• Nếu đây là lần đầu tiên bạn ghé thăm Trang nhà Chút lưu lại, xin bạn vui lòng hãy xem mục Những câu hỏi thường gặp - FAQ để tự tìm hiểu thêm. Nếu bạn muốn tham gia gởi bài viết cho Trang nhà, xin vui lòng Ghi danh làm Thành viên (miễn phí). Trong trường hợp nếu bạn đã là Thành viên và quên mật khẩu, hãy nhấn vào phía trên lấy mật khẩu để thiết lập lại. Để bắt đầu xem, chọn diễn đàn mà bạn muốn ghé thăm ở bên dưới.

Thông báo Quan trọng

Collapse
No announcement yet.

Gió thơm

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Gió thơm


    Gió thơm

    Văn Giá

    1.

    Gọi cả vùng lục tỉnh này bằng một cái tên “miền Tây Nam bộ”, hẳn người xưa lấy Sài Gòn làm trung tâm điểm. Chứ cứ như hôm nay Tuấn và Hoài đang đi xuôi theo chiều nắng từ Đồng Tháp tới Long Xuyên, có nghĩa là từ miền đông sang miền tây. Xe máy chạy nhẩn nha. Hoài ngồi sau xe Tuấn với một khoảng cách ý tứ.

    Sáng sớm. Bầu trời phương Nam cao xanh, rộng rãi. Cây trái vườn tược trùng trùng xanh mướt. Bên phải là dòng sông. Hỏi ra biết là sông Hậu. Hậu Giang. Hậu Giang ơi, nước trôi xuôi một dòng/ Đã qua đây một lần…Trong bài hát đó, có một câu hát nghe rất thương, lần nào nghĩ về miền Tây Nam bộ Tuấn cũng xuýt xoa: Em đi mau, kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến Bắc Cần Thơ… À, mà cầu Cần Thơ. Cách đây mấy ngày, Tuấn đã từ Sóc Trăng ngược về Đồng Tháp, qua phà. Nhìn lên xa xa, cây cầu mảnh dẻ, cong cong như một cây cung vắt ngang phía chân trời. Câu hát ấy giờ chỉ còn là hoài niệm. Hoài ạ… Dạ… Hoài nhướn người, nghiêng tai, áp sát mặt vào tai Tuấn. Tuấn nhắc lại. Dạ… Con gái miền Nam khi không muốn trả lời ai đó chỉ một tiếng dạ là xong. Chẳng hiểu tiếng dạ ấy nghĩa là gì… Tuấn lại hỏi. Vẫn cái câu ấy. Lần này không thấy Hoài dạ nữa. Im lặng… Xe chồm lên đoạn đường đang sửa. Hoài khẽ chạm tay vào vai Tuấn.

    Sáng nay, Tuấn đèo Hoài sang Long Xuyên thăm anh bạn của Tuấn đang dạy ở một trường đại học. Thăm bạn thì đúng rồi. Nhưng Tuấn tính ngồi sau xe là một cô gái xinh xinh kể ra cũng có cái thú của nó. Chẳng phải anh em. Chẳng phải yêu đương. Tuấn cũng không mảy may có ý tán tỉnh. Chỉ đơn thuần là một cái thú. Thế thôi… Nếu theo hướng mặt trời đang đi, thì cầu Cần Thơ ở phía sau lưng, cách xa dễ chừng sáu bảy mươi cây số chim bay. Có ai đó nói rằng, địa lý hành chính thời Pháp thuộc, họ tính toán địa vực các tỉnh thế nào đó theo hình mắt lưới, để từ tỉnh lỵ nọ đến tỉnh lỵ kia khá đều chừng sáu mươi cây số. Theo cảm nhận trong mấy lần lang thang vùng sông nước miệt vườn, Tuấn cho là đúng.

    Lần này Tuấn ở Đồng Tháp chẵn một tuần.

    2.

    Hoài nhận lời hẹn đi cà phê với Tuấn. Thì cũng để biết quán xá Đồng Tháp ra sao. Từ hôm mới tới đến giờ, công việc ngập đầu ngập cổ. Ban trưa nắng như trút lửa. Được nghỉ ít thời gian. Chẳng còn lòng dạ nào mà hẹn hò.
    Buổi chiều, Tuấn nhận được tin nhắn của Hoài, rất tiếc tối nay lỡ hẹn với anh, em phải về nhà đột xuất. Mai mốt em xuống, tính sau anh nhé. Tuấn gọi lại. Có tín hiệu nhưng không trả lời. Gọi thêm mấy cuộc cũng không thấy. Chắc có việc đột xuất của gia đình. Ai đó ốm đau chẳng hạn. Hay là… đi thăm bạn trai. Cũng có thể. Nàng bảo chưa có bạn trai. Cứ nói thế chứ, con gái ấy mà… Có lần Hoài nói sẽ không lấy chồng. Tuấn bảo phải thuận theo tự nhiên, đừng cản nó. Hoài bảo em sợ, nhìn người ta khi có gia đình rồi thấy cứ làm sao ấy. Đói khổ. Nhem nhuốc. Chắc anh chưa bao giờ bắt gặp cái cảnh người vợ trẻ tay nách đứa con, tay cầm chai rượu mua từ quán mang về cho chồng trong lúc chiều sâm sẩm tối… Sao lại phải thế? Không thế mà được a? Nó say lên nó đánh cho thì chết… Tuấn bảo, trăm người mới có một người như thế chứ. Hoài không nói gì…

    Trước giờ cơm chiều, Hoài gọi lại. Hoài bảo dì (chị của má, theo cách gọi trong này) kêu về, người chị con của dì ở thành phố về chơi, có công chuyện liên quan đến công việc của em. Ừ, chuyện lành đấy chứ? Em không có hiểu. Anh nói là không phải chuyện dữ, nghĩa là không có chuyện gì đáng phải lo lắng đấy chứ. Hoài cười, hổng có chuyện gì đâu anh, yên tâm nha. Cái tiếng “nha” kéo dài nghe đến nũng…

    3.

    Buổi sáng trên đường dọc bờ sông Hậu. Bát ngát bãi bờ. Bát ngát gió. Bát ngát vườn. Bát ngát trời mây. Nắng lên. Thỉnh thoảng một đầm sen tháng tư đã nở hoa ngút ngát. Trên bờ, đôi người đã sắp chỗ ngồi bán hoa, bán bát sen. Cữ này, ngoài Bắc vẫn còn đang những đợt rét cuối cùng. Sen mới đang trổ đôi lá lưa thưa. Tuấn bảo đến chỗ nào có quán nước xinh xinh ngồi nghỉ chút em nhé. Dạ. Một dãy quán bên phía triền sông hiện ra. Toàn đề biển Quán võng. Nhìn vào toàn thấy võng mắc chi chít giữa các gốc cây. Quán võng. Thế chả lẽ nằm uống cà phê ư? Dạ. Người đi đường xa, mỏi lưng, dừng chân uống nước, ngả lưng chút đỡ mỏi có sao. Tuấn tinh nghịch: Thế có võng đôi không? Cái vụ này… em hổng có rành. Hi hi… Tuấn không có ý định vào đó. Tuấn cảm thấy ngài ngại. Võng. Nằm. Con trai con gái. Tuấn và Hoài. Một liên tưởng khiến Tuấn thấy không ổn. Tuấn mải miết cho xe vọt lên. Bỏ rơi đằng sau một vài nghĩ ngợi.

    Lại một đầm sen chạy dọc ven lộ. Gió sen thơm mát ùa lên mặt, chạy dọc lên tận đỉnh đầu. Tuấn hít căng lồng ngực. Em có thấy gì không? Sen thơm. Đúng. Gió thơm. Đúng. Em thơm. Tuấn định đảo ngược lại chữ “em thơm” cho Hoài nghe, nhưng kịp dừng lại. Nhìn thấy một quán nước ven đầm sen. Không có võng. Tuấn rủ Hoài dừng. Trên mặt đầm, chủ quán đã cho dựng một số túp lều lợp đước. Giữa các lều được nối bằng một đường cầu dựng trên cọc chênh vênh. Hương sen tỏa thơm khắp lối đi. Tò mò, Tuấn cùng Hoài dò dẫm trên cầu ra phía giữa ao. Tuấn giúp Hoài với tay hái một bông sen sát cầu. Đi tiếp. Bất chợt nghe tiếng rúc rích. Hóa ra trong lều đã có một đôi trai gái. Tuấn nhăn mặt. Không rõ cảm giác của Hoài thế nào. Tặc lưỡi, đi tiếp. Hoài dừng lại. Tuấn liếc xéo vào trong lều, thấy bóng đôi trai gái mặc đồng phục học sinh đang quấn riết lấy nhau. Tuấn quay trở lại quán, gọi nước uống. Hoài nâng niu bông hoa hàm tiếu trên tay. Thỉnh thoảng hà hít. Vừa nhâm nhi cốc nước trà đá vừa nghe gió thơm thổi trong tóc, trong lồng ngực. Gió thơm. Hỏi chuyện, bà chủ quán cho biết, phía bên kia đường là trường học cấp hai, có hôm dăm bảy cặp bỏ học ra đây chui vào lều yêu nhau. Thế kia à? Thế thì còn học hành gì nữa. Bố mẹ ở nhà vẫn cứ yên trí con đến trường chăm chỉ… Hoài bảo, ở trường em, bọn con trai con gái cấp ba chúng nó yêu đương loạn cả lên. Lớp em chủ nhiệm, có đến hơn nửa lớp đã có người yêu, riêng trong lớp có đến sáu - bảy đôi cặp với nhau. Tuấn bảo: trong khi đó cô giáo của chúng vẫn chưa gì… Hoài cười. Tuấn lại bảo: mà anh hơi chủ quan, chứ biết thế nào…

    4.

    Tuấn chưa bao giờ giấu chuyện về gia cảnh vợ con của mình. Hoài bao giờ cũng gợi chuyện để cho Tuấn kể. Tuấn nghĩ, thì cứ kể như những gì đang có, chứ sao. Dĩ nhiên, Hoài biết, và cả Tuấn biết, giữa Hoài và Tuấn thấp thoáng một thứ cảm xúc mơ hồ dìu dịu mà cả hai không muốn đẩy nó thêm. Tuấn có gia đình yên ổn. Hoài đang còn quá trẻ, vừa mới ra trường, làm cô giáo được có hai năm. Tuấn hơn Hoài gần hai chục tuổi. Ngày trước, Tuấn quen Hoài trong một lần mang quà của tòa soạn về trao cho một nữ sinh đoạt giải thi viết trên chuyên mục Ký ức về mẹ. Hoài ở cùng phòng và là bạn thân với cô gái ấy. Hoài thật thà kể rằng Hoài cũng tham gia thi viết nhưng không được giải. Tuấn bảo: giải thì đã xong, nhưng nếu Hoài yêu nghề viết thì Tuấn sẵn sàng đọc giúp. Được lời, Hoài gửi cho Tuấn chính cái bài viết về mẹ dự thi vừa rồi.

    - Anh hỏi thật nhé, chuyện này là chuyện có thật của em với mẹ em?

    - Thật chớ sao. Hộp dầu em mua từ tiền lì xì để tặng sinh nhật má em. Em vẫn nhớ rõ ràng cảm giác của em sung sướng như thế nào khi em tặng má hộp dầu gội đầu vào buổi trưa đó.

    - Thế rồi bao lâu thì mẹ em bị rụng tóc?

    - Em cũng hổng nhớ nữa. Chừng tháng hơn tháng gì đó thôi… Một hôm em với má cùng gội đầu, má cầm một nắm tóc run run đưa cho em coi, thẫn thờ. Lúc đó, cả em và má đều hiểu rằng thủ phạm chính là cái thứ dầu dổm đó. Sau đó má em lên cơn sốt phải vào viện. Khi đỡ bệnh, ra viện, tóc má em rụng trơ ra, chỉ còn lơ thơ… Thế rồi em ân hận, khóc hoài. Má em dỗ dành, nói rằng lỗi tại tụi hám tiền làm ác, chứ đâu lỗi tại con. Em biết má an ủi em…

    - Anh tin là Hoài viết từ chuyện thật của mình. Bố mẹ Hoài làm nghề gì?

    - Ba má em đi làm cá thuê cho dì em... Má em nói không chi bằng lá gội lấy ngoài vườn nhà. Rồi từ bấy hai má con em không bao giờ đụng đến những thứ dầu gội các loại nữa.

    Tuấn nghĩ, cái gốc của sự viết là lòng thành thực. Hoài có được cái gốc đầy đặn ấy. Văn tuy có vụng, nhưng sẽ học dần... Tuấn động viên. Thư từ email qua lại, hai anh em vẫn giữ tình quen biết cũ.

    Lần này về công tác tại Đồng Tháp, gặp lại Hoài, không ngờ mới có hai năm, từ cô nữ sinh năm cuối, đến khi làm cô giáo, Hoài trông xinh lên nhiều thế. Tuấn cười thầm với ý nghĩ: chắc ngày đi học… đói ăn. Nhìn mái tóc chấm ngang lưng mượt óng của Hoài, Tuấn ướm hỏi: Hoài vẫn chung thủy với gội đầu bằng lá thơm vườn nhà đấy chứ? Anh nhớ kỹ quá ta... Chị nhà anh gội bằng gì? Anh cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng bà xã anh không bao giờ biết đến lá thơm. Cũng do bận. Gội bằng lá thơm công phu lắm chứ dễ đâu. Bây giờ đến 4/5 phụ nữ trung thành với các loại dầu gội đầu công nghệ. Thật tiện lợi, nhưng cũng nhanh hỏng tóc.

    5.

    Tối hôm sau cứ nghĩ Hoài xuống trường. Điện mấy lần không thưa. Tuấn sốt ruột. May mà Tuấn có số của Tâm, bạn dạy cùng trường với Hoài. Tâm nói là Hoài đã xuống nhà trọ rồi, nhưng có vẻ mệt thì phải. Tuấn ngỏ ý rủ Tâm đi thăm cùng.
    Tới nơi, Tâm vào trước. Rồi Tâm quay ra bảo: Hoài nói là xin lỗi anh, nay không tiện tiếp anh, hẹn mấy bữa nữa Hoài sẽ gặp anh. Tuấn năn nỉ vào thăm nhưng Tâm bảo chắc Hoài có chuyện riêng tư gì đó chứ không phải bệnh, Tuấn nên về, rồi tính sau, Tâm sẽ tính giùm. Tâm cười ranh mãnh, chào Tuấn rồi chui tọt vào trong phòng Hoài khép cửa lại.

    Đêm ấy, Tuấn gọi điện mấy lần Hoài mới trả lời. Hoài hẹn gặp Tuấn tối hôm sau.
    Tuấn lại đánh liều gọi cho Tâm. Tâm bảo cũng không rõ chuyện gì, nghe đâu Hoài tính sắp đi du học nước ngoài. Tâm chỉ biết có vậy thôi.

    Tuấn đi đi lại lại trong phòng. Du học nước ngoài. Hay là lấy chồng nước ngoài? Tại sao các cô gái ưu tú xứ này lại cứ phải lấy chồng nước ngoài nhỉ. Đàn ông nước này chết hết cả rồi hay sao. Mà nước ngoài nào? Đài Loan. Hông Kông. Hàn Quốc. Trung Quốc?... Em ơi, biết bao thảm cảnh ê chề mà em không biết ư. Hay là em có đám Âu Mỹ nào chăng?... Âu Mỹ hay Nam Mỹ gì thì cũng phải cần tình yêu. Tình yêu. Chứ lấy chồng cốt để kiếm cơm kiếm tiền, cho dù để báo hiếu đi chăng nữa cũng thảm cảnh lắm. Liệu có cách nào khác hơn không?...

    Một nhà văn Nam bộ kể, có lần hơn chục em gái nhà nghèo của một ấp nọ rủ nhau lên thành phố để thi tuyển lấy chồng ngoại quốc, các em gái thì ra mặt hân hoan, các ông bố bà mẹ cũng háo hức không kém, trong đoàn người chở ghe xuồng đưa tiễn, có một đám trai cùng thôn ấp, khi đưa các cô gái cập bến xe đò đi thành phố xong, đám trai trở về, có bao nhiêu tiền rủ nhau ra quán uống rượu, càng uống càng tỉnh, không đứa nào nói với nhau câu nào, đến khi không chịu được nữa, chúng khóc rống lên như những cây tràm bị bão giông quật ngã...

    6.

    Trước khi về Bắc, Tuấn đề nghị gặp Hoài bằng được lấy một lần. Hoài hẹn Tuấn vào sáng của ngày cuối cùng, trưa đó Tuấn đã phải lên xe rời Đồng Tháp. Hoài lại rủ Tuấn đi ngược về hướng Tây. Sau lưng là phía mặt trời mọc. Ở nơi rất xa, cây cầu Cần Thơ nhìn từ con phà lên, mảnh dẻ, cong như một nét vẽ phóng khoáng.

    - Đi đâu bây giờ?
    - Anh cứ đi đi... Lúc nào thích thì mình dừng.
    - Em có chuyện gì nghiêm trọng lắm phải không?
    - Khi nào dừng, em sẽ nói.
    - Ơ, cái quán đầm sen hôm nọ này...
    - Đi tiếp đi anh.

    Chừng một quãng, Hoài vỗ nhẹ vào vai Tuấn, bảo dừng. Hóa ra bên đường cũng một đầm sen không lớn, nhưng có triền cỏ rộng, thoai thoải tới sát mép nước. Vài cây xương cá nho nhỏ trên bờ đủ để có bóng râm. Hoài bước nhanh tới đó. Tuấn ngoan ngoãn bước theo. Gió từ đầm sen thổi làm tóc Hoài bay lất phất. Thỉnh thoảng Hoài đưa tay vén tóc.

    - Anh à, em nghĩ lại rồi, em...

    - Cái gì cơ?

    - Bộ anh chưa biết sao? Hoài khẽ cười, nhìn Tuấn trìu mến. Trước đây bà chị, con của dì em có dẫn một người đàn ông lai Tây về thăm quê, nói là bạn thân của chồng chị. Từ ngày em mới ra trường cơ. Chị ấy định làm mai cho em, nói là bây giờ chỉ cần em nhận lời, xong chờ ảnh hoàn thành thủ tục, chừng năm sau về làm lễ cưới rồi đón em sang hẳn bên đó. Ảnh nói tiếng Anh. Em thì chưa thạo, biết vài câu ú ớ... Đại loại, chị ấy cứ giục em nhận lời. Em bảo chưa hiểu gì về người ta, sao dám nhận lời. Chị ấy nói nào là ảnh có món thừa kế gia sản to, nào là công việc ổn định, hiện sống độc thân... đây là cơ hội vàng để đổi đời. Em cứng đầu không chịu. Chị ấy bảo khi nào nghĩ lại thì cho chị biết. Suốt từ bấy em im lặng. Bỗng gần đây chị lại điện về. Lần này chị lại về lần nữa...

    - Nghĩa là em đã...

    - Để em nói hết anh nghe. Hắn cũng về. Lần này hắn nói được kha khá tiếng Việt. Hắn gặp em, ngỏ lời cầu hôn. Trời. Em muốn ngất xỉu luôn. Rồi hắn lại quỳ xuống chân em nữa chứ. Anh thấy đàn ông Việt mình có bao giờ quỳ gối trước đàn bà không?

    - Có thể họ quan niệm khác.

    - Ừ, thế đấy. Em bảo rằng em bất ngờ quá nên chưa thể trả lời được...

    - Nghĩa là hiện giờ em vẫn chưa quyết?

    - Cha này đã từng có vợ. Vợ và đứa con gái bị chết do tai nạn ô tô trong một chuyến đi ngoại ô. Hắn còn khoe em tấm ảnh vợ và con hắn. Tại sao hắn lại phải làm thế nhỉ?

    - Chắc là để cho em phải mủi lòng.

    - Nhưng anh biết không, có thể hắn yêu em thật.

    - ...

    - Nhưng anh biết không, em làm sao có thể chung sống với hắn khi hắn chung sống với hai hồn ma của hắn được.

    - Bố mẹ em hồi này còn làm cá nữa không?

    - ...

    - Anh xin lỗi. Ý anh hỏi là...

    - ...

    - Hoài... Cho anh xin lỗi!

    - Anh có lỗi gì đâu... Thôi mình về đi anh.

    - Sao?

    - Mình về thôi!

    - Có thể ngồi thêm một chút nữa không?

    - Về thôi!...

    Bầu trời trên cao trong vắt. Vài đám mây mỏng tang treo phăng phắc phía xa. Miên man bãi bờ. Miên man gió. Miên man vườn. Gió thơm tan loãng...

    Hoài mất hút. Cả hai cùng mất hút vào buổi sáng miền Tây…
    Đã chỉnh sửa bởi CONHAKO; 24-12-2010, 08:00 PM.
    ----------------------------

    Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó.
    Similar Threads
Working...
X
Scroll To Top Scroll To Center Scroll To Bottom