Địa đàng không quên
Mạc Can
Tôi sinh ra trên sông Tiền - còn có một tên khác là sông Bảo Định - thuộc tỉnh Định Tường, thường gọi là Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Vì nghề nghiệp, tôi đã đi và sống nhiều nơi, về các tỉnh thành khác. Không hiểu sao tôi cứ hay nhớ các rạp chiếu bóng ở những nơi từng đi qua. Các huyện xa xôi hẻo lánh có vài rạp chiếu bóng nhỏ không khí trầm lặng buồn hiu, mỗi tuần chỉ chiếu một hai suất, dù vậy mỗi khi ở đó tôi vẫn hay chờ vô coi chiếu bóng. Mỹ Tho có rạp chiếu bóng ở giữa con phố khá đẹp nhìn ra bờ sông lớn. Khi ở Sài Gòn, tôi quen rong chơi các đường phố và vẫn thích đi coi chiếu bóng. Tôi khoái nhất là các rạp chiếu bóng ở phía trước để tấm panô vẽ tuồng phim bằng bột màu coi rất hấp dẫn. Rồi tôi sưu tập những tờ chương trình quảng cáo, giới thiệu phim, có hình tài tử dán vô một cuốn tập dầy. Thường lệ vào buổi chiều mát mẻ, đông đảo khán giả tới mua vé, đứng chờ vô rạp, con nít chạy giỡn chung quanh, người lớn nói chuyện vui nhộn. Có lẽ nhờ vậy, nhờ ghiền coi chiếu bóng, tôi vừa coi vừa vô tình học lỏm cách diễn và cách quay phim hồi nào không hay, cho nên khi lớn lên có dịp gặp người đi săn ảnh chọn vai cho phim nào đó, tôi cũng được mời làm diễn viên điện ảnh, vai… phụ thiệt là phụ, cho một vài phim.
Vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Định, Đa Kao, Bà Chiểu, Khánh Hội… lúc đó có khá nhiều rạp chiếu bóng. Trung tâm Sài Gòn có rạp Rex, một rạp lớn và một rạp mini trên lầu. Cách đó không xa, ở các con đường nho nhỏ khác cũng không thiếu. Rạp Vĩnh Lợi rạp Đại Nam rạp Tân Thuận chiếu phim Tây, rạp Long Phụng chiếu phim Ấn Độ, còn riêng rạp Lê Lợi thì chuyên trị phim đen trắng chọn lọc. Mới đây tôi gặp một ông bạn già, nói chuyện nầy nọ sau bao nhiêu năm không gặp. Anh với tôi ngồi suốt đêm, bên chai rượu đỏ, nói về các tài tử điện ảnh, về những cuốn phim mà chúng tôi coi lúc còn trẻ, trong các rạp nhỏ xíu tối hù, nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi với anh luôn cùng đố nhau nhớ tên các rạp, rạp nào nằm ở đâu, trên con đường gì, nếu tôi nhớ không kịp thì anh nhắc, rồi ngược lại, lần hồi chúng tôi nhớ ra nào là rạp Cầu Bông ở Đa Kao, rạp Moderne và Kinh Thành gần chợ Tân Định, rạp Ca Thay khu Chợ Cũ… Cũng có khi hai đứa bị “đứt phim”, không nhớ nổi. Nhiều khi chỉ nhớ mang máng ở khu phố nào đó trước kia có một rạp chiếu bóng, vậy thôi. Tôi nói với anh về rạp chiếu bóng Eden nằm trong khu thương xá có nhiều tiệm bán quà lưu niệm, sách báo và tranh ảnh. Anh lim dim mắt lắng nghe tôi nói:
- Lúc đó anh biết không, tôi có mối tình đầu tiên.
Anh bạn tôi vừa cười vừa té ho vì trong câu chuyện gì gì tôi cũng chen vào một chút chuyện tình. Mà chuyện tình nào cũng đầu tiên. Tôi lại hỏi anh:
- Anh nhớ Quyên không?
- Quyên nào?
Anh không nhớ là Quyên nào, vì thật ra có không ít cô gái tên Quyên. Lúc đó tôi với anh và Quyên nầy là bạn thân cùng làm chung ở một nhà hàng ăn cũng là phòng trà ca nhạc. Anh bạn chững chạc, to cao đẹp trai, làm về âm thanh ánh sáng. Quyên ở trong đoàn múa. Còn tôi xấu trai, lùn tịt thì… học nấu bếp và học làm người pha chế rượu. Chuyện lạ kỳ làm sao Quyên lại khoái anh bếp… tương lai là tôi, có lẽ vì - chỉ là có lẽ thôi - mỗi tối tôi hay đem lên phòng hóa trang của đoàn múa vài dĩa khoai tây chiên, trong đó có một dĩa đặc biệt dành riêng cho em.
Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao lúc đó, hay là nhằm giờ linh nên Quyên bất thần rủ tôi đi coi chiếu bóng mà không rủ anh bạn đẹp trai. Quyên rủ một mình tôi, thôi thì cũng đừng nghĩ là nhờ dĩa khoai tây chiên giòn.
- À, Quyên “khoai tây chiên”!
Tới đây thì anh bạn chợt nhớ ra. Còn tôi thì xác nhận:
- Không sai.
Một buổi tối Quyên từ phòng hóa trang trên lầu tư xuống bếp tìm tôi trả cái dĩa:
- Anh gì ơi. Chiều mai em đi làm sớm.
Tôi lau bàn tay đang dính dầu mỡ vào cái tạp dề mang trên bụng vì tôi đang phụ bếp khử tỏi xắt chiên thịt bò áp chảo. Mỗi khi Quyên trả cái dĩa đựng khoai, tôi hay làm bộ vô ý khẽ chạm vào một ngón tay của Quyên, có chút xíu “gia vị” vậy thôi cũng đà quá đã. Quyên không để ý chuyện nhỏ đó, em cầm một củ khoai gọt gọt vỏ liệng vô cái sọt rồi nói tiếp:
- Anh đi coi chiếu bóng với em nha?
Gì chớ chiếu bóng là tui khoái hết biết, lại còn “đi coi với em nha?” thì sướng run người. Còn một chuyện, cái rạp Eden nầy có xa xôi gì, chỉ vài bước đi tắt qua tiệm bánh ngọt là tới cửa bếp nhà hàng nơi tôi chiên khoai đó thôi. Ngày nào tôi lại không tới thăm ông Chà Và gác cửa, vô coi cọp một suất. Tôi biết chiều mai rạp Eden sẽ chiếu phim ma. Coi phim ma thì các cô gái hay sợ kêu rú lên, lúc đó là dịp tôi sẽ nắm chặt tay nàng!
Chiều hôm sau tôi cũng… đi làm sớm. Ngượng nghịu với cái áo sơmi mới, tôi luẩn quẩn trong hành lang Eden mà tim đập mạnh, bụng dạ đánh lôtô. Hay là Quyên với mấy cô gái trong đoàn múa bày trò chọc tôi? Nhưng ai bước xuống xe xích lô bên kia đường kia kìa? Quyên chớ còn ai, chắc là Quyên hẹn với anh chàng nào đó đi coi chiếu bóng! Mấy cô trẻ hay quên mà thường thì không nói hết ý định của mình. Kỳ đời cho tới giờ phút ấy tôi vẫn “nghi” người mà Quyên vui miệng hẹn hôm qua không phải là tôi! Quyên cầm cái dù làm duyên đi qua đường, giữa đường Quyên làm duyên dừng lại chờ một chiếc xe hơi chạy qua… Diễn viên mà! Tới lề đường bên nầy Quyên chăm chú nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Sao lại ngạc nhiên? Thôi đúng rồi, chắc không phải chỉ là tôi mà còn một người nữa! Tôi nghĩ Quyên nhìn xuôi ngược rồi sẽ hỏi “Anh chờ ai vậy?”, nhưng Quyên cười và nói khác hơn là tôi tưởng tượng:
- Anh chờ em lâu chưa?
Bỗng nhiên tôi nói ngọng:
- A…n…h có đem theo… túi khoai tây chiên.
- Cũng được, khỏi mua ở ngoài. Anh mua vé chưa anh?
Hai ba tiếng kêu anh liền một lúc. Quyên đi trước, cổ chân trái của Quyên có đeo chiếc vòng vàng tây với cái chuông nhỏ, mỗi bước đi nghe leng keng vui tai. Quyên vừa đi vừa múa qua các tiệm chép và bán tranh, bán sách, tới cửa vào trong rạp. Tôi lù khù không dám bước song song với Quyên, vì Quyên cao hơn tôi đẹp hơn tôi nhiều, ví lại hồi nào giờ nói thiệt bà con thương, tôi có đi chơi chung với con gái đâu mà. Tôi tới cửa tò vò mua hai vé. Người bán vé cúi thấp xuống, tôi thấy cặp mắt mở lớn hết pha của cô ta nhìn tôi ngạc nhiên, rồi cái ông Chà Và gác cửa xé vé cũng nhìn tôi không khác. Quyên cầm túi khoai tây chiên đi trước. Tôi đưa cho ông Chà Và hai vé. Ông ta kín đáo chỉ Quyên, tôi gật đầu thì ông ta cười, theo tôi nghĩ là ông ta… khen tôi có bồ đẹp.
Rạp Eden có cái màn dầy che ánh sáng khi khán giả bước vô, ai cũng phải chui qua mới tới vườn địa đàng lúc nào cũng tối hù trong kia. Một lúc sau tôi mới quen mắt, thấy Quyên đã ngồi xuống ghế chỗ bên cạnh tôi đang đứng. Mắt Quyên nhìn lên màn ảnh, còn miệng thì nhai khoai tây. Trên màn ảnh lúc đó có một chiếc xe ngựa chạy trong mưa tuyết, trên con đường rừng vắng hoe. Rồi chiếc xe dừng lại nơi cửa… nhà mồ. Bàn tay của Quyên đang thò trong cái túi giấy đựng khoai tây, bỗng nằm im trong đó luôn, còn miệng Quyên cũng dừng lại không nhai nữa. Hình như có tiếng gì kêu leng keng dưới chân Quyên. Quyên giật chân co lên ghế, vẫn còn tiếng kêu leng keng như lục lạc trên cổ hai con ngựa cạnh nhà mồ kia. Người xà ích vẫn ngồi trên xe giữ cương ngựa. Từ bên trong nhà mồ, một con dơi bay qua cổng sắt chui vô hòm xe, hiện ra một người đàn ông ốm nhách. Ông ta nhe chiếc nanh nhọn dài ứa máu, quay lại nhìn xuống… khán giả. Quyên rú lên làm rơi cả túi khoai tây chiên, nắm chặt tay tôi kéo tôi ngồi xuống cạnh Quyên. Quyên trốn con ma, úp mặt vào vai tôi, mùi thơm từ mái tóc của Quyên làm tôi ngây ngất. Tuy vậy tôi cũng không quên thời cơ quyết liệt nầy, được cầm bàn tay của nàng một cách chánh thức, khỏi phải trung gian qua dĩa khoai, ấy là cũng nhờ cái ông ma cà rồng trên màn ảnh kia. Phim ma hay thật, đúng là phim ma chánh hiệu. Quyên nhắm mắt không coi nữa, mà thời gian vô tình vẫn còn hiệu lực, vì hai đứa về nhà hàng lúc nầy cũng còn sớm, Quyên chưa tới giờ ra sân khấu còn tôi chưa chiên khoai. Tôi xúc động để yên cho Quyên ngủ vùi trên vai tôi mà không dám cục cựa, rủi Quyên thức thì uổng, cảm giác của tôi lúc đó như lên Thiên Thai, bây giờ già rồi nhớ lại cũng còn run. Tôi ngồi im re hít thở nhẹ cho tới khi đèn trên trần rạp bật sáng, nhìn lại chỉ có tôi với Quyên trong cái rạp vắng hoe. Tối hôm đó tôi vẫn… chiên khoai nhưng không dám đem dĩa khoai lên phòng hóa trang. Tôi nghĩ là các cô kia đã biết chuyện. “Tôi Với Quyên Yêu Nhau”, năm chữ nầy có thể làm tên cho một cuốn phim ăn khách lắm chứ. Tôi vừa hãnh diện vừa tội nghiệp cho Quyên vì tôi chỉ là anh chàng phụ bếp.
Có những cuộc tình giễu cợt như vậy làm cho người ta vui sống một lúc. Những con đường lá me bay bay dưới mưa, và rạp chiếu bóng của các cặp tình nhân với tôi đã quen thuộc. Riêng với rạp Eden thì còn khá nhiều chuyện để nhớ. Toàn bộ rạp chiếu bóng nầy nằm trong tòa nhà thương xá và những căn phòng cho thuê, kín bưng không hề có chút ánh sáng mặt trời. Dường như chỉ có mỗi tôi biết một nơi có chút ánh sáng ngoài đường phố lọt vào trong rạp. Lâu lâu chán cái cảnh gọt khoai rồi tập pha rượu, tôi hay chuồn ra ngả sau nhà hàng tới cười cười với ông Chà Và gác cửa rạp, rồi chui qua cái màn dầy vô coi phim, nhiều lúc ngủ quên luôn trong đó. Trong rạp tối hù, cái tủ bán kem thường ngày luôn có một người mà tôi không hề thấy rõ mặt ngồi cạnh. Nhưng vào một suất chiếu buổi trưa tôi không thấy người đó, vì vậy mới thấy sau chỗ cái ghế anh ta ngồi có chút ánh sáng lóe lên. Ánh sáng từ đâu chui qua kẽ hở, có lẽ là khi xây cất khu rạp những người thợ hồ quên không trét xi măng kỹ. Tôi tò mò đứng nhìn. Kẽ hở chỉ rộng chừng ngón tay, khi tôi áp mắt nhìn ra thì thấy thấp thoáng ngoài kia là đường phố tràn ngập ánh nắng, nhưng không thể định hướng được là nơi nào vì tầm mắt qua kẽ hở bị hạn chế khá nhiều. Tôi lấy que kem đút qua kẽ hở làm dấu, rồi hàng ngày tôi đi quanh ngoài khu phố thương xá tìm... que kem, tức là tìm nơi mà ánh sáng ngoài phố chui vào trong vườn địa đàng.
Từ buổi chiều đi coi chiếu bóng với Quyên cho tới buổi tối hôm đó và những ngày sau, tôi khó gặp Quyên. Tôi nghĩ là Quyên hối hận việc rủ anh chàng cù lần nhát gái là tôi đi coi phim ma. Tôi cũng còn một vài lần đem dĩa khoai chiên lên phòng hóa trang, nhưng Quyên không mặn mòi lắm, rồi sau đó chuyện dĩa khoai chiên và Quyên đi vào kỷ niệm.
Một ngày buồn hiu, tôi vô rạp Eden coi chiếu bóng một mình rồi tò mò tới gần cái tủ kem sát vách tường, nhìn qua kẽ hở. Bên trong nầy là rạp chiếu bóng còn ngoài kia là đường phố. Tôi nhắm một mắt nhìn một mắt ra đường bất chợt thấy một - cận ảnh - cổ chân một cô gái có sợi dây chuyền vàng tây và cái chuông nhỏ, rồi thì - toàn hẹp - bên cạnh là đôi giày tây láng bóng của một người con trai. Mắt tôi - lia lên - một chút theo khoảng dài của kẽ hở - như là với ống kính zoom. Tôi thấy bàn tay người con trai nắm chặt bàn tay người con gái…
Từ ngày đó cho tới khi tôi trôi dạt tứ phương tám hướng, sao tôi vẫn nhớ mãi những rạp chiếu bóng và những con đường nhộn nhịp của Sài Gòn hoa lệ. Nhiều lần tôi trở về vẫn có ý tìm que kem mà tôi làm dấu bên trong vườn địa đàng. Nói vậy cho đỡ nhớ chớ que kem nào mà còn, vì mấy chục năm đã qua, đi quanh quẩn trên đường phố, chung quanh rạp chiếu bóng, tìm hoài vẫn không thấy nơi nào có cái kẽ hở để nhìn vào trong rạp. Nhìn ra thì đã mà nhìn vô thì không thể. Tôi vốn nhiều tưởng tượng và hay tự làm khổ mình. Song tôi tin là ở trong rạp chiếu bóng mà Quyên rủ tôi đi coi phim ngày nào đó đã xa, còn một nơi có chút ánh sáng xuyên qua tường, dù cho là không có đi nữa tôi cũng không bao giờ quên. Làm sao mà quên được, dù kỷ niệm chỉ còn là cay đắng. Thôi thì tôi cũng không cách nào khác, để nhớ chút hương xưa trên mái tóc Quyên, là tìm về một buổi chiều em ngủ say giấc bên tôi. Đâu đó cho tới bây giờ vẫn còn phảng phất mùi khoai tây chiên…
oOo
Chuyện tới đây là hết, nhưng tôi nghĩ là nên đùa thêm một chút cho vui. Nếu như có đạo diễn nào muốn làm phim theo truyện ngắn nầy, tôi sẽ kể dài ra thêm. Quyên mà biết thì không chừng em còn ôm chặt tôi hơn. Trên trần nhà và phía sau tấm phông trắng màn ảnh của rạp Eden, sẽ có nhiều con ma khác, từ oan hồn của những tình nhân từng ngồi bên nhau trong rạp Eden về tìm lại chút kỷ niệm xưa… Còn rất nhiều chuyện hấp dẫn xảy ra trong Vườn Địa Đàng. Nhưng bây giờ thì xin dừng lại.
À, tôi còn quên một chuyện. Hình như người bán tủ kem lâu lâu lại biến mất. Có lúc tôi thấy anh ta đứng đâu đó, trong bất cứ phim nào. Diễn viên điện ảnh nầy xuất hiện nhiều nhất là mỗi lần rạp chiếu phim ma. Rồi từ trong phim, anh ta lại trở xuống ngồi trong bóng tối cạnh tủ kem…
M.C.