• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Cây bằng lăng bông tím

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cây bằng lăng bông tím

    Cây bằng lăng bông tím
    Truyện ngắn của Phạm Trung Khâu

    Con đê nhỏ ngoằn ngoèo chạy ra đường cái nhuộm vàng thẩm nắng chiều. Cả gia đình anh Gàn trở về nhà. Anh đi trước, mái tóc hớt ngắn, dựng ngược lên như bụi gốc rạ cứng bị lưỡi hái bén xén ngang. Vai phải hơi gù, đang vác cây cuốc. Vai trái một con nhồng đen thảnh thơi đậu. Chị đi sau, tóc búi kiểu củ tỏi lăn lanh chanh trên cái áo bà ba bạc phếch. Rồi tới thằng Tí, thằng Sửu, thằng Dần, thằng Mẹo, thằng Thìn, cuối cùng là con Ty. Riêng đặc biệt thằng Tí, nó đôi cái kết đỏ chét, đỏ đến khó coi, cũng tại cái kết nầy khiến ba nó bị nạn. Thử so sánh nếu anh được xem như một cạnh thẳng góc với con đường thì con Ty chính là cái góc nhọn của một hình tam giác. Đi theo đội hình trật tự từ lớn đến nhỏ như thế nhưng trông họ thật nhàn nhã.
    Thỉnh thoảng có những phá lệ. Thường nhất là con nhồng, đôi lúc cao hứng xà xuống một cọng cỏ lát, mổ nhanh một con châu chấu xanh rồi ngướng ngướng chiếc cổ đen nuốt mồi. Lúc đó tất cả dừng lại, anh lội xuống bắt nó, đặt lên vai trái và trở về vị trí đầu của mình, cả toán lại di chuyển. Lúc đi, anh lấy bàn tay vỗ vỗ trên đầu con nhồng căn dặn:
    - Cái ăn là cái nhục. Ráng mà chừa.
    Con nhồng phồng cổ trả lời bằng tiếng người, trọ trẹ:
    - Dạ dạ. Dạ dạ.
    Đôi khi thì thằng Thìn, trong chỗ thứ sáu tách khỏi hàng, nhẩy cẩng xuống ruộng chộp vội con cào cào vồ xám tro trên bụi cỏ đuôi chồn rồi vội vã chạy về, vừa đi vừa đưa con vật lên sát mắt, ngắm nghía cái kheo chân bén ngót như lưỡi cưa sắt mới mài của nó. Cuối cùng là cô gái độc nhất của anh, cô đong đưa nhánh muồng vàng tươi trong ánh nắng, nhiều lần cô vờn tay đùa với con bướm đỏ đang bay la đà theo nhành hoa.
    Tôi gặp anh ngay ngã ba đường, thấy tôi anh chấp hai tay trước ngực, cúi nhẹ người xuống một chút rồi cất tiếng chào – Vô ý lúc đó tôi lại đưa mắt nhìn cườm tay anh để xem vết thương bị đánh lần trước đã lành chưa – Tiếp theo tới chị, rồi sáu đứa con anh rập như thế. Hễ cứ gặp anh lại gặp cái khuôn phép cũ kỹ đó nên tôi vả lả cho qua chuyện:
    - Anh và chị đi ruộng về.
    - Bẩm! Không anh, gia đình tôi đi tưới rẫy bắp.
    - Cả gia đình tưới. – Tôi hỏi, rồi quay sang bẹo má cô gái út hỏi tiếp.
    - Bé tí vầy tưới sau nổi.
    Anh trả lời:
    - Đi cũng có trật tự của nó. Ngồi cũng có trật tự của nó. Làm việc cũng có trật tự của nó. Như thế mới ổn anh à. Nhỏ thì tưới thùng nhỏ, lớn tưới thùng lớn.
    - Vậy anh sắm bảy cỡ thùng. – Tôi hỏi đố chơi.
    - Bẩm anh! Đúng y như vậy, bảy cái. Cái lớn nhất là của tôi. Cái nhỏ nhất dành cho con Ty.
    Tôi vui vẻ vỗ vỗ vào đầu con Tỵ.
    - Tôi, tôi xin nể cái trật tự của anh.
    Anh vẫn nghiêm trang như trước:
    - Trật tự là đạo đức.
    Tôi cảm thấy rõ mình bị ngố trước câu trả lời của anh, lúng túng chẳng biết xử lý ra sao. Lúc đó anh lại gỡ rối cho tôi. Anh quay sang vai trái nói hơi to:
    - Nhồng chào bác đi.
    Con nhồng nghiêng nghiêng đầu, nháy nháy cặp mắt viền vàng đen lay láy nhìn tôi. Anh giục.
    - Chào đi.
    Con nhồng nghe lời anh phồng cổ cất tiếng:
    - Chó đẻ. Chó đẻ.
    Tôi bị ngố lần hai, nhưng lại tức cười, tức đến không nhịn được, tôi cười xoà xoà. Không phải cười vì lối chào du côn của con nhồng mà vì khi ấy anh cúi xuống để lộ trên mái đầu một vết trắng hếu – Vết thương bị đánh do sự nhầm lẫn thật tức cười, tôi sẽ kể ở đoạn sau – Còn anh nhìn tôi ái ngại thật sự, anh nói:
    - Tôi xin lỗi anh, nó là con vật. Tôi sẽ dạy nó lại. Hình như nó thích nghe mấy đứa trẻ nghịch ngợm hơn tôi. – Nói xong, anh lấy bàn tay vỗ vỗ đầu con nhồng căn dặn:
    - Cái nói là cái nhục. Ráng mà chừa.
    Xong từng người chấp tay chào tôi. Họ về nhà. Cô gái út vẫn làm cái góc của hình tam giác.
    Đó là hình ảnh cuối cùng giữa tôi và anh. Riêng gia đình tôi suýt tí nữa thì mất anh, mất con người gàn gàn như thế. Chỉ vì cây bằng lăng bông tím, cái cây mà tôi dùng làm tựa cho chuyện kể này.
    Cái mương thẳng, nhỏ làm ranh đất giữa hai bên. Tôi và anh Gàn là bộ đội phục viên. Đều về quê vợ và vô tình hai người lại ở kế nhau. Mỗi hộ không quá một công đất, riêng anh Gàn còn có riêng thêm nửa công rẫy ở xa nhà. Hai bên đều trồng lơ thơ mấy cây chuối, vài bụi xả, một khóm rau xanh, dăm cây ớt để dùng lặt vặt hằng ngày. Trong vườn chỉ có cây bằng lăng được coi là cổ thụ. Gốc nó đến một người ôm. Cây cao độ ba thước. Phía trên không biết bị ai chặt cụt. Ngay vết thương mọc ra vô số những nhánh to, dựng thành một tán hình dù tròn và rộng. Cây bằng lăng tuổi ít cũng cả trăm, đến giờ dân ở đây chẳng ai biết nó mọc tự lúc nào.
    Do cái thế đứng không đàng hoàng của nó mới sinh lắm chuyện. Nếu công nhận quyền sở hữu thì gốc nó mọc bên phần đất của tôi, nhưng ác thay hai phần ba thân mình nó lại trườn qua, chiếm phân nửa cái sân và trùm cả bến nước trước nhà anh Gàn.
    Tôi đi làm xa, vài tuần, đôi tháng, có lúc cả năm trời mới trở về nhà. Kế bên, nhưng trước chẳng biết nhau. Tôi lại ít rượu nên không có dịp thù tạc la cà với anh, chỉ có vài lần uống trà suông.
    Riêng vợ, mấy đứa con tôi với gia đình anh, bao năm qua vẫn một mực hoà nhã. Còn cây bằng lăng nó chẳng cho quyền lợi kinh tế thiết thực gì giữa hai hộ. Mỗi năm chỉ vào tháng ra hoa nó mới có ít nhiều công dụng. Từng chùm hoa lớn tua tủa trương những cánh hơi to như hàng triệu đồng tiền nho nhỏ màu tím rịm, làm mát cả khoảng trời. Vào lúc đó những đứa con tôi, những đứa con anh Gàn, túm tum dưới nó thảy đào lỗ, đánh thia lia, đôi khi chúng ngồi cả dọc trên bờ lẳng lặng ngắm những cánh hoa rụng đầy mặt sông, đang bập bềnh, bập bềnh trôi theo dòng nước.
    Dịp này mỗi chiều anh Gàn bảo vợ dọn cơm trên sân nước, dưới tán bằng lăng, các con ăn, còn anh uống vài ba ly rượu đế.
    Cách sống qua hành động hơi dị biệt, cách lý sự gàn gàn như thế, cả làng cho là gàn, nên gọi thành danh. Vợ anh lúc đầu hơi buồn lòng vì từ “Chị Gàn” nghe nó không được đứng đắn. Chị chịu đựng, chịu đựng giờ thì quen.
    Có một lần tôi về nhà, đang chui qua bụi chuối xiêm có những lá thật lớn, chợt loáng thoáng nghe tiếng vợ tôi cãi lẩy với anh Gàn. Sự kiện nầy làm sao xảy ra được vì lúc nào tôi cũng căn dặn vợ, tôi thường đi vắng, ở nhà với mấy đứa con nhỏ nhờ quí hàng xóm láng giềng, sẽ có lúc nhờ nhau từng hòn lửa, từng trái ớt.
    Lúc này, thấy sự có mặt của mình sẽ gây khó xử cho đôi bên. Nên tôi lẳng lặng mở cửa sau lén lẽn vào buồng nhà mình nằm.
    Tiếng vợ tôi:
    - Thật tình mà nói, anh thấy có bao giờ gia đình tôi, gia đình anh nhỏ nhặt bủn xỉn với nhau đâu. Xin anh và chị nghĩ kỹ lại. Từ lâu tôi cũng muốn có một chiếc xuồng để đi đây đi đó hoặc cho mấy đứa nhỏ nó giăng câu, thả lưới kiếm mấy con hủng hỉnh qua ngày. Tụi tôi mới tính đốn, vả lại nếu để thì nó che khuất cả cái nhà anh thôi.
    Anh Gàn nhỏ nhẹ:
    - Bẩm chị, cây cối mọc cũng có trật tự của nó. Nó muốn đứng đâu thì đứng, tuỳ nơi tuỳ chỗ nó chọn, không ai ép nó được. Cây bằng lăng mọc ở đây lâu lắm rồi. Nó biết phận chịu lép ép sát mé sông, nhưng vẫn xum xuê cành lá. Như vậy chỗ này thích hợp với nó. Thế chị đòi đốn. Tôi thấy việc đó không phải đối với nó. Vợ chồng tôi xin chị. Thịt bằng lăng cũng chẳng chắt chít gì.
    - Anh chị nói thế cũng phải, nhưng thiệt tình chúng tôi rất cần chiếc xuồng để làm chân.
    - Bẩm chị, đốn cây cũng có trật tự của nó. Tôi biết chị đã quyết nên hồi hôm tôi đã bàn với vợ tôi. Thôi thì, chị cứ lấy chiếc xuồng của tôi mà xài. Còn cây bằng lăng chị cứ để nó sống. Tôi thề đây không phải là sự đổi chác.
    Vợ tôi trả lời:
    - Không đâu anh, tôi cũng thề có đất trời, tôi nào có bắt nhặt bắt thưa gì nhau để nhận chiếc xuồng kỳ cục vậy. Anh chị nghĩ quấy quá cho tôi rồi.
    - Bẩm! Vợ chồng tôi biết điều đó rõ lắm. Nhưng nếu chị không nhận chiếc xuồng mà quyết đốn thì vợ chồng tôi cũng quyết bảo vệ đến cùng.
    - Như vậy, anh chị không cho tôi đốn cây của tôi.
    - Bẩm! Chị nói vậy, tôi xin trả lời, gốc nó mọc bên đất chị nhưng lá và hoa nó lại chiếm khoảng không bên tôi. Nếu chị đốn gốc, làm sao lá và hoa của phần bên tôi sống được. Xin chị hiểu cho.
    - Rõ ra anh lý sự gàn. Cây gốc đâu thì thuộc về đó. – Vợ tôi tính vốn hiền hoà nói được câu như thế, tôi biết đã là giận lắm. Anh Gàn vẫn nhỏ nhẹ.
    - Bẩm! Xin chị để nó sống. Nhưng thôi chị cứ lấy chiếc xuồng của vợ chồng tôi mà xài tạm. Còn chuyện đốn nó, chị thư thả đợi anh về cùng bàn. Nhưng tôi chắc rằng anh cũng sẽ đồng ý với tôi chị ạ.
    Nằm trong buồng nghe hất câu chuyện, sợ còn dây dưa thêm nữa, tôi bảo đứa con gái đầu lòng gọi vợ tôi vào nhà. Cả năm nay chúng tôi dành dụm tiền định mua một chiếc xuồng con. Nhưng tiền cứ như nước lớn ròng ở cái xẻo nhỏ trước nhà, thấy đó mất đó, mãi cho đến giờ vẫn không đủ. Vợ tôi bàn đốn cây bằng lăng đóng tạm. Tôi chưa có ý kiến nhưng chắc rằng việc đốn cây của mình thì có rắc rối gì. Nhưng sự thể diễn ra như thế. Rõ ràng lý sự của anh Gàn thật gàn, gàn không chịu được. Tôi không hiểu giá trị sự sống cây bằng lăng như thế nào mà anh nhất quyết đòi đổi chiếc xuồng để cho nó sống. Nhưng tôi lại muốn đồng ý với anh vì một điều duy nhất là tôi sợ sự rạn nứt giữa hai gia đình nghèo khó trong một cái xóm quá hẻo lánh.
    Tôi nhỏ nhẹ thuyết phục vợ tôi, nếu thêm cái xuồng cũng tiện vì có thêm cái đi, cái ăn nhưng lại cực cho bầy trẻ vả lại nhà còn một đứa không biết lội. Nên thôi, đừng đốn nó, việc nầy lại tránh được sự phiền giận giữa đôi bên. Vợ tôi tấm tức, hồi lâu cũng nguôi ngoai dần. Sau bảo tôi qua thăm anh Gàn luôn thể cho biết ý định mới nầy.
    Tôi đến. Anh chuẩn bị ăn cơm chiều. Gia đình ngồi vòng quanh cũng theo thứ tự lớn nhỏ. Trên mâm, tám cái chén đang vây tròn bốn món ăn, một dĩa cà nâu nướng, một bát canh ngót nấu không, một tô cá lòng tong kho khô, một dĩa rau muống luộc. Thấy tôi ánh mắt chị lo ngại nhìn anh. Tôi biết chị đang hỏi anh phải xử sự làm sao với lý do là các món ăn quá ít chẳng có gì mời khách, chứ không phải việc rắc rối buổi sáng. Anh bình tĩnh như thường lệ, chấp hai tay xá nhẹ, cất tiếng.
    - Bẩm, chào anh!
    Cả nhà đang ở tư thế cầm đũa cũng bỏ xuống tuần tự chào tôi.
    Cái tính toán ở nhà lúc sáng giờ lại sai. Tôi định đến trong lúc gia đình dùng bữa. Tôi qua và tự nhiên xà ngay xuống ngồi với anh rồi móc chai rượu đem theo trong lưng ra, hai đứa cùng uống, cùng tâm tình cho cả nhà nghe, để tạo lại không khí hoà thuận xưa cũ. Tôi đã làm như thế. Chọn chỗ ngồi gần cô gái út, vả lả móc chai rượu ra nhưng không ngờ chị cùng sáu đứa con nhất loạt đứng lên nhìn anh chờ ý.
    Anh đằm thắm bảo tôi:
    - Bẩm anh chờ tôi thu xếp trật tự một chút.
    Rồi bảo chị xớt lại mõi thứ đồ ăn một ít cho hai chúng tôi uống rượu. Còn chị và các con dọn vào bàn trong. Tôi ngại ngùng định can thiệp nhưng nhìn những ngón tay đầy vẻ cương quyết của chị, tôi biết sẽ vô ích.
    Xong đâu đấy anh mời tôi ngồi đối diện, bên anh cũng sẵn một keo rượu ngâm đầy những con rắn có những khoang vằn vện, quấn quít vào nhau trông ghê rợn. Anh gắp một miếng cà bỏ vào chén tôi, chậm rãi rót rượu nói.
    - Bẩm cái ăn, cái uống cũng có trật tự của nó. Tôi mời anh chén rượu chủ trước, rồi đến rượu khách sau. Thứ rượu nầy uống không nhức mình. Tôi ngâm đến ba mươi hai thứ rắn đó anh.
    Anh bưng ly uống trước. Tính tôi xuề xoà, đôi khi hơi khoác lác. Tôi không biết uống rượu nhưng bưng ly ực một cái cho ra vẻ sành sỏi. Tuần tự như thế đến ngà ngà say, kể hết cả chuyện buồn vui đời lính mà chưa ai dám đả động gì đến chuyện đốn cây bằng lăng.
    Buổi chiều quê đậm dần theo hơi thở nồng nàn của rượu, đậm đến nỗi không khí đặc quánh như có thể đưa bàn tay sờ được. Mình tôi ngột ngạt tôi mở banh cả ngực áo hóng gió. Có một cơn gió thoáng qua. Tiếp theo hai ba cơn gió thoáng qua. Gió làm mát lạnh cả lồng ngực và nây bụng. Bỗng lay lắt trước mắt tôi một vệt tim tím phảng phất như làn ảo ảnh. Rồi từng vệt như thế thi nhau rơi xuống. Tôi nhìn lên theo đường rơi của nó. Trên đầu tôi mới vầng mây tím, bằng lăng ra hoa che rợp góc trời.
    Biết tôi đang ngắm hoa, anh nói:
    - Của đấy cho con người mà.
    Tôi lặng lẽ nhìn. Hoa tím cả mặt tôi. Màu tím đầm thấm đến đau xót.
    - Đến mùa này thì tôi uống rượu. – Anh tiếp – Còn mấy đứa nhỏ con của anh, con của tôi. Sáng sáng, tụi nó lượm những cái bông rụng này – Anh lượm một bông bằng lăng – Tụi nó làm tiền chơi nhà chòi hoặc thả xuống sông làm thuyền. ở cái làng quê mình, tụi nó có gì mà chơi.
    Câu nói của anh làm tôi xốn xang và buộc tôi nhìn xuống bàn tay anh. Những ngón tay to bè bè, chai cứng khiến trong cái đầu mụ mẫn vì rượu của tôi cũng cố thử nghĩ xem nó đã vuốt mòn biết bao nhiêu bá súng, vuốt mòn bao nhiêu cán cuốc để cho những đứa con anh có dĩa cà nướng đạm bạc chiều nay. Tôi lại xoè bàn tay thon nhỏ của mình đưa lên sát mắt. Nó đỏ hồng và mảnh mai, những vết chai cầm súng khi xưa giờ lặn đâu mất; Chỉ còn có ba vết chai mới một ở đầu ngón cái, một ở đầu ngón trỏ, một ở đầu ngón giữa, bỗng thấy mắc cỡ với lòng mình. Nhưng tôi biết nghề tôi hiện thời cũng không khác và khá gì hơn nghề của anh.
    Uống cạn ly cuối cùng. Mặt tôi nóng ran. Mi mắt nặng trĩu, tôi cố nhướng lên, đứng dậy. Bỗng thấy một bông bằng lăng lắng dưới đáy ly, tôi nhặt nó, rồi khập khểnh chân hươu đá chân nai ra về quên cả việc chào anh. Chiều nay tôi say khướt, say vì cái mẻ làm ra vẻ sành sỏi rượu của mình.
    Sáng ra, tôi thấy chiếc xuồng đã cắm bên mương tôi. Biết anh đem nó thế sự sống cho cây bằng lăng. Tôi cương quyết bảo vệ đem trả lại, nhưng chị Gàn cho biết anh Gàn đã đi từ sáng sớm và không dễ gì thay đổi ý anh được.
    Tôi đâm vào tình trạng khó xử thêm, thầm trách vợ con. Cây bằng lăng đã rắc rối, giờ lại thêm chiếc xuồng khó lòng xử sự.
    Hôm đó, tôi suy nghĩ mãi mới tìm được hướng giải quyết về phần mình, dặn vợ con nói với gia đình anh Gàn. Tôi lại ra đi.
    Sau dạo đó ít lâu, tôi về nhà thì anh bị tai nạn: Tai bay vạ gió, nhưng xét cho cùng thì cũng có một phần lỗi do tính tình anh, cái tính “kiến nghĩa bất di…” hễ gặp cái ách liền đưa tay xách quàng vào cổ.
    Vẹt bụi chuối đã có thêm vài cây nanh con, tôi vào nhà. Vợ tôi đang nghỉ trưa ở bộ ván ngựa cạnh tấm vách lá, thấy tôi vội ngồi bật dậy mừng quýnh. Chưa nói được điều gì, vợ tôi đã bảo qua thăm anh vì anh bị người ta đánh.
    Tôi đến. Anh nằm ngay ngắn trên bộ vạt tre, phía trên còn treo lủng lẳng cái ba lô bạc phếch. Anh ngủ, cái đầu gốc rạ và cườm tay phải đang bó băng trắng xoá. Nghe tiếng húng hắng ho báo khách của tôi, anh thức dậy. Thấy tôi, anh toan chấp tay chào nhưng có lẽ vì vết thương nặng cho nên nhắc lên không được. Tôi biết anh cố gắng lắm khi làm động tác đó vì cuối mắt anh hằn lên những vết nhăn mới, đường nét của đau đớn. Tôi lật đật ấn anh xuống.
    - Đừng ngồi, anh cứ nằm. Tôi sang thăm anh đây.
    Anh Chịu nghe lời, nhưng tỏ ra lúng túng thật sự. Đây có lẽ là lần đầu tiên anh mất bình tĩnh trước tôi vì cái hình dạng khác lạ đến dị hợm của anh.
    Anh kể hôm đó anh cùng gia đình ra rẫy thì thấy miếng ruộng kế bên người ta đang chuẩn bị xô xát với nhau. Hai bên cụ bị dao, gậy đựng chật cả ranh đất. Họ làm như sắp sửa chém giết nhau. Thấy thế anh vội chạy báo công an lúc anh về đến thì họ quần nhau vang cả mặt ruộng. Công an chưa đến kịp. Anh kêu họ ngừng tay và vội vàng chạy vào can thiệp. Có ngờ đâu họ chỉ hò hét doạ nhau. Riêng anh lại xông xáo vào can, họ chẳng biết anh về phe ai. Quá sợ vì sự sốt sắng của anh nên hai bên bổ đại vào người anh rồi bỏ chạy. Vết thương ở đầu nặng làm anh bất tỉnh ngay.
    Anh chỉ cho tôi cái kết đỏ lét của thằng Tí đang treo trên tường và cho biết lúc xông vào, anh chụp đại chiếc nón đỏ chói đó đội lên. Anh khẳng định chắc chắn với tôi rằng tại cái nón khách lạ đó mà họ nên anh. Chớ anh với họ có thù oán gì nhau.
    Kể xong, anh nói:
    - Bẩm, đánh nhau cũng phải có trật tự của nó chớ anh.
    Tôi phì cười trước câu lý sự gàn đó.
    Riêng chiếc xuồng ở nhà đã dàn xếp ổn theo ý anh. Mỗi bên thay nhau sử dụng nó liên tiếp nửa tháng.
    *
    Bẵng đi một dạo thật lâu, tôi lại về. Đến đầu xóm đã nghe tin anh chết. Vợ tôi nói cái chết anh rất đơn giản đến như vô lý. Anh đi tưới rẫy ngang qua nhà ông Ba Dừa, thấy đứa con gái út của ông đang oại người vì bị rắn cắn. Nhà giữa đồng, cả gia đình đi vắng, chỉ có hai chị em còn nhỏ giữ nhà. Con chị nói em nó bị rắn cắn rồi tỉnh bơ ngồi chơi đánh đũi với những cọng u du, nó không hiểu nỗi nguy hiểm đang chờ em nó. Con bé đang mệt. Anh cột phía trên, và rạch vết thương hút thật kỹ máu độc, cõng con bé băng đồng chạy về xã. Khi trạm y tế đưa cô bé đi tìm thuốc. Anh về nhà nghỉ. Một giờ sau thấy hơi mệt, anh cho bởi chạy bộ đoạn đường quá dài. Nhưng cơn mệt kéo đến mấy giờ đồng hồ sau. Anh ngộ độc vì hút nọc rắn trong khi nướu răng bị rách mà anh không hay. Con bé sống, còn anh chở đi tìm thuốc nhưng không kịp. Chị Gàn nói lúc gần chết anh có trối lại là hai gia đình đừng đốn cây bằng lăng. Vì anh biết hai gia đình cùng nghèo, chắc chắn mấy đứa nhỏ sẽ bỏ xứ sở đi xa vì miếng cơm, manh áo. Cứ để cây bằng lăng sống cho tụi nó có một chỗ để nhớ, để quay về cái quê hương thời non dại.
    Chiều ngày đó. Tôi cùng vợ chống chiếc xuồng qua thăm chị Gàn. Vô tình lại ngay buổi cơm cũng ngay mùa hoa trổ; Chị vẫn dọn cơm dưới tán bằng lăng. Gặp chúng tôi chị bỏ dở bữa giữa chừng. Nhắc ba cái ghế bắc cạnh, nhưng cả ba đều không ai chịu ngồi trước cũng không ai nói với nhau lời thăm hỏi nào. Cứ đứng.
    Tôi nhìn vào mâm cơm, các món ăn như cũ, cà nướng, cá lòng tong kho khô, canh ngót, rau luộc. Mấy đứa con đang ngồi cũng theo cái trật tự từ lớn đến nhỏ, chúng không ăn chỉ chống đũa nhìn chúng tôi rồi nhìn đăm đăm vào ba chỗ trống còn lại. Tôi nhìn vào đó. Bỗng giật mình vì biết hai chỗ trống kia, một của anh, một của chị, còn một nữa là ai. Tôi hỏi còn một chỗ nữa của ai. Chị đáp:
    - Thằng Tí đã đi ở đợ cho ông Bác rồi. Tôi không đủ gạo nuôi với nó muốn kiếm tiền phụ tôi.
    Tôi chịu đựng không nổi đành làm bộ nhìn lãng lên cây bằng lăng. Bất ngờ trong tán cây sâm sẫm đó có tiếng chào tôi, rõ to vang lên:
    - Bẩm! Chào Bác ạ.
    Tôi giật mình kinh hãi, chẳng lẽ là hồn ma bóng quế của anh Gàn. Không đợi lâu, từ ngay chỗ phát ra tiếng nói, một vệt đen huyễn hoặc bay vòng cầu thẳng đến trước mặt tôi và nhẹ nhàng đáp xuống bờ vai trái:
    Con nhồng đen của anh Gàn, sau khi đậu lại phồng cổ chào tôi thêm câu nữa.
    - Bẩm! Chào Bác ạ. – Rồi nó bay một mạch về tán cây.
    Trời chập choạng. Màu tím hoa ngả đậm và khép kín vòng tròn. Tôi chăm chú nhìn theo con nhồng nhưng bóng nó đã lẫn trong tán cây, chỉ còn làm lao xao vài cành nhỏ. Bỗng từ trong đó anh Gàn với cái vai phải hơi gù, khoác chênh chếch chiếc ba lô xanh vẹt lá bước ra. Anh bước từng bước rất trật tự trong dầy đặt tia chớp đỏ của lửa đạn. Rồi trong tích tắc, cái hình đáng ấy biến đổi, cũng anh nhưng vai phải gù xuống hơn. Anh đang vác cuốc bước từng bước rất trật tự trên con đường quê nghèo khó với đàn con dài dằng dặt đàng sau. ảo ảnh của hoa bằng lăng chăng. Tôi tự hỏi. Không! Rõ ràng anh Gàn thật. Tôi đưa tay vỗ thật mạnh vào trán mình và quay lại.
    Tụi nhỏ con anh Gàn đã bỏ bữa cơm, chúng chống đũa nhìn đăm đăm vào ba chỗ trống còn lại trên chiếc mâm. Còn vợ tôi và chị Gàn, đương châu đầu vào nhau sụt sịt. Họ đưa mấy ngón tay dài ngoằng quệt lấy những dòng nước chảy lãi dãi ở mũi. Hình như họ khóc.
    Tôi buộc miệng buông một tiếng chưởi thề. Chiều nay không uống một giọt rượu nào mà sao mi mắt tôi nặng trĩu và lòng mắt cay xè.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom