Lễ Tạ ơn của người Việt tại Mỹ
Lễ Tạ ơn của người Việt tại Mỹ
Là một người di dân, mỗi năm đến ngày lễ Tạ ơn tôi lại có nhiều cảm xúc. Ở đất nước Mỹ đã 25 năm, đi một đoạn đường khá dài, tôi thật có nhiều điều để cảm tạ.> Về Việt Nam tôi lại nhớ Mỹ
Cứ vào tháng 11 là mọi người ở Mỹ lại nôn nao cho một ngày lễ lớn nhất trong năm - lễ Tạ ơn. Tục lệ này bắt đầu từ mấy trăm năm trước khi nhóm người di dân đầu tiên vượt qua đói khát, bệnh tật đã trúng vụ mùa nơi vùng đất mới.
Sau khi gặt hái thu hoạch, họ làm lễ cảm tạ ơn trên và từ đó đến nay người Mỹ, những thế hệ người di dân tiếp nối, đã có truyền thống làm lễ Tạ ơn mỗi năm vào thứ 5 của tuần thứ tư trong tháng 11.
Đây là một lễ lớn của toàn dân tộc không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, khác với lễ Giáng sinh cho người Công giáo, Hanukak của người Do Thái, Tết của Việt Nam, Trung Quốc... Ai cũng có đấng Thiêng liêng để tạ ơn, ai cũng có người để cảm tạ. Lễ vào thứ năm nên đa số đều có 4 ngày nghỉ cuối tuần thuận tiện cho việc đi lại, thăm viếng, gặp gỡ gia đình.
Khác với Việt Nam, vào dịp lễ Tết các cửa hàng, thương gia đều tăng giá, ở Mỹ lại đại hạ giá rất nhiều món hàng, đặc biệt là thức ăn truyền thống của ngày lễ Tạ ơn như gà tây, bí rợ, khoai lang... Bình thường một pound gà tây khoảng $1-1,5 nhưng trong mùa lễ, rất nhiều cửa hàng cho không nếu khách mua chừng $50 các mặt hàng khác. Nếu chỉ bỏ ra $25 thì họ tính khoảng 20-30 cents/pound, chưa kể các hãng xưởng, công sở thường tặng gà tây cho nhân viên nữa.
Người Việt lúc mới qua Mỹ chưa quen được mùi gà tây hoặc những thức ăn đi kèm nên thường dùng để nấu phở, làm chà bông, cà ri, cũng ít khi tổ chức ăn lễ như người Mỹ. Tuy nhiên một vài năm sau đó quen nước, quen cái, nhất là những gia đình có con đi học bắt đầu làm tiệc cho con cái có không khí như bạn bè. Đó cũng là ngày gia đình, bạn bè tụ họp với nhau, chuyện trò hàn huyên, ăn uống vui vẻ nên dần dần người Việt ở Mỹ cũng ăn lễ Tạ ơn như những người Mỹ khác.
Bên cạnh các món ăn truyền thống vào dịp lễ như gà tây nướng, khoai tây nghiền, bánh nhân nướng (stuffing), khoai lang đỏ, bánh nhân táo, bánh nhân bí... người Việt thường kèm theo các món ăn Việt như chạo tôm, chả giò, bánh nậm, bánh ít, thịt quay và một vài món nước như soup bóng cá, cà ri, phở, bún bò Huế, hủ tiếu. Làm nhiều món vì ăn từ sáng đến tối, người ăn đồ Việt, kẻ ăn đồ Mỹ nhất là mấy đứa trẻ rất khoái món gà tây. Buổi chiều tối các ông thích coi football, các bà bàn chuyện mua sắm cho ngày hôm sau. Nhiều gia đình rủ nhau đến 12 giờ đêm là mang ghế xếp, cà phê, thức ăn nhẹ ra các cửa hàng xếp hàng chờ mở cửa lúc 5 giờ sáng. Nhiều người không cần mua nhưng nghe quảng cáo và ham vui với bạn bè nên cũng ra xếp hàng từ sớm.
Sáng thứ Sáu rất nhiều cửa hàng mở cửa từ 5 giờ sáng, ưu tiên cho một số người đầu tiên được mua những mặt hàng rất rẻ, đại hạ giá có khi chỉ còn một nửa, các mặt hàng khác đều giảm giá rất đáng kể. Ngày thứ Sáu Đen là ngày mua bán lớn nhất trong năm, nhiều nhà kinh tế gia coi sự mua bán trong ngày này như chỉ số kinh tế của thị trường Mỹ.
Là một người di dân, mỗi năm đến ngày lễ Tạ ơn tôi lại có nhiều cảm xúc. Ở đất nước này 25 năm, đi một đoạn đường khá dài, tôi thật có nhiều điều để cảm tạ. Ngày đến đất Mỹ với hai bàn tay trắng, vốn liếng chỉ có hai bộ quần áo cũ mèm và $5 cùng với chút tiếng Anh ít ỏi. Hội nhà thờ Tin Lành đã hướng dẫn cho tôi có nơi ăn chốn ở cho dù chỉ là một căn phòng nhỏ bé ở một cư xá nghèo. Họ đã mang tặng tôi những bộ xoong nồi tuy cũ nhưng vẫn còn dùng được, thùng quần áo tuy còn tốt nhưng rộng và dài so với khổ người bé nhỏ của tôi. Cuộc đời mới của tôi ở Mỹ đã bắt đầu như thế đó. Điều quan trọng nhất trong đời tôi là họ đã đưa tôi đi học Anh văn, đã đóng tiền học cho tôi semester đầu tiên trong college và đã khuyến khích tôi học tập không được nản lòng. Những năm tháng đại học cực khổ, buồn, lạnh lẽo, thậm chí đói vì không có tiền ăn ở ngoài khi đi học về trễ, nhà ăn ký túc xá đã đóng cửa, nhiều lúc tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng tôi tự nhủ với mình sức khoẻ không có, nghề nghiệp cũng không, bỏ học ra làm được gì thôi thì phải ráng. Ráng được 4 năm thì người bảo trợ lại khuyến khích đi thi MCAT rồi vào học Y khoa và cuối cùng cũng xong 5 năm, ra trường, thi đậu và hành nghề đến giờ. Ngồi nghĩ lại cuộc sống hôm nay tôi có được một phần có sự cố gắng của bản thân, một phần có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người bảo trợ, phần khác nhờ học bổng của chính phủ Mỹ. Thế thì tôi chắc chắn phải tạ ơn rồi.
Tina Tran
Lễ Tạ ơn của người Việt tại Mỹ
Là một người di dân, mỗi năm đến ngày lễ Tạ ơn tôi lại có nhiều cảm xúc. Ở đất nước Mỹ đã 25 năm, đi một đoạn đường khá dài, tôi thật có nhiều điều để cảm tạ.> Về Việt Nam tôi lại nhớ Mỹ
Cứ vào tháng 11 là mọi người ở Mỹ lại nôn nao cho một ngày lễ lớn nhất trong năm - lễ Tạ ơn. Tục lệ này bắt đầu từ mấy trăm năm trước khi nhóm người di dân đầu tiên vượt qua đói khát, bệnh tật đã trúng vụ mùa nơi vùng đất mới.
Sau khi gặt hái thu hoạch, họ làm lễ cảm tạ ơn trên và từ đó đến nay người Mỹ, những thế hệ người di dân tiếp nối, đã có truyền thống làm lễ Tạ ơn mỗi năm vào thứ 5 của tuần thứ tư trong tháng 11.
Đây là một lễ lớn của toàn dân tộc không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, khác với lễ Giáng sinh cho người Công giáo, Hanukak của người Do Thái, Tết của Việt Nam, Trung Quốc... Ai cũng có đấng Thiêng liêng để tạ ơn, ai cũng có người để cảm tạ. Lễ vào thứ năm nên đa số đều có 4 ngày nghỉ cuối tuần thuận tiện cho việc đi lại, thăm viếng, gặp gỡ gia đình.
Khác với Việt Nam, vào dịp lễ Tết các cửa hàng, thương gia đều tăng giá, ở Mỹ lại đại hạ giá rất nhiều món hàng, đặc biệt là thức ăn truyền thống của ngày lễ Tạ ơn như gà tây, bí rợ, khoai lang... Bình thường một pound gà tây khoảng $1-1,5 nhưng trong mùa lễ, rất nhiều cửa hàng cho không nếu khách mua chừng $50 các mặt hàng khác. Nếu chỉ bỏ ra $25 thì họ tính khoảng 20-30 cents/pound, chưa kể các hãng xưởng, công sở thường tặng gà tây cho nhân viên nữa.
Người Việt lúc mới qua Mỹ chưa quen được mùi gà tây hoặc những thức ăn đi kèm nên thường dùng để nấu phở, làm chà bông, cà ri, cũng ít khi tổ chức ăn lễ như người Mỹ. Tuy nhiên một vài năm sau đó quen nước, quen cái, nhất là những gia đình có con đi học bắt đầu làm tiệc cho con cái có không khí như bạn bè. Đó cũng là ngày gia đình, bạn bè tụ họp với nhau, chuyện trò hàn huyên, ăn uống vui vẻ nên dần dần người Việt ở Mỹ cũng ăn lễ Tạ ơn như những người Mỹ khác.
Bên cạnh các món ăn truyền thống vào dịp lễ như gà tây nướng, khoai tây nghiền, bánh nhân nướng (stuffing), khoai lang đỏ, bánh nhân táo, bánh nhân bí... người Việt thường kèm theo các món ăn Việt như chạo tôm, chả giò, bánh nậm, bánh ít, thịt quay và một vài món nước như soup bóng cá, cà ri, phở, bún bò Huế, hủ tiếu. Làm nhiều món vì ăn từ sáng đến tối, người ăn đồ Việt, kẻ ăn đồ Mỹ nhất là mấy đứa trẻ rất khoái món gà tây. Buổi chiều tối các ông thích coi football, các bà bàn chuyện mua sắm cho ngày hôm sau. Nhiều gia đình rủ nhau đến 12 giờ đêm là mang ghế xếp, cà phê, thức ăn nhẹ ra các cửa hàng xếp hàng chờ mở cửa lúc 5 giờ sáng. Nhiều người không cần mua nhưng nghe quảng cáo và ham vui với bạn bè nên cũng ra xếp hàng từ sớm.
Sáng thứ Sáu rất nhiều cửa hàng mở cửa từ 5 giờ sáng, ưu tiên cho một số người đầu tiên được mua những mặt hàng rất rẻ, đại hạ giá có khi chỉ còn một nửa, các mặt hàng khác đều giảm giá rất đáng kể. Ngày thứ Sáu Đen là ngày mua bán lớn nhất trong năm, nhiều nhà kinh tế gia coi sự mua bán trong ngày này như chỉ số kinh tế của thị trường Mỹ.
Là một người di dân, mỗi năm đến ngày lễ Tạ ơn tôi lại có nhiều cảm xúc. Ở đất nước này 25 năm, đi một đoạn đường khá dài, tôi thật có nhiều điều để cảm tạ. Ngày đến đất Mỹ với hai bàn tay trắng, vốn liếng chỉ có hai bộ quần áo cũ mèm và $5 cùng với chút tiếng Anh ít ỏi. Hội nhà thờ Tin Lành đã hướng dẫn cho tôi có nơi ăn chốn ở cho dù chỉ là một căn phòng nhỏ bé ở một cư xá nghèo. Họ đã mang tặng tôi những bộ xoong nồi tuy cũ nhưng vẫn còn dùng được, thùng quần áo tuy còn tốt nhưng rộng và dài so với khổ người bé nhỏ của tôi. Cuộc đời mới của tôi ở Mỹ đã bắt đầu như thế đó. Điều quan trọng nhất trong đời tôi là họ đã đưa tôi đi học Anh văn, đã đóng tiền học cho tôi semester đầu tiên trong college và đã khuyến khích tôi học tập không được nản lòng. Những năm tháng đại học cực khổ, buồn, lạnh lẽo, thậm chí đói vì không có tiền ăn ở ngoài khi đi học về trễ, nhà ăn ký túc xá đã đóng cửa, nhiều lúc tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng tôi tự nhủ với mình sức khoẻ không có, nghề nghiệp cũng không, bỏ học ra làm được gì thôi thì phải ráng. Ráng được 4 năm thì người bảo trợ lại khuyến khích đi thi MCAT rồi vào học Y khoa và cuối cùng cũng xong 5 năm, ra trường, thi đậu và hành nghề đến giờ. Ngồi nghĩ lại cuộc sống hôm nay tôi có được một phần có sự cố gắng của bản thân, một phần có sự giúp đỡ, hướng dẫn của người bảo trợ, phần khác nhờ học bổng của chính phủ Mỹ. Thế thì tôi chắc chắn phải tạ ơn rồi.
Tina Tran
Comment