Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh
làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.
BÍCH CHÂU Tháng 2/2010, Lee Kirby, một chàng trai người Anh đã làm cho dân cư mạng xáo động bởi bài hát anh dành chúc Tết người Việt trên YouTube, đó là bài Quê nhà của nhạc sĩ Trần Tiến. Anh tâm sự: “Tôi muốn được gửi tới các bạn bài hát Quê nhà. Mặc dù đây là dịp mọi người vui mừng đón Tết, nhưng đây cũng là dịp để những người dân Việt Nam sống xa quê hương bồi hồi trong những suy ngẫm riêng mình. Tôi hy vọng các bạn có thể cảm nhận được điều này từ chính tôi”. Ngay sau đó, sự phản hồi của cộng đồng mạng đã thực sự làm anh choáng ngợp trong hạnh phúc. Anh đã có thêm quá nhiều bạn, không phải chỉ từ người Việt Nam mà là của rất nhiều bạn đến từ nhiều nước khác, và ngay ở chính đất nước anh, những người không hiểu lời Việt, nhưng đã cảm được tình cảm nồng nàn qua tiếng hát của anh.
Quả thực, Lee đã hát bằng tất cả sự rung động của một người con xa quê đang nhớ về vầng khói chiều mênh mông, lũy tre làng, bờ đê vắng và tiếng mẹ hiền ru bên thềm đá cũ… Một khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, chỉ có ở làng quê Việt Nam trong tiếng hò ru của mẹ: “À ơi ... hoa bay lên trời, cây chi ở lại, à ơi... hoa cải lên trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay” được luyến láy trong tiếng nức nghẹn ngào của người con xa quê.
Lee Kirby và Ánh Tuyết song ca bài Bèo giạt mây trôi. Ảnh: Bích Châu.
Lee bảo, anh thích nhất là đoạn: “À ơi, em đi lấy chồng, anh vẫn một mình. À ơi, táo rụng sân đình thương anh một mình, một mình nhớ em...”, bởi vì anh thực sự hiểu và đồng cảm với tâm trạng người con trai lúc ấy, anh muốn diễn đạt đúng với cái hồn bài hát, chứ không phải chỉ cố hát cho đúng là được. Và chính cái hồn Việt ấy đã thực sự làm rung cảm những người Việt xa quê, và thật nghịch lý khi cả những người Việt đang sống ngay trên quê hương mình nghe anh hát mới tìm đọc lại ca từ để cảm thấy yêu đất nước mình hơn.
Có mấy ngàn ý kiến gửi đến Lee không ngần ngại bày tỏ điều nghịch lý ấy, hầu hết là các bạn trẻ. Bởi vì, trong khi không ít người trẻ Việt Nam chỉ muốn chứng tỏ đẳng cấp của mình bằng sự thông thạo nhạc nước ngoài và quay cuồng theo điệu hip-hop thời thượng thì anh chàng người Anh này lại vô cùng say đắm nhạc Việt, dù mỗi lần anh muốn tập một bài hát mới là cả một kỳ công.
Lee không giỏi tiếng Việt, anh học tiếng Việt hết sức khó khăn và anh từng cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ khó nhất thế giới. Vì thế: “Để đạt được đến mức độ “hát được” một bài hát tiếng Việt, tôi (Lee) có thể chỉ mất từ 5 đến 10 giờ đồng hồ. Nhưng để đạt đến mức độ “hay và có cảm xúc”, thì phải mất đến hàng ngàn giờ”. Vậy mà hiện nay anh đã có thể hát hay và đầy cảm xúc khoảng 15 bài hát Việt.
Lee đặc biệt yêu nhạc Trịnh Công Sơn và bắt đầu đến với nhạc Việt bằng Diễm xưa, vì thế, anh còn có cái tên rất thơ do các bạn trẻ trên cộng đồng mạng đặt “Chàng Diễm xưa của xứ sương mù”… Nhưng Lee chia sẻ: “Thật là khó để hiểu hết âm nhạc và ngôn từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi đằng sau lời hát là nhiều tầng nghĩa. Tôi hiểu tiếng Việt, nhưng có lẽ phải mất cả đời để hiểu được đến tận cùng của cảm xúc Trịnh Công Sơn”.
Với Diễm xưa, Lee đã khóc khi lần đầu tiên nghe một cô bạn hát cho mình nghe trên ngọn núi Bạch Mã. Với Đêm thấy ta là thác đổ, khi anh nghe album của Mỹ Tâm. Rồi Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn); Quê nhà, Giấc mơ Chapi (Trần Tiến); Ôi! quê tôi (Lê Minh Sơn); Chênh vênh (Lê Cát Trọng Lý), Khoảnh khắc (Trương Quý Hải), Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường); Em ơi! Hà Nội phố (Phú Quang); Bèo giạt mây trôi, Lý cây đa (dân ca Việt Nam)… lần lượt được anh tìm tới bằng tình yêu nồng nhiệt. Ở bài hát nào cũng thấm đẫm tình cảm của Lee dành cho Việt Nam. Anh bảo anh yêu Hà Nội vô cùng, đến Việt Nam, gần như ngày nào anh cũng đi dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Lee cực kỳ thích món ăn Việt Nam, nhất là phở và bánh cuốn…
Lúc ở Hà Nội, Lee thường ôm đàn guitar dạo quanh phố cổ và ngồi lại ở một góc cạnh hồ Gươm, hát cho mọi người nghe. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lee hay ra công viên 23/9 và cà phê bệt ở Hàn Thuyên cùng ca hát và giao lưu với mọi người. Anh trò chuyện với mọi người bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, với nụ cười thân thiện và cây guitar trên tay, anh đàn và hát cho mọi người nghe và hân hoan nhận tiếng vỗ tay khen ngợi của mọi người.
Đêm diễn ở phòng trà ATB, anh đã làm cả khán phòng lặng đi khi một lần nữa anh hát bài Quê nhà. Dường như bài hát đã thấm sâu vào tâm hồn anh, và mỗi ngày anh càng hát nồng nàn xúc cảm hơn. Khi hát bài Ôi! quê tôi, Lee bảo ở nước Anh không có con chim sâu, và anh cũng chưa biết khói chiều ra sao, nhưng anh có thể cảm nhận được khi về miền quê Việt Nam, và anh hiểu đó là những thứ làm day dứt lòng người đi xa nhất. Lee hiểu từng ca từ bài hát, và anh đã gọi hai tiếng Mẹ ơi! như là một cách thể hiện biểu cảm của mình khi cất lời:
Ôi! quê tôi vẫn còn mái nhà Liêu xiêu liêu xiêu, thơm mùi khói chiều Trong giấc mơ của tôi cánh diều no gió Đi bên em bên em bắt chim sâu…
Nhưng ngạc nhiên nhất của mọi người là màn song ca bài Bèo giạt mây trôi giữa Lee và ca sĩ Ánh Tuyết, một bài dân ca Việt Nam với những luyến láy rất khó đối với một người nước ngoài, nhưng Lee vẫn lướt theo được cùng chị một cách mềm mại, nhẹ nhàng. Đó là bài hát anh mới tập sau này.
Lee Kirby.
Anh đã nói: Các bạn không thể biết tôi yêu Việt Nam đến thế nào đâu. Không, chỉ cần nghe anh hát, người Việt Nam có thể hiểu được tình cảm của anh. Cũng như khi lướt trên trang web của anh, nhìn thấy đoạn băng: Một kỷ niệm đặc biệt ở Việt Nam, đó chính là hình ảnh một dàn nhạc cổ truyền với những ông bà cụ, răng đen đang múa hát một điệu hầu đồng trên một chuyến tàu chợ. Lee đã ghi lại với lời bình: Đây chính là những hình ảnh gắn kết tôi với Việt Nam nhất…
Còn các bạn trẻ Việt Nam thì bình luận xôn xao quanh đoạn băng ấy với sự kinh ngạc tột độ. Bởi không ai có thể hiểu vì sao anh yêu những con người cùng điệu hát mộc mạc dường ấy của Việt Nam. Có gì khó hiểu đâu, bởi vì đó chính là những hình ảnh mà Lee không thể tìm thấy ở đâu trên xứ sở anh, và cả trên nhiều đất nước phát triển khác, đó chính là cái bản sắc văn hóa không thể lẫn lộn ở đâu, cái mà không ít người Việt Nam đã coi khinh trước làn sóng văn hóa phương Tây ồ ạt tràn vào.
Cảm ơn Lee Kirby, chàng trai xứ sương mù, cảm ơn anh đã sống nồng nàn cùng Quê nhà Việt Nam, bài hát đã làm rung động biết bao trái tim Việt Nam, bài hát đã làm hàng chục nghìn bạn trẻ Việt Nam càng yêu đất nước mình hơn…
----------------------------
Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
Comment