
Kiếm pháp của kẻ háo sắc
Fujisawa Shuhei
Phạm Vũ Thịnh dịch
Phạm Vũ Thịnh dịch
1
Văng vẳng tiếng ca ngâm lọt ra từ tư dinh quan Kiểm sát Shiga Zenhachi:Trên thế gian này, cuộc đời khổ đau của ta sắp đến hồi cuối cùng,
con hãy về đi, rồi khi ta không còn nữa, hãy cầu nguyện cho người mù này...(1)
Có vẻ là một đoạn trong vở Kagekiyo.
Người đi ngang qua bên ngoài hàng rào nhà ấy lắng tai nghe những tiếng ca ngâm lặp đi lặp lại cùng một đoạn bằng nhiều giọng khác nhau, hiểu ra là lớp ca ngâm gì đấy đang tập luyện.
“Mitani!” Chợt có tiếng vị ẩn cư Heiuemon nhà Shiga gọi lớn, ngăn tiếng ca ngâm lại. Mặt ông nhăn nhó. “Làm gì mà cứ thậm thà thậm thụt thế hử? Ta thấy từ nãy đến giờ, anh có để tâm vào chuyện luyện tập tí nào đâu!”
“Dạ, xin thầy tha lỗi”.
Người bị mắng, đỏ mặt lên ấy là Mitani Sukejuro. Dáng cao, da trắng trẻo, thời trai trẻ đã nổi tiếng nhờ vóc dáng đàn ông hiên ngang và tài kiếm xuất chúng theo phái Seia, nhưng nay thì đã ba mươi lăm tuổi rồi, nét đẹp trai ngày xưa đã úa héo đi nhiều, mà danh tiếng về kiếm thuật lại đã bị thay thế bởi thứ tai tiếng về chuyện khác. Mitani Sukejuro bây giờ nổi tiếng là kẻ háo sắc tột bậc giữa đám võ sĩ làm việc trong thành.
“Dạ, thật ra thì...” Mitani vẫn còn đỏ mặt, nói với giọng có phần rụt rè, “... tiện nhân sắp phải đi gặp người ta cho đúng giờ hẹn, nên cứ phải nhắm chừng xem đã đến giờ chưa”.
“Người hẹn đó là đàn bà đấy hả?”
Ông Heiuemon là người nghiêm cẩn mà lại hỏi như thế, hẳn là vì thường ngày đã nghe đồn nhiều về tật xấu của Sukejuro rồi. Cùng đến tập ca ngâm với Sukejuro là đám sáu, bảy người thường xuyên, nghe vị ẩn cư nói thế, cả bọn cười ầm lên.
“Thưa... không phải thế”. Sukejuro lại càng đỏ mặt thêm, cúi đầu trước thầy, rồi trừng mắt nhìn bọn đàn ông kia. “Người hẹn gặp là bác Matsuno đấy ạ”.
Nhưng bước ra khỏi phòng thầy, Mitani Sukejuro vội vàng lấy giấy trong túi ra lau mồ hôi đã toát ra ở trán và cổ. Anh bước ra ngoài qua cửa hông bên cổng chính, nhưng không đi ngay, mà cầm cây dù, đứng nhìn phía phải phía trái trên đường như đang chờ đợi ai đấy.
Bầu trời vẫn phủ đầy mây dày đặc như trước, có vẻ sắp mưa đến nơi. Chẳng có một bóng người. Từ trong cổng sau lưng anh lại văng vẳng tiếng ca ngâm.
“Người ta đồn đại quá đáng về mình rồi!”.
Trên khuôn mặt đẹp trai đã có phần đầy đặn quá, trông như mặt một ông chủ tiệm buôn trẻ bơ phờ vì trác táng, hiện lên vẻ cay đắng. Anh hiểu lý do mình bị mang tiếng háo sắc. Sukejuro đã hai lần lấy vợ và hai lần ly hôn. Sau đó, sinh hoạt của anh có phần buông thả, chơi bời thân thiết với gái làng chơi ở xóm yên hoa Somekawa, gây tai tiếng gian dâm với cô vợ góa của một nhà có họ hàng xa với anh. Nhất là chuyện tai tiếng với vợ góa này đã trở thành vấn đề lớn trong họ hàng anh, đến nỗi Sukejuro bị lôi ra buổi họp toàn gia tộc, chịu trách mắng đủ điều rồi còn bị cả họ tuyệt giao nữa. Anh nghĩ tiếng đồn anh là kẻ háo sắc tột bậc trong thành bắt đầu được loan truyền là từ vụ ồn ào náo động trong họ hàng ấy.
Thế nhưng, vụ nào cũng có lý do cả đấy. Sở dĩ anh thay đổi đến hai vợ, là bởi người vợ đầu tiên không hợp với mẹ anh lúc bấy giờ còn khỏe mạnh, nên tự cô ấy đã bỏ đi, còn người vợ thứ hai lại là một cô gái kiêu kỳ cứ hỉnh mũi lên mãi vì nhan sắc và gia thế của mình, nghĩa là chẳng hợp với gia phong của nhà anh chút nào.
Cả chuyện giao du quá thân mật với cô vợ góa nhà Fujikawa kia cũng có lý do. Chồng cô ta, Fujikawa Soroku là bạn thân nhất của anh trong tất cả mọi người trong họ, nhưng sau khi Soroku chết đi, họ hàng ai cũng hùa nhau kiếm cách tống cô vợ góa ấy ra khỏi nhà Fujikawa, cho qua bất cứ nhà nào khác cũng chẳng sao. Lý do là cô ấy còn quá trẻ để thủ tiết làm người vợ góa mãi được. Nhưng ý nguyện của cô ấy thì không như thế. Cô chỉ muốn lưu lại nhà Fujikawa để nuôi con mà thôi. Người duy nhất cảm thông với ý nguyện ấy mà đứng về phía cô là Sukejuro. Thế rồi Sukejuro được cô nhờ vả mà chỉ vẽ cho cô mãi rồi đâm ra có tình với cô. Chứ đâu phải anh có tâm địa xấu mà kiếm cách lân la lấy cảm tình của cô.
Mà ngay cả chuyện trớ trêu với cô vợ nhà Usui cũng vậy, có phải tại anh quyến rũ gì người ta đâu! Bất giác, Sukejuro nghĩ cách biện minh cho cả chuyện bí mật với cô vợ một đồng liêu, mà thiên hạ chưa ai biết. Cả anh lẫn Usui Hikosuke đều là võ sĩ trơn, chưa có cấp bậc gì đáng kể. Đều lãnh lương 50 hộc(2) cả. Mỗi tháng một lần, dưới sự chỉ huy của Trưởng tổ, được giao cho việc canh giữ rương hòm đựng hàng vải quý của Lãnh Chúa, hoặc tuần hành canh gác trong thành nguyên một ngày một đêm. Chẳng thân thiết gì lắm, nhưng cũng do làm việc giống nhau mà cùng ở trong dãy nhà của tổ ở xóm Kogai. Một đêm nọ, cô vợ của Hikosuke đã đến nhà anh, vừa bước lên thềm nhà thì thình lình bật khóc. Cô thổ lộ với anh rằng đã giấu chồng mà vay nợ lãi suất cao trên phố, bây giờ không sao trả nổi, lại bị thôi thúc mãi, ngày nào cũng lo lắng đến cứ như là người mất hồn. Cô liều đến hỏi vay anh.
Sukejuro vốn là người đàn ông yếu lòng trước nước mắt đàn bà. Anh đã an ủi cô ta, và cô hỏi vay bao nhiêu, anh cho mượn bấy nhiêu. Thế rồi, đột nhiên, cô vợ của Hikosuke nhoài người đến sát bên anh mà nói: “Nhà em đêm nay đến phiên trực, phải ở lại trong thành”. Cô ta là đàn bà sồn sồn đã sinh ba đứa con rồi, nhưng chẳng hiểu sao lúc nào trông cũng tươi mát, khuôn mặt và làn da sáng mịn cứ như là gái mới đôi mươi. Người đàn bà ấy, mới lúc nãy đây vừa khóc lóc, nước mắt còn đọng làm đôi mắt long lanh, áp người vào anh với vẻ cầu khẩn tha thiết, nên cho dù là Sukejuro hay ai đi nữa, cũng làm sao mà cầm lòng cho được. Mà rủi là đêm ấy, bà cụ người làm của anh lại về quê thăm nhà. Đến khi anh ngờ ngợ rằng có thể cô ta đã nhắm đúng lúc không có bà cụ người làm ở đấy mà tìm đến... thì mọi chuyện đã xong xuôi cả rồi...
Món tiền cho vay ấy, đến nay vẫn chưa được hoàn lại. Sukejuro thầm tiếc. Cô vợ của Hikosuke sau đó hễ gặp mặt Sukejuro là tươi cười làm duyên với anh, nhưng hoàn toàn chẳng đả động gì đến chuyện trả nợ. Anh cũng thấy khó mà mở miệng hỏi cô ta tính sao với món nợ ấy. Cô ta có khi lại nghĩ rằng như thế là đã trả cho anh hết ráo rồi.
Thế này thì mình bị mang tiếng háo sắc thật chẳng đáng! Thiếu gì kẻ khác lợi dụng tiền bạc và thân thế để sa đọa trong nữ sắc. Chẳng hạn Trưởng tổ Sakuma Jinbee ăn dầm nằm dề ở nhà cô vợ góa của bộ hạ cũ, cứ như là ở nhà vợ bé, là chuyện ai cũng thừa biết. Hoặc là chuyện cô đào hát Orui nổi tiếng của tiệm Ohana ở xóm ăn chơi Somekawa đột nhiên biến mất, hóa ra là thành hầu thiếp của Trưởng tổ Nakane Shuzen sau một thời gian thương lượng khó khăn, cũng là chuyện không ai không biết. Rồi còn quan Kiểm sát Địa phương là Yabe Gondayu nữa, lợi dụng chức quyền......
Nhưng bất giác, Sukejuro nghĩ: thế còn mình thì là thứ người gì mà đứng đây để chờ người ấy? Có gì khác đâu mà nói người ta?
2
Trên con đường bảng lảng hơi sương, đã thấy bóng người ấy. Đường mờ tối, phủ bóng hoàng hôn dần xuống, hai bên cây cối rậm rạp đổ vòm lá xuống hàng rào, hầu như chẳng có bóng người nào. Nhưng mắt nhìn của Sukejuro không lầm. Quả đúng là người ấy đang bước đến gần.
Người ấy chỉ liếc nhìn về phía Sukejuro. Gật đầu nhẹ. Cũng có vẻ như mỉm cười. Rồi đi ngang qua trước mắt anh. Bước chân không hề đổi nhịp.
Sukejuro đứng lặng nhìn theo dáng lưng ấy cho đến khi đã rời một đỗi xa, anh mới bước khỏi vòm cổng nhà Shiga. Và chỉnh bước chân cho đúng với người kia để giữ khoảng cách cứ như thế, không lại gần quá mà cũng không rời xa quá.
Bộ mông tròn lẳn nở nang nhưng không thô thiển. Cổ chân trắng ngần lấp ló sau mép kimono nẩy nhẹ. Đôi vai tròn vuốt mềm xuôi xuôi, khiến liên tưởng đến vòng ngực căng đầy phía trước. Sukejuro nín thở mê mẩn ngắm dáng lưng ấy mà bước theo.
Anh đã thấy người ấy lần đầu cũng ở chỗ gần nhà Shiga này, khoảng một tháng rưỡi trước. Bây giờ thì anh đã biết họ tên, thân thế người ta rồi, cả chuyện có nhà song thân ở cùng xóm Daikan với nhà Shiga, và cứ năm ngày một lần đến thăm mẹ bị bệnh, phải đi ngang qua xóm Daikan này nữa.
Người ấy rẽ hai lần trong xóm nhà buôn, rồi vào xóm Sanai san sát những tư dinh võ sĩ lãnh lương trên 100 hộc. Hướng đi ngược hẳn với phía xóm Kogai của Sukejuro.
Người ấy đi đến trước cổng của một dãy nhà của tổ, bỗng gập người lại chui qua cửa hông. Chẳng ngoái đầu nhìn Sukejuro. Mắt Sukejuro chỉ nhìn thấy khoảng hông tròn trịa thoáng qua rồi biến mất sau cửa hông ấy. Anh cũng chẳng nghe tiếng cánh cửa đóng lại.
Sukejuro thẫn thờ bước ngang qua cổng. Chủ nhà này là Hattori Yarokuemon đang làm Trưởng tổ Cận vệ, lãnh lương 150 hộc. Hattori lúc còn trai trẻ có tên là Monosuke, đã là kiếm sĩ nổi danh, làm thầy dạy kiếm ở võ đường Terauchi phái Itto. Người vừa vào nhà ấy là Michi, vợ của Hattori. Hattori đã bốn mươi tuổi mà Michi mới hai mươi tư, cách tuổi xa như thế bởi Michi là vợ lẽ cưới về sau này.
Bước khỏi xóm Sanai bắt đầu phủ bóng đêm, ra đến đường về xóm có dãy nhà của mình, Sukejuro bất giác thở dài thườn thượt như vừa đánh rơi mất thứ gì quý giá lắm. Anh ngoái đầu lại xem có ai thấy anh đi theo Michi không, nhưng con đường giữa các dãy nhà của các tổ chẳng có tăm dạng một người nào khác. Máu chảy rần rần khắp người anh lúc nãy, dần dần dịu xuống, Sukejuro cảm thấy buồn bã rã rời như mọi khi, sau mỗi lần đi theo Michi. Trong nỗi buồn thảm ấy, anh thấy rõ sự hèn hạ của mình. Cứ như giống chó! Thứ chó đực nổi cơn, thè lè lưỡi ra mà chạy theo chó cái! Thế nhưng, vừa khinh mình, Sukejuro lại vừa cảm thấy một nỗi hoan hỉ thầm kín. Hôm nay, người ấy đã nhìn mình mà mỉm cười lần đầu tiên. Có khi đó là nụ cười chế nhạo thứ đàn ông đã lớn tuổi rồi mà làm như bọn trai trẻ nấp chờ người mình tưởng nhớ đi ngang qua cổng nhà Shiga, rồi còn đi theo đến tận nhà nữa.
Nhưng mà, không chừng nụ cười mỉm ấy lại là nụ cười cho phép. Người ấy chắc chắn đã biết mình là Mitani Sukejuro rồi. Bằng chứng là đã gật đầu chào chứ không làm lơ mà đi ngang qua. Như thế, nụ cười ấy có thể còn có nghĩa rằng: tôi cũng biết anh đang nghĩ gì... Một lời cho phép ngầm đấy chứ? Cũng đúng vào mùa mưa dầm rồi đấy. Giả thử đột nhiên mưa trút xuống, mà Michi không mang sẵn dù, lúc đó mình sẽ che dù cho, tình cờ đi chung được với nhau một quãng đường, thì không còn gì bằng. Manh tưởng của Sukejuro chỉ nhỏ nhoi như thế đó thôi.
Từ đấy, ngày nào đến nhà Shiga để tập luyện ca ngâm là Sukejuro thế nào cũng xách theo cây dù, mặc cho trời có mưa hay không.
Về đến nhà, Sukejuro mới để ý là bụng đói quá chừng. Vào trong nhà thì thấy có người chị là Chitose bây giờ làm dâu nhà Matsuno, đến chơi.
3
“Thưa chị đến chơi”. Sukejuro lên tiếng, nhưng chưa ngồi xuống, anh ghé vào bếp, bảo người làm là bà cụ Shige rằng anh đang đói, làm cơm cho anh.
“Có vẻ cậu chưa ăn cơm trưa đấy nhỉ. Sao thế?” Chào hỏi xong, người chị tươi cười nói.
“Cơm trưa à?... Vâng, vâng... Hôm nay trước khi đến nhà ngài Shiga, em chợt nhớ là phải ghé lại võ đường. Chẳng có thì giờ để ăn trưa nữa”.
Nói thế là nói dối. Cô Michi vợ nhà Hattori có vẻ ngày nào đi thăm mẹ thì ăn trưa sớm trước, rồi cỡ 12 giờ trưa là đã ra khỏi nhà rồi. Sukejuro đã biết cô cứ năm ngày đi thăm mẹ một lần, nhưng anh không khỏi muốn biết giờ cô ra đi. Chứ chẳng lẽ từ ban sáng đã đứng chờ cô ấy ở cổng nhà Shiga được sao? Nên Sukejuro phải đến xóm Sanai từ sáng sớm để xác nhận từ đằng xa giờ phút Michi bước ra khỏi cổng nhà hướng về phía xóm Daikan mà đi. Rồi từ lúc đó, trong đầu Sukejuro chỉ có chuyện nôn nao chờ xem hôm đó sẽ ra sao... đâu còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện ăn trưa.
“Hôm nay chị đến có việc gì thế?” Sukejuro vừa quay sang mâm cơm bà cụ Shige vừa mang đến, vừa hỏi.
“À, chuyện cô Kano đấy mà”.
Người chị đột ngột nói lên cái tên ấy. Sukejuro dừng đũa, nhìn chị chăm chú.
Kano là người vợ đầu tiên của anh, đã vì không hợp với mẹ anh mà bỏ đi.
“Cậu biết là sau đó, cô Kano đã yên phận trong nhà Sakamoto ở xóm Negi rồi chứ gì?”
“Vâng, em có nghe người ta nói thế. Cô ấy hạnh phúc chứ?”
“Ủa, cậu không biết sao?” Bà chị đặt chén trà xuống, một tay áp lên ngực tỏ vẻ ngạc nhiên. “Cô ấy thật là người rủi ro về mặt đàn ông, hai năm trước đây đã phải trở về nhà cũ rồi”.
“Ồ, thế à?” Sukejuro thốt lên, nhưng rồi im lặng, nhai dưa muối, gắng không bình luận gì về vận số rủi ro của người vợ cũ. Cô ấy chỉ vì không hợp với mẹ anh mà thôi, chứ chẳng phải vợ chồng lục đục gì, tuy anh đã để cô ra đi đúng theo ý muốn của cô. Trong lòng anh vẫn còn vương chút ân hận về chuyện ấy, nhưng dù gì đi nữa thì chuyện cũng đã qua rồi. Xa nhau thấm thoát đã mười năm rồi còn gì.
“Này, Sukejuro cậu nghĩ sao?” Bà chị cũng có vẻ suy nghĩ lung lắm, im lặng một hồi lâu, rồi thấy Sukejuro sắp ăn xong bữa cơm thì hỏi như thế. “Hay là cậu gặp cô Kano một lần xem sao. Cậu cũng đã băm sáu tuổi rồi...”
“Em mới ba lăm mà”. Sukejuro đính chính.
“Ba lăm à? Dù sao, thì cũng đã ba lăm rồi đấy. Vợ không có, con cũng không. Thế này thì nhà Mitani sẽ ra sao? Tôi cứ nghĩ đến là lo lắng mãi”. Bà chị nói.

Từ nãy đến giờ, lồng ngực Sukejuro đánh trống dồn dập, cứ như là một chàng trai mới biết yêu lần đầu. Hễ nhớ lại lúc cho cô ấy mượn cây dù là mặt anh đờ ra. Lần trước gặp cô Michi vào một ngày trời nhiều mây. Như mọi khi, Sukejuro đứng chờ cô trước cổng nhà Shiga, gật đầu nhẹ chào nhau rồi nhìn theo dáng cô đi ngang qua. Sau đó, đương nhiên là anh vừa dè chừng đừng để ai để ý vừa bước theo sau cô ấy. Không ngờ đến khi ra khỏi xóm Daikan thì thình lình trời đổ mưa lớn. Cô Michi chẳng mang dù theo. Mưa to đến nỗi dáng cô nhòe đi trong màn nước trắng xoá. Có vẻ cô chạy hấp tấp. Nhưng ở quãng đó, hai bên là hàng rào sau nhà người ta liên tiếp nhau, chẳng có cổng gì để có thể trú mưa được. Sukejuro mở dù, chạy thật nhanh. Ngày trời quang anh cũng mang dù theo đến nỗi bị bạn cùng tập ca ngâm cười, cho là người quá cẩn thận, nhưng đúng lúc thế này mới biết hiệu quả dụng tâm của anh.
“Thưa bà Hattori...” Đuổi kịp Michi, Sukejuro vừa che dù cho cô vừa nói liền một hơi. “Xin dùng cây dù này”. Rồi ép cây dù vào tay Michi lúc đó ngạc nhiên quay người lại, Sukejuro cứ thế mà chạy luôn, như tên bắn.
Không biết nên gọi cô ấy ở khoảng nào nhỉ? Có khi ở chỗ thật đông người lại tốt. Sukejuro lo sợ người ta thấy anh xáp lại gần Michi. Không phải anh lo cho anh mà là lo cho Michi kia. Cứ làm ra vẻ thản nhiên mà đến gần cô ấy ở khoảng xóm Hatsune đông người là tốt nhất. Nói với nhau được vài ba câu, thế là đủ rồi.
Michi đã đi qua khỏi cầu bắt ngang sông Gomagawa. Và thoáng quay đầu lại. Sukejuro ngờ ngợ rằng đấy là cử chỉ của cô muốn xác nhận là anh còn đi theo, nhưng cũng có thể chỉ có anh cảm thấy thế thôi.
Bỗng nhiên, tim Sukejuro đập nhịp rộn ràng hẳn lên trong lồng ngực. Anh thấy Michi không đi vào con đường qua xóm Hatsune như mọi khi, mà lại bước lên đường ven sông hướng về phía nam. Nếu đi dọc theo sông như thế thì sẽ qua xóm thợ, hướng về phía bãi thả ngựa có chòm cây liễu. Khoảng đó giữa mùa hè còn có người ra hóng mát, chứ vào mùa này, chiều tối thường vắng tanh.
Sukejuro rẽ sang thì thấy trong ánh sáng trắng nhợt nhạt của buổi chiều, cô Michi đang đứng hướng mặt về phía anh. Sự táo tợn của cô khiến anh run lên.
“Thưa bà Hattori...” Bước lại gần cô, Sukejuro tự nhiên mà có giọng lo âu. “Đến chỗ như thế này, không sợ người ta chú ý sao?”
Có vẻ Michi cười khúc khích nho nhỏ.
“Ngài Mitani...” Cô lên tiếng. Đúng như Sukejuro nghĩ, cô đã biết về anh. “Khác với tiếng đồn, thật là người nghiêm trang quá nhỉ...”
“... ...”
“Xin đừng lo, chỉ tản bộ ngoài xóm một tí thôi, rồi trở về ngay ấy mà”.
“Thế thì tốt hơn...”
“Xin cảm ơn về cây dù này”.
Cô uyển chuyển bước lại gần Sukejuro. Đôi mắt đen tuyền thoáng chút tia sáng nghịch ngợm. Cũng có thể chỉ là chút tia nắng tàn của mặt trời sắp lặn phản chiếu trong mắt cô.
“Tôi cũng vui lắm...” Michi thủ thỉ. Hương thơm bảng lảng bao phủ khuôn mặt Sukejuro.
Nhưng Michi trao cây dù vào tay Sukejuro xong, tức thì lùi xa vài ba bước. Cô chỉ để lại nụ cười bí hiểm thoáng qua rồi quay lưng lại ngay. Và cứ thế mà bước ra xa.
Sukejuro bàng hoàng đứng sững nhìn theo cô.
Đột nhiên, cô dừng chân, quay lại phía anh. Sukejuro thấy khuôn mặt cô xinh đẹp như đóa hoa bìm bìm trong bóng mờ.
“Tôi không đến xóm Daikan nữa đâu”
“... ...”
“Bệnh của mẹ tôi đã thuyên giảm rồi”.
Vậy à? Vậy thì hẳn là cô đến đây để báo tin ấy cho anh? Thế thì hôm nay là ngày chia tay đây. Quả thật chốn này thích hợp cho cảnh chia ly như thế.
Sukejuro đường đường sấn bước đến gần Michi, như bị luồng khí nóng đến mờ mắt đẩy anh tới từ sau lưng. Michi lùi lại vài ba bước như sợ hãi, nhưng khi bị Sukejuro nắm lấy như bị chim ưng vồ chụp, thì cô chịu thua, nhắm mắt lại. Sukejuro ôm cô, cảm thấy cô nhỏ nhắn hơn anh tưởng. Đôi môi ngát hương hoa. Nhưng khi bàn tay Sukejuro áp lên ngực cô dưới lớp áo, Michi mở bừng mắt như sực tỉnh từ cơn mộng, cô đẩy tay anh ra.
“Không nên...”
Sukejuro đành thôi, lại ôm siết cô vào lòng. Michi thở ra như rên lên.
Đúng lúc ấy, đột nhiên từ phía sau Sukejuro vang lên tiếng nói:
“Mitani đấy hả? Làm gì thế?”
Tiếng nói ấy vang dội trong tai Sukejuro như tiếng sấm nổ. Hai người bật nẩy ra, rời nhau. Michi quay lưng lại, còn Sukejuro quay về phía có tiếng nói ấy. Tự Sukejuro hiểu là mặt anh như không còn chút máu.
Đứng trước mặt anh là một người đàn ông gầy còm chừng bốn lăm tuổi, tay cầm cần câu và giỏ đựng cá. Đó là Hirai Shobee, tuy ở dãy nhà khác, nhưng cũng là đồng liêu thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở chỗ làm. Có vẻ Hirai đi câu trên thượng lưu sông Gomagawa mới về.
“A, cậu đi câu về đấy à?” Sukejuro lên tiếng hỏi, nhưng Hirai không đáp lại, chỉ đưa mắt xoi mói nhìn Michi đứng quay lưng lại bên đường. Chợt Hirai cười mỉm: “Hừm, vui nhỉ!” Chỉ nói thế rồi quay lưng bỏ đi. Hình dáng Hirai buông thõng giỏ đựng cá dần dần rời xa, rồi chỉ còn là bóng đen dần khuất vào trong xóm nhà.
Tối quá, không thấy được, nhưng có vẻ cô Michi cũng đang xanh mặt. “Tôi phải về thôi”.
“Như thế tốt hơn”. Sukejuro cũng chẳng còn hứng thú gì chuyện ôm cô lần nữa. “Đừng lo, tối thế này thì Hirai không nhận ra là ai đâu”.
Michi quay lưng bước đi. Sukejuro gọi với theo nhưng cô không quay lại, chân vẫn bước vội vã khỏi con đường ven sông. Chắc là cô đã hối hận về chuyện gặp mình ở đây rồi. Mà chẳng biết Hirai có nhận ra người đàn bà bên cạnh mình là cô vợ nhà Hattori không? Đáng lẽ mình phải chém Hirai ngay lúc ấy sao chứ?
Sukejuro lặng ngắm ánh sáng cuối ngày phía trời tây dần tiêu tan, rồi mới cất bước. Nỗi lo sợ Hirai có thể đã nhận ra Michi khiến lòng anh trĩu nặng.
6
Chợp mắt được một lúc, Sukejuro choàng tỉnh, đứng dậy sửa lại áo xống để đi vào phòng làm việc.
Công việc bắt đầu từ tám giờ sáng hôm nay và chấm dứt lúc tám giờ sáng ngày mai. Trong thời gian ấy, người trực có thể thay phiên nhau ngủ một lúc trong phòng khác. Giờ này đến phiên Sukejuro phải canh giữ suốt đêm rương hòm đựng hàng vải quý của Lãnh Chúa.
Mùa hè nóng bức đã qua, ngày ngắn lại. Trong phòng mờ tối, không khí lành lạnh. Sukejuro ngáp dài, đưa tay mở cửa kéo. Thì thấy có người đàn ông đứng ngay đấy. Một người đàn ông trên dưới bốn mươi, thân hình vạm vỡ, tóc có vài sợi bạc. Đó là Hattori Yarokuemon.
Sukejuro cảm thấy toàn thân mình lông tóc dựng ngược.
“Ta là Hattori đây”. Người ấy xưng tên. Đôi mắt có vẻ ngạo nghễ, uy nghiêm đến làm người khác phải thu mình lại khiếp hãi, chiếu trừng trừng vào mặt Sukejuro. “Anh là Mitani Sukejuro đấy hẳn?”
“Vâng, tôi đây”.
“Có chuyện muốn bàn đây. Xin mời cùng đi”.
“Nhưng mà...”. Sukejuro nói. “Tôi phải đi làm việc ngay đây...”
“Khỏi!” Hattori nói mạnh như để ngăn ngay lại. “Đã dàn xếp xong với ngài Okamura rồi”.
Okamura là Trưởng tổ trực của anh. Sukejuro vừa đi theo Hattori ra khỏi thành, vừa nghĩ đúng là đáng lẽ mình phải chém Shobee ngay lúc ấy. Trong khoảng gần một tháng sau ngày đó, chẳng có gì xảy ra cả. Thế nhưng đến lúc Sukejuro vuốt ngực thở phào an tâm, thì lại bắt đầu có những dấu hiệu người ta nháy nhó, giật tay áo nhau ra dấu gì đấy khi thấy mặt anh, lúc anh lên thành đi làm, hay đi luyện tập ca ngâm, hoặc ngay cả trong phòng tập của vị ẩn cư nhà Shiga. Có vẻ người chung quanh đã nhìn anh nửa như chế giễu rằng kẻ háo sắc lại ra tay hoành tráng, nửa như khâm phục anh. Sukejuro đã thầm hy vọng sao chuyện này đừng đến tai Hattori để khỏi hại lây đến cô Michi. Nhưng khi anh bị bác Matsuno gọi đến, tuyên cáo một lần nữa rằng cả gia tộc đoạn giao với anh, thì hy vọng ấy cũng tiêu tan.
Xuống đến bờ sông Gomagawa, Hattori rẽ vào xóm dọc theo sông, hướng về phía bắc, bước những bước dài. Không hề dừng bước, không hề quay lại nhìn Sukejuro. Thế nghĩa là khỏi nói gì nữa. Vừa bước theo sau Hattori, Sukejuro vừa cảm thấy luồng khí lạnh băng khiếp hãi chạy dọc sống lưng.
Đi dọc theo sông về phía hạ lưu một hồi thì ở hướng bắc của xóm nhà có một bãi cỏ rộng dùng làm chỗ tập trận trong phiên trấn. Có vẻ Hattori hướng đến đó. Sukejuro cầm bằng là sẽ phải thanh toán nhau ở chỗ đó rồi.
Sukejuro nghĩ có lẽ đúng như người ta đồn, mình quả thật là kẻ háo sắc. Máu háo sắc ấy đã xui khiến mình biết được những điều không nên biết, để bây giờ sắp sửa nhận lãnh sự trừng phạt.
“Chỗ này được rồi!”. Hattori dừng bước, nói lớn.
Hai người đã đến giữa bãi tập trận. Khắp bãi cỏ rộng không có bóng người nào khác. Khoảng trống trải bao la ấy tươi sáng lạ lùng trong bóng hoàng hôn dần xuống. Mỗi lần tập trận lại bị gẫm đạp tan hoang nên cỏ mọc không cao, đôi chỗ lộ những mảng đất đỏ rộng.
Sukejuro quay đầu nhìn lại con đường đã đi qua. Bãi cỏ nằm trên đồi nên từ đây thấy rõ các xóm nhà phía dưới. Chung quanh chìm dần vào vùng ánh sáng màu xanh đen, le lói đây đó một vài nhà đã lên đèn. Sukejuro cảm thấy như từ trong khoảng các xóm nhà ấy, Michi đang nhìn đăm đắm về phía này.
Anh quay lại, nghe Hattori nói lớn như để xác nhận:
“Chẳng cần phải dài dòng nữa rồi. Chuyện quyết đấu này, không có dị nghị gì chứ?”
“Xin y theo lời”.
“Dư luận là thứ không làm sao được cả”. Vừa nói, Hattori vừa cởi áo khoác không tay. Hai ống tay áo trong đã buộc dây sẵn. Hattori nhanh nhẹn buộc chặt hai dây quần bên hông, cởi bỏ giày, chỉ còn mang bao chân. Những động tác nhẹ nhàng nhanh nhẹn đó hàm chứa khí phách hiên ngang của người đàn ông đã từng nổi tiếng về kiếm thuật ở võ đường Terauchi ngày trước. “Ta đã định nhắm mắt làm ngơ, nhưng dư luận đã loan truyền sâu rộng thế ấy thì không còn cách nào khác được. Đành phải thanh toán rõ ràng cho xong đi”.
“Sẵn sàng nghênh tiếp thôi”. Sukejuro đáp. Anh cũng tháo dây đeo kiếm ra, buộc hai ống tay áo lại, rồi xốc buộc hai dây quần bên hông.
“Ta biết anh là tay kiếm giỏi của phái Seia. Cứ đem hết sức mà tấn công xem nào”.
“Xem đây!” Sukejuro tuốt kiếm.
Hattori cũng nhanh nhẹn rút kiếm ra và rút ngắn khoảng cách trước. Hattori tấn kiếm theo thế Thanh nhãn(3) không chút lay động, tỏa ra sức ép khủng khiếp.
Sukejuro lùi lại. Anh cũng tấn thế Thanh nhãn, nhưng có phần yếu thế hơn. Thế này thì không thắng nổi. Sukejuro cảm thấy mình đã đến cực điểm của số mệnh. Mồ hôi lạnh toát khắp người anh.
Trong im lặng, Hattori chém tới. Trong khoảng trời dần tối, bóng đen vươn lên, rồi luồng kiếm đổ ập xuống như làn sao băng.
Sukejuro tung kiếm đỡ bật ra, hai thân người lướt qua nhau. Tức khắc, Sukejuro cảm thấy miệng khô rang. Lùi bước lại cho có thêm khoảng cách, Sukejuro thở hổn hển. Mấy năm nay, anh chẳng hề đến võ đường. Thiếu tập luyện khiến thân thể anh chậm hẳn. Luồng khí lạnh khủng hoảng lại chạy dọc sống lưng anh.
Phía Hattori thì khác. Có vẻ nhát kiếm vừa rồi đã giúp Hattori nhìn thấu được sức địch, nên giờ đây tức thì đổi kiếm sang thế tấn trên cao, chân bước nhẹ dấn lên trước. Hattori luyện tập mỗi ngày nên tự tin hiển lộ trong động tác vững chãi.
Hattori lại chém tới. Sukejuro tránh sang bên, chém kiếm vào người đối thủ, nhưng Hattori đã trở ngược, thế kiếm tiếp theo đã chém trúng vào cánh tay Sukejuro.
Hai người lại xáp vào, chém nhau vài hiệp nữa. Kiếm của Sukejuro chém được vào cổ tay và vai địch, nhưng đều là vết thương nhẹ. Trong khi đó, Sukejuro lại bị chém sâu vào cánh tay trái, vai và hông lãnh mỗi chỗ một nhát, rồi sau vài hiệp xáp chiến nữa, lại bị chém trúng bắp đùi.
Sukejuro cảm thấy mình bị chém tơi tả. May mà còn tránh được vết thương chí mệnh, có lẽ cũng nhờ lúc so kiếm chém nhau, thân thể anh tự nhiên nhớ lại những kiếm pháp đã tập được ngày trước, nên trong vô thức đã thi triển được những thủ pháp phòng vệ hiệu quả. Nhưng chuyện dị thường gần như là phép lạ ấy cũng sắp đến mức giới hạn rồi. Cả thân người và thanh kiếm của anh đều nặng như đá. Sukejuro há miệng tựa đầu vào vai mà thở.
Phải dùng đến kiếm pháp đó chứ không còn cách nào khác! Thân người bê bết máu nhỏ giọt xuống cỏ, Sukejuro mở mắt trừng trừng nhìn qua lưỡi kiếm, bóng đen của Hattori sừng sững như tảng đá cản đường.
Sư phụ của Sukejuro là ông Tada Nakahei dạy kiếm phái Seia ở xóm gần thành. Người cha, Tada Sanzaemon đã mất vì bệnh rồi, nhưng chính ông đã bí mật truyền thụ cho thiếu niên Sukejuro một kiếm pháp bí truyền. Lúc bấy giờ, Sukejuro là môn sinh ưu tú được đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai của võ đường Tada. Kiếm pháp bí truyền Sukejuro được dạy ấy là một loại kiếm pháp cảm tử, cùng lúc cả hai bên đều quyết tâm hạ thủ địch bằng thế kiếm sinh tử cuối cùng. Tất nhiên, lúc đó Sukejuro đâu có biết kiếm pháp Lưu thủy mà mình được truyền thụ bí mật ấy là loại kiếm pháp cảm tử. Chỉ nghe dạy là tinh thông kiếm pháp Lưu thủy này thì đạt được mức kiếm thuật của kẻ yếu mà vẫn có thể thắng được kẻ mạnh hơn.
Thế nhưng, sau đó Sukejuro đã lười biếng không chịu luyện tập hết mình. Nay còn lại trong ký ức anh chỉ là thế kiếm căn bản của kiếm pháp cảm tử ấy mà thôi.
Sukejuro lê chân lùi ra sau mấy bước, buông thõng kiếm ra phía sau bên phải, chân trái dấn nhẹ tới trước. Đối với lưỡi kiếm đang chĩa thẳng vào mặt anh theo thế tấn Thanh nhãn của Hattori thì đúng là anh đưa thân ra hầu như hoàn toàn không phòng vệ, sẵn sàng cho địch chém.
Chân Hattori khựng lại như bối rối. Nhưng ngay sau đó, Hattori nhích chân từng bước ngắn sang trái. Rồi thình lình chém tới như bão lốc.
Khuỷu tay Sukejuro vụt giơ lên, cánh tay vươn thẳng lên cao, phóng một lằn kiếm chớp nhoáng xuống vai Hattori đang xông tới. Anh không đỡ lại, không né tránh, chỉ nương theo động tác của địch mà nắm lấy một thoáng sơ hở để chém xuống theo thế kiếm Lưu thủy.
Trong khoảng không mờ tối, cánh tay phải của Hattori bay bổng lên. Đó là nhìn từ mắt của Sukejuro lúc này đã ngã ngửa xuống đất, bụng bị nhát kiếm của Hattori chém banh ra.
Bị chém đứt cánh tay, Hattori lảo đảo loạng choạng bước trên dốc đồi cỏ.
Thế là được rồi. Anh ta là chồng của Michi đấy. Nên để anh ta sống mà trở về. Sukejuro mãn nguyện vì mình đã dời mũi kiếm lệch đi một chút, thay vì chém sả dọc từ vai địch xuống để giết đối phương, anh đã đổi sang chém đứt cánh tay địch mà thôi.
Bóng Hattori đã biến mất rồi. Trong mắt Sukejuro đang nằm ngửa trên cỏ, vô số những ngọn đèn trong các xóm nhà ở chân thành lấp lánh sáng. Nhưng ngay sau đó, cơn đau như lửa cháy đã mang bóng tối trùm lên mắt anh.
Phạm Vũ Thịnh dịch
______________1. Lời nhân vật chính là người mù nói với con gái, trong vở ca kịch Nô Kagekiyo của Zeami Motokiyo (1363-1443).
2. Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc của võ sĩ thì khoảng 150 kg gạo.
3. Seigan, thế tấn giương thẳng kiếm, chĩa mũi kiếm vào mắt đối thủ.
Comment