Dạy trẻ lễ phép và cởi mở
Em bé đang lớnLTS: Người Mỹ có câu ngạn ngữ nói tới ảnh hưởng quan trọng của sự chăm sóc đầu đời trẻ em như sau:
“Một trăm năm sau, chuyện tôi sống trong căn nhà ra sao, xe tôi lái hiệu gì, hay trương mục ngân hàng của tôi nhiều ít... đều chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng thế giới này có thể sẽ đổi khác vì tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của một em bé.”
(One hundred years from now, it will not matter what my bank account was, the sort of house I lived in or thekind of car I drove... But the world may be different because I was important in the life of a child.)
Trẻ em là những nhân vật quan trọng nhất đối với phụ nữ, dù họ đang ở lứa tuổi thanh xuân hay trung niên, lão niên. Dù cho không có gia đình riêng, hầu như người nữ nào cũng đều có nhiều cơ hội sống gần các em bé, chơi với chúng hay chăm lo, coi sóc chúng.
Nhật báo NV mở mục “Em bé đang lớn” để đăng tải tin tức cập nhật về những phát triển của các em tuổi từ sơ sanh cho tới vị thành niên, theo các tờ báo chuyên về giáo dục gia đình. Mục đích của chúng tôi là để giúp các bà mẹ trẻ, hay những người chăm sóc em bé, hiểu biết thêm về những thái độ, phản ứng của các em. Việc hướng dẫn các em bé để chúng phát triển tính thiện sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta có nhiều hiểu biết về lứa tuổi thần tiên, ngây thơ đó. Trẻ em nào khi lớn khôn, cũng có thể là một rường cột quan trọng của thế giới. Nhân loại và môi trường sống tùy thuộc vào thái độ sống và căn bản đạo đức của các em rất nhiều.
Sau khi được sinh hoạt trong một trung tâm giữ trẻ hay vườn trẻ, mẫu giáo, các em bé 4-5 tuổi thường bắt chước bạn bè, có những câu hỏi buông xõng, không như khi bé còn ở nhà.

Chẳng hạn như bé muốn uống nước, em sẽ nói “Nước, mẹ?” thay vì “Xin mẹ cho con nước”. Có khi phụ huynh sẽ tròn mắt lên vì ngạc nhiên khi thấy con mình bắt chước bạn ở lớp: “Không cho con bánh, con sẽ phun nước miếng vô mẹ bây giờ!” Thay vì la con bằng lời lẽ giận dữ, cha mẹ cần phải kềm chế cơn giận để nhỏ nhẹ dạy con, chẳng hạn như:
“Con không được nói như vậy, không tử tế và làm mẹ buồn lòng! Mẹ muốn con nói chuyện với mẹ một cách lễ phép!”
Muốn dạy con lễ phép, điều quan trọng nhất là cha mẹ đối xử với nhau cách nào để làm gương cho em bé. Nếu mỗi người trong gia đình đều nói cám ơn, xin lỗi hàng ngày, thì trẻ sẽ có thói quen đó và giải thích cho trẻ hiểu mình cần biểu lộ lòng biết ơn hay hối lỗi với mọi người. Nên khen trẻ khi em biết tự nói cảm ơn, chẳng hạn: “Con cám ơn bác Năm cho bánh, vì bác đã để công làm ra những cái bánh ngon như vậy, tặng cho con!”
Mỗi khi trẻ nói những lời thiếu lễ phép hoặc khó nghe, cha mẹ nên nói cho các em biết, bắt đầu bằng chủ từ “cha/mẹ... rất buồn” - Ðừng la rầy trẻ bằng những câu như “Con hư lắm!” mà nên hỏi han “Hình như con đang giận?, Nói cho cha/mẹ nghe coi”...
Chúng ta có thể dạy trẻ nhận biết cảm giác của chúng khi hỏi han trẻ như trên. Tùy tôn giáo, chúng ta có thể bày cho trẻ cách giảm bớt cơn giận. Một người theo đạo Phật có thể dạy một em bé 4-5 tuổi đi thỉnh một tiếng chuông để thở vài hơi, bé sẽ nguôi giận rất nhanh. Người theo Thiên Chúa Giáo có thể khuyên các em đọc một đoạn kinh quen thuộc để xin Chúa giúp em giảm giận...
Các nhà giáo dục trẻ em cho phụ huynh một số lời khuyên như sau:
1. Dạy trẻ biết lắng nghe người khác, không vừa nghe vừa coi TV hay chơi game, mà bỏ hết mọi chuyện để lắng nghe. Cha mẹ làm gương bằng cách ngừng mọi hoạt động khi các em muốn nói chuyện với mình.
2. Ðặt ra một số quy luật trongn gia đình, bắt trẻ tôn trọng, để khi ra trường em có tinh thần tôn trọng luật lệ một cách tự nhiên. Nếu chúng ta nuông chiều trẻ ở nhà, thì các em cũng sẽ khó theo được kỷ luật nhà trường sau này.
3. Dạy trẻ cởi mở, không kỳ thị hoặc phê bình những trẻ khác với mình. Giải thích cho bé hiểu về sự khác biệt bề ngoài (màu da, hình vóc...) không có gì quan trọng. Dạy cho bé hiểu là con người có nhiều khuynh hướng khác nhau, để trẻ chấp nhận sự khác biệt của các bạn học, và sau này của người cùng sở... Chẳng hạn bé này ưa ăn ketchup, bé kia chỉ thích xì dầu... Muốn dạy trẻ có tinh thần cởi mở và chấp nhận mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, cha mẹ nên mang con đi tham dự các lễ hội khác nhau, đi coi viện bảo tàng (dành cho trẻ), để các em quen với nhiều giống dân, nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau trên thế giới. Nếu chỉ sống với ông bà cha mẹ và trường lớp với tinh thần địa phương, khi lớn lên, trẻ sẽ không có được trái tim mở rộng để yêu thương nhân loại.
Thủy Trúc