Chuyện tình yêu trong… viện dưỡng lão
Họ cũng chăm chút, yêu thương, cũng giận hờn, ghen ghét… đầy đủ mọi cung bậc của tình yêu, chỉ khác rằng những “đôi lứa” này bén duyên trong… viện dưỡng lão.
Tôi đã từng nghĩ rằng, “đến một tuổi nào đó” thì con người sẽ mất cảm xúc yêu đương. Tuy nhiên, khi có dịp ngồi hàn huyên với anh bạn làm việc tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tôi đã phải suy nghĩ lại…
70 tuổi vẫn… vác dao đánh ghen
Theo như lời anh bạn tôi, chăm sóc sức khỏe người già không hề đơn giản. Không những phải khéo léo, nhẹ nhàng trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói mà còn phải hiểu và nắm bắt được tâm lý các cụ.
Anh bạn tâm sự: “Với các cụ tuổi cao, trí nhớ kém, hay “lẫn”, nhiều lúc nhìn là phải đoán biết các cụ vui hay buồn để nịnh nọt, “dỗ dành”. Người ta mới ví người già như trẻ nhỏ là vì thế! Không hiểu tâm lý các cụ và kính trọng người già như cha như mẹ thì rất khó để làm nghề này. Ngay trong chuyện tình cảm của các cụ, khéo léo lắm mà có lúc phải “mướt mồ hôi” để phân xử… chuyện tình tay ba của các cụ ấy chứ…”
“Các cụ cũng yêu, cũng chuyện tình tay ba?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Anh bạn gật đầu lia lịa, quả quyết: “Ô, có chứ! Người già thì cũng có quyền được yêu chứ sao. Thậm chí, có cụ vì ghen còn vác dao đuổi đánh… tình địch”.
Theo lời anh bạn tôi, câu chuyện có vẻ khó tin này anh được nghe đồng nghiệp ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang kể lại. Số là có cụ ông trên 70 tuổi nhưng còn minh mẫn, sống tình cảm và nói chuyện có duyên nên được nhiều cụ bà trong Trung tâm “thương mến”. Cụ ông cũng thân thiết và “có ý” với một cụ bà, nhưng lại hợp và thân thiết với một cụ bà khác. Thế là “chuyện tình tay ba” của các cụ khiến nhân viên viện dưỡng lão nhiều phen khó xử vì “chẳng biết phân xử thế nào cho phải”.
Số là, cứ thấy ông cụ và “bạn tâm giao” ngồi hàn huyên hoặc có những cử chỉ thân mật là cụ bà “ghen” rồi ấm ức lắm. Ra nguýt vào lườm chán, có bận cụ lên thẳng Giám đốc viện để “mách tội”. Thậm chí, có lần “nóng mắt” quá hai cụ bà lời qua tiếng lại sinh cãi vã, đến độ… vác dao đuổi nhau khiến cả viện một phen náo loạn. Phải mất một thời gian sau, lãnh đạo viện và nhân viên mới giải hòa êm thấm mối quan hệ “không kém phần phức tạp” của các cụ.
“Còn chuyện các cụ vào viện dưỡng lão quen biết, quý mến, tìm hiểu rồi “bén duyên” thì nhiều…”, anh bạn tiếp. “Ngay như ở viện của mình, có hai ông bà thắm thiết lắm. Tình cảm chẳng khác gì những đôi trẻ tuổi. Cứ sáng ra, ông xách nước cho bà tắm, còn bà lấy chè pha cho ông. Có hôm hai ông bà còn dắt nhau ra chỗ khuất để… tâm sự. Lúc thì nắm tay nhau, dắt nhau đi dạo, nói chuyện. Cứ ông hoặc bà vắng mặt thì người kia hỏi ngay… Ít thời gian sau, nhiều người “dị nghị” nên hai cụ chuyển ra ngoài sống chung, đến bây giờ vẫn hạnh phúc lắm”.
“Người già cũng có quyền được yêu”
Chuyện “tình yêu” của các cụ ở các nước phát triển được coi là chuyện bình thường, thậm chí rất được trân trọng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều định kiến, ngay cả với những người trong gia đình. Anh kể cho tôi nghe trường hợp có hai vợ chồng cụ ông 92 tuổi, cụ bà 89 tuổi. Các cụ vẫn giữ thói quen ôm nhau ngủ. Ở nhà, con thì thông cảm, nhưng cháu thì lại thấy chướng mắt và không chấp nhận. Thế là hai ông bà phải xin vào viện dưỡng lão cho… thoải mái.
Kể một hồi, anh bạn quay sang tôi thở dài: “Đã là con người thì ai chẳng có nhu cầu tình cảm, ai chẳng mong muốn được yêu thương. Mình sống gần các cụ lâu mình hiểu. Sống ở đây, cho dù được chăm sóc tốt nhưng không gần con gần cháu, nhiều cụ cô đơn và tủi thân lắm. Vì thế, nhu cầu có người bạn cảm thông, chia sẻ càng lớn. Người già thì cũng có quyền được yêu chứ! Giá mà con cháu các cụ cũng hiểu được như thế…”.
Lê Trang
Comment