Những con trâu độc đáo trong văn chương
Đó là những con trâu gắn liền với những câu chuyện thú vị tản mạn trong các giai thoại nổi tiếng, về các phương diện lịch sử, triết học, truyền thuyết, được nhắc đến nhiều trong kho tàng văn học Đông phương
Con trâu vô địch
Trong truyện Tây Du Ký có kể đến hồi con trâu Độc Giác Tỉ do Thái Thượng Lão Quân nuôi sổng chuồng xuống trần làm yêu quái và bắt mất nhà sư Tam Tạng. Tề Thiên Đại Thánh đánh không lại con yêu trâu một sừng này, vì nó lấy được chiếc vòng càn khôn của Lão Quân. Chiếc vòng này có khả năng thâu tóm hết mọi thứ vũ khí, bửu bối của chư thần. Tôn Ngộ Không đã lần lượt thỉnh các vị thần như hai Lôi Công (thần sấm), Thác tháp Thiên Vương Lý Tịnh, Na Tra, Hỏa Đức Tinh Quân v.v... tất cả đều vô phương, thúc thủ. Cuối cùng họ Tôn phải sử dụng đến chiêu “rút cán búa” trong tam thập lục kế, nghĩa là đi điều tra nguồn gốc con yêu và mời ngay người chủ của nó xuống thu phục, đó là chính Thái Thượng Lão Quân hạ trần bắt quái.
Con trâu có máu “lăng nhăng”
Con trâu có tính “hảo ngọt”, ngoài vợ lớn còn ưa lập thêm “phòng nhì” đó là Ngưu Ma Vương, cũng trong Tây Du Ký. Ngưu Ma Vương bỏ bà vợ lớn là Thiết Phiến công chúa (có lẽ vì bà này dữ dằn quá chăng, ngoại hiệu của bà ta là Bà La Sát) đi xây tổ uyên ương với Ngọc Diện công chúa (vốn là một con bạch diện hồ ly). Nếu không có nhóm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ngang qua, cầu chiếc quạt Ba Tiêu để quạt tắt ngọn Hỏa Diệm Sơn và khuấy tung gia cảnh nhà họ Ngưu thì có lẽ Ngưu Ma Vương vẫn còn bỏ nhà đi ở với vợ bé dài dài.
Con trâu âm binh
Đó là con trâu lính của Diêm Vương, tức Ngưu Đầu Mã Diện (đầu trâu mặt ngựa). Hai chú lính cõi âm này có nhiệm vụ chuyên đi áp giải những linh hồn (thường là những hồn xấu) xuống cho Diêm Vương xử đoán. Truyện Bao Công xử án Quách Hòe còn ghi lại cảnh ông Bao Thanh Thiên tra xét mãi, không lấy được lời khai của Quách công công, bèn làm kế giả cho họ Quách bị chết xuống âm phủ, gặp Ngưu Đầu Mã Diện điệu tới trước Diêm Vương. Quách Hòe ngỡ mình đã chết thật, bèn thú nhận hết tội lỗi.
Con trâu “robot” thời Tam Quốc
Độc đáo ở chỗ đó là những con robot được chế tạo bằng gỗ của Gia Cát Khổng Minh. Trong sáu lần đem quân đi đánh nước Ngụy (lục xuất kỳ sơn), có những lần việc chuyển vận lương thảo ra mặt trận gặp khó khăn. Khổng Minh đã phải chế ra những con trâu gỗ ngựa máy để tải lương. Khi tướng Ngụy Tư Mã Ý biết được đã cho bắt vài con trâu gỗ đem về bắt chước chế ra nhiều bản sao cũng để dùng vào việc tải lương cho quân Ngụy, nhưng phía Ngụy chưa vui mừng được lâu thì đã bị Khổng Minh bày kế làm cho các chú trâu ngựa này không nhúc nhích được và đoạt về cả lương thảo lẫn đám trâu ngựa “học nhái” của họ Tư Mã.
Con trâu hiền triết
Theo Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của, vào đời vua Nghiêu, Trung Quốc, vua Nghiêu nghe tiếng Hứa Do là người hiền, bèn vời đến để truyền ngôi cho. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, có Sào Phủ dắt trâu ra suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai bèn hỏi tại sao. Hứa Do đáp: “Ông Nghiêu đòi tôi, bảo tôi làm vua”. Nghe vậy, Sào Phủ dắt trâu lên phía trên dòng nước cho uống.
Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp: “Anh rửa tai xuống đó, tôi sợ trâu của tôi uống nhằm. Anh đi đâu cho người ta biết mà vua muốn nhường ngôi cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi”.
Huỳnh Tịnh Của phê rằng: “Nghe mà rửa, chi bằng giữ vẹn đừng nghe”. Câu chuyện này là một điển cố, tiêu biểu cho lòng trong sạch và tính ẩn dật của các ẩn sĩ ngày xưa.
Con trâu lửa
Thời Chiến Quốc, vua nước Tề là Tề Mân Vương nhân lúc nước Yên có loạn thần Tử Chi bèn mượn tiếng trừ gian diệt bạo, cất quân sang chinh phạt, định diệt luôn nước Yên. Tuy Yên chưa bị thôn tính nhưng bị tàn phá nặng nề. Năm 285 trước Công nguyên, Yên Chiêu Vương phục quốc và nuôi chí phục thù nước Tề. Vua Yên chiêu mộ được Nhạc Nghị, dùng làm đại tướng, liên minh với các nước Tần, Triệu, Ngụy, Hàn cùng đem quân đánh Tề. Mân Vương quá bạo ngược, mất lòng dân nên nước Tề bị thua to. Vua Tề bị giết chết dã man. Liên quân năm nước bình định gần hết nước Tề. Chỉ còn lại hai thành là Cử và Tức Mặc vẫn cố thủ. Tướng giữ thành biết Điền Đan là tôn thất nước Tề, vốn là người coi chợ ở Lâm Tri nhưng có tài làm tướng. Nhân dịp con của Mân Vương là công tử Pháp Chương được dân Tề đón về lên ngôi vua kế vị ở thành Cử, tức là Tề Tương Vương, quần thần tiến cử Điền Đan, Tương Vương dùng làm tướng. Về phía nước Yên, Yên Chiêu Vương vừa chết, con là Yên Huệ Vương lên ngôi. Huệ Vương vốn không ưa Nhạc Nghị. Biết tin đó, Điền Đan tung phản gián rằng Nhạc Nghị muốn làm vua nước Tề. Vua Yên bèn bãi chức Nghị, cho Kỵ Kiếp thay thế ở đất Tề. Sau một số chiến thuật kích thích lòng căm thù của tướng sĩ nước Tề, cuối cùng Điền Đan đã dùng “trận trâu lửa” đánh đòn quyết định. Ông sai thu vàng bạc trong thành cho sứ sang dâng cho quân Yên và giao ước với Kỵ Kiếp sẽ đầu hàng khiến quân Yên mừng rỡ, không lo phòng bị. Điền Đan tập trung số trâu trong thành được khoảng 1.000 con, lấy vải quấn lên mình trâu, vẽ hình sặc sỡ rồng rắn ngũ sắc, buộc đao nhọn vào sừng, buộc lau bôi mỡ vào đuôi để đốt. Ông cho đục mấy chục hang nhỏ ở quanh thành. Đêm đến cho đốt lửa ở đuôi trâu và xua chúng chạy ra kèm theo 5.000 quân tấn công. Trống đánh, phèng khua ầm ĩ khiến quân Yên đang đêm ngỡ là thần binh xuống giúp quân Tề, không còn chút ý chí chiến đấu. Trận ấy quân Yên thua to.
Điền Đan dẫn quân đánh đến đâu, các thành Tề bị Yên chiếm đều nổi dậy thu phục lại. Cuối cùng hơn 70 thành nước Tề đều lấy lại được. Đan đón vua Tề trở về kinh đô Lâm Tri. Tương Vương phong Điền Đan làm An Bình Quân.
Con trâu vàng
Theo Lĩnh Nam Chích Quái, ngày xưa vào thời thượng cổ có Vương Chất đi đốn củi trong núi, gặp tiên cho hạt táo. Chất ăn cho khỏi đói. Tiên đồng lại bảo: “Cán rìu ngươi nát rồi”. Chất cúi xuống, ngẩng lên thì không thấy tiên đồng đâu nữa. Khi về đến nhà không còn gặp những người thân cũ ở trần gian. Do tích này, ngọn núi được đặt tên là núi Tiên Du hay núi Lạn Kha (núi rìu nát). Tục truyền núi Tiên Du có tinh trâu vàng, nửa đêm thường tỏa ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm vào trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ, gọi là vũng Trâu Đằm. Trâu lại chạy ra sông Tô Lịch, chính là Tây Hồ ngày nay. Trên đường trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rạch, lãnh.
Ngoài ra, còn có tích trâu vàng ở Hồ Tây. Theo truyền thuyết, vào đời nhà Lý (thế kỷ 13) ở thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay) có nhà sư Không Lộ pháp thuật cao cường. Thời ấy nước ta bị thiếu đồng và sắt do bao nhiêu vàng bạc đều bị người đô hộ phương Bắc đem cả về Tàu. Sư Không Lộ bèn sang Trung Hoa, yết kiến vua Tống xin quyên góp một ít kim khí chỉ đựng trong một chiếc túi nhỏ đem về đúc tượng Phật. Thấy túi vải nhỏ, vua đồng ý. Nhà sư vào kho thấy trong số các kim khí có một con trâu khổng lồ đúc bằng vàng ròng đứng canh giữ kho tàng, ông dùng phép thần thông thu quá nửa số đồng đen trong kho vua Tống. Quan coi kho hốt hoảng ra lệnh bắt nhà sư phải trả lại số đồng đen quý giá. Không Lộ nói rằng ông đã thỏa thuận chỉ lấy trong phạm vi chiếc túi nhỏ. Nhà sư dùng phép phi hành đi về nước Nam. Quân Tống cưỡi ngựa đuổi theo. Gặp dòng sông rộng chắn ngang, Không Lộ thả chiếc nón xuống biến thành chiếc ghe vượt sông đi thoát. Về nước, ông dạy cho các thợ rèn đúc một cái chuông bằng đồng đen lấy được ở Trung Hoa về. Khi khánh thành, tiếng chuông ngân xa khiến cho con trâu vàng bên Tàu nghe như tiếng trâu mẹ gọi, liền phóng về phương nam. Không Lộ sợ bao nhiêu vàng ở Trung Hoa theo trâu chạy qua đất Việt sẽ gây can qua giữa hai nước, ông bèn lăn chuông xuống Hồ Tây. Con trâu vàng cũng nhảy xuống nước biến mất. Sau đó, sư Không Lộ về trời. Vua Lý ban sắc tặng sư Không Lộ là thần thợ đúc.
st
Đó là những con trâu gắn liền với những câu chuyện thú vị tản mạn trong các giai thoại nổi tiếng, về các phương diện lịch sử, triết học, truyền thuyết, được nhắc đến nhiều trong kho tàng văn học Đông phương
Con trâu vô địch
Trong truyện Tây Du Ký có kể đến hồi con trâu Độc Giác Tỉ do Thái Thượng Lão Quân nuôi sổng chuồng xuống trần làm yêu quái và bắt mất nhà sư Tam Tạng. Tề Thiên Đại Thánh đánh không lại con yêu trâu một sừng này, vì nó lấy được chiếc vòng càn khôn của Lão Quân. Chiếc vòng này có khả năng thâu tóm hết mọi thứ vũ khí, bửu bối của chư thần. Tôn Ngộ Không đã lần lượt thỉnh các vị thần như hai Lôi Công (thần sấm), Thác tháp Thiên Vương Lý Tịnh, Na Tra, Hỏa Đức Tinh Quân v.v... tất cả đều vô phương, thúc thủ. Cuối cùng họ Tôn phải sử dụng đến chiêu “rút cán búa” trong tam thập lục kế, nghĩa là đi điều tra nguồn gốc con yêu và mời ngay người chủ của nó xuống thu phục, đó là chính Thái Thượng Lão Quân hạ trần bắt quái.
Con trâu có máu “lăng nhăng”
Con trâu có tính “hảo ngọt”, ngoài vợ lớn còn ưa lập thêm “phòng nhì” đó là Ngưu Ma Vương, cũng trong Tây Du Ký. Ngưu Ma Vương bỏ bà vợ lớn là Thiết Phiến công chúa (có lẽ vì bà này dữ dằn quá chăng, ngoại hiệu của bà ta là Bà La Sát) đi xây tổ uyên ương với Ngọc Diện công chúa (vốn là một con bạch diện hồ ly). Nếu không có nhóm thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ngang qua, cầu chiếc quạt Ba Tiêu để quạt tắt ngọn Hỏa Diệm Sơn và khuấy tung gia cảnh nhà họ Ngưu thì có lẽ Ngưu Ma Vương vẫn còn bỏ nhà đi ở với vợ bé dài dài.
Con trâu âm binh
Đó là con trâu lính của Diêm Vương, tức Ngưu Đầu Mã Diện (đầu trâu mặt ngựa). Hai chú lính cõi âm này có nhiệm vụ chuyên đi áp giải những linh hồn (thường là những hồn xấu) xuống cho Diêm Vương xử đoán. Truyện Bao Công xử án Quách Hòe còn ghi lại cảnh ông Bao Thanh Thiên tra xét mãi, không lấy được lời khai của Quách công công, bèn làm kế giả cho họ Quách bị chết xuống âm phủ, gặp Ngưu Đầu Mã Diện điệu tới trước Diêm Vương. Quách Hòe ngỡ mình đã chết thật, bèn thú nhận hết tội lỗi.
Con trâu “robot” thời Tam Quốc
Độc đáo ở chỗ đó là những con robot được chế tạo bằng gỗ của Gia Cát Khổng Minh. Trong sáu lần đem quân đi đánh nước Ngụy (lục xuất kỳ sơn), có những lần việc chuyển vận lương thảo ra mặt trận gặp khó khăn. Khổng Minh đã phải chế ra những con trâu gỗ ngựa máy để tải lương. Khi tướng Ngụy Tư Mã Ý biết được đã cho bắt vài con trâu gỗ đem về bắt chước chế ra nhiều bản sao cũng để dùng vào việc tải lương cho quân Ngụy, nhưng phía Ngụy chưa vui mừng được lâu thì đã bị Khổng Minh bày kế làm cho các chú trâu ngựa này không nhúc nhích được và đoạt về cả lương thảo lẫn đám trâu ngựa “học nhái” của họ Tư Mã.
Con trâu hiền triết
Theo Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của, vào đời vua Nghiêu, Trung Quốc, vua Nghiêu nghe tiếng Hứa Do là người hiền, bèn vời đến để truyền ngôi cho. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, có Sào Phủ dắt trâu ra suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai bèn hỏi tại sao. Hứa Do đáp: “Ông Nghiêu đòi tôi, bảo tôi làm vua”. Nghe vậy, Sào Phủ dắt trâu lên phía trên dòng nước cho uống.
Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp: “Anh rửa tai xuống đó, tôi sợ trâu của tôi uống nhằm. Anh đi đâu cho người ta biết mà vua muốn nhường ngôi cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi”.
Huỳnh Tịnh Của phê rằng: “Nghe mà rửa, chi bằng giữ vẹn đừng nghe”. Câu chuyện này là một điển cố, tiêu biểu cho lòng trong sạch và tính ẩn dật của các ẩn sĩ ngày xưa.
Con trâu lửa
Thời Chiến Quốc, vua nước Tề là Tề Mân Vương nhân lúc nước Yên có loạn thần Tử Chi bèn mượn tiếng trừ gian diệt bạo, cất quân sang chinh phạt, định diệt luôn nước Yên. Tuy Yên chưa bị thôn tính nhưng bị tàn phá nặng nề. Năm 285 trước Công nguyên, Yên Chiêu Vương phục quốc và nuôi chí phục thù nước Tề. Vua Yên chiêu mộ được Nhạc Nghị, dùng làm đại tướng, liên minh với các nước Tần, Triệu, Ngụy, Hàn cùng đem quân đánh Tề. Mân Vương quá bạo ngược, mất lòng dân nên nước Tề bị thua to. Vua Tề bị giết chết dã man. Liên quân năm nước bình định gần hết nước Tề. Chỉ còn lại hai thành là Cử và Tức Mặc vẫn cố thủ. Tướng giữ thành biết Điền Đan là tôn thất nước Tề, vốn là người coi chợ ở Lâm Tri nhưng có tài làm tướng. Nhân dịp con của Mân Vương là công tử Pháp Chương được dân Tề đón về lên ngôi vua kế vị ở thành Cử, tức là Tề Tương Vương, quần thần tiến cử Điền Đan, Tương Vương dùng làm tướng. Về phía nước Yên, Yên Chiêu Vương vừa chết, con là Yên Huệ Vương lên ngôi. Huệ Vương vốn không ưa Nhạc Nghị. Biết tin đó, Điền Đan tung phản gián rằng Nhạc Nghị muốn làm vua nước Tề. Vua Yên bèn bãi chức Nghị, cho Kỵ Kiếp thay thế ở đất Tề. Sau một số chiến thuật kích thích lòng căm thù của tướng sĩ nước Tề, cuối cùng Điền Đan đã dùng “trận trâu lửa” đánh đòn quyết định. Ông sai thu vàng bạc trong thành cho sứ sang dâng cho quân Yên và giao ước với Kỵ Kiếp sẽ đầu hàng khiến quân Yên mừng rỡ, không lo phòng bị. Điền Đan tập trung số trâu trong thành được khoảng 1.000 con, lấy vải quấn lên mình trâu, vẽ hình sặc sỡ rồng rắn ngũ sắc, buộc đao nhọn vào sừng, buộc lau bôi mỡ vào đuôi để đốt. Ông cho đục mấy chục hang nhỏ ở quanh thành. Đêm đến cho đốt lửa ở đuôi trâu và xua chúng chạy ra kèm theo 5.000 quân tấn công. Trống đánh, phèng khua ầm ĩ khiến quân Yên đang đêm ngỡ là thần binh xuống giúp quân Tề, không còn chút ý chí chiến đấu. Trận ấy quân Yên thua to.
Điền Đan dẫn quân đánh đến đâu, các thành Tề bị Yên chiếm đều nổi dậy thu phục lại. Cuối cùng hơn 70 thành nước Tề đều lấy lại được. Đan đón vua Tề trở về kinh đô Lâm Tri. Tương Vương phong Điền Đan làm An Bình Quân.
Con trâu vàng
Theo Lĩnh Nam Chích Quái, ngày xưa vào thời thượng cổ có Vương Chất đi đốn củi trong núi, gặp tiên cho hạt táo. Chất ăn cho khỏi đói. Tiên đồng lại bảo: “Cán rìu ngươi nát rồi”. Chất cúi xuống, ngẩng lên thì không thấy tiên đồng đâu nữa. Khi về đến nhà không còn gặp những người thân cũ ở trần gian. Do tích này, ngọn núi được đặt tên là núi Tiên Du hay núi Lạn Kha (núi rìu nát). Tục truyền núi Tiên Du có tinh trâu vàng, nửa đêm thường tỏa ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm vào trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ, gọi là vũng Trâu Đằm. Trâu lại chạy ra sông Tô Lịch, chính là Tây Hồ ngày nay. Trên đường trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rạch, lãnh.
Ngoài ra, còn có tích trâu vàng ở Hồ Tây. Theo truyền thuyết, vào đời nhà Lý (thế kỷ 13) ở thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay) có nhà sư Không Lộ pháp thuật cao cường. Thời ấy nước ta bị thiếu đồng và sắt do bao nhiêu vàng bạc đều bị người đô hộ phương Bắc đem cả về Tàu. Sư Không Lộ bèn sang Trung Hoa, yết kiến vua Tống xin quyên góp một ít kim khí chỉ đựng trong một chiếc túi nhỏ đem về đúc tượng Phật. Thấy túi vải nhỏ, vua đồng ý. Nhà sư vào kho thấy trong số các kim khí có một con trâu khổng lồ đúc bằng vàng ròng đứng canh giữ kho tàng, ông dùng phép thần thông thu quá nửa số đồng đen trong kho vua Tống. Quan coi kho hốt hoảng ra lệnh bắt nhà sư phải trả lại số đồng đen quý giá. Không Lộ nói rằng ông đã thỏa thuận chỉ lấy trong phạm vi chiếc túi nhỏ. Nhà sư dùng phép phi hành đi về nước Nam. Quân Tống cưỡi ngựa đuổi theo. Gặp dòng sông rộng chắn ngang, Không Lộ thả chiếc nón xuống biến thành chiếc ghe vượt sông đi thoát. Về nước, ông dạy cho các thợ rèn đúc một cái chuông bằng đồng đen lấy được ở Trung Hoa về. Khi khánh thành, tiếng chuông ngân xa khiến cho con trâu vàng bên Tàu nghe như tiếng trâu mẹ gọi, liền phóng về phương nam. Không Lộ sợ bao nhiêu vàng ở Trung Hoa theo trâu chạy qua đất Việt sẽ gây can qua giữa hai nước, ông bèn lăn chuông xuống Hồ Tây. Con trâu vàng cũng nhảy xuống nước biến mất. Sau đó, sư Không Lộ về trời. Vua Lý ban sắc tặng sư Không Lộ là thần thợ đúc.
st