quẻ nó giữ bọc thu tiền. Một lần khác hai đứa đi đào vàng, cô ấy đãi cát dưới suối nó nằm ngủ dựa gốc cây. Nói chung hai đứa làm đủ thứ nghề bậy bạ không ra làm sao, và cô ấy làm chớ không phải nó làm. Có lần có người thấy chúng vào ăn cơm nhà hàng, nhưng lần khác lại thấy chúng đánh xe bò, chính cô ấy cầm cương, trong xe không thấy chở gì cả ngoài thân xác nằm ườn ra của thằng ấy. Lâu lâu cô ấy bị nó đánh cho một trận phải nằm bịnh viện, đó là dịp tôi đến thăm cho ít tiền đồ đạc, không nhiều nhặn gì vì bà vợ tôi không phải tay vừa. Có một lần cô ấy lết về tận thành phố, tưởng cô ấy bỏ nó được rồi, tôi mua cho căn nhà nhỏ chiếc xe ép nước mía làm phương tiện sinh sống. Nhưng chẳng được bao lâu, đến thăm thấy nhà trống hoang. Cô ấy lại bỏ đi với thằng đó... Tại sao vậy hả ông? Tại sao người ta cứ đi tìm chuyện cực chuyện khổ như vậy?”.
    “Tôi không biết”.
    “Tôi cũng không biết. Nhưng tôi vẫn thương cô ấy, cô ấy càng khổ tôi càng thương. Hôm nay tôi đến nói chuyện với ông vì cô ấy vừa mới trở về. Là do thằng đó đã chết. Uống rượu say té chết hay bị chó cắn gì đó. Cô ấy về đem theo đứa con gái nuôi. Đến đứa con thằng đó cũng không cho được cô ấy. Hai mẹ con ở căn nhà tôi mua cho dạo ấy. Nhưng chỉ được mấy ngày đứa con gái nuôi bỏ đi mất, chắc lại bám theo một thằng mắc dịch nào đó. Lại vô cái vòng lẩn quẩn rồi. Cô ấy giờ đã già, cuộc đời long đong khổ cực khiến cô ấy tàn tạ như một mụ ăn xin, còn sức đâu đi coi bói đánh xe bò được nữa…”.
    “Ông không có cách gì giúp được sao?”.
    “Giúp làm sao, cô ấy có phải vợ tôi đâu? Tôi đâu giàu có gì, không còn vợ con tôi phải lo hay sao? Nhưng tôi đến nói chuyện với ông không phải chuyện đó. Tôi đến nhờ ông viết một bài báo. Chuyện đời hay dở như tôi với bà ấy, hay với ông, chúng ta đã qua một đời rồi... Tôi chỉ mong ông viết bài báo may ra đứa con gái nuôi đọc được, trở về với má nó”.
    9-1998
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom