• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Lời hứa của Hoàng đế

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Lời hứa của Hoàng đế


    Lời hứa của Hoàng đế

    Trần Thùy Mai

    Mỗi lần nghe tiếng kèn bầu tấu điệu Xuân phong, dân vùng Bến Ngự biết ngay: kiệu hai bà Chúa đã đến bến đò, chuẩn bị vào cung chầu Thái hậu.
    Hai tốp lính, một từ phủ bà Chúa Nhất ở làng Dương Xuân, một từ phủ bà Chúa Nhì ở làng Xuân Hòa, gặp nhau ở dưới dốc Nam Giao, hợp thành một đoàn, hai chiếc kiệu song song kề sát nhau. Hai bức màn vén lên, hai công chúa chụm đầu vào nhau thủ thỉ.

    Hai bà Chúa suýt soát tuổi nhau, nhưng cách ăn mặc thì trái ngược hẳn. Chúa Nhất tên là Ngọc Tú, người mảnh khảnh, da trắng xanh, mình mặc áo dài bằng vải trúc bâu nhuộm lam. Chúa Nhì là Ngọc Du, mũ hoa lộng lẫy, áo gấm thất thể sắc tía với chiếc khánh vàng trên ngực. Nhìn khác hẳn nhau như vậy, nhưng vẻ vui mừng trong mắt họ thì giống hệt nhau... “Chị ơi, lụa Kim Long của hoàng hậu ban cho để đâu, mà chị cứ ăn mặc sơ sài thế này. Nhìn chị như vầy, ai mà biết là chị ruột của hoàng đế?” Ngọc Du cầm tay chị, xoa xoa cổ tay gầy thấy cả xương. “Còn em, lo liệu mà ăn ngủ. Em có quàng cả vàng cả bạc khắp người cũng không che được mắt chị, tháng vừa rồi lại đau ốm chi nữa đây phải không?” Ngọc Du cười buồn: “Chị nhìn mắt em phải không? Chị thánh thật. Không hiểu sao từ rằm đến giờ, đêm nào em cũng không nhắm mắt. Uống rất nhiều lá lạc tiên với tim sen, cũng chẳng ăn thua”. “Chị biết rồi. Từ ngày rước bài vị Võ tướng quân vào đền Hiển Trung phải không?”. “Không hiểu sao, từ hôm ấy...”
    Thật ra không phải bây giờ Ngọc Du mới vậy. Nàng đã ngủ chập chờn như thế nhiều năm rồi, kể từ khi chồng nàng chết.

    “Thôi em ạ, đời người là bóng mây, chuyện gì đã qua, để cho nó qua đi...”

    Cứ rủ rỉ vậy mà kiệu đã đến bến đò. Hai công chúa bước xuống, lên ghế chạm có đòn khiêng, lên thuyền hai ghế lại đặt song song bên nhau. “Ngồi bên em trên thuyền thế này chị lại nhớ hồi chị em mình theo hai mẹ vào Nam. Hồi đó còn đủ cả ba chị em, cả ba đứa đều còn nhỏ, sống chết kề bên mà bọn mình có biết gì đâu...” âËy là Ngọc Tú nhắc đến chuyến đi năm Kỷ Hợi, khi nàng mới mười lăm tuổi, Ngọc Du mười ba còn Ngọc Tuyền em út mới lên tám. Hồi ấy Tây Sơn vừa lật đổ chúa Nguyễn, thế đang thịnh lắm. Con cháu chúa Nguyễn bị truy lùng, con trai hầu như bị tuyệt diệt. May là con gái nên mấy chị em còn sống sót.

    “Em cứ chê chị ăn mặc xuềnh xoàng, nói thật, chị cứ nhớ lại sáu năm cùng mẹ lẩn lút ở An Du, cứ nhớ đến lúc ấy là thấy ăn gì, mặc gì cũng còn quá sung sướng”.

    “Ừ, thật tội nghiệp cho chị em mình, cái thời con gái người ta làm đẹp thì mình toàn mặc áo xống vá víu, tóc cũng không dám chải kỹ, sợ người ta để ý dòm ngó... Khổ ơi là khổ”.

    “Nhưng chuyến vượt biển đi Nam năm Kỷ Hợi thì vui quá em nhỉ?” Ngọc Tú bồi hồi.

    Vui gì mà vui, Ngọc Du nghĩ thầm. Hai người mẹ và ba đứa con gái, tất cả chưa ai đi biển lần nào. Cả ba cô gái phải mặc giả trai hết, sợ dọc đường bị dòm ngó, lại thêm sợ quan lính tuần biển của Tây Sơn nhận ra. Thuyền từ sông Hương ra được đến cửa Thuận An, ai nấy không ai bảo ai, đều niệm Nam mô Quán thế âm Bồ tát. Mới hơi mừng mừng, thì đã lại hết hồn hết vía, sóng dồi dập làm cả nhà ai nấy nôn thốc nôn tháo, bao nhiêu mật xanh mật vàng tuôn ra cả. Ngọc Du nhớ mình nằm ngay đơ như chết giữa lòng thuyền. Mê man mấy hôm mới tỉnh, eo ơi, vừa tỉnh lại thấy ngay trên đầu là trời hun hút, chung quanh toàn là sóng. À, chị Ngọc Tú nói vui là phải rồi... Hồi đó dãi dầu mưa nắng, gió biển làm mặt ai nấy đen sạm đi, vậy mà má chị cứ đỏ hồng. Còn vì sao nữa, vì có vị tướng trẻ do Nguyễn Vương Phúc Ánh phái ra. Trời, Ngọc Du còn nhớ, chàng trai gốc Huế Lê Phúc Điển, từ Gia Định vượt biển ra Phú Xuân đem theo cái tin Nguyễn Phúc Ánh, người anh duy nhất của nàng còn sống sót, nay đã xưng vương ở trong Nam. Chà chà, Điển là người tuấn nhã anh hùng, lại bảo vệ che chở cả nhà mình, lúc ấy mình cũng xao xuyến lắm nhưng chàng có để ý mình đâu. Vì chàng cho mình là con nít, và cũng vì bao nhiêu tâm ý chàng đã dồn hết cho chị Ngọc Tú rồi. Ngọc Du nghĩ lại buồn cười, nàng nhớ trong chuyến đi nàng đã hậm hực với Ngọc Tú biết bao nhiêu, nhất là những lúc thấy Phúc Điển và chị mình quấn quýt bên nhau. Thì chị là chị cả, phải cùng với Lê tướng quân lo lắng coi sóc cho các em mà, chuyện trò với nhau nhiều là phải. Thảo nào mình mệt đến chết đi sống lại, mà chị ấy thì tuy cũng say sóng đó nhưng rồi lại tươi tỉnh như không.

    Nhắc chuyện cũ, hai chị em cười rúc rích. “Cái thời ấy vui quá phải không em. Sống chết trong gang tấc mà chẳng sợ gì cả. Đám cưới chị cũng chẳng sắm được áo mới, có cái áo lụa của mẹ em mặc hồi mới tiến cung, bọc kỹ mấy năm trời, chị phải treo lên cả đêm mới thẳng nếp”. “Vậy mà em nhớ ngày cưới chị đẹp quá. Đẹp đến nỗi em phát ghen”. “Em còn may hơn chị nhiều chứ. Bảy năm sau, cưới em thì khá hơn nhiều rồi. Chị nhớ khi cưới em, Võ tướng quân dẫn cưới linh đình lắm, áo cưới thì may bằng gấm Xiêm La, ôi, mà con heo cưới ở miền Nam to thế, nằm trên giá có bốn người khiêng, chị cứ tưởng là con bò”. Ngọc Du cười ngất: “Hồi đó, Hoàng huynh trốn tránh bên Xiêm La mới quay về, triều đình đã có gì đâu, chỉ có cái uy danh. Chẳng qua cưới to là vì chồng em hồi đó cát cứ một vùng, có của ăn của để”.

    Cái của ăn của để mà Ngọc Du đang nhắc đến đây, là của cải tích cóp trong tám năm làm nghề lạc thảo. Lúc ấy, Nguyễn Vương bị Tây Sơn truy đuổi chạy sang Xiêm, quân Tây Sơn lục đục nội bộ phải chạy về Trung, đồng bằng miền Nam bỏ ngỏ, Võ Tánh tha hồ xưng bá xưng hùng. Thanh thế của Võ Tánh lớn đến nỗi từ Xiêm La về, Nguyễn Vương phải cho người đưa thư đến doanh trại ngỏ ý kết thân. Kết quả là cuộc hội ngộ ở Hồi Oa, và duyên phận của Ngọc Du được định đoạt từ đó.

    “Lấy chồng anh hùng vậy, mà lúc ấy em khóc hết nước mắt, ngu thật.” Ngọc Tú nhắc lại cái ngày Ngọc Du bỏ ăn, khóc loạn lên, nhất định không lấy cái ông chồng xuất thân thảo khấu đó. Từ Phi mẹ nàng hết sức dỗ dành: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hơn nữa mối duyên tốt thế này, con không ưng thì còn ưng người thế nào nữa?” Ngọc Du nức nở: “Ít ra cũng phải là người tuấn tú thi thư, cốt cách dòng dõi như anh rể con ngày trước”. Từ Phi bật cười: “Con ranh, thời buổi loạn ly, mạnh là sống, yếu là chết. Võ tướng quân trong tay có hơn hai vạn lính, hô một tiếng có bao nhiêu người theo. Nó mà lấy được con, tất nhiên đem hết quân lính của cải về với Vương huynh con. Đâu có phải chỉ đơn giản là chuyện lấy chồng cho thích ý”. Đám cưới rồi, Ngọc Du cứ chê Võ tướng quân nặng mùi, đêm nằm cứ quay lưng lại phía chồng. Ráng chịu đi, ai biểu thích lấy công chúa. Cái thói đỏng đảnh bà chúa, dù mới sáu tuổi đã bỏ cung điện lẩn lút trong cảnh nghèo, vẫn tiềm tàng trong xương tủy khó mà gột rửa. “Vậy mà cuối cùng thằng Khánh cũng chui ra được, hay thật.” Ngọc Tú cười trêu em. Ngọc Du cũng cười:

    - Lấy chồng mười bốn năm, mà khi em góa, thằng Khánh mới năm tuổi.

    - Cũng may, chứ ngúng nguẩy thêm ít lâu nữa thì không khéo bây giờ em cũng trơ khấc ra như chị.

    Ngọc Du nắm chặt bàn tay chị. Thương quá. Cả Lê Phúc Điển lẫn Võ Tánh đều chết trẻ. Chết thảm khốc. Cuộc chiến tàn khốc quá. Điển chết bốn năm sau ngày cưới. Trận đánh năm Nhâm Dần, Tây Sơn đuổi rát quá, suýt bắt được Nguyễn Vương. Điển liền khoác áo vua, lên đứng ở mũi thuyền. Quân địch xúm lại bắt Điển, nhờ vậy nhà vua mới kịp chạy ra đến Côn Lôn lánh nạn. Điển chết không toàn thây. Ngọc Tú góa, mới mười chín tuổi.

    Vô tình nhắc mà hai chị em bỗng chùng lòng, nắm tay nhau lặng im. Vẻ tái tê hiện rõ trên hai nét mặt. Thuyền đã từ sông An Cựu rẽ vào sông Hương, nhắm Nghênh Lương Đình thẳng tới. Phong cảnh bát ngát hữu tình, nhưng hai công chúa chẳng nhìn thấy gì, cứ lặng người đăm chiêu bên nhau. Ừ... Cái hồi đó, sao mình với phu quân cứ ngủng ngẳng với nhau mãi. Ngọc Du nghĩ thầm, bây giờ nghĩ lại mới thấy mình là người may mắn nhất trong ba chị em. Chị cả Ngọc Tú còn đỡ. Em ba Ngọc Tuyền bị giặc bắt, nhảy xuống sông tự tử khi mới mười chín. Chồng nó là Nguyễn Hữu Thụy thì bị sát hại trên đường sang Xiêm cầu viện. Mình dù sao còn sống được với chồng mười bốn năm. Mười bốn năm tuy chẳng mặn nồng chi cho lắm, vì cả hai cùng kiêu hãnh, cả hai cùng khái tính, không ai chịu ai, thành ra khắc khẩu. Đêm hôm trước khi Võ Tánh kéo quân đi trấn thủ thành Bình Định, chẳng nhớ vì chuyện cỏn con gì mà hai vợ chồng cãi nhau mãi. Đêm lại, Ngọc Du còn khóc lóc um sùm, ông chồng võ biền vốn không mấy kiên nhẫn, dụi vợ xuống giường, lột hết áo xống, cho mà tha hồ kêu thất thanh. Ngọc Du dù có quẫy đạp, làm sao chống nổi tay chân võ tướng rắn chắc như thép. Một lát nữa thì tiếng kêu của công chúa cũng lịm đi, nàng thấy mùi mồ hôi của chàng bỗng trở nên dễ chịu, rồi mọi chuyện êm xuôi. Sáng ra bọn lính hầu che miệng nói với nhau: “Bao giờ chẳng vậy, công chúa với phò mã thì cũng như vợ chồng ở làng quê, ngày đánh chửi nhau đến tối lại lành”.

    Giờ nhắc lại, bất giác Ngọc Du bật lên một tiếng nấc. Một sớm lính hầu về bẩm báo: thành Bình Định bị quân Tây Sơn kéo hết lực lượng từ Phú Xuân vào, vây trùng trùng mấy lớp. Người lính kể: “Quân Tây Sơn vây chặt thành. Cố thủ mãi, lương dần dần hết. Lính không có ăn, làm sao đánh? Võ tướng quân bảo: “Lương hết sức kiệt, ta đành chết thôi, không làm khổ cho các tướng”. Rồi tướng quân sai chất củi ở dưới lầu bát giác, một mình lên lầu, tự tay phóng hỏa. Lửa cháy đến trọn ngày mới tàn, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào thành, đứng trước đống than còn ngún khói, chảy nước mắt...”

    Ngọc Du vật mình xuống ngất đi... Đau đến không chịu nổi, tưởng ai moi tim xé thịt. Khi tỉnh dậy, thấy mặt người xúm xít mờ mờ phía trên mình, như từ trong sương. Chợt xa xa nghe tiếng tù và rốc xoáy vào tai, đau nhói. Tinh thần còn mê lịm, nhưng cái tiếng loa truyền kia lanh lảnh, rổn rảng đâm xuyên vào tai, nàng vụt tỉnh. “Quân Nguyễn Vương đã tiến vào kinh thành Phú Xuân, giặc Tây Sơn đã hoàn toàn đại bại. Nay bá cáo khắp trong ngoài, để thiên hạ vui mừng toàn thắng!” Ngọc Du nghe tiếng reo từ xa vọng lại, tiếng hô vang vạn tuế, tiếng khóc tiếng cười. Chiến tranh đã gần hai mươi năm. Người chết máu chảy thành sông. Bây giờ nghe nói hòa bình, ai không mừng? Ngọc Du vùng dậy, rồi sực nhớ ra, chồng mình đã chết. Mới vừa chết, có thể là người chết cuối cùng trong cuộc chiến này. Nàng hét to một tiếng, hộc máu ra, ngã nhào xuống đất. Thị tỳ xúm lại đỡ lên. Ngọc Du gào khan: “Hoàng huynh! Người nói kéo quân đi giải vây cho chồng tôi. Sao người lại bỏ mặc chồng tôi mà đi đánh Phú Xuân?”

    Nguyễn Vương lấy Phú Xuân chuyến ấy dễ như thò tay vào lấy đồ trong túi. Bởi toàn lực quân Tây Sơn đã tập trung vây thành Bình Định, kinh thành hầu như trống rỗng. Mà triều đình Tây Sơn cũng ngỡ là Nguyễn Ánh phải dốc toàn lực cứu Võ Tánh, vừa là tướng tài vừa là em rể. Nguyễn Ánh đem viện quân đóng ở dưới chân đèo Cù Mông, quân Tây Sơn phòng bị rất cẩn mật, chỉ sợ quân Nguyễn theo cửa biển Thị Nại vào cứu thành Bình Định. Không ai ngờ trong một đêm quân Nguyễn lẹ làng rút đi hết, rồi thình lình xuất hiện ở Phú Xuân như từ trên trời rơi xuống. Cả triều đình Tây Sơn chỉ còn nhắm mắt mà chạy. Triều Tây Sơn sụp đổ như căn nhà đã long móng, không còn đường cứu chữa.

    Người ta bảo đấy là nước cờ thí xe, vứt con xe để chiếu tướng. Còn Nguyễn Ánh thì không bao giờ thừa nhận điều đó.

    “Ừ, em ạ, - Ngọc Tú thủ thỉ khuyên em. Em đừng nghĩ nhiều mà mang tội. Hoàng thượng đã nói nhiều lần. Ngài không nỡ bỏ Võ tướng quân mà đi. Nhưng Võ tướng quân quyết ý hy sinh, sai người đưa thư cho hoàng thượng, khuyên ngài kéo quân ra Phú Xuân, đừng bỏ lỡ cơ hội lớn...”

    Ngọc Du sa sầm:
    - Thì hoàng thượng cũng nói với em như vậy. Nhưng em hỏi bức thư ấy đâu, ngài cứ bảo, để rồi thong thả trẫm sai quan Học sĩ tìm lại, rồi từ ấy đến nay...

    Ngọc Du càng nói càng cau có, khiến Ngọc Tú phải bấm khẽ, bảo em nói nhỏ thôi. Ngọc Du hậm hực: “Cả bọn chơi đùa với nhau từ nhỏ. Tuổi suýt soát nhau thôi mà. Bây giờ thành ra cách bức nhau thế, có một chuyện nhỏ mà cũng phải khẩn cầu mãi chưa được!” Ngọc Tú vỗ về:

    - Trước là anh chị em một nhà. Bây giờ là vua tôi. Em nói vậy, Thái hậu nghe được thì phải quở đấy.

    Ngọc Du vẫn ấm ức, nàng nhớ lại thời nhỏ chơi đùa trong phủ Chúa Nguyễn ngày xưa. Anh cả Hạo, anh hai Đồng, anh ba Ánh, anh năm Mân, anh sáu Điển. Thương nhất là anh cả Hạo. Cứ bị anh ba Ánh ăn hiếp thì chạy đến mách anh cả. Bây giờ các anh chết hết rồi, ai cũng chết dưới đao kiếm. Chỉ còn lại anh ba nay đã thành vua. “Hoàng huynh đã hứa rồi, sẽ đưa cho em xem bức thư của chồng em. Lần này nếu người vẫn quên, em sẽ nhắc”.

    “Để làm gì em? Người chết có sống lại được đâu?” Ngọc Tú nói, giọng rầu đứt ruột.

    “Nhưng người sống phải biết. Em muốn biết chồng em chết như thế nào. Ông ấy đã hy sinh, hay là ông ấy bị hy sinh?”

    Ngọc Tú nắm chặt tay em, bối rối. Vốn tính hiền hậu, nàng không dám nghĩ ngợi nhiều, nhưng cũng linh cảm thấy cái hệ quả khá rắc rối đằng sau câu hỏi của Ngọc Du. Võ Tánh là tác giả của kế sách đánh thành Phú Xuân năm Tân Dậu, hay là con cờ thí trên bàn cờ chiến cuộc? Và như vậy, sẽ kéo theo những câu hỏi về hành động của hoàng đế năm ấy?

    Lễ khánh thọ Hiếu Khang Hoàng thái hậu diễn ra long trọng trong điện Cần Chánh. Thường năm, tiệc sinh nhật Thái hậu được bày tại nơi ở của bà trong cung Trường Thọ. Nhưng năm nay hoàng đế Gia Long cho tổ chức lớn ở điện Cần Chánh, vì điện này nằm ngoài Tử Cấm Thành, các quan trong triều có thể đến bái yết và dâng lễ mừng.

    Khánh thọ Hoàng thái hậu bảy mươi tư tuổi, cũng là ngày mười năm triều Nguyễn trở lại kinh đô. Trên chiếc kỷ chạm thếp vàng, Thái hậu ngồi, áo mũ sang quý, vẻ đẹp tự nhiên khi còn trẻ giờ vẫn còn thấy được qua làn da trắng trẻo và cái miệng nhỏ với hai khóe môi hơi uốn cong, tinh tế và kiêu hãnh. Nụ cười mãn nguyện không che được vẻ mờ đục của đôi mắt, đôi mắt ngày xưa có lẽ rất đẹp nhưng đã mòn mỏi vì khóc quá nhiều trong những năm luân lạc. Những nếp nhăn rất nhỏ, rất mịn chạy quanh trên hai gò má. Trong vẻ vui tươi không giấu được khí sắc mệt mỏi... Từ sáng giờ, ngồi nhận lời chúc tụng của các quan, Thái hậu đã thấy thấm mệt. Các quan vừa lui ra, thì lại đến gia lễ, con cháu trong hoàng tộc vào chúc mừng. Tuy mệt nhưng Thái hậu vẫn ngồi ngay ngắn giữa những chiếc gối gấm đỏ chèn quanh ghế. Bà liếc mắt nhìn, thấy Ngọc Tú và Ngọc Du đứng cạnh đám phi tần. Bỗng nhiên bà thấy động lòng. Hoàng hậu họ Tống, tuổi vừa quá năm mươi, thân hình bắt đầu đẫy đà, uy nghi trong bộ triều phục thêu chim phụng. Tiếp đến là Nhị phi, tuổi bốn mươi đang cố níu kéo lại nhan sắc, lớp trang điểm hơi đậm làm khuôn mặt đẹp có phần dữ dội. Tam phi còn trẻ, mới ngoài hai mươi, vốn trước kia là vợ của chúa Tây Sơn nên lúc nào cũng rụt rè lùi lại phía sau. Rồi đến các cung tần: Chiêu dung họ Phạm, Chiêu dung họ Hoàng, Tài nhân họ Dương. Mấy nàng cung tần trẻ này mới được vào cung sau khi nhà vua lên ngôi hoàng đế. Họ là những người may mắn, không phải nếm trải gian nan, giờ đây lại được hưởng phú quý. Y phục, áo xống ai nấy lụa là rực rỡ, trâm giắt lược cài, vẻ mặt hồng hào hạnh phúc.



    Thái hậu nhìn lại Ngọc Tú. Chiếc áo vải bên trong thòi cổ lên trên chiếc áo bào triều phục. Mái tóc đơn sơ. Khuôn mặt không son phấn chìm lỉm dưới chiếc mũ thếp vàng. Nhìn lại Ngọc Du, càng thương. Áo vàng mũ ngọc chỉ làm lộ rõ hai hốc mắt thâm quầng, đôi lông mày cau cau mệt mỏi, vẻ bất an lộ rõ trên thân dáng. Thái hậu chớp mắt, nhớ đến con rể ngày trước. Hồi đó, nó toàn chê chồng. Đến khi biết thương chồng thì chồng chỉ còn là nắm than đen cháy, được tướng địch thương tình chôn vùi nơi một góc thành Bình Định.

    Ngọc Du không phải do Thái hậu sinh ra, nhưng bà cũng thương nàng như con đẻ. Bởi mẹ Ngọc Du, mới qua đời bốn năm trước, cũng là chị ruột Thái hậu. Hai chị em cùng lấy một chồng, sinh con trai con gái tất cả chín người, giờ chỉ còn lại hoàng đế và hai đứa chúng nó... Thái hậu thấy se lòng. Giờ hòa bình rồi, ai nấy đua nhau vui hưởng, bù lại những ngày khổ cực. Nhưng hai chị em nó còn gì để hưởng, còn gì để chờ trông?

    Tối đến sau lễ mừng, nhà vua đến vấn an Thái hậu. Thái hậu nằm trên giường, mặt không giấu được vẻ đau đớn. Bệnh khớp đang hành hạ bà, bất chấp các thứ sâm nhung ngày ngày tẩm bổ. Thấy nhà vua, Thái hậu cố gượng đau, mỉm cười.

    “Con biết không, đêm qua, mẹ nghe cung nữ xúm xít chỉ trỏ ngoài sân. Mẹ đòi ra xem... Có sao chổi con ạ. Điềm dữ. Điềm ứng vào mẹ đấy”.

    Hoàng đế ngồi bên giường, nắm tay Thái hậu. “Mẹ đừng nói vậy. Hôm nay là ngày vui khánh thọ. Con thấy sắc diện mẹ hồng hào khỏe mạnh, còn cùng với chúng con hưởng phước của nước nhà lâu lắm. Mưa gió trăng sao là chuyện tự nhiên của trời đất, mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều”.

    Thái hậu không nói chuyện ấy nữa. Bà biết con trai không ngồi lâu bên mình, không thể phí thời gian vào những chuyện không ai phân xử được... “Con, cứ thỉnh thoảng đêm rằm là mẹ lại nằm mơ thấy mình đang ở phủ Phú Xuân ngày trước... Mẹ thấy cha con còn, Từ Phi cũng còn, chín đứa con còn đủ hết, đứa nào cũng nhỏ, chơi đá cầu rần rần trong vườn Cơ Hạ. Tỉnh ra mới nhớ, tất cả đi rồi, chỉ còn con với hai đứa gái góa...”

    Nhà vua ôn tồn: “Mẹ đừng áy náy nhiều nữa. Thù xưa đã trả. Mẹ con mình cùng hưởng thiên hạ. Hai công chúa, con đều đã cấp tiền bạc, xây phủ đệ, hàng tháng sai người thăm hỏi...”

    Thái hậu chống tay gượng dậy:

    - Hai đứa nó đều có tâm nguyện, muốn cầu xin con...

    - Xin mẹ cứ nói.

    - Ngọc Tú thì muốn đi tu. Nó đã có ước nguyện từ khi Phúc Điển chết. Nó nguyện khi nào về lại được kinh thành thì xin xuống tóc vào chùa. Mười năm rồi, nó thỉnh cầu mãi mà con chưa chịu.

    - Hồi mới về kinh, con cũng có ý trông sao chị nguôi ngoai dần, sẽ tìm đám tốt con cháu công thần để tái giá cho chị. Nhưng chị cứ khăng khăng không chịu, rồi tuổi lớn dần... Mẹ để con nghĩ thêm. Còn Chúa Nhì muốn gì?
    Giọng nhà vua khi nói đến câu cuối có vẻ hơi gay gắt.

    “Ngọc Du thì muốn xin bức thư mà chồng nó viết trước khi tuẫn tiết, để con cháu sau này chép vào gia phả...”

    Vua cau hẳn mặt lại, nhưng không dám nói xẵng với mẹ. “Mẹ cũng biết tính Chúa Nhì đó, khi nhỏ Từ Phi quá cưng nên lúc nào cũng ương bướng...”

    Thái hậu nín lặng một phút rồi nhẹ nhàng bảo:
    - Mẹ nghĩ điều thỉnh cầu của nó cũng dễ chuẩn ưng thôi mà.

    - Trẫm ngày đêm lo âu vì cả núi việc nước việc quân. Tiền đồ còn dài, cả triều đình lo toan không biết bao nhiêu chuyện. Các công chúa không có việc gì làm hay sao mà cứ bo bo những chuyện cũ...

    Vua dừng lại, nhận ra mình lỡ lời đã xưng Trẫm với mẹ. Thái hậu làm như không nghe thấy:

    - Ai cũng có tương lai để lo, còn chúng nó chẳng còn gì nữa.

    - Sao lại không, sao Chúa Nhì không xin cho thằng Khánh, chúa xin cho nó bất cứ cái gì, triều đình cũng sẽ cấp cho. Nghe quan triều tâu lên, Võ Khánh không chịu học văn tập võ, toàn theo bạn lũ hoành hành, nhũng nhiễu dân chúng. Chúa Nhì lẽ ra phải chuyên tâm dạy con...

    Thái hậu thấy nhà vua giận dữ, chỉ nhẹ nhàng đưa bàn tay xương xẩu vuốt nhẹ bàn tay con. “Con ạ, chuyện khuyên răn thằng Khánh có liên hệ với bức thư của cha nó... Chính vì vậy mà Chúa Nhì nó mới khẩn thiết xin...”

    Võ Khánh bây giờ là đứa con cưng của cả nước, nhưng nó không chịu ngồi yên để hưởng mọi sự ưu đãi ấy. Nó muốn biết nó đã trở thành con côi như thế nào. Nó sục sạo cả lớp bụi dày thời gian, để nhìn thật rõ cái ánh lửa kinh hồn ở thành Bình Định ngày ấy.

    Thật ngu xuẩn. Gia Long hoàng đế nghĩ thầm. Ngài cúi xuống thật ân cần: “Mọi chuyện cứ để con từ từ tính liệu. Việc tuy nhỏ, nhưng cũng phải bàn qua với các quan và các tôn thất. Xin mẹ cứ nghỉ ngơi, đừng lo nghĩ mà bệnh tới thân”.

    Thái hậu nghĩ tới ngôi sao chổi mà bà thấy trên trời tối qua, trước ngày khánh thọ. “Chắc mẹ chẳng lo nghĩ cho các con của mẹ được bao nhiêu ngày nữa rồi”. Bất giác bà nắm chặt lấy bàn tay con trai, nắm chặt tưởng như không sao gỡ ra được, như níu lấy cuộc sống đang dần dần dang xa khỏi tấm thân già yếu.
    Một Thái giám từ ngoài vào, quỳ tâu:

    - Tâu hoàng thượng, các quan đang túc trực bên ngoài, chờ bệ hạ ban yến.

    *
    * *

    Cung Trường Thọ trắng xóa. Trắng vì những hoa vải giăng trên ngưỡng cửa. Trắng vì tấm phan phấp phới dưới cây tre dựng trước sân cung. Tất cả những cánh cửa bàng khoa đã được tháo hết, rất nhiều cột được dựng thêm trên những hộc đá trước sân, vải trắng lợp lên rợp một vùng.

    Và trắng, trên những ngọn đèn thất tinh leo lét trên áo quan gỗ trầm hương. Trước linh sàng, hoàng đế Gia Long phủ phục. Hiếu Khang Hoàng thái hậu đã ra đi, nhẹ nhàng không ai ngờ vào lúc rạng đông, khi dưới Ngự trù người ta còn chưa rửa dọn xong chén đũa sau bữa tiệc mừng thọ.

    Nước mắt chảy ướt hai má nhà vua, thấm cả ngực chiếc áo xô trắng. Lâu lắm rồi ngài mới khóc thế này. Thuở trước, khi còn chiến tranh, ngài đã nhiều lần khóc nức nở mỗi lần một thủ hạ của mình nằm xuống. Họ nằm xuống nhiều vô kể, bây giờ điểm lại, có thể tập hợp thành một đoàn quân ma dài dằng dặc. Giờ ngài chỉ còn nhớ những lần đau đớn nhất. Như lần Chu Văn Tiếp, một tướng tài chết trận, Tiếp chết ngay bên cạnh ngài, giữa trận thua đau tan tác. Ngài cởi áo liệm cho Tiếp, xác vùi một góc rừng cạnh sông Mân Thiết. Cả nhà Tiếp năm anh em đều chết, chưa ai kịp có con nối dõi... Từ Phú Quốc, Thái hậu nghe Tiếp chết, ba ngày không nuốt được cơm cháo. Bây giờ mấy anh em Tiếp chắc đang đợi sẵn để đón người ở bến đò âm Dương rồi... Nghĩ vậy nước mắt nhà vua cứ trào ra, không cầm được.

    - Bệ hạ, xin người nghỉ một lát, người quỳ đã hết một đêm rồi.

    Nhà vua quay lại. Ngọc Du và Ngọc Tú trong áo xống xô gai. Lâu lắm rồi, mấy chị em mới gặp nhau gần sát thế này. “Chị ơi!” Nhà vua bất giác kêu lên. Ngài chợt cảm giác thấy rõ cái gia đình trước đây giờ chỉ còn ba chị em trên đời. Người mẹ chết, như một đài hoa vừa rụng, mỗi hạt hoa bắn ra từ đó sẽ trở thành một phần sống riêng rẽ. Ngọc Tú khóc rũ đi. Lâu lắm rồi, chị em mới gần nhau như thế. Nàng biết đây là những phút gần nhau cuối cùng... Giữa lúc ấy Ngọc Du phủ phục sát đất trước linh sàng để giấu đôi mắt khô. Hôm qua, khi Thái hậu vừa nhắm mắt, nàng đã khóc ngất. Nhưng giờ đây, trước hoàng đế, nàng không sao nhỏ được một giọt nước mắt nào. Lòng tự nhiên rần rần như có lửa cháy. Cái chết, có gì lạ đâu, cả đời nàng đã nhìn, đã nghe nói đến hàng trăm cái chết. Thảm khốc nhất là cái chết của chồng nàng. Ngọc Du đang quỳ mọp, bỗng cơn mê sảng lướt qua đầu, nàng ú ớ như nói mê: “Ôi, cứu tôi, nóng, nóng quá, nóng quá...”

    *
    * *

    Hai năm sau, trước ngày hết tang Thái hậu.

    Chúa Nhất Ngọc Tú và Chúa Nhì Ngọc Du lại ngồi kiệu từ Dương Xuân và Xuân Hòa xuôi sông Hương vào Đại Nội.

    Đêm trước lễ Đại tường, hoàng đế ăn chay, nằm đất, suốt đêm ngài trằn trọc không ngủ.

    Thấy cô bé cung nữ bưng trà đến gần, ngài ngước nhìn, hỏi:

    - Mi tên chi? Sao ta thấy quen quen.

    - Dạ, con tên Xiêm, là cháu gọi Lâm Thao Quận công Chu Văn Tiếp bằng cậu.

    Nhà vua sực nhớ ra. Năm anh em Chu Văn Tiếp chết đi, còn một em gái là Chu Muội Nương, hai vợ chồng cô này theo vua đi tòng vong sang Vọng Các rồi sinh được một con gái ở đây. Thái hậu đặt tên cho là Xiêm, để ghi nhớ là sinh ở Xiêm. Thì ra lâu nay cô bé này đã lớn, đã được Thái hậu đem vào cung nuôi nấng. Vua thở dài: Thái hậu không quên một ai, giờ thì người đi rồi, cả cung đình này chẳng còn ai lo cho ai như người nữa.

    “Tâu, Thái hậu đi xa rồi, thì đã có hoàng thượng, hoàng hậu và các hoàng phi nối chí người ạ”. Cô bé thỏ thẻ thưa.

    Cả cung đình giờ đây ai lo phận nấy, kết thành những nhóm riêng, nguyên chuyện ai thừa kế ngai vàng cũng đã làm nảy sinh bao chuyện tranh tụng làm ngài đau đầu đau óc. “Này con, con biết tâm nguyện Thái hậu là gì không?”. “Con biết. Thái hậu muốn...”

    Gia Long thở dài. “Thái hậu lo nghĩ cho hết mọi người, ta không thể nào bằng”. Vua phải thở dài, vì việc Ngọc Tú cầu xin tuy nhỏ nhưng lại khó chuẩn y. Triều đình mới lập đang chủ trương độc tôn quyền vua, cổ súy Nho giáo, khống chế việc truyền bá Phật pháp. Khi Nguyễn Ánh mới lên ngôi vương ở Gia Định, quan thị độc là Ngô Tùng Chu đã dâng biểu nói về cái hại của đạo Phật đạo Lão, nhà vua đã chuẩn y thi hành. Nay bà chúa chị vua lại gọt tóc đi tu, khác nào đánh đổ hết công lao của triều đình. Cung nữ Xiêm băn khoăn:

    - Nhưng con vẫn nghe Thái hậu nói, các chúa Nguyễn ta từ khi lập quốc ở Đàng Trong đều rất hậu đãi đạo Phật, xây chùa, dựng tháp, cung kính sư tăng.

    Đúng vậy. Các chúa Nguyễn trong thời Nam Bắc phân tranh rất xiển dương đạo Phật. Bởi vì cái Nho học tôn vua đã bị chúa Trịnh giành mất, với chiêu bài giả dối là vua Lê bù nhìn nằm trong tay họ đến mấy trăm năm. Chúa Nguyễn không thể tôn vua nên phải tôn Phật, bởi dân chúng cần có niềm tin, để họ đói khát niềm tin họ sẽ làm loạn. Bây giờ, sự thế đã khác. Vua Lê không còn, cả nước thống nhất, chỉ có một hoàng đế là ta. Học thuyết tôn vua phải được tái lập, mà muốn tôn vua tuyệt đối thì không thể có thần tượng khác.

    Cô bé Xiêm thừ người: “Tâu Hoàng thượng, ngài nói cao siêu quá, con chẳng hiểu gì cả”.

    Nhà vua phì cười: “Vì con không hiểu, ta mới nói với con”. Nhìn vẻ mặt ngây ngô của cô bé, vua bỗng như trút bớt được nhiều phần chất chứa trong lòng. “Tâu Hoàng thượng, còn chuyện bức thư... của Võ tướng quân?”

    Vua vụt cau mày, vẻ thư thái biến mất. “Chúa Nhì thật càn rỡ, dám nghi ngờ Trẫm. Thỉnh cầu như vậy là thách thức, là khi quân. Từ xưa chỉ có bề tôi giãi bày với vua, chứ vua chẳng phải giãi bày với bề tôi bao giờ. Mọi việc đã có quan viết sử ghi chép, trẫm không việc gì phải bận tâm”. Cũng chính vì cái thuyết tôn quân mà ngài không thể chấp nhận được điều thỉnh cầu, có thể là rất bình thường của người em gái đối với anh ruột.

    “Dạ, mà sử quan thì chắc chắn là phải viết thế nào cho hợp ý nhà vua thôi”. Xiêm nói ngon lành. Mới nghe như lời tán thành, ngẫm kỹ thì lại khác, vua hơi chững lại rồi bật cười. “Thảo nào Thái hậu yêu mến ngươi. Xem ra ngươi cũng biết ăn nói, không ngây ngô như ta tưởng”. Ngài thầm nghĩ, con bé Xiêm này, cả nhà đều là công thần. Thái hậu lại yêu nó, cho nên nó có biết uốn lưỡi bao giờ đâu. Thế mà hay, không chừng nó sẽ xuất sắc trong vai sứ giả...

    Nhưng hôm sau, cô bé Xiêm không đỡ giùm gánh nặng cho hoàng đế được như ngài mong đợi. Công chúa Ngọc Du quắc mắt, đập án thư đánh rầm:

    - Ranh con, ta không nói chuyện với mi, ta vào hỏi thẳng hoàng huynh ta.
    Xiêm vội chạy đến cửa ngách thông vào chính điện, giang tay ngăn lại:

    - Xin công chúa cứ đánh, cứ chửi tiện tỳ bao nhiêu cũng được, đừng liều lĩnh mạo phạm... Hoàng thượng đang cùng các tôn thất xem lại văn tế.

    - Mày là ai mà dám truyền ý của hoàng huynh ta. Ta đánh cho mày chết.
    Nhiều năm làm vợ Võ Tánh, nàng đã lây cái khí kiêu ngông của chồng, đến chết vẫn còn kiêu ngông. Xiêm chạy quanh, tránh đòn công chúa. Ngọc Du càng tức, quơ hết bất cứ cái gì vớ được trên bàn ném vào người Xiêm, cái quạt, hộp trầu, hộp thuốc lá bằng ngà, chén tống, chén con, nối nhau vọt đi, cái thì trúng ngực, trúng lưng Xiêm nghe bình bịch, cái thì văng vào tường vỡ choang, bắn mảnh tung tóe. Ngọc Tú níu giữ em lại:

    - Em Du, đừng nóng... Coi chừng bên ngoài nghe được. Mẹ nằm chưa ấm đất, các con đã cãi nhau lớn tiếng, chẳng ra làm sao em ạ.

    Ngọc Du càng lên cơn, phừng phừng lửa trên mắt. “Mặc em, em không nín nhịn như chị. Ai ngờ có ngày muốn gặp, muốn nói với anh ruột mình một lời cũng không được!” Nàng lao ra cửa, nhất quyết gặp vua. Nhưng đến đấy nàng bỗng khựng lại, cơn mê sảng cũng hạ xuống. Vua từ trong đi ra, giữa một đoàn Thái giám. Hết sức uy nghi, ngài đi thẳng ra Hưng Miếu, nơi có thần vị của Thái hậu vừa được rước ra hôm qua.

    Nhạc lễ cất lên. Hai chị em chầm chậm dắt tay nhau ra dự tế. “Khởi... Chinh cổ”. Tiếng quan Đông Xướng vang lên, hòa trong tiếng thanh la, não bạt.

    Vậy là Thái hậu đã lên trời. Hai chị em ngồi giữa sân cung Trường Thọ. Cung trống vắng, bài vị Thái hậu đã rước đi rồi.

    Chiều lại, từ trước cửa cung, hai công chúa nhìn thấy những đoàn cung nga đi qua, những áo lượt quần là đủ màu, trâm bạc, nhẫn vàng lấp lánh, ai nấy đua nhau khoe sắc. Ngày hôm nay, thời hạn để tang đã hết. Ai nấy hối hả hưởng cuộc sống, như muốn bù lại thời gian đã mất.

    Một chiếc kiệu thêu đi qua. “Ai vậy?” Ngọc Tú hỏi. Xiêm thì thầm: “Đó là kiệu mỹ nhân họ Nguyễn Đình, vừa mới được tiến cung hôm nay”.

    Chiếc kiệu gấm đi qua để lại một mùi thơm khắp không gian. Không còn mùi nhang, mùi trầm mới hôm qua còn quyện đặc trong không khí. Chúa Nhất và Chúa Nhì nắm tay nhau, bước lần đến ô cửa tròn, nhìn ánh sáng ban ngày đang nhạt dần, những ngọn đèn lụa lấp lánh ánh vàng trong đêm hoàng cung...

    “Thôi, vào nghỉ sớm mai về đi em...” Ngọc Tú dỗ dành.

    Ngọc Du thờ thẫn bước theo chị, lửa vẫn cứ phừng phừng trong lòng. Sương thấm ướt tóc và vai hai người đàn bà, cảm giác mỏi ê ẩm dâng lên trong xương tủy. Cả hai nghĩ thầm, cùng một lúc: “Mình già rồi!”
    Mình già rồi, thời gian trôi như dòng sông vô tình, những gì không theo dòng được thì sẽ tấp vào bờ, dừng lại.

    Hai bàn tay khô quờ quạng nắm lấy nhau.

    Năm Kỷ Mão, Hoàng đế Gia Long mất, lời hứa với hai công chúa vẫn còn gác lại.

    Ngọc Du mất một năm sau, đến chết nàng vẫn không nhìn thấy bức thư.

    Còn Ngọc Tú mất năm Minh Mạng thứ tư, trước khi chết khóc với vua:

    “Cắt tóc thờ Phật đấy là ý muốn lúc bình sinh, mà chưa làm được. Nay sau khi thần nhắm mắt, xin đừng để tóc, liệm bằng áo cà sa, thế là hồn ở chín suối cũng xem như đã toại nguyện”. Vua cảm động muốn y cho, nhưng triều thần và tôn thất can: “Theo Nho học thì thân thể tóc da là của cha mẹ cho, cho đến chết phải giữ trọn vẹn, nếu không là phi lễ. Lời Chúa xin, không thể theo được.” Vua nghĩ lại, sai an táng Chúa rất trọng hậu, tế lễ nhiều ngày, duy việc làm đàn chay thì dứt khoát không.

    Sau hai mươi năm, bây giờ quyền vua đã lớn lắm rồi. Sá gì những mong ước cỏn con của người đàn bà, cho dù đấy là công chúa.

    TTM
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 18-12-2010, 09:33 AM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom