Những Liệt nữ triều Trần
Nhà Trần tồn tại 182 năm, vắt qua 3 thế kỷ (1225-1413). Trong hơn 60 năm đầu khởi nghiệp, nhà Trần đã 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Trần Thái Tông đầu triều Trần đã trở thành ông vua anh hùng cứu nước, đề cao xã tắc, xem thường phú quý vinh hoa.
Mấy chục năm đầu khởi nghiệp, vua tôi, con cháu nhà Trần noi theo gương sáng của Thái Tông, xoá bỏ hiềm nghi huynh đệ, nội tộc, tạo nên thế nước hùng mạnh, một lòng một dạ phò vua giúp nước, từ những kế hay mưu sâu của Thái sư Trần Thủ Độ, đến võ công thiên tài của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, rồi của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật, của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản mới 16 tuổi đã cầm quân ra trận đánh thắng quân thù.
Cũng trong thời kỳ đầu giữ nước khó khăn của Đại Việt, triều Trần không chỉ có các bậc nam nhi phò vua giữ nước mà còn có cả những nữ nhi, công chúa, ái phi trong cung cấm đã noi gương Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyên phi ỷ Lan ngày trước cũng dấn thân vào sự nghiệp củng cố vương triều ngày càng thịnh minh, dẹp giặc phía Bắc, mở đất phương Nam, bảo vệ non sông Đại Việt. Đó là bà Trần Thị Dung, Hoàng hậu nhà Lý (vợ Lý Huệ Tông), thân mẫu Lý Chiêu Hoàng – Nữ vương đầu tiên, duy nhất được truyền ngôi của các triều đại phong kiến Việt Nam, là nhạc mẫu của Trần Thái Tông, rồi trở thành Linh từ Mẫu quốc nhà Trần khi bà kết hôn với Thái sư Trần Thủ Độ – người có công dựng lên một cuộc bàn giao triều chính bằng cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, triều Lý kết thúc, khởi đầu triều Trần.
Trong lần giặc Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt lần đầu năm Bính tỵ (1257), bà đã có công lớn chỉ huy Hoàng tộc chủ động rút khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng. Trong khi vua Trần Thái Tông (con rể của bà) thân chinh làm tướng cầm quân đi đánh giặc xông pha chốn xa trường, Linh từ Mẫu quốc ở hậu phương đảm nhiệm kêu gọi thần dân thu nhặt sắt thép, khích lệ các hiệp thợ đêm ngày rèn binh khí cho quân sỹ đánh giặc. Trận phản công chiến lược của quân Trần ở Đông Bộ Đầu năm 1258 đuổi quân giặc về nước có một phần đóng góp công lao của Linh từ Mẫu quốc.
Gần 30 năm sau, thời vua Trần Nhân Tông (cháu Trần Thái Tông), đế quốc Nguyên - Mông lại phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt năm Giáp thân (1284). Đầu năm sau giặc Nguyên đã tiến đến Gia Lâm vây hãm kinh thành Thăng Long.
Để tạm thời tránh giặc, cả Trần Nhân Tông, Hoàng tộc đã sơ tán ra vùng Tam Trí trên các thuyền thường, bọn giặc đã phát hiện, bao vây, chiến sự buổi đầu bất lợi, tướng Trần Bình Trọng hy sinh, một số tôn thất nhà Trần ươn hèn phản bội, ra hàng giặc, hoà đàm cũng bất thành... Để có thời gian củng cố, tổ chức lại lực lượng chiến đấu, nhà vua mở hội nghị Diên Hồng bàn đánh giặc Nguyên, và để bảo toàn trọn vẹn giang sơn Đại Việt, vua Trần Thánh Tông bất đắc dĩ đã phải dùng kế mỹ nhân, sai đem em gái út của mình là Công chúa An Tư dâng cho tướng giặc Thoát Hoan.
An Tư Công chúa là con gái vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Thuận Thiên đang còn rất trẻ, đẹp, vì nước quên thân, vâng lệnh triều đình, nàng từ bỏ cuộc sống êm ấm, nhung lụa trong cung đình, vĩnh biệt Hoàng tộc, bạn bè để hiến dâng tuổi trẻ đời con gái, tính mạng mình cho tổ quốc, làm giảm tai hoạ cho muôn dân.
An Tư Công chúa đã vào trận chiến chỉ có một mình, liễu yếu đào tơ, không một cung tên, tấc sắt. An Tư sang trại giặc không phải với tư cách đi lấy chồng mà là vật cống nạp, dâng hiến và cũng là một nội gián. Hiểu rõ nạn nước, nỗi khổ của thần dân, thấy rõ hậu hoạ sẽ xẩy ra, nàng chấp nhận tủi nhục, gian khổ, kể cả mạng sống của mình.
Làm vợ Thoát Hoan, sống trong trại giặc, kìm bàn tay tội ác của kẻ thù, phụng sự tổ quốc, đây thật là sự hy sinh cao cả, độc nhất vô nhị trong thời kỳ giữ nước dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Sau chiến thắng giặc Nguyên, vua Trần đã làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, truy phong tướng lĩnh, nhưng không nhắc đến sự hy sinh của Công chúa An Tư, nhưng các thế hệ mai sau vẫn dành cho nàng sự thương cảm và kính phục không bao giờ quên.
Mười tám năm sau chiến thắng quân Nguyên, mùa xuân Bính ngọ (1306) Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã gả con gái là Công chúa Huyền Trân, em gái vua Trần Anh Tông cho vua Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hoà hiếu giữa 2 nước, mặc cho dư luận phản đối do có tư tưởng kỳ thị dân tộc, cuộc hôn nhân này thật tốt đẹp, hợp lệ, môn đăng hộ đối, là cái cầu giao hảo chính trị, xoá bỏ hiềm khích hận thù để 2 quốc gia bình yên thịnh trị.
Qua cuộc hôn nhân này Công chúa Huyền Trân còn góp phần giúp quốc gia Đại Việt mở mang bờ cõi. Chế Mân – Vua Chiêm – phò mã nhà Trần đã tự nguyện đem vùng đất châu Ô, châu Lý làm “vật dẫn cưới”.
Mặc dầu nàng dâu nước Chiêm chưa biết gì về đất nước này và vị vua chồng mình, sau một năm chung sống, nàng đã sinh cho triều đại này một người con trai, nhưng đức lang quân – vị vua trẻ Chiêm Thành lại sớm băng hà, còn nhân dân châu Hoan, châu ái rầm rộ vào lập nghiệp nơi châu Lý, châu Ô - là vùng đất Thuận Hoá sau này. Đến mùa thu Mậu thân (1308), Công chúa Huyền Trân đã trở về đất mẹ từ mưu cao của một thân tộc nhà Trần.
Gần 70 năm sau, thời Trần Huệ Tông trị vì, chính sự rối ren, vua Chiêm Thành lại dấy binh đánh ra đến đất Hoá Châu (Nghệ An). Khi ấy có một phụ nữ trong Hoàng cung hiến kế “an dân, an quốc”, đánh đuổi giặc ngoài cõi. Người phụ nữ ấy không phải con cháu nhà Trần, mà là một ái phi của Trần Huệ Tông – bà Nguyễn Bích Châu đã dâng “Kê minh thập sách” để giúp triều đình ổn định bên trong, thắng giặc bên ngoài.
Rất tiếc vua Trần chỉ nghe, nhưng không chấp thuận, kết cục đã bị gian thần Đỗ Tử Bình giăng bẫy, làm cho Trần Huệ Tông bỏ mạng chốn trận tiền khi cầm quân đi đánh giặc, nếu nghe ái phi họ Nguyễn can ngăn: “Tuyển quân nên tìm sức mạnh hơn vóc người, kén tướng nên chọn thao lược hơn là gia thế, khí giới cần sắc bén chứ đừng chuộng hoa hoè, trận pháp tề chỉnh chứ không cần đẹp mắt” thì đâu đến nỗi “Sai một ly đi một dặm” đã đẩy nhanh quá trình suy vong, suy vị một vương triều nổi tiếng.
Thật đáng khâm phục, kính trọng, tri ân những liệt nữ thời Trần đã dấn thân phò vua, phụng sự đất nước trong khi “sơn hà nguy biến”, hiến dâng công sức, dám hi sinh, không sợ gian khổ, cùng muôn dân giữ nước.
Comment