• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ngọc tắc kè

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngọc tắc kè



    Ngọc tắc kè
    Thuở nhỏ, trước khi đi ngủ tôi thường nghe bọn tắc kè trong vườn nhà kêu lên từng tiếng tắc kè, tắc kè... Những âm thanh thật đáng sợ với một đứa trẻ còn thơ.

    Bà cứ vỗ vỗ vào lưng tôi an ủi: “Tiếng tắc kè đấy mà! Sao cứ rùng mình ôm lấy bà chặt rứa!”. Rồi bà bắt đầu kể những sự tích về con tắc kè cùng tiếng kêu kỳ quái của nó. Có một chuyện mà tôi vẫn nhớ như in, đó là chuyện về ngọc tắc kè.

    Bà bảo khi con tắc kè kêu đủ mười hai tiếng, nó sẽ nhả ra một viên ngọc ước. Ai nghe thấy đủ mười hai tiếng tắc kè kêu thì mau mau lặng lẽ lần theo tiếng của nó mà tìm ngọc, bởi có nó rồi ước gì được nấy, trên đời không phải thiếu thốn gì nữa...
    Thế là từ đó tôi luôn dỏng tai nghe khi tắc kè bắt đầu kêu. Tôi cứ đếm, đếm hoài như thế, dù tôi không biết sẽ ước gì nếu mình cầm được viên ngọc tắc kè trong tay.

    Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in bầu trời quê hương miền Trung nắng và gió, cái dữ dội của nó có thể so sánh với núi rừng Tây nguyên và nét hoang dã có thể còn hơn như thế. Tôi không biết tôi nhớ ai hơn, ba tôi của những ngày thui thủi gà trống nuôi con, các cô tôi tủi hận trong sự cô độc hay bà nội lặng lẽ với khoảnh vườn đẹp như một bức tranh, một thứ hiếm trong khung cảnh miền Trung xơ xác vì thiên tai, mà không tiếng nói cười.

    Hay tôi nhớ tôi của ngày đó, một đứa trẻ ngoan hơn mức bình thường, bà tôi hay bất cứ một thành viên nào khác trong gia đình không bao giờ to tiếng với tôi, mà thực ra họ cũng chẳng bao giờ to tiếng với ai cả.

    Nếu có ai đọc những chuyện này mà đem lòng nghi ngờ, đắn đo về những cay nghiệt do người đời tạo ra thì tôi có thể đem cả gia đình mình ra để chứng minh cho những lời tôi kể, khi gia đình là thứ mà tôi yêu quý, trân trọng nhất, cho dù trải qua bao đắng cay, tôi tin rằng những thành viên trong gia đình đã sống rất mạnh mẽ và thanh cao, cho dù tất cả những gì chúng tôi có được, chúng tôi muốn đem san sẻ cho những người dân nghèo khổ trong làng, họ đều từ chối với một vẻ sợ sệt.

    Họ tin rằng trong nhà chúng tôi chứa thuốc độc! Ông tôi không bao giờ kể lại cuộc gặp gỡ với một thầy cúng vào một ngày xửa xưa nào đó, nhưng qua miệng đời tôi biết tất cả những gì gia đình đã phải gánh chịu là từ ông thầy cúng ấy.
    Tôi vẫn nhớ như in khi tôi còn nhỏ, như bao đứa trẻ trong làng tôi cũng được giao cho một con bò và phải đi theo nó suốt buổi chiều nếu giờ học là buổi sáng. Trẻ con trong làng rất đông, người làng muốn sinh con đẻ cái nhiều bởi càng lớn chúng càng chết dần vì đói kém, vì bệnh tật, vì lũ lụt... Đến lứa tuổi tôi bây giờ còn nhiều người, chứ trước đó lứa tuổi thanh niên chẳng còn lại bao nhiêu.

    Sau này biết nhiều hơn, tôi nhận thấy rằng nơi mà tôi cùng lũ bạn chăn bò ngày xưa không khác những thảo nguyên bao la ở phương Tây là mấy, chỉ có điều những đồi cỏ luôn bị giới hạn trong tầm mắt. Ở cái làng nhỏ bé ấy tất cả đều bị vây quanh trong một giới hạn nào đó. Tuy vậy ở đó bò tha hồ gặm cỏ và chúng tôi tha hồ chạy nhảy, bày đủ thứ trò chơi.
    Thế nhưng mỗi khi tôi ăn uống gì đều bị tránh xa, cho dù tôi thèm biết bao cái cảm giác được góp mo cơm đầy những thứ ngon lành của mình lại ăn chung với lũ chúng nó.

    Cái gì cũng vậy, cứ không có được là người ta thèm thuồng. Người khác thèm được những món ngon, những quần áo đẹp, còn tôi vốn gia đình khá giả hơn, tôi không màng những thứ đó, tôi thèm san sẻ. Nhưng tôi đã không một lần có cơ hội làm điều đó. Lũ trẻ không bao giờ quên những lời dặn dò kỹ lưỡng của cha mẹ chúng. Vả lại, mãi rồi thành quen, tôi không còn tủi thân nhiều nữa, được chơi chung với tụi nó đã là một niềm vui to lớn.

    Ba tôi không bao giờ kể nhưng hình như ngày xưa lúc còn trẻ con, ông thậm chí không được chơi chung như thế nữa!
    Tôi đã trải qua phần đời tuổi thơ của mình như thế, hồn nhiên và tủi nhục, vui tươi và đau xót, cho dù mọi người trong gia đình đều cố gắng để tôi được lớn lên trong bầu không khí thanh sạch, để tôi hiểu về truyền thống tốt đẹp của gia đình mình. Tôi vẫn cảm nhận rõ ràng sự xa cách của dân làng dành cho chúng tôi. Đêm đêm trong những giấc ngủ tôi như vẫn lắng nghe tiếng tắc kè kêu, tiếng kêu cô độc nghẹn ngào.

    Sau này, một lần đặt chân lên một đất nước cách xa cả nửa vòng trái đất, khi đêm đến trong không khí lạnh lẽo, tôi nằm chờ giấc ngủ đến, và ngạc nhiên thay, tôi lại nghe tiếng kêu ấy, từng âm thanh phát ra xa vắng. Nhớ những lần nằm trên một tảng đá khổng lồ trên đồi, tiếng lũ bò gặm cỏ phía xa, tôi lại nghe từ trong hốc núi tiếng kêu quen thuộc ấy. Và tất nhiên tôi lại âm thầm đếm.

    Lúc ấy tôi đã biết được khá nhiều, tôi biết người đàn bà đôi lần đội thúng trên đầu đi chợ về lại lén nhìn tôi, người ấy chính là mẹ tôi. Người mà khi tôi mới sinh ra chưa được bao lâu đã vì sức ép gia đình bỏ về nhà, để lại ba tôi gà trống nuôi con. Nghe đâu người nhà ấy trở nên ốm đau nặng từ khi mẹ về làm dâu nhà ba tôi, tin chắc con ma thuốc độc theo chân mẹ về nhà mỗi lần mẹ về thăm, họ bèn bắt mẹ phải chọn giữa tính mạng người thân và cái gia đình nhỏ hoang lạnh ấy.

    Rồi chính mẹ cũng đâm ra sợ hãi mỗi khi quay lại nhà chồng, người đàn bà trẻ hoang mang cực độ và một ngày về nhà đã không quay lại nữa. Ba tôi hiểu tất cả nên không đến tìm, ông lủi thủi với kiếp sống cay cực của mình, của gia đình mình, của những người chị em bất hạnh trong nhà, ngoài cô Út thoát khỏi làng, học cao và lấy chồng, chẳng ai trong nhà có được hạnh phúc thực sự.

    Tôi tự hỏi liệu mình có ước cho mẹ trở lại với ba con tôi khi tôi đã có trong tay viên ngọc tắc kè? Có lẽ đó là một điều xa lạ nhất. Tình mẫu tử là một thứ tình cảm cao vời đối với tôi. Dù tin chắc người đàn bà già cỗi bên những đứa con với người chồng sau đó là người đã sinh ra tôi, đôi khi tôi nhận thấy trong ánh mắt bà ta ngoài sự sợ hãi như hầu hết những người trong làng dành cho những người trong nhà tôi còn có một nét sợ hãi ghê gớm hơn mỗi khi lén nhìn tôi.

    Làm sao tôi có thể tưởng tượng rằng trong ánh mắt ấy có chút gì đó của tình mẫu tử?

    Nghe rằng một lần khi còn sống, ông nội tôi đi ngang qua nhà của mẹ tôi và người chồng sau, thấy những đứa trẻ khóc rền rĩ vì đói, ông đã lấy ra hộp sữa mua dành cho tôi để cho lại họ, nhưng bà ấy đã không chìa tay ra nhận, chỉ cúi đầu. Ông tôi lúc ấy cũng chẳng còn hơi sức đâu mà giận hay buồn nữa.

    Sau này khi đã bỏ làng đi tha phương rồi vào thành phố gây dựng được cơ nghiệp, cuộc sống đã có nhiều nụ cười, tôi để ý xem ba tôi đã có người đàn bà khác chưa, thế nhưng ông vẫn chỉ lặng lẽ một mình một bóng. “Đàn bà bạc bẽo”, ông không nói gì nhưng tôi đọc được điều đó rõ ràng trong đôi mắt ông.

    Trong tâm trí tôi, ba tôi là một người cao lớn, lại thừa hưởng nét đẹp phúc hậu của bà nội, nhẫn nại và thông minh. Lẽ ra đã biết bao người phải say đắm ba rồi đấy, nhưng cả khi đã ở xa làng hàng ngàn cây số, ông vẫn giữ gương mặt u ám khiến chẳng ai dám đến gần. Ba tạo dựng được một cơ nghiệp lớn, nhân công cả mấy trăm người, muốn đem bà và hai cô vào ở cùng nhưng chẳng ai buồn nghe. Có mấy lần họ vào thăm, rồi bảo:

    - Xem ra người làng vẫn còn đỡ, bây giờ đôi khi họ còn chuyện trò với ta, chỉ cái chuyện ăn uống thì họ giữ kẽ lắm, chứ người thành phố thì cạy miệng cũng chẳng nói một câu.

    Chỉ mình tôi cười vang khi nghe câu đó. Họ về sau hai tuần, bình yên với những gì đã quen thuộc, những gì họ đã chấp nhận như một điều hiển nhiên. Tất cả là ký ức của riêng tôi, một vùng tối mà tôi muốn quên đi, không kể cho một đứa bạn mới nào. Thế nhưng cái vùng tối ấy đôi khi vẫn được thắp sáng lên bởi một thứ ánh sáng lạ lùng, chiếu cả một đoạn dài quá khứ trong một ngôi làng bị bao vây bởi những định kiến còn cao hơn cả núi, còn sâu hơn cả sông.

    Một ngày khi bên trong tôi không còn nghe tiếng tắc kè quen thuộc của cả một thời tuổi thơ, tôi xin ba về thăm quê. Ông không những đồng ý mà còn giao việc lại cho một người thân tín rồi về cùng luôn.

    Ngạc nhiên làm sao, sau bao năm trở về tôi nhận thấy ngôi làng bây giờ trông thật nhỏ bé, những con đường cũng nhỏ bé, sông cũng nhỏ hơn là tôi đã mơ về nó cả ngàn lần. Một ông già lại cầm tay tôi, vỗ vai tôi, điều này thật quá với những gì tôi mong mỏi, rồi nhăn cái miệng vổ trông đến là hay:

    - Ôi chao, cao lớn phổng phao đến như ri rồi à?

    Ba tôi nở nụ cười lặng lẽ, trong khi tôi không ngại ngần phô hết hàm răng trắng của mình ra. Chưa gì bà tôi đã lóc cóc chạy ra, quần ống thấp ống cao, thật khác với tư thế thong dong bình thản mà tôi vẫn nhớ về bà:
    - Mạ định báo cho bây biết sớm, rứa mà đằng nớ họ coi ngày coi tháng, rước mệ ấy đi từ đêm qua rồi.

    Ba tôi hiểu ngay lời bà tôi nói, mặt ông thay đổi một chút. Tôi thì phải hỏi đi hỏi lại hai ba lần mới hiểu, bà đang nói về cái chết của mẹ tôi. Bà ra đi hôm qua, khi tôi và ba đang ngồi trên xe lửa. Chẳng ai biết bệnh gì, nhiều người cả đời chẳng thấy mặt ông bác sĩ, chẳng bao giờ biết tới khám sức khỏe, lỡ phải vào bệnh viện khám một lần ra cả trăm bệnh! Tôi cho mẹ tôi nằm vào số những người ấy, chịu đựng quen rồi cứ thấy đau trong người cũng ráng chịu cho qua, thế rồi đến lúc đi là đi.

    Ba tôi lôi ra một cái rương mà cách nay hơn chục năm ông đã khóa kỹ trước khi ra đi, trong đó tôi thấy những thứ đồ của tôi hồi còn sơ sinh đến lúc lớn lên. Thời gian không làm chúng mục nát, chỉ hơi cũ đi thôi. Rất nhiều khăn len, vớ len, mũ len màu sắc xinh xắn mà tôi không đoán ra ba đã mua ở đâu.

    Tôi đoán lúc nhỏ tôi đã trông đáng yêu như thế nào trong những thứ đẹp đẽ ấy. Rồi ba lôi dưới đáy rương ra một cái áo đàn ông to lớn, chắc là áo của ba rồi. Trông cái áo cũ thế kia mà ba cất kỹ để làm gì chẳng biết.
    Ba cầm cái áo lên chỉ cho tôi xem vết mạng trên áo:

    - Đây là đường kim của mẹ con đấy. Bà ấy rất vụng về, bà nội con đã thất vọng biết bao nhiêu khi nhìn bà ấy làm hỏng hết tất cả đồ đạc trong nhà. Nhưng bà chẳng la mắng một câu, chỉ nhẹ nhàng bảo ban, hi vọng có ngày nhờ vả được con dâu. Thế rồi mọi chuyện tốt hơn thật, mẹ con biết vá áo quần, cái áo lao động của ba được bà ấy nhắm đến đầu tiên. Đó, con xem sản phẩm đầu tiên của bà ấy đấy.

    Ba tôi ngồi im đợi tôi ngắm nghía vết tích còn lại của mẹ tôi trong nhà này, rồi tiếp:

    - Mạng xong cái áo, bà ấy cứ nhảy tưng tưng như con nít. Lúc ấy mẹ chưa có con đâu - ba tôi cúi mặt như để giấu xúc động - Lúc biết sắp có con, mẹ con đã nằng nặc đòi bà nội dạy đan len, thế rồi những thứ xinh xắn này ra đời...

    Tôi liếc nhìn đống đồ len, bây giờ thì đã hiểu. Đó là dấu vết của cái gì đó gọi là tình mẫu tử. Tôi ngắm nghía chúng thật kỹ, hi vọng nhìn ra cảnh người thiếu phụ hí hoáy với cuộn len, mỉm cười hạnh phúc nghĩ đến đứa con chưa ra đời, nhưng tôi không thấy gì cả, nhớ về mẹ, tôi chỉ thấy một người đàn bà xấu xí đội chiếc thúng trên đầu, nhìn đứa con trai như muốn chạy trốn.

    Ba tôi ngồi im thật lâu, khi tôi đi một vòng quanh nhà vào rồi vẫn thấy ông ngồi ở đó. Khi thu xếp lại cẩn thận rồi, ông gọi tôi lên truông. Tôi biết lên truông để làm gì. Tất cả những người chết đều được chôn ở đó. Tôi vội bước theo ba tôi, tay ông cầm một bó nhang.

    Lên tới nơi, mấy đứa trẻ chăn bò chỉ cho cha con tôi biết mộ mẹ tôi. Tôi nhìn về phía đó, trên mộ còn vương những mảnh giấy vàng mã, vài cây nhang cháy dở, có lẽ trận mưa sáng nay đã dập tắt chúng. Ba tôi thắp nhang xong còn ngồi lại bên mộ thật lâu. Tôi nhìn lên dãy núi sừng sững trước mặt.

    Vẻ đẹp của chúng đã đi theo tôi trong cả những giấc mơ xa xứ. Bây giờ thì tôi đã về đây thật rồi. Đột nhiên tôi nghe từ trong một hốc đá nào đó vẳng lên tiếng tắc kè kêu. Tắc kè, tắc kè, tắc kè... Tôi lắng tai nghe và đếm. Nhưng không khác gì tất cả những lần trước, nó không thể tới con số 12. Lúc đó tôi chợt nhận ra một điều: tắc kè không bao giờ đủ sức để kêu đến mười hai tiếng.

    PHẠM THỊ HẰNG ( TTCT )
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom