• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Chữ nghĩa tiếng Huế - Bùi Minh Đức

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chữ nghĩa tiếng Huế - Bùi Minh Đức

    Đọc “Chữ nghĩa tiếng Huế” của Bùi Minh Đức và bài viết "Tiếng Huế nghe chi lạ rứa hè !!!"



    작성: Huế 2010년 9월 4일 토요일 오전 4:39





    “Chữ Nghĩa tiếng Huế”, Nhà xuất bản Thuận Hóa 2008, 400 trang, của Bùi Minh Đức.Tác phẩm này xem như tiếp nối tác phẩm “Từ điển tiếng Huế” của cùng một tác giả, từng được giới thiệu với công chúng.Hiển nhiên đây là một công trình được soạn giả đầu tư rất nhiều thời gian, và là một chuỗi thời gian liên tục và có cơ còn được tiếp nối dài lâu trong tương lai.

    Người ta còn biết rằng Bùi Minh Đức là tác giả của một số sách đã in và nhiều bài viết cùng xoay quanh chủ đề văn hóa Huế và tiếng Huế.
    Như vậy ta có thể mường tượng công sức và thời gian đổ ra cho hoạt động tay trái này rất lớn bên cạnh chuyên môn y khoa của ông.
    Những công trình biên soạn này không khỏi làm cho các nhà từ điển học, ngôn ngữ học phải ganh thầm vì bản thân chưa có cơ duyên cho ra đời một thành quả tương tự.

    Trước đây, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp đầu tiên tại Huế (sau 1975), từ 1991 đến 1996, tên là Philippe Catelin, một người nghiên cứu Sử, và đặc biệt là Sử Việt Nam, một người thông thạo tiếng Việt, và nói giọng Huế đặc sệt, thúc giục anh em biên khảo sưu tầm tiếng Huế và sẵn sàng tài trợ công trình ấy nhưng vẫn không có ai hoàn thành được.

    Sở dĩ tôi mạn phép nhắc nhở đến tên một người Pháp ở đây không phải người ấy là bạn của tôi, mà thực ra vì hai lẽ: lẽ thứ nhất là có nhiều vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề về nghiên cứu, văn hóa và giáo dục, được người nước ngoài coi trọng hơn chính chúng ta và đó đã trở thành một bài học lớn lao mà chúng ta tốn nhiều thì giờ học đi học lại mãi vẫn không thuộc cho nên chúng ta cần nhắc đi nhắc lại mãi; lẽ thứ hai là, bên cạnh những ý định tốt đẹp đã phải chết non trong trứng nước thì cái thành phẩm được làm thành đề tài nói chuyện hôm nay lại càng tăng thêm giá trị của nó.

    Tôi xin phép quay về với đề tài.

    Nhưng trước khi đưa ra những nhận định về “Chữ nghĩa tiếng Huế” của Bùi Minh Đức, cho phép tôi phác lược một số đặc điểm của tiếng Huế trên bình diện tổng quát:

    1. Tiếng Huế là một ngôn ngữ “sang số” thường trực, tức là di chuyển thường xuyên từ cấp độ ngôn ngữ này sang cấp độ ngôn ngữ khác. Cùng một câu do người Huế sử dụng, nhưng tùy theo câu ấy được nói ra hay viết ra mà được biến đổi, tu chỉnh. Đó là một đặc điểm của tiếng Huế. Mà hình như đặc điểm này được chứng nghiệm đối với các ngôn ngữ từ Huế, hoặc từ miền Trung vào đến Nam bộ. Trong khi ngôn ngữ miền Bắc ít chịu áp lực của sự sang số đó. Không những thế, ngay trong ngôn ngữ nói đã có sự sang số tự động từ người nói đến người nghe. Trong giao tiếp, giữa hai người Huế với nhau, ngôn ngữ trao qua đổi lại không cần đến sự sang số; nhưng nếu giữa một người Huế và một người không phải Huế, sự sang số xảy ra từng khi.

    2. Trong tiếng Huế, lắm khi khó phân định đâu là “dinh”, đâu là “quê” trong cách nói. Có khi hoàn toàn là dinh, có khi hoàn toàn là quê, và có khi dinh quê lẫn lộn. Chẳng hạn chữ “chộ” (= thấy), mọi người Huế điều hiểu nghĩa và nghe nhiều, nhưng người ở thành phố không dùng nó vào câu nói của mình. Thí dụ khi có người Huế nói: “Anh có chi thắc mắc thì phát biểu liền chừ”, ta nhận thấy câu nói sử dụng nhiều cấp độ ngôn ngữ lẫn lộn.

    “Tiếng Huế” đi liền với “giọng Huế” (đây là lãnh vực “ngữ âm”, hoặc là cách phát âm):

    1. Người Huế biết mình phát âm không đúng trong nhiều trường hợp: g và không g (muốn và muống), t và c (biết và biếc), o và oa (khói và khoái), dấu hỏi và dấu ngã (nửa và nữa)... nhưng tất cả đó thuộc tính chất của giọng Huế. Nếu người Huế nào phát ngôn cố tình sửa lại giọng mình cho đúng chuẩn, lắm khi không được người Huế đồng tình. Thà dành cái đúng chuẩn ấy cho giọng Quảng Trị, Quảng Bình, hay Nghệ An.



    Mặc dầu vậy, có khi một số lỗi phát âm gây ra bất tiện, hoặc khiến người khác cười. Thí dụ khi người Huế bảo: chữ Hán(g), tôi no(á)i...

    2. Phát âm trái ngược vì mặc cảm. Số lỗi này mắc phải vì vô tình hoặc ý thức không chín chắn. Thí dụ trường hợp tự tiện cắt bỏ chữ g nhằm bắt chước chuẩn mực một cách sai lạc: Hươn(g) Gian(g), hoa phượn(g)... (Trường hợp này xảy ra riêng với vài người Huế tập tành hát). Hoặc âm nh- và gi-, d- chuyển hoán nhầm lẫn: sợi nhây.

    Bùi Minh Đức là một nhà từ điển học (lexicographe) phóng khoáng, không muốn bó rọ vào những kỷ luật và kỹ thuật biên soạn. Huống chi ông còn ôm đồm những kiến văn, kiến thức cùng những liên tưởng đối chiếu về văn hóa mà ông muốn chuyển tải và chia sẻ. Đây cũng là một cách biên soạn mới, nới rộng ranh giới, đồng thời tạo được những bất ngờ cho người tham khảo.

    Đọc pho sách của ông, dù chưa thật trọn vẹn và đầy đủ, tôi xin đưa ra một số nhận định sơ khởi sau đây:

    1. Có một số điểm kỹ thuật nên lưu ý. Thí dụ chữ “là” mà tác giả, ở nhiều chỗ, thêm một cách thừa thãi sau dấu = hoặc dấu ( ). Nên bỏ chữ “là” ấy đi cho đúng quy cách của từ điển và khỏi gây lướng vướng cho câu đọc.

    2. Đề nghị tham khảo bổ sung. Tác giả truy tìm chữ nghĩa ở các tên tuổi nổi tiếng như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, là người sử dụng nhiều tiếng Huế một cách ý vị. Cùng thời với thi bá này, có Nguyễn Khoa Vy là người chơi chữ có đặc tài mà hình như chưa được Bùi Minh Đức tận thu.
    3. Trang 159, tác giả có đề cập đến “nói lái” và “nói nhịu”. Xin lưu ý tác giả là hai lối phát âm này hoàn toàn khác nhau. “Nói lái” (contrepèterie) là một thủ pháp phát âm mà ta bắt gặp nhiều trong thơ Hồ Xuân Hương hoặc trong truyện dân gian “Ba Giai Tú Xuất”. Nhưng đó cũng không phải là đặc sản trong ngôn ngữ Việt Nam. Dân Pháp cũng có sử dụng, và luôn cả trong văn chương, chẳng hạn trong thơ của Jacques Prévert. “Nói nhịu”, hoặc “nói lịu” (lapsus), thường thường là vô tình (chứ không chủ ý như “nói lái”), là một sự “sẩy lời”, hay “nói vấp”. Vì vậy ta dễ thông cảm với “nói nhịu” hơn là “viết nhịu” (trường hợp “viết nhịu” nên gọi thẳng thừng là “viết sai”).

    4. Tác giả Bùi Minh Đức nên xác lập tâm thế của mình, quan điểm của mình. Thảng hoặc có thêm phần chủ quan, hay là pha phách hãnh diện làm người Huế, thì sự thể này chỉ có lợi cho công trình của mình được dịp đào sâu thêm vào các ngõ ngách mà thôi. Ngược lại, tịnh không nên có mặc cảm tự ty. Từ đó, thiết tưởng không nên trình bày tiếng Huế như là một cái gì “mua vui”, “gây cười”.

    Trước đây, tôi có một người bạn ngôn ngữ học dị ứng ra mặt đối với ngôn ngữ Nam bộ. Có lần anh có nhiệm vụ duyệt xét một vở hài kịch có chất Nam bộ, anh gạch bỏ và sửa lại không thương tiếc bao nhiêu chữ nghĩa và cách nói của miền Nam. Anh đâu có ngờ chính mình làm như vậy là tổn hại nghệ thuật đến chừng nào.

    Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, khi viết về Hàn Mặc Tử, không chịu được những chữ như “tươi mươi”, “chưa bưa” ở nhà thơ này. Ngẫm lại, và nhất là đặt lại những chữ này vào câu thơ của thi sĩ, rõ ràng đó là những chữ đắc địa.

    Tiếng địa phương làm giàu cho tiếng chung của cả nước. Những tác giả như Nguyễn Tuân, Phạm Duy biết rõ điều này và sử dụng tiếng Huế khá nhiều trong tác phẩm của mình.

    Ngôn ngữ phải có đời sống của nó và do đó phải tiến hóa và biến hóa theo nhiều phương thức: nhờ ghép chữ một cách linh hoạt (đây trở thành nét độc sáng của cá nhân) và nét này trở thành điểm mạnh của những ngôn ngữ như Đức, Anh... là những ngôn ngữ dễ dàng lắp ghép; nhờ sáng chế từ mới phụ tùy theo tiến hóa của xã hội thể hiện qua vật dụng gia tăng mãi thêm nhằm phục vụ con người; nhờ vốn cổ (chữ nôm và nhất là từ Hán Việt được thuần dưỡng trong trường hợp tiếng Việt nói riêng); nhờ vận dụng vay mượn ngôn ngữ khác và nhờ phương ngữ.

    Ngôn ngữ quốc gia phải là một tổng hòa của ngôn ngữ từ nhiều nguồn và nhất là từ nhiều ngôn ngữ địa phương.

    Nguồn: W88 - Web chính thức cập nhật link W88 không bị chặn

    Bài viết Tiếng Huế nghe chi lạ rứa hè !!!

    Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi, như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.

    Xin được đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai o đang tuổi lấy chồng: "Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba... en đẩn. Mi quai chướng khôn?". Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy: "Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh... Mày coi có kỳ không?".

    Chữ "đẩn", ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên còn có nghĩa như ăn: "Đẩn cho bưa rồi đi nghể" - "Ăn cho no rồi đi ngắm gái".

    Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn: "Đẩn cho hắn một chặp!" (Đục cho hắn một hồi!). Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại: Được mùa thì chê cơm hẩm/ Mất mùa thì đẩn cơm thiu

    Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu không có... thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà... đả thông cho được: "Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui" - (Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá. Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui). Khó hiểu chưa?!

    Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, và vì tiêu đề của bài này là lan man về những thổ ngữ đó, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút ít những gì đã mất và ôn lại những gì đang còn xài. Vì trang báo có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên trong bài này, xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn: "Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!" - (Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai). Độc chưa! O mô mà lỡ mang cái nhãn không cầu chứng tại tòa này chắc phải ở giá hoặc phải chọn kiếp... tha hương may ra mới có được tấm chồng.

    Chữ "rượn" gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém. Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế. Vì thế gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bảy xa xôi rằng con đó nó ngựa lắm, nó đĩ lắm, nhưng thâm thúy hơn nhiều.

    "Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại!" - (Bà cứ dồn lúa vô khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại). Chữ "lưa" cũng còn có nghĩa là "còn đó" như trong hai câu trong bài ca dao Huế: Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)/ Con đò đã khác năm xưa tê rồi "Này lại" (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại. Chứ không dùng ở chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm.

    Đập chắc lỗ đầu, vại máu! (Đánh nhau bể đầu, toé máu!). Thương bọ mạ để mô? Để côi trốt! Chắc chúng ta cũng thường hay hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha mẹ, câu này có nghĩa: "Thương bố mẹ để đâu? Để trên đầu!". Rồi đưa ngón tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán.

    Lên côi độn mà coi (Lên trên đồi mà xem). Chữ "coi" về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác.

    Mự đừng có làm đày! (Mợ đừng có lắm lời, thày lay). Riêng chữ cụ mự thường là dùng cho cậu mợ. Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già vì đã có chữ ôn hay ông. Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày "an trí " ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao Huế có câu thơ như vầy khi nói đến cụ Phan: Chiều chiều ông Ngự ra câu/ Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

    Chộ chưa? Nỏ chộ! (Thấy chưa? Không thấy!). Nỏ là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào! Hắn mô rồi? Nỏ biết! Chữ "nỏ biết" ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có ruột.

    En dòm tui, tui dị òm! (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá!). Chữ "òm" người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không? Dở òm!

    O nớ răng mà không biết hổ ngươi! (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ!) Hổ ngươi cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ . Cũng như xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng

    Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn!: Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới. Mời ôn mệ thời cơm: Mời ông bà dùng cơm .

    Mệ tra rồi mệ chướng: Bà ấy già nên sinh tật. Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua .

    Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn ! (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn!). Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê, hoặc khủng khiếp quá, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ!: Con bé đó đẹp quá trời!


    Xa Huế đã lâu lắm rồi, từ ngày vừa biết tập tành đi nghễ mấy o Đồng Khánh, vừa ngấp nga ngấp nghé muốn vào (nhưng sợ bị chưởi) nhấm nháp thử ly cà phê đen sánh của cà phê Phấn, nơi mà các anh hùng trong thiên hạ vẫn tấp nập ra vào; và cũng vừa biết để dành tiền để mua những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn tại nhà sách Ưng Hạ. Phong cách Huế không ít thì nhiều cũng đã phôi pha, thổ ngữ Huế cũng không mấy khi có dịp để dùng lại cho đỡ nhớ, cho khỏi quên; thành ra cũng xao lãng đi nhiều .

    Trong cái xao lãng bỗng có ý nghĩ muốn tìm lại, noái lại tiếng noái của thời cũ rích cũ rang nhưng đằm thắm đó. Cho nên chỉ xin được ghi lại đây những gì còn nhớ mài mại, để gọi là khơi lại chút âm thanh của những ngày xưa cũ.

    Theo Vietnam.net


    Similar Threads
  • #2

    Mới hôm qua CO coi tivi thấy hàng chữ " Thành phố HCM nhiều nơi ngập nắng " , CO théc méc - ủa ngập nắng cũng " lên bản tin " sao trời ... nhìn kỹ lại : "Thành phố HCM nhiều nơi ngập nặng... do mưa lớn ". hic hic hic...Câu này để người Huế nói thì... trời biết ngập gì...
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom