• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Liễu Chương Đài

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Liễu Chương Đài

    .




    Liễu Chương Đài

    Truyện ngắn của Bão Vũ

    "Năm sau, Hàn Hoành trở về Trường An, tìm lại ngôi nhà ở phố Chương Đài, thì Liễu thị đã biệt tăm"...

    Ông Giả ngừng kể, nhìn vào mặt Sinh mỉm cười. Đôi mắt lấp lánh láu lỉnh tinh nghịch, không có vẻ là một ông giáo già về hưu. Và Sinh thấy hơi rượu phả ra từ miệng ông Giả có mùi thơm dịu ngọt, rất lạ. Có lần Sinh hỏi vì sao uống thứ rượu tiểu thủ công rẻ tiền, được chế biến theo cách cẩu thả và ăn gian nguyên liệu mà ông lại thở ra hương thơm như vậy. Ông Giả cười không nói gì. Sau, Sinh mới biết nhiều người khác uống rượu với ông Giả cũng đã hỏi như vậy. "Mình cũng không hiểu sao lại thế. Có lẽ cơ thể mình có cấu tạo giống con chồn hương, chỉ ăn uống những thứ bình thường nhưng lại thải ra chất thơm có nồng độ đậm đặc hơn cả nước hoa Cologne của Pháp". Sinh kết luận: "Bố là "Hàm hương nhân"; là một kỳ nhân, trong người có trữ chất thơm. Uống rượu với bố rất kinh tế. Chỉ cần uống rượu rẻ tiền mà vẫn được hưởng mùi quý". Họ cùng cười.
    Hôm đầu tiên được Sinh đãi rượu, ông Giả ngậm ngụm rượu nhăn mặt như muốn nhổ ra; rồi lại cố nuốt ực, có lẽ ông sợ Sinh phật lòng.

    - Chắc bố sành rượu lắm. Xin lỗi bố vì ngân sách vợ cấp không cho phép con đãi bố rượu khá hơn.

    - Lỗi gì đâu. - Ông Giả cười. - Nhưng đúng là "nước đái quỷ". Nấu rượu tồi là phạm trọng tội với quỷ thần. Rượu là chất nước thiêng mà con người không thể tự chế ra nếu không được thần linh mách bảo. Mà thần linh đâu có dạy nấu thứ rượu này.

    Sinh nhớ đến lời kêu ca của Thục, vợ anh? Cái lão giáo hữu vô tích sự ấy có bùa bả gì mà cứ ngơi ra là lại tìm đến; có đồng kẽm nào cũng dốc ra hầu rượu lão. Sinh cố nhịn không vặc lại vợ. Anh nuốt khan cho trôi cái cục vô danh trong họng như ông Giả nuốt cái thứ "nước đái quỷ".
    Ông Giả cũng biết nỗi khổ của Sinh. Có lần thấy Sinh bộ dạng thiểu não, mặt nhăn nhó như bị đau răng, ông nói bâng quơ: "Cho nên tôi mới một mình một thân như thế này". Khi lĩnh lương hưu, ông Giả đãi lại Sinh. Chỉ là vài chén rượu tồi với mấy củ lạc; khá hơn là mỗi người hai cái chân gà công nghiệp.

    Hôm nay, lúc ngồi uống với nhau, ông chợt hỏi Sinh:
    - Cậu giảng Kiều, có bao giờ tán cái tích "Liễu Chương Đài" không?

    - Sách đã chú rõ. Con thấy không cần nói thêm. Mà tích ấy cũng đơn giản.

    - Đơn giản à? - Ông Giả ngạc nhiên.

    Sinh im lặng không biết trả lời sao. Thì vợ chồng xa nhau, nhớ nhung tí chút, rồi lại đoàn tụ. Chứ có gì đặc biệt. Sinh nghĩ thế, và hỏi ông Giả:
    - Chắc trước kia bố giảng cái tích ấy hay lắm?

    - Một lần có các thầy dạy văn cùng mấy vị trên Sở Giáo dục xuống dự giảng. Hôm ấy, bình về đoạn "Kim - Kiều tái hợp", chợt nhớ lại cái tích được nghe từ hồi thiếu niên, tôi cao hứng giảng cương ngoài giáo án. Bọn trẻ vỗ tay ầm ầm. Còn các quan Sở và các thầy phê là lan man vớ vẩn.

    - Bố thử cho con mở rộng tầm mắt một phen. - Sinh hỏi như thách đố.

    Thật ra, tôi chỉ bình phẩm theo câu chuyện bố tôi kể lại. Chuyện có vẻ tam sao thất bản. Một ông đồ bạn của ông nội tôi kể cho bố tôi nghe trong một cơn say vào đêm ba mươi Tết. Ông đồ này hỏng thi mấy bận, bất đắc chí; thường đem những câu chuyện linh tinh trong sách cũ ra kể làm quà, kiếm chén rượu.

    Sau cơn đại loạn ở kinh thành, Hàn Hoành mới xong việc nhà. Chàng trở lại Trường An, tìm về ngôi nhà cũ của mình ở phố Chương Đài. Ngôi nhà nhỏ hoang tàn. Liễu thị thì biệt tăm. Chẳng ai biết vợ chàng đi đâu. Hỏi dò hỏi khắp nơi. Lão Trương bán hàng cơm bảo có lần nhìn thấy Liễu thị ăn mặc sang trọng ngồi trên xe song mã bên một vị đại quan trông phương phi quyền uy lắm. Mụ Lý béo bán đậu phụ rong thì thấy nàng ngồi trên ngựa bạch yên cương nạm bạc, châu báu lụa là phủ kín từ đầu đến chân, song đôi với một võ quan cưỡi ngựa ô, giáp trụ sáng choang, oai phong lẫm liệt. Mụ bình phẩm, ra vẻ triết lý:
    - Người đẹp đổ quán xiêu đình thế thì trước sau cũng phải vào nơi "lầu xanh gác tía" thôi; chứ như anh thật làm sao giữ được .

    Hàn Hoành không để ý câu nói như có ý miệt thị chàng; cũng không chấp mụ Lý đã nhầm lẫn "lầu son gác tía" với "lầu xanh gác tía". Vì, dù có biết Liễu thị từng là kỹ nữ, mụ Lý cũng chẳng đủ trí tuệ mà chơi chữ như vậy. Và Hàn cũng không chấp cái chuyện mụ cũng như lão Trương và đám dân phố không còn gọi chàng là "Hàn công tử", "Hàn tiên sinh" như trước; mà chỉ gọi trống không là "Hàn Hoành", hay là "anh Hàn".

    Nhưng Hàn buồn lắm. Chàng ngồi bên bờ đầm Lam Thủy cuối phố Chương Đài lặng ngắm cây liễu. Đang độ xuân, lá liễu tốt xanh mướt chảy dài như dòng suối xanh. Chàng nhớ ngày trước có một cành liễu vươn ra mặt hồ, rủ sát mặt nước. Khi tiễn Hàn Hoành về quê, Liễu thị bảo cành liễu đó cũng như cánh tay nàng luôn vẫy theo chàng. Bây giờ cành liễu ấy chỉ còn một mẩu khô trụi chìa ra như chiếc đuôi cụt, rất tức mắt. Chẳng biết kẻ nào đã cất công lội xuống nước bẻ cành liễu ấy. Mấy con vịt bơi qua làm mặt nước sóng sánh bóng cành cây cụt dưới nước lay động, trông tội nghiệp như cánh tay tàn phế cố vẫy ai trên con thuyền ngoài xa kia. Hàn nhớ tới bài thơ chàng làm ở quê nhà trong một lần thương nhớ Liễu thị da diết:

    Chương Đài liễu! Chương Đài liễu!
    Tích nhật thanh thanh kim tại phủ
    Túng sử trường điều tự cựu thùy
    Giã ung phan chiết tha nhân thủ?
    (Dịch thoát: Chương Đài liễu trước xanh xanh. Còn nguyên hay đã bẻ cành cho ai?)

    Lúc ấy Hàn định bụng khi về Trường An sẽ đọc bài thơ lên để chọc giận Liễu thị, để rồi họ sẽ làm lành với nhau theo cái cách rất hiệu nghiệm của những cặp vợ chồng trẻ.
    Bây giờ liễu xanh còn đấy, mà nàng ở tận chân trời góc biển nào.

    Ngày ngày Hàn Hoành đi lang thang dọc phố Chương Đài, ngâm mãi bài thơ cho đến khi ứa nước mắt, cổ họng nghẹn lại mới thôi. Trẻ con bám theo Hàn đông như đàn vịt, reo cười, xô đẩy nhau kêu la náo động cả phố. Lão Trương hàng cơm lần nào thấy Hàn đi qua cũng gọi vào quán bảo ngâm "Liễu Chương Đài". Lão gật gù nghe rồi thưởng cho Hàn một chung rượu. Có lần cao hứng, lão đem đến bàn của Hàn một đĩa đậu đũa xào. Lão Trương thuộc lòng bài thơ, vừa chặt thịt vừa ê a hát "Liễu Chương Đài" theo một giai điệu dã ca vùng quê Phúc Kiến của lão, đệm thêm những tiếng "Hầy a!..." của những người đang ì ạch nặng nhọc đẩy xe lên dốc hay kéo gỗ, chống thuyền:

    Ngày trước xanh xanh
    Hầy a!
    Liễu Chương Đài
    Ngày trước xanh xanh,
    Hầy à!
    Hỏi có còn không
    Hầy, liễu Chương Đài?

    Mụ Lý béo quẩy gánh đậu phụ bán rong, gặp Hàn, mụ lấy một bìa đậu đưa cho chàng:
    - Hàn Hoành. Hát cái bài có cây liễu ở phố Chương Đài này đi.
    Hàn không một xu dính túi và đã nhịn đói mấy ngày. Chàng cười ngượng, cầm bìa đậu rồi hát "Liễu Chương Đài" theo điệu dã ca Phúc Kiến của lão Trương. Nước mắt chàng chảy ròng ròng. Miếng đậu trên tay chàng chảy nước ròng ròng. Mụ Lý cũng nước mắt đầm đìa, bảo ngày trước mụ xinh đẹp nhất xứ Giang Nam, nhưng bị gã công tử nhà giàu họ Mã bội tình, mụ chán đời chẳng thiết chăm sóc dung nhan nên mới ra thế này. Bây giờ nghe bài "Liễu Chương Đài", mụ cám cảnh mình mà không cầm được nước mắt. Hàn ngắm cặp má bánh đúc và cái mũi tẹt, cố hình dung ra nhan sắc của mụ ngày trước. Mụ Lý ngượng:
    - Béo quá hả? Dương Quý Phi còn béo hơn tôi nhiều.
    Người đẹp Dương Quý Phi quả là có đẫy đà thật. Nhưng vua Đường Huyền Tôn lại thích những cô gái mũm mĩm, và Dương Quý Phi biết cách đưa nhà vua lên tận cung Quảng Hàn, trên trời.

    Hàn Hoành trả lại bìa đậu cho mụ Lý, bảo, giá có cái màn thầu ăn thì tốt hơn. Hai ngày nay chàng không một chút ngọc thực trong bụng. Mụ Lý ái ngại đưa cho Hàn một đồng xu. Rồi mụ kéo tạp dề lau mắt, quẩy gánh đậu phụ đi, miệng rao lanh lảnh, tươi tỉnh sảng khoái như trước đó mụ chưa từng khóc cho thân phận mình:

    Đậu phụ Chương Đài đây,
    Ơ - Ơ - ơi!
    Liễu Chương Đài!
    Ngày trước xanh xanh,
    Ơ-ơi! Đậu phụ Chương Đài!

    Hàn Hoành vào quán lão Trương, đặt một xu lên bàn cho lão yên tâm rồi gọi một thố cơm nóng. Lão Trương cười hỏi:
    - ăn cơm với gì?
    Hàn tặc lưỡi:
    - Chan cơm với nước cháo hoa. Nhưng nếu phải tính tiền nước cháo hoa thì thôi vậy. Chỉ xin ít tương.
    - Tôi đãi đĩa ca la thầu. Ăn xong, cho nghe bài "Liễu Chương Đài".
    - Thế thì xin thêm bát rượu. Loại rượu nhạt cũng được .

    Vậy là một trong những thi phẩm tuyệt tác đời Đường có giá là một bát rượu hạng bét với đĩa củ cải muối sau cuộc thương lượng về nhuận bút giữa tác giả với nhà xuất bản. Ăn xong, Hàn ngâm "Liễu Chương Đài", giọng nghẹn vì phải nuốt thố cơm không có canh rau, mà rượu thì đắng. Trong quán có những thương gia, những khách giang hồ mệt mỏi, áo khăn nhàu nát bụi bặm. Họ lặng nghe Hàn ngâm "Liễu Chương Đài". Có người thở dài. Có người đưa ống tay áo chấm mắt. Biết bao nhiêu Liễu thị đang chờ trên khắp đất Trung Nguyên này.

    Hàn Hoành lang thang trên phố Chương Đài. Bọn trẻ bám theo chàng reo cười ầm ỹ, như đi theo một người điên. Chúng vừa đi vừa chìa tay vào các hàng quán xin hộ Hàn những thức ăn. Quần áo chàng rách tươm. Lão Trương thương tình bảo Hàn đến quán cơm pha trà, ngâm nga thơ phú mua vui cho khách, lão sẽ nuôi ăn. Bài hát "Liễu Chương Đài" được những khách thương ghé qua quán lão Trương nghe rồi truyền khẩu đi xa mãi.

    Một buổi tối, Hàn Hoành đang đói meo nằm nhớ vợ trong ngôi nhà lạnh lẽo thì Liễu thị đột ngột trở về trên cỗ xe ngựa sơn son thếp vàng, như một mệnh phụ phu nhân. Hàn Hoành hoa mắt, ngỡ đang nằm mơ.



    - Sách nói Liễu thị được Hàn Hoành đem vàng chuộc về từ tay tướng giặc cơ mà, bố? - Sinh cười hói, như cách lật tẩy một chuyện khoác lác.

    - Sách sai - Ông Giả tỏ vẻ khó chịu - Hàn Hoành là một hàn sĩ lại vừa về quê lo đại tang, làm gì có vàng. Chính là vì bài thơ "Liễu Chương Đài" đã được truyền tụng đến nơi đóng quân của tướng giặc Sầm Dự, kẻ đã bắt Liễu thị về làm thiếp.
    Liễu thị khóc lóc van xin được tha về với chồng: Sầm Dự cũng là kẻ có tình nên động lòng, cho Liễu thị được toại ý.

    Sinh nhớ cái đêm Thục rời bỏ Nghĩa trở lại với mình.

    Anh đứng ngoài hiên nhà Nghĩa phấp phỏng chờ. Sinh bị ướt sũng khi đội mưa đến đây. Anh đứng run cầm cập, nghe rõ tiếng trong nhà đang thu dọn gì đó.
    - Thục đem cái màn đôi đi. Tôi vẫn còn cái màn cá nhân - Tiếng Nghĩa.
    - Biết làm sao bây giờ, hả trời? Sao chưa đích xác mà họ đã báo tử, để bây giờ ra nông nỗi này - Thục như kêu lên.
    - Ngày xưa thì bảo tại trời. Bây giờ thì chẳng biết tại ai. Thôi thì Thục cứ về với người ta. May mà chúng mình chưa có con, đỡ phiền toái. Giấy hủy bỏ hôn ước tôi làm xong rồi đây. Thục cầm lấy.
    - Anh... Để rồi em nói với anh Sinh.
    - Anh sẽ là anh cả của chúng em. Thỉnh thoảng anh sang chơi.
    - Thế sao tiện. Thục đừng bận tâm về tôi nữa. Rồi tôi sẽ đi khỏi đây. Tôi đã đổi nhà cho chú Quýnh ngoài bãi rồi. Mà chưa biết chừng tôi sẽ lên chỗ bà cô ở Thái Nguyên. Thục cố quên chuyện cũ đi.
    - Sao anh phải khổ thế? Anh làm thế chúng em có tội... - Thục khóc.
    - Thôi Thục về đi. Tôi không thể đưa tiễn được.

    Cánh cửa hé mở. Thục đầu trần khoác túi vải, ào ra ngoài trời mưa, như trốn chạy. Sinh đuổi theo đến đường cái, giữ Thục lại, ôm xiết lấy cô. Anh đã tìm lại được Thục của anh, không phải Thục trong những giấc mơ giữa rừng lạnh, dưới những trận bom rải thảm; với cảm giác của một người đói đến phát sốt trong cơn ngủ mê ăn ngấu nghiến những thức ngon nhưng vô vị như nhai giấy; mà là Thục với thân hình ấm mềm ngày trước. Nhưng Thục gỡ tay anh, thở hổn hển: "Giữa đường, người ta thấy, dơ lắm". Rồi cô xách cái túi chạy lên trước.

    Thế là Thục đã dứt được Nghĩa một cách êm thấm để lại là của riêng anh.

    Hai hôm sau, Sinh làm bữa cơm để họ hàng mừng anh sống lại, trở về với vợ. Sinh hớn hở còn hơn cả trong bữa tiệc cưới Thục ngày xưa. Sinh cũng không để ý chuyện Thục mắt đỏ hoe vì khói, cặm cụi dưới bếp nấu nướng, ít khi lên nhà trên.
    Đúng hôm vợ chồng Sinh ăn mừng, Nghĩa đổi nhà cho ông chú, chuyển ra ngoài bãi sông. Rồi sau, Nghĩa bỏ luôn cả nghề thợ mộc, mua cái bè nuôi cá lồng, lênh đênh mãi tận mạn thượng nguồn sông Lãng.

    - Thế rồi cái tay Hàn Hoành ấy sống bên Liễu thị sung sướng đến trọn đời?

    - Sinh cười. Chuyện nhạt thế mà bố cũng tán được thì tài thật.

    - Cậu ở trong nghề mà nói thế. Ăn thua nhau là ở cái kết.

    - Ông giáo Kiên nhẫn tiến tới đoạn cuối câu chuyện.


    - Họ gặp lại nhau như tìm lại được báu vật bị thất lạc. Hàn Hoành như được hưởng lại tuần trăng mật ngày trước. Liễu thị đem về một số vàng lớn của Sầm Dư tặng cùng cỗ xe ngựa lộng lẫy mà các vị quan lớn cũng phải thèm muốn.
    Hàn Hoành đổi đời. Hàn béo đỏ ra, khăn áo gấm vóc lụa là xênh xang, bóng láng; ngày ngày cưỡi con ngựa trắng rong chơi những nơi non xanh nước biếc tìm tứ thơ. Phố Chương Đài vắng lặng vì không còn chàng hàn sĩ bất hạnh lang thang để hàng đàn trẻ con đi theo reo cười.

    Nhưng rồi Hàn thi sĩ nhận thấy mình không thể làm thơ được nữa. Đúng ra, chàng làm thơ không còn hay như trước. Vì không còn nỗi thương nhớ khắc khoải; không có sự hoài niệm về một quá khứ đẹp đẽ nào, không có khát vọng gì khác ngoài ham muốn được nổi tiếng vì thơ phú. Mà để làm được thơ hay thì không thế chỉ bằng khát vọng nổi tiếng. Và cái chính là Hàn không còn rách rưới đói khổ nữa. Người ta cúi mình trước đầu con ngựa trắng yên cương nạm bạc của chàng, kính cẩn chào: "Xin vấn an Hàn công tử", "Dạ, Hàn tiên sinh du ngoạn". Người ta không còn gọi chàng là "Hàn Hoành" trống không nữa. Và người ta cũng dần quên bài thơ "Liễu Chương Đài".

    Liễu thị có vốn, đóng thuyền đi buôn tơ lụa. Nhà Hàn Hoành lại càng giàu. Chồng tài họa thơ văn, vợ xinh đẹp thương hồ hái ra bạc.
    Nhưng có một con rắn độc đêm đêm lẻn vào giường ngủ của hai vợ chồng. Đó là cái bóng đen của tướng giặc Sầm Dự.

    Một đêm, Hàn Hoành hỏi Liễu thị, giọng như cái ngõng cứa gỗ tứ thiết lâu ngày không tra dầu lạc:
    - Cái thằng giặc võ biền hung đồ ấy đã ăn nằm với cô như thế nào, mà bây giờ cứ thở ngắn than dài?

    - Ông ta chẳng làm gì tôi cả. Tôi chỉ đàn hát cho ông ấy nghe. Thê thiếp của ông ấy hàng đàn, người nào cũng mặt hoa da phấn, đẹp bằng mấy tôi. - Liễu thị khó chịu vì phải nghe câu hỏi này nhiều đêm rồi.

    - Hắn bắt cô về để làm tượng thờ à? Nói khó nghe lắm.

    - Thì cố mà nghe. Nói khó nghe, nhưng từ khi tôi trở về thì anh không còn phải xin đậu phụ của mụ Lý béo, không phải hầu trà kiếm ăn ở quán lão Trương.

    Hàn Hoành đấm xuống đệm giường đánh "ầm" như tiếng trống:
    - Sao hay đi đến mạn Hàng Châu là nơi có doanh trại của thằng giặc ấy?

    - Buôn tơ lụa mà không đến Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên thì đến Sơn Đông mãi võ chắc? Nói khó nghe như thế thì để yên cho người ta ngủ, sáng mai còn phải xuống thuyền sớm cho kịp con nước.

    Liễu thị quay mặt vào tường, ngáp dài. Nghĩa là nàng đã treo "Miễn chiến bài". Hàn Hoành đành nuốt giận, nghiến răng, mở mắt trừng trừng trong bóng đêm. Chàng hình dung ra cái cảnh Sầm Dự ân ái với vợ mình. Chàng đấm xuống giường lần nữa, nhưng lần này đấm trúng phải cạnh giường, nắm tay thư sinh của chàng như bẹp nát, những ngón tay muốn gẫy vụn.


    - Cô còn thương nhớ hắn ta à? - Sinh hỏi Thục.

    - Tôi không phải là khúc gỗ. - Một lúc sau, Thục nói trong tiếng thở dài buồn bực chán ngán.

    - Thế mà nằm bên tôi, cô lại là một khúc gỗ lim đấy. Không, còn hơn thế nữa kia. Là một cây nước đá, cây nước đá! Hiểu chưa? - Sinh rít lên.

    - Ngoa ngoắt, chấp nhặt dai dẳng quá đàn bà.

    - Phải, tôi là đàn bà. Hắn là đàn ông.

    - Còn cô là thứ gì, hả?!

    Những đồ dễ vỡ trong nhà bị cả hai người đập tan tành.

    Những đêm bi kịch.

    Không thể mãi như thế này được. ở làng Nghĩa là ở gần con sông Lãng mà nơi thượng nguồn của nó có cái bè cá lồng của Nghĩa; là không thể quên được chuyện cũ. Sinh chạy chọt mãi rồi cũng xin được một chân dạy ở một trường cấp hai ven thị xã. Họ bán rẻ nhà cửa vườn đất chuyển đến nơi ở mới. Thục học nghề may, kiếm được khá tiền, còn hơn cả lương của giáo Sinh. Cô ta ý thức được vị thế của mình trong nhà. Cô coi thường Sinh. Không phải là "khinh mười lăm phút" mà là khinh mãi mãi. Vì chuyện tiền nong, vì chuyện cũ. Vì cả một điều tế nhị quan trọng nữa. Vết thương ở cột sống không làm cho Sinh chết như đồng đội tưởng, nhưng lại làm anh chỉ còn là một nửa người đàn ông.

    Sinh thấy bồn chồn vì một điều gì đó. Không thể nghe nốt câu chuyện của ông Giả, anh làm bộ xem đồng hồ rồi giật mình kêu lên:
    - Chết rồi, mải chuyện quên khuấy cái hẹn quan trọng. Mai bố cho con nghe nốt vậy.



    Đêm cuối năm, mưa lạnh. Sinh dở say dở tỉnh về gian nhà tập thể giáo viên. Trong nhà có điện sáng nhưng im ắng khác thường. Ngăn tủ quần áo của Thục trống không. Bà tạp vụ nhà trường là bạn thân của Thục ở gian bên cạnh đang đứng ngoài hiên có ý chờ Sinh về. Bà rụt rè khép nép như sợ hãi, sang đưa cho Sinh phong thư rồi về ngay. Thư của Thục. Sinh vứt phong thư lên bàn. Anh biết trong thư viết gì rồi.

    Ra đến cửa, bà tạp vụ còn ngoái lại. "à, cô ấy nấu sẵn cơm dưới bếp cho anh đấy". Sự săn sóc cuối cùng của Liễu thị, để cho Hàn Hoành lại nhớ thương khắc khoải mà làm thơ.

    Sinh hình dung ra cái bè nuôi cá lồng dập dềnh trên mặt nước thượng nguồn sông Lãng, trong đêm mưa lạnh. Thục sẽ chẳng có được hạnh phúc như cô ấy tưởng. Thục sẽ lại ân hận và nhớ thương Sinh. Nỗi đau khổ chỉ biến từ dạng này sang dạng khác. Sinh khẽ cười buồn vì cái định luật bảo toàn nỗi buồn mà anh vừa nghĩ ra.

    Cái tay Hàn Hoành ấy cũng chẳng sung sướng gì hơn mình. Thà rằng trước kia Liễu thị đừng trở về - Sinh lại nghĩ - Những điển cố, những chuyện ngụ ngôn và những giáo điều, chỉ chăm chú vào mục đích giải trình cho được một ý tưởng nào đấy, mà chẳng mấy khi để tâm tới những khổ đau bất hạnh riêng của mỗi con người. Con tàu cứ sầm sập băng đi, không bận tâm đến thân phận của những bụi cỏ hoang rối bời, khóm hoa dại li ti và đám mạng nhện mỏng manh trĩu nặng sương sớm chờm trên đường ray, dưới những bánh xe thép của nó.

    Lần này Liễu thị đi Hàng Châu đã không quay về. ở đấy có doanh trại của viên tướng giặc Sầm Dự hào hoa không chỉ biết múa đao mà còn biết thưởng thức đàn ca.

    Hàn Hoành bán sạch tài sản của vợ để lại, lăn lóc trong các ca lâu tửu điếm. Chàng làm những bài thơ thương nhớ Liễu thị trong những cơn say. Người đàn bà tầm thường từng là kỹ nữ ấy nhờ thơ của Hàn Hoành mà thành nổi tiếng. Cũng không biết có phải vợ của Hàn mang họ Liễu không, hay là chỉ vì trong thơ có cây liễu gãy ấy mà người ta gán cho thị họ Liễu?

    Hàn lại là một hàn sĩ. Nhưng thơ Hàn Hoành lừng lẫy thiên hạ. Những bài thơ của chàng vạch ứa máu những thân cây, khắc sâu vào gan đá, viết chi chít trên những mảnh tường rêu phong nơi miếu hoang, cổ tự.

    Người ta lại thấy Hàn Hoành lang thang trên phố Chương Đài, trong bộ cánh rách tướp của một gã khất thực. Và cũng vẫn như trước, bọn trẻ bám theo chàng reo cười ầm phố như đi theo một người điên, vừa đi vừa chìa tay vào các hàng quán xin hộ Hàn những thực phẩm. Mụ Lý béo bán đậu phụ lại thỉnh thoảng đãi chàng một vảy bạc vụn, đề nghị bài hát về cây liễu xanh xanh bên bờ đầm Lam Thủy.

    Lão Trương lại gọi Hàn đến quán cơm nuôi ăn để tiếp rượu, pha trà, ngâm thơ mua vui cho khách. Những khách thương mệt mỏi bụi bặm ghé qua quán lại vừa uống ruợu nghe "Liễu Chương Đài", vừa thở dài chấm nước mắt. Lão Trương lại cao hứng vừa chặt thịt, vừa hát bài thơ đệm thêm những tiếng: "Hầy - a!..." theo một điệu dã ca vùng quê Phúc Kiến của lão:

    Ngày trước xanh xanh,
    Hầy a! Liễu Chương Đài!
    Ngày trước xanh xanh,
    Hầy à!
    Hỏi có còn không
    Hầy, liễu Chương Đài?...


    B.V.
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 15-09-2010, 12:31 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    "Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài
    Ngày xưa xanh biếc hỏi nay có cỏn"

    "Xanh xanh nhành liễu đương tươi
    Năm năm luống để tặng người biệt ly
    Thu sang quyện lá vàng đi
    Người về còn biết có gì bẻ vin."

    HNhu đã đọc những câu thơ trên ở... đâu đó!
    Thì ra là xuất xứ từ câu chuyện này.
    HNhu thanks cô CO.

    Comment

    • #3

      ..::~Trích dẫn nguyên văn bởi Hương Nhu View Post
      "Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài
      Ngày xưa xanh biếc hỏi nay có cỏn"

      "Xanh xanh nhành liễu đương tươi
      Năm năm luống để tặng người biệt ly
      Thu sang quyện lá vàng đi
      Người về còn biết có gì bẻ vin."

      HNhu đã đọc những câu thơ trên ở... đâu đó!
      Thì ra là xuất xứ từ câu chuyện này.
      HNhu thanks cô CO.
      Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả nỗi lòng nhớ thương quê hương và tình nhân của nàng Kiều lúc ở lầu xanh, có câu:

      Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
      Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
      Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
      Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!

      "Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm người tình nhân cũ (tức là nàng Kiều).

      Sở dĩ có nghĩa ấy do điển tích ở tình sử:

      Theo Toàn đường chi thoại, Hàn Hoành đời Đường giỏi thơ có yêu và kết duyên với một người con gái ở phố Chương Đài trong thành Tràng An là Liễu thị. Năm sau họ Hàn về quê thăm nhà, để Liễu thị ở lại Tràng An. Không may kinh đô có biến, Liễu thị bị tướng giặc cướp mất. Khi loạn được dẹp yên, họ Hàn cho người đem vàng bạc và bài thơ Chương Đài liễu để dò hỏi về Liễu thị:

      章臺柳
      章臺柳,章臺柳,
      昔日青青今在否?
      縱使長條似舊垂,
      也應攀折他人手!

      Chương Đài liễu! Chương Đài liễu!
      Tĩch nhật thanh thanh kim tại phủ
      Túng sử trường điều tự cựu thùy
      Giã ung phan chiết tha nhân thủ?

      (Chương Đài liễu trước xanh xanh. Còn nguyên hay đã bẻ cành cho ai?).

      Về sau Liễu thị được trở về đoàn tụ với Hàn Hoành. Người sau dùng chữ "liễu Chương Đài" để chỉ nhớ nhung, sự xa cách giữa hai người yêu nhau.

      .
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      Working...
      X
      Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom