.
Con Rắn
Phạm Ngọc Tiến
Tối hôm ấy trời đẹp lạ lùng. Đang tiết đông, trời lúc nào cũng ngoen ngoét xám, mây sà thấp, mọng và ẩm, bất chợt như có một phép tiên, bầu trời hửng sáng hệt như một kẻ đại nhác đang ngủ vùi, chợt vùng thức dậy. Gió hu hu thổi. Mây táo tác dạt bốn góc trời, để lộ ra những vì tinh tú. Và trăng. Trăng mùa đông bao giờ cũng cô độc lạnh lùng. Giá như không có tiếng mèo hoang gào khản đặc ngoài vườn, hẳn Binh đã không được tận hưởng thời khắc hiếm hoi này. Binh mở ùa cửa sau. Làn gió tươi hút ập vào vội vạ, khiến anh mê lim chân tóc. Những vạt cây loang lổ ánh sáng trắng bạc của trăng và đèn dập dờn, dập dờn vũ điệu giao thoa giữa đất trời và cây cỏ. Có lẽ đây là lần đầu tiên, Binh thấy giá trị thực của ngôi nhà ngoại ô này. Cũng mới thôi, Binh chuyển chỗ ở chưa đến một năm. Ngôi nhà một tầng xinh xắn, vườn trước, vườn sau, xa nữa là hồ nước ì oạp sóng vỗ vào những lúc gió lộng, thật tuyệt vời. Vậy mà dạo Binh quyết định mua ngôi nhà này, vợ không mấy đồng tình. Bảo rằng phản đối thì không có, Hoạt chỉ ừ hữ và sắc mặt có phần kém vui. Chỉ thế thôi, tính Hoạt thế, vốn mềm mỏng, dịu dàng, chưa bao giờ Hoạt tỏ ra có cử chỉ nào cưỡng lại chồng một cách thái quá. Ngót hai chục năm chung sống, Hoạt luôn luôn đáp ứng mọi sở nguyện của Binh. Ai cũng bảo, số Binh thế mà sướng. Vợ thì thế, thời buổi này, được vợ chiều, là tiêu chuẩn đầu bảng, để đo đếm sự thành đạt và hạnh phúc của đàn ông. Con có mỗi đứa, vừa kịp lớn đã trúng suất học bổng đi du học tít cù tịt bên kia bán cầu. Mà có nhiều nhặn gì cho cam, hơn bốn chục tuổi đầu, dẫu chỉ là anh viết văn bình thường, được thế đã là quá tươm tất, quá mơ ước. Đấy cứ bảo tuổi Thân là vất vả đi. Binh tuổi Bính Thân. Thấy bảo tuổi này là khỉ chuồng, nghĩa là khỉ nhốt. Cái giống đã bị nhốt, dũng mãnh như sư tử, hùm beo cũng chẳng làm lên vương tướng gì. Nhưng với Binh lại là được. Không lên được voi thì cũng chẳng bao giờ phải xuống chuột, cứ thế Binh tầm tầm sống nhàn nhã. Ngẫm ra, cái tướng tinh khỉ chuồng này, ứng hợp với mệnh Binh. Chưa bao giờ Binh không hài lòng về số phận của mình.
Binh khoan khoái hít một hơi thuốc dài căng lồng ngực. Còn khoai khoái hơn thế, Binh phả một bụm khói to sụ. Khói tỏa vật vờ, Binh nhìn rõ những làn khói tan dần trong những kẽ sáng bạc. Chợt Binh dụi mắt. Có cái gì loằng ngoằng trong vệt sáng lấp loáng chỗ tán lá rùm ròa của cây nhãn.
Vườn nhà Binh không rộng lắm. Anh giữ lại độc cây nhãn của chủ cũ. Cây nhãn chắc đã có từ thuở khưởm khươm nào, già cóc đế, nên vào vụ mong đến mỏi mắt, tịnh không bói ra một quả. Thế lại hay, không ra quả thì thành nhãn cảnh, quá tốt. Binh dụi mắt một lần nữa. Theo phản xạ, Binh hơi lùi lại. Đúng là có cái gì loằng ngoằng làm xao động đám lá thật. Bịch một cái, vật gì đó rơi xuống gốc nhãn, khiến Binh nhảy dựng. A, hóa ra một con mèo. Chính là con mèo hoang, ngoào khản đặc ban nãy. Con mèo nằm đứ đừ. Binh bật cười khoái trá, cho mày chết, đồ nặc nô rửng mỡ. Con mèo này, luôn quấy đảo sự tĩnh lặng của Binh đêm đêm.
Nụ cười vụt tắt dở chừng, con mèo nằm chết lịm kia không chỉ có một mình. Phủ ngoài nó là những khúc bện nâu đen mốc thếch. Cái đầu ngóc lên, bạnh ra. Cặp mắt nhỏ bắt đèn đỏ sọc lơ láo chĩa hướng nhìn vào Binh. Trời ạ, một con rắn. Một con rắn hổ không chượi vào đâu được. Bây giờ Binh đã nghe rõ tiếng huýt nọc phịt phịt, đanh sâu và ghê rợn. Toàn thân tê cứng, ý nghĩ của Binh ngừng chuyển động. Có lẽ phải đến phút đồng hồ, Binh mới thoáng hồi cảm giác. Không dám cử động, Binh khẽ co duỗi những ngón tay để lấy lại ý chí. Binh ước lượng cửa và bất ngờ nhảy bật ngược. Anh kịp nhìn thấy con rắn vẫn nguyên vị. Vội vã, Binh cuống cuồng đóng chặt cửa. Đau điếng vì cú ngã dập mông vừa rồi, Binh thở dốc. Rắn, trời ơi rắn, thoát rồi. May mà thoát. Vốn dĩ Binh không ưa bất cứ loài vật nào. Kẻ không ưa được súc vật, đương nhiên là phải sợ chúng. Binh sợ nhất rắn. Đó là một loại, theo Binh, tởm nhất, kinh nhất. Thịt rắn đắt thế, dù ai đãi, Binh cũng không bao giờ dám nhận lời. Binh bật tất cả các công tắc đèn trong nhà. Sáng trưng như thanh thiên bạch nhật vậy mà cơn sợ vẫn níu nghẹt nhịp thở. Rắn, kinh khủng thật, nỗi khiếp sợ càng tăng khi Binh chỉ có một mình. Hoạt đi công tác từ sáng. Cô gọi điện về báo, đêm không ngủ ở nhà. Hoạt là kế toán một công ty, nên thường xuyên phải đi công cán. Đêm ấy Binh thức trắng.
Sáng hôm sau, can đảm lắm, Binh mới dám he hé cửa để nhìn ra gốc nhãn. Trống trơn một khoảng đất bằng lì. Hóa ra đêm qua con mèo không chết. Chúng nó phủ nhau, quá sợ, nên Binh đã lú lẫn, không nhớ ra điều này. Anh mở hẳn cửa lách ra, nhìn xăm soi một lượt cây nhãn. Cành lá bình yên đu đưa, ú ớ về giống vật, nhất là rắn, nhưng Binh thừa hiểu loại rắn hổ mang kia không thể lấy cây nhãn còi này làm hang ổ được. Bỗng dưng Binh đâm ngờ ngờ mình. Hay là đêm qua thần hồn nát thần tính, Binh nhìn nhầm. Có thể lắm, lúc đó của đáng tội Binh có nốc vã hai ly rượt thuốc thật. Chắc là nhầm. Chắc là ảo giác. Chứng bệnh khởi nguồn từ tính khí hấp lìm, Binh vẫn vơ nhận về mình. Có lẽ thế!
Song Binh vẫn kể lại chuyện này ở cơ quan. Phòng Binh có ba người. Đó là phòng biên tập văn nghệ. Ở ta, mấy trăm tờ báo từ Bắc chí Nam, dù không chuyên ngành, tờ nào cũng dành đôi trang cho văn chương nghệ thuật. Bởi thế văn học nước nhà được cứu sống một cách trực tiếp. Chứ không mấy ông nhà văn, nói ngút ngát đến tận mây xanh, nhưng thử rời cây bút xem, ngắc là cái chắc. Thì ngần kia đất dụng võ, chỉ cần chịu khó, cày sâu, cuốc bẫm, sống tươm tất là đằng khác. Binh là một trong số những người đó. Anh sống bằng ngòi bút. Tờ báo của Binh không một tẻo teo liên quan gì đến công việc của anh vẫn dành hẳn hai trang khổ lớn cho văn nghệ, tuần một kỳ, ung dung quá còn gì.
Binh đến cơ quan có khí muộn, phờ phạc vì mất ngủ. Cô phóng viên tập sự, cháu của ông tổng biên tập, lo lắng hỏi:
- Chú ốm à?
- Đại loại thế!
Binh trả lời hờ hững. Thoạt đầu Binh muốn giấu nhẹm việc đêm trước, sau thấy tưng tức bèn phọt ra. May, lúc đó tay Thạnh vừa đến kịp. Cả hai nghe và đều mủm mỉm cười.
- Chú Binh bịa tài thật!
Cô tập sự bảo thế. Còn Thạnh nói ngược lại:
- Tin được. Rắn phủ mèo là chuyện thường. Nhưng anh nhìn nhầm. Hổ mang không có cái nết ấy!
Tự nhiên Binh nổi cáu. Nói như cô bé kia lại lọt tai. Còn Thạch xác nhận, oái ăm thay càng nhân lên cái tưng tức của Binh. Tay Thạnh này trẻ hơn Binh. Chính Binh nhận Thạnh về phòng, vì nể vợ, chứ không phải vì chuyên môn. Thạch là bạn học của Hoạt, họ gặp nhau trong kỳ hội trường năm ngoái. Được cái, Thạnh thạo việc, giao tiếp rộng, nên đỡ đần công việc cho Binh rất nhiều. Phải cố gắng lắm Thạnh mới chuyển về được. Đấy là do Binh nhượng bộ, nhận kèm thêm suất cô phóng viên trẻ kia, ông tổng biên tập mới chịu. Lại nói chuyện Binh cáu. Điều này là rất hiếm. Tính Binh vốn không thích ồn ào, cầm tinh khỉ có bắng nhắng một tẹo, quá lắm cũng chỉ cờn cợt vài tràng cười vô thưởng vô phạt. Thêm nữa Binh ít khi va chạm với ai, kẻ nào có lấn lượt Binh tí ti, anh cũng cố nhường nhịn. Người ta bảo Binh là kẻ trung dung, dĩ hòa vi quý. Có sao đâu, cốt yếu nhất Binh chỉ muốn yên thân làm việc của mình, không mấy quan tâm đến việc người khác. Binh gần như gầm lên:
- Ông nói cái gì?
Thạnh tái mặt, mắt đá sang cô tập sự. Mắt cô nàng lảng ngay không tiếp nhận luồng nhìn của Thạnh. Tiếng Thạnh yếu ớt, lõm bõm, đứt quãng
- Em à, tôi… nói con rắn hổ mang…
Binh đập rầm cặp bản thảo xuống bàn, bụi bay mù phòng, anh thở hổn hển, tay ôm lấy đầu, nom rất chi là hoàn cảnh, tội nghiệp. Thạnh vội vã chuồn thẳng ra ngoài, nhưng Binh kịp nhìn thấy, nói với theo:
- Xin lỗi… tớ xin lỗi… tớ mệt quá…
Thạnh không dại gì quay lại. Cô tập sự cũng kiếm cách đi xuống văn phòng. Còn một mình. Binh thấy trống trải vô cùng, anh nhấc máy gọi số di động cho vợ.
*
* *
Chiều ấy, sau khi nghe lại chuyện rắn rết của Binh, Hoạt cũng hệt như hai người ban sáng, mủm ma, mủm mỉm. Mặt Hoạt tươi tắn, da đỏ au, bất ngờ Binh thấy vợ đẹp lạ lùng. Ngót bốn mươi rồi còn gì, đàn bà tuổi ấy… lạ lùng thật. Hoạt dịu dàng:
- Anh nhìn em kỹ thế?
Binh thở dài:
- Em không tin à?
- Không tin!
- Anh nghĩ kỹ rồi. Đúng là có rắn thật, không thể nhầm.
- Kệ rắn!
Hoạt sà vào Binh. Quá nể vợ, nhưng Binh đang cực kỳ rã rời, mệt mỏi, anh né khéo:
- Anh ốm mất.
- Kệ ốm!
Hoạt bế bổng Binh lên giường. Nhưng Binh nhũn oặt lả đi, mắt thiêm thiếp như kẻ nhập đồng. Thấy thế, Hoạt có vẻ hoảng, chị vội nắn bóp, xoa xuýt người Binh. Rất nhanh chóng, Binh chìm vào một giấc ngủ miên mải.
*
* *
Bẵng một thời gian, cái chuyện rắn rết kia đã ắng lịm trong Binh. Chưa quên hẳn, nhưng chính Binh cũng tin chuyện đó hoàn toàn không có thật. Con mèo hoang, tối tối vẫn nô giỡn với chúng bạn, bằng những điệu gào đực cái thê thảm. Dù vậy, Binh vẫn cẩn thận phát quang các tán nhãn. Đằng nào cũng là cây cảnh, cành lá tốt tươi mà làm gì. Chủ ý của Binh là để trơ trọi thế, rủi có rắn thật cũng biết đường tránh.
Cho đến một hôm, Binh đang ngồi viết ở nhà. Dạo này Binh dồn sức cho cuốn sách tâm huyết, nung nấu đã khá lâu. Nguyên Binh đã có dăm đầu sách, nhưng theo chính sự nhận biết của bản thân, đó chỉ là những cuốn sách làng nhàng. Binh cũng thừa biết cái sự nghiệt ngã của nghề nghiệp mình đeo đuổi, bởi vậy anh quyết tâm rất cao và khỏi nói, rất kỳ vọng ở cuốn sách này. Binh thức ngày, thức đêm, hao tổn thân thể và trí lực, vắt kiệt sức để nhả ra từng trang bản thảo. Việc cơ quan, thi thoảng Binh mới đảo qua để duyệt bài, còn tất tật, anh giao hết công việc cho Thạnh và cô tập sự. Hôm đó là chủ nhật. Quãng giữa trưa, cơm nước xong, Binh ngồi ngay vào bàn. Hoạt nhắc:
- Anh nghỉ trưa đi đã.
Binh khẽ lắc đầu. Anh vừa bất chợt chộp được một ý tưởng. Phải viết ngay, già rồi, lề mề một chút là nó chuội đi mất. Hoạt cũng khẽ lắc đầu, ái ngại nhìn chồng. Chị vào bếp hí húi cất cất, đun đun gì đó, rồi bưng ra một tách nước nghi ngút khói, vàng ươm:
- Sâm Cao Ly chưng cách thủy hòa với mật ong anh túc, anh uống đi, thuốc tiên đấy.
- Cám ơn em!
Binh nhận cốc sâm, cám ơn thật lòng vì xúc động, nhưng anh vẫn thoảng chau mày. Đấy là Binh khó chịu vì bị ngắt mạch nghĩ. Không phải sự săn sóc chu đáo bao giờ cũng tốt, ở trường hợp này, nó đồng nghĩa với sự quấy rối, phiền nhiễu. Hoạt nhận biết ngay, chị quá hiểu tính Binh.
- Hay là em đến cơ quan giải quyết ít việc vậy?
- Ừ, tùy em!
Binh đang mải mê công việc, thấy được giải phóng, vui vẻ chấp nhận. Anh vô tình không biết được mặt Hoạt ngẩn ra, buồn bã. Hoạt đi được một lúc, Binh đã soàn soạt viết kín ba bốn trang bản thảo. Tê cứng cánh tay, Binh mới chịu ngừng nghỉ. Anh nhìn cốc nước sâm, giờ đã nguội ngắt. Hơi lạnh, nhưng ngon tuyệt, sâm Cao Ly có khác, thêm mật ong anh túc, tác dụng tức thì. Binh cảm thấy khoan khoái vô cùng, anh lại cúi đầu xuống trang giấy. Bỗng soạt, rõ ràng là tiếng soạt thật sự dù rất khẽ, Binh giật mình nhìn phắt vào chân tường theo phản xạ. Anh kịp nhận thấy một vệt đen nhỏ lướt rất nhanh. Ngay lập tức anh nghĩ đến chuột. Cửa sau vẫn đóng kín, khốn khiếp thế, đúng là chuột rồi. Nhà Binh kín, đồ đạc thoáng, nên không có chỗ cho đám chuột tụ họp, rủi có con nào liều lĩnh vào nhà đều bị Binh săn đuổi, đập kỳ chết mới thôi. Soạt soạt, khốn kiếp thật, Binh vứt mạnh bút, đứng dậy, vươn vai, đành phải ngưng nghỉ công việc để chiến đấu với con chuột chán đời này vậy. Kia rồi, loáng thoáng sau góc tủ chính là nó. Mày tới số rồi, muốn chết tao cho chết. Binh vớ chiếc chày giã cua lăm lăm trong tay sấn đến. Nhưng không… Chiếc chày vuột khỏi tay, từ từ lăn nhẹ về phía sau. Mắt Binh trợn ngược. Ngay sau góc tủ ngồn ngộn những khoanh tròn xếp như cái rế. Chính giữa vươn ra khúc đầu bạnh phịt phịt. Rắn, trời ơi rắn, lại là rắn. Binh vơ vội chiếc chày tót lên giường. Con rắn uể oải trườn ra khỏi góc tủ. Cách Binh một quãng ngắn, nó dừng lại, cặp mắt lơ láo nhìn Binh. Sau giây phút hoảng hồn, Binh đã bình tĩnh trở lại. Anh vơ chiếc chăn len giơ cao làm mộc che kín người. Tay kia, Binh vẫn lăm lăm chiếc chày giã cua. Binh khe khẽ nhích dần vào phía trong. Con rắn cũng trườn dần, giữ đúng khoảng cách lúc ban đầu. Binh bất động, thủ thế. Con rắn vẫn nhìn Binh, nhẫn nại và ngáo ngơ. Trời ạ, tầm kia, sức ấy nó mà quăng lên, không biết Binh có chống cự nổi không. Gồng cứng người, Binh cố gắng không cử động. Cử động là chết. Binh ong ong ý nghĩ ấy như víu vào phép thần thông. Một phút, hai phút… Thời gian như ngừng trôi.
Vợ Binh về. Trong trạng thái mê dại, Binh bừng tỉnh. Anh hét lên:
- Kìa, dừng lại, rắn, rắn!
Vợ Binh bật cười khi nhìn thấy điệu bộ của Binh. Binh trân mắt, quái lạ có rắn rết nào đâu nhỉ? Đúng thật, con rắn đã biến mất từ lúc nào. Binh vẫn không dám bước xuống giường. Anh vớt vát:
- Rắn! Có rắn! Rõ ràng có rắn!
Vợ Binh sà đến bên chồng, ấp tay vào trán chồng:
- Anh ốm thật rồi!
Binh lầu bầu:
- Ốm gì! Rõ ràng có rắn.
Như để chiều chồng, hoặc giả để chứng minh Binh hoang tưởng, Hoạt lục lọi mọi xó xỉnh. Khỉ gió thật, đúng là không có rắn. Tuy vậy lần này, Binh không còn hoang mang, nghi hoặc như lần gặp rắn trước nữa. Không thể chượi vào đâu được, không còn nghi hoặc gì nữa, rõ rằng có một con rắn tồn tại trong nhà Binh.
*
* *
Lần này, Binh im thít không chút kể lể chuyện rắn rết ở cơ quan. Đấy là Binh rút kinh nghiệm lần kể trước. Người ta tin hay không tin, Binh cũng chả được lợi lộc gì. Sau vụ va chạm với Thạnh, cậu ta chờn Binh hẳn. Đã mấy lần Binh rủ Thạnh đi uống bia hòa giải, nhưng kết quả có vẻ không mấy khả quan. Thạnh tìm mọi cơ hội để tránh mặt Binh. Nghe phong thanh đâu, Thạnh còn đang tính chuyện chuyển cơ quan nữa. Việc nếu xảy ra đúng thế, hẳn Binh sẽ vô cùng ân hận. Sau lần gặp rắn thứ hai, Binh cảnh giác hẳn. Cửa sổ phòng làm việc của Binh ở cơ quan, gần giáp với một lùm cây. Làm việc gì, thi thoảng mắt Binh vẫn đáo ra đấy dè chừng. Ngộ nhỡ rắn núp ở cây quăng vào có giời tránh. Sau, để chắc ăn, Binh đóng hẳn cửa lại. Phòng bịt kín có bí bức một tí cũng chẳng sao. Mấy lần cô tập sự ho sặc sụa vì khói thuốc lá của cánh đàn ông, đã mở cửa cho thoáng, Binh đều lẳng lặng đứng dậy đóng lại. Binh cũng nhìn thấy cú đá mắt đầy ngụ ý của Thạnh với cô tập sự, nhưng anh tảng lờ. Kệ xác, thân mình, mình giữ, đá thế chứ đá nữa cũng chẳng chết ai. Đương nhiên!
*
* *
Đến một hôm, giữa tầm sáng, Binh đang hì hụi sửa bài cho số báo tới. Thạnh không thấy đến cơ quan. Cô tập sự, sau cú điện thoại gọi đến, nói với Binh, giọng cực kỳ lễ phép:
- Chú Binh ơi, cháu xin phép. Nhà cháu có việc bận…
Binh gật đầu dễ dãi, dù biết tỏng cô ta chả có việc gì bận cả. Thấy Binh tủm tỉm cười, cô tập sự đỏ mắt, phót đi ngay. Binh nhìn theo, lắc đầu. Bọn trẻ bây giờ lạ thật, yêu nhau rặt hẹn hò ban ngày, ban mặt. Chả bù… Ý nghĩ của Binh tắt lịm giữa chừng. Cái gì kia, trời cao đất dày ơi, rắn, lại rắn. Một cái đầu rắn bành bạnh, trồi lên từ đống bản thảo lai cảo. Tích tắc sau, đầu rắn đã vươn cao, lắc lư. Những khoanh rắn ngồn ngộn xếp. Mắt Binh bập vào mắt con rắn. Lần này Binh liệt cứng. Trong tư thế ngồi cố định, anh đã hoàn toàn hóa đá.
Cửa mở, Thạnh ào vào. Anh này suýt ngã ngửa vì hoảng hồn khi thấy mắt Binh đờ dại, trợn ngược, mồm há hốc, dớt dãi dểu xuống ướt sũng trang bản thảo trên bàn. Thạnh như quên phắt quan hệ đang băng giá giữa hai người, phi đến, lắc mạnh vai Binh:
- Anh Binh, anh làm sao thế?
Binh giật nẩy mình, thoát khỏi trạng thái mê mụ. Miệng Binh lào phào thốt ra hụt hụt như người không có lưỡi:
- Rắn… rắn… rắn…
Thạnh cắn môi, hỏi lại sau khi đã suy nghĩ:
- Anh thấy rắn ở đâu?
Anh ú ớ chỉ tay về phía đống bài lai cảo đã được chằng buộc. Trên cùng có một đoạn ni-lông màu xanh. Thạch cầm sợi dây ni-lông giơ lên ngắm nghía, rồi quay mặt cười. Ngay ngày hôm sau sự vụ của Binh đã loang toàn cơ quan. Ai nhìn thấy Binh cũng găng găng mặt. Đấy là họ cố gồng để kìm khỏi bật cười. Binh cũng không còn hơi sức đâu để ý nữa. Bây giờ Binh không còn hoài nghi tẻo teo nào. Việc rắn rết là hoàn toàn có thật.
*
* *
Binh cho giải phóng đống bài lai cảo. Phòng làm việc được dọn quang quẻ. Nhưng chỉ sau một hôm con rắn lại xuất hiện. Vẫn nó, đen nâu mốc thếch, luôn phịt nọc đe dọa. Từ đấy, con rắn xuất hiện thường xuyên. Đến nước Binh phải hạ mình năn nỉ cả Thạnh, cả cô tập sự, không để anh ở một mình trong phòng. Lạ thế, con rắn quái đản này, chỉ xuất hiện những lúc vắng người, cả ở nhà hay cơ quan cũng vậy. Binh suy sụp hẳn. Ăn ngủ thất thường, đương nhiên là công việc cũng phải bỏ bễ. Ai cũng lo lắng cho Binh. Đích thân ông tổng biên tập gặp riêng Hoạt, để bàn việc đưa Binh đi bệnh viện chạy chữa. Chưa có kết luận, nhưng mọi người đều tin rằng, Binh bị điên ở thể hoang tưởng. Cơ quan cho Binh đặc quyền được làm việc tại nhà. Có điều Binh kiên quyết không đi bệnh viện. Anh thấy mình hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng anh cũng chấp nhận đặc ân nghỉ hẳn ở nhà. Chỉ có Hoạt biết điều này, Binh lao vào viết như điên, như dại. Tập bản thảo cuốn sách mới ngày một dày thêm.
*
* *
Hôm ấy, Hoạt đi công tác vắng. Quãng tầm tối, sau khi quật xong chén tống rượu thuốc, ăn quáng quàng bát mỳ nấu với hai quả trứng, Binh ngậm tăm ngồi vào bàn viết. Cửa sau đã đóng chặt. Từ dạo phát hiện ra con rắn ở cây nhãn, vía, Binh cũng không dám bén mảng ra vườn sau nữa. Anh viết soàn soạt. Vẫn ngậm chiếc tăm gộc, không ngẩng lên, Binh viết liền một mạch. Không biết thời gian là bao lâu, điều ấy không quan trọng, Binh đang tràn trề cảm hứng. Thậm chí chân Binh còn giậm giậm đánh nhịp. Chợt lạnh buốt, Binh vội rụt chân về. Chiếc tăm rớt khỏi miệng Binh, rơi choạch xuống trang giấy đặc chữ. Con rắn đã ú hụ khoanh ngay dưới bàn viết tự bao giờ. Binh đờ ra và ngay lập tức phản xạ vơ vội chiếc chày giã cua trên bàn. Chiếc chày này, Binh luôn kè kè để trên bàn. Nó có tác dụng gần như một chiếc chặn giấy. Mắt con rắn lành lạnh thoáng một vệt cười sẫm đen. Trời ạ, người Binh ngứa ran. Sao lần này nó lại tiến sát mình đến thế. Mắt kia, mình ấy… bỗng dưng Binh thấy máu trong người chuyển rần rật. Khác mọi lần, Binh không còn thấy quá sợ hãi. Binh từ từ đứng dậy, tay lăm lăm chiếc chày. Mắt con rắn lấp lánh, hình như nó lại cười. Người Binh run lên, rất từ từ dâng đầy một cảm xúc bi phẫn. Mẹ mày, mày cố tình giết tao phải không? Đã thế tao liều chết với mày một phen. Đằng nào cũng chết, bốn mấy tuổi rồi, sợ gì…
Cổ họng Binh gầm gào, bất ngờ phọt ra tiếng hét:
- Nào!
Đồng thời với tiếng thét, Binh nhảy bật lên và phang mạnh chiếc chày vào cổ con rắn. Kịch một cái, Binh ngã nhào. Chiếc chày phang đúng vào đầu gối bên trái của Binh. Đau quá, nước mắt Binh chảy ra. Binh vốn không chịu được đau, một cái gai đâm cũng khóc. Đấy là ngày nhỏ, còn bây giờ? Binh cắn răng chịu đựng. Chiếc chày giã cua tuột khỏi tay Binh, lăn ra góc nhà. Con rắn vẫn bình yên, ngóc cao cổ. Binh quờ quạng tìm thứ vũ khí khác. Anh lết trên sàn nhà dần về phía sau. Lưng Binh chạm vào giá sách. Đây rồi, mắt Binh lướt vào những cuốn sách đóng bìa cứng dày cộp nằm trên giá. Con rắn cũng đã tiến sát Binh. Một, hai, ba… Binh tới tấp ném những cuốn sách vào con rắn. Này Đại Việt sử ký toàn thư, này truyện Kiều, này Từ điển, này… Kết quả khá bất ngờ, con rắn bị gãy cổ gục xuống, toàn thân nó rùng rùng chuyển động dữ dội, rồi co quắp xoắn bện, rồi ngoãng ra, ngật ngửa. Binh reo lên, đang say mồi, Binh quên hẳn bên chân đau, nhảy bật đến bên bàn viết vơ cả chồng bản thảo viết dở, vụt túi bụi vào con rắn.
Lát sau, Binh dừng tay, thở hổn hển. Con rắn đã chết, nằm oải giữa đống sách, giấy, bề bộn. Binh dửng dưng nhìn cái bụng hêu hêu trắng của nó. Mắt Binh rợn đi. Anh ngồi lặng. Không có cảm giác hả hê của chiến thắng, Binh bệt xuống sàn nhà, đăm đăm nhìn vào xác rắn. Anh đang ở trong trạng thái hoàn toàn vô cảm.
Có lẽ nếu không có tiếng chuông điện thoại réo, Binh sẽ còn ngồi mãi như thế cho đến sáng. Anh đứng dậy, chậm rãi đi ra chỗ đặt máy, tay hờ hững nhấc ống nghe.
- Alô! Vâng! Sao? Mai Thị Hoạt! Đúng ạ! Tôi đợi! Vâng!
Binh đặt máy, mặt lộ vẻ lo lắng. Anh quay lại. Binh khững người. Con rắn đã biến mất. Chỗ nó nằm có một vũng máu đỏ sậm còn tươi rói. Binh rùng mình. Căn phòng phút chốc ngập tràn mùi tanh đến lợm mửa.
Đúng nửa đêm, Binh đến được khu hồ nghỉ Sơn Đại. Người của nhà nghỉ cho xe đón Binh tận nhà sau khi gọi điện báo. Họ dẫn Binh đến một căn phòng. Hai thi thể nằm trên chiếc giát giường đặt ở sàn nhà. Binh kéo mạnh tấm vải trắng đang phủ kín mặt người bị nạn. Tấm vải rớt khỏi tay Binh, Hoạt, đúng là Hoạt. Mặt Hoạt trắng bệch. Mắt mở cũng trắng bệch. Binh chụp tay vào mắt Hoạt. Có ánh mắt nhìn rát rạt một bên mặt Binh. Anh quay sang người bên cạnh. Tay Binh rời khỏi mắt Hoạt. Đó chính là Thạnh. Mặt cũng trắng bệch và mắt mở trừng trừng. Binh quay mặt đi không dám nhìn nữa. Anh nhận ra đó chính là mắt rắn. Tiếng của ai đó trong số rất đông người có mặt trong phòng thoảng bên tai Binh:
- Họ bị lốc lật thuyền khi đi ra đảo giữa, anh ạ. Bị từ tối. Vất vả lắm chúng tôi mới vớt được xác. Khu hồ này, chưa bao giờ có một tai nạn thảm khốc đến thế. Cũng may, chúng tôi tìm ngay được địa chỉ.
Lại tiếng một ai khác:
- Mời anh, ta về phòng nghỉ của họ để làm thủ tục.
Binh như một kẻ mộng du, lặng lẽ đi theo đám người kia về phòng nghỉ của Hoạt và Thạnh. Đầu óc anh lặng không một gợn nghĩ. Họ đã thuê phòng nghỉ ở đây từ sáng. Binh liếc mắt trên chiếc ga trắng tinh ở giường ngủ. Anh giật nảy mình. Ở giữa chiếc ga có một vũng máu đỏ sẫm còn tươi rói hệt như vũng máu ở nhà Binh, chỗ con rắn chết. Ngập tràn mùi tanh nồng. Binh gập người nôn thốc, nôn tháo.
*
* *
Sau cái chết của Hoạt và Thạnh, Binh trở lại bình thường. Không bao giờ anh còn gặp lại con rắn nữa. Binh trầm hẳn đi, ít nói và sống lặng lẽ. Ở cơ quan, cô tập sự được chính thức ký hợp đồng, đôn lên thế chỗ của Thạnh. Phòng lại nhận một nam sinh viên vừa tốt nghiệp vào làm tập sự. Con mèo hoang không hiểu sao cũng chết cứng đơ dưới gốc cây nhãn vào đúng đêm hôm đó. Binh chôn nó dưới gốc nhãn. Mùa nhãn năm ấy, cây nhãn tự nhiên ra rất nhiều quả. Quả nào cũng tròn căng nõn nà, cùi mòng mọng nước. Binh hái một chùm đặt lên ban thờ Hoạt. Anh đau xót thắp hương cho vợ, lòng phân vân không biết đã nên báo cho con trai đang du học biết tin dữ này chưa? Cuốn sách của Binh đã được xuất bản và gây được sự chú ý của dư luận đúng như mong muốn của anh.
Hôm ông tổng biên tập đến thăm Binh, nhìn thấy cây nhãn lúc lỉu quả, đã tấm tắc:
- Binh này, cậu có cây nhãn quý quá. Nhưng được mùa nhãn là nước sông lên to lắm đấy, không khéo lại lụt như năm ngoái thì gay.
Binh im lặng không trả lời. Vì sao, chỉ có một mình anh biết.
.
Con Rắn
Phạm Ngọc Tiến
Tối hôm ấy trời đẹp lạ lùng. Đang tiết đông, trời lúc nào cũng ngoen ngoét xám, mây sà thấp, mọng và ẩm, bất chợt như có một phép tiên, bầu trời hửng sáng hệt như một kẻ đại nhác đang ngủ vùi, chợt vùng thức dậy. Gió hu hu thổi. Mây táo tác dạt bốn góc trời, để lộ ra những vì tinh tú. Và trăng. Trăng mùa đông bao giờ cũng cô độc lạnh lùng. Giá như không có tiếng mèo hoang gào khản đặc ngoài vườn, hẳn Binh đã không được tận hưởng thời khắc hiếm hoi này. Binh mở ùa cửa sau. Làn gió tươi hút ập vào vội vạ, khiến anh mê lim chân tóc. Những vạt cây loang lổ ánh sáng trắng bạc của trăng và đèn dập dờn, dập dờn vũ điệu giao thoa giữa đất trời và cây cỏ. Có lẽ đây là lần đầu tiên, Binh thấy giá trị thực của ngôi nhà ngoại ô này. Cũng mới thôi, Binh chuyển chỗ ở chưa đến một năm. Ngôi nhà một tầng xinh xắn, vườn trước, vườn sau, xa nữa là hồ nước ì oạp sóng vỗ vào những lúc gió lộng, thật tuyệt vời. Vậy mà dạo Binh quyết định mua ngôi nhà này, vợ không mấy đồng tình. Bảo rằng phản đối thì không có, Hoạt chỉ ừ hữ và sắc mặt có phần kém vui. Chỉ thế thôi, tính Hoạt thế, vốn mềm mỏng, dịu dàng, chưa bao giờ Hoạt tỏ ra có cử chỉ nào cưỡng lại chồng một cách thái quá. Ngót hai chục năm chung sống, Hoạt luôn luôn đáp ứng mọi sở nguyện của Binh. Ai cũng bảo, số Binh thế mà sướng. Vợ thì thế, thời buổi này, được vợ chiều, là tiêu chuẩn đầu bảng, để đo đếm sự thành đạt và hạnh phúc của đàn ông. Con có mỗi đứa, vừa kịp lớn đã trúng suất học bổng đi du học tít cù tịt bên kia bán cầu. Mà có nhiều nhặn gì cho cam, hơn bốn chục tuổi đầu, dẫu chỉ là anh viết văn bình thường, được thế đã là quá tươm tất, quá mơ ước. Đấy cứ bảo tuổi Thân là vất vả đi. Binh tuổi Bính Thân. Thấy bảo tuổi này là khỉ chuồng, nghĩa là khỉ nhốt. Cái giống đã bị nhốt, dũng mãnh như sư tử, hùm beo cũng chẳng làm lên vương tướng gì. Nhưng với Binh lại là được. Không lên được voi thì cũng chẳng bao giờ phải xuống chuột, cứ thế Binh tầm tầm sống nhàn nhã. Ngẫm ra, cái tướng tinh khỉ chuồng này, ứng hợp với mệnh Binh. Chưa bao giờ Binh không hài lòng về số phận của mình.
Binh khoan khoái hít một hơi thuốc dài căng lồng ngực. Còn khoai khoái hơn thế, Binh phả một bụm khói to sụ. Khói tỏa vật vờ, Binh nhìn rõ những làn khói tan dần trong những kẽ sáng bạc. Chợt Binh dụi mắt. Có cái gì loằng ngoằng trong vệt sáng lấp loáng chỗ tán lá rùm ròa của cây nhãn.
Vườn nhà Binh không rộng lắm. Anh giữ lại độc cây nhãn của chủ cũ. Cây nhãn chắc đã có từ thuở khưởm khươm nào, già cóc đế, nên vào vụ mong đến mỏi mắt, tịnh không bói ra một quả. Thế lại hay, không ra quả thì thành nhãn cảnh, quá tốt. Binh dụi mắt một lần nữa. Theo phản xạ, Binh hơi lùi lại. Đúng là có cái gì loằng ngoằng làm xao động đám lá thật. Bịch một cái, vật gì đó rơi xuống gốc nhãn, khiến Binh nhảy dựng. A, hóa ra một con mèo. Chính là con mèo hoang, ngoào khản đặc ban nãy. Con mèo nằm đứ đừ. Binh bật cười khoái trá, cho mày chết, đồ nặc nô rửng mỡ. Con mèo này, luôn quấy đảo sự tĩnh lặng của Binh đêm đêm.
Nụ cười vụt tắt dở chừng, con mèo nằm chết lịm kia không chỉ có một mình. Phủ ngoài nó là những khúc bện nâu đen mốc thếch. Cái đầu ngóc lên, bạnh ra. Cặp mắt nhỏ bắt đèn đỏ sọc lơ láo chĩa hướng nhìn vào Binh. Trời ạ, một con rắn. Một con rắn hổ không chượi vào đâu được. Bây giờ Binh đã nghe rõ tiếng huýt nọc phịt phịt, đanh sâu và ghê rợn. Toàn thân tê cứng, ý nghĩ của Binh ngừng chuyển động. Có lẽ phải đến phút đồng hồ, Binh mới thoáng hồi cảm giác. Không dám cử động, Binh khẽ co duỗi những ngón tay để lấy lại ý chí. Binh ước lượng cửa và bất ngờ nhảy bật ngược. Anh kịp nhìn thấy con rắn vẫn nguyên vị. Vội vã, Binh cuống cuồng đóng chặt cửa. Đau điếng vì cú ngã dập mông vừa rồi, Binh thở dốc. Rắn, trời ơi rắn, thoát rồi. May mà thoát. Vốn dĩ Binh không ưa bất cứ loài vật nào. Kẻ không ưa được súc vật, đương nhiên là phải sợ chúng. Binh sợ nhất rắn. Đó là một loại, theo Binh, tởm nhất, kinh nhất. Thịt rắn đắt thế, dù ai đãi, Binh cũng không bao giờ dám nhận lời. Binh bật tất cả các công tắc đèn trong nhà. Sáng trưng như thanh thiên bạch nhật vậy mà cơn sợ vẫn níu nghẹt nhịp thở. Rắn, kinh khủng thật, nỗi khiếp sợ càng tăng khi Binh chỉ có một mình. Hoạt đi công tác từ sáng. Cô gọi điện về báo, đêm không ngủ ở nhà. Hoạt là kế toán một công ty, nên thường xuyên phải đi công cán. Đêm ấy Binh thức trắng.
Sáng hôm sau, can đảm lắm, Binh mới dám he hé cửa để nhìn ra gốc nhãn. Trống trơn một khoảng đất bằng lì. Hóa ra đêm qua con mèo không chết. Chúng nó phủ nhau, quá sợ, nên Binh đã lú lẫn, không nhớ ra điều này. Anh mở hẳn cửa lách ra, nhìn xăm soi một lượt cây nhãn. Cành lá bình yên đu đưa, ú ớ về giống vật, nhất là rắn, nhưng Binh thừa hiểu loại rắn hổ mang kia không thể lấy cây nhãn còi này làm hang ổ được. Bỗng dưng Binh đâm ngờ ngờ mình. Hay là đêm qua thần hồn nát thần tính, Binh nhìn nhầm. Có thể lắm, lúc đó của đáng tội Binh có nốc vã hai ly rượt thuốc thật. Chắc là nhầm. Chắc là ảo giác. Chứng bệnh khởi nguồn từ tính khí hấp lìm, Binh vẫn vơ nhận về mình. Có lẽ thế!
Song Binh vẫn kể lại chuyện này ở cơ quan. Phòng Binh có ba người. Đó là phòng biên tập văn nghệ. Ở ta, mấy trăm tờ báo từ Bắc chí Nam, dù không chuyên ngành, tờ nào cũng dành đôi trang cho văn chương nghệ thuật. Bởi thế văn học nước nhà được cứu sống một cách trực tiếp. Chứ không mấy ông nhà văn, nói ngút ngát đến tận mây xanh, nhưng thử rời cây bút xem, ngắc là cái chắc. Thì ngần kia đất dụng võ, chỉ cần chịu khó, cày sâu, cuốc bẫm, sống tươm tất là đằng khác. Binh là một trong số những người đó. Anh sống bằng ngòi bút. Tờ báo của Binh không một tẻo teo liên quan gì đến công việc của anh vẫn dành hẳn hai trang khổ lớn cho văn nghệ, tuần một kỳ, ung dung quá còn gì.
Binh đến cơ quan có khí muộn, phờ phạc vì mất ngủ. Cô phóng viên tập sự, cháu của ông tổng biên tập, lo lắng hỏi:
- Chú ốm à?
- Đại loại thế!
Binh trả lời hờ hững. Thoạt đầu Binh muốn giấu nhẹm việc đêm trước, sau thấy tưng tức bèn phọt ra. May, lúc đó tay Thạnh vừa đến kịp. Cả hai nghe và đều mủm mỉm cười.
- Chú Binh bịa tài thật!
Cô tập sự bảo thế. Còn Thạnh nói ngược lại:
- Tin được. Rắn phủ mèo là chuyện thường. Nhưng anh nhìn nhầm. Hổ mang không có cái nết ấy!
Tự nhiên Binh nổi cáu. Nói như cô bé kia lại lọt tai. Còn Thạch xác nhận, oái ăm thay càng nhân lên cái tưng tức của Binh. Tay Thạnh này trẻ hơn Binh. Chính Binh nhận Thạnh về phòng, vì nể vợ, chứ không phải vì chuyên môn. Thạch là bạn học của Hoạt, họ gặp nhau trong kỳ hội trường năm ngoái. Được cái, Thạnh thạo việc, giao tiếp rộng, nên đỡ đần công việc cho Binh rất nhiều. Phải cố gắng lắm Thạnh mới chuyển về được. Đấy là do Binh nhượng bộ, nhận kèm thêm suất cô phóng viên trẻ kia, ông tổng biên tập mới chịu. Lại nói chuyện Binh cáu. Điều này là rất hiếm. Tính Binh vốn không thích ồn ào, cầm tinh khỉ có bắng nhắng một tẹo, quá lắm cũng chỉ cờn cợt vài tràng cười vô thưởng vô phạt. Thêm nữa Binh ít khi va chạm với ai, kẻ nào có lấn lượt Binh tí ti, anh cũng cố nhường nhịn. Người ta bảo Binh là kẻ trung dung, dĩ hòa vi quý. Có sao đâu, cốt yếu nhất Binh chỉ muốn yên thân làm việc của mình, không mấy quan tâm đến việc người khác. Binh gần như gầm lên:
- Ông nói cái gì?
Thạnh tái mặt, mắt đá sang cô tập sự. Mắt cô nàng lảng ngay không tiếp nhận luồng nhìn của Thạnh. Tiếng Thạnh yếu ớt, lõm bõm, đứt quãng
- Em à, tôi… nói con rắn hổ mang…
Binh đập rầm cặp bản thảo xuống bàn, bụi bay mù phòng, anh thở hổn hển, tay ôm lấy đầu, nom rất chi là hoàn cảnh, tội nghiệp. Thạnh vội vã chuồn thẳng ra ngoài, nhưng Binh kịp nhìn thấy, nói với theo:
- Xin lỗi… tớ xin lỗi… tớ mệt quá…
Thạnh không dại gì quay lại. Cô tập sự cũng kiếm cách đi xuống văn phòng. Còn một mình. Binh thấy trống trải vô cùng, anh nhấc máy gọi số di động cho vợ.
*
* *
Chiều ấy, sau khi nghe lại chuyện rắn rết của Binh, Hoạt cũng hệt như hai người ban sáng, mủm ma, mủm mỉm. Mặt Hoạt tươi tắn, da đỏ au, bất ngờ Binh thấy vợ đẹp lạ lùng. Ngót bốn mươi rồi còn gì, đàn bà tuổi ấy… lạ lùng thật. Hoạt dịu dàng:
- Anh nhìn em kỹ thế?
Binh thở dài:
- Em không tin à?
- Không tin!
- Anh nghĩ kỹ rồi. Đúng là có rắn thật, không thể nhầm.
- Kệ rắn!
Hoạt sà vào Binh. Quá nể vợ, nhưng Binh đang cực kỳ rã rời, mệt mỏi, anh né khéo:
- Anh ốm mất.
- Kệ ốm!
Hoạt bế bổng Binh lên giường. Nhưng Binh nhũn oặt lả đi, mắt thiêm thiếp như kẻ nhập đồng. Thấy thế, Hoạt có vẻ hoảng, chị vội nắn bóp, xoa xuýt người Binh. Rất nhanh chóng, Binh chìm vào một giấc ngủ miên mải.
*
* *
Bẵng một thời gian, cái chuyện rắn rết kia đã ắng lịm trong Binh. Chưa quên hẳn, nhưng chính Binh cũng tin chuyện đó hoàn toàn không có thật. Con mèo hoang, tối tối vẫn nô giỡn với chúng bạn, bằng những điệu gào đực cái thê thảm. Dù vậy, Binh vẫn cẩn thận phát quang các tán nhãn. Đằng nào cũng là cây cảnh, cành lá tốt tươi mà làm gì. Chủ ý của Binh là để trơ trọi thế, rủi có rắn thật cũng biết đường tránh.
Cho đến một hôm, Binh đang ngồi viết ở nhà. Dạo này Binh dồn sức cho cuốn sách tâm huyết, nung nấu đã khá lâu. Nguyên Binh đã có dăm đầu sách, nhưng theo chính sự nhận biết của bản thân, đó chỉ là những cuốn sách làng nhàng. Binh cũng thừa biết cái sự nghiệt ngã của nghề nghiệp mình đeo đuổi, bởi vậy anh quyết tâm rất cao và khỏi nói, rất kỳ vọng ở cuốn sách này. Binh thức ngày, thức đêm, hao tổn thân thể và trí lực, vắt kiệt sức để nhả ra từng trang bản thảo. Việc cơ quan, thi thoảng Binh mới đảo qua để duyệt bài, còn tất tật, anh giao hết công việc cho Thạnh và cô tập sự. Hôm đó là chủ nhật. Quãng giữa trưa, cơm nước xong, Binh ngồi ngay vào bàn. Hoạt nhắc:
- Anh nghỉ trưa đi đã.
Binh khẽ lắc đầu. Anh vừa bất chợt chộp được một ý tưởng. Phải viết ngay, già rồi, lề mề một chút là nó chuội đi mất. Hoạt cũng khẽ lắc đầu, ái ngại nhìn chồng. Chị vào bếp hí húi cất cất, đun đun gì đó, rồi bưng ra một tách nước nghi ngút khói, vàng ươm:
- Sâm Cao Ly chưng cách thủy hòa với mật ong anh túc, anh uống đi, thuốc tiên đấy.
- Cám ơn em!
Binh nhận cốc sâm, cám ơn thật lòng vì xúc động, nhưng anh vẫn thoảng chau mày. Đấy là Binh khó chịu vì bị ngắt mạch nghĩ. Không phải sự săn sóc chu đáo bao giờ cũng tốt, ở trường hợp này, nó đồng nghĩa với sự quấy rối, phiền nhiễu. Hoạt nhận biết ngay, chị quá hiểu tính Binh.
- Hay là em đến cơ quan giải quyết ít việc vậy?
- Ừ, tùy em!
Binh đang mải mê công việc, thấy được giải phóng, vui vẻ chấp nhận. Anh vô tình không biết được mặt Hoạt ngẩn ra, buồn bã. Hoạt đi được một lúc, Binh đã soàn soạt viết kín ba bốn trang bản thảo. Tê cứng cánh tay, Binh mới chịu ngừng nghỉ. Anh nhìn cốc nước sâm, giờ đã nguội ngắt. Hơi lạnh, nhưng ngon tuyệt, sâm Cao Ly có khác, thêm mật ong anh túc, tác dụng tức thì. Binh cảm thấy khoan khoái vô cùng, anh lại cúi đầu xuống trang giấy. Bỗng soạt, rõ ràng là tiếng soạt thật sự dù rất khẽ, Binh giật mình nhìn phắt vào chân tường theo phản xạ. Anh kịp nhận thấy một vệt đen nhỏ lướt rất nhanh. Ngay lập tức anh nghĩ đến chuột. Cửa sau vẫn đóng kín, khốn khiếp thế, đúng là chuột rồi. Nhà Binh kín, đồ đạc thoáng, nên không có chỗ cho đám chuột tụ họp, rủi có con nào liều lĩnh vào nhà đều bị Binh săn đuổi, đập kỳ chết mới thôi. Soạt soạt, khốn kiếp thật, Binh vứt mạnh bút, đứng dậy, vươn vai, đành phải ngưng nghỉ công việc để chiến đấu với con chuột chán đời này vậy. Kia rồi, loáng thoáng sau góc tủ chính là nó. Mày tới số rồi, muốn chết tao cho chết. Binh vớ chiếc chày giã cua lăm lăm trong tay sấn đến. Nhưng không… Chiếc chày vuột khỏi tay, từ từ lăn nhẹ về phía sau. Mắt Binh trợn ngược. Ngay sau góc tủ ngồn ngộn những khoanh tròn xếp như cái rế. Chính giữa vươn ra khúc đầu bạnh phịt phịt. Rắn, trời ơi rắn, lại là rắn. Binh vơ vội chiếc chày tót lên giường. Con rắn uể oải trườn ra khỏi góc tủ. Cách Binh một quãng ngắn, nó dừng lại, cặp mắt lơ láo nhìn Binh. Sau giây phút hoảng hồn, Binh đã bình tĩnh trở lại. Anh vơ chiếc chăn len giơ cao làm mộc che kín người. Tay kia, Binh vẫn lăm lăm chiếc chày giã cua. Binh khe khẽ nhích dần vào phía trong. Con rắn cũng trườn dần, giữ đúng khoảng cách lúc ban đầu. Binh bất động, thủ thế. Con rắn vẫn nhìn Binh, nhẫn nại và ngáo ngơ. Trời ạ, tầm kia, sức ấy nó mà quăng lên, không biết Binh có chống cự nổi không. Gồng cứng người, Binh cố gắng không cử động. Cử động là chết. Binh ong ong ý nghĩ ấy như víu vào phép thần thông. Một phút, hai phút… Thời gian như ngừng trôi.
Vợ Binh về. Trong trạng thái mê dại, Binh bừng tỉnh. Anh hét lên:
- Kìa, dừng lại, rắn, rắn!
Vợ Binh bật cười khi nhìn thấy điệu bộ của Binh. Binh trân mắt, quái lạ có rắn rết nào đâu nhỉ? Đúng thật, con rắn đã biến mất từ lúc nào. Binh vẫn không dám bước xuống giường. Anh vớt vát:
- Rắn! Có rắn! Rõ ràng có rắn!
Vợ Binh sà đến bên chồng, ấp tay vào trán chồng:
- Anh ốm thật rồi!
Binh lầu bầu:
- Ốm gì! Rõ ràng có rắn.
Như để chiều chồng, hoặc giả để chứng minh Binh hoang tưởng, Hoạt lục lọi mọi xó xỉnh. Khỉ gió thật, đúng là không có rắn. Tuy vậy lần này, Binh không còn hoang mang, nghi hoặc như lần gặp rắn trước nữa. Không thể chượi vào đâu được, không còn nghi hoặc gì nữa, rõ rằng có một con rắn tồn tại trong nhà Binh.
*
* *
Lần này, Binh im thít không chút kể lể chuyện rắn rết ở cơ quan. Đấy là Binh rút kinh nghiệm lần kể trước. Người ta tin hay không tin, Binh cũng chả được lợi lộc gì. Sau vụ va chạm với Thạnh, cậu ta chờn Binh hẳn. Đã mấy lần Binh rủ Thạnh đi uống bia hòa giải, nhưng kết quả có vẻ không mấy khả quan. Thạnh tìm mọi cơ hội để tránh mặt Binh. Nghe phong thanh đâu, Thạnh còn đang tính chuyện chuyển cơ quan nữa. Việc nếu xảy ra đúng thế, hẳn Binh sẽ vô cùng ân hận. Sau lần gặp rắn thứ hai, Binh cảnh giác hẳn. Cửa sổ phòng làm việc của Binh ở cơ quan, gần giáp với một lùm cây. Làm việc gì, thi thoảng mắt Binh vẫn đáo ra đấy dè chừng. Ngộ nhỡ rắn núp ở cây quăng vào có giời tránh. Sau, để chắc ăn, Binh đóng hẳn cửa lại. Phòng bịt kín có bí bức một tí cũng chẳng sao. Mấy lần cô tập sự ho sặc sụa vì khói thuốc lá của cánh đàn ông, đã mở cửa cho thoáng, Binh đều lẳng lặng đứng dậy đóng lại. Binh cũng nhìn thấy cú đá mắt đầy ngụ ý của Thạnh với cô tập sự, nhưng anh tảng lờ. Kệ xác, thân mình, mình giữ, đá thế chứ đá nữa cũng chẳng chết ai. Đương nhiên!
*
* *
Đến một hôm, giữa tầm sáng, Binh đang hì hụi sửa bài cho số báo tới. Thạnh không thấy đến cơ quan. Cô tập sự, sau cú điện thoại gọi đến, nói với Binh, giọng cực kỳ lễ phép:
- Chú Binh ơi, cháu xin phép. Nhà cháu có việc bận…
Binh gật đầu dễ dãi, dù biết tỏng cô ta chả có việc gì bận cả. Thấy Binh tủm tỉm cười, cô tập sự đỏ mắt, phót đi ngay. Binh nhìn theo, lắc đầu. Bọn trẻ bây giờ lạ thật, yêu nhau rặt hẹn hò ban ngày, ban mặt. Chả bù… Ý nghĩ của Binh tắt lịm giữa chừng. Cái gì kia, trời cao đất dày ơi, rắn, lại rắn. Một cái đầu rắn bành bạnh, trồi lên từ đống bản thảo lai cảo. Tích tắc sau, đầu rắn đã vươn cao, lắc lư. Những khoanh rắn ngồn ngộn xếp. Mắt Binh bập vào mắt con rắn. Lần này Binh liệt cứng. Trong tư thế ngồi cố định, anh đã hoàn toàn hóa đá.
Cửa mở, Thạnh ào vào. Anh này suýt ngã ngửa vì hoảng hồn khi thấy mắt Binh đờ dại, trợn ngược, mồm há hốc, dớt dãi dểu xuống ướt sũng trang bản thảo trên bàn. Thạnh như quên phắt quan hệ đang băng giá giữa hai người, phi đến, lắc mạnh vai Binh:
- Anh Binh, anh làm sao thế?
Binh giật nẩy mình, thoát khỏi trạng thái mê mụ. Miệng Binh lào phào thốt ra hụt hụt như người không có lưỡi:
- Rắn… rắn… rắn…
Thạnh cắn môi, hỏi lại sau khi đã suy nghĩ:
- Anh thấy rắn ở đâu?
Anh ú ớ chỉ tay về phía đống bài lai cảo đã được chằng buộc. Trên cùng có một đoạn ni-lông màu xanh. Thạch cầm sợi dây ni-lông giơ lên ngắm nghía, rồi quay mặt cười. Ngay ngày hôm sau sự vụ của Binh đã loang toàn cơ quan. Ai nhìn thấy Binh cũng găng găng mặt. Đấy là họ cố gồng để kìm khỏi bật cười. Binh cũng không còn hơi sức đâu để ý nữa. Bây giờ Binh không còn hoài nghi tẻo teo nào. Việc rắn rết là hoàn toàn có thật.
*
* *
Binh cho giải phóng đống bài lai cảo. Phòng làm việc được dọn quang quẻ. Nhưng chỉ sau một hôm con rắn lại xuất hiện. Vẫn nó, đen nâu mốc thếch, luôn phịt nọc đe dọa. Từ đấy, con rắn xuất hiện thường xuyên. Đến nước Binh phải hạ mình năn nỉ cả Thạnh, cả cô tập sự, không để anh ở một mình trong phòng. Lạ thế, con rắn quái đản này, chỉ xuất hiện những lúc vắng người, cả ở nhà hay cơ quan cũng vậy. Binh suy sụp hẳn. Ăn ngủ thất thường, đương nhiên là công việc cũng phải bỏ bễ. Ai cũng lo lắng cho Binh. Đích thân ông tổng biên tập gặp riêng Hoạt, để bàn việc đưa Binh đi bệnh viện chạy chữa. Chưa có kết luận, nhưng mọi người đều tin rằng, Binh bị điên ở thể hoang tưởng. Cơ quan cho Binh đặc quyền được làm việc tại nhà. Có điều Binh kiên quyết không đi bệnh viện. Anh thấy mình hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng anh cũng chấp nhận đặc ân nghỉ hẳn ở nhà. Chỉ có Hoạt biết điều này, Binh lao vào viết như điên, như dại. Tập bản thảo cuốn sách mới ngày một dày thêm.
*
* *
Hôm ấy, Hoạt đi công tác vắng. Quãng tầm tối, sau khi quật xong chén tống rượu thuốc, ăn quáng quàng bát mỳ nấu với hai quả trứng, Binh ngậm tăm ngồi vào bàn viết. Cửa sau đã đóng chặt. Từ dạo phát hiện ra con rắn ở cây nhãn, vía, Binh cũng không dám bén mảng ra vườn sau nữa. Anh viết soàn soạt. Vẫn ngậm chiếc tăm gộc, không ngẩng lên, Binh viết liền một mạch. Không biết thời gian là bao lâu, điều ấy không quan trọng, Binh đang tràn trề cảm hứng. Thậm chí chân Binh còn giậm giậm đánh nhịp. Chợt lạnh buốt, Binh vội rụt chân về. Chiếc tăm rớt khỏi miệng Binh, rơi choạch xuống trang giấy đặc chữ. Con rắn đã ú hụ khoanh ngay dưới bàn viết tự bao giờ. Binh đờ ra và ngay lập tức phản xạ vơ vội chiếc chày giã cua trên bàn. Chiếc chày này, Binh luôn kè kè để trên bàn. Nó có tác dụng gần như một chiếc chặn giấy. Mắt con rắn lành lạnh thoáng một vệt cười sẫm đen. Trời ạ, người Binh ngứa ran. Sao lần này nó lại tiến sát mình đến thế. Mắt kia, mình ấy… bỗng dưng Binh thấy máu trong người chuyển rần rật. Khác mọi lần, Binh không còn thấy quá sợ hãi. Binh từ từ đứng dậy, tay lăm lăm chiếc chày. Mắt con rắn lấp lánh, hình như nó lại cười. Người Binh run lên, rất từ từ dâng đầy một cảm xúc bi phẫn. Mẹ mày, mày cố tình giết tao phải không? Đã thế tao liều chết với mày một phen. Đằng nào cũng chết, bốn mấy tuổi rồi, sợ gì…
Cổ họng Binh gầm gào, bất ngờ phọt ra tiếng hét:
- Nào!
Đồng thời với tiếng thét, Binh nhảy bật lên và phang mạnh chiếc chày vào cổ con rắn. Kịch một cái, Binh ngã nhào. Chiếc chày phang đúng vào đầu gối bên trái của Binh. Đau quá, nước mắt Binh chảy ra. Binh vốn không chịu được đau, một cái gai đâm cũng khóc. Đấy là ngày nhỏ, còn bây giờ? Binh cắn răng chịu đựng. Chiếc chày giã cua tuột khỏi tay Binh, lăn ra góc nhà. Con rắn vẫn bình yên, ngóc cao cổ. Binh quờ quạng tìm thứ vũ khí khác. Anh lết trên sàn nhà dần về phía sau. Lưng Binh chạm vào giá sách. Đây rồi, mắt Binh lướt vào những cuốn sách đóng bìa cứng dày cộp nằm trên giá. Con rắn cũng đã tiến sát Binh. Một, hai, ba… Binh tới tấp ném những cuốn sách vào con rắn. Này Đại Việt sử ký toàn thư, này truyện Kiều, này Từ điển, này… Kết quả khá bất ngờ, con rắn bị gãy cổ gục xuống, toàn thân nó rùng rùng chuyển động dữ dội, rồi co quắp xoắn bện, rồi ngoãng ra, ngật ngửa. Binh reo lên, đang say mồi, Binh quên hẳn bên chân đau, nhảy bật đến bên bàn viết vơ cả chồng bản thảo viết dở, vụt túi bụi vào con rắn.
Lát sau, Binh dừng tay, thở hổn hển. Con rắn đã chết, nằm oải giữa đống sách, giấy, bề bộn. Binh dửng dưng nhìn cái bụng hêu hêu trắng của nó. Mắt Binh rợn đi. Anh ngồi lặng. Không có cảm giác hả hê của chiến thắng, Binh bệt xuống sàn nhà, đăm đăm nhìn vào xác rắn. Anh đang ở trong trạng thái hoàn toàn vô cảm.
Có lẽ nếu không có tiếng chuông điện thoại réo, Binh sẽ còn ngồi mãi như thế cho đến sáng. Anh đứng dậy, chậm rãi đi ra chỗ đặt máy, tay hờ hững nhấc ống nghe.
- Alô! Vâng! Sao? Mai Thị Hoạt! Đúng ạ! Tôi đợi! Vâng!
Binh đặt máy, mặt lộ vẻ lo lắng. Anh quay lại. Binh khững người. Con rắn đã biến mất. Chỗ nó nằm có một vũng máu đỏ sậm còn tươi rói. Binh rùng mình. Căn phòng phút chốc ngập tràn mùi tanh đến lợm mửa.
Đúng nửa đêm, Binh đến được khu hồ nghỉ Sơn Đại. Người của nhà nghỉ cho xe đón Binh tận nhà sau khi gọi điện báo. Họ dẫn Binh đến một căn phòng. Hai thi thể nằm trên chiếc giát giường đặt ở sàn nhà. Binh kéo mạnh tấm vải trắng đang phủ kín mặt người bị nạn. Tấm vải rớt khỏi tay Binh, Hoạt, đúng là Hoạt. Mặt Hoạt trắng bệch. Mắt mở cũng trắng bệch. Binh chụp tay vào mắt Hoạt. Có ánh mắt nhìn rát rạt một bên mặt Binh. Anh quay sang người bên cạnh. Tay Binh rời khỏi mắt Hoạt. Đó chính là Thạnh. Mặt cũng trắng bệch và mắt mở trừng trừng. Binh quay mặt đi không dám nhìn nữa. Anh nhận ra đó chính là mắt rắn. Tiếng của ai đó trong số rất đông người có mặt trong phòng thoảng bên tai Binh:
- Họ bị lốc lật thuyền khi đi ra đảo giữa, anh ạ. Bị từ tối. Vất vả lắm chúng tôi mới vớt được xác. Khu hồ này, chưa bao giờ có một tai nạn thảm khốc đến thế. Cũng may, chúng tôi tìm ngay được địa chỉ.
Lại tiếng một ai khác:
- Mời anh, ta về phòng nghỉ của họ để làm thủ tục.
Binh như một kẻ mộng du, lặng lẽ đi theo đám người kia về phòng nghỉ của Hoạt và Thạnh. Đầu óc anh lặng không một gợn nghĩ. Họ đã thuê phòng nghỉ ở đây từ sáng. Binh liếc mắt trên chiếc ga trắng tinh ở giường ngủ. Anh giật nảy mình. Ở giữa chiếc ga có một vũng máu đỏ sẫm còn tươi rói hệt như vũng máu ở nhà Binh, chỗ con rắn chết. Ngập tràn mùi tanh nồng. Binh gập người nôn thốc, nôn tháo.
*
* *
Sau cái chết của Hoạt và Thạnh, Binh trở lại bình thường. Không bao giờ anh còn gặp lại con rắn nữa. Binh trầm hẳn đi, ít nói và sống lặng lẽ. Ở cơ quan, cô tập sự được chính thức ký hợp đồng, đôn lên thế chỗ của Thạnh. Phòng lại nhận một nam sinh viên vừa tốt nghiệp vào làm tập sự. Con mèo hoang không hiểu sao cũng chết cứng đơ dưới gốc cây nhãn vào đúng đêm hôm đó. Binh chôn nó dưới gốc nhãn. Mùa nhãn năm ấy, cây nhãn tự nhiên ra rất nhiều quả. Quả nào cũng tròn căng nõn nà, cùi mòng mọng nước. Binh hái một chùm đặt lên ban thờ Hoạt. Anh đau xót thắp hương cho vợ, lòng phân vân không biết đã nên báo cho con trai đang du học biết tin dữ này chưa? Cuốn sách của Binh đã được xuất bản và gây được sự chú ý của dư luận đúng như mong muốn của anh.
Hôm ông tổng biên tập đến thăm Binh, nhìn thấy cây nhãn lúc lỉu quả, đã tấm tắc:
- Binh này, cậu có cây nhãn quý quá. Nhưng được mùa nhãn là nước sông lên to lắm đấy, không khéo lại lụt như năm ngoái thì gay.
Binh im lặng không trả lời. Vì sao, chỉ có một mình anh biết.
.