• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ẩn Sĩ - Ẩn Nhân

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ẩn Sĩ - Ẩn Nhân




    Ẩn Sĩ - Ẩn Nhân

    Ở nơi đó. Có hồn thơ mây núi
    Lặng đi về tuế nguyệt thiết tha say
    Gát kiếm trầm nhiên miền vô sự
    Ngược hay xuôi phủi sạch xuống vai gầy

    Ở nơi đó. Rừng mưa hòa suối nắng
    Hòa thong dong điệu thở mới tinh khôi
    Ẩn Sĩ nghiêng bầu càn khôn uống
    Cạn tử sinh cạn hết luân hồi

    Trôi và chảy ngày đêm không tiếng vọng
    Mà nghe vang cung bậc ngát tâm hồn
    Còn mất có không chỉ là hư huyễn
    Nghĩa gì đâu giữa Tịnh Thổ vô ngôn

    Bước thượng thừa không đi không đến
    Quên chính mình quên cả chuyện sầu vui
    Tùy duyên tùy cảm ừ như thị
    Cứ phiêu nhiên nhẹ nhỏm mây trời.

    Thơ Tâm Nhiên - Badmonk

    Trong một cuốn khảo luận khá công phu dưới một cái tên điềm đạm là "Trung Quốc cổ đại đích ẩn sĩ" tác giả.người Tầu Hàn Triệu Kỳ có nhời định nghĩa. "Ẩn sĩ còn gọi là u nhân, dật nhân, cao vĩ vân vân. Những người vốn có đạo đức tài năng có thể làm quan nhưng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó không bước vào hoạn lộ. Hoặc đang làm quan rất thuận lợi nhưng cũng vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà rời bỏ quan trường tìm nơi để ẩn". (Ẩn sĩ Trung Hoa - bản dịch Cao Tự Thanh - NXB Trẻ, trang 11). Định nghĩa này xét rộng nhiều mặt thì còn khiên cưỡng bởi cái nhìn vẫn váng vất mùi danh lợi, nhưng đại thể cũng tàm tạm đúng. Đối với nhiều người tử tế đang học và hành thì ẩn sĩ đã đạt đạo là biểu trưng tinh hoa của trí thức của hành xử và dù ở thời nào hoặc thịnh hoặc mạt/ tất cả ẩn sĩ đều có chung một hằng số, không chịu làm người bình thường.

    Ẩn sĩ có nhiều loại, theo phân định của các học giả Tầu thì khá rắc rối. Ví như có loại khí tiết đại diện là Bá Di, Thúc Tề. Loại đạo đức như Chu Xung, Thích Đồng Văn. Loại hoà thượng đạo sĩ: như Từ Bách Trân, Trần Đoàn. Loại tài sĩ (bao gồm đám thi nhân, từ nhân, thi pháp gia, hoạ gia) như Trương Trí Hòa giỏi vẽ tranh sơn thuỷ hay Lâm Bô sở trường viết chữ hành thư. Ngoài ra còn có loại tạm thời ở ẩn như Khương Thái Công, Gia Cát Lượng. Loại văn nhân phóng túng ngông ngạo nghiện ngập rượu chè như Nguyễn Tịch, Lưu Linh trong Trúc Lâm thất hiền. Tựu trung tất cả các loại trên đều được phân ngôi định phận hoặc 'theo tài hoặc theo đứt, những khái niệm chữ nghĩa siêu hình vớ vẩn. Người Việt Nam tuy học Tầu nhưng rõ ràng hơn, đơn giản chia ẩn sĩ làm ba loại. "Đại ẩn tại triều, trung ẩn tại thị, và tiểu ẩn tại lâm". Một thạc sĩ không bảo vệ nổi luận án tiến sĩ ở viện Hán Nôm có dịch rằng. Bậc ẩn lớn thì ở trong cơ quan trung ương (tại triều thì đương nhiên phải làm quan hoặc hiếm hoi thì phải làm vua. Tể tướng Quản Di Ngô thời Xuân Thu được coi là ẩn quan. Minh quân thiền sư Trần Thái Tông, ông vua vĩ đại của Đại Việt thế kỷ mười ba được coi là ẩn vương). Bậc ẩn vừa thì ở chợ ( thi thoảng có bán thịt như Chu Hợi, môn khách xuất sắc nhất của Tín Lăng quân. Hoặc giả thì ngồi đò chơi suông như ông già bến Ngự Phan Bội Châu) . Cuối cùng bất đắc dĩ thì phải ở rừng để thành ẩn nhỏ. Chu Văn An là một minh hoạ. Đại hiền nhân này đã chọn cho mình khiêm danh là Tiểu ẩn. Thực ra dưới cái nhìn rốt ráo của đạo, thì đại trung tiểu chỉ là sự bịa đặt của bọn phù phiếm. Tầm thường nhân rất thích phong chức cho các thánh. Bọn họ hay băn khoăn mất ngủ đặt vị này là lớn, vị này là nhỡ vị này là bé. Họ không biết rằng đã tới cảnh giới không danh không lợi thì làm gì có to nhỏ. ân sĩ đơn giản chỉ là ngón tay trỏ trăng của Đức Thích Ca Mầu Ni, hữu hình hoá những khái niệm của vô ngôn mà nhan nhản những tục nhân hữu ngôn có chút tâm đạo mò mẫm muốn theo.

    Ẩn sĩ thì thời nào cũng có. nhưng tới thời nay, những kiểu ẩn sĩ đã kể hình như không còn. Buổi xa xăm, bậc tiểu ẩn hành đạo thường ngồi ở thâm sơn cùng cốt trong lều gianh hay hang đá cốt để cách biệt với những dụ dỗ của ngoại cảnh, tới thời kinh tế mở, hầu hết mọi thứ đều phanh phui, bậc tiểu ẩn loay hoay mất chỗ. Cần đây. rừng U Minh Thượng bị cháy/ bao nhiêu là Ba Ba bị nướng Kỳ Đà bị thui dân nhậu mất dạy thì vui người tỉnh táo tử tế thì buồn mà tuyệt có thấy ẩn sĩ nào đâu. Bậc trung ẩn chắc cũng khó còn vì quá nhiều chợ đã chuyển thành siêu thị (super market). Gió ngoài phố tuy lạnh nhưng lành, hơi mát từ máy điều hoà dễ làm các ẩn sĩ thật đau đầu phát cảm. Bậc đại ẩn đa phần chỉ còn nghe đồn. đương nhiên phải có cơ duyên thâm hậu lắm may ra mới được gặp. Bởi đại ẩn bắt buộc ở triều. mà làm quan thì phải hoặc trả lời phỏng vấn trên ti vi hoặc giai trình công việc trước quốc hội, theo tiêu chí nông nổi thông thường khi đã hiện diện nhiều ở đám đông thì rất khó gọi là ẩn sĩ. ân sĩ đã thất truyền, bây giờ, không biết may hay rủi, chỉ còn ân nhân. Hao hao như định nghĩa ẩn sĩ, ẩn nhân là những người hình như có đạo đứt, hình như có tài năng và đương nhiên có chức danh. Sau khi làm quan hoặc làm ăn rất thuận lợi, cảm thấy đủ họ ẩn bớt trách nhiệm lui về ở ẩn. ân nhân ở lẫn lộn trong giới thương gia trong chốn quan trường và số lượng rất khó đoán. Nhận ra họ chỗ đông đảo người cũng không dễ lắm. Đa phần ẩn nhân thời nay đều mặt tròn, bụng tròn trong ca táp cầm theo có vài dấu tròn. Khi cao hứng họ hay đỡ đầu cho thể thao (thường là bóng đá) hoặc cho văn nghệ (thường là một tập thơ) Lúc ngồi xe hơi hành đạo họ đối thoại với im lặng bằng cách đếm tiền. Nếu đạo hạnh có cao hơn thì đôi khi bớt xén của công để làm từ thiện. Lúc ra khỏi xe các ẩn nhân hay nói tâm huyết, những là lá lành đùm lá rách những là phải hy sinh thân mình. Đại loại là lung tung tí mẹt có lộn xộn nhân, nghĩa- lễ - trí - tín. Nói nôm na theo học giả Hàn Triệu Kỳ thì họ tuy "chiếm hố xí nhưng không đại tiện" (sách đã dẫn trang 54).

    Ẩn sĩ đáng kể là hay, ẩn nhân chưa hẳn đã là dở. Có họ, lịch sử thường đỡ nhạt.

    Theo Tạp chí Văn : Nhà văn thì chơi với ai
    Đã chỉnh sửa bởi M Mít Đặc; 19-02-2011, 06:20 PM.
    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.
    Similar Threads
  • #2

    Lên Non Ẩn Sĩ



    Thời gian: Một buổi sáng mùa đông, vào một thời quân chủ xa xưa nào đó.
    Không gian: Một động đá bên sườn một ngọn núi khá cao, đủ cao để cho mây bay vờn trước cửa động. Gió và mây luôn đùa giỡn với những cây cối ven rừng. Một giòng suối chảy gần đó. Tiếng suối reo liên miên bất tuyệt hoà cùng tiếng lá rì rào của những cây cỏ ven bờ. Cảnh vật hoàn toàn thần tiên thoát tục.

    Nhân vật:
    - Ẩn sĩ: Một cụ già khoảng trên bảy mươi, người gầy và cao, râu tóc bạc trắng, tướng mạo phi phàm. Không ai biết ẩn sĩ đã sống trên núi cao tự bao giờ.
    - Thanh niên: Một nho sĩ khoảng 25 tuổi, mày ngài mắt phượng, hình thái nho nhã. Một nhân vật điển hình để tiến lên những bậc thang cao nhất trong xã hội.

    Chàng thanh niên tới bên bờ suối, tâm thần chàng còn đang ngơ ngẩn trước cảnh tượng tuyệt vời. Làn gió núi mùa đông lạnh như cắt ruột. Tuy đã khoác chiếc áo hồ cừu dầy mà mỗi lần gió thổi chàng lại rùng mình. Đứng định thần giây lát, chàng tiến lại phía cửa động. Tuy nhiên khi vừa tới nơi thì một làn mây trắng bay ngang qua xoá mờ hết cảnh vật chung quanh. Chàng phải chờ một lúc cho làn mây bay qua. Lúc vừa thấy lại cảnh vật thì một giọng nói cất lên làm chàng giật mình quay lại.
    Ẩn sĩ: Xin chào người trai trẻ. Người muốn tìm kiếm gì trên đỉnh núi cao lạnh lẽo này?
    Thanh niên: (lại một phen bàng hoàng ngơ ngẩn) Xin kính chào ngài. Phải chăng ngài là một vị tiên? Phải chăng ngài vừa bay tới cùng với làn mây núi vừa rồi?
    Ẩn sĩ: (mỉm cười) Ồ không đâu, ta cũng chỉ là một ông già bình thường thôi. Ta vẫn sống ở đây trong bao nhiêu năm. Vừa rồi nghe bước chân người tới nên ta bước ra coi đấy thôi.
    Thanh niên: Thưa ngài, tại sao dưới làn gió núi lạnh buốt xương, kẻ vãn bối đã mặc hai lớp áo dày mà vẫn còn thấy lạnh. Trong lúc đó ngài vẫn khoác sơ sài manh áo mỏng mà vẫn tươi tỉnh như trong làn gió xuân.
    Ẩn sĩ: (vẫn giữ nụ cười khoan dung) Đó chỉ là thói quen mà thôi, có gì là kỳ lạ đâu. Ngươi xem loài hươu nai trong rừng, loài cá nhỏ trong lòng suối, chúng có cần gì đến áo dày mũ dạ không? Nhưng người vẫn chưa trả lời câu hỏi của ta.
    Thanh niên: (lùi lại ba bước, phủ phục xuống dập đầu ba lậy, rồi cứ nằm phục dưới đất không ngước lên)
    Ẩn sĩ: Có việc gì vậy, người hãy mau đứng lên.
    Thanh niên: (Cúi lậy ba lậy nữa rồi vẫn quỳ dưới đất mà trả lời) Xin kính lạy thày ngàn lạy, xin thày mở lượng trời biển thu nhận con làm đệ tử. Con đã quá chán ngán cảnh phồn hoa thế tục nên phải cố công lặn lội khắp nơi để mong tìm thầy học đạo. Xin thầy nhận cho tấm lòng thành của con thì con mới dám đứng lên.
    Ẩn sĩ: (Gật đầu) Thôi được rồi, người hãy đứng lên đi. Đó chỉ là cái vỏ bề ngoài không quan trọng. Tuỳ theo ý thích của người, nếu người muốn ta nhận làm thầy và gọi người bằng con thì ta sẽ làm theo.
    Thanh niên: (vui mừng đứng dạy) Con xin đội ơn thầy
    Ẩn sĩ: Con này, cái lý do thúc đẩy con lặn lội ngàn dặm để tới đây thì thầy đã đọc thấy trong mắt con ngay từ phút đầu tiên, nó còn toát ra từ toàn thân con. Chút nữa đây, thế nào rồi con cũng dùng lời nói để diễn tả lại cho thầy nghe. Nhưng thầy có thể nói trước là cho dù con có dùng bất cứ lời nói nào đi chăng nữa, nó cũng chỉ diễn tả ược một nửa những gì con thật sự muốn diễn tả. Sở dĩ thầy phải dài dòng như vậy để con thấy được cái giá trị tương đối của ngôn từ. Còn về mục đích tìm thầy học đạo của con thì thầy sợ là con sẽ thất vọng. Đạo không phải là cái mà con có thể học được từ một ông thầy. Thầy không có gì để dạy cho con toại nguyện đâu. Bất cứ lúc nào, nếu muốn con có thể từ biệt thầy và quên đi ông già lẩm cẩm sống ở xó núi này.
    Thanh niên: Bạch thầy, con vẫn chưa hiểu rõ những điều thầy nói. Nếu đạo là cái không thể học được thì đạo là cái gì? Tại sao từ ngàn xưa tới nay biết bao nhiêu con người phải khổ công tìm thầy học đạo?
    Ẩn sĩ: Thì thầy đã nói là danh từ vô dụng và thầy không có gì để dạy rồi sao? Ngay câu hỏi đầu tiên của con là “Đạo là cái gì?”, thầy đã không trả lời được rồi. Bây giờ con còn giữ ý định làm đệ tử của thầy nữa hay không? Nếu không thì xin chúc con lên đường bình an.
    Thanh niên: (hoang mang) Thưa thầy, tuy con chưa hiểu rõ nhưng con có thể cảm nhận được một phần nào. Có phải ý thầy muốn nói là chỉ có thể hiểu bằng trực giác chứ không thể hiểu qua ngôn từ?
    Ẩn sĩ: Đó cũng chỉ là một nửa ý của thầy.
    Thanh niên: Bạch thầy, ngay từ khi mới gập thầy con đã có một cảm nhận mà con chưa biết diễn tả ra sao. Nhưng với cảm nhận đó thì dù thầy có nói thế nào hay xua đuổi con đi chăng nữa, con cũng xin nguyện mãi mãi làm đệ tử của thầy.
    Ẩn sĩ: Được rồi, thầy cũng thấy phẩm cách của con không phải tầm thường. Chắc con không phải thuộc hạng người vì bất đắc chí mà muốn đi ở ẩn, hay vì thất tình mà muốn đi tu. Thầy có thể thấy sự chán nản xen lẫn sự khao khát mạnh mẽ nơi con.
    Thanh niên: Dạ thưa thầy, đúng như lời thầy nói. Sau mười lăm năm đèn sách con đã giật được mảnh bằng trạng nguyên. Nhưng khi nhà vua hạ chiếu triệu vào cung thì con chỉ viết lại vài lời từ tạ rồi bỏ ra đi. Ngay từ khi còn đang miệt mài với nghiên bút con đã bị một niềm chán nản xâm chiếm dần tâm hồn con. Phụ thân con là một vị quan lớn đương triều. Mặc dù người là một vị từ phụ hoàn toàn gương mẫu và khả kính, con cũng cảm thấy là không thể dập lại khuôn mẫu của người. Con thấy cuộc sống giữa loài người với nhau là cả một trường ganh đua và bon chen dữ dội. Hầu hết mọi người đều cố dành cho được một địa vị càng cao càng tốt. Kẻ thắng thì vênh vang tự mãn, sung sướng vì được hưởng thụ, được hơn người, được đè đầu cưỡi cổ người khác. Kẻ bại thì hậm hực chua cay, kéo lê quãng đời bất mãn phiền muộn, tự làm khổ mình và làm khổ những người chung quanh.
    Ẩn sĩ: Ngoài những ganh đua bon chen của người đời, con còn thấy những gì nữa?
    Thanh niên: Thưa thầy, một điều nữa làm con chán nản là sự đối xử với nhau giữa con người quá ư tàn tệ. Ai cũng phải thủ thế, giữ miếng, rình rập nhau. Trong xã hội loài người đầy dẫy những kẻ độc dữ và hiểm ác. Những người hiền lành, dại dột là sẵn sàng bị chúng đàn áp cắn xé.
    Ẩn sĩ: Ngoài sự độc ác của loài người con còn thấy điều gì khác?
    Thanh niên: Bạch thầy, đó là sự giả dối của con người. Gần như loài người không ai nói thật những điều mình nghĩ. Luôn luôn người ta tìm cách lừa dối lẫn nhau, kể cả lừa dối chính bản thân họ nữa.
    Ẩn sĩ: Thế con có thấy yêu mến sắc đẹp của các giai nhân không? Con có thích thú trước cảnh huy hoàng của lâu đài thành quách không?
    Thanh niên: Bạch thầy, đó cũng chỉ là những phù phiếm giả dối bề ngoài. Con thấy là không có gì hư vọng hơn nhan sắc người phụ nữ, vậy mà nó có thể chi phối quá mạnh mẽ tới cuộc đời của hầu hết nhân loại. Còn những lâu đài thành quách chỉ là những công trình giả tạo của con người mà thôi.
    Ẩn sĩ: Thế con thấy loài người sống ra sao? Họ có sung sướng hạnh phúc không?
    Thanh niên: Dạ thưa không! Con thấy là tất cả loài người đều bị sự sợ hãi chi phối. Ngoài những sợ hãi thông thường như sợ đói rét, sợ mất mát, sợ khổ, sợ chết… con người còn chịu hàng vạn những sợ hãi khác. Có thể nói là từ ông vua cho tới kẻ cùng đinh, từ khi lọt lòng tới khi nhắm mắt không ai thoát khỏi sợ hãi.
    Ẩn sĩ: Con đã diễn tả hết ý của con chưa.
    Thanh niên: Bạch thầy, con thấy là dù có nói quanh quẩn cả ngày thì cũng vậy mà thôi. Xin cảm tạ thầy đã chỉ trước cho con thấy. Từ sự chán nản, con phải cố gắng vươn lên. Con vô cùng khao khát một cuộc sống chân thực như của thầy, vượt ra ngoài tất cả các tầm thường thế tục. Chắc thầy cũng đã hiểu những gì con không thể diễn tả.
    Ẩn sĩ: Được rồi. Thầy đã nói là nếu con muốn học đạo thì thầy không có gì để chỉ dạy cho con. Thầy chỉ có thể giúp con một vài lời khuyên nhỏ dựa trên những gì con nói ra mà thôi. Dĩ nhiên những lời khuyên này cũng chẳng có giá trị bao nhiêu.
    Thanh niên: Con xin kính cẩn nghe lời thầy chỉ dạy.
    Ẩn sĩ: Trước tiên thầy muốn hỏi con một vài câu hỏi nhỏ. Con thấy cảnh vật ở đây có đẹp không?
    Thanh niên: (nhìn quanh giây lát) Thưa thầy, cảnh vật nơi đây quả là thần tiên tuyệt vời. Con chỉ muốn sống với thầy ở đây mãi mãi.
    Ẩn sĩ: (dắt thanh niên tới bên bờ suối, nơi có muôn hoa lung linh khoe sắc) Con có yêu thích những bông hoa đẹp này không? Con có ngưỡng mộ giòng suối mộng mơ với đàn cá tung tăng này không?
    Thanh niên: (say mê) Con yêu thích lắm, muôn hoa tuyệt đẹp, giòng suối như trong cảnh mộng, đàn cá thực thung dung tự tại.
    Ẩn sĩ: (dắt thanh niên vào rừng, cây cối cao vút, chim muông ríu rít, hươu nai hàng đàn) Con có thích thú cánh rừng này không?
    Thanh niên: (nồng nhiệt) Con mến yêu cảnh thiên nhiên vô cùng. Do đó con quyết chí xa rời xã hội để trở về với thiên nhiên.
    Ẩn sĩ: Con ạ, tất cả những điều con vừa nói đều là do định kiến riêng. Chính chúng đã tạo ra cho con một đầu óc tư lương phân biệt như vậy.
    Thanh niên: Bạch thầy, có phải là những định kiến của con là hoàn toàn sai lầm không?
    Ẩn sĩ: Thầy không nói là con sai lầm hoàn toàn. Cái gì đã dùng lời nói để diễn tả thì không thể có sự hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai. Điều thầy muốn nói là nếu con muốn dùng đầu óc tư lương phân biệt đó để mong học đạo thì cũng khó ngang với việc bắt cá lên sống trên cây hay bắt chim xuống sống dưới nước vậy.
    Thanh niên: (sụp lậy) Kính bạch thầy, xin thầy chỉ dẫn thêm cho con. Con quả thực còn mê mờ ngu dốt.
    Ẩn sĩ: (đỡ thanh niên dạy) Con cũng đừng nên nghĩ như vậy. Người thế gian như con phỏng được mấy người. Đây chỉ là một điểm nhỏ mà thầy muốn cho con rõ. Tại sao con lại chán nản thế giới loài người để mong trở về với thiên nhiên. Con hiểu thiên nhiên là cái gì? Có phải chỉ có núi rừng, cây cỏ, muông thú, trời trăng, sông biển gió mây mới là thiên nhiên sao? Xã hội loài người chẳng phải từ thiên nhiên mà ra và là một tập hợp đầy đủ của thiên nhiên sao? Con nên hiểu là không có gì nằm ngoài và tách biệt được khỏi thiên nhiên. Do đó cũng không có việc trở về với thiên nhiên.
    Thanh niên: Bạch thầy, có phải những sự chán nản của con về xã hội loài người là không có căn cứ không?
    Ẩn sĩ: Cũng gần như vậy. Khi sống với xã hội thì con chán nản và mơ về nơi rừng núi, đến khi sống nơi rừng núi mà chán nản nữa thì con sẽ mơ về đâu? Nếu con chỉ nhìn một phía rồi chán nản như vậy thì bao giờ mới có thể thoát ra được?
    Thanh Niên: Con xin tạc dạ những chỉ dạy của thầy.
    Ẩn sĩ: Con này, sự quân bình của tạo hoá luôn luôn bền vững. Sự thiên lệch nếu có cũng chỉ là tạm thời, tuỳ nơi tuỳ lúc mà thôi. Những điều làm con chán nản chỉ là một mặt của thực tại, một nửa của tổng thể mà thôi. Con nói là con chán nản cảnh bon chen ganh đua của người đời ư? Ngay tại đây, cảnh đó diễn ra từng giờ từng phút. Trong các loài chim cá, hươu nai, những con mạnh không phải là cần tranh đấu kịch liệt mới chiếm được vị trí cao trong đàn sao? Mỗi khi có một con mồi, các loài vật cũng phải xô xát mạnh mẽ mới có được miếng ăn. Ngay cả loài cây cỏ cũng phải cố gắng vươn lên trên đồng loại để có thể hưởng được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Ở đây sự tranh đua còn vô cùng lạnh lùng tàn nhẫn. Những loài vật, cây cỏ yếu đuối không thể bắt kịp đồng loại phải chịu luật đào thải. Con nói là con chán nản sự hiểm độc của con người ư? Ở đây không thiếu loài hùm beo lang sói sẵn sàng cắn xé những con vật hiền lành. Những con cá nhỏ tung tăng, những chú chim xinh ríu rít bất cứ lúc nào cũng có thể bị nuốt gọn bởi các loài chim cá dữ. Những đám hoa nhỏ xinh tươi, những bụi cỏ xanh mướt lại hiểm độc hơn bao giờ vì luôn luôn chứa đầy rắn rết, gai độc. Con nói là loài người giả dối ư? Ở đây luôn luôn là sự nguỵ trang đánh lừa nhau. Ngay cả một số cây cỏ khi bị đụng tới còn biết rũ lá xuống để giả vờ làm cây héo khô kia mà.
    Thanh niên: Bạch thầy, con nghĩ là loài người là sinh vật cao hơn hết trong muôn loài. Do đó phải làm sao đối xử với nhau cho xứng đáng giữa con người và con người.
    Ẩn sĩ: Cái đó chính là do đầu óc phân biệt của con. Cái gì làm con nghĩ là loài người cao hơn hết. Có phải là do trí thông minh, đầu óc lý luận không? Những thứ đó có giúp gì cho con người trong việc đạt tới một xã hội toàn thiện toàn mỹ không? Chính con đã chẳng thừa nhận là không rồi sao? Nhưng thầy lại nói lạc đề rồi, thật khó mà diễn tả cho con hiểu. Thầy chỉ muốn cho con thấy là sự chán nản của con cũng chỉ là hư vọng mà thôi. Nếu con có thể nhận thức được rằng loài người không có gì cao hơn mọi loài, rằng mọi hành vi sinh hoạt của con người hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên của thiên nhiên thì lúc đó sẽ không còn chỗ cho buồn rầu chán nản.
    Thanh niên: Bạch thầy, con vẫn thấy yêu mến vẻ đẹp rừng núi, cảnh tượng thần tiên, sùng kính nếp sống chân thực của thầy.
    Ẩn sĩ: Con đã nói là con không ưa thích vẻ đẹp của giai nhân vì đó chỉ là phù phiếm bề ngoài ư? Con không thích lâu đài thành quách vì đó là công trình giả tạo ư? Con thấy ở đây cái gì là thực sự không phù phiếm giả tạo không? Ngàn hoa khoe sắc kia để làm gì? Nếu không phải là để chào mời ong bướm. Và liệu chúng tồn tại được bao lâu? Một ngày, một tháng hay một năm? Giòng suối đẹp kia có thể biến mất có thể biến mất bất cứ lúc nào vì vài tảng đá lở. Rừng cây cao vút kia dễ dàng cháy rụi bởi một tia lửa mùa khô. Con ạ, nếu con bỏ cái giả tạo hư vọng này để theo đuổi cái giả tạo hư vọng khác thì có gì thay đổi đâu?
    Thanh niên: Bạch thầy, có phải thầy muốn nói là sống tại nơi đâu thì cũng như nhau phải không ạ? Ở chốn thị thành cũng như trên non cao, trong đồng quê cũng như ngoài biển cả không có gì sai khác?
    Ẩn sĩ: Cũng gần như vậy, cái quan trọng không phải là ở bề ngoài mà là bên trong. Ở cảnh nào thì muôn loài muôn vật đều có thể vui với cảnh đó, nếu đừng mơ tưởng đến một cảnh nào khác. Cá không bao giờ mong ước bay được như chim, chim cũng không bao giờ mơ tưởng bơi được như cá. Muôn vật muôn loài đều bình đẳng và nằm trong quy luật tự nhiên của thiên nhiên.
    Thanh niên: Bạch thầy, cái quy luật tự nhiên đó có phải là đạo không?
    Ẩn sĩ: (mỉm cười) Ồ! Con lại hiểu lầm nữa rồi. Con đừng bao giờ cố công tìm hiểu đạo là cái gì hay cái gì là đạo. Đạo không phải là một thứ để cho con có thể định nghĩa hay nắm bắt được.
    Thanh niên: Thưa thầy, nếu vậy thì không bao giờ con có thể gập được đạo hay sao?
    Ẩn sĩ: Không đâu! Con vẫn gập đạo hàng ngày đấy chứ. Có điều là con không nhận thức được đấy thôi. Đạo nằm ngay trong con cũng như trong muôn loài muôn vật. Đạo nằm trong tất cả những bon chen cũng như tĩnh lặng, độc ác cũng như hiền lành, chân thực cũng như giả dối, sợ hãi cũng như tự tại, thích thú cũng như chán nản, đau khổ cũng như hạnh phúc. Không có gì nằm ngoài đạo, vậy sao con lại nói là không bao giờ gập đạo.
    Thanh niên: Bạch thầy, con vẫn chưa hiểu rõ. Nếu tất cả đều có đạo thì tại sao muôn người không nhận biết được điều đó.
    Ẩn sĩ: Làm sao con có thể hiểu rõ được, làm sao loài người có thể nhận thức được. Nếu thế thì đạo đã không phải là đạo nữa rồi. Con ạ, tất cả những thiện ác, chân giả, khổ lạc… chỉ là những ngôn từ người đời đặt ra để chỉ những mặt tương phản nhau của đời sống. Nhưng chúng có thể là hai mặt của một thực tại mà thôi. Bàn tay dù là mặt phải hay mặt trái, xoay xuôi xoay ngược gì thì cũng vẫn là bàn tay. Thế giới dù là ngày hay đêm cũng vẫn là thế giới đó không có gì khác. Thầy đã chẳng nói là ngôn từ vô dụng rồi sao? Loài vật vì không bị các ngôn từ xen vào nên chúng mới có thể sống thực với cái mà chúng đang sống, trong lúc loài người thì đầu óc còn bận rộn với những ngôn từ, luận lý trống rỗng nên sống mà không thực sự sống.
    Thanh niên: Bạch thầy, như vậy thì muốn sống thực thì con người phải từ bỏ hết tri thức để trở về sống như loài vật hay sao?
    Ẩn sĩ: Không phải vậy đâu, đó chỉ là một thí dụ thầy muốn cho con thấy. Thầy biết là trong đầu con vẫn còn tư tưởng phân biệt là loài người cao hơn hết và nếu từ bỏ tri thức thì là hạ thấp con người xuống ngang hàng loài vật chứ không phải là nâng cao con người lên như con mong muốn. Có đúng như vậy không? Thôi được rồi, thầy cũng không thể đòi hỏi con bỏ đầu óc phân biệt trong một sớm một chiều được. Bây giờ thầy cũng phải dùng tạm vài ngôn từ cho con có ý niệm ban đầu. Thầy không bao giờ nói là phải từ bỏ tri thức, nó có thể giúp con rất nhiều nếu con đừng để bị nó chi phối như muôn người khác. Như vậy con đã không còn là con nữa rồi. Cái tri thức đó chỉ là một phần cần thiết trong con, cũng như các giác quan khác của con vậy. Trong con luôn có một cái BIẾT để biết các tri thức mà con đã thâu thập, biết các giác quan mà con cảm nhận. Thầy tạm nói là loài vật có thể sống TRONG đạo nhưng chúng không NGỘ được đạo. Những người đạt đạo có thể thực hiện được điều đó, tức là đạo là người và người cũng là đạo, không phải một mà cũng chẳng phải hai.
    Thanh niên: Kính bạch thầy, xin thầy chỉ cho con con đường vào đạo.
    Ẩn sĩ: Đạo làm gì có đường vào cụ thể để có thể chỉ dẫn được . Nhưng thầy đã nói là dù có nói bao nhiêu về đạo cũng chỉ là vô ích mà thôi. Bây giờ thầy chỉ có thể khuyên con vài điều trước mắt. Đó là con phải biết dừng lại và biết xả bỏ.
    Thanh niên: Bạch thầy, dừng lại và xả bỏ?
    Ẩn sĩ: Phải, bất cứ lúc nào con cảm thấy bị lôi cuốn bởi bất cứ cái gì thì cần phải biết dừng lại ngay. Có ngừng lại thì mới có thể biết rõ ràng để xả bỏ. Con hãy cố gắng xả bỏ những cái vướng bận cho đến khi không còn gì để xả bỏ nữa.
    Thanh niên: Bạch thầy, con phải xả bỏ tất cả? Đến lúc đó thì đã có thể vào đạo được chưa?
    Ẩn sĩ: (Cười) Con lại thắc mắc về chuyện đó để làm gì? Nhưng thôi, thầy biết con là người rất thông minh, sau này con sẽ hiểu thêm dần. Bây giờ con hãy trở về với xã hội, đến khi nào thấy thật cần thiết con có thể lên đây gập thầy bất cứ lúc nào.
    Thanh niên: (Ngơ ngác) Bạch thầy, con phải trở về? Thầy không cho con sống tại nơi đây với thầy sao? Con xin hầu hạ thầy suốt đời.
    Ẩn sĩ: Con ạ, cái đầu óc phân biệt cần phải xả bỏ trước tiên đấy. Sống tại nơi nào cũng như nhau thì hà tất phải bỏ nơi này cầu nơi khác. Thầy đã nói quá nhiều rồi, những lời nói chẳng có giá trị là bao, con cũng đừng nên chấp nhiều vào nó. Sau này con cũng cần xả bỏ luôn những lời thầy nói nữa.
    Thanh niên: Thưa thầy, nếu sống tại nơi nào cũng như nhau thì tại sao thầy lại bỏ nơi xã hội để đi ở ẩn chốn non cao?
    Ẩn sĩ: Con cũng đừng nên vấn vương vì những cái tại sao như vậy. Con có thắc mắc tại sao mặt trời mọc ban ngày còn mặt trăng mọc ban đêm không? Tại sao chim bay trên trời mà cá lội dưới nước? Thầy sống trên núi cao còn con sống với xã hội thì cũng vậy mà thôi. Thầy thấy căn cơ con chưa tới lúc có thể sống ẩn dật được. Hãy trở về nơi chốn thích hợp với con. Thầy chắc rằng những chán nản nhất thời sẽ qua đi nhanh chóng.
    Thanh niên: (Sụp lậy nghẹn ngào) Kính lậy thầy ngàn lậy, con xin tuân theo lời thầy.
    Ẩn sĩ: Chúc con lên đường bình an.
    Ẩn sĩ quay trở vào trong động núi. Thanh niên sụp lậy theo ba lậy nữa rồi mới đứng dạy từ từ lần bước trở lại lối đi xuống núi. Chưa được bao xa, chàng quay lại đã chỉ thấy mây trắng mênh mông. Núi rừng vẫn muôn thuở như chưa từng có dấu vết con người.


    Theo: daotam Tác giả: Thường Minh
    Tôi khám phá ra bí mật của đại dương khi suy niệm về một giọt sương mai.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom