• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Đâu rồi thác đẹp ngày xưa...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đâu rồi thác đẹp ngày xưa...


    Đâu rồi thác đẹp ngày xưa...




    Một du khách người Đức vớt vát chút “dung nhan” còn lại của thác Liên Khàng - Ảnh: N.H.T.



    “Cả thời tuổi trẻ của tôi gắn bó với thác Da M’rông. Tôi ngắm nhìn nó mỗi ngày, yêu nó như là máu thịt mình...” - cụ bà Thân Thị Huệ - 92 tuổi, ở khu I, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) - nói như thế về dòng thác ngay phía sau nhà mình. Thác Da M’rông đã bị bức tử từ lâu lắm rồi!

    Hầu như không cư dân Bảo Lộc nào không từng đến Da M’rông tham quan, picnic, cắm trại... Hội xuân dịp tết về, hội chợ thương mại... cũng được tổ chức bên cạnh thác bởi cảnh quan thiên nhiên độc đáo giữa lòng phố thị.

    Thủy điện “giết” thác

    Năm 1985, người ta đắp một con đập ngay mép đỉnh thác nhằm dẫn nguồn nước chảy vào hồ chứa của Nhà máy thủy điện Lộc Phát cách đó vài trăm mét. Nhà máy có công suất chỉ 0,6MW này lập tức giết chết thác Da M’rông lẫn một niềm vui của nhiều người dân Bảo Lộc. Người trực Nhà máy thủy điện Lộc Phát cho biết có những tháng mỗi ngày nhà máy chỉ chạy được vài giờ vì hết nước. Chính anh cũng cho rằng sản lượng hơn 1 triệu kWh/năm của nhà máy thủy điện này không thể bù lại với những gì nó đã tước đoạt của cộng đồng: “Giá mà giữ lấy nó để làm thắng cảnh phục vụ du lịch, văn hóa, xã hội thì hiệu quả kinh tế còn cao gấp ngàn vạn lần”.

    Ngược về phía xã Tân Thành, huyện Đức Trọng để xuống tận đáy thác Pongour từng được mệnh danh là “Nam phương đệ nhất thác”. Chao ơi, một cảnh hoang tàn đến xót xa. Con thác từng là nơi tổ chức lễ hội Pongour rằm tháng giêng tưng bừng hằng năm không có một bóng khách tham quan. Ghế đá lăn lóc, lối đi xói lở, nhà điều hành im ỉm đóng cửa... Dòng thác hùng vĩ ngày nào nay trơ ra vách đá đen ngòm. Và thật mỉa mai khi vẫn còn đó tấm bảng xếp hạng thắng cảnh quốc gia (năm 2000).

    Thác Pongour đã “chết” từ tháng 5-2007 khi người ta ngăn đập, chặn dòng Đa Nhim để xây dựng hồ chứa Nhà máy thủy điện Đại Ninh cách đấy chừng 3km theo đường chim bay. Ông Vũ Văn Xê, giám đốc Công ty du lịch Đất Nam - đơn vị quản lý thác, cho biết kể từ đó ông cũng sống lây lất như dòng thác huyền thoại vì “hết nước du khách đến thác để làm gì!”.
    Những ngày mưa lũ vừa qua, dong xe máy về hướng Phú Hội cũng thuộc Đức Trọng, tôi đến với thác Gougah nhưng nay thác đã chìm vào lòng hồ thủy điện. Ở khu vực thác Gougah (cũng là thắng cảnh được xếp hạng quốc gia từ mười năm trước) bây giờ chỉ có thể tổ chức... đua thuyền! Khu du lịch Tài Nhân ở ngọn đồi bên trên thác lạnh tanh, không một bóng người. Bà Phạm Thị Kim Loan, giám đốc Công ty Tài Nhân, than thở: “Tôi cũng chết đứng từ ngày dòng thác biến mất”.

    Theo hướng Filnom, tôi dừng lại bên thác Liên Khàng (thắng cảnh xếp hạng quốc gia) ở thị trấn Liên Nghĩa của Đức Trọng. Mùa hoa dã quỳ đang nhuộm vàng dòng thác, hóa ra đó là con thác sống lại một thoáng nhờ thủy điện Đa Nhim xả lũ để bảo vệ hồ Đơn Dương. Chỉ một tuần sau, khi tôi trở lại, thác Liên Khàng cùng lòng sông Đa Nhim ngút dài bên trên là một bãi đá đen xen lẫn cây bụi ma dương mọc thành rừng.

    Bất chấp!

    Khi được hỏi các dự án thủy điện khi triển khai có tham khảo ngành văn hóa địa phương không, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Lâm Đồng Đỗ Văn Thể nói: “Chúng tôi chỉ biết khi những thắng cảnh ấy biến mất. Thấy chúng không còn xứng đáng là danh thắng quốc gia nữa thì ngậm ngùi làm văn bản kiến nghị tỉnh xin rút tên khỏi danh sách di tích lịch sử - văn hóa!”. Công ty du lịch Đất Nam cho biết kể từ năm 1998-2007 đã đổ 15 tỉ đồng vào khu du lịch thác Pongour. Nhưng từ lúc thác “chết”, các hạng mục trồng rừng, xây dựng khu dã ngoại, hệ thống bungalow... đều phải dừng lại.

    Công ty Tài Nhân đã đổ 10 tỉ đồng vào đầu tư khu thắng cảnh thác Gougah kể từ năm 2003. Nhà máy thủy điện Đại Ninh, thuộc Tập đoàn Điện lực VN có đền bù gì không? Cả hai vị giám đốc Đất Nam và Tài Nhân đều ngậm ngùi: “Không có lấy một đồng! Họ kêu án tử cho hai thác nước như là điều tất yếu chúng tôi phải chấp nhận vậy”.

    Xuôi về huyện Di Linh, qua một vùng ngập tràn rẫy cà phê có dòng thác Khói nằm trên sông Đồng Nai. Chủ tịch UBND xã Tân Thành Lê Ngọc Chánh báo tin năm tới thác này sẽ chìm dưới lòng hồ thủy điện Đồng Nai II do Công ty Trung Nam đầu tư. Đến vùng Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, chủ tịch UBND xã Lộc Tân K’Chẻ cho hay một công trình thủy điện đang xây dựng ở hạ lưu suối Dam Bri, chắc chắn ảnh hưởng đến thác Da Ail như mảnh lụa trắng từ trời xanh thả xuống giữa rừng nguyên sinh.

    Ở thị trấn Di Linh, nơi có dòng thác Bobla thuộc xã Liên Đầm, ông Châu Trung Linh - người quản lý thác - cho biết Công ty Dalat Toserco của ông đang lập dự án xây dựng một nhà máy thủy điện 7MW trên dòng suối Da Riam cách đầu thác chừng 3km. Ở thị trấn Nam Ban, nơi có thác Voi, chủ tịch thị trấn Thái Văn Mai khẳng định một dự án thủy điện công suất 4MW sẽ được xây dựng nay mai, cách thác chừng 500m...

    Đồng vọng từ các dòng thác chết

    Tỉnh Lâm Đồng 20 năm qua luôn nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển của địa phương. Ông Nguyễn Vũ Hoàng, một đạo diễn lễ hội ở tỉnh, từng đề nghị nên hình thành một “lễ hội thác nước”
    độc đáo. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Văn Thu đắc ý khen ngợi ý tưởng tuyệt vời ấy. Hỏi giám đốc sở Đỗ Văn Thể số lượng hơn 70 công trình và dự án thủy điện trên địa bàn liệu có ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, chiến lược du lịch ở xứ du lịch, ông đáp: “Phải làm thủy điện mới có năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng giá mà mọi thứ đều đặt lên bàn cân cẩn thận, vừa phải, tiến triển hài hòa thì tốt hơn”. Còn ông Nguyễn Vinh Phúc, tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, khẳng định: “Lâm Đồng được xem là xứ du lịch, đặc biệt là du lịch thác, hồ, rừng thông... Mất thác thì còn thế mạnh gì nữa?”. Ông Phúc ví dụ chỉ riêng hồ Xuân Hương nạo vét, xây cầu trong năm qua đã cho thấy nền du lịch Lâm Đồng năm nay “thê thảm”, mất hấp dẫn đến cỡ nào trong lòng du khách.

    Còn đây là ý kiến của ông Huỳnh Lê Trung, chuyên viên thuộc Tập đoàn Điện lực VN - người chuyên quy hoạch thủy điện suốt 31 năm qua: “Ngay ở nước kém phát triển hơn VN là Lào, khi xây dựng bất kỳ công trình thủy điện nào họ luôn đặt nhà máy phát điện ở hai đầu: một đổ nước xuống đường ống của nhà máy chính, một nhà máy phụ nhỏ hơn để phát ở đầu ngược lại với đường ống phụ. Vì sao như thế? Vì như vậy sẽ không tạo sự đứt khúc các dòng sông, dòng sông vẫn sống nên thác vẫn sống!”. Ông bảo ở VN, các nhà đầu tư thủy điện đã không tuân thủ nguyên tắc bảo vệ sinh thái, môi trường sông ngòi bởi đơn giản họ lách được sự dễ dãi của cơ chế, nhờ vậy suất đầu tư ít tốn kém hơn”.


    ***********


    Tem in hình thác Gougah (năm 1951)


    Thác Liên Khương, Gougah và Pongour từng là ba thác nước hùng vĩ và đẹp nhất trên sông Đa Nhim.

    Thác Liên Khương (hay Liên Khang) có tên cũ là Liên Khàng theo tiếng K’Ho, tọa lạc tại ngã ba Liên Khương, cách Đà Lạt chừng 27km, cách sân bay Liên Khương khoảng 1km. Trước đây là một thác nước hùng vĩ, rộng gần 200m, cao 50m, nay thác Liên Khương đã cạn nước, không còn mở cửa phục vụ khách tham quan.

    Thác Pongour cách Đà Lạt 50km, còn gọi là thác Bảy Tầng bởi từ trên xuống dưới có bảy tầng đá. Thác cao gần 40m, rộng trên 100m, bao quanh là khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 2,5ha. Pongour là thác nước duy nhất ở VN có ngày hội hằng năm vào rằm tháng giêng (Nguyên tiêu). Khi đập thủy điện Đại Ninh tích nước để sản xuất điện thì vào mùa khô thác Pongour trở thành thác “chết”, lượng du khách ngày càng giảm.

    Thác Gougah còn có tên gọi là thác Ổ Gà, nằm sát quốc lộ 20, cách Đà Lạt chừng 37km. Thác được tạo thành bởi dòng Đa Nhim chảy qua thị trấn Liên Nghĩa, đến địa phận xã Phú Hội gặp đứt gãy và đổ xuống độ sâu 30m. Hiện nay thác đã biến mất dưới đập nước của Nhà máy thủy điện Đại Ninh.




    Thác Pongour trước khi có thủy điện Đại Ninh (2004) - Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính



    Thác Pongour hôm nay - Ảnh: N.H.T.



    Thác Da M’rông khi “còn sống” - Ảnh sưu tầm (Nguyễn Thành Trung)



    Nơi từng tồn tại thác Da M’rông - Ảnh: N.H.T.



    Thác Gougah năm 2004 - Ảnh: Nguyễn Ngọc Chính



    Thác Gougah đã chìm dưới lòng hồ Đại Ninh - Ảnh: N.H.T.


    NGUYỄN HÀNG TÌNH
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    Cám ơn trời đất, VN chưa biến thành...sa mạc
    Vậy là mừng rồi!

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom