Khôn Chết - Dại Chết - Biết Sống
Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười
với thử thách chông gai
Sống vươn lên
theo kịp ánh ban mai
Sống chan hòa
với những người chung sống
Sống là động,
nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương,
nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui,
danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến
giữa dòng đời vạn biến.
Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một tên thợ rừng đứng bên nó mà không đốn.
Hỏi tại sao, nó nói: “Không dùng đặng chút nào hết.”
Trang Tử nói: “Cây này vì bất tài mà được sống lâu.”
Ra khỏi núi, Trang Tử ghé nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng
để nấu ăn.
Thắng nhỏ thưa: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?”
Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy.”
Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: “Hôm qua cái cây trên núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí như thế nào?”
Trang Tử cười nói: “Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh được lụy thân. Chỉ có kẻ nào biết là sống mà thôi”
(Nguồn: Thuật xử thế của người xưa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Chúng ta đã thấy khôn giỏi như Hàn Tín, Dương Tu mà còn bị giết chết, còn những người giả dại như Phạm Lãi, Tử Phòng thì làm sao mà chết được.
Lữ Khôn cũng từng nói: “Thông minh, người ta ghét, thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.”
Bạn nghĩ gì qua những mẫu chuyện kể trên? Chúc bạn sẽ có một lựa chọn đúng lúc khi nào cần phải “tỏ ra thông minh” và khi nào cần phải “biết làm như ngu”. Hy vọng Bạn sẽ chọn lựa đúng, bạn nhé
Sưu tầm