• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Ngày Rời Huế

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Rời Huế

    Ngày Rời Huế


    CUỐI CÙNG, ĐIỀU CHỜ ĐỢI ĐÃ ĐẾN. Giấy gọi đã được gởi đến nhà. Bố không nói suốt cả buổi. Nhưng tôi biết trong lòng ông là cả một nỗi ngổn ngang bời bời. Ông hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Ngoài kia, con đường vắng, thỉnh thoảng vài chiếc xe đạp vụt qua, mỏi mệt. Tiếng nói cười vọng về từ tiệm bi da. Vô tư. Không hề biết rằng lại thêm một đứa con xứ Huế này sắp bỏ Huế mà đi.

    Tôi không thể chịu nổi ở vẻ lầm lì của bố. Ông chỉ buông ra một lời: Mày đã lớn. Mày hãy quyết định lấy đời sống của mày. Trời ơi làm như bố nghĩ là tôi có quyền quyết định tất cả về cuộc đời của tôi. Bố không biết là tôi đã chờ, chờ đến độ buông xuôi. Tôi đã chờ đợi cái định mệnh dành cho cả một thế hệ nói chung, và dành cho những kẻ sinh vào tuổi Ngựa như tôi, nói riêng. Cái thế hệ bất lực bầm dập. Cái thế hệ chỉ biết tuân phục, cúi đầu chờ bị tròng cổ dắt đi, không thể cưỡng chống.

    Bầu không khí lạnh băng. Tôi muốn biến khỏi nơi này lập tức. Muốn rời thành phố này lập tức. Có gì đâu mà bận tâm thắc mắc. Cả thế hệ tôi như thế đó. Ai cũng như thế đó. Rốt cùng, cũng vậy. Cả Bắc lẫn Nam.

    Bởi chịu không nổi nên tôi lấy honda để chạy trốn. Bây giờ tôi 24 tuổi. Nghề nghiệp dạy học. Đã dạy hai năm, lớp dạy cao nhất, Toán Đệ Nhị A, lớp dạy thấp nhất Công Dân Đệ thất. Cái nghề người ta đang mơ ước. Cái nghề rất dễ lấy vợ. Cái nghề nữ sinh vẫn thường tỏ tình qua đôi mắt và đôi má ửng hồng khác lạ, hay một cử chỉ bướng bỉnh nào đó. Nhưng em không hiểu. Em bắt tôi phải điên khùng. Em khiến cái kiêu ngạo của tên giáo sư trẻ phải bị lép vế, trở thành số không. Và cái tự ái của tôi càng bốc cao ngùn ngụt. Em cười cười nói nói, đọc kinh nhắm mắt hiền như ma soeur. Em mang áo màu lam đi lễ chùa qua nhà tôi ngày rằm mồng một khiến tôi phải nín thở, trời ơi, đến độ phải thuộc lòng câu thơ của một thi sĩ nào đó: em đi dáng mỏng như là gió, phơi tuổi vàng ta trên ngọn cây, và ghen đến cả ông trụ trì. Em không hiểu con tim tôi không phải là một cái máy bơm máu. Nó còn hơn thế nữa. Đang yên ngủ bỗng nhiên một hôm nào bị đánh thức như ba hồi trống dục. Nó đòi được yêu. Tui không thể cứ nhảy hoài một điệu buồn bã như vậy. Tui phải vùng dậy, cách mạng. Tui phải đòi quyền sống. Tui phải yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét.

    Nhưng rõ ràng nó đòi không đúng chỗ, không đúng người, không đúng thời gian và không gian, không đúng hoàn cảnh lịch sử. Cái giai đoạn ít có thấy hình ảnh của vua Trần Nhân Tôn thương dân đến độ phải cởi áo bào. Nó ít được tô thắm bằng những công trình dân giàu nước mạnh, những vị tu hành đức độ, những người suốt đời đổi mạng sống mình cho tha nhân đồng loại. Trái lại, nó chỉ sinh sản những danh từ khiếp hãi, bay hồn bạt vía, độc địa như phản đảng, phản động, phản bội, phản đạo, phản chủ, phản chiến, chó săn, liếm giày, việt gian... Nó sáng tác ra những cách giết người tra tấn người trả thù người dã man, man rợ. Nó nhồi nhét vào tâm trí của mỗi người những nghi kỵ, thù hận hơn là bao dung tha thứ. Nó làm bạn bè, anh em, cha con hì hục đâm đầu cùng những lý tưởng không bao giờ có mặt từ thuở khai thiên lập địa, để cuối cùng hả hê chém giết nhau không thương xót. Nó làm gia đình tôi chống việc đem bàn thờ xuống đường, và gia đình em, mang bàn thờ ra đường, vừa vái, vừa lạy, như không còn dịp để lạy, để vái nữa. Nó làm ba mẹ em chửi Mỹ chống chiến tranh, còn tôi thì sắp được tròng vào bộ đồ đồng phục. Và cuối cùng nó làm em xa tôi, đành đoạn.

    Vâng. Nó làm em xa tôi và tôi xa em. Làm ba mạ em nhìn tôi như kẻ thù. Còn tôi thì nhìn ông bà như hai người cuồng giáo. Huế có con sông, có cầu, có đò, có phà để đưa người bên này gặp gỡ người bên kia. Huế chỉ có hai con đường phố chính Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, nhưng Huế thì lòng người xa cách. Nghe hoài hai chữ cách mạng. Nhét vào tai hoài hai chữ công dân. Điên khùng với mấy cụm từ cứu quốc, quyết tử, mạt pháp, tranh đấu... Cay xốn nổ tròng con mắt vì lựu đạn cay. Sợ lo hoài khi ban đêm nhà bị ném gạch đá hay vẽ chữ thập trước cổng.

    Như vậy mà người ta không cho nói, không cho viết. Hễ viết ngược, nói ngược thì bị kết án phản tặc, phản quốc, phản động. Như vậy mà ba mẹ em không cho tôi được quyền không đồng ý việc đem bàn thờ xuống đường. Làm như Đức Phật dạy răn phải như vậy. Thưa bác. Con nghĩ là Đức Phật hay bất cứ giáo chủ nào đều không dạy tín đồ việc làm như vậy. Con không đồng ý với hành động này. Trời ơi, mày đi gò con gái người ta mà mày dám tuyên bố những điều phản đạo, phản thầy. Ông giáo Tiến nhìn tôi đăm đăm, rồi nói: Cậu còn trẻ, cậu chưa biết rõ thế nào là thủ đoạn của Diệm Nhu và đảng Cần Lao. Các thầy cũng đau khổ lắm khi kêu gọi Phật Tử mang Đức Phật ra đường. Tôi muốn hỏi lại: Tại sao bác biết các thầy đau khổ ? Bề ngoài họ nói thế, nhưng làm sao biết được bên trong họ nghĩ gì. Hay họ chỉ đóng kịch. Như con lúc này đây. Con buồn thúi ruột. Con hận bác ngút đầu, mà con vẫn cười, vẫn tỏ ra lễ phép dạ dạ thưa thưa.

    Như vậy, rõ ràng có một hố thẩm ngăn cách giữa tôi và gia đình Mỵ. Nó làm em xa tôi, trong khi tôi yêu em vô cùng tận. Xin đừng cười. Tôi nói thật. Tôi là một giáo sư trung học đệ nhị cấp. Lẽ ra, không có em, tôi cũng có một người con gái khác, học trò của tôi chẳng hạn. Tôi là mẫu người mà các bậc cha mẹ mong mỏi nhận làm con rể tương lai. Cử nhân. Giáo sư. Lương cao. Trẻ tuổi. Nhưng tôi đã lầm. Trời ơi, cái bóng mát chiêm bao đã bị những sản phẩm con người lấn chiếm rồi. Trời ơi, khi không,phải chi ta như con người ăn lông ở lổ từ thời tiền sử khỏi bị những mớ từ ngữ gọi là sản phẩm của trí óc xâm nhập thì khoẻ biết mấy.

    Bây giờ chỉ còn cách là bỏ chạy. Phải rời khỏi cái vùng tai ách kỷ niệm. Phải xa khu vườn thơ ấu, phải tránh mặt bên này bên kia em mang áo vàng, vàng như màu hoa cúc, vàng như màu nắng mới trên những khóm hoa vạn thọ, con buớm bay, mà em ẩn hiện vườn xưa. Phải rời ngay, cho đôi mắt như hai hòn bi, khỏi còn long lanh, cho mái tóc chớm vai em, không còn là giòng suối, cho trái thanh trà, trái ổi, trái xoài, cho trưa hè, ve kêu lừng dậy, em ngồi ở bến, tóc thả bay bay... Cho sáng để khỏi được thấy ai đội nón lá mang cập sách, guốc quai hai vạt áo giữ gìn. Cho thôi đêm đêm cứ đạp xe qua nhà ai, thầm lén nhìn vào bên kia cửa sổ, ai xõa tóc dưới đèn. Cho đêm giao thừa đi lễ, chao ơi, thèm đến điên cuồng được hái cho ai một cành lộc chúc mừng năm mới.

    Không muốn đến từ giã Mỵ, nhưng tại sao tôi lại trên đường đến nhà ai. Đi lính thì có gì quan trọng đâu. Cả một thế hệ đều bị buộc mang bộ đồng phục, thì có gì để mà đi xin giọt nước mắt thừa. Không. Tôi không cần xin xỏ lòng thương hại của em, nhưng tại sao con tim lại cứ thúc.Trời nắng lớn. Dàn mướp rợp bóng đầy sân. Trời ơi, tại sao ta lại đến một nơi mà ta cảm thấy cay đắng nghèn nghẹn như thế này. Cậu em thấy tôi nói lớn chị Mỵ ơi có anh Tân đến chơi. Thì tôi đến chơi, nhưng mà chơi cái trò chơi kỳ cục. Trò chơi tình yêu. Bên này tìm cách chiếm đoạt trái tim. Bên kia tìm cách tránh né. Bên này đau khổ. Bên kia vui mừng. Bên này thất bại bên kia vinh quang. Ông giáo Tiến, bố Mỵ, từ ngoài sân bước vào hỏi: Chào cậu, cậu đến chơi. Dạ. Câu hỏi hờ hững, không một chút gì thân mật. Tuồng như ông hỏi để mà hỏi. Sau đó ông bỏ đi. Còn lại tôi ngồi trong phòng khách. Trên bàn thờ khói nhang nghi ngút chẳng khác một điện thờ bỏ túi. Có tấm hình của thượng tọa Quảng Đức tự thiêu. Lại có hình thượng toạ Trí Quang treo giữa phòng. Lại thêm một lằn ranh ngăn cách. Chừng nào mới xóa bỏ những đường ranh tai nghiệt này. Hở Trời? Chừng nào mới dẹp đi những cái quái thai do một lũ người tạo chế nên rồi bắt tất cả mọi người phải tuân hành. Nếu không tuân hành mi sẽ xuống địa ngục. Hở Trời?

    Mỵ từ nhà trong bước ra trong bộ đồ ngủ. Không vồn vả, nhưng sao như thể chiêm bao. Không vui mừng sao mà con tim ta lại nẩy lên những nhịp điệu tha thiết. Ôi tình yêu. Nó bắt nó hành nó hạ. Mỵ ơi, em biết không.

    "Anh đến chơi ?"

    "Không. Đến để từ giã Mỵ".

    "Anh đi xa?"

    "Anh vừa nhận được lệnh trình diện".

    "Anh đi lính ?"

    "Vâng".

    "Anh còn đi dạy mà ?"

    "Dạy cũng đi. Không dạy cũng đi".

    Ngoài kia, qua khung cửa sổ, một vạt nắng đã xuyên qua dàn mướp, chảy thắm trên sân. Mỵ ơi, tôi phải nói làm sao để em hiểu lòng tôi. Con tim tôi đang hành hạ tôi. Nó đang rưng rưng. Mỵ không biết là tôi khổ biết bao nhiêu không. Tôi cứ tưởng sẽ được thấy nỗi buồn, nỗi lo của Mỵ là to lớn đến chừng nào. Tôi thèm em khóc em buồn em sầu em tủi. Tôi cứ tưởng là Mỵ sẽ phải nói một lời quá đỗi ân cần, để khi từ giã tôi sẽ phải còn nhớ mãi hình bóng của một người thân yêu. Đi lính có gì là quan trọng đâu. Ai cũng như ai. Ai cũng đi. Không bằng cấp thì quân dịch. Có bằng cấp thì đi sĩ quan. Không ai có thể thoát được. Như vậy tại sao ta lại đi xin lòng thương hại chứ.

    Không, tôi không cần. Tôi không cần lòng thương hại của bất cứ một ai. Tôi là tôi. Vâng. Chào Mỵ tôi về. Thưa bác con về. Thưa định mệnh, ta ngả nón chào mi. Định mệnh ơi ta van mi đừng hành hạ ta nữa.

    Nhưng định mệnh vẫn chưa hề buông tha. Cái nợ tôi phải trả cho em đến khi nào mới hết. Hở ? Muốn trốn mà trốn không được. Muốn chạy cũng không chạy thoát. Tôi đã trốn rồi mà. Sao em lại thêm một lần làm tim tôi muốn ngưng đập. Em ngỡ ngàng. Tôi kinh ngạc. Em dội. Tôi cũng dội. Bàn tay nào lại chơi khăm cho chúng ta cùng gặp nhau trong ngôi nhà đợi vào ngày tôi bỏ Huế mà đi. Bàn tay nào kỳ lạ hở. Để có một bài thơ buồn bã tôi cất dấu trong tim tôi. Tôi xin tặng em. May ra em còn đọc:

    Một chuyến bay nào mang anh về Sài Gòn
    Một chuyến bay nào mang em về Qui Nhơn
    Trời quê hương mù sương mù sương
    Tôi mang đôi mắt em. Buồn muốn khóc

    Cho tôi nhìn một lần cuối nhớ thương
    Cho tôi nhìn ngôi nhà gió phi trường
    Cầu rất khẽ con tàu đừng bay vội...

    Hôm ấy, trời Huế mù sương. Mù sương che mờ cửa kính nhà đợi. Ngoài kia, phi đạo đen nằm im lặng. Tiếng loa gọi hay thông tin tức về những chuyến đi hay chuyến đến thỉnh thoảng vang lên. Những con chim sẻ đuổi nhau trên trần. Những thân nhân đang sụt sùi chia biệt. Những người đồng hành với tôi thật may mắn. Họ vẫn có những người thân thiết đến để đưa tiễn. Còn tôi. Đàng sau là một người cha hắt hiu cùng những đêm thức trắng, không bao giờ hiểu được tâm trạng nổi loạn của thằng con ông. Và ai nữa. Đàng sau kia, là Huế - một nơi mà bao nhiêu bút mực đều ca ngợi hết mình. Huế của tôi. Huế tôi lớn lên và vui buồn cùng ngày mưa ngày nắng. Không ai cả. Mái hiên nào để ta còn đụt khi trời mưa. Mái nhà nào để ta còn nhớ nhung một ánh đèn, và bếp lửa. Chỉ có chăng là con đường đêm, tối dày, để ta mỗi đêm đạp xe qua cổng, để nhìn vào. Không có gì hết đàng sau ấy.

    Như vậy, rõ ràng, cuộc đời không phải là những chuyện tình cờ mà là định mệnh. Không định mệnh sao được khi tôi lại gặp Mỵ trong buổi sáng đợi chờ tàu bốc về Nam để vào trình diện trường Thủ Đức. Rõ ràng là Mỵ. Mỵ hiện ra như từ tiền kiếp. Như bóng dáng trăm năm, như niềm đau cùng nỗi buồn nghẹn cổ. Mỵ làm tôi vui quá. Hay là Mỵ biết tôi sắp rời Huế để ban ân phước từ tâm.Tôi chào Mỵ. Mỵ sửng sờ một phút.

    Tôi hỏi:

    " Mỵ đi đón thân nhân ?"

    " Không. Mỵ đi học xa".

    " Mỵ đi học ở đâu ?"

    " Dạ. Sư Phạm Qui Nhơn"

    " Thế ư. Sao anh không biết. Như vậy phải chúc mừng Mỵ, dù biết muộn."

    Mỵ hỏi:

    " Còn anh?"

    " Anh vào quân trường Thủ Đức ".

    Chỉ có bấy nhiêu lời trao đổi. Rồi một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau.(TCS). Rồi trời quê hương mù sương mù sương. Anh mang đôi mắt em buồn muốn khóc.

    oOo

    Phải, anh đã mang đôi mắt em mà buồn muốn khóc. Thời ấy lãng mạn làm sao. Và cũng dại khờ làm sao. Đôi mắt của em đâu có buồn, hay u uẩn, hay xót thương hay tội nghiệp để anh phải buồn mà muốn khóc. Thôi, tàu em đã rời phi đạo rồi, và anh cũng vậy, cũng đã ngồi trong lòng máy bay quân đội rồi. Hai con tàu cùng rời Phủ Bài, nhưng bay về hai phương trời cách biệt. Anh sẽ không bao giờ làm phiền em nữa. Anh sẽ chẳng đạp xe qua nhà em nữa. Anh cũng chẳng lấy lòng ba mẹ em nữa. Mệt mỏi lắm rồi. Thôi, anh phất cờ trắng đầu hàng rồi. Đầu hàng em rồi. Em vui lòng chưa ? Em hả dạ chưa ?

    *

    Nhưng định mệnh lại không cho tôi phất cờ trắng. Rời Thủ Đức, không hiểu sao tôi lại chọn một đơn vị có hậu cứ ở Bình Định. Tôi đã nói rồi, tôi muốn chạy trốn mà. Tôi muốn tìm quên. Tôi muốn đôi giày trận sẽ lê tôi khắp nơi, đâu cũng được, núi cũng vậy, mà biển cũng vậy. Bởi đời tôi bây giờ không còn thuộc về tôi nữa. Cái tinh cầu ràn rụa hàng đêm cũng chắc gì ràn rụa hơn tuổi trẻ VN. Nhắm mắt và tuân lệnh. Thế thôi.

    Tôi dấu người thân về đơn vị mới. Tôi dấu em về vùng đất tôi về. Tôi tránh mặt em, khi tôi về thành phố. Tôi hoang đàng phá phách, mang súng ngắn, gác chân lên bàn, đội mũ rừng, tóc râu dã thú. Mỵ ơi, chẳng thà xa cách ngàn trùng, để màu rượu hổ phách không long lanh hạt lệ, để khi nhìn những tà áo sư phạm ra phố vào ngày cuối tuần, tim cứ đập, lòng cứ bồi hồi. Phải chi có con bướm trắng của ngày Đồng Khánh Quốc Học, của Huế suơng mù, nước lụt, Huế mưa dầm, Huế đội mưa qua ngõ nhà ai. Phải chi, người có mặt như từ cõi trăm năm, cho trần gian thêm một niềm hạnh phúc...

    Phải chi... Giấc mơ lại thêm một lần. Phải chi ta bị thương để ta có thể nói hết về tấm lòng, để ta dùng nỗi đau nhức, rên rĩ, để ta chống nạng van xin. Đó tuổi trẻ của anh là như vầy. Anh chiến đấu cho em bình an học hành, cho thành phố vui chơi trụy lạc. Bây giờ, xin em đoái thương cho nỗi mất mát của tên bại tướng cụt chân...

    *

    Mồng Một Tết năm Mậu Thân, tôi là kẻ bị thương đầu tiên khi xung phong chiếm một ngôi lầu ở cửa thành phố. Sau đó, xe cứu thương chở tôi về quân y viện. Ngày mồng ba, Qui Nhơn được giải toả. Giờ là lúc người ta nghĩ đến những kẻ không được may mắn. Hết phái đoàn này viếng thăm, đến phái đoàn khác ủy lạo. Thật sự,tôi quá mệt với cảnh nằm dài trên giường bệnh để nghe những lời tri ân chiến sĩ quá cải lương từ các bà mệnh phụ phu nhân, với những hộp sửa trái cam quà cáp. Tôi muốn ra ngồi nhìn biển mà tủi thân. Bởi vì bên cạnh quân y viện là ngôi trường Sư Phạm, nơi Mỵ đang có mặt. Tôi đã thề tôi quên người, quên Mỵ mà. Nhưng trong giây phút chạnh lòng, tôi lại yếu mềm mơ ước. Tôi mơ trong phái đoàn có một người con gái tên là Mỵ. Chắc nàng sẽ phải ngạc nhiên sững sờ biết bao. Khi đó tôi sẽ giả vờ rên rĩ, nhắm mắt thiếp lại, và nàng sẽ áp tay lên trán tôi, sẽ nhỏ giọt nước mắt xuống má tôi. Và nước mắt nàng sẽ chảy trên môi tôi để tôi nếm lại hương vị hạnh phúc, mà tôi đã hơn một lần bị đánh mất. Mối tình Trương Chi Mỵ Nương đẹp với giọt lệ không tan, còn giọt lệ nàng, chẳng những không tan mà còn thấm mãi trong da thịt, môi miệng của một người cả đời cả kiếp. Rồi tôi sẽ vui lắm, sẽ cám ơn chiến tranh, cám ơn tên đã bắn tôi, cám ơn Qui Nhơn, khi không đón một thằng lính, để tạo cơ duyên cho một cuộc sum họp trùng phùng.

    Giấc mơ rõ ràng đã thành sự thật. Có nghĩa là vào ngày mồng Bốn Tết, phái đoàn trường Sư Phạm đến quân y viện để thăm viếng và ủy lạo thương bệnh binh. Và Mỵ đã thấy tôi, và tôi cũng thấy nàng, như một người trong mộng. Và nàng kinh ngạc thật, kêu nho nhỏ: Anh Tân. Sau đó, nàng đứng yên.. Mấy cô giáo sinh khác thì lăng xăng hỏi thăm ríu rít. Người thì cắt cam, người thì hỏi han gia đình, có người còn hát bài Diểm xưa mà tôi yêu cầu. Chỉ có nàng thì im lặng, và có vẽ hửng hờ làm sao...
    Mỵ ơi, làm sao em biết, vết thương này tôi đang mang trên ngực chưa lành miệng, còn nhức đau, nhưng tôi có một vết thương khác đau đớn gấp ngàn lần.

    TRẦN HOÀI THƯ
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 17-12-2010, 09:23 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
  • #2

    hay quá. thanks

    Comment

    Working...
    X
    Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom