• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Bồ Tát Thích Quảng Đức

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bồ Tát Thích Quảng Đức


    Bồ Tát Thích Quảng Đức



    Ai sống trong thời 1963 và được chứng kiến cảnh tượng bi tráng độc nhất vô nhị này ,đều biết khi Bồ Tát Thích Quang Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt ( nay là ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám) toàn thân ngài không tỏ vẻ đau đớn gì mà ngài vẫn điềm nhiên trong tư thế ngồi Thiền , sau khi thân xác ngài đã cháy rụi hết , duy chỉ còn quả tim là không cháy , người ta lấy quả tim đó đem vô lò thiêu lại , dưới sức nóng ..4000 độ (!),cái lò thiêu muốn nứt nẻ ra ,vậy mà trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức vẫn còn ..trơ trơ ra đó(!) ,giới báo chí trong nước và nước ngoài có mặt lúc đó thi nhau chụp hình , sự kiện này làm chấn động đất Sài Gòn một thời nói riêng và toàn Thế Gíơi nói chung ,điều này làm cho mọi người càng thêm tin tưởng vào sự nhiệm màu của Phật Pháp không phải là hư danh

    Hòa-Thượng Thích-Quảng-Ðức đi tu từ thuở nhỏ ở miền Trung. Ngài sống cuộc đời giản dị và hoằng pháp độ sanh bằng phương cách xây dựng nhiều chùa. Trong cuộc đời Ngài đã xây cất tất cả 31 ngôi chùa, gồm 14 chùa ở miền Trung và 17 chùa ở miền Nam.





    Chiếc xe mà Bồ Tát Thích Quảng Đức đã dùng để đi tự thiêu năm xưa hiện đang được lưu giữ ở chùa Thiên Mụ ( Huế )

    Trong cuộc tranh đấu Phật Giáo chống chánh sách Kỳ thị Tôn Giáo và gia đình trị của chế độ Ngô-Ðình-Diệm vào mùa Phật Ðản 1963, là thời kỳ sôi nổi nhứt, Hòa-Thượng Thích-Quảng-Ðức về ngụ tại chùa Ấn-Quang để tiện bề tham gia cuộc tranh đấu.

    Ngày 30-5-63, Hòa-Thượng tham gia cuộc biểu tình tại công trường Lam Sơn trước Quốc Hội, tới 5 giờ chiều về chùa Xá-Lợi dự cuộc tuyệt thực. Dịp nầy Hòa-Thượng Thích-Quảng-Ðức trình lên Ủy-Ban Liên-Phái Bảo Vệ Phật-Giáo một bức Tâm thư xin tình nguyện tự thiêu. Thư đề ngày 27-5-63. Ủy-Ban Liên-Phái không chấp nhận sự tự thiêu.




    Trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức

    Nhưng đến ngày 10-6-63, tình hình không được sáng sủa, chẳng những vậy mà Phật giáo tại Huế đang bị lâm nguy. Lúc nầy Hòa-Thượng đang tụng Kinh Pháp-Hoa tại chùa Ấn-Quang. Vào 8 giờ tối 10-6-63, Thương-tọa Thích-Tâm-Châu và Thiện-Hoa đang họp ở chùa Xá-Lợi. Quí vị cho mời Ðại Ðức Thích-Ðức-Nghiệp tới chùa để nhờ Ðại Ðức chuyển lời hỏi Hòa-Thượng Quảng-Ðức về tâm nguyện tự thiêu nếu Hòa-Thượng không thay đổi thì tổ-chức ngay cuộc tự thiêu vào ngày hôm sau.

    Hòa-Thượng Quảng-Ðức trả lời Ðại Ðức Ðức-Nghiệp rằng Ngài vẫn quyết tâm hy-sinh cho đạo pháp, tự thiêu để cúng dường Tam Bảo. Trả lời Ðại Ðức Ðức-Nghiệp xong, Hòa-Thượng bình thản như không có chuyện gì, lúc ấy là 7 giờ 30 đêm 10-6-1963, Ngài lên chánh điện Chùa Ấn-Quang chủ lễ khóa Tịnh-Ðộ thường ngày. Buổi lễ cuối cùng ấy có Ðại Ðức Huệ-Thới đi chuông, Ðại Ðức Ðức-Niệm đi mõ.





    Hòa Thượng Thích Huyền Quang với trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức

    Ðại chúng hiện diện đều không ai biết một biến-cố quan trọng sắp xảy ra. Sau khi Phật tử về hết, tại giữa chánh điện, Hòa-Thượng Quảng-Ðức mới tâm sự với hai Ðại Ðức rằng:

    - Vì đạo pháp tôi xin hiến thân giả huyễn nầy để cho Pháp Nạn được giải thoát. Ngày mai nầy tôi sẽ từ giã cõi đời, hẹn gặp hai Thầy ở cảnh giới Cực Lạc của Ðức Phật A-Di-Ðà. Sau khi tôi tự thiêu để hiến dâng cho Phật Pháp, xin các Thầy lưu ý, vì tôi không thể trực tiếp nói điều này với các Ngài lãnh đạo:

    Một là, sau khi thân tôi thiêu thành tro bụi sẽ còn lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời Phát nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Ðạo Pháp và đó cũng là thành quả đời tu hành của tôi.
    Hai là, khi tôi thiêu, nếu tôi chết trong tư thế nằm ngửa thì nguyện vọng Phật-Giáo sẽ thành công, các Thầy cứ tiếp tục tranh-đấu. Ngược lại nếu tôi chết nằm sấp thì quý Thầy nên tìm cách đi ra các nước Miên, Lào, Thái, v.v… để mà tu, nguyện vọng tranh đấu của Phật-Giáo sẽ không thành.





    Hình ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức


    Ba là, ngày di quan tài của tôi, nếu các Thầy có cảm thấy triệu-chứng gì lạ lạ, có thể là ngủ mộng thấy, có thể là cảm giác hay triệu chứng gì thì nên đình chỉ ngay, dời việc di quan qua ngày khác.

    Nghĩ lại ba điều Hòa-Thượng Quảng-Ðức nói đêm trước ngày tự thiêu đều hiển ứng:

    1. Thân thể Ngài thiêu thành tro, mà quả tim của Ngài vẫn còn đỏ hồng như trái xoài chín dưới sức nóng 4.000 độ; nóng đến nỗi lò thiêu An-Dưỡng-Ðịa đã phải nứt nẻ.

    2. Khi ngọn lửa thiêu thân vừa lặn tắt, ba lần cuối đầu xá về hướng Tây, liền ngay khi đó, Ngài bật ngửa nằm im trên mặt đất giữa ngã tư đường Phan-Ðình-Phùng và Lê-Văn-Duyệt trong tiếng niệm Phật vang dội của hàng trăm chư Tăng Ni đang ngồi vây quanh chấp tay thành kính. Tư thế viên-tịch đúng như Ngài huyền ký lại, làm cho Tăng tín đồ tin tưởng vào sự thành công nguyện vọng bình đẳng tôn giáo mà quyết tâm dấn thân hơn. Chung cuộc chánh nghĩa đã thắng.

    3. Ai sống trong thời 1963, nếu có lưu tâm đến thời cuộc đều nhớ ngày di quan của Hòa-Thượng Quảng-Ðức ra An-Dưỡng-Ðịa để thiêu. Theo chương trình là 10 giờ sáng. Dân chúng ở hai bên đường Phan-Thanh-Giản và đường Minh-Mạng lập hương án để tiễn đưa Ngài; nhưng mọi người đợi mãi đến hơn 12 giờ trưa mà vẫn chẳng thấy đâu. Sau đó mới nhận được thông báo của Ủy-Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật-Giáo cho biết dời ngày di-quan. Dân chúng lúc bấy giờ vô cùng bàng-hoàng kinh ngạc. Khoảng 2 giờ chiều hôm ấy, người ta thấy năm bảy người mặc sắc phục đen lặng lẽ từ dưới bờ ruộng bước lên gở những quả mìn đã được chôn từ lúc nào trên quãng đường đất dẫn đến lò thiêu của An-Dưỡng-Ðịa.

    Sau 3 lần cúi sấp, nhục thân của Bồ-Tát Thích-Quảng-Ðức đã bật ngửa ra sau đem đến niềm tin thắng lợi cho cuộc tranh đấu vì đạo pháp của toàn thể Tăng tín đồ Phật-Giáo.



    ***

    Nói về Hòa-Thượng Quảng-Ðức, người sống rất giản-dị thật bình dân. Lúc nào tay cũng lần chuỗi, niệm Phật với gương mặt thản nhiên và miệng luôn luôn như mỉm cười. Những ngày Ngài ở chùa Ấn-Quang để chờ cấp lãnh-đạo Phật-Giáo chấp thuận tâm nguyện tự thiêu, Ngài ăn cơm với Tăng chúng, chứ không ngồi ăn cùng bàn với Ban Giám-đốc Phật-Học Ðường Nam-Việt Chùa Ấn-Quang, hay các vị lãnh đạo Phật-Giáo.

    Nói như thế để chúng ta thấy rằng, người mang tâm nguyện Bồ-Tát vào đời hành đạo bao giờ cũng thể hiện đời sống bình dị, pháp tu đơn giản của Phật dạy. Pháp tu đơn giản mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là Pháp môn niệm Phật. Có lẽ vì quá đơn giản mà người đời xem thường, từ tâm lý xem thường đưa đến khó tin vào năng lực của Pháp môn niệm Phật, như Kinh A-Di-Ðà Phật nói: “Nan tín chi pháp” . Có nghĩa là Pháp môn niệm Phật vãng sanh Cực Lạc thật là đơn giản mà hiệu năng thì vô cùng. Vì vậy mà người đời khó tin!

    Tưởng cũng nên nhắc lại, đến đêm 20-8-63, Ngô-Ðình-Diệm lại phản bội những gì đã ký kết với Phật-Giáo, rồi cho lịnh tấn-công vào các chùa, bắt giam tất cả Tăng Ni toàn quốc, kể cả các vị lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái Bảo vệ Phật Giáo Việt-Nam tại Chùa Xá-Lợi.

    Trong đêm đó cảnh-sát của Diệm Nhu dự định đoạt lấy Trái Tim Xá-Lợi, nhưng một Thiếu Tá cảnh-sát đã nhanh tay cất giấu Trái Tim Xá-Lợi ấy, toán Cảnh Sát quýnh quáng tìm kiếm mà không ra. Sau khi tình hình yên ổn vị Thiếu Tá ấy - là một Phật tử – đem hoàn lại vật thiêng cho quý vị lãnh đạo Phật-Giáo tại chùa Xá-Lợi.

    Kiến thức bổ sung: (Trích báo Nguồn Đạo số 70 Tết Đinh Hợi 02/2007)

    Lời Tòa Sọan : Câu chuyện về trái tim của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã đuợc nói nhiều trên các báo, và đã đi vào lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Tòa Sọan Nguồn Đạo vừa hân hạnh nhận được bài viết của Cư Sĩ Minh Lạc Vũ Văn Phường (Seattle, USA) đã ưu ái gửi cho, để chứng minh sự việc lịch sử này. Đạo Hữu Minh Lạc đã là nhân chứng thực sự đã tham gia vào việc bảo tòan trái tim của Ngài Quảng Đức trong thời kỳ đấu tranh Phật Giáo năm 1963. Nay xin đăng tải bài viết ày để đóng góp thêm vào phần tài liệu về Ngài Thích Quảng Đức đồng thời để quý độc giả thưởng lãm. Nguồn Đạo

    Trong thời kỳ tranh đấu bảo vệ Phật-Giáo tại Việt-Nam vào năm 1963, Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức phát nguyện hy sinh nhục thân, tự thiêu để cúng dường Tam Bảo, thức tỉnh nhà cầm quyền. Ủy Ban Tranh Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo lúc đó đặt trụ sở tại chùa Xá-Lợi Saigon, sau khi xem xét và nghiên cứu cẩn thận, đã chấp thuận và tổ chức cuộc thiêu thân cúng dường của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức.

    Ngày 11-06-1963, cuộc tự thiêu đã diễn ra hoàn hảo, nghiêm túc và hùng tráng làm rung động thế-giới. Nhục thân của Hòa-Thượng được đưa về quàn taị chùa Xá-Lợi, ngay chính Giảng Đường để các Tăng, Ni, Phật tử và mọi người tới viếng, tụng kinh cầu siêu, trang nghiêm và xúc động. Mấy ngày sau, nhục thân của Ngài được liệm trong quan tài bằng gỗ thật tốt và đưa đi hỏa thiêu ở An-Dưỡng-Địa, Phú-Lâm, Chợ Lớn. Lửa cháy mạnh, khói bốc cao, mọi người niệm Phật rất chân thành. Hôm sau, các Tăng, Ni mở lò thiêu để hốt xương thì thấy một vật to bằng nắm tay lẫn lộn giữa những xương tro. Tôi là đại diện Hội Phật-Học Nam-Việt được cử đi chứng kiến việc hốt tro, đã thấy tận mắt những xương nhỏ cháy thành tro vụn, mầu trắng, những xương lớn như xương đầu gối, xương ống chân cũng tan vụn thành những mảnh nhỏ, nhưng trái tim của Hòa-Thượng thì còn nguyên, tuy có bị cháy chung quanh chút ít. Mọi người đều bàng hoàng và đưa tro cốt cùng trái tim của Hòa-Thượng về trình lên Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo.

    Thượng-Tọa Thích Trí-Quang nói: “Do công phu tu hành có định lực kiên cố của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức đã kết tinh thành Xá-Lợi, trái tim này sẽ cứu Phật-Giáo Việt-Nam, cần phải bảo tồn và gìn giữ “. Cụ Chánh-Trí Mai-Thọ-Truyền, Hội-Trưởng Hội Phật-Học Nam-Việt và là một thành-viên của Ủy Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo bảo tôi: “Đạo-Hữu là Dược-Sĩ có thuốc gì và phương cách gì để bảo tồn trái tim này không?” Tôi nhận lời, lau rửa trái tim sạch sẽ, ngâm vào formol và tôn trí trong một bình thủy tinh. Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo gọi thợ đến chụp hình trái tim, in ra và phân phát. Mọi người chấn động cho là phép lạ.

    Cuộc tranh đấu bảo vệ Phật-Giáo bùng nổ rầm rộ hơn trước: Học sinh bãi khóa, sinh viên biểu tình, nhà buôn đóng cửa, bãi thị, quân đội hoang mang, lại thêm nhiều cuộc tự thiêu của các Tăng, Ni ở Huế, Saigon và các tỉnh… làm Ngô triều phản ứng mạnh. Đêm 20-8-1963, công an, cảnh sát phá chùa, bắt bớ Tăng, Ni và Phật-Tử, trên từ Hoa-Thượng Tăng Thống Thích-Tịnh-Khiết, các vị Thượng-Tọa, Đại-Đức Tăng Ni, dưới đến các Phật-Tử, sinh viên, học sinh… đều bị bắt giữ.

    Dĩ nhiên chùa Xá-Lợi được chiếu cố tận tình, vừa là trụ sở của Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo, vừa là chỗ cư trú của Hoà-Thượng Tăng-Thống cùng các Hòa-Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức nòng cốt của phong-trào tranh đấu, các cấp chỉ huy các Tăng, Ni và Phật-Tử, vừa là chỗ trưng bày “trái tim bật diệt” của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức. Cửa kính bị đập nát, các chậu cây kiểng đổ vỡ ngổn ngang, mọi người trong chùa đều bị bắt đi.

    Trái Tim của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức ra sao?

    Tối ngày 20-8-1963, được tin mật báo nhà Ngô sẽ phá chùa,Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Phật-Giáo ra lệnh cất “trái tim bất diệt” vào tủ sắt của Hội Phật-Học. Tủ sắt này có 2 lớp, lớp bên ngoài đựng các giấy tờ quan rọng, lớp bí mật bên rong cất giấu những bảo vật như Kinh bằng Lá Bối, tiền bạc …

    Sau khi bắt giữ các Hòa-Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức Tăng, Ni và Phật-Tử, và cho ra mắt các vị Tăng mới thân chánh quyền, và muốn trấn an Phật-Tử cùng hòa hoãn với sự đòi hỏi và điều tra của Ủy-Ban Tranh-Đấu Bảo-Vệ Tôn-Giáo và Nhân Quyền của Liên-Hiệp-Quốc, nhà Ngô cho phép (cũng như bắt buộc) mở cửa chùa Xá-Lợi để cho mọi người tới lễ bái, vì sắp đến ngày Đại Lễ Vu-Lan (Rằm Tháng Bảy âm-lịch).

    Ngoài Cụ Chánh-Trí Mai-Thọ-Truyền và đạo hữu Tổng Thư Ký Huệ-Đức Lê Ngọc Diệp đã bị bắt cùng với chư Hòa Thượng, Thượng-Tọa, Đại-Đức… những nhân viên ban quản trị Hội Phật-Học Nam-Việt, trong đó có tôi, được gọi tới sở Công-An, đường Nguyễn-Trãi, Chợ-Lớn, yêu cầu mở cửa chùa Xá-Lợi, Tránh không được, dù muốn, dù không, chúng tôi đưọc xe của Công-An đưa về chùa Xá-Lợi, mở cửa cho mọi người tự do ra vào lễ bái, dĩ nhiên có công-an, cảnh sát theo rõi, canh chừng

    Sau khi quét dọn sạch sẽ Chánh-Điện, Giảng-Đường và phòng ốc, dâng hoa cúng Phật, làm lễ tẩy tịnh, chúng tôi xuống mở két sắt, thấy cửa két bị đập thủng, xập một nửa xuống nên ngăn bí mật bên trong được che kín, như có bàn tay Hộ-Pháp bảo vệ. Chúng tôi hồi hộp, gọi thợ sắt đến gỡ từng mảnh sắt ra, thì thật là nhiệm mầu: Chiếc hộp đựng “trái tim bất diệt” vẫn còn y nguyên, trái tim vẫn ngự trị bên trong, kiên cố và hùng tráng như thách đố với cơn bão tố Pháp nạn. Chúng tôi bảo nhau mang cất “trái tim bất diệt” vào một chỗ bí mật, thề không tiết lộ.

    Sau ngày Cách Mạng thành công lật đổ Ngô triều vào ngày 1-11-1963, cửa chùa Xá-Lợi rộng mở, mọi người tấp nập đến chùa lễ Phật và cung kính lễ “trái tim bất diệt” còn nguyên vẹn trải qua cơn giông tố phũ phàng.
    Sau cùng “trái tim bất diệt” được đưa về tôn thời tại Việt-Nam Quốc-Tự, đường Trần-Quốc-Toản, Chợ Lớn, trụ sở Viện Hóa-Đạo, thuộc Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất.

    Sau biến cố 30-4-1975, chúng tôi được Hoà-Thượng Thích-Tâm-Châu, Viện-Trưởng Viện Hóa-Đạo tại Việt –Nam Quốc-Tự cho biết: Cộng-Sản cất “trái tim bất diệt” của Hòa-Thượng Thích Quảng-Đức vào tủ sắt một ngân hàng ở Saigon.

    Đây là sự thật một trăm phần trăm về “trái tim bất diệt” của Hoà-Thượng Thích Quảng-Đức. Chúng tôi xin viết ra để làm tài liệu lịch sử và để cho những thế hệ sau được biết rõ.


    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-10-2010, 09:20 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    BỨC ẢNH ĐOẠT GIẢI WORLD PRESS PHOTO NĂM 1963

    Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó thêm một lần nữa, một lần đã là quá đủ. Khi ông ấy tự thiêu, ông ấy không hề cử động, không rên la, cái vẻ ngoài điền tĩnh của ông trái ngược hẳn với đám đông nức nở xung quanh...

    Tác giả: Malcom W.Browne (Mỹ); Hãng thông tấn AP.

    Lịch sử bức ảnh: Ngày 11-6-1963, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để bày tỏ sự phản đối của những tín đồ Phật giáo với chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm.

    Ảnh đoạt giải WPP năm 1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức (chùa Linh Mụ- Huế) đã tự thiêu tại một ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng Tháng Tám. Những người tận mắt chứng kiến đã kể lại rằng: “Hòa thượng Thích Quảng Đức và hai nhà sư đi cùng đã đến ngã tư đó trên một chiếc ôtô, hòa thượng bước ra khỏi xe, ngồi kiết già. Những nhà sư đi theo giúp ông tẩm xăng lên cơ thể mình, sau đó ngài bật diêm tự thiêu. Ông chết sau đó vài phút.”

    David Halberstam, phóng viên của tờ NY Times, một phóng viên chiến trường đồng thời là một nhân chứng của vụ tự thiêu đã tâm sự rằng:

    "Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó thêm một lần nữa, một lần đã là quá đủ. Những ngọn lửa bốc lên từ cơ thể người, cơ thể của ông ta dần dần khô héo, đầu cháy đen và thành than, không khí toàn mùi thịt cháy. Phía sau tôi, tôi nghe rõ những tiến khóc nức nở của những người quanh đó. Tôi đã quá sốc, không thể đưa ra bất cứ câu hỏi gì, thậm chí không thể nghĩ được.
    Khi ông ấy tự thiêu, ông ấy không hề cử động, không rên la, cái vẻ ngoài điền tĩnh của ông trái ngược hẳn với đám đông nức nở xung quanh.”

    Bức ảnh nổi tiếng đã nằm trên bàn tổng thổng Kennedy ngay ngày hôm sau.

    Tác giả Malcom Browne: làm phóng viên cho thông tấn xã Hoa Kỳ AP. Từ năm 1959 ông làm phóng viên thường trú tại Baltimo. Năm 1961, ông được bổ nhiệm là trưởng phân xã AP phụ trách chiến tranh Đông Dương. Đến năm 1972, ông làm phóng viên cho NY Times, theo dõi tình hình Nam Phi. Malcom đã đến nhiều nơi trên thế giới. Ông đã xuất bản 2 cuốn sách The new face of war và Muddy Boots and Redsocks. Những thành quả mà ông đã đạt được là giải thưởng Pulizer 1964 và giải thưởng George Polk vì lòng dũng cảm trong hoạt động báo chí. Malcom kết thúc sự nghiệp với tư cách là một phóng viên nước ngoài vào năm 1977 và quay trở lại tờ NY Times với tư cách là một nhà báo viết về khoa học.

    Phan Tùng
    (vietnam net)
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    • #3





      LỬA TỪ BI
      Vũ Hoàng Chương

      Lửa, lửa cháy ngất tòa sen,
      Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống
      Hai vầng sáng rưng rưng
      Đông Tây nhòa lệ ngọc
      Chắp tay đón một mặt trời mới mọc
      Ánh Đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên

      Ô đích thực hôm nay trời có mặt
      Giờ là hoàng đạo nguy nga
      Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
      Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la
      Nam mô Đức Phật Di Đà
      Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay.

      Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
      Người rẽ phăng đêm tối đất dày
      Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây
      Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
      Phật Pháp chẳng rời tay
      Sáu ngã luân hồi đâu đó
      Mang mang cùng nín thở
      Tiếng nấc lên từng nhịp báng xe quay
      Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió
      Người siêu thăng… giông bảo lắng từ đây

      Bóng người vượt chín tầng mây
      Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề.
      Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
      Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
      Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
      Trong vô hình sáng chói nét từ bi.

      Rồi đây…rồi mai sau…còn chi ?
      Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
      Với thời gian, lê vết máu qua đi
      Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát
      Dội hào quang xuống chốn A tì
      Ôi ngọn lửa huyền vi…
      Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác
      Từ cõi vô minh
      Hướng về cực lạc
      Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác
      Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác
      Thơ cháy lên theo với lời kinh
      Tụng cho nhân loại hòa bình
      Trước sau bền vững tình huynh đệ này
      Thổn thức nghe lòng trái đất
      Mong thành quả phúc về Cây

      Nam Mô Thích ca Mâu Ni Phật
      Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt
      Tình thương hiện tháp chín tầng xây.

      Thi sĩ Vũ Hoàng Chương
      (viết tại Sàigòn ngày 15 tháng 7 năm 1963,
      để tưởng niệm Hòa Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức).





      Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-10-2010, 09:58 AM.
      ----------------------------

      Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

      Comment

      • #4

        Chùm ảnh
        CHỖ NGƯỜI NGỒI, MỘT THIÊN THU TUYỆT TÁC
        Giang Phong

        Vào lúc 7 giờ 30 phút sáng 18-9- 2010, Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức tại địa điểm 70 - 72 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 được chính thức khánh thành. Đây là niềm vui chung của người dân thành phố và Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam sau gần 5 năm chờ đợi. Giác Ngộ Online trân trọng giới thiệu đến quý độc giả chùm ảnh về Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức.


        Công viên tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức tọa lạc tại số 70 - 72 đường Cách Mạng Tháng 8 - Quận 3


        Tôn tượng Bồ tát Thích Quảng Đức và phù điêu được đúc bằng hợp kim đồng nhập khẩu từ Ukraina và Hàn Quốc





        Các phù điêu tái hiện lại phong trào đấu tranh Phật giáovào những năm 1960




        Về đêm, tôn tượng Bồ Tát và các phù điêu như lung linh hơn bởi sắc màu của ánh đèn nơi công viên







        Trang trí đá hoa cương tại công viên





        Cây xanh được trồng trong công viên tạo nên cảnh quan khá hài hòa

        Giang Phong (thực hiện
        (Giác Ngộ)
        Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 12-10-2010, 09:32 AM.
        ----------------------------

        Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

        Comment

        Working...
        X
        Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom