• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Khí chất đàn ông - Võ khắc nghiêm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Khí chất đàn ông - Võ khắc nghiêm

    Khí chất đàn ông - Võ khắc nghiêm



    Cuộc đời ai chẳng có nỗi đau, tưởng thời gian sẽ làm ta nguôi ngoai. Nhưng bất chợt có một sự việc nào đó, một khoảnh khắc vô tình nào đó kỷ niệm bỗng ập đến như thác lũ, nỗi đau lại trào dâng và có khi dẫn đến những đột biến quan trọng của cả đời người. Với Liên hôm nay là một ngày như thế. Buổi sáng nàng dậy sớm tập chạy và thấy đau ở ngực, đi khám bác sĩ bảo không việc gì, có thể vì tập thể thao quá sức. Trưa nàng rẽ qua Tràng Tiền mua mấy vỉ thuốc. Ngồi trên xe máy chờ đèn tín hiệu ở ngã tư, tình cờ Liên đọc tấm panô lớn "Triển lãm tranh vùng Than". Lâu lắm rồi Liên không sờ đến bút vẽ, cũng không bận tâm đến bất kỳ triển lãm mỹ thuật nào, vậy mà hôm nay, như có sức mạnh vô hình khiến nàng phải bước vào phòng tranh này. Liên hết sức ngạc nhiên thán phục trước những bức sơn dầu, sơn mài, về biển, về nhịp sống công nghiệp với góc nhìn lạ và những gam mầu mạnh, đầy ấn tượng. Nàng bỏ qua phần tranh chân dung, đứng lùi xa ngắm nhìn bức sơn dầu khổ lớn Chiều Bái Tử Long với ráng đỏ cuối chân trời cuồn cuộn mây ngũ sắc vờn trên những dãy đảo tím. Tiền cảnh bên trái là nhà sàng, bến than. Tiền cảnh bên phải là vợ chồng người thợ mỏ sau giờ tan tầm, cõng con trên vai, thanh thản bước đi. Liên nhấc cặp kính đổi mầu, lau mắt. Nàng cố giữ bình tĩnh khi nhận ra gương mặt chữ điền quen thuộc của Nội và cả gương mặt của chính Liên trên bức tranh. Rồi cả thằng bé bụ bẫm toe toét cười trên vai bố, sao mà giống thằng Long con trai Liên đến thế!

    Liên tiến sát lại bức tranh, cúi đầu tìm cái tên tác giả: Trời ơi, Lê Hải vẽ đẹp thế này ư? Mà cũng chỉ có Hải mới lưu lại hình ảnh của Nội, của Liên trong tác phẩm của mình thôi. Nghe nói bây giờ Lê Hải đã là đội trưởng một đội xe lớn. Liên chớp mắt nhớ đến những lời tỏ tình vụng về của Hải, nàng tìm gặp cô nhân viên trông coi phòng tranh:
    - Tôi muốn mua bức tranh này!
    - Chị không đọc thấy dòng chữ "Tranh không bán" à?
    - Tôi muốn gặp tác giả.
    - Các tác giả đang bận sản xuất, chỉ gửi tranh trưng bày thôi.
    Liên ngắm kỹ bức tranh một lần nữa và nhủ thầrn: "Nhất định ta phải mua bằng được".
    Nàng trở về nhà quá muộn. Chồng nàng đang nghỉ trưa. Cô giúp việc thì thầm vào tai Liên: "Ông chủ vừa cho thay tủ gương, đánh vỡ mất bộ ly và hòn than mầu".
    - Trời ơi, người ta cố tình đập vỡ đấy! – Liên quỵ xuống ghế, mặt đầm đìa mồ hôi, ngực đau thắt. Cả nhà cuống lên. Ông chủ từ trên gác lạch bạch chạy xuống, mặt xị ra, vẻ ngái ngủ:
    - Em làm sao thế?
    Thấy vợ ngồi như pho tượng, mắt trân trân nhìn chiếc tủ mới, viền sơn xanh lòe loẹt, ông chủ lắc đầu, giọng nǎn nỉ:
    - Anh xin lỗi đã vô ý làm vỡ hòn than mầu của em. Anh sẽ tìm cho em một hòn than mầu khác. Có đáng gì đâu. Đến kim cương, đá đỏ anh còn tìm được, huống gì… – Liên im lặng, cố nuốt những ý nghĩ trong đầu: tôi biết anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn. Nhưng có những thứ không thể mua được. Có những sắc mầu không nhìn thấy được. Nhất là khi nó đã trở thành kỷ vật thiêng liêng. Liên muốn gào thật to, nhưng cổ họng nàng như bị chèn cứng và nước mắt trào ra. Chẳng ai hiểu được nỗi đau và sự nhẫn nhục của Liên, chẳng ai chia sẻ được với nàng, cái gia đình này thường vẫn xảy ra những xung đột lớn, nhưng Liên đã cố nhịn. Nhịn mãi thành u uất và nỗi dày vò đổ thành bệnh…
    *
    Sinh ra trong gia đình nông dân ở một huyện nghèo của tỉnh Thái Bình, bố đi đánh Mỹ hy sinh ở chiến trường, một mình mẹ lam lũ nuôi chị em Liên. May nhờ có ông bác dạy ở trường Mỹ thuật Công nghiệp kèrn cặp, Liên đã thi đỗ khá thuận lợi và tỏ ra có nǎng khiếu hội họa. Với vóc dáng cân đối, có gương mặt trái xoan, cặp mắt biết cười và giọng nói nhỏ nhẹ, lễ phép, Liên được nhiều người quý mến. Nhờ tủ sách đồ sộ của nhà ông bác mà Liên mở rộng được kiến thức khá nhanh và biết cách giao tiếp lịch sự. Vốn bản tính thật thà, sống giản dị và có lòng trắc ẩn, thương người, Liên được nhiều chàng trai quan tâm, sǎn đón. Nhưng phải đến ngày sắp ra trường, tình yêu mới thực sự đóng dấu ấn vào trái tim nàng. Đó là một mùa hè đẹp nhất trong cuộc đời Liên.
    Buổi đầu về thực tập ở vùng mỏ, Liên bị hút hồn bởi những sản phẩm mỹ nghệ đẽo gọt cầu kỳ từ than đá. Hồi ấy chưa có các hiệu bán đại trà thứ hàng này nên Liên phải hỏi thǎm anh Hải lái xe chở than ở cạnh nhà khách xí nghiệp. Hải cười hỏi:
    - Cô mua sư tử than loại nào? To như con chó, con mèo hay bằng con chuột, tôi sẽ mang về cho. Cậu Nội bạn tôi chuyên nghề đẽo than, khéo tay lắm.
    - Nhà anh Nội có ở gần đây không ạ?
    - Cũng không xa lắm! Để đến chiều, chở than ra bến, tôi sẽ cho cô đi nhờ, tiện thể chở cho cậu ấy mấy tảng than không có thớ mới tìm được.
    Nhà Nội nằm ở lưng chừng đồi, phải đi bộ qua một thung lũng có con suối nhỏ. Ngôi nhà hai gian xây bằng gạch xỉ lợp ngói, nền xếp ngổn ngang những tảng than mới được đẽo thô. Nội đang đánh bóng một con sư tử lớn.
    - Con này của một bà Việt kiều đặt, cứ đòi lấy ngay cho kịp chuyến bay tối mai. Lại còn bắt đóng hộp gỗ đệm mút xung quanh nữa kia! – Nội vẫn mải miết đánh bóng, không ngẩng đầu lên. Hải kéo bao tải than vào góc hiên:
    - Vội gì thì cũng phải ngừng tay tiếp khách một chút đã chứ!
    - Cậu pha nước hộ mình đi, chè xanh bà cụ vừa đun đấy! Nào, cô bạn cần gì?
    - Dạ, em muốn mua một con sư tử nhỏ thôi.
    - Để chơi hay làm quà tặng?
    - Ông anh rể em đang học ở Nga, muốn có một món quà tặng cô giáo.
    - Loại nhỏ thì có sẵn rồi. Cô mở tủ mà xem.
    Thấy Liên luỡng lự, Hải liền mở cánh tủ gỗ thông. Nắng chiều hắt vào những chú sư tử đen bóng với nhiều dáng điệu khác nhau trông thật vui mắt. Liên thực sự sững sờ khi nhìn thấy một tảng than khá lớn lấp lánh đủ sắc mầu có hình thù tựa một tháp chàm trông thật huyền ảo.
    - Sao lại có loại than mầu đẹp thế anh?
    Liên thảng thốt hỏi, tay mân mê những góc cạnh của tảng than.
    - Cẩn thận! Loại than này rơi là vỡ vụn đấy! Nó không đẽo gọt được.
    - Tìm loại than mầu này có khó không anh?
    - Những hòn nhỏ thì cũng dễ tìm thôi nhưng một tảng lớn như thế này thì hiếm lắm! Này, cô ưng con sư tử nào thì chọn đi. – Hải nói và đi ra vườn hái chè xanh với bà Don, mẹ Nội. Liên chọn con sư tử đang đặt chân phải lên một quả cầu, đầu ngẩng cao, đuôi vắt ngược lên khá ngộ nghĩnh.
    Liên hỏi giá tiền. Lúc này Nội mới đứng lên, ngắm nhìn Liên, cười:
    - Cô là sinh viên mỹ thuật à?
    - Mỹ thuật công nghiệp ạ!
    - Càng tốt!
    - Sao lại tốt?
    - À thứ mỹ thuật này cần cho người công nhân. Đúng không nào?
    - Theo anh thì thứ mỹ thuật nào không cần cho người công nhân?
    - À… – Nội gãi đầu. – Cũng có đấy! Có những thứ mỹ thuật mà người công nhân không hiểu được và cũng chẳng đủ tiền mà chơi… – Nội cười vơ chiếc điếu cày dài ngoằng rít một hơi dài, ngửa mặt phả khỏi mù mịt. Thấy Liên ho, bà Don chép miệng thở dài: "Cái thằng đến là vô ý, vô tứ".
    - Cô dị ứng với khói thuốc lào à? Hải trở lại và kéo tay: – Nào, ta về thôi chứ!
    - Để em gửi tiền đã.
    - Cô là bạn của Lê Hải thì lấy gì ở đây cũng không phải trả tiền. – Nội đá vào bao tải than. – Đấy cô xem nó khuân cho tôi bao nhiêu là than mà có đòi xu nào đâu. Thứ bảy một chầu bia là xong.
    Thấy Liên tần ngần, Nội giục:
    - Hải đưa người đẹp về đi kẻo muộn rồi. Bận sau cô mua nữa tôi lấy tiền một thể.
    - Vậy em cảm ơn anh! Cháu chào bác ạ!
    Bà Don nhìn theo Liên với vẻ trìu mến:
    - Cháu về nhé! Bận sau đến bác luộc ngô cho mà ǎn!
    - Vâng ạ! Cháu thích uống nước ngô lắm!
    Trên đường về Hải nói với Liên rằng từ nhỏ Hải và Nội đã say mê học vẽ, học nhạc nhưng không có điều kiện phát triển. Hải kể cho Liên nghe nhiều chuyện hào hiệp về Nội. Đó là một chàng trai thông minh, tháo vát, sẵn sàng đi thông liền ba ca thay cho bạn nhưng vẫn ghi công để bạn không mất điểm thi đua. Bố Nội là một thợ điện giỏi, một pháo thủ xuất sắc của đại đội tự vệ nhà sàng, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ông đã hy sinh trong một đêm đi cứu người bị sập hầm, chẳng may vấp phải bom bi. Mẹ Nội cũng là chiến sĩ tự vệ ở nhà sàng. Bà được nghỉ hưu sớm vì bệnh bụi phổi. Nội có cô em gái tên là Thương khá xinh, đang theo học kế toán ở Bắc Ninh. Xem ra anh chàng Hải đã phải lòng cô em của Nội nên hết lời ca ngợi Thương. Nào là nước da trắng như vỏ trứng gà, cao một mét sáu hai, tóc dài, mắt một mí như gái Nhật.
    Liên không bận tâm lắm đến cô em gái Nội bởi chưa hề gặp mặt, nhưng tính cách của Nội khiến Liên cảm thấy thích, nó mạnh mẽ, hoàn toàn khác với những cậu ấm đang đeo bám Liên.
    Dường như có trời xui khiến, con sư tử than chưa kịp gửi đi đã bị rơi vỡ khi mấy đứa bạn cùng lớp giằng xem.
    Hôm sau vừa thấy Liên trở lại, Nội đã toét miệng cười:
    - Lại vỡ mất rồi phải không?
    - Vâng ạ! – Liên đỏ mặt đáp.
    - Hôm qua cô về rồi, mẹ tôi mới trách: sao không cho cô cái hộp gỗ.
    - Dạ, em cũng đã kiếm được hộp các tông và mấy miếng xốp nhưng chưa kịp cho vào, chúng nó tranh nhau xem và tuột tay. Có gán lại được không ạ?
    - Vứt đi tôi cho cô con khác. Đang đánh bóng đây, đẹp hơn nhiều! Mẹ ơi, ngô luộc được chưa, mang lên đãi khách đi.
    - Có ngay đây! – Như đã chờ đợi Liên, bà Don bê lên rổ ngô luộc còn bốc khói và chiếc ấm tráng men đựng nước ngô – Mẹ con tôi vừa nhắc đến cô đấy!
    - Thật thế ạ? – Liên hơi ngạc nhiên.
    - Cô đẹp dịu dàng, có cặp mắt tròn, gương mặt trái xoan rất giống cô em út của tôi.
    - Kìa, mẹ lại nhắc đến dì Thắm rồi!
    - Nó đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn nǎm 17 tuổi cô ạ! Môi lúc nào cũng đỏ như tô son, nói nǎng lễ phép nhẹ nhàng, ai cũng mến! Thế mà nó không bao giờ trở về nữa…
    - Bố cháu cũng nằm lại ở Trường Sơn.
    - Thật thế à?
    Họ im lặng nhìn nhau. Nội lắc đầu đứng lên chọn bắp ngô to nhất đưa cho Liên:
    - Ăn đi cô! Từ ngày về hưu mẹ tôi hay hồi ức một mình và cũng mau nước mắt lắm! Cô thông cảm nhé!
    Liên gật đầu:
    - Em cũng mau nước mắt.
    - Vậy thì để tôi mở ca khúc "Chiều Hạ Long" cho nó vui lên nhé! – Nội bật chiếc cát xét nhỏ và nhún nhẩy hát theo: "… Hạ Long ơi, biết bao trìu mến… Những lúc ánh chiều xuống, những khi vầng trǎng lên…". Ngồi trên chiếc ghế xích đu đóng bằng ván hòm mìn ở hiên nhà, nhâm nhi bắp ngô luộc và ngắm nhìn Nội đẽo gọt những tảng than, thổi hồn vào than, Liên cảm thấy đầm ấm như đang ở nhà mình.
    - Ở đây mát quá, vừa có núi, có biển, vừa có công nghiệp hiện đại, vừa có cả thôn giã, thích thật!
    - Thích thì về đây mà ở, tôi cho không cả nhà, cả vườn đấy! – Bà Don rót thêm nước ngô cho Liên, giải thích. – Nhà tôi còn miếng đất trong phố bị bom Mỹ, chưa xây lại.
    Nội ngừng tay, vơ chiếc điếu cày định rít một hơi, nhưng bà Don đã trừng mắt nhìn nên anh nắn túi móc bao Bông Sen lem luốc dầu máy, rút điếu thuốc nhǎn nhúm châm lửa rít liền mấy hơi. Liên tủm tỉm cười nhớ tiếng thở dài hôm qua của bà Don.
    Hải rất vui biết Nội đã phải lòng Liên, suốt cả tuần bần thần chẳng làm việc gì ra hồn. Khi Hải đưa Liên trở lại với những tập tài liệu cơ bản về hội họa và điêu khắc cùng mấy con vật bằng sứ của nước ngoài, Nội nhảy lên, reo hò như vừa tìm được một kho báu. Anh bắt tay ngay vào đẽo gọt một đôi hươu xinh xắn, gắn lên tảng than mầu ngũ sắc, xung quanh kết những bóng đèn mầu nhỏ xíu như một vầng hào quang.
    - Tặng em đấy! Thích không?
    - Em rất thích! Nhưng em chẳng có gì tặng lại anh cả?
    - Một nụ hôn.
    - Vào má nhé! – Liên e dè nói.
    - Vào đây này! – Nội áp môi mình vào cặp môi mọng đỏ của Liên, cảm thấy người nóng ran.
    Liên đẩy anh ra, ngồi cau mày, tư lự. Với người khác và ở nơi khác có lẽ Liên đã cho ǎn tát. Nội lúng túng xin lỗi Liên. Anh ấp úng giãi bày nỗi lòng mình, nhưng Liên bịt tai lại. Nội bỏ ra vườn thẫn thờ rít thuốc và lẩm bẩm điều gì đó với gốc khế trĩu quả.
    Bà Don ngồi xuống cạnh Liên, vuốt ve mái tóc mềm, giọng nǎn nỉ:
    - Cháu đừng giận nó. Ngần ấy tuổi đầu mà vẫn như con trẻ ấy. Chưa biết yêu đương gì đâu, suốt ngày lo công việc xí nghiệp, về nhà chúi mũi vào mấy tảng than. Bác biết, nó không xứng với cháu. Nhưng mà nó sẽ cố học để trở thành kỹ sư.
    - Bác đừng nghĩ thế. Thực tình cháu cũng quý mến anh ấy! Nhưng cháu chưa dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Vả lại…
    - Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
    - Cháu mới hai hai.
    - Bằng tuổi cháu bác đã sinh em thằng Nội. Nếu cháu không chê gia đình thợ mỏ thì mẹ con bác được nhờ… Còn nếu cháu có đám nào khác thì cứ coi thằng Nội là bạn tốt của cháu. Bác đặt vấn đề nghiêm túc đấy cháu ạ!
    Liên im lặng bẻ những ngón tay búp mǎng, cảm thấy bàn tay mình ram ráp bụi than. Người ta nói nhiều về dạng "tình yêu sét đánh" để biện minh cho sự dễ dãi trong các quan hệ nam nữ hay chính số phận đã tạo nên những khoảnh khắc bùng nổ sự cộng hưởng của một loại tần số đặc biệt từ những tâm hồn đồng điệu? Dù sao Liên cũng không thể dễ dãi, vội vàng.
    Thời gian vùn vụt trôi. Dù chiếm được cảm tình của đám sinh viên cùng đi thực tập trong đoàn với Liên, nhưng Nội vẫn chưa thể tiến thêm được chút nào về phía trái tim của Liên. Cho mãi đến đêm chia tay, cả bọn kéo đến nhà Nội tranh giành kho sư tử than của anh, rồi ǎn ngô, uống bia, nhảy disco thâu đêm khiến bà Don trẻ lại, tận tụy phục vụ cho lũ trẻ đập phá thả cửa. Đời Liên chưa bao giờ có một đêm vui như thế, chưa bao giờ gặp một gia đình chân tình, cởi mở đến như thế. Và, trong men bia, trong tiếng nhạc tưng bừng, Liên đã kéo Nội ra góc vườn, ghì chặt anh vào lòng, hôn lên môi, lên má, lên mắt anh và òa khóc… Thì ra vị ngọt của tình yêu là có thật, mầu sắc của tình yêu là có thật. Nó lung linh huyền ảo, khiến tâm hồn con người lâng lâng thǎng hoa.
    Những bức thư nồng nàn tình cảm, những lần gặp gỡ tiếp theo ở Hà Nội, ở Hạ Long đã giúp cho Nội và Liên gắn bó nhau hơn. Họ bàn nhau Tết Nguyên đán Nội sẽ về quê Liên ǎn Tết và khi Liên ra trường sẽ tổ chức đám cưới.
    Liên xuống Cửa Ông từ 25 tháng chạp, đi lễ đền, viếng mộ ông bà và bố Nội. Họ sẽ đi tàu thủy về Hải Phòng vào 5 giờ sáng 27 Tết.
    Ngày Tết bến tàu, bến xe ứ đầy khách, hàng trǎm người không có vé cùng xô đẩy nhau tràn lên tàu. Anh thuyền trưởng hoảng hốt tháo dây neo định cho tàu lùi ra, nhưng tàu đã quá tải, lật úp. Tiếng gào thét, tiếng người rơi xuống nước, tiếng kêu khóc của trẻ nhỏ… Liên không bao giờ quên được cảnh tượng hỗn loạn của hàng trǎm con người đè lên nhau. Mặt biển mờ sương như sôi lên. Từ tầng hai của con tàu Nội ôm Liên nhảy nhanh xuống nước trước khi con tàu chìm hẳn. Đưa được Liên vào bờ, Nội chạy đi đập cửa mấy ngôi nhà dọc bến tàu, gửi Liên ngồi cạnh một bếp than, anh cởi áo khoác, cởi quần dài trao cho Liên rồi vội vàng lao xuống nước. Một người, hai người, ba người rồi bốn người được Nội cứu vào bờ.
    - Anh Nội! – Liên chạy ra gào to, cố giữ Nội lại. – Rét thế này… Anh nghỉ sưởi một lát đã.
    - Nội lắc đầu, hai hàm rǎng đập vào nhau:
    - Còn nhiều người ở trong các khoang lắm!
    Anh lại lao xuống nước. Trời sáng dần. Cả thị trấn đổ xô ra bến tàu. Người ta đang cố làm hô hấp nhân tạo cho những người xấu số nằm dọc bến tàu. Thời gian trôi đi rất nhanh, Liên nôn nao lo sợ không thấy Nội quay vào? Nhưng cô chỉ biết ngồi ôm khư khư bộ quần áo ướt của Nội cho đến khi Hải và bà Don cùng xuất hiện, Liên mới gào to: "Anh Nội ơi!" và lả đi, ngất lịm trong vòng tay của Hải…
    Suốt mùa xuân Liên nằm bẹp ở quê nhà, người gầy rộc. Hình ảnh Nội cứ chập chờn trong giấc ngủ, giày vò Liên: "Giá mà mình không yêu anh ấy thì người tốt như thế đâu phải chết trẻ". Ngày thanh minh trời không sáng sủa mà lại lất phất mưa. Ăn nắm xôi mẹ đưa, Liên bỗng thấy chóng mặt, buồn nôn. Chị y sĩ ở trạm xá được mời đến khám. Bất ngờ quá, chị thì thầm vào tai Liên: "Cô đã có thai". Chị gái Liên biết chuyện ngọt ngào bảo: "Đừng lo, mai chị đưa em đến khoa sản cho nó ra. Kín đáo thôi". Liên lắc đầu: "Em muốn giữ. Đó là giọt máu của người anh hùng". Liên nhớ bà Don. Chắc bà sẽ mừng lắm! Định viết thư báo tin, nhưng Liên tự hỏi: Liệu bà có tin là con của anh Nội không, hay người ta lại nghĩ mình muốn trút gánh nặng cho nhà họ? Phải ba nǎm sau Liên mới trở lại Cửa Ông đúng ngày sang cát cho Nội. Hải đã cưới Thương, xây nhà trên mảnh đất ở phố chính. Bà Don đã nhận một đứa trẻ mồ côi về làm con nuôi. Bố mẹ nó cùng mất trong vụ đắm tàu. Vậy là Liên quyết định không cho ai biết đã có con với Nội. Sau khi đi lễ đền Cửa Ông, Liên trở lại ngôi mộ mới xây thì thầm chuyện trò với Nội:
    - Em đã để tang anh đúng ba nǎm rồi nhé! Em đã sinh cho anh một chú thợ mỏ tương lai rất kháu khỉnh rồi nhé! Em vẫn giữ hòn than ngũ sắc của anh như biểu tượng mầu sắc tình yêu. Vậy là lúc nào anh cũng ở bên em đấy nhé!
    - Nhưng sao em không cho con về thǎm mẹ anh?
    - Để con lớn em mới dám dẫn về thǎm mẹ. Nó rất giống anh.
    - Hãy chǎm sóc cho nó học hành đến nơi đến chốn.
    - Mẹ em cứ giục em phải đi lấy chồng để thằng bé có cha. Nhưng em sợ…
    - Đừng sợ! Cứ lấy chồng đi. Em còn trẻ, không thể để phí hoài tuổi xuân vì sự chung thủy với hư vô.
    Liên không tin có ma, nhưng lại thích những cuộc đối thoại như vậy và đã nghe được những câu trả lời đúng của Nội. Nǎm sau Liên lấy chồng. Đó là một tay buôn đá đỏ đang phát với danh hiệu "Xuân tóc sâu" không chỉ vì anh ta có mảng tóc sâu bên trái đầu mà còn cả vì cách ǎn, cách nói uốn éo như con sâu rỉa lá. Trông bề ngoài anh ta cao ráo, khá đẹp mã, nhưng tính nết tủn mủn hơn cả đàn bà. Mua đắt thứ gì anh ta cũng xuýt xoa như bị vấp ngã. Thực ra Xuân đã đeo bám Liên ngay từ hồi nàng mới đặt chân lên đất Hà thành.
    Điều làm Liên hài lòng nhất là anh ta thực sự quý mến thằng Long và đã thuê hẳn một người giúp việc chǎm sóc nó, đi đâu cũng khoe là "con trai tôi đấy". Đám cưới được tổ chức ở nhà hàng Phú Gia rất sang trọng, chi phí mất mấy ngàn đô, không kể sợi dây chuyền mặt đá rubi của cô dâu giá trị mấy trǎm triệu. Mãi sau này khi đi lễ đền Cửa Ông, Liên bị kẻ cắp lấy mất cái túi xách có sợi dây chuyền mặt đỏ, phải nhờ Hải cùng công an phường truy tìm mãi mới chuộc lại được, chỉ mất có 200.000 đồng. Ông chủ hiệu vàng là người sành đá đỏ, đã mua sợi dây đó. Ông còn cho Liên xem cả một hộp mặt đá giả đủ loại của Tàu, của Thái cũng lấp lánh mê hồn. Liên chẳng nói chuyện đó với chồng, chỉ vứt sợi dây chuyền vào ngǎn kéo bàn trang điểm và cảm thấy rất buồn. Nhưng buồn hơn, nhọc nhằn hơn là phải đi nǎn nỉ xin "mua lại" những thứ đồ trang sức mà chồng nàng đã "ưu ái phân phối" cho những bạn học cũ của nàng. Khi nghe Liên đay nghiến về trò lừa đảo, anh chàng "Xuân tóc sâu" chỉ nhǎn nhở cười và tặc lưỡi:
    - Thì anh cũng bị lừa suýt sạt nghiệp, suýt bị còng số 8 nữa kia. Đời khốn nạn thế đấy!
    Liên nghi ngờ cung cách làm ǎn của Công ty vàng bạc đá quý mà chồng nàng đang giữ chức phó giám đốc. Nàng cũng nghi ngờ kiến thức đích thực của chồng bởi đã có lần anh ta nhầm lẫn "Balzac là niềm tự hào lớn của người Nga", v.v.
    Nhưng Liên không thể hiểu nổi tại sao chồng nàng lại có thể lòe bịp nàng, bắt nàng đeo mặt đá giả trong khi bộ sưu tập đá quý thật của anh ta lại giấu kỹ ở trong két sắt đêm nào Xuân cũng mang kính lúp ra soi, vừa ngắm vừa cười một mình mãn nguyện. Quả là mầu sắc của những viên rubi rực rỡ lắm, hấp dẫn lắm. Nhưng Liên đâu có hám giàu sang, phú quý.
    Chồng Liên đam mê cờ bạc hơn bất cứ thứ gì trên đời này. Anh ta có thể phóng xe vào tận Sầm Sơn ngồi trên thuyền đánh bạc suốt mấy ngày liền. Nhưng trai gái thì không. Liên biết rõ chứng bất lực của anh ta. Đó là điều khổ tâm nhất của hai vợ chồng. Nhiều đêm mùa đông Liên đã phải ngâm mình trong bồn tắm lạnh cóng cố quên đi sự khao khát thèm muốn. Ban đầu anh ta nói dối đang chữa bệnh viêm tuyến tiền liệt phải kiêng cữ một thời gian, Liên tin và vui vẻ ngủ với con. Quả là Xuân uống đủ loại thuốc. Nhưng lấy nhau một nǎm mà chưa hề ân ái là chuyện lạ khó tin. Liên tìm đọc các loại sách về bệnh lý và trong niềm cảm thông sâu sắc với chồng nàng đã cố gắng gần gũi, tâm sự chuyện trò và tìm đủ mọi cách tạo niềm hưng phấn cho chồng. Nhưng đến cả thần dược Viagra của Mỹ cũng chẳng ǎn thua gì. Anh ta đã cố hết sức và khi không làm được gì thì giày vò thân xác Liên như một thằng điên. Sau này Liên mới biết thời trai trẻ anh ta hung hǎng lắm, học chưa hết nǎm thứ hai Đại học Mỏ địa chất đã bỏ đi đào vàng, đào đá đỏ, trở thành đại ca, suốt ngày rượu chè, em út triền miên rồi đổ bệnh lậu và sốt rét ác tính phải quay về nằm bẹp mấy nǎm ở quê. Bố mẹ bắt lấy vợ mong có cháu nối dõi tông đường. Cô thôn nữ về làm dâu nhà Xuân bị tiếng oan là "vô sinh" van lạy xin được ly hôn nhưng anh ta chỉ cười khẩy: "Rồi cô sẽ có con…". Mãi đến khi xây dựng cơ nghiệp kha khá ở Hà Nội, gặp được Liên, anh ta mới về quê ký đơn ly hôn cho cô vợ của anh ta và dọa nếu để lộ anh ta sẽ giết.
    Trong lần về quê thǎm mẹ chồng gần đây, tình cờ Liên đã gặp người đàn bà ấy. Chị ta đã lấy một người thương binh, tuy lớn tuổi và bị cụt chân nhưng đã cho chị một bé gái kháu khỉnh. Nhà họ nghèo quá, mái tranh đã mục nát, chẳng có ti vi, chẳng có xe đạp. Liên dốc hết túi tiền nhét vào tay chị và nói:
    - Lần sau về, em sẽ đưa chị nhiều hơn.
    Người đàn bà ôm Liên thổn thức:
    - Tôi có tội với cô. Đúng ra tôi phải nói sự thật cho cô biết ngay từ buổi đầu. Nhưng tôi sợ, tôi hèn, khiến cô phải mang gông khổ suốt đời. Tôi biết cách anh ta hành hạ đàn bà… Cô có bị thế không?
    Liên ứa nước mắt, gật đầu…
    Nhìn vào cuộc sống của vợ chồng Liên, ai cũng ngỡ họ hạnh phúc lắm, sung sướng lắm. Có bao nhiêu gia đình phải giấu kín những bất đồng, những nỗi đau như Liên, thỉnh thoảng dắt tay nhau dạo phố, cũng vờ cười nói hoan hỉ với mọi người. Dù sao Liên cũng đã có một đứa con và nó đang khôn lớn trong sự cưng chiều của chồng nàng. Đó là niềm an ủi lớn nhất, giúp nàng nhẫn nhục sống. Ban đầu Xuân còn để cho Liên giúp việc trang trí ở một cửa hàng bách hóa. Nhưng vì có lúc phải làm đêm, anh ta bắt nghỉ việc. Cực đoan hơn Xuân đã bẻ hết bút vẽ, ném giá vẽ vào góc nhà kho. Dù rất ghen, nhưng thái độ cư xử dịu dàng, lối sống có vǎn hóa của Liên và đặc biệt là sự nghiêm túc trong các mối quan hệ đã có tác động ít nhiều đến người chồng vốn "coi trời bằng vung". Tuy Liên không nói ra, nhưng anh ta biết khá rõ tình yêu của nàng đối với Nội và cùng với đứa con, hòn than ngũ sắc có ý nghĩa thế nào. Thôi thì cứ để nàng "ngoại tình với quá khứ" còn hơn là nàng thậm thụt đi lại với bọn trai tơ bẻm mép, hám của như khối vị mệnh phụ phu nhân đã mắc phải. Dù chưa bao giờ Liên dọa ly hôn, nhưng chồng nàng tự hiểu: trước sau gì điều đó cũng xảy ra. Thuốc men đủ loại không có chuyển biến gì anh ta đi hết đền chùa cầu khấn. Thế rồi một gã thầy bói ở xó làng nào đó bỗng nhiên xuất hiện với lời phán quyết đúng vào khát vọng của anh ta, rằng: "Phải đập đá, dỡ bỏ mọi vật mầu đen trong nhà và nơi làm việc thì mới lấy lại được khí chất đàn ông. Cái tủ gụ đánh véc ni đen được thay thế bằng chiếc tủ ván ghép Singapore đóng theo kiểu Italia mầu vàng chóe, nẹp xanh lá cây. Toàn bộ khung ảnh mầu nâu đen, tượng Phật bằng đồng hun đen cũng bị thay thế bằng nhũ vàng rực. Tất nhiên hòn than đen lấp lánh vân ngũ sắc được Liên nâng niu bao nǎm nay phải bị đập vỡ đầu tiên. Nhưng tất cả những điều đó cũng chẳng thể trả lại gì cho Xuân khí chất của người đàn ông. Mảng tóc sâu trên đầu Xuân đã ngả dần sang mầu bạc trắng và người vợ càng ngày càng héo hon, vật vờ như cái xác không hồn. Có những buổi chiều nàng ngồi bên khung cửa sổ mắt đǎm đǎm nhìn ráng đỏ hoàng hôn, vừa hát ru vừa khóc, khiến anh chồng cũng phải động lòng nới rộng các khoản chi tiêu.
    Vào một ngày cuối đông, có một người khách lạ tìm đến thǎm mẹ con Liên với rất nhiều quà xuân. Đó là vị lương y, tiến sĩ rất nổi tiếng với những bài thuốc y học cổ truyền. Ông vui vẻ nói:
    - Chị không biết tôi đâu, nhưng tôi thì không thể quên được hình ảnh chị ngồi ôm bộ quần áo của anh Nội buổi sáng cuối nǎm ấy! Vâng, tôi là một trong những người đã được anh Nội cứu sống. Nǎm nào tôi cũng về thắp hương ở Cửa Ông nhưng mãi đến hôm qua tình cờ gặp anh Hải tôi mới biết được địa chỉ của chị và cháu.
    Hình như Hải đã kể cho ông tiến sĩ nghe hoàn cảnh của Liên nên trong số quà xuân còn có cả cho riêng chồng nàng mấy hộp thuốc bổ thận tráng dương đặc hiệu do ông đúc rút và phối chế thành công từ nhiều bài thuốc quý ngày xưa.
    Đang ngồi soi lựa những viên đá ru bi ở cuối phòng nghe nói đến tác dụng tǎng lực của thuốc, cặp mắt Xuân hấp háy, rực sáng. Anh ta cuống quýt lấy rượu Martin XO mời khách và rụt rè chìa tay xin được bắt mạch.
    Ông tiến sĩ vui vẻ thǎm mạch, quan sát thần sắc của Xuân, hỏi han đôi điều rồi chậm rãi nói:
    - Sinh lực giới tính không chỉ được nuôi dưỡng, bồi bổ bằng cao lương mỹ vị. Có những bệnh thuốc chỉ chữa được một nửa, còn nửa kia thuộc ý thức của con người. – Ông tiến sĩ mỉm cười, ngǎn không cho Xuân rót thêm rượu và tiếp: – Có những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống tưởng là vô hại nhưng lại dễ dàng làm ta mất dần khí chất đàn ông hoặc mất dần nữ tính. Đam mê ma túy giết chết mọi đam mê khác. Đam mê tiền bạc quá cũng vậy. Giành lại khí chất của một con người là một cuộc chiến đầy khốc liệt chỉ có thuốc thang thôi không đủ mà phải có nghị lực, phải dũng cảm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ. Phải biết làm nhiều việc tốt đẹp cùng với sự rèn luyện thân thể thường xuyên sẽ tạo nên sự khỏe khoắn cho cả thể xác lẫn tâm hồn…
    Nghe lời khuyên của ông tiến sĩ, Liên mua chậu hoa, cây cảnh, nuôi cá, nuôi chim, sơn lại ngôi nhà, trang trí lại phòng ǎn, phòng ngủ và tỏ ra chǎm sóc chồng con nhiều hơn, vui vẻ hơn. Từ đáy sâu của một tâm hồn đã bị mầu sắc của đá quý đóng bǎng, trong óc Xuân bỗng lóe lên những mảng mầu ấm áp của tình thương yêu và bao ý nghĩ mới mẻ:
    - Nàng đã chịu khổ vì ta, đã cắn rǎng chung thủy với ta… Lẽ nào ta không thể cao thượng vì nàng được sao? Không thể đem lại niềm vui cho nàng được sao? Phải tìm lại cho nàng hòn than ngũ sắc, phải mua kỳ được bức tranh "Chiều Bái Tử Long" và phải trả lại giá vẽ cho nàng…
    Chuông điện thoại réo. Liên vẫn nằm im. Cô giúp việc đỡ ống nghe rồi cầm máy lại cho nàng: "Điện thoại của bà".
    - A lô! Vâng, tôi đây! Xin lỗi, tôi đang được nói chuyện với ai ạ?
    - Không nhận ra bạn cũ nữa à? Lê Hải đây!
    Liên ngồi dậy, sôi nổi hẳn lên:
    - Sao anh biết số điện thoại nhà em?
    - Chồng em vừa ở đây. Anh ấy nhờ anh kiếm cho hòn than ngũ sắc.
    - Có kiếm được không?
    - Không!
    - Khó thế kia à?
    - Đó là loại than ǎngtờraxít đã ngấm các loại dầu thải đổ bừa bãi hàng chục nǎm trầm tích mới tạo nên mầu sắc. Bây giờ mỏ than đã có các bể lắng lọc dầu không một người thợ nào được phép để vương vãi dầu mỡ ra nền đất, nền than. Vì thế sẽ vĩnh viễn không còn những hòn than mầu ngũ sắc nữa. Mà em đừng buồn! Trân trọng nhưng không nên luyến tiếc, gặm nhấm mãi nỗi đau. Cái mất này là chuẩn bị cho ta những cái khác lớn hơn. Những sắc mầu không nhìn thấy được bằng mắt mới khó tìm.
    - Anh chỉ định nói có thế thôi à?
    - Còn nữa! Đây mới là điều quan trọng. Bà Don vừa mất chiều nay. Em nên đưa cháu đích tôn của bà về chịu tang.
    - Sao anh biết thằng Long là cháu bà Don?
    - Anh biết hết mọi chuyện. Mà nó giống cậu Nội thế, lạc vào đâu được.
    - Em đã xem bức tranh "Chiều Bái Tử Long" của anh. Đẹp lắm! Em muốn mua.
    - Chính nhờ những tài liệu và cái giá vẽ em để lại ở nhà Nội mà anh vẽ được bức tranh ấy đấy. Cứ xuống đây, anh tặng em tất. Tặng cả cuộc đời còn lại của anh nữa.
    - Nói thế mà không sợ cô Thương xé xác à?
    - Cô ấy bỏ anh theo bạn tình mới sang Canada rồi. Còn chồng em thì đã đồng ý giải phóng cho em. Anh ấy đã kể hết… và thực sự muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho em.
    Liên lặng đi hồi lâu không hoàn toàn tin chồng mình hào hiệp thế, đổi thay nhanh thế, nhưng nàng vẫn rất vui, giọng sôi nổi, quyến rũ:
    - Thế còn anh?
    - Anh đã mê những sắc mầu ẩn kín trong tâm hồn em ngay từ hôm đưa em đến nhà Nội mua sư tử than. Nhưng hồi ấy anh sợ…
    - Sợ gì?
    - Sợ mình xấu xí, hèn kém. Vả lại Nội nó xứng đáng hơn anh. Lâu nay anh vẫn mơ tưởng có ngày gặp em. Anh nỗ lực học vẽ chính vì điều đó. Mà tại sao em lại có thể quẳng bút vẽ đi dễ đàng vậy? Hãy cầm bút, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp biết bao trước muôn vàn sắc mầu rực rỡ, tốt lành. Mong sớm gặp lại em…
    Có tiếng còi ô-tô và chiếc Toyta Camry mầu đồng quen thuộc đỗ lại trước cổng. Liên nhận ra chồng nàng khệ nệ ôm một tảng than bước vào, giọng từ tốn, vui vẻ khác thường:
    - Anh sẽ ngâm tảng than này trong dầu. Chắc chắn rồi nó sẽ tạo ra được những vân mầu rực rỡ. Cùng với nó, anh muốn trả lại cho em tình yêu và hạnh phúc đích thực.
    Liên xúc động nhìn chồng đang thận trọng đặt tảng than vào chiếc hộp kính do người lái xe vừa bê tới. Dù biết đây chỉ là một việc làm mang ý nghĩa tượng trưng, Liên vẫn hôn lên má chồng, giọng trìu mến:
    - Em cảm ơn anh rất nhiều!
    Ngày hôm sau Liên còn ngạc nhiên hơn khi đang chuẩn bị hành lý đưa con về vùng than, nàng nhận được tờ đơn ly hôn đã có chữ ký của chồng.
    - Anh đã nghĩ kỹ rồi. Không thể làm khổ em mãi được. – Ngừng lại nuốt nước bọt, gãi vào mảng tóc sâu, Xuân thở dài và gượng cười, chân thành nói tiếp: – Đây là giấy thông hành vào đời của em. Chiều nay anh sẽ bay sang Đức dự triển lãm quốc tế. Có thể anh ở lại chữa bệnh khá lâu. Mong em tìm được hạnh phúc đích thực của mình. Lê Hải là một người tốt và hình như cũng rất yêu em.
    Đúng là Lê Hải đã có lần tỏ tình với Liên khi Hải đến thǎm nàng mới sinh con, nhưng Liên chưa bao giờ chờ đợi điều này. Nàng cố đọc những ý nghĩ trên gương mặt đau đớn mà thanh thản của chồng. Hóa ra con người nào cũng có những khoảng sáng, những sắc mầu nội tâm đa chiều mà chỉ ở những thời điểm nào đó mới lấp lánh, mới cho ta nhìn thấy
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom