Trung Quốc rúng động với vụ bê bối rượu vang giả
Thứ Hai, 27.12.2010 | 11:22 (GMT + 7)
Sáu người bị bắt, hơn một chục tài khoản công ty bị phong tỏa sau khi vụ bê bối sản xuất rượu giả tại quận Changli, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc bị phanh phui.
Các nhà máy rượu ở Changli bị nghi ngờ làm giả thương hiệu rượu vang Great Wall nổi tiếng.
Trong vụ bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm mới nhất làm rúng động Trung Quốc này, những loại rượu vang đỏ cao cấp của các nhà máy rượu Jiahua, Yeli và Genghao được kiểm nghiệm đều biến chất hoặc có nhãn sai quy cách.
Tân Hoa xã ngày 26.12 cho biết, ba nhà máy rượu trên bị phát hiện làm hàng giả, pha trộn rượu kém chất lượng khi chính quyền địa phương kiểm tra. Tổng cộng, 5.114 thùng rượu có nhãn sai quy cách, 19 mẫu dán nhãn giả và 280 chai rượu không nhãn đã bị thu giữ. Không chỉ đóng cửa ba nhà máy, tài khoản của 16 công ty liên quan có giá trị 427 nghìn USD cũng bị phong tỏa.
Theo thông tin trên đài truyền hình CCTV ngày 23.12, năm nhà máy sản xuất rượu tại Changli bị nghi ngờ làm rượu giả và dán nhãn sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc như rượu vang Great Wall của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm, Dầu và Ngũ cốc COFCOA. Trong đoạn băng của CCTV, một người quản lý bán hàng địa phương thừa nhận nhiều loại rượu vang được sản xuất từ thành phố ven biển Tần Hoàng Đảo chỉ có 20% là nước nho lên men, còn lại là nước đường pha trộn với hóa chất gồm chất tạo màu và hương liệu.
Sản phẩm của Jiahua - một trong ba nhà máy bị đóng cửa - chỉ sử dụng nước và hóa chất để làm rượu vang khiến sản phẩm của nó có giá rẻ nhất trên thị trường, thấp hơn các loại khác đến 10 tệ (1,50 USD)/chai. Theo tài liệu duy nhất về việc bán rượu giả do Jiahua sản xuất, một người ở Bắc Kinh mua 8 nghìn chai rượu trong một ngày. Trong khi đó, CCTV cho rằng Jiahua bán khoảng 2,4 triệu chai rượu vang giả loại này mỗi năm.
Huang Weidong - một chuyên gia hàng đầu về ngành công nghiệp rượu, thuộc Hiệp hội Công nghiệp Đồ uống có cồn của Trung Quốc, nói rằng các chất phụ gia trong các loại rượu giả trên có thể gây nhức đầu, loạn nhịp tim và ung thư.
Sau báo cáo điều tra, các siêu thị ở Bắc Kinh đã thu hồi sản phẩm của các nhà máy trên ra khỏi kệ hàng. "Chúng tôi rất quan tâm đến cách xử lý vụ việc này. Nhưng trước tiên, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, chúng tôi bắt đầu loại bỏ các chai rượu bị nghi ngờ sai phạm ra khỏi kệ hàng", Zhang Tao - phát ngôn viên của hệ thống siêu thị Walmart ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc cho Global Times hay.
Fu Yun - người phụ trách ngành hàng rượu trong siêu thị Wu Mart ở Bắc Kinh - cũng phát biểu trên tờ Beijing Morning Post rằng siêu thị đã ngừng bán các loại rượu này và yêu cầu nhà sản xuất cung cấp báo cáo kết quả kiểm tra cũng như giấy phép mới.
Theo báo Anhui Business Daily, thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy cũng phát hiện hàng trăm chai rượu vang giả xuất xứ từ quận Changli.
Một nông dân tên Zhang ở Changli lo lắng thu nhập của người dân địa phương sẽ giảm mạnh sau cú sốc này. "Chúng tôi sẽ làm gì để sống nếu hầu hết các nhà máy rượu vang bị đóng cửa và không ai mua nho? Hơn 80% diện tích đất của chúng tôi đều dành để trồng nho".
Quận Changli vốn nổi tiếng về sản xuất loại rượu vang được mệnh danh là "Bordeaux của Trung Quốc", mang lại 1/3 tổng thu nhập cho ngành rượu vang nội địa.
Zhang Yongjian - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Điều tiết ngành công nghiệp Thuốc và Thực phẩm, nói với Global Times rằng vụ việc này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp.
Huyền Anh (Theo ChinaDaily)
Comment