Rượu trắng
Nguyễn Ngọc Tư

Ảnh minh hoạ.
Bé sinh ra từ một cái trứng xỉn mèm.
Mẹ Bé khi đó tròn mười sáu tuổi, một bữa đi đám nhóm họ ở bên sông, cô dâu mời uống rượu nếp than. Rượu này không qua chưng cất, cơm nếp ủ men ba mươi sáu ngày thì tiết ra thứ nước vừa ngọt vừa thơm, uống vào nghe ngây lịm từng khúc ruột. Mẹ Bé tưởng tượng đem rượu rưới lên đá bào cũng giống xi rô nên uống miết. Rượu ngấm rất đằm. Ra về tới giữa sông thì cô gái không cầm nỗi cây dầm, lăn ra ngủ kệ xuồng trôi đâu thì trôi. Sáng sau tỉnh dậy thấy xuồng mắc vô bụi lá, thấy trong người vẫn còn ấm mềm, bồi hồi rơi rã, tưởng mình vẫn còn say. Bữa đó là mùng năm tháng Giêng. Mùng năm tháng năm bụng chống áo đội lên. Hai bảy tháng mười thì mẹ đẻ Bé.
Truyện cổ từng ghi lại nhiều chuyện cực kỳ bâng quơ tương tự, như bà cụ nọ ướm vào vết chân bên đường và sinh ra Thánh Gióng, chị kia uống nước trong cái gáo dừa và sinh ra Sọ Dừa. Thời may bà ngoại Bé nhớ ra những câu chuyện đó để gượng cười khi ôm đứa trẻ ngo ngoe trong tay. Thời may hồi nhỏ Bé cũng tin cổ tích nên nghĩ nó là con của cái gì đó có tên Rượu Nếp Than.
Hôm nào bà ngoại kháp rượu thì Bé ngủ rất ngon, đánh thức rồi vẫn thòm thèm díu mắt lại ngủ tiếp. Một bữa đi vô căn buồng kín mít thông ra cái chái nhỏ vừa là nơi ngủ vừa là nơi nấu rượu của bà ngoại Bé, chị trưởng trạm y tế kêu trời đất ơi, hơi rượu nồng nặc vầy không chừng con nhỏ xỉn. Bà ngoại thôi mơ mộng cháu mình có gốc gác thần tiên, chuyển võng Bé ra nhà ăn. Nhưng trong ly sữa bò hay chén nước cơm pha đường, trong những cái bánh kẹp hay cục kẹo… mà Bé nhấm nháp mỗi ngày đều bảng lảng mùi rượu nếp. Và đêm đêm khi rúc vào nách bà ngoại tìm hơi ấm, mùi hương mê dụ vẫn lẩn khuất ở đó, có khi còn nồng gắt hơn. Đó là lúc bà say.
Bé không thích bà ngoại say. Nhưng làm việc trong xã ủy Tiền Đường không thể không say, tổng kết quý hay ra quân làm lộ nông thôn, hội thảo đầu bờ hay lễ tuyển quân, một người chuyển đi hay người nào mới đến, ngày mưa dầm hay chiều cuối tuần… đều có thứ đưa cay. Bà ngoại Bé đi qua nếm tí, đi lại uống nửa ly thì không kể. Những chiều cuối tuần bà ngoại mới say thật, không có lý do để uống cầm chừng, mai không cần phải dậy sớm nấu cơm, mà nếu say thì bước chục bước là tới giường.
Chỉ Bé nhìn thấy mất mát sau những cuộc vui đó, nó phản ứng bằng cách trèo lên nách ngoại, làm mình làm mẩy gào khóc vặn vẹo đòi đi. Nhưng rốt cuộc nó chỉ là buộc chỉ chân voi, không ngăn được bà ngoại thấm rượu ngủ mê muội, say đến nỗi không hay chú Biền ngật ngừ bước vô buồng, lần mở áo và âu yếm ngực bà. Ở đó có đôi bầu vú nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, đượm mùi hương bảng lảng mà ngây dại bay lên từ những kháp rượu nóng hổi.
Chuyện cũng chỉ tới vậy thôi mà Bé đau khổ lắm, nó cảm thấy bị cướp đoạt. Nó nghèo muốn chết, cha không biết tròn méo sao, mẹ biền biệt đời thợ may ở đất Sài Gòn, ở lại cũng không mong lấy được tấm chồng tử tế. Gia tài của Bé chỉ có bà ngoại và hai bầu vú hơi lớn hơn nắm tay nó. Nếu há miệng hết cỡ, thì nó sẽ ngậm được một nửa, và bà ngoại sẽ ngúc ngoắc, nắc nẻ cười, ui trời đất, nhột! Nhưng Bé đổ lì mút miết miết, bà ngoại nằm im nín thở, thở dốc rồi sau cùng là thở dài. Nhờ bầu vú dậy hơi men và sữa của một Ông Thọ lạ hoắc nào đó, Bé lớn lên.
Nên mỗi khi bầu vú bà ngoại biến mất trong cái miệng rộng huệch của chú Biền, Bé khóc tức tưởi. Cho nó và cho bà ngoại, như kia là con sói đang gặm nhấm dần dần cơ thể bà. Lần đầu tiếng khóc đau thương của nó khiến chú sượng sùng bỏ đi, nhưng không phải lúc nào Bé cũng ngăn được. Đứa trẻ chưa biết nói thì cũng như củ khoai, ai mà sợ. Và bất kể nó báo thù bằng cách đái dầm lên giày chú Biền, hoặc thả vô đó cái xương cá lúc chú rút chân ra chéo nguẩy xỉa răng… thì những buổi nhậu khuya khoắt vào cuối tuần luôn làm Bé mất mát trong câm lặng.
Câu đầu tiên mà Bé nghĩ phải nói ngay khi biết nói là chuyện chú Biền cắn lén bà ngoại. Nhưng câu đó quá phức tạp với đứa trẻ hai tuổi rưỡi, nó buộc phải bập bẹ những từ vô bổ như chó xù tối hù, cuối cùng cũng xếp được mấy chữ tuôn ra bao nhiêu ấm ức. Ngoại dáo dác ngó quanh sợ người ta nghe rồi ngó Bé tủm tỉm cười, mắt lấp lánh nắng ngó ra ao rau muống chìm trong mưa giông ràn rạt. Rạng rỡ tỏa ra từ cái miệng duyên dáng của bà lan nóng đến vành tai, ngón chân cái… Bà đã làm những việc mà nghĩ rằng chẳng tới đâu, như để dành cho người đó mấy cái chân gà, như làm sẵn một ít dưa sả hay đưa phần canh có đầu cá lóc tới chỗ bàn ông ngồi. Những tín hiệu tình yêu bà thả lơ lửng bâng quơ đó đã được bắt gặp và hồi đáp, không vui sao được?
Cố gắng lắm ngoại mới nghiêm mặt lại, dặn Bé đừng nói với ai. Bé không sợ ma tóc dài, ông Chà Và, nhưng bà ngoại tỏ ra vô cùng rầu rĩ nói rằng, "nếu tụi mình bị đuổi đi, không có chỗ ở sao ngoại nuôi con được?". Câu đó lập tức có tác dụng. Bé sợ xa bà ngoại, xa cái mùi rượu vương vất trên tất cả những gì thuộc về bà. Nó mím miệng lại, không bao giờ kể với ai rằng vào những buổi nhậu hơi khuya, lúc chú Biền khật khừng đứng dậy và đi về phía nhà vệ sinh nằm ở cuối dãy nhà, chú luôn đi lâu lâu vì vòng ra phía sau chui vào căn buồng của ngoại Bé, mở chiếc áo mà từ khi biết chú có ghé chơi bà ngoại chỉ cài hờ một nút. Chú gần như ngay lập tức được úp mặt lên vồng ngực nóng ran.
Nhưng những chuyến ghé qua vội vã của chú Biền dần thưa thớt. Vì Bé biết nói rồi, vì tỉnh gởi công văn kêu thôi bớt rượu. Tờ giấy mỏng manh mà khiến ai nấy răm rắp nghe lời.

Đi qua những thùng ủ chỉ cần ngửi mùi nó biết thùng nào ủ được bao nhiêu ngày. Ủ quá ngày rượu đắng, non ngày đem nấu rượu sẽ chua. Ảnh mang tính minh họa.
Bà ngoại Bé vẫn hay cười nhưng buồn teo đọng phía đuôi mắt héo. Không phải vì rượu ế mà vì chú Biền lúc rày không mấy khi say. Lúc tỉnh táo chú Biền luôn giữ gìn hình ảnh uy nghi, quan cách. Đứng đầu một xã với hàng ngàn dân thì không buông thả được, dù là trong ánh mắt. Có khi chú không ngước nhìn bà ngoại Bé lần nào trong suốt hai buổi cơm. Thậm chí có tuần thì chú Biền chỉ nói với bà ngoại Bé mỗi câu: "Út, hết ớt rồi nghen". Những tín hiệu bà ngoại cố gắng gởi đi rơi lả tả như mớ lá mục trên mái nhà, ngai ngái cái mùi buồn và ướt.
Bé cũng không thấy vui hơn dù bà ngoại không say nữa. Kháp rượu lạnh tanh, năm bảy bữa mới đỏ lửa một lần. Vắng mùi rượu và khói bếp bỗng nghe chung quanh dậy lên ẩm mốc. Trong phòng, ngoài chái, trên vẻ nói cười của bà ngoại và trên nét mặt của những người lui tới. Buổi sáng Bé lửng đửng đi suốt dãy nhà tập thể nối dài với nhà ăn, ngó nghiêng coi người ta đánh răng, cạo râu, bì bạch giặt quần áo… thấy tiếc nuối khi nghĩ tới vài phút nữa họ lên phòng làm việc, mặt ai cũng nghiêm ngắn như đắp thạch cao, nhất là khi có khách lam lũ ngơ ngác bước vào.
Bà ngoại nói khách đó là dân. Bà ngoại không muốn làm dân đi đâu cũng ngơ ngác nên gắn bó quyết liệt với công việc chị nuôi của mình, cả khi chú Biền chuyển đi làm quan trên huyện. Nguyên xã này biết bao nhiêu người đàn bà nấu cơm mà phải lãnh đòn của chồng, chỉ mỗi mình nấu cơm lãnh lương nhà nước, ý nghĩ đó làm bà ngoại vui. Chỉ mỗi mình Bé biết bầu vú ngoại lạnh đi, nó vùi mặt mũi mình vào đó, nhưng không làm cho chúng nóng lên. Phải chi chú Biền quay lại, nó nghĩ vậy, nhưng quan trường thường có đi mà không về, chỉ tội bà ngoại ủ cơm vào những chạng vạng, vật vã chồm ra đệm trộn men đến mệt nhừ, đến thanh thản lăn ra ngủ không mộng mị. Bà trở lại giản dị như trước khi có một người đàn ông cởi bỏ chiếc mặt nạ để yêu bà.
Người thay chú Biền nhỏ hơn bà ngoại năm tuổi, lần hồi cũng như những người đàn ông khác, cũng nghe trùng trình mỗi khi bà quét cái đuôi mắt biết cười sắc ngọt đi qua. Anh gầy dựng lại hội hè vào những dịp có cơn cớ hoặc chẳng cần cơn cớ gì. Tờ công văn kia nằm quên trong đáy tủ. Già trẻ lại chộn rộn réo bà ngoại Bé, "Út ơi Út à…". Cán bộ ở huyện lên công tác cũng Út ơi Út, lúc nào gặp Út cũng ngon, cũng bén ngót như vầy là sao tụi này chịu nổi.
Bé ngồi canh lửa kháp rượu sau tấm vách, làu bàu đối thoại với bóng nó:
- Ngon sao không thấy người nào nhào vô cắn miếng?
Ngoài kia lại hỏi Út bỏ bùa gì trong rượu?
Chắc lại nắm tay bà ngoại rồi, Bé cười khào, bùa đâu mà bùa…
Chỉ có một ít rễ cây Chơn Nhơn bà ngoại nó đem về từ Trảng Cò, phơi ba sương chín nắng, sao vàng rồi mài mịn rải vào những thùng ủ. Chúng khiến những người mấy mươi phút trước còn trịnh trọng ghi chép, trịnh trọng nói những lời trịnh trọng bỗng trở lại mềm yếu, tầm thường.
Bé lớn lên trong gian nhà ăn của xã ủy Tiền Đường, nó đã thấy người ta uống rượu của bà ngoại nó và ca hát, và khóc lóc và nấc cục và ngủ gục. Có người vốn nói nhiều uống nửa chừng thì ríu lưỡi. Có người điềm đạm bệ vệ chợt hồ hởi chửi thề. Có người suồng sã cởi trần như anh bán thịt ngoài chợ. Và cái anh xã đoàn thường đỏ mặt khi Bé gọi là ba Việt bỗng điềm nhiên ôm nó nhấc bỗng lên, nói cho ba Việt ôm xíu coi, nhớ quá.
Bé nhớ cái ôm nồng ấm làm nó nghẹt thở hồi bảy tuổi đó, thấy lạ tại sao đến giờ vẫn nghẹt thở, mỗi khi Việt kêu,"Bé ơi, lấy miếng cơm cháy cho anh…".
Bé không gọi anh kia là ba Việt nữa. Nó đã mười sáu tuổi. Nó nghỉ học khi chưa xong lớp bảy, sau một bữa ra quán ăn hàng, nghe lóm thầy giáo dục công dân ba hoa kể chuyện thời trai trẻ. Có đoạn vầy, một tối thầy đi họp Hưng Mỹ về thì gặp chiếc xuồng trôi, trên đó một đứa con gái đang ngủ không biết trời đất là gì hết, mà thầy cũng say không biết trời đất là gì hết…
Kháp rượu thì không cần phải học cao, Bé nói khi bà ngoại tới đón nó ở phòng hội đồng nhà trường về, sau khi quăng ném xối xả những gì nó có trong tay vào ông thầy giáo dục công dân làm áo thầy tèm lem đá bào với máu. Với tri thức ngắn ngủn, Bé nghĩ chữ nghĩa thay đổi được con người nhưng rượu còn quyền năng hơn, nó biến đổi được người đã sành chữ nghĩa.
Bé thanh thản nối nghiệp bà ngoại, gắn bó với những kháp rượu như một định mệnh của mình, của một đứa trẻ sinh ra bởi cơn say. Một mình nó kháp rượu mỗi khi bà ngoại bận nấu cơm hội nghị, đi qua những thùng ủ chỉ cần ngửi mùi nó biết thùng nào ủ được bao nhiêu ngày. Ủ quá ngày rượu đắng, non ngày đem nấu rượu sẽ chua. Rượu nó kháp chưa ngon bằng bà ngoại kháp, hơi nồng gắt như một màu son hơi chói nhưng cũng cho ra thứ rượu không đốt cháy, chúng ngấm vào người chậm rãi, gây ra một thứ say bâng quơ, ơ hờ. Thứ rượu không gây vật vã đau đầu, sáng hôm sau thức dậy người ta vẫn thấy mình sảng khoái. Cả bí quyết dùng rễ cây Chơn Nhơn liều lượng cũng đều tay, ít quá làm người ta tỉnh táo toan tính hoài, con người thứ hai trong họ không thức dậy, nhưng nhiều quá người say mất hết chút lý trí còn sót lại, dễ làm bậy.
Bà ngoại Bé nói vậy, bà không bao giờ nghĩ mình đang bán rượu, mà là bán một phương thuốc, để một người này trở thành một người khác. Và những người say càn quấy chửi bới ngêu ngao trên đường không phải là uống rượu của bà. Những người say hung hăng ngược đãi vợ con cũng không phải uống rượu của bà.
"Rượu của mình", bà ngoại Bé thường nói ba chữ đó bằng niềm tự hào ngút ngất. Những kháp rượu nếp nóng hổi lấy ra từ chái bếp thông với căn buồng ám khói của bà chỉ làm ông xã đội dụi mãi mặt mình vào chiếc áo cũ của chị hội phụ nữ đã lấy chồng, làm chị trưởng trạm y tế phải khóc òa, "trời ơi giao thừa này tôi vẫn chưa có ai…", làm chú kia công khai buồn bã, "muốn làm chủ tịch quá mà không ai cho", làm những hạt ánh sáng lấp loáng mê đắm trong tia nhìn theo những tà áo bà ba xẻ đến là cao. Những tia nhìn không bao giờ dễ bắt gặp khi họ tỉnh.
Bé bắt gặp chúng vài lần, từ mắt Việt. Trìu mến thì không phân biệt được, nhưng đam mê rất dễ nhận ra. Người ta là cán bộ đã có vợ con rồi, nó dặn đi dặn lại để mình đừng mơ, mà không hay khoảnh khắc hoang mang ấy cũng là mơ. Bé vừa sợ vừa thích, như người ta sắp nếm ngụm rượu đầu. Biết là cay lắm nhưng vẫn háo hức tìm kiếm cảm giác đằng sau vị cay nồng đó. Chút thơm của gạo nếp ngoài đồng bãi, chút dư vị ngọt ngào, chút nóng ấm rựng lên từng chân tóc…
Cuối tuổi mười sáu lúc nào Bé cũng như say, má đỏ và mắt lung linh nắng. Bà ngoại ngó Bé mà thấy trùng trình, rồi con nhỏ sẽ sống cuộc đời như mình, chờ đợi một người thương được cơn say mang tới. Nhưng lấy một người yêu mình lúc tỉnh mà đánh mất mình khi say thì cũng đau, bà ngoại đã gặp một người thô bạo và phải mang con bỏ chạy, chỉ kịp lấy theo cái họ Võ cho đứa nhỏ làm gia tài.
Cái ý nghĩ đời mình đang được Bé lặp lại làm bà ngoại bồn chồn. Nó dần giống bà, giống cái đuôi mắt biết cười, cách gửi thương nhớ vào rượu và những món ăn. May là anh Việt cao ráo đẹp trai có cái răng vàng làm duyên nơi khóe miệng được kêu về tỉnh, một bước thẳng vào đường quan trường thênh thang.
Bữa xã tiễn Việt đi bà ngoại Bé về đám giỗ ở quê. Nó thay bà uống rượu. Bỗng nghĩ bà ngoại mình chưa bao giờ say đến nỗi chẳng hay biết gì. Người kháp rượu luôn thuộc lòng cách rượu của họ đi vào người họ. Bé biết nếu uống hơn tám ly nó sẽ khóc mò, qua ly mười ba hai chân nó sẽ mềm đến nỗi có thể buộc vào nhau, ly thứ mười lăm thể nào cũng lắp bắp nói về mối tình thầm kín. Nên nó giả đò say sớm đi ngủ sớm, dù muốn ngồi thêm một chút và năm ba chút nữa. Cách một tấm vách buồng dán trang trí bằng những tờ báo cũ, Bé nghe Việt nói anh trưởng thành ở đây, nhà ăn này mấy cái chén bị mẻ miệng anh thuộc lòng. Giọng Việt nghèn nghẹt như khóc, như khi đụng nhau ở trong bếp anh nói khẽ khàng với Bé, "muốn ôm em quá, chưa đi mà anh đã nhớ em rồi…". Sao mà đúng với tâm trạng nó. Câu nói đó bị Bé cộng thêm năm mơ bảy mộng, ngầm hiểu là một tín hiệu nên nó nằm chờ. Cửa chái sau đang mở. Và nó đang say không biết trời trăng gì như mẹ nó ngày xưa và như người ta tưởng vậy. Mãi khuya mới nghe Việt xô ghế đứng lên, nói thôi về, mai phải ra tỉnh tới cơ quan sớm, ngày đầu tiên đi làm không nên trễ…
Việt đã dừng lại trước cửa buồng Bé đúng năm giây, rồi đi…
Bé rưng rức ngồi dậy đổ nếp trong thùng ủ đã đủ ngày ra, đốt lửa kháp rượu. Cái diệm nước lạnh nó mới thay để ngâm ống dẫn đã làm hơi nước ngun ngút nóng chật bung trong nồi rơi xuống một thứ nước trong veo, như sương sớm, như nước mắt, chảy leo lẻo giữa đêm. Không có nước lạnh thì rượu bay lên trời, Bé nhớ bà ngoại hay nói vậy. Ngó lửa nhảy múa dưới đáy nồi, Bé tự hỏi tự hỏi và tự hỏi, phải chăng nó dùng không đủ lượng rễ cây Chơn Nhơn khi ủ mẻ rượu mà Việt vừa uống lúc tối hay có thứ gì quyến rũ mê dụ hơn một đứa con gái mười bảy tuổi đã tự nó tẩm rượu ấm mềm, chỉ mong được người ta ôm xiết một lần, lúc chia tay…
Lúc bà ngoại về đã thấy Bé thu dọn những thùng ủ. Nó chặt dây võng nói mình đi khỏi chỗ này ngoại ơi, ở đây không biết người ta ngu hay đui mà không ai nhìn thấy hai bà cháu mình… Nắng đã tắt trong mắt nó và khi bà ngoại lấy ngón tay chấm vào mẻ rượu nấu lúc nửa đêm, nghe trong cay nồng có chút vị mặn.
Giống như một kháp rượu nào của hai mươi hai năm trước…
Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư
Ảnh minh hoạ.
Bé sinh ra từ một cái trứng xỉn mèm.
Mẹ Bé khi đó tròn mười sáu tuổi, một bữa đi đám nhóm họ ở bên sông, cô dâu mời uống rượu nếp than. Rượu này không qua chưng cất, cơm nếp ủ men ba mươi sáu ngày thì tiết ra thứ nước vừa ngọt vừa thơm, uống vào nghe ngây lịm từng khúc ruột. Mẹ Bé tưởng tượng đem rượu rưới lên đá bào cũng giống xi rô nên uống miết. Rượu ngấm rất đằm. Ra về tới giữa sông thì cô gái không cầm nỗi cây dầm, lăn ra ngủ kệ xuồng trôi đâu thì trôi. Sáng sau tỉnh dậy thấy xuồng mắc vô bụi lá, thấy trong người vẫn còn ấm mềm, bồi hồi rơi rã, tưởng mình vẫn còn say. Bữa đó là mùng năm tháng Giêng. Mùng năm tháng năm bụng chống áo đội lên. Hai bảy tháng mười thì mẹ đẻ Bé.
Truyện cổ từng ghi lại nhiều chuyện cực kỳ bâng quơ tương tự, như bà cụ nọ ướm vào vết chân bên đường và sinh ra Thánh Gióng, chị kia uống nước trong cái gáo dừa và sinh ra Sọ Dừa. Thời may bà ngoại Bé nhớ ra những câu chuyện đó để gượng cười khi ôm đứa trẻ ngo ngoe trong tay. Thời may hồi nhỏ Bé cũng tin cổ tích nên nghĩ nó là con của cái gì đó có tên Rượu Nếp Than.
Hôm nào bà ngoại kháp rượu thì Bé ngủ rất ngon, đánh thức rồi vẫn thòm thèm díu mắt lại ngủ tiếp. Một bữa đi vô căn buồng kín mít thông ra cái chái nhỏ vừa là nơi ngủ vừa là nơi nấu rượu của bà ngoại Bé, chị trưởng trạm y tế kêu trời đất ơi, hơi rượu nồng nặc vầy không chừng con nhỏ xỉn. Bà ngoại thôi mơ mộng cháu mình có gốc gác thần tiên, chuyển võng Bé ra nhà ăn. Nhưng trong ly sữa bò hay chén nước cơm pha đường, trong những cái bánh kẹp hay cục kẹo… mà Bé nhấm nháp mỗi ngày đều bảng lảng mùi rượu nếp. Và đêm đêm khi rúc vào nách bà ngoại tìm hơi ấm, mùi hương mê dụ vẫn lẩn khuất ở đó, có khi còn nồng gắt hơn. Đó là lúc bà say.
Bé không thích bà ngoại say. Nhưng làm việc trong xã ủy Tiền Đường không thể không say, tổng kết quý hay ra quân làm lộ nông thôn, hội thảo đầu bờ hay lễ tuyển quân, một người chuyển đi hay người nào mới đến, ngày mưa dầm hay chiều cuối tuần… đều có thứ đưa cay. Bà ngoại Bé đi qua nếm tí, đi lại uống nửa ly thì không kể. Những chiều cuối tuần bà ngoại mới say thật, không có lý do để uống cầm chừng, mai không cần phải dậy sớm nấu cơm, mà nếu say thì bước chục bước là tới giường.
Chỉ Bé nhìn thấy mất mát sau những cuộc vui đó, nó phản ứng bằng cách trèo lên nách ngoại, làm mình làm mẩy gào khóc vặn vẹo đòi đi. Nhưng rốt cuộc nó chỉ là buộc chỉ chân voi, không ngăn được bà ngoại thấm rượu ngủ mê muội, say đến nỗi không hay chú Biền ngật ngừ bước vô buồng, lần mở áo và âu yếm ngực bà. Ở đó có đôi bầu vú nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, đượm mùi hương bảng lảng mà ngây dại bay lên từ những kháp rượu nóng hổi.
Chuyện cũng chỉ tới vậy thôi mà Bé đau khổ lắm, nó cảm thấy bị cướp đoạt. Nó nghèo muốn chết, cha không biết tròn méo sao, mẹ biền biệt đời thợ may ở đất Sài Gòn, ở lại cũng không mong lấy được tấm chồng tử tế. Gia tài của Bé chỉ có bà ngoại và hai bầu vú hơi lớn hơn nắm tay nó. Nếu há miệng hết cỡ, thì nó sẽ ngậm được một nửa, và bà ngoại sẽ ngúc ngoắc, nắc nẻ cười, ui trời đất, nhột! Nhưng Bé đổ lì mút miết miết, bà ngoại nằm im nín thở, thở dốc rồi sau cùng là thở dài. Nhờ bầu vú dậy hơi men và sữa của một Ông Thọ lạ hoắc nào đó, Bé lớn lên.
Nên mỗi khi bầu vú bà ngoại biến mất trong cái miệng rộng huệch của chú Biền, Bé khóc tức tưởi. Cho nó và cho bà ngoại, như kia là con sói đang gặm nhấm dần dần cơ thể bà. Lần đầu tiếng khóc đau thương của nó khiến chú sượng sùng bỏ đi, nhưng không phải lúc nào Bé cũng ngăn được. Đứa trẻ chưa biết nói thì cũng như củ khoai, ai mà sợ. Và bất kể nó báo thù bằng cách đái dầm lên giày chú Biền, hoặc thả vô đó cái xương cá lúc chú rút chân ra chéo nguẩy xỉa răng… thì những buổi nhậu khuya khoắt vào cuối tuần luôn làm Bé mất mát trong câm lặng.
Câu đầu tiên mà Bé nghĩ phải nói ngay khi biết nói là chuyện chú Biền cắn lén bà ngoại. Nhưng câu đó quá phức tạp với đứa trẻ hai tuổi rưỡi, nó buộc phải bập bẹ những từ vô bổ như chó xù tối hù, cuối cùng cũng xếp được mấy chữ tuôn ra bao nhiêu ấm ức. Ngoại dáo dác ngó quanh sợ người ta nghe rồi ngó Bé tủm tỉm cười, mắt lấp lánh nắng ngó ra ao rau muống chìm trong mưa giông ràn rạt. Rạng rỡ tỏa ra từ cái miệng duyên dáng của bà lan nóng đến vành tai, ngón chân cái… Bà đã làm những việc mà nghĩ rằng chẳng tới đâu, như để dành cho người đó mấy cái chân gà, như làm sẵn một ít dưa sả hay đưa phần canh có đầu cá lóc tới chỗ bàn ông ngồi. Những tín hiệu tình yêu bà thả lơ lửng bâng quơ đó đã được bắt gặp và hồi đáp, không vui sao được?
Cố gắng lắm ngoại mới nghiêm mặt lại, dặn Bé đừng nói với ai. Bé không sợ ma tóc dài, ông Chà Và, nhưng bà ngoại tỏ ra vô cùng rầu rĩ nói rằng, "nếu tụi mình bị đuổi đi, không có chỗ ở sao ngoại nuôi con được?". Câu đó lập tức có tác dụng. Bé sợ xa bà ngoại, xa cái mùi rượu vương vất trên tất cả những gì thuộc về bà. Nó mím miệng lại, không bao giờ kể với ai rằng vào những buổi nhậu hơi khuya, lúc chú Biền khật khừng đứng dậy và đi về phía nhà vệ sinh nằm ở cuối dãy nhà, chú luôn đi lâu lâu vì vòng ra phía sau chui vào căn buồng của ngoại Bé, mở chiếc áo mà từ khi biết chú có ghé chơi bà ngoại chỉ cài hờ một nút. Chú gần như ngay lập tức được úp mặt lên vồng ngực nóng ran.
Nhưng những chuyến ghé qua vội vã của chú Biền dần thưa thớt. Vì Bé biết nói rồi, vì tỉnh gởi công văn kêu thôi bớt rượu. Tờ giấy mỏng manh mà khiến ai nấy răm rắp nghe lời.
Đi qua những thùng ủ chỉ cần ngửi mùi nó biết thùng nào ủ được bao nhiêu ngày. Ủ quá ngày rượu đắng, non ngày đem nấu rượu sẽ chua. Ảnh mang tính minh họa.
Bà ngoại Bé vẫn hay cười nhưng buồn teo đọng phía đuôi mắt héo. Không phải vì rượu ế mà vì chú Biền lúc rày không mấy khi say. Lúc tỉnh táo chú Biền luôn giữ gìn hình ảnh uy nghi, quan cách. Đứng đầu một xã với hàng ngàn dân thì không buông thả được, dù là trong ánh mắt. Có khi chú không ngước nhìn bà ngoại Bé lần nào trong suốt hai buổi cơm. Thậm chí có tuần thì chú Biền chỉ nói với bà ngoại Bé mỗi câu: "Út, hết ớt rồi nghen". Những tín hiệu bà ngoại cố gắng gởi đi rơi lả tả như mớ lá mục trên mái nhà, ngai ngái cái mùi buồn và ướt.
Bé cũng không thấy vui hơn dù bà ngoại không say nữa. Kháp rượu lạnh tanh, năm bảy bữa mới đỏ lửa một lần. Vắng mùi rượu và khói bếp bỗng nghe chung quanh dậy lên ẩm mốc. Trong phòng, ngoài chái, trên vẻ nói cười của bà ngoại và trên nét mặt của những người lui tới. Buổi sáng Bé lửng đửng đi suốt dãy nhà tập thể nối dài với nhà ăn, ngó nghiêng coi người ta đánh răng, cạo râu, bì bạch giặt quần áo… thấy tiếc nuối khi nghĩ tới vài phút nữa họ lên phòng làm việc, mặt ai cũng nghiêm ngắn như đắp thạch cao, nhất là khi có khách lam lũ ngơ ngác bước vào.
Bà ngoại nói khách đó là dân. Bà ngoại không muốn làm dân đi đâu cũng ngơ ngác nên gắn bó quyết liệt với công việc chị nuôi của mình, cả khi chú Biền chuyển đi làm quan trên huyện. Nguyên xã này biết bao nhiêu người đàn bà nấu cơm mà phải lãnh đòn của chồng, chỉ mỗi mình nấu cơm lãnh lương nhà nước, ý nghĩ đó làm bà ngoại vui. Chỉ mỗi mình Bé biết bầu vú ngoại lạnh đi, nó vùi mặt mũi mình vào đó, nhưng không làm cho chúng nóng lên. Phải chi chú Biền quay lại, nó nghĩ vậy, nhưng quan trường thường có đi mà không về, chỉ tội bà ngoại ủ cơm vào những chạng vạng, vật vã chồm ra đệm trộn men đến mệt nhừ, đến thanh thản lăn ra ngủ không mộng mị. Bà trở lại giản dị như trước khi có một người đàn ông cởi bỏ chiếc mặt nạ để yêu bà.
Người thay chú Biền nhỏ hơn bà ngoại năm tuổi, lần hồi cũng như những người đàn ông khác, cũng nghe trùng trình mỗi khi bà quét cái đuôi mắt biết cười sắc ngọt đi qua. Anh gầy dựng lại hội hè vào những dịp có cơn cớ hoặc chẳng cần cơn cớ gì. Tờ công văn kia nằm quên trong đáy tủ. Già trẻ lại chộn rộn réo bà ngoại Bé, "Út ơi Út à…". Cán bộ ở huyện lên công tác cũng Út ơi Út, lúc nào gặp Út cũng ngon, cũng bén ngót như vầy là sao tụi này chịu nổi.
Bé ngồi canh lửa kháp rượu sau tấm vách, làu bàu đối thoại với bóng nó:
- Ngon sao không thấy người nào nhào vô cắn miếng?
Ngoài kia lại hỏi Út bỏ bùa gì trong rượu?
Chắc lại nắm tay bà ngoại rồi, Bé cười khào, bùa đâu mà bùa…
Chỉ có một ít rễ cây Chơn Nhơn bà ngoại nó đem về từ Trảng Cò, phơi ba sương chín nắng, sao vàng rồi mài mịn rải vào những thùng ủ. Chúng khiến những người mấy mươi phút trước còn trịnh trọng ghi chép, trịnh trọng nói những lời trịnh trọng bỗng trở lại mềm yếu, tầm thường.
Bé lớn lên trong gian nhà ăn của xã ủy Tiền Đường, nó đã thấy người ta uống rượu của bà ngoại nó và ca hát, và khóc lóc và nấc cục và ngủ gục. Có người vốn nói nhiều uống nửa chừng thì ríu lưỡi. Có người điềm đạm bệ vệ chợt hồ hởi chửi thề. Có người suồng sã cởi trần như anh bán thịt ngoài chợ. Và cái anh xã đoàn thường đỏ mặt khi Bé gọi là ba Việt bỗng điềm nhiên ôm nó nhấc bỗng lên, nói cho ba Việt ôm xíu coi, nhớ quá.
Bé nhớ cái ôm nồng ấm làm nó nghẹt thở hồi bảy tuổi đó, thấy lạ tại sao đến giờ vẫn nghẹt thở, mỗi khi Việt kêu,"Bé ơi, lấy miếng cơm cháy cho anh…".
Bé không gọi anh kia là ba Việt nữa. Nó đã mười sáu tuổi. Nó nghỉ học khi chưa xong lớp bảy, sau một bữa ra quán ăn hàng, nghe lóm thầy giáo dục công dân ba hoa kể chuyện thời trai trẻ. Có đoạn vầy, một tối thầy đi họp Hưng Mỹ về thì gặp chiếc xuồng trôi, trên đó một đứa con gái đang ngủ không biết trời đất là gì hết, mà thầy cũng say không biết trời đất là gì hết…
Kháp rượu thì không cần phải học cao, Bé nói khi bà ngoại tới đón nó ở phòng hội đồng nhà trường về, sau khi quăng ném xối xả những gì nó có trong tay vào ông thầy giáo dục công dân làm áo thầy tèm lem đá bào với máu. Với tri thức ngắn ngủn, Bé nghĩ chữ nghĩa thay đổi được con người nhưng rượu còn quyền năng hơn, nó biến đổi được người đã sành chữ nghĩa.
Bé thanh thản nối nghiệp bà ngoại, gắn bó với những kháp rượu như một định mệnh của mình, của một đứa trẻ sinh ra bởi cơn say. Một mình nó kháp rượu mỗi khi bà ngoại bận nấu cơm hội nghị, đi qua những thùng ủ chỉ cần ngửi mùi nó biết thùng nào ủ được bao nhiêu ngày. Ủ quá ngày rượu đắng, non ngày đem nấu rượu sẽ chua. Rượu nó kháp chưa ngon bằng bà ngoại kháp, hơi nồng gắt như một màu son hơi chói nhưng cũng cho ra thứ rượu không đốt cháy, chúng ngấm vào người chậm rãi, gây ra một thứ say bâng quơ, ơ hờ. Thứ rượu không gây vật vã đau đầu, sáng hôm sau thức dậy người ta vẫn thấy mình sảng khoái. Cả bí quyết dùng rễ cây Chơn Nhơn liều lượng cũng đều tay, ít quá làm người ta tỉnh táo toan tính hoài, con người thứ hai trong họ không thức dậy, nhưng nhiều quá người say mất hết chút lý trí còn sót lại, dễ làm bậy.
Bà ngoại Bé nói vậy, bà không bao giờ nghĩ mình đang bán rượu, mà là bán một phương thuốc, để một người này trở thành một người khác. Và những người say càn quấy chửi bới ngêu ngao trên đường không phải là uống rượu của bà. Những người say hung hăng ngược đãi vợ con cũng không phải uống rượu của bà.
"Rượu của mình", bà ngoại Bé thường nói ba chữ đó bằng niềm tự hào ngút ngất. Những kháp rượu nếp nóng hổi lấy ra từ chái bếp thông với căn buồng ám khói của bà chỉ làm ông xã đội dụi mãi mặt mình vào chiếc áo cũ của chị hội phụ nữ đã lấy chồng, làm chị trưởng trạm y tế phải khóc òa, "trời ơi giao thừa này tôi vẫn chưa có ai…", làm chú kia công khai buồn bã, "muốn làm chủ tịch quá mà không ai cho", làm những hạt ánh sáng lấp loáng mê đắm trong tia nhìn theo những tà áo bà ba xẻ đến là cao. Những tia nhìn không bao giờ dễ bắt gặp khi họ tỉnh.
Bé bắt gặp chúng vài lần, từ mắt Việt. Trìu mến thì không phân biệt được, nhưng đam mê rất dễ nhận ra. Người ta là cán bộ đã có vợ con rồi, nó dặn đi dặn lại để mình đừng mơ, mà không hay khoảnh khắc hoang mang ấy cũng là mơ. Bé vừa sợ vừa thích, như người ta sắp nếm ngụm rượu đầu. Biết là cay lắm nhưng vẫn háo hức tìm kiếm cảm giác đằng sau vị cay nồng đó. Chút thơm của gạo nếp ngoài đồng bãi, chút dư vị ngọt ngào, chút nóng ấm rựng lên từng chân tóc…
Cuối tuổi mười sáu lúc nào Bé cũng như say, má đỏ và mắt lung linh nắng. Bà ngoại ngó Bé mà thấy trùng trình, rồi con nhỏ sẽ sống cuộc đời như mình, chờ đợi một người thương được cơn say mang tới. Nhưng lấy một người yêu mình lúc tỉnh mà đánh mất mình khi say thì cũng đau, bà ngoại đã gặp một người thô bạo và phải mang con bỏ chạy, chỉ kịp lấy theo cái họ Võ cho đứa nhỏ làm gia tài.
Cái ý nghĩ đời mình đang được Bé lặp lại làm bà ngoại bồn chồn. Nó dần giống bà, giống cái đuôi mắt biết cười, cách gửi thương nhớ vào rượu và những món ăn. May là anh Việt cao ráo đẹp trai có cái răng vàng làm duyên nơi khóe miệng được kêu về tỉnh, một bước thẳng vào đường quan trường thênh thang.
Bữa xã tiễn Việt đi bà ngoại Bé về đám giỗ ở quê. Nó thay bà uống rượu. Bỗng nghĩ bà ngoại mình chưa bao giờ say đến nỗi chẳng hay biết gì. Người kháp rượu luôn thuộc lòng cách rượu của họ đi vào người họ. Bé biết nếu uống hơn tám ly nó sẽ khóc mò, qua ly mười ba hai chân nó sẽ mềm đến nỗi có thể buộc vào nhau, ly thứ mười lăm thể nào cũng lắp bắp nói về mối tình thầm kín. Nên nó giả đò say sớm đi ngủ sớm, dù muốn ngồi thêm một chút và năm ba chút nữa. Cách một tấm vách buồng dán trang trí bằng những tờ báo cũ, Bé nghe Việt nói anh trưởng thành ở đây, nhà ăn này mấy cái chén bị mẻ miệng anh thuộc lòng. Giọng Việt nghèn nghẹt như khóc, như khi đụng nhau ở trong bếp anh nói khẽ khàng với Bé, "muốn ôm em quá, chưa đi mà anh đã nhớ em rồi…". Sao mà đúng với tâm trạng nó. Câu nói đó bị Bé cộng thêm năm mơ bảy mộng, ngầm hiểu là một tín hiệu nên nó nằm chờ. Cửa chái sau đang mở. Và nó đang say không biết trời trăng gì như mẹ nó ngày xưa và như người ta tưởng vậy. Mãi khuya mới nghe Việt xô ghế đứng lên, nói thôi về, mai phải ra tỉnh tới cơ quan sớm, ngày đầu tiên đi làm không nên trễ…
Việt đã dừng lại trước cửa buồng Bé đúng năm giây, rồi đi…
Bé rưng rức ngồi dậy đổ nếp trong thùng ủ đã đủ ngày ra, đốt lửa kháp rượu. Cái diệm nước lạnh nó mới thay để ngâm ống dẫn đã làm hơi nước ngun ngút nóng chật bung trong nồi rơi xuống một thứ nước trong veo, như sương sớm, như nước mắt, chảy leo lẻo giữa đêm. Không có nước lạnh thì rượu bay lên trời, Bé nhớ bà ngoại hay nói vậy. Ngó lửa nhảy múa dưới đáy nồi, Bé tự hỏi tự hỏi và tự hỏi, phải chăng nó dùng không đủ lượng rễ cây Chơn Nhơn khi ủ mẻ rượu mà Việt vừa uống lúc tối hay có thứ gì quyến rũ mê dụ hơn một đứa con gái mười bảy tuổi đã tự nó tẩm rượu ấm mềm, chỉ mong được người ta ôm xiết một lần, lúc chia tay…
Lúc bà ngoại về đã thấy Bé thu dọn những thùng ủ. Nó chặt dây võng nói mình đi khỏi chỗ này ngoại ơi, ở đây không biết người ta ngu hay đui mà không ai nhìn thấy hai bà cháu mình… Nắng đã tắt trong mắt nó và khi bà ngoại lấy ngón tay chấm vào mẻ rượu nấu lúc nửa đêm, nghe trong cay nồng có chút vị mặn.
Giống như một kháp rượu nào của hai mươi hai năm trước…
Nguyễn Ngọc Tư
